Search

Bài 3118. Mặt Nạ Da Người

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, thắp sáng trí tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu để thấu được vạn pháp là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thương yêu đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Cầu nguyện cho song thân phụ mẫu hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng. Trở về với hơi thở cùng nhớ lời Đức Phật dạy, hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi để lan tỏa tình yêu thương. Quán tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, quán tâm Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và quán tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê, giúp cho chúng ta tăng trưởng được năng lượng mật điển, tha lực siêu thế vận chuyển tới cho chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, chú để hôm nay rất lạ, nhưng thực tế mỗi người cần phải quan tâm. Người học Phật phải rất chân thật, nếu tâm chân thật không còn trong ta, không có pháp môn nào ta học có thể đưa đến sự thành tựu. Chủ đề “Mặt Nạ Da Người”. Từ xa xưa rồi con người đã biết làm những cái mặt nạ để đeo lên. Trong những tôn giáo thờ thần, cúng kính thuở xưa, các vị chủ lễ hay những vị thầy tế lễ, nói chung mọi người khi nói tới một vị thần linh hay một vị nào đó có sức mạnh cứu độ cho chúng ta, thì chúng ta thường ngồi mường tượng ra hình ảnh của những vị đó tạo thành những cái mặt nạ. Ngày nay ta vẫn thấy truyền thống đó được lưu truyền trong lễ hội dân gian hoặc những lễ hội cúng kính. Nhiều dân tộc vẫn có những hình mặt nạ của Thần Linh, đeo vào nhập vai đóng tuồng để thể hiện trong những lễ hội như vậy.

Mặt nạ quá gần gũi với con người, nhưng cũng có một loại mặt nạ người ta tạo ra để che giấu khuôn mặt thật của họ, đó là những người tinh tế thời xưa biết chế tạo ra các mặt nạ y như mặt thật. Còn những người không tinh tế thì che kín mặt, hở hai con mắt lấy vải che, những cách che như vậy rất thô nhưng họ vẫn có thể làm được những chuyện ác như đi cướp giật, cướp bóc, sát hại người. Thường thì những người đi trộm cắp làm bậy hay trùm kín mặt. Ngoài vấn đề ý nghĩa của tôn giáo thì tất cả những ai đeo mặt nạ, nếu không nằm ở trong tôn giáo hoặc nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu thì hầu hết những ai đeo mặt nạ, đặc biệt mặt nạ da người là che dấu. Có hai điểm: che dấu khiếm khuyết trên khuôn mặt của mình hoặc che giấu những hành vi mình muốn làm, không muốn cho người khác nhận ra mình. Khi kỹ thuật chế tạo mặt nạ bằng silicon hoặc da người quá tân tiến, đến mức mà tội phạm đã dùng mặt nạ da người để hóa trang làm những việc đồi bại, sai trái, nguy hại cho cộng đồng xã hội và khi đeo mặt nạ dạng tân tiến da người ngày nay thì tội phạm đó thật khó phát hiện. Người ta không những đeo mặt nạ trên mặt, người ta còn đeo cả những dấu tay được chế tác ra để khi hành hung tội phạm không tìm ra được.

“Mặt nạ da người” đối với người Phật tử tại gia chẳng phải bỏ tiền đi ra ngoài kia để mua đeo vào che dấu. Chẳng phải con người chúng ta tốn tiền để mua đâu, mà là một hiện trạng, một hiện tượng lâu lắm rồi nơi chính chúng ta. Dù không biết chế tác ra mặt nạ da người để đeo, nhưng đã làm cho da mặt của chúng ta thay đổi phù hợp với mọi cảnh để che giấu bản thân, điều đó có! Chúng ta hay diễn tuồng, cũng một khuôn mặt đó có nhiều biểu cảm không chân thật với tâm, người buồn thối ruột mà cứ giả vờ đóng kịch, cười. Hỏi có chuyện gì không liền trả lời “Không sao! Không sao!”. Đeo mặt nạ da người chẳng ai thấy, che giấu biểu cảm. Không phải chỉ có đó, mà trong cuộc sống hàng ngày nhận thức cho kỹ, tin tường thì ai trong chúng ta cũng biết chính bản thân của mình thường hay che giấu. Cho nên trên khuôn mặt của ta khó ai nhận diện được ta và chúng ta cũng nhận rõ được những khuôn mặt của người thân, người quen khi tiếp xúc, khi họ đeo lên mặt nạ của những tâm tánh lạ thường. Các bạn có đang đeo mặt nạ da người để đóng tuồng, diễn xuất vào một vai trò nào đó, làm tổn hại đến ai không? Nhà Phật có câu “Tướng do tâm sinh ra”, điều này rất đúng! Chúng ta phải tránh tình trạng tướng ác mà đóng vai hiền hoặc tướng hiền mà đóng vai ác. Có chuyện đôi khi rất buồn cười nhưng lại thực tế, có một người diễn viên đóng vai thủ ác ghê gớm dữ lắm, rồi khi ra đời những người coi phim họ ghét những vai ác, họ đâu có biết chỉ là diễn viên, thường hay bị đánh bởi nhìn trên màn ảnh người đó thủ vai ác. Nhưng mà thật ra những người đóng phim mà đóng vai ác nhiều, khuôn mặt hình như dần dần nhìn cũng ngầu các bạn, nên ra đời dễ bị đập, chuyện đó có! Nhưng nếu chúng ta lại nhìn thấy một diễn viên đóng vai thần thánh như đóng vai Phật, đóng vai Quan Âm Bồ Tát, ta tiếp xúc được với họ lòng hoan hỷ. Có lẽ trong suốt đoạn thời gian họ nhập vai những vị thần thánh đó, tướng hảo họ cũng thay đổi hiền lương, điều này có! Cho nên những diễn viên mà đóng vai ngầu thì thường xấu xí, bị đập và những diễn viên đóng vai thần thánh thường được những fan hâm mộ thương mến, điều đó có!

Trong kinh rải rác Đức Phật thường dạy về tâm sinh ra tướng và nếu chúng ta tinh tế, có thể nhận ra được đối tượng đang đối diện họ đeo mặt nạ da người hay không biết ngay, không cần phải coi tướng đâu, nhưng mà đó là thực tế trong các pháp tu. Nhưng Phật dạy không phải để con người mà để coi chính mình. Chúng ta nhìn thử coi có những điều như vầy mà Phật cho là không có hay, ta đang che giấu. Khi chuyện rất vui đáng để chúng ta cười chúng ta lại không cười, đây là một trong những dấu hiệu mà thấy rằng người đó đang đeo mặt nạ da người, giấu giếm chuyện gì, tâm thường là đang suy nghĩ lung tung và không có chánh. Thứ hai khi gặp chuyện an lạc hạnh phúc, người đó không có biểu hiện gì hòa mình vào với sự an lạc hạnh phúc. Thứ ba là khi gặp chuyện cần phải rải tâm từ bi yêu thương, họ không làm chuyện ấy. Và thứ tư chúng ta thấy đóng vai quá nhiều, để rồi khi cái thứ tư nói rằng gặp những chuyện xấu hổ mà ta không xấu hổ, gọi là chai mặt đó các bạn. Bốn cách biểu hiện như thế thường nói lên tâm của chúng ta đang che giấu, mà sự che giấu như vậy là sự bao bọc của tà tâm, của những tánh xấu và như vậy không khác gì ta đang đeo mặt nạ da người.

Nhìn kỹ để chúng ta nhận biết ra rằng, lời Phật dạy sống bằng tâm chân thật là mấu chốt trên con đường tu, mà chính Đức Phật đã dạy cho Ngài La Hầu La con ruột của Ngài, vì tâm chân thật nếu không có, thì không việc ác gì chúng ta không làm. Gặp chuyện vui cần cười ta giấu, gặp chuyện hỷ lạc ta không hoan hỷ, gặp chuyện rải tâm từ yêu thương ta không làm, gặp những chuyện xấu hổ ta không biết xấu hổ, sai không biết sai. Những điều như vậy đã làm cho tâm chân thật của chúng ta không còn hiện hữu và chúng ta biết rồi, tâm chân thật không còn dĩ nhiên tâm ác, tâm giả dối nó sẽ lấn chiếm và làm chủ mọi tạo tác của chúng ta. Những vị Bồ Tát, những vị tu mà hiểu thấu, gặp chuyện đáng cười họ cười hoan hỷ như Đức Phật Di Lặc Ngài cười một cách hoan hỷ lắm. Như các chư Phật, chư Bồ Tát, các vị luôn luôn cười rất tươi rất đẹp. Gặp chuyện hạnh phúc bình an, chuyện mà vui vui với mọi người thì các Ngài cũng hòa chúng đồng hành, gặp đau khổ cần phải rải tâm từ thì các Ngài tận tụy, hiến dâng cả cuộc đời, cho sứ mệnh ấy và những chuyện sai trái xấu hổ thì các Ngài biết, tánh biết. Ta thực hiện tánh biết, biết vui, biết buồn, biết đúng, biết sai, biết khi nào cần phải làm việc gì để tác động tăng trưởng nếu là thiện, để ngăn ngừa chặt đứt nếu là ác. Không giống như biết bao nhiêu con người sống giả dối, riết rồi lập lờ đánh mất tâm chân thật. Để ranh giới giữa điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác họ không còn phân định được nữa. Bởi vì sống quen kiểu đeo mặt nạ da người che giấu biểu cảm của mình.

Cả cuộc đời của Đức Phật chính vì Ngài giác ngộ tâm an lạc, trên khuôn mặt của Ngài luôn hoan hỷ. Thế nhưng khi gặp chuyện buồn Ngài cũng biết khóc các bạn. Khi nói đến Phật khóc không ai tin, nhưng chúng ta vừa qua mùa lễ Vu Lan, nếu trong kinh Vu Lan các bạn còn nhớ thì có đoạn Đức Phật đi vào rừng cùng với các đệ tử và thấy một đống xương bỏ trên rừng đó, Ngài đã khóc và nói với ANan: “Ai đã bỏ đống xương kia mà không chăm sóc”.
Ngài ANan thấy vậy hỏi Phật: “Tại sao Ngài khóc?”
Phật nói: “Vì trong đống xương đó có cha, có mẹ, ông bà và của chính bản thân” .
Như vậy Đức Phật không che dấu biểu cảm của mình, che giấu cảm xúc của mình mà Ngài sống chân thật với tâm của Ngài. Vui khuôn mặt Ngài hoan hỷ, buồn Ngài cũng biết khóc, nhưng cái buồn và vui của Ngài luôn được thể hiện bằng tâm Tỉnh giác, bằng lòng Từ bi, bằng Trí tuệ do tâm chân thật hiển lộ, không giấu diếm, rất chân thật.

Ngày nay tìm sự chân thật nơi ta cũng đã hiếm rồi, bởi cuộc đời vần xoay, sự lọc lừa ở bên ngoài quá nhiều, sự giả dối cũng đầy để dẫn đưa chúng ta bị lôi kéo theo những trào lưu sống ảo, nên ta không còn chân thật với chính mình. Nếu bạn và Bảo Thành không còn chân thật với chính mình, thì ai ở trên đời này ta sống chân thật với họ đâu. Cứ như thế để luận bàn chúng ta, mọi người đã không còn sống chân thật, sống ảo. Từ sống ảo nó có thật, thời xưa người ta đã biết sống ảo khi từ sống ảo chưa sáng tác ra. Ở nhà thì không biết như thế nào, nghèo, nghèo đến mà khố rách áo ôm, nhưng ra đường nhất định phải bảnh bao, nhìn như ông quan ông tướng. Ở nhà thì vợ đói, con rách nát, nhưng mà ra đường phải tiêu xài cho hoang phí, thể hiện. Cuộc sống ngày nay nó ẩn dần vào không lộ liễu, nó tinh vi đến mức như đeo mặt nạ da người, chẳng còn nhận diện ra. Nhưng nhất định trong tâm tư của mỗi người về tới nhà lột mặt nạ da người ra, chúng ta lúc đó nhìn thẳng vào bản thân, biết bao nhiêu những khối u sầu, u uất, đau đớn, phiền não tràn ngập. Nhưng ra đời vẫn phải đóng giả vai cho đẹp, cho dịu dàng, cho vững chãi, về tới nhà đổ sụp xuống ngay.

Các bạn! Trong nghệ thuật Đức Phật dạy tâm chân thật có năng lượng vi diệu để chữa lành sự đau đớn, sự phiền não, sự khổ ải. Năng lượng của tâm chân thật rất vi diệu, mang đến tình thương, trí tuệ, sự tịch tĩnh an vui cho mọi người và tích lũy được thật nhiều phước báu, bởi tâm chân thật rất cao quý. Bảo Thành không đi vào những cái mà người ta dùng mặt nạ da người để gây ác, gây tội. Thật nhiều những tài liệu về hình sự đã chứng tỏ người ta đã giấu mặt thủ ác, ném đá giấu tay có thật, giết người ghê gớm mà không lộ diện. Mỗi khi chúng ta phạm giới, đơn giản thôi là giới thứ tư – nói dối, nói vọng ngữ, nói thêm, nói bớt, nói đâm, nó thọc, nói thô ác, mà mặt tỉnh bơ. Nói dối mà nhìn không thấy nói dối, cái đó Bảo Thành và các bạn dễ phạm lắm. Giới thứ tư hình như chúng ta phạm mỗi ngày, bởi chúng ta thích tám, thích nói chuyện và những chuyện chân thật chúng ta ít có, mà những chuyện không thật thì nhiều. Chúng ta nhìn kỹ lại giới thứ tư mọi người đều phạm giới và giới này là giới mà ta thường hay đeo mặt nạ da người đây. Các bạn có khi nào gặp người nói dối mà tỉnh queo không? Tỉnh bơ không nhận ra không? Có! Các bạn có khi nào nhìn thấy người và nhận ra người ta đang nói thêu dệt mà mặt họ tươi thật là tươi không? Có! Các bạn có khi nào nhận ra họ đang nói đâm thọc mà mặt họ sao đẹp đẽ, nói thô ác mà mặt càng tươi, càng đẹp. Nhìn như có vẻ tự ái, có! Bởi giới thứ tư này ai cũng phạm mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi khắc, nếu chúng ta không quán chiếu để ý thì hầu như bản thân của mình thường phạm giới thứ tư. Sáng sớm đi uống cà phê là giới thứ tư đã bị bể rồi, bể nguyên ngày, bể toàn tập, hư hết, tâm chân thật không còn. Giới thứ tư là một trong những điều cần phải ghi nhớ, rằng khi làm những điều đó chúng ta thường đeo mặt nạ da người để che giấu. Rất nguy hại trong sự tinh vi tiến bộ của tâm lý loài người ngày nay, ngoài những diễn viên trên sân khấu ở đời còn có những diễn viên diễn tuồng như lừa gạt người khác bằng khuôn mặt đóng vai rập khuôn, nhìn rất thánh thiện nhưng thật ra đều là những sự suy nghĩ không đúng, không phù hợp, lừa bịp. Vậy nên ở trên đời biết bao nhiêu các bạn, những người thân của chúng ta đã bị lừa gạt, lừa tình, lừa tiền, lừa của, lừa luôn cả quyền lực và rồi đẩy đưa chúng ta vào hang cùng ngõ hẻm của sự nghèo đói, đau khổ, phiền não, sợ hãi và hoang mang.

Người học Phật không thể đóng vai như vậy, đeo mặt nạ da người che giấu, mà cần phải sống với tâm rất chân thật. Tâm chân thật Đức Phật đã dạy cặn kẽ lắm cho La Hầu La, Ngài nói: “Người không có tâm chân thật thì không việc ác gì không dám làm“. Nếu bạn và Bảo Thành không còn tâm chân thật, cứ đeo mặt nạ da người để phạm giới thứ tư, thì nhất định những giới khác chúng ta phạm thường xuyên, không việc ác gì bạn và Bảo Thành không dám làm. Tất cả các Kinh Đức Phật đều dạy nhất là trong Kinh Đại Bát Niết Bàn khi Đức Phật viên tịch nhập Niết Bàn, tức là từ bỏ cuộc đời, thọ mạng đã tới, Ngài dạy cho chúng đệ tử rằng: “Khi ta đi các đệ tử phải giữ giới làm trọng, mới ngỏ hầu thành tựu được các pháp ta dạy, bởi giới ai mà giữ sẽ có được Định, khi có Định mới có được Trí Huệ”. Nhưng mà chúng ta giới thì vẫn thọ, tu thì vẫn tu, nhưng không giữ, không bao giờ giữ giới. Chúng ta không quán chiếu điều đó, không nhận ra được tối quan trọng trong sự giữ giới, để tâm chân thật thực sự được ứng dụng vào mỗi tình huống của cuộc sống. Theo thói đời cứ làm ngầu và dùng mặt nạ da người của chính mình che dấu tất cả. Bạn hỏi bản thân đi, bạn có còn sống chân thật không? Còn một chút gì chân thật với mình nữa hay không? Mỗi khi soi gương chúng ta cần phải nhìn thật rõ và hỏi mình, mình có còn chút chân thật với người mình yêu thương, mình có còn chút chân thật với tất cả những người ta đang tương tác hay không? Nhất định là còn, nhưng không được sử dụng. Đáng buồn nhất là ta còn tâm chân thật nhưng ta không sử dụng, thực ra ta không bao giờ mất tâm chân thật nhưng ta không sử dụng. Mà cứ sử dụng những tâm giả dối, che đậy bằng mặt nạ da người để tự tung tự tác, có những hành động tạo ác gây đau khổ cho ta và cho người. Nếu bạn phát hiện ra ai đó đeo mặt nạ nói chuyện với bạn, tiếp xúc với bạn, bạn sẽ sợ, bạn sẽ đặt câu hỏi ngay: “Tại sao phải đeo mặt nạ?”. Nếu bạn thấy một người tới gần gũi với bạn mà mặt che kín bằng một miếng vải, hở hai con mắt, nhất định bạn thấy ấn tượng đầu tiên là kẻ xấu, kẻ tốt không bao giờ che mặt. Cho nên chúng ta thấy nếu người ta che mặt bằng những kỹ năng thô sơ như vậy ta còn nhận ra, nhưng nếu họ lấy mặt nạ da người che giấu mọi hành động của họ một cách tinh vi hơn  thì chúng ta không nhận ra và chỉ biết được khi chúng ta đã bị họ lừa. Nhiều người mất tiền là bởi vì có những người đeo mặt nạ da người tới ỉ ôi, than, rồi vì thương chúng ta cho họ mượn, một vài tháng sau họ lộ diện, nợ họ không trả họ còn chửi bới mình, họ còn hạch hỏi mình. Tiền họ mượn, tình cũng mượn, nhà cũng mượn, quyền lực họ cũng mượn và họ lừa dối ta, lừa tiền, lừa tình, lừa bạc, lừa quyền lực, danh dự. Họ đeo mặt nạ da người thật khó nhận. Người học Phật ta không bắt chước họ, đừng để mặt nạ da người của người khác làm ô nhiễm tâm chân thật để đánh mất nó. Đừng để những người xấu giấu diếm, tàng ẩn đằng sau lớp da để mưu toan những sự nguy hại, làm cho ta trở thành những người ác. Trong Mật Thiền song tu ta tu Mu A Mu Sa ngay từ đầu, ta mang tâm Từ  bi ra chúng ta rải tới muôn người, muôn loài. Ta đón nhận năng lượng tình thương của Phật vào cuộc đời, ta không sống ảo, ta không che dấu. Năng lượng tình thương tưới tẩm vào cuộc đời, giúp cho chúng ta biết sống thật với chính mình, biết phục hồi lại nhân cách cao quý để cho tâm chân thật được lan tỏa, ứng dụng vào mọi góc cạnh tương tác trong cuộc sống.

Các bạn thân mến! Người tu không đeo mặt nạ, nhất là mặt nạ da người, hãy sống chân thật. Tướng do tâm sanh, nhìn nhau chỉ trên khuôn mặt thôi ta đã nhận ra công hạnh của người đó tu như thế nào. Bạn dù có ẩn náu ở đằng sau những bộ mặt nạ da người tinh vi như thế nào đi nữa, thì cũng không giấu diếm được đối với đôi mắt của những ai tin tường học Phật. Tuy nhiên người học Phật không nên lột mặt nạ da người của người khác, mà hãy lột bỏ mặt nạ ta đang đeo trên khuôn mặt của mình. Nhìn thẳng vào tâm, tìm về nguồn chân thiện mỹ, tác động vào tâm chân thật và sống chân thật như thế để tăng trưởng phước báu, để chuyển hóa những nghiệp ác, để ngăn ngừa những tai họa và có thêm những niềm vui lui tới trong cuộc đời qua các pháp thiện lành, do tâm thiện ta thực hiện mỗi ngày. Có sao nói vậy người ơi.

Các bạn thân mến! Xin hãy trở về với hơi thở của Mật Thiền.

Thưa Phật! Ngài đã dạy La Hầu La phải sống với tâm chân thật, đời đã làm ô nhiễm chúng con và chúng con từ lúc nào đó đã đeo mặt nạ da người để làm biết bao nhiêu những điều bất thiện. Nay hiểu thấu nguyện xin Ngài gia trì cho chúng con biết lột bỏ mặt nạ da người, để sống chân thật với chính mình trong chánh niệm đời sống.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Sống với tâm chân thật.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng công đức thành tựu được hôm nay, cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn