Search

Bài 3109. Ngày Tận Thế

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con. Và gia trì cho chúng con để chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền Song Tu, thắp sáng Trí Tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Và cho các đấng sinh thành tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Đồng nguyện cho Thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống nhẹ nhàng thư giãn. Hãy cùng nhau nghĩ về lời của Đức Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”, nhiếp tâm vào trong hơi thở của Chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê. Ba mật ngôn Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác giúp cho chúng ta chuyển hóa mọi tạp niệm, giữ được tâm thanh tịnh, gắn kết với Chư Phật.

Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật!

Bảo Thành Kính chào tất cả các bạn đồng tu! Hôm nay ngày thứ sáu, Bảo Thành đang ngồi tại ngôi Đại Hùng Bửu Điện chùa Xá Lợi, tiểu bang Pennsylvania. Nơi đây cách Tổ Đình chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland hai tiếng rưỡi. Chiều qua, Bảo Thành lái xe lên trên này để chủ nhật mừng Đại Lễ báo hiếu Vu Lan. Đời sống của con người chẳng bao giờ ở một chỗ. Đôi khi, bạn ở một nơi cho tới ngày cuối đời, nhưng tâm của bạn cũng chẳng ở một nơi, thường vẫn vân du đây đó. Cái hạnh phúc tuyệt vời ngày nay, thế giới cả mười phương, thập phương thiên hạ nơi đâu cũng có thể là nơi ta cư trú. Bởi hành tinh này là của chung, chẳng riêng của một dân tộc, một con người nào. Nếu như không có sự ngăn của quốc gia và luật lệ của con người tạo ra, chúng ta chắc được tự do và hạnh phúc biết bao! Nhưng sự hình thành từng quốc thổ, từng đất nước, từng địa phương và để có được cái chỗ nắm được trong bàn tay, quản lý, kiềm chế, thúc liễm người khác, ta đã dần dần vẽ cái ranh giới để chia đôi bờ làm cho con người xa cách, chia rẽ đôi bờ để ngăn cách. Và người ta sợ hãi khi bước qua cái làn ranh giới của đất nước khác.

Đúng vậy! Ranh giới của sự sống và sự chết được người Thiên Chúa giáo, và Cơ Đốc giáo được đặt cho cái cụm từ: “Ngày tận thế”. Thiên Chúa giáo là một đạo giáo linh thiêng đã giúp cho biết bao nhiêu con người trên Trái Đất này trở về với “Chân – Thiện – Mỹ” phát huy tình yêu thương quan tâm đến tha nhân, cộng đồng, sống và hy sinh vì kẻ mình yêu. Luôn răn đe mọi người phải sống cẩn thận, sống tốt theo ý của Đức Tình yêu là Chúa, bởi “Ngày tận thế” sẽ tới, không biết lúc nào đâu. Trong Phật giáo, Đức Phật không nói đến “Ngày tận thế” như sự hiểu biết và diễn giải của các tôn giáo khác, nhưng không phải trong Phật giáo là không có  “Ngày tận thế”.

Chúng ta lược qua thế nào gọi là tận thế. Là những cái hiện tượng xảy ra hàng loạt tiêu diệt sự sống và con người, phá hủy hành tinh này, được nói nhiều trong những cuốn sách gọi là Kinh Thánh về “Ngày tận thế”. Mà từ đó trải qua biết bao nhiêu ngàn năm, con người bắt đầu diễn tả về “Ngày tận thế”, không còn ở trong cái ranh giới của Thiên Chúa giáo hay Cơ Đốc giáo, mà đã lan tới các tôn giáo khác. Và mọi người đều luôn luôn muốn trở thành nhà tiên tri nói sấm truyền về cái “Ngày tận thế”. Những ai không nghiên cứu, hoặc những ai tâm không định, những cách nói về  “Ngày tận thế” dựa trên các dữ kiện của hiện tượng xảy ra sẽ thường bị lung lay, sợ hãi, hoang mang khi có những hiện tượng đó xảy ra, hàng loạt giết chết biết bao nhiêu con người, gọi là hủy diệt đó các bạn. Khoa học đã chứng minh, trải qua hàng triệu năm, hành tinh này, Trái Đất này khi hình thành như ngày hôm nay đã từng trải qua các hiện tượng tiêu diệt các sự sống hàng loạt như núi lửa, động đất, như đại hồng thủy, như những cơn bão của không gian, hoặc những mảnh vụn của các hành tinh khác va chạm vào Trái Đất này đã giết hàng loạt những sự sống, trong đó có cả loài người. Và khoa học đã chứng minh, có thật nhiều loại thú như khủng long và các loài thú lớn vì những cơn địa chấn thay đổi của Trái Đất mà tai họa đã ập tới chúng bị hủy diệt hoàn toàn. Điều này không sai, bởi ngày nay người ta đã tìm được những bộ xương của khủng long hóa thạch, trứng khủng long hóa thạch. Như vậy, những đợt xảy ra kinh thiên động địa của thiên nhiên đối với Trái Đất đã có được những cái dấu chỉ tạm gọi là “tận thế” đối với một vài loài sự sống.

Và cứ như thế, như trong Kinh Cựu Ước của Cơ Đốc giáo nói về ngày Đại Hồng Thủy của ông Noah. Ông đã phải đóng cái thuyền thật lớn vì Thượng đế đã cho ông biết sẽ có cơn mưa lũ lớn Đại Hồng Thủy, nước dâng cao giết chết tất cả những người có tội. Và ông ta đã làm một cái thuyền, bỏ nhiều người con cháu dòng tộc, các loài thú trên đó để thoát Đại Hồng Thủy. Nếu chúng ta lại đi về trước đó một chút xíu hoặc sau đó một tí, chúng ta thấy thật nhiều những cơn biến động của hành tinh như qua động đất núi lửa, bão tố lũ lụt, hoặc những cơn đại dịch. Thời Đức Phật cũng có những cơn đại dịch quét ngang, giết chết hàng biết bao nhiêu con người mà Đức Phật đã phải dạy một bài Kinh để chúng ta nhiếp tâm vượt qua cơn đại dịch. Không những đại dịch thiên tai bão lụt do bên ngoài tác động vào hành tinh, do tự hành tinh trong cái sự hình thành tác động tới, mà sự hủy diệt lẫn nhau còn thật rõ qua các cuộc chiến tranh tàn sát để ổn định từng dân tộc từ ngàn xưa cho tới nay. Cái thấy rõ nhất mà chúng ta còn đọc được trong lịch sử mà ai cũng có thể mường tượng được là “Đệ nhất thế chiến” và “Đệ nhị thế chiến”, chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ nhì đã giết chết biết bao nhiêu con người. Đó cũng là một dấu chỉ mà con người tác động vào sự hủy diệt sự sống.

Nhưng nói về thiên nhiên đại dịch ta phải nhớ ở trong cái thế kỷ khoảng giữa thế kỷ thứ 13, tại châu Âu đã có một cơn “đại dịch đen” giết chết từ 30% đến 60% dân số châu Âu. Đó có phải là tận thế không? Rồi cho đến giữa thế kỷ 16, Châu Âu cũng lại bị một đại dịch nữa, chết đến 75 triệu người. Thông tin còn giữ lại cho những sử liệu. Nếu nói về những nước Á Đông, đại dịch cũng thiếu gì! Nhưng nói về đại dịch của Việt Nam thì nhiều lắm, nhưng hình như có một ngày tận thế trong huyền thoại của người Việt. Trong huyền thoại nha các bạn, ta nhắc lại một chút để thấy rằng ẩn ý của người xưa dùng những câu chuyện để nói đến sự hủy diệt của thiên nhiên đã giết chết biết bao nhiêu con người. Qua cái cốt truyện của người Việt mình thôi, không biết các bạn có biết được cái cốt truyện mà Đại hồng thủy dâng lên đối với người Việt Nam mình không? Hồi nhỏ Bảo Thành đọc được thì coi như là một truyện huyền thoại lịch sử của một dân tộc, nhưng hôm nay chủ đề “Ngày tận thế” mới chợt nhớ ra.

Đó là một cách viết và nói về một trận lũ lụt tàn khốc đã xảy ra nơi Quốc Tổ Việt Nam của chúng ta. Đó là cái ngày mà Sơn tinh, Thủy tinh đánh nhau. Thủy tinh đã dâng nước ngập núi cao. Sơn tinh thì làm cho núi cao hơn để muôn thú trú ở trên đó và con người an trú không bị chết. Cuộc chiến giữa Nước và Núi, giữa Thủy tinh và Sơn tinh kéo dài cho tới khi Thủy tinh không chiến thắng được phải đầu hàng, bởi vì nước càng dâng núi càng cao. Đó là huyền thoại của dân tộc Sơn tinh, Thủy tinh của chúng ta. Nhưng nếu mà nhìn một cách thực tế theo ngôn ngữ chuyển dịch đời thường ngày nay, đó là Đại hồng thủy, nước đã dâng quá cao, giết chết quá nhiều dân tộc Việt. Mà rất may chúng ta vẫn còn những cái miền núi cao mà dân xưa ông bà tổ tiên của chúng ta ẩn trú ở trên đó, để khi mùa lũ tới nước dâng lên không phải chết.

Nay trở về với chủ đề “Ngày tận thế”, Đức Phật Ngài không nói “Ngày tận thế” qua các cơn biến động của thiên nhiên, của núi lửa, của bão tố, của hồng thủy, của lũ lụt, của các mảnh vụn hành tinh khác rơi xuống, hay những cuộc chiến tranh đại dịch. Mà Ngài nói tới “Ngày tận thế” là điều rất hiển nhiên trong cái quy luật của thiên nhiên. Vũ trụ dù mênh mông cũng không bao giờ trường tồn, vẫn có ngày bị hủy diệt. Ngày hủy diệt đó tạm gọi là “Ngày tận thế”. Nhưng cái “tận thế” của sự hủy diệt nơi quy luật mà Đức Phật nhận ra giữa các hành tinh, Trái Đất, sự sống muôn loài, muôn vật trong thiên nhiên, chẳng phải “tận thế” tức là tận cùng bằng cái sự chết hủy diệt toàn diện, không còn một điều gì nữa. Mà cái “tận thế” của Đức Phật là quy luật của thiên nhiên trong cái sự nương vào nhân duyên để chuyển vận từ Thành – Trụ – Hoại – Không. Từ “Không” bắt đầu hình thành, “Trụ” một thời gian, “hủy hoại”, rồi lại trở về “Không”. Chu kỳ Thành – Trụ – Hoại – Diệt không phải là tận thế mà là quy luật luân hồi tái sanh của muôn loài muôn vật, thiên nhiên, hư không và sự sống, có thực vật và động vật. Cho nên sự bao trùm của quy luật sinh tử, sự Thành – Trụ – Hoại – Diệt nó không nằm trong sự đe dọa của Ngày tận thế, nghĩa sẽ bị hủy diệt toàn diện, không còn sự sống. Mà cái “Ngày tận thế” của Phật được vận hành theo quy luật của Nhân quả – Tái sanh để nói rõ về luật Vô Thường. Cho nên không có răn đe làm cho ta sợ mà tăng trưởng ý thức, trách nhiệm của con người đối với hành tinh xanh, con người đối với sự sống, đối với thiên nhiên, đối với nhân loại, đối với đồng loại, đối với muôn thú. Trách nhiệm bảo vệ sự sống cho mình và trân quý sự tồn sinh của muôn loài, chia sẻ để sống chung khi có nhân duyên hiện hữu trong cuộc đời.

Hy vọng các bạn rõ được lời Phật dạy, chẳng có “Tận thế” nhưng có Thành – Trụ – Hoại – Không. Từ “Hư Không” nương vào các duyên mà được “Thành”, Thành rồi “Trụ ” một thời gian sẽ bị hủy “Hoại” trở về với “Hư Không”, tận pháp giới hư không. Bạn đừng sợ vì sự răn đe của tận thế mà cuống cuồng chạy. Bảo Thành đã từng nghe qua những cái trận tiên tri sấm truyền về “Ngày tận thế”. Và có những con người có cơ hội đặc biệt, các vị đứng đầu các tôn giáo, hoặc nhân danh các tôn giáo, hoặc nhân danh các đấng từ trời cao giáng trần, giáng thế, nhập thế để mà nói những câu sấm tiên tri về Ngày tận thế. Nước Mỹ này cũng cuống cuồng ngày tận thế nhiều đợt rồi. Và những đợt như thế, có những người thông thái kỹ sư, luật sư, tiến sĩ hoang mang sợ hãi và rồi họ tập trung uống thuốc tự tử để có thể nhân ngày đó mà đi về cõi trường sinh bất tử là thiên đàng. Rồi nhớ năm 2000 cũng đồn đầy ở Mỹ ngày tận thế, bà con đi mua đèn cầy, nước uống, đủ thứ hết bởi chờ cái ngày đó – ngày chết tới với nhân loại. Rồi cứ lâu lâu lại xuất hiện những người đứng đầu tìm được những ngôn ngữ huyền linh nói về ngày tận thế. Việt Nam ta đầy, những câu sấm nói về Ngày tận thế, sự hủy diệt toàn thế giới nhưng Việt Nam vẫn còn, bởi Việt Nam là con Rồng cháu Tiên, là con của trời của đất. Cho nên khi thế giới tận thế huỷ diệt người Việt vẫn sống bởi có Đức Long Hoa giáo chủ hạ sanh. Và người Việt sẽ đứng đầu thế giới này, cầm đầu thế giới này, vận hành thế giới này, làm chủ thế giới này. Hình như tư tưởng như vậy luôn luôn có ở mọi con người và mọi dân tộc. Muốn trở thành minh chủ thì cầu Ngày tận thế hủy diệt muôn loài, để ta còn tồn tại và đứng lên trên cái ghế của minh chủ của thế giới.

Các bạn đừng chạy theo những cái tư tưởng tận thế. Dĩ nhiên, nó cũng có cái lợi là giúp cho chúng ta chẳng biết ngày nào, giờ nào tận thế sẽ tới để luôn luôn canh tân đời sống của mình và có một cái trách nhiệm cao đối với cuộc sống. Nhưng cách suy nghĩ như vậy là suy nghĩ của sự sợ hãi bởi bàn tay của Thượng đế hủy diệt chúng ta. Còn cách suy nghĩ của Phật là cách suy nghĩ của sự tiến hóa rõ ràng. Một quy luật mà ai cũng phải đón nhận, chấp nhận, không thể khước từ. Nó chẳng xảy ra vào Ngày tận thế, mà nó xảy ra từng sát na, từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc của cuộc đời. Tức là sự Thành – Trụ – Hoại – Không, sự sanh diệt, sự Vô Thường tới lui với chúng ta mỗi một giây phút trong cuộc sống, đầu đời đến tận thế. Nhưng nhớ, dù có Thành – Trụ – Hoại – Không, vòng xoay của luân hồi sinh tử, cái trách nhiệm là chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng cái tâm thiện lành, để chuyển xoay trong vòng sanh tử gạn lọc để thoát ra. Và nhớ, đó không phải là sự tận diệt, hủy diệt của một bàn tay có quyền năng tiêu diệt chúng ta, mà đó là quy luật tự nhiên.

Các bạn! Nhưng cái sự tận diệt, tạm gọi là tận thế cũng có thể xảy ra từ cái đời sống mà con người thiếu trách nhiệm, để từ đó tận diệt, hủy diệt nhũng sự sống khác như từ sinh vật và động vật, hoặc thời tiết khí hậu. Điều đó thật rõ như ở Việt Nam, con người đã góp bàn tay vào tận diệt khí hậu, làm mất đi sự cân bằng bởi phá rừng lũ lụt nhiều, hoặc bởi trời sanh, trời diệt, “vật dưỡng nhân” mà chúng ta thả dàn săn bắn, tiêu diệt. Thực vật thì cưa thì đổ, súc vật thì săn, thì bắt, thì giết ăn tận ăn diệt. Ngày nay, loài chim hoặc một loài bướm, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu còn bị hủy diệt nữa các bạn ạ. Các loài súc vật, các loài động vật, các loài sinh vật cũng bị săn lùng đến khan hiếm và tận diệt. Để rồi đất nước như trở thành sa mạc, các loài sinh vật không còn nhiều, động vật thì dần dần tận diệt hết. Giun dế còn bị bắt nữa mà. Ra ngoài đường chỉ thấy người và người, đường và đường, khí nóng và bụi. Đó là sự thiếu trách nhiệm, nên nó tác động chung hủy hoại đồng loại, sự sống khác, gây khó khăn và nguy hại cho đời sống con người. Thấy rõ ở Việt Nam thôi, chứ còn các quốc gia khác cũng có, không phải riêng gì Việt Nam. Vì chúng ta thiếu cái trách nhiệm hoặc tôn vinh “vật dưỡng nhân”, trời đã ban cho cứ thế mà xài. Chứ đâu ngờ rằng, trong cái sự tương tác hài hòa, giữ được sự sống và tôn trọng trật tự của thiên nhiên, chúng ta sẽ có một đời sống hồn nhiên, tự tại, hạnh phúc hơn. Vì muôn loài vẫn còn tồn sinh với chúng ta để bảo vệ môi trường sống chung.

Bảo Thành sống ở bên Mỹ rất may mắn. Cái luật của nước Mỹ cấm tiêu diệt, phá rừng và hủy hoại sự sống của động vật. Cho nên ở ngay nhà mình ở thôi, như ở chùa thường có thấy nai, sóc, chim đầy hết. Nhiều khi ngồi nghĩ ở Việt Nam mà có nai tới vườn sau như vậy thì thôi rồi thịt thì ăn, da thì cắt ra, còn sừng thì ngâm rượu. Thấy con sóc đầy hết mà cũng lại nghĩ: trời ơi nếu sóc này mà ở Việt Nam thì nên sóc dĩa họ ăn hết. Thấy chim hàng bầy hàng bầy đậu ở  trong chùa thấy mừng. Nhưng nếu ở Việt Nam, những cánh chim kia cũng bị dính chặt trên những sợi dây. Như chim này chim kia nhậu ở trong những cái quán ăn. Chim còn không dám bay ở trên trời Việt Nam mà. Cho nên, ta thấy cái luật nó cũng bảo vệ sự sống môi trường và sự tương hỗ, giao thoa giữa sự tự nhiên hiển lộ trong thiên nhiên trên hành tinh này, hành tinh xanh các bạn ạ. Trách nhiệm của đời sống con người tương tác với mọi loại chẳng phải ở cái chỗ trong ý nghĩa của Ngày tận thế sợ hãi.

Bảo Thành dạo qua một chút để thấy được nhiều cái hình ảnh về tận thế, tạo cho con người điên cuồng sát hại lẫn nhau. Sống vội bởi tận thế tới rồi, xả láng đi. Nhưng Đức Phật nói: Không! Tận thế không tới qua núi lửa, động đất, đại hồng thủy, những hành tinh rớt xuống đây, của phá rừng phá núi, giết hại súc vật. Mà tận thế nó tới trong cái quy luật của Vô Thường sanh – diệt nơi mỗi người chúng ta. Nhìn đi, thời gian trôi qua trên gương mặt đã thấy sự sanh – diệt rõ ràng. Mới hôm nào còn thơ, còn mộng, nay đã luống tuổi, mộng mơ cũng đã chìm. Đó! Thấy rồi sanh – diệt rõ ràng. Trong Mật ngôn số hai, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta quán chiếu sự Vô Thường để thấy được sự Thành – Trụ – Hoại – Không, quy luật sanh tử và tái sanh của muôn loài, chẳng phải của con người nói riêng. Phật dạy như vậy, chúng ta phải quán chiếu để thấy được sự tuần hoàn xoay chuyển như thế mà có một cái trách nhiệm thực sự tôn trọng sự sống của muôn loài, muôn vật, và sự sống của ta trong từng khoảnh khắc của thời gian hiện hữu đang có. Để thực sự sống, để thực sự tôn trọng, để thực sự giao thoa trong sự tương tác hài hòa, mang cái hạnh phúc an lạc tới cho nhau. Sống trong sự tịch tỉnh không lo âu, sợ hãi và phiền não bởi cái ý tưởng “Ngày tận thế”. Mà sống trong sự tịch tỉnh bởi thấu được Vô Thường của quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không mà tích lũy phước báu để có đầy đủ tư lương trên cuộc hành trình tái sanh lên cảnh giới thiện lành, an vui hơn. Cho tới khi đủ lực cất đôi cánh thiện thần bay vượt qua vòng sanh tử để tới cái cảnh giới vô sanh bất tử.

Các bạn! Ta phải quán chiếu một vòng dài như vậy để cuối cùng kết lại trong tư tưởng rằng: Đức Phật không răn đe ta về Ngày tận thế, nhưng Ngài giáo huấn ta về sự Thành – Trụ – Hoại – Không, về sự Vô Thường của muôn loài muôn vật. Mà cái chữ đó Đức Phật gọi là các Pháp, các hiện tượng. Mọi hiện tượng đều Vô Thường, có nghĩa là đều Thành – Trụ – Hoại – Không. Tạm gọi là có cái thời điểm tận diệt, hóa không, rồi lại biến trở lại trong cái cảnh luân hồi và tái sanh. Hiểu thấu như vậy, bạn và Bảo Thành sẽ có nhiều thời gian đầu tư, đồng tu và đầu tư để tích lũy những cái hành trang quý báu mang theo trên con đường tái sanh của quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không. Cái mà Đức Phật thường nhắc nhở khuyên chúng ta là: “Hãy làm việc thiện để tái tạo phước báu nhiều, hãy tu để có công đức nhiều”. Phước báu và công đức là hành trang viên mãn. Đừng để cho “Ngày tận thế” như một lời sấm truyền, tận diệt hành tinh trái đất sự sống này, để mỗi người nơm nớp lo sợ và rồi cuống cuồng sống vội, sống xả láng, tạo tội. Mà chúng ta hãy nhận thức rõ muộn sự ở đời đều Vô Thường, đều sanh diệt, đều Thành – Trụ  – Hoại – Không. Hiển nhiên, Trái Đất, cây cối, sự sống, con người, sinh vật, động vật, các hành tinh và vũ trụ cũng nằm trong quy luật của Thành – Trụ – Hoại – Không. Đừng để khi nó hình thành, nó trụ một thời gian, nó hủy hoại, biến thành không mà ta sợ. Mà hãy nương theo cái vòng xoay của Thành – Trụ – Hoại – Không tích lũy phước báu và công đức đi, bằng cái việc thiện các bạn, bằng giữ giới, bằng hành thiền, bằng mật thiền, bằng Chánh niệm hơi thở. Ta luôn an vui và tự tại, nhìn thấy sự vần xoay trong cõi luân hồi sinh tử mà tâm ta tịch tỉnh an vui và hạnh phúc.

Không biết bạn trẻ nào gửi về chủ đề “Ngày Tận Thế” nghe thấy ớn hồn, sợ quá! Nhưng thực ra có gì đâu để sợ? Nếu ta là Phật tử tại gia cũng chẳng sợ, xuất gia cũng chẳng ngán. Bởi ta đã học được lời Phật dạy, quy luật Thành – Trụ – Hoại – Không. Không có tận diệt tận thế để rồi chẳng còn gì nữa, mà chỉ là một vòng xoay trong sanh tử, tái sanh luân hồi. Ta có trách nhiệm với đời sống, ta luân hồi trong cái năng lượng tích cực. Ta vô trách nhiệm với đời sống của mình, ta sẽ luân hồi sinh tử trong cái năng lượng tiêu cực bất tịnh. Và thanh tịnh, năng lượng ấy giúp cho chúng ta an nhiên và tự tại. Tích cực ấy sẽ giúp cho chúng ta tinh tấn và tiến tới. Còn năng lượng tiêu cực sẽ đẩy lùi chúng ta, bất tịnh sẽ gây ra khổ và phiền não. Hiểu thấu, ta biết lựa chọn bởi cuộc sống của muôn loài luôn luôn mong cầu hạnh phúc và bình an. Ta lựa chọn một con đường đi để có được năng lượng tích cực thanh tịnh, luân hồi sanh tử tái sanh trong cảnh thiện để có được hạnh phúc an vui là một sự lựa chọn khôn ngoan của những ai hiểu biết lời Phật dạy. Không rơi vào mê tín dị đoan, đắm chìm trong những cái lời được gọi là tiên tri, sấm truyền để cứ hoang mang sợ hãi. Chẳng qua đó là sự tự cao ngã mạn, tự ghép mình vào những vai vế quá cao để trở thành những bậc Thánh huyễn giả, như tiếng ếch kêu dưới đáy giếng để làm khủng hoảng cuộc sống của nhân sinh qua những câu sấm truyền tào lao không đúng pháp. Ngày nay đầy hết các bạn ơi. Ra đường, ra phố cứ nghe lời sớm lời truyền, cứ nghe tiên tri nói Ngày tận thế, tận thế, tận thế, Thế giới chết hết, chết hết chỉ có dân tộc Việt Nam ta là tồn tại thôi. Cách nói đó chứng tỏ đã sai với Mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tức là quán chiếu tinh thần Vô Ngã. Cái ngã của Việt Nam quá lớn cho nên tận thế tới hủy diệt hết, mười chết bẩy còn ba, chết ba còn một. Còn cái số một đó là người Việt Nam. Ngã của Việt Nam quá lớn, chúng ta hãy phá cái ngã đó đi. Nhớ! Vạn sự, vạn pháp đều Vô Thường sanh – diệt. Tận thế không phải là hết, chỉ cần nhớ lời Phật để ta chuyển xoay vận hành trong cái Pháp luân thường, chuyển bằng cái Pháp Thiện, bằng Trí Tuệ, bằng Từ Bi, bằng sự Tỉnh Giác, thì dù ở bất cứ cảnh giới nào ta cũng có đủ phước báu và công đức để đi mãi đi mãi cho tới ngày thoát ra khỏi sanh tử, đạt tới cảnh giới vô sanh nghe các bạn.

Cảm ơn các bạn nghe. Thôi! Trở về với hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật! Quan niệm của mỗi tôn giáo, của mỗi một con người đều khác, nhưng chúng con luôn tin vào lời Phật dạy trong quy luật của Thành – Trụ – Hoại – Không để biết sẵn sàng và có trách nhiệm với đời sống của chính mình cũng như có trách nhiệm với sự sống của muôn loài mà kiếp này chúng con có cơ hội diện kiến, sống chung. Nguyện xin Chư Phật gia trì để chúng con luôn luôn biết tu trong cái nguồn năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác để biết san sẻ sự sống an lạc và hạnh phúc tới muôn loài, muôn vật trong hành tinh này, cũng như cả vũ trụ hư không bao la.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển hồi hướng cho nhau:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu có được chút phước báu nào trong sự đồng tu này, chúng con nguyện hồi hướng cho muôn loài đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn