Search

Bài 2229. Nguyên Nhân Tạo Khổ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Thiện đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô tương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con trong năm mới này tinh tấn tu học, chánh niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã.

Xin Chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.

Chúng ta luôn luôn ghi nhớ lấy trí tuệ làm đầu, làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút hít thở thật nhẹ trì niệm mật chú, quán chiếu thân tâm, chúng ta sẽ gắn kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo và đón nhận được năng lượng tha lực Phật điển, hãy thành kính đón nhận.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)

Các bạn thân mến, hôm nay ngày mùng 4 Tết năm Nhâm Dần 2022, xuân vẫn còn đây dù bốn ngày đã trôi qua. Nhân dịp đầu xuân chúng ta trở về với gia đình, với họ hàng, với bạn bè, gặp nhau trong những bữa tiệc thân mật, chuyển những lời chúc tốt đẹp nhất tới với nhau. Và ước nguyện rằng trong năm mới ai ai trong chúng ta cũng tràn đầy hạnh phúc và thành đạt được những điều mơ ước. Chẳng ai muốn khổ đau, muốn thất bại, nhưng phong tục vẫn chỉ là phong tục, lời chúc vẫn tồn tại chỉ là lời chúc. Chúc vạn sự kiết tường, chúc sự tốt đẹp, chúc bình an, chúc thành công, nhưng khi một năm trời ta sống thì sự tốt đẹp và thành công kia hóa ra chỉ là lời chúc của đầu năm, còn bước vào thực sự của cuộc sống, cái hạnh phúc, cái thành đạt của lời chúc kia thật hiếm trở thành sự thật. Biết bao nhiêu những cái khổ nó xảy ra ở trong đời, nó tới với mỗi một người. Khổ triền miên, khổ bền vững, khổ dai dẵn, khổ đến mức mà ta thao thức trong đêm ngủ không được, khổ đến sâu hoằng trên khóe mắt. Rồi khổ lây khổ nhiễm cho những người sống trong gia đình, mấy ai khổ mà những người sống bên cạnh vui sướng bao giờ? Một người khổ lây cả gia đình, một người khổ làm cho biết bao nhiêu người khác cũng bị khổ theo.

Chủ đề “Nguyên Nhân Tạo Khổ”, suy nghĩ bạn ơi, bởi vì ta chúc lời tốt đẹp, chúc hạnh phúc, chúc bình an, không có chúc khổ, không bao giờ chúc khổ cho nhau. Chúng ta tránh cái chữ khổ, đầu năm mà nói đến khổ là không có được. Cũng hay và cũng rất may các bạn đặt chủ đề này trong ngày mùng 04 không phải ngày mùng 01. Nếu ngày mùng 01 mà chủ đề “Nguyên Nhân Tạo Khổ”, nói đến chữ khổ ai cũng tránh xa hết sợ lắm, mùng 4 nó cũng thư giãn một chút xíu. Ngày hôm qua, Bảo Thành bật mí cho các bạn biết khi có sư cô Bảo Hương ngồi đây, tới mang món ăn khổ qua, nói chơi trong bàn ăn đầu năm ăn khổ qua cho khổ nó qua đi. Ăn khổ, nuốt khổ thì làm sao khổ qua được? Nếu đã là khổ qua thì đừng mang vào thân, nhưng ăn vào trong miệng, đưa xuống dưới bụng, rồi phân tán khắp mọi nơi toàn châu thể, từng tế bào, khổ sao qua? Khổ nó đi vào trong, khổ nó đi vào đời, khổ đi vào cuộc sống từ cái miệng. Vậy mà vẫn nói khổ qua, không biết là khổ nó qua hay là khổ quá, bởi vì nuốt khổ vào trong miệng thì khổ quá hoặc từ miệng mà tuôn ra làm khổ quá cho mọi người.

Chúng ta không đi sâu vào trong Tứ Thánh Đế, Tứ Diệu Đế, bài Pháp Luân đầu tiên Đức Phật chuyển nói về Tứ Thánh Đế – Khổ. Ngài nhìn thấy khổ mà xuất gia đi tu, nghiên cứu thật là kỹ nguyên nhân tạo ra khổ và rồi tìm ra phương pháp chuyển hóa cái khổ đó. Cái khổ mà năm anh em Kiều Trần Như nghe trong bài pháp đầu tiên đã giác ngộ thành bậc Thánh. Kinh sách ngày nay phân tích thật nhiều về Khổ Đế, nó có nhiều thứ từ tham sân si, cho tới mạn nghi, đủ thứ hết, đến mười cái phiền não. Nhiều thứ khổ trong cuộc đời Phật phân tích thật rõ, nếu muốn tu để chứng đắc thành bậc Thánh, mỗi người chúng ta nhất định phải thông. Nhưng hôm nay ta đi vào cái khổ của đời thường, cái khổ của người vợ phải gánh chịu biết bao nhiêu nỗi ô nhục trong gia đình bởi người chồng gây ra. Cái khổ của người chồng phải đương đầu với bao nhiêu thử thách để lo cho miếng cơm manh áo, nhưng gia đình vợ chồng con cái chẳng thể hạnh phúc. Cái khổ của mỗi người chúng ta đương đầu ở nơi công sở, nơi xã hội, nơi gia đình. Cái khổ mà hoàn cảnh sống của chúng ta đang giày vò. Cái khổ mà người khác đang tạo ra cho chúng ta. Cuộc đời thật nhiều thứ nó linh tinh, nó nhỏ nhưng khi chạm vào nó khổ dữ lắm. Mấy ai trong chúng ta trong dịp đầu năm ngồi phân tích cái khổ của riêng mình để hiểu nguyên nhân tại sao ta khổ.

Các bạn, nếu nói về cái khổ của Tứ Thánh Đế ta có thể tầm hiểu được ở trên mạng, trên kinh sách. Hôm nay, sơ sơ về cái khổ đời thường nha các bạn. Chúng ta đồng tu Thiền Mật song tu và dĩ nhiên người Phật tử chúng ta luôn luôn học các pháp môn phù hợp với căn cơ, nhân duyên tiếp xúc được và học hỏi từ các bậc thầy, các bậc tôn túc, các bậc ni sư, sư cô, các bậc thiện tri thức. Tâm lý đời thường chúng ta đi tầm cầu một pháp môn vi diệu, cao siêu, nhiệm mầu, tiếp cận, thực hành và học để giác ngộ, hết khổ mà chẳng bao giờ tìm ra nguyên nhân, nghiên cứu cái điều gì tạo ra khổ. Nếu hỏi rằng tại sao tu? Chúng ta ai cũng có thể nói vì khổ, thì dĩ nhiên khổ mới đi tu, khổ mới tới cửa chùa, khổ mới tu hành, điều đó đúng.

Nếu hỏi thêm tại sao khổ? Ai cũng trả lời như máy vì tham sân si, mạn nghi, vì cầu bất đắc, ái biệt ly, oan tắng hội, ấm suy thịnh. Đủ thứ, kinh sách mà tuôn ra rõ lắm, nhưng thật hời hợt, hời hợt như nước mưa; hoặc là nước đổ trên lá môn đầy đó rồi trôi mất hết. Bởi nếu thật sự chúng ta hiểu được nguyên nhân khổ đã là một phẩm tánh cao cả giác ngộ rồi, thì cái khổ nó đã bớt rồi và dần hết, nhưng ta đâu có hiểu, khổ vẫn tới. Hỏi lấn thêm một chút xíu nữa, cho đi sâu, vậy thì ai khổ? Ai cũng trả lời tôi khổ. Lặp lại câu hỏi đi tu để làm gì? Đi tu bởi vì khổ, chuyển hóa khổ. Hỏi thêm ai khổ? Tôi khổ. Nếu sấn tới hỏi cho nó tới luôn, vậy tôi là ai? Ai là tôi? Bí rồi, ai trả lời được ai là tôi đâu? Mà có mấy khi chúng ta tự vấn lương tâm, tự hỏi thật rõ tôi là ai? Ta cứ miên man theo giáo điều khổ là do tham sân si, khổ là do dính mắc trong ngũ uẩn, trong mười cái phiền não, trong cống cao ngã mạn, cầu bất đắc, ái biệt ly, ấm suy thịnh, oan tắng hội (tức là oan gia trái chủ), trả lời làu làu, nhưng câu hỏi vẫn lặp đi lặp lại. Tại sao tu? Tại vì khổ. Ai khổ? Tôi. Tôi là ai? Ai là tôi? Chẳng ai hỏi, mà nếu có hỏi tận truy cùng thì tới đó tịt ngòi rồi, bí rồi, mấy ai trả lời được mình là ai? Ai là mình? Và mấy ai muốn tìm cái câu hỏi vớ vẩn để trả lời vẩn vơ như thế. Vậy là chúng ta cứ ỡm ờ, ỡm ờ. Cho nên từ cái thuở nào đó trong vô lượng kiếp cho tới nay ta vẫn trầm luân, đắm mình trong khổ, bởi mấy ai tìm ra cái nguyên nhân khổ đâu.

Trong Phật giáo nguyên thủy, nhìn và tu tập để thấu rõ được cái tôi được gọi là ngã. Trong Tam Pháp Ấn – Thiền Mật song tu quán chiếu mật ngôn số 02 Nam Mô TaMô TaMô ĐaRaHoang nói đến vô ngã, trường phái nguyên thủy đào sâu vào cái ngã để phá ngã, tức là hiểu thấu được tinh thần vô ngã để diệt khổ. Trong tinh thần đại thừa đào sâu vào chấp pháp, nguyên thủy thì đào sâu vào chấp ngã. Chúng ta có hai cái tạo ra khổ thường trong đời sống là chấp ngã và chấp pháp. Chấp ngã ở một cái góc độ nhỏ thôi dễ hiểu của người Phật tử tại gia, chấp vào cái tôi, tôi đó mà, tôi đây không truy cùng tôi là ai? Ai là tôi? mà cái tôi đơn giản trong cảnh sống của Phật tử tại gia trong gia đình, tức là tự ái, bảo thủ cho những điều mình suy nghĩ, mình hành xử. Chấp vào kiến thức của riêng ta, suy nghĩ cách làm việc của riêng ta, tôn sùng thần tượng riêng mình quá trớn, quá cao, để đi đâu làm gì, nghĩ gì, nói gì, tương tác với ai, ta ta, nhất định là đúng. Chẳng ai đúng hết, mọi người đều sai, ta đây là đúng. Chính cái ta đây là đúng, ta đây là giỏi, ta đây là bao trùm tất cả mọi sự sinh hoạt từ trong gia đình đến xã hội, đi đâu cũng thủ chấp cái ta. Để rồi ai đó có thể là vợ, là chồng, là con cái hoặc các đấng bậc sinh thành, là cha mẹ, bạn bè trong xã hội, không đồng tình với sự suy nghĩ, với cách làm việc; hoặc có một cái nhìn cách làm việc khác là ta đã chạm lòng tự ái. Tự ái đến dồn dập nghẹt thở, tự ái đến đỏ mặt phùng mang, tự ái đến giận dữ, thậm chí chí có nhiều người tự ái lăn đùng ra đất, giãy đành đạch ăn vạ. Chúng ta thường ăn vạ với chồng, với vợ, với con, với mọi người dưới nhiều hình thức ăn vạ, giận lẫy, quay mặt làm ngơ, rồi bỏ đi xa. Dần dần làm cho cái tình cảm giữa người với người bị xa cách chỉ vì tự ái mà thôi, chỉ vì tôn sùng cái kiến thức, cách nhìn, cách nói. Cái gì mà ưng với lòng của mình, hợp với tính cách của mình, hợp với sở thích của mình thì thích lắm. Mà để hợp với mình người khác phải nịnh bợ, còn người ta nào có thể đưa ra cái chính kiến của họ chia sẻ với mình đâu. Bởi ta là chánh họ là tà, ta là đúng họ là sai. Thế nên trong đời nó cứ lấn cấn, lẩn quẩn, khổ hoài, không tìm ra nguyên nhân. Chấp ngã tức là chấp vào và thủ đắc vào cái chính mình – cái tôi.

Nhìn đi, Bảo Thành và các bạn vướng mắc chuyện đó nhiều lắm, ai mà làm không đúng ý mình, mình nói đằng đông mà họ đi đằng tây thì trời đất sập ngay. Mà ta nói đằng tây mà họ đi đằng đông thì không có cửa để bước vào. Cứ như vậy, trong những cái mối tương tác của cuộc sống cứ chống kình nhau hoài, để từ đó đâm ra nghi, nghi rồi đến kỵ, gọi là nghi kỵ, nghi ngờ nhau, đố kỵ nhau, làm sao mà sống hòa hợp được. Trong gia đình chưa thể hòa hợp ngoài xã hội sao có thể hòa hợp? Trong cách làm việc, suy nghĩ của chính mình chưa thể hòa hợp bất nhất, hôm nay nghĩ như vậy, ngày mai nghĩ khác rồi, hôm nay ăn chua khen ngon, ngày mai mà nếm chua lại khen dở, mùi vị thay đổi hàng ngày bất nhất, không có lập trường. Cái khổ nó triền miên lây lan, rồi nó làm cho mọi người thật phiền não. Đó gọi là chấp ngã đó, suy nghĩ nhẹ nhẹ thôi các bạn ơi, đừng đi sâu vào kinh điển quá hóa ra cuồng mà chúng ta nhìn vào thực tế của cái khổ.

Cô vợ cãi với chồng là bởi vì vợ chấp vào những điều mình suy nghĩ, cái bếp phải lau chùi như thế này mà ông chồng không làm theo là bực rồi, còn ông chồng về mong cầu vợ phải nấu đồ ăn, món đó mà không được là bực lắm.

Bây giờ từ cái tôi đâm ra chấp pháp, pháp là gì? Là những hiện tượng trong cuộc sống, từ hiện tượng ăn nói không phù hợp với mình, từ những hiện tượng ăn mặc, làm việc, xử trí, ta luôn luôn cho nó là thật. Một câu nói bông đùa, một hiện tượng ăn nói vui thôi; hoặc lỡ miệng nói, ta chấp ngay. Một sự việc xảy ra dù vô ý hay cố tình ta luôn luôn cho nó là thật, sự thật đau lòng, lồng lộn nhảy lên, cuốn cuồn nhào vào tối mặt tối mày, suy nghĩ không kịp. Vậy là tình cảm từ đó sứt mẻ, chẳng chịu nhường bước đâu. Cứ nói người ấy sai mà, cứ nói anh ấy sai đó mà, cứ nói cô ấy sai, cứ nói người ta sai, mấy ai nhìn lại chính mình đã chấp vào cái tôi tự ái dồn dập? Mấy ai nhìn lại chính mình chấp vào hiện tượng đó là đúng, là thật, lồng lộn như con trâu điên? Chẳng ai nhìn lại ta, cái ta quá lớn, luôn luôn đổ lỗi cho người, đó chính là những nguyên nhân tạo khổ trong đời thường của hàng Phật tử tại gia, của những người bạn làm việc với nhau, của tình nghĩa vợ chồng, của tình thân trong gia tộc. Nhiều chuyện như vậy cứ xảy ra mỗi ngày, mỗi một sự kiện ta sinh hoạt có nhiều sự va chạm tương tác, càng làm khổ thêm nếu như chúng ta khư khư ôm cái cách hành xử, làm việc của mình, áp chế lên những người khác. Hoặc bám víu vào mọi hiện tượng xảy ra ta liền chấp, đào sâu bới vào đó. Khổ tới từ cái tôi dễ tự ái, tới từ cái bám víu vào mọi hiện tượng xảy ra, nói đúng hơn là tầm nhìn hạn hẹp, cái bụng nhỏ bé không biết bao dung. Để chuyển hóa những nguyên nhân tạo khổ như những cái mảnh gai, mảnh sành vụn, mà nói thẳng ra là những cái mảnh đạn còn găm vào ở trong lòng của mỗi người. Nếu không giải phẫu những cái mảnh đạn găm vào trong tim, trong tâm của chúng ta thì cả cuộc đời ta sẽ đau đớn. Bởi những chuyện xảy ra như cái mảnh đạn bắn nằm tứ tung trong tâm, nhìn thấy người đó, nghe thấy người đó là đau rồi, là khổ. Mà có nỗi đau nào ta giữ kín trong lòng đâu, ta nổ tung thế gian, ta phanh phui mọi thứ, ta bày cho thiên hạ thấy. Thế là cái khổ của ta làm phiền não đến người, làm cho người hiểu lầm, nghiệp ta chẳng chịu dồn qua tay người, nghiệp bắt đầu nó lây còn hơn đại dịch nữa, dịch thì chết một lần nhưng nghiệp kia ta sẽ bị chết thật nhiều đời nhiều kiếp.

Các bạn thân mến, trong cuộc sống hiện thời, ngày mùng 04 Tết chúng ta đi chúc tết, chúng ta gặp gỡ nhau, biết bao nhiêu cái vui ta gặp đó, nhưng nhất định các bạn cũng nếm được một vài cái khổ. Có thể là lời chúc của ai đó không khéo, có thể là khi họ tới với mình xông nhà không đúng giờ, không đúng tuổi; hoặc mời mình ăn một món gì đó khi mình tới chúc tết không hợp, nó linh tinh dữ lắm, khổ đó có. Đức Phật dạy một việc thiện dù rất nhỏ, nhỏ như hạt bụi thôi cũng đừng bỏ qua, một việc ác dù nó nhẹ như tơ hồng cũng đừng chạm tới. Suy ra từ đó những phiền não vụn vặt dù nó nhẹ như tơ hồng mà ta chất chứa ở trong tâm, thì dù ăn ngày này qua tháng nọ toàn là ăn khổ qua thôi, khổ cũng chẳng qua được mà sẽ trở thành khổ quá. Ăn khổ qua mà hết khổ thì cứ ăn đi, đâu hết được bởi ta chấp, ta quá chấp trượt, chấp ngã, chấp pháp, chấp vào mọi hành vi, lời nói, mọi sự việc,  mọi con người. Ta dễ vào hùa với nhau, hùa vào từng đám đông rồi để cho sức mạnh của đám đông lôi kéo nhào tới. Sự bất mãn thật nhỏ, trái ý thật bé, không ưng thật mỏng manh cũng dồn, cũng nén, cũng đúc thành hình tượng để rồi mà đả phá, chống kình.

Thời đại ngày nay dễ lắm, một cú phone (điện thoại) là có thể liên kết cả một nhóm lại, một sự việc xảy ra không có đáng ta cũng có thể thêu dệt lại cả một vùng trời khổ đau, bao trùm lên tất cả. Người học Phật phải nhìn ra nguyên nhân khổ trong đời thường, đặc biệt là Phật tử tại gia tới từ những cái chạm tự ái thật nhỏ, tới từ những cái cho mọi sự xảy ra là thật. Rồi như người đan rổ, ngồi thêu dệt đan thành một cái rổ thật lớn, hứng trọn những nỗi niềm đau khổ vào trong lòng. Rồi gắn tới từng nhà, từng người bạn, rãi vào trong tai rồi rắc vào trong những ngôn từ khi nói chuyện. Thế sự vần xoay, khổ hoài không hết. Cái khổ đơn giản của cuộc đời giải quyết không xong, nhìn không thấu, lấy gì mà đi tới cái khổ mà Đức Phật dạy trong Tứ Thánh Đế? Cái khổ của đời thường trong tự ái, cái chấp vụn vặt ta nhìn không thấu, sao ta có thể thấu được cái khổ của Phật dạy tới từ tâm tham sân si, tới từ đắm chìm trong ngũ dục, trong mười điều phiền não, trong cầu bất đắc, trong ái biệt ly, trong oan gia trái chủ, ấm suy thịnh, cả một rừng như thế tìm sao ra? Cái đơn giản hiện diện trước mắt, đắng lòng mà cứ thế nuốt vào phun ra cho người khác đau, người khác khổ. Nếu mà nuốt vào rồi triệt tiêu bởi sự tư duy chuyển hóa thì tuyệt vời, ta nuốt vào để cho nó sình lên rồi ta phun ra làm cho người khác khổ. Lâu dần lấy cái đau cái khổ của nhau làm cái thú vui trong cuộc đời, gọi là thú đau thương, làm cho người càng khổ càng đau, ta càng sung càng sướng. Khi người ta đau khổ ta sung dữ lắm, các bạn cứ để ý đi, Bảo Thành và các bạn khi làm cho người ta khổ ta sung, ta lồng lộn lên như con cọp, ta sâu xé, ta banh xác họ ra. Và khi họ thực sự khổ hình như nó đã biến tướng, biến thái thật kinh dị, thành cái thú vui. Họ càng khổ, ta làm họ càng khổ ta càng vui, kỳ lạ, thật là lạ kỳ trong cái kỷ nguyên này. Dằn vặt, đâm thọc, xé nát cuộc đời của nhau, vậy mà sướng. Thảo nào cuộc đời của chúng ta bao nhiêu cái xui, bao nhiêu tai họa, bao nhiêu phiền não nó cứ gõ cửa hoài. Vì sao? Vì ta đã tạo nghiệp thật nhiều, do mỗi người cứ gieo rắc cái khổ cho người khác, bởi cái chấp, chấp vào cái tôi, cái tự ái. Bởi cứ chấp vào những hiện tượng xảy ra, bám hoài chẳng có biết bao dung tha thứ. Từ đó mà tổn phước, phước báu cạn kiệt, phước báu của ta tạo hôm qua nhiêu cạn hết rồi, phước báu của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, của biết bao nhiêu những con người tu thiện hồi hướng cho ta, ta cũng đốt hết.

Mùa xuân, tinh thần của đạo Phật thường nhắc, xuân là xuân Di Lặc. Đức Phật Di Lặc tượng trưng cho hạnh phúc, bởi biết dung nhiếp vạn sự rắc rối ở đời chuyển biến thành kiết tường. Mùa xuân là thực tập nụ cười của Đức Phật Di Lặc, nụ cười đó có thể bao dung, có thể che chở, có thể chuyển hóa tất cả những điều không như ý, những điều nghịch ý, những điều không thích và đập tan đi những cái tự ái dỏm và những hiện tượng ta không ưa ta có thể xoay chuyển được. Mùa xuân Di Lặc chỉ có thể thật sự tới với mỗi người khi chúng ta thực tập được hạnh bao dung và tha thứ. Đôi khi chẳng cần phải truy cùng đuổi tận, hiểu ra nguyên nhân mà người đó tạo khổ hoặc tại sao ta khổ đâu, chỉ cần tha thứ, tha thứ là khổ nó đã hết rồi. Còn nếu nhìn thấu được nguyên nhân là do ta tự ái dồn dập; hoặc do ta quá bám víu vào những sự việc xảy ra, cho nó là thật. Nhìn thấu được điều đó với tấm lòng bao dung thì Đức Phật Di Lặc thật sự chính là hóa thân của Ngài nơi cuộc sống của chúng ta.

Các Phật tử tại gia, chúng ta khổ nhiều lắm bởi chúng ta va chạm quá nhiều trong cuộc sống, va chạm từ công ăn việc làm, va chạm với đời sống vợ chồng cả trăm năm, rồi con cái. Biết bao nhiêu những chuyện ở đời này, mỗi ngày, mỗi ngày ta phải trực diện với. Nếu với tâm thái tự ái dồn dập, nếu với suy nghĩ bám víu vào hiện tượng cho là thật, thì làm sao ta có thể nhẹ gánh phiền não, thong dong và tự tại được? Bán cả nhà mua đất trồng khổ qua ăn vào rồi cũng chẳng hết đâu, khổ nó không qua được mà khổ tới bởi đưa vào miệng, nó xuống dưới bụng, nó thấm vào người, mọi cái khổ tới từ cái miệng mà ra.

Các bạn, khổ từ miệng mà xuất ra. Tu từ cái miệng các bạn, Thiền Mật song tu, mật ngôn Mu A Mu Sa từ môi miệng phàm phu của chúng ta nhiếp vào trong hơi thở của chánh niệm. Bốn cái âm vi diệu Mu A Mu Sa sẽ biến thành cả một dòng châu ngọc tuôn ra làm cho cuộc đời ta và muôn người được đẹp, được hạnh phúc. Thực ra vốn kiến thức về Phật học và kiến thức trong loài người, chúng ta không thiếu những lời tốt đẹp trao cho nhau, nhưng chúng ta quá hạn hẹp, quá ích kỷ những lời cao đẹp mà thật phóng khoáng tuôn ra những lời gian dối, thêu dệt, đâm thọc, thô ác. Vậy nên cái khổ từ trong gia đình nó trào ra ngoài xã hội, nó tới muôn nơi, rồi ta đi đâu ta cũng thấy khổ, chẳng thấy ưng ý.

Mùng 04 Tết hãy mở lòng ra, hãy trải lòng ra nói với Đức Phật Di Lặc rằng: “Thưa Phật, xuân Di Lặc con thỉnh Ngài, con mời Ngài xông nhà của con”. Chúng ta đầu năm coi tuổi, coi người xông nhà để cho tấn tài tấn lộc, ai mà có được cái điều đó đâu, ai tới xông nhà cũng chẳng được điều đó đâu ngoài Đức Phật Di Lặc, nếu đầu xuân mùng 4 chưa muộn, chưa muộn, chưa có muộn đâu các bạn. Mở cửa tâm hồn ra và nói với Đức Phật Di Lặc rằng “Phật ơi! Mùa xuân Di Lặc con nghĩ Ngài là một vị đã chứng đắc, có lòng từ bi, hãy xông cái cửa nhà chân tâm của con”.

Có mấy ai nghĩ đến điều này không? Không, chẳng ai mời Đức Phật Di Lặc xông nhà hết. Chúng ta đều dựa vào cái sức mạnh mê tín dị đoan của tuổi tác, của ngày kỵ để mời người này người kia cho nó hạp tuổi, hạp ngày, hạp giờ, xông vào nhà. Bao nhiêu năm rồi những người ta mời xông vào nhà đó chỉ tiếp sức cho những cái khổ nó xông vào cửa làm khổ gia đình mà thôi, bởi những mùa xuân đó thiếu bóng dáng của Đức Phật Di Lặc. Bảo Thành chắc chắn cái cách nói này là lần đầu tiên các bạn nghe được, chẳng ai mời Đức Phật xông nhà cả, chẳng ai nghĩ tới, chẳng ai nói tới. Bảo Thành mới chỉ nghĩ ra thôi bởi đang nói đến những cái khổ vụn vặt trong cuộc đời tới từ cái chấp ngã, chấp tướng. Và cũng vào mùng 04 Tết ta ăn khổ qua cho qua cái khổ, ta cầu chúc sự tốt đẹp, ta xông nhà, xông cửa, xông tiệm, xông đủ thứ, xông hơi cũng chẳng hết, rồi cuối cùng mịt mù ngạt thở trong những cái hơi khói của gió chướng từ tám phương thổi vào. Lại một năm khổ đang tới nếu như Bảo Thành và các bạn không mời Đức Phật Di Lặc xông nhà, bước vào cửa chân tâm, xông ngôi nhà tâm của chúng ta, thì nhất định chẳng ai xứng đáng để bước vào nhà xông nhà đâu. Thay đổi cách nhìn thật sự nếu không thì Đức Bổn Sư bậc thầy cao cả chẳng giới thiệu vị phật tương lai là Phật Di Lặc, để rồi Phật giáo lấy mùa xuân là mùa xuân Di Lặc đâu. Chẳng phải chỉ là diễn tuồng mừng xuân Di Lặc có cái ý nghĩa thật sâu. Chúng ta làm lại từ đầu đi, coi mùng 04 này như mùng 01, thắp một nén hương dâng lên trên bàn thờ ngưỡng tới ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, hướng tới Cửu Huyền Thất Tổ ông bà, nói thật mạnh thật tự tin: “Thưa Đức Phật Di Lặc, con mời Ngài xông nhà chân tâm của con, con mời Ngài bước vào cuộc đời của con, xông cửa nhà, gia đình của con, cửa tiệm của con, văn phòng của con, cái tâm của con. Và con nhất định trong năm nay đi tới đâu, gặp ai, con cũng mời Đức Phật Di Lặc đồng hành với con trong mọi cuộc giao tiếp, trong mọi sự việc con tương tác. Để con biết cười thật tươi, thật chánh niệm, thật hoan hỉ. Để con biết bao dung và tha thứ, để những cái khổ trong cuộc đời không còn cửa đi vào cuộc sống của chúng con, bởi cửa cuộc đời của con đã có Phật Di Lặc hướng vào”.

Hãy đặt bàn tay phải bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi.

Thưa Phật! Mùng 04 Tết chúng con nguyện một lần nữa xóa bỏ những ý niệm cần ai xông nhà, một lòng thành kính thỉnh Đức Phật Di Lặc xông nhà của chúng con, bước vào tâm hồn, bước vào cuộc sống tâm linh, bước vào gia đình, bước vào nơi chốn công ăn việc làm cho mọi sự giao tiếp tương tác hàng ngày. Và nguyện xin Đức Phật Di Lặc dạy cho chúng con biết cười, nụ cười bao dung, hỷ xả, tha thứ, từ bi, yêu thương. Để biết dung nhiếp mọi sự khác biệt trong cuộc đời, để chuyển hóa mọi tự ái dồn dập, mọi sự chấp víu vào những hiện tượng, để chúng con thật sự sống một năm mới không còn khổ đau mà tràn đầy hạnh phúc. Nguyện cho muôn người thực hiện được tâm ý này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú.

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu sự đồng tu ngày hôm nay tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts