Search

Bài 3014. Lấn Cấn Giữa Đời Và Đạo | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, Facebook Chua Xa Loi.

Mời các bạn cùng với Bảo Thành quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con với một lòng thành kính, nguyện xin Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật truyền trao lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn cho chúng con. Để chúng con khơi nguồn từ bi, lan tỏa yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, thiền trong chánh niệm để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng một lòng nguyện cầu cho thế giới được hòa bình, chiến tranh chấm dứt.

Xin chư Phật từ bi tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trong giờ phút nhiệm màu của sự đồng tu, liên kết cùng với nhau để thỉnh Phật trụ thế vào trong cuộc đời, lãnh nhận đại thủ ấn trí tuệ an lạc viên mãn. Mỗi người chúng ta nơi thân tâm này sẽ đón nhận được thật nhiều mật điển Từ Bi và Trí Tuệ, Tỉnh Giác.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Bảo Thành chào tất cả các bạn. Trong mật thiền song tu chúng ta thực tập hàng ngày, lấy chánh niệm hơi thở để điều tâm, điều ngự tâm của chúng ta và dùng tảng mật của mật ngôn để thẩm nhập vào những cái tâm ta muốn điều tâm phàm phu đi vào. Đó là tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Mu A Mu Sa là tâm từ bi. Tâm trí tuệ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Tâm tỉnh giác là Ma Sa Ốp Uê. Nói một cách ngắn gọn sự đồng tu của chúng ta hiện thời là tu mật thiền, chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Sự quán chiếu này giúp cho chúng ta hiểu thấu cuộc đời của mình và ứng dụng lời của Đức Phật truyền dạy, phát huy khả năng tối hậu vốn có nơi mỗi một con người, ứng dụng vào đời sống để mang lại hạnh phúc bình an

cho nhau. Mỗi một lần chúng ta đồng tu là biết bao nhiêu những mật điển từ bi, tha lực của chư Phật chuyển vào thân tâm của chúng ta. Mật điển này làm giàu và làm lớn mạnh khả năng vốn có nơi mỗi một con người tùy theo nhân duyên phù hợp, quán chiếu điều này chúng ta sẽ thấy được sự vi diệu vô cùng nơi mỗi một người tu tập mật thiền.

Các bạn, trở về chủ đề “Lấn Cấn Giữa Đời Và Đạo”. Bảo Thành rất thích đồng hành với quý Phật tử tại gia và hiểu được rằng trong hàng Phật tử tại gia hay còn gọi là cư sĩ, chúng ta rất lấn cấn giữa đời và đạo và có cả những bậc xuất gia cũng lại lấn cấn giữa đạo và đời. Sự mặc định từ xưa cho tới giờ trong Phật giáo, đạo Phật là đạo phải xuất gia, như những vị tăng ni từ bỏ cuộc đời, đi ngược lại cuộc đời, đó mới gọi là đạo. Sự mặc định đó đã đặt ra một chân lý ảo, đạo là ngược với dòng đời khó có thể song hành, muốn tu đạo phải bỏ đời, phải lìa đời, phải tiêu diệt cuộc đời, những sinh hoạt rất người. Khái niệm đó được đánh tráo bằng những ngôn từ ngược xuôi như người thế gian hay bỏ vô dĩa xóc ngược, xóc xuôi đoán mò, làm cho mê càng mê thêm. Và giữa con đường đạo và đời đó đã tạo ra một khoảng cách mà người Phật tử tại gia thấy con đường tu đạo khó quá, không thuộc về ta, không thuộc của ta, chỉ thuộc mấy người cạo đầu mặc áo nhà sư. Thế là

người Phật tử tại gia tới chùa với tâm lý là hưởng chút hương đạo nơi các nhà sư, còn bản thân của mình chẳng bao giờ tu bởi nghĩ ở đời có vợ chồng, con cái, công ăn, việc làm bận rộn. Chẳng xứng bởi chưa từ bỏ diệt được ái dục, diệt được những tham dục ở đời, lấy gì để tu đạo, đạo là phải diệt, diệt, diệt, diệt tận tất cả cho đến khi ta tận diệt cuộc đời cũng chưa bước vào thềm đạo được từ kiếp này qua kiếp sau và mãi mãi. Giữa đạo của các nhà sư và đời của người bình thường khó có thể chung đôi. Điều này đã làm cho giới trẻ của chúng ta nghĩ rằng Đức Phật và Phật giáo nói chung đã dạy một con đường không thực tế. Bởi nhìn trên đời có bao nhiêu nhà sư và giữa cuộc đời này có biết bao nhiêu con người, số xuất gia là sư sãi có là bao so với số con người sống ở đời trên hành tinh này. Như vậy đạo của Phật chẳng ăn nhằm, chẳng ứng dụng, chẳng thể mang vào để chuyển hóa kiếp sống của con người giữa cuộc đời này hay sao? Các bạn, đây là sự lấn cấn thực sự đấy, mà chúng ta suy nghĩ không kỹ chúng ta dễ dàng buông trôi cuộc đời chẳng chịu tu, tu hành những lời Đức Phật dạy. Nếu mình nhớ lại lời Đức Phật dạy thì thuở xưa Đức Phật giảng dạy cho ai tu? Cho tứ chúng tu, tức là bốn tầng lớp người nói chung gộp lại đấy, là tăng ni và cư sĩ nam, cư sĩ nữ, ta có thể tạm dịch là cho các sư, sư thầy, cho các sư cô và Phật tử tại gia là nam và nữ, đó là tứ chúng.

Đức Phật dạy tu cho cả bốn tầng lớp như thế, là sư thầy, hay sư cô, là Phật tử nam hay nữ, Phật đều dạy đạo để cho họ tu.

Nếu mình nhìn lại một chút xíu tới các tôn giáo bạn, chúng ta thấy nơi các tôn giáo khác người tại gia hay xuất gia còn gọi là những vị tu sĩ đó, như các linh mục hoặc các giáo dân họ đều tu đạo hết, đạo của họ không dành riêng cho các tu sĩ, mà các giáo dân, các vị linh mục đều tu, các tôn giáo khác cũng như vậy, Phật giáo cũng như thế. Chúng ta đã hiểu lầm về Phật giáo của chúng ta đạo đời khó có thể song hành được. Đối với các vị xuất gia cũng tu đạo, cũng hành đạo, đối với các Phật tử tại gia cũng tu đạo, cũng hành đạo. Riêng với các bậc xuất gia là các sư thầy, sư cô tu đạo, hành đạo mà còn hiến dâng cuộc đời để làm sao mang giáo lý của nhà Phật truyền trao cho Phật tử tại gia và sống đúng với giới hạnh gọi là pháp hành trong cuộc đời để truyền dạy cho người khác bằng thân giáo của họ. Thân giáo của người xuất gia và thân giáo của người tại gia không có khác, khác là chỗ phương tiện mà thôi. Các bậc tu sĩ các tôn giáo khác là thầy, thầy là gì? Là người học nhiều hơn, chuyên chú hơn rồi mang sự học của mình về tôn giáo đó truyền dạy, hướng dẫn cho những người không có nhiều thời gian để học. Vậy thì người xuất gia hay tu sĩ đều học

đạo. Người tại gia Phật tử của chúng ta cũng đều học đạo, nhưng hai bên ứng dụng cái phương tiện học đạo khác mà thôi.

Trở lại đạo Phật, Đức Phật dạy cho chúng ta dù là xuất gia hay tại gia, thì chân lý Ngài dạy để chúng ta nhận diện ra sự khổ trong cuộc đời do vô minh và từ đó có được khả năng nhìn rõ hơn. Mỗi người chúng ta đã có một vốn liếng cao cả tuyệt vời đó là tánh thiện lương. Chúng ta hôm nay nói đến hàng Phật tử tại gia, tâm tánh thiện lương vốn có nơi mọi người, mọi chúng sanh. Tâm tánh thiện lương đó là được dịch nghĩa để dễ hiểu, gần gũi, còn nếu nói cho nó bóng bẩy hơn thì gọi là Phật tánh. Chữ Phật tánh đôi khi nó thật khó để chúng ta hình dung, bởi từ xưa đến giờ hai chữ Phật tánh đã được chế tác ra và đã tốn biết bao nhiêu công sức, mực và giấy, thời gian, trí tuệ phàm phu đấy, như là họa sĩ diễn giải ý nghĩa của Phật tánh mà rồi nó mông lung quá. Người Phật tử tại gia khi nói đến hai chữ Phật tánh bây giờ không biết nó là gì nữa. Đối với Bảo Thành, Phật tử tại gia đơn giản một chút, hai chữ Phật tánh gọi là gì các bạn? Là tính tình thiện lương vốn có nơi chúng ta. Tính tình thiện lương đó ai cũng có và Đức Phật dạy cho chúng ta là tìm lại tính tình thiện lương đó, đừng tiêu diệt nó. Khi tìm lại tính tình thiện lương ấy ta phát triển nó và tin tưởng rằng ta có tính tình

thiện lương ấy. Ta có thể mang tính tình thiện lương đó ứng dụng vào cuộc đời để san sẽ sự yêu thương, có được sự bình an trong cuộc sống. Đó là đạo của Đức Phật đối với hàng Phật tử tại gia có vợ, có chồng, con cái đủ thứ, không có gì phải lấn cấn giữa đời và đạo, nếu còn lấn cấn là còn phân biệt. Nước từ trời mưa xuống, vùng đất nào cũng có thể sẵn sàng đổ xuống, thấm nhiều hay thấm ít là tùy theo cơ địa của vùng miền. Lời chân lý của Phật là mật điển từ bi ban rải xuống cho chúng ta, để nhận ra rằng trong chúng ta có một kho tàng vô giá là tính tình thiện lương. Đừng tiêu diệt tính tình thiện lương đó, để cho tính ác nó phát triển rồi lan tỏa trong cuộc đời, làm khổ và tạo nhiều những nghiệp lực xấu, gây hại cho đời sống của chúng ta. Ta lấn cấn là bởi vì sự phân biệt của nhiều người, đặt ra những lý luận làm cho mỗi người chúng ta khi đọc vào cảm thấy bối rối. Đức Phật luôn luôn hướng dẫn cho mọi chúng sanh nhận ra khổ và dạy cho chúng sanh nhận ra có một phương tiện vốn có là tính thiện lương nơi chúng ta. Ứng dụng nó, phát hiện nó và phát triển nó, tăng trưởng nó, hạnh phúc sẽ có, khổ đau sẽ tan dần, ai có thể làm được? Người xuất gia và tại gia đều có thể làm được. Nhưng ứng dụng như thế nào, phương tiện như thế nào thì dĩ nhiên giữa những người ở đời như Phật tử tại gia và những người xuất gia phương tiện nó khác. Chẳng phải

phương tiện khác mà sự thành tựu khác, thành tựu y như nhau, phương tiện, ứng dụng khác nhưng sự thành tựu không khác. Trở về nhà bằng đi bộ, đi xe đạp, đi honda, đi xe hơi, đi máy bay, ngồi trên kiệu cho người ta khênh hoặc nằm đó cho bò nó kéo,.. cuối cùng về tới nhà vẫn là về tới nhà, những phương tiện để đi về nhà khác, nhưng về tới nhà thì đồng một chữ. Có được tâm tánh thiện lương ứng dụng vào đó, kết quả là lan tỏa tình yêu thương, đẩy lùi đi đau khổ và có được sự an lạc trong cuộc sống. Ai muốn ứng dụng phương tiện nào thì tùy nhân duyên của họ. Người xuất gia tùy duyên mới xuất gia được, họ có cách sống riêng, họ có giới luật riêng, họ có phương tiện riêng để cũng thành được tâm tánh thiện lương, Phật dạy cho họ những phương pháp như vậy. Người tại gia chúng ta Đức Phật cũng quan tâm, quan tâm rất lớn bởi số lượng Phật tử tại gia thật đông. Cho nên Phật quan tâm thật là nhiều và Phật dạy cho Phật tử tại gia chúng ta những phương tiện để nhận ra khổ, để chuyển hóa khổ đó và phát huy khả năng vốn có là tâm tánh thiện lương để sống bình an và hạnh phúc.

Ông bà thường nói ăn ngay mà ở lành là đủ rồi, điều gì chúng ta làm cũng cứ như vậy. Ngôn ngữ khác biệt tâm ý như nhau, bạn sống hiền bạn sẽ gặp may mắn. Đó là câu ở đời, ở đạo tu thiện pháp sẽ tăng

trưởng phước báu, có khác gì đâu, chỉ là mặt ngôn ngữ thôi. Chúng ta cứ đấu tranh ngôn ngữ bắt mọi người phải ứng dụng ngôn ngữ y như mình, giống như mình, khác là không chịu được. Sống hiền thì gặp lành, những điều lành nó tới, tu phiện pháp thì có phước, có đủ phước báu thì muôn sự hanh thông. Hành động gọi là sống lành và thiện pháp không khác nhau, khác là chữ việc lành, việc thiện và thiện pháp, nhưng hành động không có khác, bởi vì thiện pháp là gì ta biết rồi, việc lành là gì ta biết rồi, y như nhau. Ngày nay gọi là khác thương hiệu mà cùng một phẩm chất, cứ đấu đá thương hiệu để tăng giá kiếm lợi cho bản thân. Ta cứ tranh chấp giữa các ngôn ngữ để nâng tầm hiểu biết của mình và từ đó đâm ra kiêu ngạo, tự cao.

Các bạn Phật tử tại gia thân mến! Đạo không đi ngược với đời, đạo của Đức Phật dạy cho chúng ta là để thăng hoa cuộc sống này giữa cuộc đời. Đời có quá nhiều khổ, đạo ứng dụng vào đời để nhận ra khổ, chuyển hóa khổ, có được sự bình an hạnh phúc. Đời có nhiều khổ, đạo chỉ cho chúng ta thấy khổ là do những pháp ác và hướng dẫn cho chúng ta tìm được cái vốn có đó là pháp thiện ai cũng có thể làm được để chuyển hóa khổ trong đời. Trong cuộc đời đó người ứng dụng phương tiện là lập gia đình, có vợ chồng, con cái. Trong cuộc đời đó người ứng

dụng phương tiện sống độc thân, độc cư, xuất gia để thành tựu được điều đó. Cho nên xuất gia là các sư thầy, sư cô cũng ở trong đời, đời là các Phật tử tại gia, cư sĩ nam, nữ cũng ở trong đời. Nhưng đời sống của người Phật tử, cư sĩ và đời sống của người xuất gia phương tiện ứng dụng trong đời sống và tu luyện khác nhau, tphành tựu thì y như nhau chẳng khác, khác là phương tiện mà thôi. Do đó các bạn hiểu rồi đừng có nhìn vào phương tiện mà so sánh, để rồi cứ lấn cấn giữa đời và đạo, hai thứ ngược xuôi khó ứng dụng. Người hay so sánh đi đến sự lấn cấn thường tạo ra sự phiền não. Người hay so sánh dễ so kè rồi dần dần ghen tị, trong đời sống thường hay ghen tị người này, người kia, họ có cái này, ta có cái kia. Và trên con đường đạo cũng thường hay ghen tị các pháp môn khác nhau tạo ra sự chia rẽ, tăng trưởng sự cống cao ngả mạn, coi thường những người khác. Cho nên các bạn nhớ nhân duyên của bạn là cư sĩ tại gia và phương tiện của bạn ứng dụng vào Phật cũng truyền trao để có được hạnh phúc và bình an.

Các pháp thiện Đức Phật dạy đối với hàng Phật tử tại gia nằm trong thập thiện thật là rõ. Còn người xuất gia họ ứng dụng nhiều phương tiện hơn hoặc những phương tiện khác biệt hơn. Họ cũng sẽ tu thiền, họ cũng sẽ tu mật, họ cũng sẽ tu tịnh độ, họ

cũng sẽ tu thiền vipassana, tứ niệm xứ, thiền minh sát hoặc mật này mật kia, tịnh này tịnh kia hoặc trì chú, đọc kinh,.. thì Phật tử tại gia của chúng ta cũng tu được những pháp môn đó. Những phương tiện của người tại gia nó nằm trong sinh hoạt của gia đình là còn đi làm, còn vợ, còn chồng, còn con gái, còn lo toang cho cuộc đời. Còn phương tiện của người xuất gia là bớt đi những phần lo lắng đó để đầu tư nhiều hơn vào con đường tu. Nhưng ở trên đời các bạn nhớ không phải ai đầu tư thời gian nhiều đều có thể thành tựu được nhiều. Biết bao nhiêu những vị xuất gia họ đầu tư cả cuộc đời đó sự thành tựu có là bao, bởi sự thành tựu đạo pháp mang lại sự an lạc và hạnh phúc chẳng phải là thời gian nhiều hay ít, mà là ứng dụng và tu luyện cho đúng, ứng dụng và tu luyện cho đúng. Phật đưa cho chúng ta hàng Phật tử tại gia những bí pháp cao siêu, nhiệm mầu, nhưng lại rất đơn giản, bình thường, dễ suy nghĩ, dễ tư duy, dễ ứng dụng. Đó là năm giới Đức Phật dạy, hàng trời người xuất gia và tại gia đều phải giữ. Chúng ta là người tại gia cũng phải giữ mà người xuất gia cũng phải giữ. Nhưng giới thứ ba, các giới kia ai cũng phải giữ, giới thứ ba thì người tại gia nói rằng: tôi không giữ được, không phải, ta giữ được bởi Đức Phật không cấm ta trong sự sinh hoạt của gia đình. Phật dạy dỗ cho chúng ta sinh hoạt đúng để bảo vệ hạnh phúc, không tạo ra phiền não

mà thôi. Cho nên giới thứ ba nếu như các bạn Phật tử tại gia giữ đúng, tức là bảo vệ được hạnh phúc gia đình đôi lứa, điều đó là tuyệt hảo rồi. Đừng nghĩ rằng giới thứ ba ta không giữ được, giới thứ nhất, giới thứ nhì, giới thứ ba, thứ tư, thứ năm đều giữ được. Nếu hiểu thấu đáo và rõ ràng năm giới đó ai cũng giữ được, có lộn xộn là những bậc xuất gia hoặc có những vị nào đó diễn giải năm giới đó chỉ có người xuất gia mới giữ được, không, ai cũng giữ được. Giới của nhà Phật là những nguyên tắc, Bảo Thành gọi đơn giản là những nguyên tắc Phật đã tìm ra, những công thức Phật đã nhận ra. Nếu ứng dụng công thức đó vào thì sẽ có được hạnh phúc và bình an. Vì đó là công thức mà Đức Phật tìm ra thì dĩ nhiên công thức ấy người khôn hoặc người ngu, người học cao hoặc học thấp, bất cứ đẳng cấp nào trong xã hội đều cũng có thể ứng dụng được công thức đó, dễ lắm. Các bạn lấn cấn giữa đời và đạo là các bạn đề cao quá đáng những điều bạn chưa hiểu.

Tất cả các phương tiện tu của những bậc xuất gia và những bậc cư sĩ tại gia là không thể lìa xa tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, các bạn suy nghĩ cùng với Bảo Thành đúng hay sai? Suốt cuộc đời Đức Phật dạy cho chúng ta tu tập tâm từ bi, trí tuệ và tỉnh giác. Các bậc xuất gia, các bậc xuất sĩ, các bậc trưởng sĩ

hay những vị Phật tử bình thường như Bảo Thành và các bạn đây, đều cũng phải tu để thể nhập vào tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác chẳng dành riêng cho người xuất gia mà loại trừ người tại gia. Đã là con người chúng ta đều có những phương tiện vi diệu và phương tiện đó hiển bày ngay tâm tánh thiện lương của chúng ta. Nếu tâm tánh thiện lương này được nhận diện, được khai thác, được ứng dụng thì từ bi, trí tuệ, tỉnh giác nó ở ngay trong tâm tánh thiện lương. Còn tâm tánh hung ác thì từ bi, trí tuệ và tỉnh giác nó bị lu mờ như mặt trời bị sương mù, bị mây đen che phủ. Giữ năm giới là chuyển hóa những đám sương mù và mây đen đi, để mặt trời trí tuệ, từ bi, tỉnh giác vốn luôn luôn như thế hiển lộ trong cuộc đời. Và như vậy đạo không dành cho các bậc xuất gia, đạo tới với cuộc đời, ở trong đời và có trong đời. Đức Phật không tìm một đạo gì đó nó ở trên trời xa vời thực tế, mà Đức Phật quán chiếu ngay trong cuộc đời nhận ra đạo là con đường ở trong đời mà con đường đó những người ở trong đời này đi vào con đường ấy sẽ có được hạnh phúc và bình an. Cho nên đạo là đường đi tới sự hạnh phúc và bình an. Đạo không phải là các sư thầy, sư cô, các bậc xuất gia, bất cứ ai tại gia hay xuất gia đều phải đi vào con đường dẫn tới sự bình an và hạnh phúc mới có thể không còn đau khổ và thoát khỏi sanh tử luân hồi. Cư sĩ đều thoát khỏi

sanh tử luân hồi và chuyển hóa đau khổ, có được bình an, những bật tu sĩ xuất gia cũng như thế. Bảo Thành nói đi nói lại phương tiện khác mà thôi, đừng phân biệt Đức Phật đã dạy cho chúng ta tâm bình đẳng tánh và trí thì từ xuất gia hay tại gia không có gì khác, khác là phương tiện đi tới mà cũng đồng hành trên con đường đó mà thôi. Đạo đời là một chẳng có xa, ngày xưa ta nâng cao cái tầm, ngày nay có những con người quên và rồi bị lậm vào trong đó. Cứ thấy đạo và đời tách riêng biệt, không có, đạo là đường để chuyển hóa khổ đau, có được hạnh phúc và bình an. Đạo là đường để dắt ta thoát khỏi luân hồi sanh tử và con đường ấy Đức Phật chỉ rõ, cái điểm mà Phật tử tại gia, cư sĩ chúng ta phải nhận diện ra đó là năm giới cấm và mười việc thiện Phật khuyến khích chúng ta. Nếu các bạn giữ được năm giới và các bạn hành được mười điều thiện, biết phóng sanh, biết bố thí là các bạn đã tốt rồi. Phóng sanh, bố thí, từ thiện, nói những lời dễ thương, nói chân thật, nói tử tế, hòa ái là tốt lắm và rồi trong tâm tư của chúng ta luôn luôn bình an nhẹ nhàng, không bon chen, không ghen tuông, không lầm lạc, cứ như vậy thôi là mười điều thiện ta thực hành mỗi ngày. Ở cái thế ở đời ta có thật nhiều phương tiện để ứng dụng, bởi ta thường trực diện với những sự va chạm của đời thường, để mài dũa những điều Đức Phật dạy cho tốt lành. “Ngọc Bất Trác Bất Thành Ngọc” ta

là ngọc, ngọc là tính thiện lương vốn có trong ta, mang tính thiện lương ứng dụng trong cuộc đời, trong xử thế của người Phật tử tại gia chẳng khác gì ta đang mài dũa viên ngọc, viên kim cương của chúng ta tương tác với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, xã hội, nhân quần. Chỉ cần mang tâm tính thiện lương ra, lúc nào cũng nhắc nhở mình giữ chánh niệm thiện lành. Mà trong mật thiền đã giúp cho chúng ta trong từng hơi thở trước khi đi vào giấc ngủ hay mở mắt đi vào cuộc đời đều luôn luôn quán chiếu tình thương, trí tuệ, tỉnh giác.

Mật thiền Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê, đó là cách sống trong chánh niệm hơi thở để thể nhập vào từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Ba cái tâm này là phương tiện để mài dũa viên ngọc, viên kim cương tính thiện lương của chúng ta. Còn nếu các bạn luôn luôn chánh niệm với tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác hằng ngày, hằng giây, hằng phút trong công hạnh tu và ứng dụng trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi làm việc, khi rửa chén, khi ăn cơm, khi nói chuyện với mọi người, trong mọi sinh hoạt bạn đều có đa phương tiện để ứng dụng vào. Bạn có nhiều phương tiện hơn các bậc xuất gia nữa, bởi các phương tiện của các bạn có độ mạnh hơn để mài

dũa viên kim cương tính thiện lương vốn có nơi bạn, bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống giữa đời này. Đạo ở trong đời, đạo không tách rời cuộc đời, đừng lấn cấn đạo là của những bậc xuất gia, đời là những con người như chúng ta, đó là sự phân biệt một cách rất tệ hại của trí tuệ lầm lạc. Đạo ở trong cuộc đời, trong đời có người sống hạnh cư sĩ, có người sống hạnh xuất gia, nhưng đạo không bao giờ tách khỏi cuộc đời đâu, đạo ở trong đời, đời có xuất gia và tại gia, cư sĩ. Cho nên đừng nghĩ rằng đạo là của bậc xuất gia, đời là của cư sĩ, cho nên đạo chẳng thể đi vào cuộc sống của người thường Phật tử tại gia. Nghĩ như vậy là sai các bạn, trong sự đồng tu mật thiền của chúng ta là đưa chúng ta phát hiện ra đạo ngay giữa cuộc đời, ngay giữa nhà bếp của chúng ta, ngay giữa bàn ăn của gia đình chúng ta, ngay giữa những cuộc đối thoại thuận hoặc là nghịch giữa vợ chồng, con cái và xã hội, ngay giữa công ăn việc làm, giữa chợ đời, giữa ngã tư, mọi nơi. Đạo ở tất cả mọi nơi và tất cả mọi nơi đều có một con đường đi lên để tiếp cận với hạnh phúc và bình an, chuyển hóa khổ đau của mình. Chỉ cần với tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, năm giới các bạn giữ và mười điều thiện các bạn hành. Ngọn đuốc từ bi, trí tuệ, tỉnh giác kia sẽ không bao giờ tắt và với tự lực bước trên con đường đạo dẫn đến sự hạnh phúc đó gọi là tự thắp đuốc lên mà đi. Công hạnh mật

thiền chánh niệm hơi thở là giúp cho chúng ta tự thắp đuốc bằng chất liệu của từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Nếu bạn thắp đuốc bằng dầu, dầu cạn sẽ hết, bằng xăng, xăng cạn sẽ hết, nhưng bạn thắp đuốc tuệ bằng từ bi, trí tuệ, tỉnh giác đời đời kiếp kiếp không bao giờ tàn lụi. Và như vậy giữa đời này bạn đi trên con đường tiếp cận được hạnh phúc và bình an, ánh sáng của ngọn đuốc từ bi, trí tuệ, tỉnh giác không bao giờ tắt, bạn luôn ở trong ánh sáng, bình an luôn hiện diện trong cuộc đời, hạnh phúc luôn có giữa gia đình của bạn. Đừng để cho những mỹ từ của cuộc đời tâng bốc lẫn nhau hoặc dèm pha, triệt tiêu lẫn nhau, làm cho chúng ta lấn cấn giữa đời và đạo, rồi mặc định đạo là của các nhà sư, đời là của những người tại gia, điều đó là sai.

Mời các bạn trở về chánh niệm hơi thở.

Thưa Phật! Giữa cuộc đời trần thế Ngài đã tìm ra con đường đạo để hướng dẫn cho chúng sanh đi vào đó, chuyển hóa khổ đau, thoát khỏi sanh tử luân hồi và tiếp cận được sự trải nghiệm hạnh phúc, an vui ngay lúc này. Nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con để chúng con hiểu thông, thể nhập vào tự tánh từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, không còn lấn cấn giữa đời và đạo.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới và cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn