Search

Bài 3050. Thả Trôi Phiền Muộn | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tự thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu trong Chánh niệm để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện hồi siêu cho tất cả các chư vị hương linh trong cuộc thảm sát tại Texas vừa qua theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Nguyện hồi hướng cho quý vị Phật tử, quý vị ân nhân đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu, gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và cũng cầu nguyện cho Thế giới được hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn ngồi xuống với một tư thế buông thư nhẹ nhàng, phù hợp với cơ địa của mình. Đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta nhớ về lời Đức Phật dạy: Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy Từ Bi lan tỏa và nuôi dưỡng tình yêu thương của mọi người. Trong Mật Thiền song tu, hơi thở Chánh niệm, Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán, ba mật ngôn này kết hợp hài hòa với Chánh niệm hơi thở thiền quán, chúng ta sẽ gắn kết với mười phương Chư Phật và đón nhận thật nhiều mật điển.

Chúng ta hãy bắt đầu. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng mình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mà Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Chủ đề hôm nay có lẽ rất phù hợp với mọi người chúng ta, đã được gửi về trong buổi sáng để chúng ta sinh hoạt trong đồng tu, chiêm nghiệm về cuộc đời của mình.

Chủ đề trên màn hình các bạn đều nhìn thấy: “Thả Trôi Phiền Muộn”. “Phiền muộn”, hai chữ này đơn giản. Phiền muộn thật đơn giản, ai viết cũng được, ai đọc cũng được, ai cũng hiểu. Nhưng là con người, khi cái cảm giác phiền muộn xâm chiếm, thật khó nói nên lời. Đau khổ dữ lắm! Phiền muộn không đơn giản như chúng ta nói giống như chủ đề, để rồi muốn thả trôi là thả cho nó trôi đi. Cuộc đời của các bạn và Bảo Thành đã từng trải qua biết bao nhiêu lo âu, sợ hãi, để rồi phiền muộn nó tràn vào trong tâm trí, xé nát cuộc đời, bị tả tơi, khó diễn tả. Chúng ta đã phiền muộn nhiều lắm, đã khóc vì sự phiền muộn đấy. Đôi vai đã trĩu nặng, gục ngã. Bước chân đã xiêu vẹo, không thể đứng lên. Phiền muộn rất nguy hiểm, nhưng chúng thường xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, thể chất của mỗi người chúng ta. Dĩ nhiên, cuộc sống của mỗi người ai ai cũng vậy, vì mỗi một ngày trôi qua, phiền muộn luôn ghé thăm dưới mọi dạng để khi khuỵu gối giữa trời đất, ta ngẩng mặt lên than vãn, không còn sức can đảm, dũng cảm vươn lên nữa. Té xuống rồi bị phiền muộn phủ lấp, thật khó có thể đứng dậy được.

Phiền muộn không phân biệt giai cấp, luôn luôn tới với mọi giai cấp. Phiền muộn không lẩn trốn sự khác biệt của tuổi tác. Một trăm tuổi, già rồi phiền muộn vẫn tới, mới sinh ra muộn phiền cũng ghé thăm. Dù bạn có là một thầy bói hoặc một nhà phong thủy đại tài biết trước, chẳng thể ngăn cản được phiền muộn đâu. Chúng tới, chúng tới, không ai ngăn cản được. Để cuộc sống của mình đó, phiền muộn đã quá nhiều. Chúng ta đã đi vào trạng thái của sự buông xuôi, buông trôi, không làm chủ được cảm xúc, không làm chủ được cuộc đời vì sự tiều tụy hết sức, vì sức ép gánh nặng của cuộc đời. Trong cái gọi là cuộc đời, có sức ép của tài chánh kinh tế, sức ép của tình cảm, đối nhân xử thế, sức ép của quyền lực, của danh vọng, của địa vị, của được mất, của khen chê. Bất cứ một lứa tuổi nào, sức ép đó cũng thật kinh khủng, không thể coi thường đâu.

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học và tâm lý thần kinh, mỗi một ngày trôi qua, biết bao nhiêu người đã bị cái nhiệt phiền não của phiền muộn giết chết. Mỗi một ngày trôi qua, biết bao nhiêu sự phiền muộn đã làm cho người ta khủng hoảng, điên loạn, mất trí, để rồi đưa tới những hành động tạo ác, giết người, giết bản thân, gây đau khổ. Là các bậc phụ huynh hay là người có sự suy nghĩ chín chắn, không thể coi thường sự phiền muộn khi cái cảm xúc đó tới với chúng ta. Chúng ta phải tìm cách để nhận diện, để chuyển hóa.

Chủ đề nghe thật dễ, nhưng từ cổ chí kim mấy ai có thể làm được một cách nhẹ nhàng? Nếu phiền muộn có thể như một cái thuyền giấy, ta tạo ra, thả nhẹ xuống dòng sông để thả trôi cái thuyền phiền muộn đi, chắc cuộc đời sẽ hạnh phúc lắm! Mấy ai làm được việc đó? Thả trôi phiền muộn không thể đâu. Khó! Biết bao nhiêu những nhà văn, biết bao nhiêu những nhà tâm lý học, triết học, luận học, hoặc biết bao nhiêu những vị cảm nghiệm được những cái ngôn từ hay như: Tâm lý trị liệu, thần kinh trị liệu, thôi miên trị liệu đã ứng dụng mọi phương pháp để làm thư giãn cái sự phiền muộn của mỗi người khi đọc. Có thể gọi là thả trôi được rồi đó. Nhưng cái vòng xoáy của dòng trôi nơi phiền muộn ta thả xuống vẫn tìm đường quay trở về, bởi chẳng bao giờ trôi đi mãi. Nguyên nhân là phiền muộn do nhân quả ta tạo, chẳng ai mang tới ném vào nhà mình, cho nên chẳng thả trôi được. Nếu ta tạo mà muốn thả trôi thì dễ quá. Điều này chỉ đúng với sự suy nghĩ của chúng ta. Do đó mà bao nhiêu năm qua ta đã thả trôi, ta đã buông trôi, ta đã buông xuôi nhưng phiền muộn vẫn luôn luôn tới.

Suy ngẫm ta mới thấy thực sự phiền muộn thật khó, thật khó đẩy xa, đẩy lùi, thả trôi, buông bỏ. Biết bao nhiêu những áng văn chương tuyệt tác nghiên cứu, lắp ghép, làm nên tên tuổi của các nhà văn, của các người viết, cũng như cái máy ủi quần áo cho nó thẳng thớm, cho có nếp, không còn nhăn, nhưng khi mặc vào rồi sự di chuyển lại tạo ra sự nhăn nhúm. Tâm của chúng ta đã dùng quá nhiều những thủ thuật tâm lý. Bởi tâm lý thật dễ tiếp nhận, chẳng cần phải thực tập, dễ lắm. Thủ thuật tâm lý cho những áng văn của người viết bằng những ngôn ngữ nhẹ nhàng, đi vào lòng người như cái máy ủi quần áo, ta đã ủi nếp nhăn của phiền muộn bằng những áng văn đó, nhưng nào có hết đâu? Có nhẹ một chút, có thư giãn một chút, nhưng tận cái gốc của phiền muộn vẫn còn đó. Chúng như nấm sẽ mọc dày sau những cơn mưa của những chuyện bất như ý, không như mong cầu xảy ra thì chúng liền trổ lên đầy hết.

Ta suy nghĩ thế nào về chủ đề: “Thả Trôi Phiền Muộn”? Chúng ta hãy nhìn thẳng vào trong tâm của mình coi phiền muộn đang ở đâu, nhận diện một chút xíu những cảm xúc phiền muộn đi. Có phải chăng phiền muộn tới với các bạn từ những lời ra tiếng vào khi đối xử với nhau hằng ngày? Một câu cắn đắng, phiền muộn trào dâng. Một lời không ưa, phiền muộn liền ập tới. Thật là dễ khi cái lỗ tai của chúng ta luôn luôn phải nghe. Ai có thể bịt được lỗ tai của mình? Ngủ mà còn nghe được âm thanh. Thức dậy thì hằng hà sa số những ngôn từ, lời nói âm thanh ở bên ngoài tương tác. Và hầu hết mọi cái ngôn từ, lời nói trong tương tác, có mấy điều làm cho chúng ta vui đâu? Gượng ép! Nếu không gượng ép đón nhận thì chắc có lẽ ta cứ phiền muộn, bởi ta luôn luôn có một cái tâm ý rằng: Ai cũng phải chiều chuộng ta, nuông chiều ta, cũng phải nói đúng cách để ta được vui. Nhưng ở đời ai cũng có quyền tự do ngôn luận, sử dụng ngôn ngữ và lời nói của riêng họ. Chói tai! Chói tai đó! Phiền muộn tới.

Phiền muộn tới ở đâu? Tới từ ánh mắt khi chúng ta tiếp xúc với mọi người. Tóc họ dài ta cũng phiền, mà họ cạo trọc đầu như Bảo Thành ta cũng phiền muộn. Họ đi ngang, họ đi dọc, họ đi thẳng, họ đi lui, cái gì ở trên đời ta nhìn thấy cũng tạo ra phiền muộn nếu như không ứng với cái tầm nhìn ta mong muốn. Thật là khổ! Người khó tánh nghe cái gì cũng phiền muộn, nhìn cái gì cũng phiền muộn, ngửi cái gì cũng phiền muộn. Vào nhà bếp thấy cha mẹ hoặc người thân nấu cho ăn, ngửi đúng cái hương vị không thích là phiền, là rầu rĩ. Đó! Còn khi nếm một cái hương vị đồ ăn trong một buổi chiều đi làm về do vợ hoặc chồng, người thân nấu, mệt mỏi, sức ép ở ngoài nhiều, cắn vô một miếng nếm thử là phiền muộn tới ngay. Tại sao lại nấu món ăn như vậy? Mà không nói nhẹ nhàng như Bảo Thành đâu, gay gắt, có thể đập bàn đập ghế. Bữa tối tưởng ngon miệng, đoàn viên với gia đình khi người ở nhà đã chăm sóc món ăn một cách tỉ mỉ, nhưng chỉ vì cắn vào miệng một miếng, đưa vào miệng không hợp hoặc chúng ta đang bị suy nghĩ điều gì đó liền phiền muộn tới ngay. Đi ở giữa đường vô tình người ta đụng vô người mình, phiền muộn cũng tới. Biết bao nhiêu cuộc ẩu đả xảy ra bởi vì sự va chạm trên giao thông bằng xe hoặc bằng các phương tiện khác, va chạm một chút là tay chân đã vung vẩy, mọi người đã đổ máu, phiền muộn tới. Trong tất cả mọi sự tiếp xúc của các giác quan nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta, phiền muộn luôn luôn tạo ra, bởi ta cứ luôn nghĩ ta là ông chủ, ai ai cũng phải phục tùng, cũng phải chiều chuộng, ai ai cũng phải làm như ý của ta. Cách suy nghĩ này hoàn toàn sai. Và ai đó sống với tinh thần gia trưởng suy nghĩ như thế thì hoàn toàn bị sụp đổ, đau đớn, phiền não, và người đó thường cau có, chẳng có chút bình an hạnh phúc. Thật khó chịu vô cùng khi phải sống gần với những người như thế.

Nay nói đến “Thả trôi phiền muộn” thì thả trôi làm sao? Biết bao nhiêu ngày tháng qua ta đã cố tình thả trôi nhưng không trôi đi được phiền muộn. Nếu trôi đi được phiền muộn bằng cách chỉ thả thì dễ dàng. Thực ra chúng ta phải nhớ rằng, bản chất của phiền muộn là chất dính như những loại cây ký sinh bám víu, khó gạt ra, bởi nó tự trỗi dậy hiện hình nơi ta và các ác nghiệp ta tạo. Các bạn suy nghĩ, các bạn có phiền muộn không? Có! Ai trong chúng ta cũng có. Mình phải học theo lời của Đức Phật, khám phá một chút để thấy coi lời Đức Phật dạy có thể làm cho phiền muộn tắt lịm đi, triệt tiêu đi hay không? Các bạn nhớ, nếu đoạn diệt được phiền muộn hay phiền não thì là đặc biệt lắm. Vui! Nhưng để đoạn diệt được nó phải trải qua một cái công hạnh thực tu, chẳng thể dùng phương pháp tâm lý.

Đức Phật dạy: Mọi cội nguồn cảm xúc vui buồn, sướng khổ, phiền não, hay phiền muộn đều tới từ cái nhân duyên của nghiệp thiện và nghiệp ác. Nhìn không thấu, ta cứ dùng tâm lý thì chẳng thể nào có thể đoạn diệt được phiền muộn mà còn làm hao tổn năng lượng. Như xây nhà ở trên cát, một đợt sóng nhỏ nó tan biến mất. Và như vậy ta đã làm mất công cuộc sống của mình, chẳng có lợi gì. Nhưng ở đời các bạn và Bảo Thành thích mê mẩn trong những áng văn chương tâm lý nhẹ nhàng, ta khoái, không có lợi ích. Nếu thực sự như vậy thì Đức Phật cũng là một nhà tâm lý giỏi, Ngài cũng sẽ dùng tâm lý để dạy, Ngài chẳng dùng cái chân lý đâu, bởi chân lý phải hướng dẫn và ai nghe phải thực hành. Còn tâm lý chỉ nghe là thấy khoái khoái ở trong lòng, khoái rồi là hết như một cơn gió thổi qua giữa trưa hè. Nhưng nó qua rồi chẳng đến nữa, cái sự nóng nực oi bức của nắng phiền muộn vẫn luôn luôn làm cho chúng ta  cắn rứt, khó chịu.

Có ba cái chìa khoá ta cần phải ứng dụng theo lời của Đức Phật để gọi là Đoạn diệt phiền muộn, chứ không Thả trôi. Không phải thả trôi đâu, bởi phiền muộn nó biết thả thính các bạn ạ. Các bạn biết thả trôi cho phiền muộn ra đi, nhưng chính cái năng lượng của phiền muộn nó biết thả thính để các bạn bị dính vào và rồi từ đó luýnh quýnh cả đời không thoát ra được. Các bạn có biết chữ “Thả thính” không? Phiền muộn nó biết thả thính chúng mình để ta bị dính mãi vào mà thôi, luýnh quýnh cả cuộc đời khó thoát. Đừng nghĩ thả trôi phiền muộn là thả trôi. Ta thả trôi phiền muộn, ngược lại phiền muộn thả thính ta. Đấy các bạn thấy, có những cái cơn phiền muộn chúng ta khoái, chúng ta phê mạnh luôn ở trong đầu bởi ta chẳng hiểu. Ta mượn chút phiền muộn như là để thả thính lại cuộc đời nhưng mà phiền muộn lại mượn ta thả thính cho ta dính.

Lời Phật dạy có ba cái chìa khóa để có thể đoạn diệt được phiền muộn. Thứ nhất là: Chấp nhận (Đúng ra là: Đón nhận). Chúng ta phải biết đón nhận nhưng sự đón nhận của chúng ta không đúng, không có sự chuẩn bị, thành thử ra nó dính vào, từ cái từ “đón nhận” nó biến thành “chấp nhận”. Cho nên các bạn nghe không phải vô tình đâu, thực tế câu đó đúng hơn “chấp nhận”, mà nguyên văn phải là “đón nhận”. Người ta nói: “Thôi chấp nhận đi cho nhẹ, chấp nhận đi cho xuôi việc, chấp nhận đi cho thuận buồm xuôi gió”. Nhưng với cái tâm lý như vậy, ta cứ chấp nhận, chấp nhận, chấp nhận, nhiều đời, nhiều kiếp, nhiều ngày tháng qua rồi ta chấp nhận, phiền muộn vẫn đè nặng trên vai, khổ đau vẫn đó. Chẳng phải là “chấp nhận” đâu các bạn, là “đón nhận”.

Hãy liên tưởng đến người mẹ yêu của chúng ta. Mẹ đã đón nhận ta vào đời bằng tình yêu và từ đó biết bao nhiêu gian truân, đau khổ, biết bao nhiêu thử thách thăng trầm mẹ đều đón nhận được. Và trên môi mẹ luôn nở nụ cười tươi. Và trong lòng mẹ luôn hạnh phúc an vui. Đó gọi là đón nhận đứa con vào đời bằng tình yêu và bằng sự hiểu biết chân chính rõ ràng, đây là con mình. Hình ảnh này giúp cho chúng ta dễ quán tưởng. Và từ đó, một người thiếu nữ ngây thơ nhẹ nhàng, yểu điệu thục nữ đã biến thành một người mẹ dõng mãnh như Thái Sơn, như biển trời để dang cái vòng tay ra đầy lùi mọi đau khổ, thử thách, phiền não, thăng trầm trong cuộc đời, bảo vệ người con của mình. Đó là sự đón nhận có sự chuẩn bị và chuyển hóa.

Chìa khóa của ba chữ gọi là đón nhận, chuyển hóa, và rời xa. Chúng ta phải đón nhận trong sự chuyển hóa cái tâm của mình. Cái tâm đó phải chuyển hóa bằng cái năng lượng tình yêu thương Trí Tuệ, phải rời xa các pháp ác. Không thể chỉ đón nhận như sự chấp nhận, mà không chuyển hóa cái tâm của mình bằng năng lượng tình thương bằng Trí Tuệ, và không rời xa mọi pháp ác, thì làm sao ta có thể thả trôi phiền muộn? Làm sao ta có thể đoạn diệt được phiền muộn? Sự đón nhận phải có sự chuẩn bị. Đón nhận bằng cái tâm rộng, cái tâm lớn. Đó chính là tình yêu, đó chính là Từ Bi, đó chính là Mu A Mu Sa, cái tâm rộng lớn mênh mông như biển trời của mẹ. Đó chính là cái tâm Trí Tuệ: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Lấy hai cái tâm Từ Bi, yêu thương Trí Tuệ đó, người mẹ đã đón nhận bằng sự chuyển hóa từ một người phụ nữ, hay từ một người con gái còn rất trẻ, đã biến thành một người mẹ. Nói chữ “biến” thì hơi kỳ, nói đúng ra là đã có “thần thông” để hóa hiện thành một người mẹ vững như Thái Sơn, để cho các con được dựa vào mẹ trưởng thành mà tồn tại. Rồi mẹ rời xa tất cả những thú vui của cuộc đời, những ác pháp của cuộc đời. Chỉ có thế.

Ba cái chìa quá phương ngôn của Phật dạy: Đón nhận, Chuyển hoá và Rời xa. Đón nhận bằng tâm Từ Bi, Yêu thương Trí Tuệ, rời xa mọi ác pháp bằng sự Tỉnh Giác, thế thôi. Vậy là mẹ đã chiến thắng tất cả, để cho chúng ta là những người con mới có cơ hội thả trôi phiền muộn vào trong cái tình yêu, trong cái Trí Tuệ của sự chuyển hóa nơi mẹ và nơi cái sự Tỉnh Giác của người mẹ. Các bạn thấy, có mẹ ta mới thả trôi được phiền muộn bởi mẹ chuyển hóa cho chúng ta, rồi đưa cái sự phiền muộn đó rời xa chúng ta bằng đoạn diệt mọi các pháp ác. Mẹ từ đó không bao giờ ăn chơi xả láng, không bao giờ rong ruổi theo những cảm xúc của riêng mình, rời xa tất cả mọi thú vui. Chỉ còn quan trọng nhất là thực hành các pháp thiện để mỗi khi con ốm, con đau, con khổ, mẹ luôn cầu nguyện với các đấng bề trên, với Phật, với Bồ Tát. Rồi tìm đủ mọi phương thức để có được tiền mua thuốc, tìm đủ mọi nơi mọi chỗ thích ứng phù hợp với hoàn cảnh để chăm sóc, dẫn đưa con vào đời. Như thế, ở trong cái tình trạng như vậy, những người con mới có cơ hội thả trôi phiền muộn.

Còn nếu như chúng ta chỉ nghĩ theo tâm lý đón nhận, chuyển hóa, rời xa theo cách: đón nhận mọi phiền muộn vào trong lòng, chuyển hóa không được thì rời xa, dễ quá. Không phải vậy. Bao nhiêu lần các bạn đã đón nhận mọi sự bất như ý phiền muộn quá, nhưng gồng mình lên mà chịu không được, bứt dây – Đau!. Để rồi tự chuyển hóa đó nhưng mà sức không đủ để chuyển hóa chúng. Chúng mạnh quá, lực bất tòng tâm, buông xuôi, thôi rời xa. Mà rời có được đâu? Bấy nhiêu lâu nay, ta cố rời xa phiền muộn, chúng thả thính, nó hoá hình, nó hiện trong tâm, nó cám dỗ, ta lại nhào đầu, ta lại bổ đầu vào trong đó. Thế là một vòng xoay của phiền muộn cứ như thế, cứ như thế xoay vần. Như con chuột bạch, nó được người ta nhốt ở trong lồng cho cái vòng xoáy, chúng nhảy lên quay tít thò lò, chóng mặt té cái bịch, nhưng mà nào chúng có thoát được cái lồng người ta nhốt đâu? Phiền muộn là cái lồng nhốt chúng ta vào. Mọi cái phương pháp tâm lý chỉ mua vui cho người đời, nhưng phiền muộn chẳng thể hết, như con chuột chạy vào cái vòng xoáy chạy mãi, xoay tít mù chóng mặt. Ta đã bị phiền muộn làm như thế. Nay người Phật tử tại gia hiểu thấu được cái tâm Đón nhận, Chuyển hóa,  và Rời xa, chẳng phải ứng dụng theo tâm lý, mà sử dụng cái chân lý của cái công hạnh thực tập quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Để chúng ta mở rộng cái tâm như người mẹ, cái tâm như biển trời lênh láng yêu thương con, yêu thương chính bản thân của mình. Cái tâm có Trí Tuệ nhìn thấu, có tình yêu vô tận vững chãi như Thái Sơn, mênh mông như biển trời, thong dong như mây. Và sự Tỉnh Giác tuyệt vời để rời xa tất cả những cái pháp ác là gốc, là nhân, tạo ra phiền muộn. Đó chẳng phải thả trôi phiền muộn mà đoạn diệt được phiền muộn.

Đức Phật, các chư vị Bồ Tát, các Ngài yêu thương chúng ta như mẹ. Nương vào Phật, Bồ tát, nương vào Tam Bảo, chúng ta mới có khả năng đoạn diệt phiền não hoặc buông trôi phiền muộn. Các bạn! Còn nếu tự thân dùng những tâm lý, những áng văn bay bổng làm cho chúng ta thích thú, thì phiền não chẳng đoạn diệt, chẳng buông trôi phiền muộn được đâu, chỉ cột dây thả nó ra một chút lại kéo vào mang vào trong tim và trong đầu. Đấy! Các bạn nhìn đi, phiền muộn của bạn vẫn còn là bởi vì bao nhiêu lâu nay bạn chỉ dùng phương pháp tâm lý, mê mẩn với ngôn từ, những áng văn của người này viết, người kia viết, để được thư giãn đôi phần nhưng chẳng hết. Sao chúng ta không trở về với chân lý của Đức Phật dạy, thực hành một chút đi, quán chiếu một chút thôi ta đoạn diệt được, không cần buông trôi. Nó trôi đầu này nó trồi đầu kia, rồi cuối cùng ta cũng bị chìm trong cái sự trôi nổi của những cảm xúc phiền muộn mà thôi.

Các bạn thân mến! Đi theo Phật chúng ta học, cần phải có Chánh kiến và Chánh tư duy, hiểu thấu được cái năng lượng vi diệu của Mu A Mu Sa, tức là năng lượng của Từ Bi – đại từ đại bi. Phải hiểu thấu được năng lượng siêu thế Trí Tuệ, Trí Tuệ sẽ cắt đứt hết mọi những sợi dây phiền muộn mà chúng thả thính bám chặt vào chúng ta. Trí tuệ sẽ soi rọi và rồi sẽ cắt đứt hết. Và sự Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê sẽ giúp chúng ta nhận diện ra được nguyên nhân tạo khổ, tạo ra phiền muộn, để rồi chúng ta rời xa chúng. Rời xa mà không hiểu thấu thì chẳng khác gì lại tiến vào gần, đắm chìm vào trong đó. Để rời xa cần phải có sự Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê. Để thấu rõ cắt đứt cần phải có Trí Tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Và để có thể đón nhận được tất cả phải bằng cái tâm Từ Bi tâm hỉ: Mu A Mu Sa.

Bạn suy nghĩ, từ từ bạn sẽ nhận ra. Tâm Mu A Mu Sa là tâm Từ Bi. Tâm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là tâm Trí Tuệ. Tâm Ma Sa Ốp Uê là tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác sẽ làm cho tâm của chúng ta rộng lớn mênh mông vô tận hư không pháp giới để có thể đón nhận mà không bị đau, bị khổ. Còn cái tâm nhỏ nhỏ như cái ly nước, cho một chút nước vô lắc cho mạnh là nó phun ra bên ngoài, các bạn thấy đi. Còn không, bịt kín mà lắc nó cũng sẽ bể. Cái tâm của chúng ta quá nhỏ hẹp, phiền muộn quá nhiều, đón nhận vào, nó lắc qua lắc lại, đau lòng nhau. Tâm phải rộng lớn, tâm đó là tâm Mu A Mu Sa – tâm Từ Bi. Rồi chúng ta mới có thể chuyển hóa được bằng tâm Trí Tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Và rời xa bằng tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê.

Đừng để cho cái chủ đề hấp dẫn “Thả trôi phiền muộn” là cứ mang phiền muộn mà thả trôi. Người ta nói ra dòng sông đi, nhìn nước chảy, mang phiền muộn thả xuống đó là hết. Bao nhiêu lần chúng ta đã tò te như con nít chạy ra bờ sông, mang biết bao nhiêu phiền muộn của những mối tình hoang vu, của những sự thành bại trong cuộc đời, của những cái cảm xúc này cảm xúc kia thả xuống dòng sông? Thậm chí còn làm thuyền giấy, còn thả bông, còn hoa đăng  còn đủ thứ hết, hết không? Rồi có những phương pháp tâm lý thả trôi phiền muộn, vô chỗ nào đó đập phá là hết, có hết đâu? Ở Nhật, những nhà tâm lý học tạo ra những cái nhà mình vô mình trả tiền, người ta đưa dĩa đưa đồ cho mình đập, cứ đập tới đâu trả tiền tới đó để cho phiền muộn bớt, nhưng có hết đâu? Vẫn căng thẳng. Chúng ta lại tìm những thú vui của cuộc đời để thả trôi phiền muộn vào trong những chén đầy chén vơi, vào trong những cuộc vui của những bàn nhậu, của những đêm trường dạ vũ, của những loại thuốc cấm, á phiện, thuốc lắc. Phiền muộn chẳng hết.

Các bạn hãy trở về với lời của Đức Phật dạy: để đoạn diệt được phiền muộn thì chúng ta phải đón nhận bằng tâm Từ Bi yêu thương, chuyển hóa bằng Trí Tuệ và rời xa bằng sự Tỉnh Giác các pháp ác. Và nếu muốn thả trôi phiền muộn thì ta phải nương vào đại hùng đại lực của mười phương Chư Phật Bồ Tát, ít nhất là lúc đầu để nương vào tha lực đó, làm gì? Để khởi công cho cái tự lực có chỗ trụ lại mà vươn lên. Mong rằng các Phật tử chúng ta hôm nay tư duy một chút để thấu rõ: đừng thả trôi phiền muộn theo những phương pháp tâm lý. Đã nhiều lần nhiều năm ta làm, nhưng phiền muộn vẫn còn. Phải theo chân lý của Phật: dùng tâm Từ Bi, tâm lượng Từ Bi Mu A Mu Sa, dùng ánh sáng Trí Tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, và dùng sự Tỉnh Giác tuyệt đối của Ma Sa Ốp Uê để đón nhận, chuyển hóa và rời xa các ác pháp, đoạn diệt mọi phiền muộn, sống hạnh phúc và bình an.

Các bạn cần phải thực tập. Đừng vu vơ vi vu theo những cái trạng thái của những áng văn tâm lý làm cho bay bay mơ mơ rồi rơi vào ảo tưởng, mà phiền muộn không hết. Vi vu như thế nguy hại! Ta là Phật tử tại gia. Đạo Phật là Trí Tuệ, Từ Bi, Tỉnh Giác. Và lời Phật phải mang vào qua sự hiểu biết để thực hành. Không thể để kể, để tán thán, để ca ngợi mà là để chúng ta thực hành đoạn diệt phiền muộn. Nếu muốn buông trôi thì đừng. Khổ lắm! Muốn buông xuôi thì đừng. Khổ lắm! Nhưng thả trôi thì phải nương vào Tam Bảo trong lúc đầu để rồi chúng ta đoạn diệt phiền muộn bằng sự đón nhận do tâm Từ Bi, chuyển hóa bằng Trí Tuệ, rời xa bằng sự Tỉnh Giác.

Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con theo Ngài, phiền muộn ở đó tới lui trong đời bởi cõi sanh diệt. Nguyện đón nhận tất cả bằng tâm Từ Bi, nguyện chuyển hóa tất cả bằng tâm Trí Tuệ, nguyện rời xa các pháp ác bằng tâm Tỉnh Giác. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thiền quán Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác trong từng hơi thở Chánh niệm, để đoạn diệt được phiền muộn, để nương vào Tam Bảo mà thả trôi phiền muộn của cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Phước báu nếu có được trong sự đồng tu, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn