Search

Bài 3009. Giữ Kỷ Luật Bản Thân| Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Với tâm thành kính, chúng con nguyện xin chư Phật trao truyền lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn cho chúng con. Để từ đây chúng con khơi nguồn tình thương và luôn sống trong sự bình an, với trí tuệ luôn luôn tự sáng để nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho các lãnh đạo các cường quốc trên thế giới, có một tiếng nói chung để hiểu thấu sự đau khổ của người dân trong chiến tranh mà chấm dứt chiến tranh và thành lập nên nền hòa bình thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chánh niệm hơi thở trong sự tu tập, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi yêu thương để nuôi dưỡng và lan tỏa khắp mọi nơi, gắn kết với mười phương chư Phật đón nhận hồng ân tam bảo Phật điển tha lực, chúng ta hãy mang sự liên kết này rải tới muôn nơi.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn, lòng thành kính là mấu chốt để cho chúng ta phá vỡ đi tự ngã, thông thường chúng ta cống cao ngả mạn, tự đại đắc ý. Trên con đường học Phật lòng thành kính đối với Phật, Pháp, chư Tăng và các bạn đồng tu như Ngài Phổ Hiền nói nhất giả lễ kính chư Phật. Trong sự lễ kính tỏ lòng thành kính, mật thiền song tu một lòng thành kính đón nhận trong sự tu của năm nay. Đón nhận cái gì trong sự tu của năm nay? Trong từng giây phút chánh niệm hơi thở, lòng thành kính ấy chúng ta xin chư Phật chứng minh và sẵn sàng đón nhận lễ quán đẳng trực tiếp từ chư Phật, lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn. Để gia trì cho chúng ta diệu lực siêu thế khởi nguồn yêu thương, từ bi vô tận và thắp sáng trí tuệ, nhìn rõ vạn pháp trong cuộc đời là hư không, là vô thường, là sanh diệt từng giây phút. Trong cái lẽ vi diệu như vậy, mỗi một bạn đồng tu của Bảo Thành, ai nghe qua pháp Diệu Linh, thành kính đón nhận thực tập, đều là chư Phật ban rãi siêu thế từ bi lan tỏa khắp châu thân, đều có thể sáng được trí tuệ nhìn rõ cuộc đời của chính mình. Từng hơi thở vào ra trong sự đồng tu của mỗi ngày các bạn và Bảo Thành lãnh nhận được thật nhiều hồng ân Tam Bảo. Để nhận rõ ta còn đang sống trong hiện tại và trong tánh biết, thể nhập vào sự tỉnh giác của bậc giác ngộ. Ta sống an lạc yêu thương trong từng giây phút, biết quý trọng, biết trân quý từng giây, từng phút còn hiện hữu trong cuộc đời và từng con người ta tiếp cận trong từng hơi thở của cuộc sống.

Chủ đề các bạn gửi về hôm nay, một chủ đề rất thiết thực đó là “Giữ Kỷ Luật Bản Thân”. Trong cuộc sống này biết bao nhiêu thú vui và cám dỗ, biết bao nhiêu sự việc xảy ra từng giây phút. Đối với Phật tử tại gia trăm về bận rộn, muôn sự lôi kéo khó tự chủ được sinh hoạt của mình. Và trong thời đại này những người khôn ngoan theo kiểu kiến thức của thế gian, biết khai thác cái sự mà chúng ta không làm chủ được bản thân, để làm giàu cho họ. Từ đó họ thiết lập nên những phương pháp lôi cuốn, cám dỗ, dẫn dụ và chúng ta, Phật tử tại gia thật khó cưỡng lại những điều như vậy.

“Giữ kỷ luật bản thân” là chìa khóa đưa đến sự thành công, trong cuộc đời cũng như trên con đường đạo. Người không biết giữ kỷ luật bản thân dễ bị lôi kéo, tâm buông lung, phóng tâm, không làm chủ, không tự chủ, chẳng khác gì như cây gỗ mục lênh đênh trên dòng sông chẳng biết trôi về đâu. Giữ kỷ luật bản thân là gì? Định nghĩa đơn giản theo thời đại để đừng hoang mang, để chúng ta có thể chốt vào ý nghĩa thực tế. Giữ kỷ luật bản thân là người có óc tổ chức, biết làm chủ những điều mình muốn làm và làm chủ được mọi hành vi, tư tưởng, lời nói. Nói đúng ra giữ kỷ luật bản thân là người có óc tổ chức, làm chủ bản thân và người có khả năng lãnh đạo chính bản thân của mình. Người đó biết cách hệ thống hóa những chương trình kế hoạch đặt ra cho bản thân, để đưa tới sự thành công. Cho nên nếu như muốn thành công trong cuộc đời hay trên con đường đạo, ta phải biết tổ chức và lên một kế hoạch, một chương trình rõ ràng làm việc của ta. Sau đó là phải miên mật thực hành đi theo kế hoạch đó và tiếp cận với những người có óc tổ chức, có kỷ luật bản thân, để có thể ảnh hưởng nơi họ mà tiếp tục hành động theo những điều gì mình mơ ước. Do đó ngoài vấn đề lên kế hoạch hay lập trình một chương trình hành động cho chính ta, ta còn phải chống lại những thói quen, tật xấu, những sự cám dỗ lôi cuốn từ bên ngoài. Lập nên rồi có giữ được kỷ luật bản thân thực hành hay không thì còn phải chống lại những điều vừa nói, thói quen, cảm xúc nuông chiều, cám dỗ, lôi cuốn từ bên ngoài. Khó lắm, đã gọi là thói quen, đã gọi là sự cám dỗ lôi cuốn thì nó mạnh vô cùng.

Các bạn và Bảo Thành đã thường đánh mất chủ đích làm việc của mình, bởi đi ra ngoài biết bao nhiêu sự cám dỗ, biết bao nhiêu những lôi cuốn đời thường, bước ra khỏi cửa thôi. Nhất là các mẹ nội trợ, ý định hôm đó sẽ nấu món ăn này thật ngon cho gia đình, nhưng khi đi ra chợ rồi sự cám dỗ của những món ăn độc lạ, những hương thơm kỳ diệu và sự lôi cuốn của những người bán hàng. Thế là khi trở về món ăn chủ đích ban đầu muốn nấu đã biến tướng thành những món ăn khác, điều này thường xảy ra với các mẹ nội trợ. Rồi cũng có thể các ông chồng muốn rảo bước ra ngoài một chút để làm một việc gì đó, nhưng sự lôi cuốn của những cuộc cờ bận rộn, sự cám dỗ của muôn sự ăn chơi, thế là chiều tà mới trở về, chẳng làm được gì. Ai cũng vậy, chúng ta có thói quen lan ban rong ruổi, những sự cám dỗ lôi cuốn ở bên ngoài mất phương hướng, chẳng định được con đường đi. Rất cần thiết để cho chúng ta giữ kỷ luật bản thân ở trong đời để thành công, có một gia đình hạnh phúc và trên con đường đạo để thành tựu sự an lạc. Nếu không có kỷ luật bản thân chúng ta thật khó tu các bạn, nhất là thời cuộc chớp nhoáng như bây giờ, cái gì cũng muốn lanh lẹ và khai thác những sự hiếu kì muốn có nhanh và lẹ đó. Ở ngoài đời người ta đã tìm đủ mọi cách và trên con đường đạo họ cũng tìm đủ mọi cách để hấp dẫn, để lôi kéo, để cám dỗ, tạo sự lôi cuốn khó miễn cưỡng. Chúng ta đã bỏ phí quá nhiều thời gian bởi không có kỷ luật bản thân. Học đạo nhất định phải thiết kế cho mình một kỷ luật thật kỹ trong sự tu tập, nếu không chúng ta dễ giải đãi, có nghĩa là dễ làm biếng, dễ buông bỏ, buông lơi không tập trung. Bao nhiêu ngàn năm qua và bao nhiêu năm qua mọi người và chúng ta khó thành tựu là bởi không chuyên chú vào sự tu tập, chẳng giữ kỷ luật. Hứng thì theo sự lôi cuốn khác, hứng hơn bỏ cuộc giữa đường, nhảy lung tung. Cứ la cà chỗ này chỗ kia, pháp môn này pháp môn kia, cảm xúc này cảm xúc kia, đạo tràng này đạo tràng kia, mà chẳng ấn định cho mình một kỷ luật tu thực sự.

Không hẳn thời nay, thời xưa Đức Phật biết bao nhiêu những vị đại đệ tử trong giai đoạn đầu tu tập cũng chẳng có kỷ luật bản thân, lười biếng, giải đãi. Nhưng may thời đó họ được Phật quan tâm, được Phật nhắc nhở, khuyến khích và các bậc đại đệ tử đó vượt qua, đi đến sự chứng đắc viên mãn. Nói về đệ tử của Phật thì trước khi đó ta cũng nên nói về Phật, trong sự kỷ luật bản thân phải là một sự kỷ luật có khoa học, đừng thúc ép quá nó sai. Sự kỷ luật trong bản thân đó Phật có dạy trong Bát Chánh Đạo đó chính là tinh tấn. Tinh tấn thì phải có kỷ luật mới tinh tấn được, nhưng sẽ thành tà tinh tấn có nghĩa là thúc ép quá đáng, gây hại đến bản thân như thời kỳ đầu Đức Phật tu khổ hạnh là một sự tinh tấn, là một sự kỷ luật nhưng thúc ép, không có khoa học, không đúng, không thuận với lẻ tự nhiên của thân xác. Chỉ mong cầu chứng đắc được lẽ siêu nhiên của tâm linh mà quên vận hành thân xác này cho phù hợp. Trong mấy năm trời tu tập khổ hạnh, cuối cùng kết quả là gầy dơ xương, té sấp xuống mặt đất, tưởng chết đi rồi. Đó là bài học đắt giá chính từ Thái tử Tất Đạt Đa, đến khi suy nghĩ lại cách kỷ luật không đúng khoa học, không có tổ chức, không phù hợp kia chẳng gọi là kỷ luật bản thân mà là một sự thúc ép, gọi là ép xác, hành xác. Ngài đã từ bỏ và thiết lập nên kỷ luật bản thân có khoa học, vận hành hài hòa giữa thân và tâm, ăn uống điều độ, tu tập đúng mức, có sự phát nguyện thật sâu cho đến khi giác ngộ, do đó Ngài đã trở thành bậc giác ngộ.

Đó là một sự kỷ luật đúng khoa học đó các bạn, không bỏ cuộc. Sau này khi trở về kinh thành của vua Tịnh Phạn, biết bao nhiêu vương tử thành Ca Tỳ Na Vệ thấy sức mạnh của tâm tỉnh thức, của lòng từ bi, của trí giác ngộ nơi Phật, họ liền theo Phật để xuất gia. Một trong số đó có một vị vương tử tên là A Na Luật, ông A Na Luật này là người thông minh tài giỏi, xuất gia để tìm con đường giải thoát. Thế nhưng biết bao nhiêu sự lôi cuốn trong cuộc đời của một kiếp vương tử kia vẫn còn, đẹp trai, học giỏi, tướng hảo dễ nhìn, là một vương tử nữa, dù trải qua biết bao nhiêu cám dỗ từ sắc đẹp, từ quyền lực, tiền tài, danh vọng, nhưng nương vào sự khai thị của Đức Phật ông đã vượt qua. Có một thời trong sự đồng tu nghe pháp, Đức Phật đang giảng ông ta ngủ gật, rơi vào trạng thái ngủ, không tỉnh thức lắng nghe. Phật đã nhắc nhở ông ta phải cố gắng, đừng chui vào vỏ ốc của sự đam mê, vùi đầu trong ngủ mà quên sự tỉnh thức. Sau sự nhắc nhở đó ông A Na Luật đã phát nguyện chống lại sự ngủ này bằng miên mật thực tập liên tục không ngừng nghĩ, thiền định. Ông đã chống lại sự ngủ, có kế hoạch để tu nhưng ngược lại phải chống lại sự buồn ngủ và ông A Na luật đó có một kỷ luật bản thân thật rõ, thật vững, bởi luôn luôn có Phật khuyến tấn và dạy dỗ. Từ sự thúc ép bản thân quá đáng ông đi tới sự nhịp nhàng, uyển chuyển, khoa học, tổ chức hơn và cuối cùng ông chứng đắc. Vẫn biết là trong giai đoạn đầu thúc ép quá ông ta đã thức đêm trọn vẹn, không bao giờ ngủ một thời gian dài, làm cho đôi mắt bị mù. Phật thấy thế khuyên bảo ông ta điều độ đúng mức trở lại và đi đến sự chứng đắc, dù đôi mắt phàm tục đã mù nhưng thiên nhãn đã được mở, nhìn thấu.

Nhìn vào gương đó ta thấy, đưa ra một chương trình tu học hay làm việc trong cuộc đời, mỗi người chúng ta phải có một thái độ thật rõ là đi ngược lại những sở thích, những thói quen. Phải chống lại những sự cám dỗ, lôi cuốn ở bên ngoài mà sự cám dỗ, lôi cuốn ở bên ngoài nó không mạnh bằng sự cám dỗ, lôi cuốn, thói quen của chúng ta do tập khí nhiều đời đã tạo. Tập khí là những thói quen từ vô thủy vô chung, những thói quen xấu, những thói quen tai hại tạo nên một nghiệp lực thật là mạnh, luôn luôn kéo chúng ta đi, khó cưỡng lắm, nghiệp lực xấu đó các bạn. Nhà Phật gọi là tập khí, đúng ra là thói quen xấu của nghiệp lực ác nhiều đời, nghiệp lực xấu nhiều đời nó kết lại như bão giông, như vùng xoáy cuốn ta vào, khó có thể thoát. Nếu không kỷ luật rõ ràng và nếu như không gần gũi với những người có óc tổ chức, có óc kỷ luật, ta cũng khó bề thoát ra.

Phật tử tại gia hiểu thấu được những điều như thế, trong sự đồng tu chúng ta phải kiên trì, nương vào bạn đồng tu, kỳ diệu hơn là ta nương vào Phật Pháp Tăng để được Phật nhắc nhở chúng ta. Ông A Na Luật thời xưa nếu không được Phật nhắc nhở ông ta khó thành công. Bạn có biết không khi ông ta tu mà gắng quá đến khi mù con mắt, y áo của ông ta rách nát cũng không thể tự xỏ kim khâu được. Thế mà Đức Thế Tôn, Đức Phật đã tới xỏ kim và may lại những sự rách nát nơi y áo của ông ta. Đây là hành động có thật của một bậc Thầy, Phật là Thầy, là bậc giác ngộ mà sẵn sàng đến xỏ kim vá lại y áo cho ông A Na Luật, may mắn là ông ta có Phật khuyên bảo, nhắc nhở, chăm sóc. Chúng ta quy y Phật Pháp Tăng trong mật thiền song tu nương vào chư Phật. Trong mật ngôn số 3 Ma Sa  Ốp Uê, lãnh nhận Phật, rước Phật vào cuộc đời, lãnh nhận lễ quán đẳng đại thủ ấn trí tuệ viên mãn, tức là mời Phật, thỉnh Phật vào trong cuộc đời của chúng ta, để làm gì? Để như ông A Na Luật chúng ta có được một vị Thầy nhắc nhở, sách tấn và nâng đỡ, chăm sóc. Thì nhất định ta phải như a ông A Na Luật lên một kế hoạch, một lập trình bản thân để lãnh đạo bản thân, để làm chủ bản thân, chủ cảm xúc, làm chủ tinh thần, làm chủ hành vi, giữ kỷ luật bản thân như vậy. Song song có Đức Phật nhắc nhở, khuyến tấn, chăm sóc, giúp đỡ ta sẽ chứng đắc được như ông A Na Luật. Phật đã tới xỏ chỉ vá áo cho ông thì Phật không bao giờ bỏ quên chúng ta. Ngài sẽ tới với cuộc đời nếu ta rước Ngài và nhận Ngài làm Thầy, để xỏ chỉ từ bi tình thương, dùng vải trí tuệ vá vào những mảng rách rưới nơi tâm thức ác độc, bất thiện nhiều đời của chúng ta. Cuộc đời của chúng ta như cái y của ông A Na Luật rách nát, ông ta bị mù bởi cố gắng quá không đúng luật, không đúng khoa học, nên chẳng thể vá áo cho bản thân. Chúng ta đã bị sự lôi cuốn, sự cám dỗ, chúng ta đã bị sự hấp dẫn của tập khí, thói quen nhiều đời, bất thiện nhiều đời khó cưỡng và đã xé rách nát mảnh tâm y của chúng ta, tức là tâm của chúng ta. Pháp y của chúng ta ta xé nát nó rồi, ta không biết giặt giũ, nó rách rưới, nó dơ bẩn lắm. Ta mù lòa bởi ta còn chấp, ta còn mê, ta căng con mắt của phàm phu tục tử nhìn vào những cám dỗ sa đọa, những lôi cuốn của ái dục, tham si. Ta đã làm mù con mắt đạo, mù con mắt chân lý.

Rất may các bạn và Bảo Thành có nhân duyên đồng hành trong mật thiền song tu, một lòng thành kính hướng về chân lý, nhận sự khai thị của Phật qua Phật điển tha lực siêu thế kỳ diệu và thể nhập vào tâm tỉnh giác để rước Phật vào cuộc đời, nhận Phật làm Thầy. Chúng ta may mắn, chúng ta có phước báu, chúng ta đồng tu mỗi ngày. Bảo Thành và các bạn đã giữ kỷ luật bản thân, thiết lập nên một ngôi chùa di động trên không gọi là Thất Bảo Huyền Môn, kênh YouTube và Facebook Chua Xa Loi. Đúng ra đây là một đạo tràng tận hư không trên không gian, có mà lại không, không mà lại có, có sắc mà lại không, không mà lại có sách tướng. Ta thật sự chưa có một ngôi chùa để các bạn có thể gặp gỡ Bảo Thành, nhưng chúng ta cùng đồng tu trên ngôi chùa của hư không YouTube Thất Bảo Huyền Môn và tạo thật nhiều nhân duyên cho các bạn xa gần phù hợp với duyên phước, ghé ngang ngôi chùa hư không thất bảo này để đồng tu. Phước báu này đã được lập trình hai năm qua, ta đã bước vào năm thứ ba miên mật không bỏ một ngày, ngày nào cũng đồng tu và chia sẻ những bài giảng, những bài viết cũng như ân tình thương mến của các bạn chia sẻ lại trên các kênh YouTube và Facebook, Zalo của các bạn. Chúng ta đã kết nối thật nhiều, thật xa với các bạn gần xa tạo nhân duyên. Đây là một chương trình, đây là một sự kỷ luật bản thân trên con đường tu mà ai ai cũng dấn thân mời Phật vào trong kênh này qua sự đồng tu, nhận Phật làm Thầy. Để rồi Đức Phật, bậc Thầy cao cả kia sẽ nhắc nhở, sẽ khuyến tấn, sẽ chăm sóc, sẽ xỏ chỉ vá y áo cho chúng ta như thời xưa Đức Phật lịch sử đã giúp cho người đệ tử của mình là ông A Na Luật. Hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, những mảnh rách của tâm bất thiện của chúng ta nhiều đời qua, nay đã được Đức Phật chăm sóc, chỉ dạy, xỏ chỉ từ bi, năng lượng tình thương. Và mang những miếng vải trí tuệ đắp vào sự rách rưới của tâm thức mù lòa trong ái dục tham si. Ngài đã vá lại cho chúng ta khi còn mù, khi đang mù và dẫn dắt chúng ta, đưa chúng ta vào một sự lập trình giữ kỷ luật bản thân trong công hạnh tu tập mật thiền và gắn kết với chúng ta thật gần gũi qua mật điển tha lực của ba ngôi Tam Bảo. Trong từng giây phút thể nhập vào tự tánh của chân như qua chánh niệm hơi thở và qua mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa, mật ngôn trí tuệ Nammô TaMô TaMô ĐaRaHoang và đại thủ ấn trí tuệ an lạc viên mãn tâm tỉnh giác Ma Sa Ốp Uê, tuyệt vời vô cùng!

Chúng ta đã đang và sẽ thực hành theo chương trình, kế hoạch. Chúng ta đã, đang và sẽ làm chủ được bản thân, làm chủ được hành vi ngôn ngữ và suy nghĩ. Chúng ta lãnh đạo được chính mình, có chủ quyền với bản thân này dù mù lòa từ bao nhiêu đời kia, bao nhiêu đời qua, bao nhiêu đời nay ta vẫn có Phật là Thầy tới xỏ kim, xỏ kim từ bi, vải trí tuệ để vá lại những mảnh rách của tâm bất thiện nơi ta. Ta không còn rách nát dù vẫn mù lòa trong ái dục, nhưng chúng ta sẽ có đôi mắt tuệ như ngày A Na Luật nhìn thấu vì có sự hỗ trợ, chăm sóc của Phật. Chúng ta đang được Phật chăm sóc trong hơi thở chánh niệm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác là hơi thở vi diệu các bạn. Hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác tức là nói gọn lại theo nghĩa của tiếng Việt, còn âm của mật ngôn là Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Ma Sa Ốp Uê. Có nghĩa là hơi thở chánh niệm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, cao quý vô cùng. Phật đang chăm sóc cho chúng ta trong hơi thở từ bi, trí tuệ, tỉnh giác này. Phật đang xỏ kim và vá lại cuộc đời của chúng ta. Phật đã tới để dạy cho chúng ta biết giữ kỷ luật bản thân, dạy cho chúng ta có óc tổ chức, có sự lãnh đạo thật tốt với cuộc đời của mình, làm chủ hành vi, suy nghĩ và lời nói để vá lại những sự rách nát nơi tâm của chúng ta trong vô lượng kiếp qua. Hạnh phúc lắm, giây phút này Bảo Thành cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi có các bạn đồng tu ý thức rằng chúng ta không vô kỷ luật, chúng ta đã giữ được kỷ luật bản thân trong hai năm qua và tiếp tục trong năm thứ ba đồng tu. Dĩ nhiên có các bạn mới bước vào, mong rằng các bạn cũng như Bảo Thành và một số bạn đồng tu khác, giữ kỷ luật bản thân này trong sự đồng tu mỗi ngày. Với một lòng thành kính đón nhận sự che chở của ba ngôi Tam Bảo của Đức Phật, sự chăm sóc của Phật như ông A Na Luật. Miên mật tu tập dù cuộc đời ta đã mù nhiều kiếp qua, nay có Phật, rước Phật trụ thế qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê để thể nhập vào tâm tỉnh giác của ta. Từ đó ta sẵn sàng đón nhận sự hỗ trợ, sự gia trì của Ngài, để Ngài dùng chỉ từ bi, vải trí tuệ, trong sự tỉnh giác rõ ràng may vá lại cuộc đời của chúng ta.

Bạn ơi! Sự đồng tu là một sự kỷ luật bản thân có khoa học, bởi nó được thiết lập và lập trình do chính Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Ngài luôn luôn song hành, chăm sóc cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta chánh niệm hơi thở từ bi, trí tuệ và tỉnh giác, quán chiếu bản thân của mình, tâm của mình trong từng giây phút thở vào thở ra, chính là lúc ta luôn luôn có Phật hiện diện trong tâm, luôn luôn có sự chăm sóc của Phật để vá lại mảnh đời rách nát do bất thiện nghiệp nhiều đời ta tạo, ta sẽ hạnh phúc, ta sẽ bình an. Đây là con đường đạo nhưng sự kỷ luật trên con đường đạo, tu như vậy cũng đưa tới sự thành công về cuộc đời. Bởi đường đạo có kỷ luật tu sẽ tạo được phước báu và phước báu là nền tảng để xây dựng đời sống trong kiếp người thường ngày có đầy đủ phương tiện cần thiết, phước báu rất quan trọng, công đức rất quan trọng. Hành thiện từ bi, bố thí, sám hối, san sẻ yêu thương, tạo được phước vô cùng, công đức trong sự miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, tạo được công đức vô số các bạn ạ, phước báu hay nói đúng hơn là phước đức và công đức. Phước huệ song tu ta đang thành tựu thật rõ mỗi ngày, bởi có Phật làm Thầy nhắc nhở, sách tấn, bởi có Phật hàng ngày chăm sóc vá lại những chỗ sai của ta. Ta thật sự là người có phúc bởi giữ được kỷ luật bản thân và đi theo một kỷ luật chính Đức Phật thiết lập ra hướng dẫn, đó gọi là chánh tinh tấn, một trong những con đường đưa đến sự chứng ngộ cao nằm trong Bát Chánh Đạo.

Các bạn, giữ kỷ luật bản thân hiện thời ta đang có, hãy cố gắng đừng bỏ cuộc. Bảo Thành sẽ có Phật, các bạn sẽ có Phật và Phật sẽ nhắc nhở Bảo Thành và các bạn, chúng ta cũng đồng thanh nhắc nhở nhau, khuyến khích nhau giữ đúng kỷ luật bản thân trên con đường đồng tu và cùng với Phật đón nhận sự giúp đỡ chăm sóc của Ngài vá lại cuộc đời. Và Bảo Thành đã nhìn thấy đôi mắt mù lòa của Bảo Thành và các bạn đã được sáng, đã nhìn thấy rõ được nhân quả thiện ác, đã biết bỏ ác hành thiện rồi, đây là diễm phúc đời người của chúng ta trong kiếp này.

Mời các bạn trở về với hơi thở chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã nhận rõ ngày xưa ông A Na Luật đã được
Phật tới chăm sóc, khuyến khích, xỏ chỉ vá y áo cho ông. Để rồi từ một người mù đã chứng đắc thiên nhãn, nhìn thấu được nhiều cảnh giới cao siêu và nhiệm mầu. Sự rách nát của cuộc đời chúng con do tập khí và ác nghiệp đã tạo, rất cần sự giúp đỡ, sự gia trì và chăm sóc của Phật. Xin Phật hãy tới cuộc đời của chúng con, xỏ chỉ Từ Bi yêu thương và mang vải Trí Tuệ, tâm Tỉnh Giác vá lại cuộc đời giúp chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con trong sự đồng tu này nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn