Search

Bài 2224. Tỉnh Thức Trong Nhận Thức | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chùa Xá Lợi.

Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!

Hôm nay, chúng con – các bạn đồng tu, nguyện cầu siêu cho hương linh của bà Trần Thị Quỳnh sinh năm 1933, vãng sanh vào ngày 24, tháng 12, năm 2021 âm lịch, nguyện xin Chư Phật phóng quang tiếp dẫn hương linh về cõi tịnh lạc.

Chúng con nguyện xin Chư Phật luôn ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài và gia trì cho chúng con tinh tấn thiền định, chánh niệm Trí Tuệ, Từ Bi để thấu rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện cho năm mới tới, quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Xin Chư Phật Từ Bi tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta luôn ghi nhớ hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, từng hơi thở ta thành tâm đón nhận năng lượng từ bi. Những ngày cuối của năm, ông bà và các đấng bậc sinh thành, chúng ta luôn phải ghi nhớ hướng về các Ngài, nguyện mang tất cả những năng lượng vi diệu siêu thế, từ bi thánh đức của Chư Phật rải tới các đấng ấy. Nguyện Chư Phật luôn gia hộ để các đấng ấy được bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Các bạn, có lẽ khi chúng ta bước ra đầu ngõ ngày hôm nay, mỗi người chúng ta đã thấy hoa mai đã nở, hoa đào cũng nở rồi, dịp Tết tới truyền thống của người Việt Nam chúng ta không thể thiếu hoa dâng cúng cho ông bà, dâng lên cho Chư Phật và trang trí cho ngày tết.

Hai ngày nữa thôi đã bắt đầu qua năm mới, có lẽ truyền thống Việt Nam của chúng ta là truyền thống có một cái Tết thật dài, Tết hết mùng. Từ ngày truyền thống đặt ra đưa ông Táo về trời thì hương xuân đã tới, cho tới khi ngày rước ông bà về, đêm 30 ăn suốt cho tới mùng 10, hết mùng vẫn xả láng. Tết mà, truyền thống có lẽ nó vẫn đẹp ở trong những nét đặc biệt, dù nó kéo dài tổn thất về những mặt nếu như nghĩ về kinh tế. Nhưng ở đời người ta sống đâu phải chỉ về đồng tiền, về kinh tế, người ta sống là về tinh thần, hạnh phúc. Nếu đồng tiền thâu vào không nhiều mà tăng trưởng được hạnh phúc, niềm vui, có thêm thời gian với ông bà, với cha mẹ, với người thân, điều đó cao quý hơn nhiều trong sự tất bật kiếm tiền của những ngày đầu năm. Nhiều, thật nhiều thứ trong cuộc sống khi thời gian trôi qua, ta dần có được một lượng thời gian giá trị để thẩm định, nhận thức lại, lúc đó ta bừng tỉnh: “À! Hóa ra là như thế”. Khi mỗi người chúng ta bừng tỉnh nhận thức được điều đó là như vậy, thì hầu hết nó đã tuột khỏi tầm tay, bởi chúng ta phải trải qua một sự trải nghiệm quá dài để nhận thức được rõ sự việc và sự việc khi nhận rõ thì hầu hết thật đắng lòng.

Các bạn, có một nhận thức mà mỗi người chúng ta rất đau lòng, đó là nhận thức được giá trị tình yêu cao cả của cha mẹ. sự hy sinh tận hiến của cha mẹ mà hầu hết chúng ta chỉ nhận thức được sự yêu thương đó, sự cao cả đó một cách trọn vẹn khi đấng bậc sinh thành đã ra đi. Còn khi các Ngài còn kề cận ta vẫn còn mờ mờ, ảo ảo, sự nhận thức cũng không có rõ đâu, dù đôi khi ta đã trở thành cha, trở thành mẹ, thậm chí ta có phước báu trở thành ông bà mà cha mẹ vẫn còn đó, ta vẫn chưa thật sự nhận thức rõ về giá trị sự hy sinh cao cả, tình yêu cao tột cha mẹ đâu.

Chủ đề hôm nay “Tỉnh Thức Trong Nhận Thức”. Thật rõ, sự nhận thức giúp cho chúng ta tỉnh thức. Bảo Thành có lần tâm sự với một Phật tử đã lớn tuổi rồi, bác Phật tử này ngoài 70, gần 80 rồi, đó là một dịp Tết cũng như sắp sửa đón xuân đây, Bảo Thành hỏi bác ấy: “Thưa bác, cha mẹ của Bác đã mất lâu rồi, nhưng vào những dịp Tết tới chùa bác có còn nghĩ về cha mẹ không?” Bác ấy rơm rớm nước mắt và khóc, nói với Bảo Thành rằng: “Dù cha mẹ đã mất lâu và bây giờ đã là ông nội, ông ngoại rồi, nhưng vẫn luôn luôn nhớ về cha mẹ và mỗi khi nhớ thì không thể ngưng được dòng lệ”, bác nói thêm: “Chỉ có khi mất cha mẹ rồi mới có một sự nhận thức thật rõ về tình yêu của cha mẹ, sự hy sinh tận hiến của cha mẹ cho các con”. Đúng! Khi ta mất đi ta mới ngộ ra, nói đúng ra ta mới thức tỉnh hay còn đọc ngược lại là tỉnh thức, nhận ra chân giá trị. Điều này thật đúng với kiếp người, trong tình cảm đôi khi là vợ chồng, là anh chị em, là bạn bè, là huynh đệ, là thầy trò, gần gũi với nhau trong tương tác có va chạm, trong va chạm lại có hơn thua, có đổ vỡ, có sứt mẻ. Và mỗi người chúng ta thường cứ để cho những sự đổ vỡ, sứt mẻ và va chạm đó inh ỏi trong tai làm cho đau đớn, mà không nhận thức ra chân giá trị của tình vợ chồng, tình cha mẹ, tình huynh đệ còn đó. Và cứ đau đớn mãi ở trong lòng thôi, để rồi khi chia tay, xa nhau như tình nghĩa vợ chồng, như anh chị em, người thân, chẳng thể gắn kết lại được nữa, lắng lòng nghe tiếng thổn thức của tâm, ta bắt đầu có một sự nhận thức sâu sắc hơn, lúc đó mới tỉnh thức thì tình nghĩa năm xưa có còn đâu, chuyện này luôn xảy ra. Thật nhiều chuyện và ở nhiều góc độ trong cuộc đời, chúng ta có một sự nhận thức thận trọng để sự tỉnh thức tới quá trễ, làm cho mỗi người cứ phải hối tiếc hoài, nếu như ngày ấy, chữ nếu như ngày ấy hình như là một điệp khúc muôn thuở để tưởng nhớ về những điều đã mất, nuối tiếc về những chân giá trị chẳng còn trong tầm tay. Lại cũng chữ nếu, nếu ta thức tỉnh chút xíu, nếu ta có sự nhận thức sâu sắc và rõ ràng thì có lẽ cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao, đúng vậy!

Trở về là người Phật tử tại gia trong những ngày cuối năm, Đức Phật luôn dạy cho chúng ta cần phải có một sự nhận thức sâu sắc trong quán chiếu, chánh niệm hơi thở là một phương pháp nằm trong Bát Chánh Đạo, tám phương pháp dẫn đến đi vào con đường Thánh để thành tựu được Niết Bàn tại thế, tức là sự an vui và hạnh phúc khi ta đang còn sống. Chánh niệm là một trong những con đường đưa chúng ta trở về và tìm được sự sống an vui. Trong chánh niệm giúp cho mỗi người có một sự nhận thức sâu sắc về hiện tượng của cuộc sống ngay tại bây giờ, ở đây. Vẫn biết chỗ này, bây giờ, ở đây là một điểm bám để quán chiếu, nhưng chơ vơ ở trong vũ trụ mênh mông vô tận của tâm thức sinh diệt ta cần có một điểm trụ lại, để có sự nhận thức sâu sắc hơn về đời sống. Hầu được an vui và hạnh phúc cho tới khi ta có thể chứng đắc tâm vô sở trụ, chẳng còn bám, tà–chánh; đúng–sai chẳng màng. Nhưng hiện tại là kiếp người, đặc biệt là Phật tử tại gia, Bảo Thành luôn luôn quan tâm và đồng hành với quý Phật tử tại gia, không nói đến những bậc Thánh cao cả mà nói đến những con người rất bình thường và rất tầm thường như Bảo Thành và các bạn. Ta cần phải thực tập và có một sự nhận thức sâu sắc trong những ngày cuối năm, để không như những năm đã qua ta lại lầm lỗi, ta lại sai phạm để nuối tiếc, để hối tiếc và để đau lòng chính mình. Đừng nhận thức của trễ và quá muộn để bừng tỉnh trong sự hối tiếc và đau đớn.

Ngày xưa khi Đức Phật còn sống, có một câu chuyện thực tế thời đó mà Bảo Thành rất thích, đó là câu chuyện về tướng cướp giết người. Tên ông là Vô Não, chẳng ai có thể dừng ông ta lại được và trong cả chiều dài cuộc sống của ông ta, biết bao nhiêu sự cố đã xảy ra. Đau đớn chất chồng đớn đau, để rồi ông Vô Não không còn có khả năng nhận thức được sự việc đúng sai trong cuộc đời, dồn hết năng lượng vào sự thù hằn và trả thù và từ đó ông ta luôn luôn đi tìm người để giết. Năng lượng bất tịnh của sự căm phẫn, của sự phẫn nộ bởi không có một sự nhận thức đúng đắn, bởi chưa bao giờ biết dừng lại, biết bình tĩnh để có một sự nhận thức, quán chiếu sâu sắc về những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời. Cho nên năng lượng bất tịnh, sự căm phẫn, hận thù đã cuốn trôi ông ta vào dòng máu lạnh để giết người. Cho tới khi ông Vô Não gặp được Thế Tôn tức là Đức Phật, Ngài chỉ nói với ông ta là “Hãy dừng lại, bởi ta đã dừng nhưng ngươi chưa chịu dừng”. Một lời nói của bậc giác ngộ, Đức Phật là bậc giác ngộ, nói đúng hơn Đức Phật là đấng tỉnh thức. Ngài đã tỉnh thức trong sự nhận thức rõ ràng về luân hồi sinh tử, khổ đau và nhân quả. Trong sự quán chiếu nhận thức rõ về nhân quả, về luân hồi, Ngài đã bừng tỉnh và mang sự tỉnh thức đó, năng lượng vi diệu như Đại Hồng Chung gióng lên giữa màn vô minh đen tối. Sự chất chồng dày đặc của năng lượng bất tịnh, của căm phẫn, của phẫn nộ, của trả thù, của vô minh, của đen tối dày đặc bao phủ ông Vô Não liền rụng rơi. Ngay giây phút đó ông Vô Não đã biết dừng lại khi Phật nói “Hãy dừng lại”, và trong khoảnh khắc ông ta dừng lại thôi, âm thanh vi diệu Từ Bi của bậc Trí Tuệ tỉnh thức đã thể nhập vào trong tâm trạng, trong tâm tư, trong tinh thần của một người biết dừng lại. Để rồi ông ấy có sự nhận thức thật rõ ràng và đã nhìn ra một con đường mới để đi tới sự hạnh phúc và từ bỏ sự sân giận, căm phẫn, hận thù. Ngay giây phút nhận thức được rõ ràng, ông ta đã quỳ xuống và xin Đức Phật dạy dỗ, để ông ta có thể tu tập, đạt được sự tỉnh thức như Chư Phật. Đây thực ứng với câu tục ngữ mà ông bà mình nói – gần mực thì đen, bao nhiêu năm trời ông ta đã gần với sự căm phẫn, phẫn nộ với những kẻ hà hiếp, với những kẻ đàn áp, với những con người tạo ra đau khổ cho ông ta, nên tâm ác độc của ông ta nó đã phát triển quá mạnh và chẳng còn biết dừng lại để nhận thức rõ hơn về cuộc đời. Cho tới khi gần đèn thì sáng, ông ta gần được đèn trí tuệ của Phật và Phật đã nói thật nhẹ “Hãy dừng lại”. Thế, là sự nhận thức thực rõ, trong cái nhìn rõ đó là Chánh Kiến đó các bạn. Có lẫn sự tư duy – Chánh Tư Duy, để ông ta có thể hiểu được rằng ông đã cuộn mình chui vào trong u mê bao nhiêu ngày tháng, năm tháng qua, tạo nghiệp quá nhiều. Đi theo Phật, ông ta thật sự đã trở thành một vị A-la-hán, tức là một vị tỉnh thức.

Thật nhiều những câu chuyện thực tế khi thời Đức Phật đã xảy ra, để chứng minh cho chúng ta thấy phương pháp Đức Phật dạy cho chúng ta là giúp cho chúng ta có một sự nhận thức thật rõ. Và chỉ có nhận thức rõ mới đưa đến sự tỉnh thức toàn diện, và chỉ có sự tỉnh thức toàn diện ta mới có thể thoát khổ, hết khổ và thoát khỏi luân hồi sanh tử. Để ít nhất trong cuộc sống này dù cho chứng đắc đến những bậc Thánh, chúng ta cũng đếm được hương vị của hạnh phúc, sự bình an ngay trong cuộc đời rất bình thường là Phật tử tại gia.

Một ông vua thời đó là ông Vua A Xà Thế, ông có tâm dã man, ác độc, thường bắt tay đi đêm với ông Đề-Bà-Đạt-Đa hại Phật vô số không thể kể, đến khi ông ta gặp sự khủng hoảng đau khổ vì chính đứa con của ông ta gây ra sự đau khổ ấy, ông vua A Xà Thế đã chạy ngược chạy xuôi đi khắp mọi miền tìm các thầy cúng, tìm các thầy giải hạn, tìm các thầy bùa, các thầy ngãi, những vị gọi là cao siêu thời đó của Bà La Môn, để cầu nguyện, để giải cho ông ta khỏi sự phiền não và đau khổ, nhưng nào có hết đâu. Câu chuyện này rất đặc biệt, các bạn nghe rồi Bảo Thành sẽ đi về đời sống hiện tại để chúng ta có một sự dừng lại, để nhận thức thật rõ trong những ngày cuối năm Bảo Thành và các bạn thường hay bị phạm tổn phước, tạo nghiệp. Cho tới khi ông ta tới một khu rừng, Đức Phật và chúng đệ tử đang ngồi thiền im lặng không một tiếng động, ít nhất là ông A-Xà-Thế có cái gan, sau khi đi tìm không được ai hóa giải sự phiền não, đau khổ, đã mạnh dạn, gan góc đầy mình đi tới để tìm Phật. Và đúng vậy, khi tới gặp Đức Phật ông ta đã được tỉnh thức, bởi Đức Phật đã truyền cảm hứng của năng lượng vi diệu giúp cho ông ta có một sự nhận thức chín chắn, rõ và sâu rộng hơn về nhân quả nghiệp báo. Từ đó, ông được đánh thức và trở thành người tỉnh thức, lúc ấy bao nhiêu sự đau khổ rụng rời, bao nhiêu tâm ác và những nghiệp thức hồi xưa đối xử tệ với Phật đã chuyển biến và ông ta đã trở thành một Phật tử thuần hành thời đó.

Một vị là tướng cướp, một vị là vua, hai góc độ khác nhau gặp đèn trí tuệ của bậc Chánh Giác, Chánh Đẳng là Đức Phật, đều nương vào năng lượng sáng đó mà được đánh thức, để rồi có sự nhận thức thật rõ đi đến sự tỉnh thức.

Trong Thiền Mật song tu chúng ta nương và ánh sáng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để có một sự nhận thức sâu sắc về các pháp Vô Thường sanh diệt và Vô Ngã. Vô thường sanh diệt và vô ngã này nếu ta không nhận thức được cho rõ thì ta tưởng trên đời này gì cũng thường hằng bất biến, không bao giờ hư mất, sẽ tạo ra biết bao nhiêu sự đau khổ. Nếu ta không hiểu thấu bằng sự nhận thức thật rõ về vô ngã, đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên tạo ngã, thì ta lại càng tạo ra hố sâu của hầm chông để rồi rớt xuống đó, bị đâm cho đau đớn ngàn đời, ngàn kiếp. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang không khác gì như ông Vô Não được nghe Đức Phật dạy “Hãy dừng lại”, bởi mật ngôn này có năng lượng siêu thế, giúp cho chúng ta dừng lại trong cuộc sống quay cuồng muôn sự, để có một sự nhận thức sâu sắc về muôn sự ở đời đều vô thường.

Các bạn, như chúng ta tiếp cận được ánh sáng của bậc giác ngộ như ông vua A Xà Thế, gần đèn thì sáng ông ta đã có một sự nhận thức rõ và tỉnh thức. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là ánh sáng trí tuệ của mười phương Chư Phật, tiếp dẫn đến cuộc đời của nhân thế là Phật tử như chúng ta. Để từ đó nương vào ánh sáng trí tuệ của các đấng giác ngộ, Bảo Thành và các bạn có một cơ hội nhận thức sâu hơn về tất cả những hiện tượng đã và đang xảy ra trong mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta được tỉnh thức mà sống đời an vui, rất hay! Gương của một tướng cướp Vô Não và một vị vua tàn ác nương vào bóng từ ân, ánh sáng trí tuệ của bậc tỉnh thức, đã biết nhận thức rõ và dừng lại. Chúng ta gần đèn thì sáng, gần đèn trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang tâm ta sẽ sáng, lòng ta sẽ sáng, mọi nhận thức mù mờ u mê của những kiếp qua và ngày tháng qua sẽ được soi tỏ bởi trí tuệ của mười phương Chư Phật, để Phật tử tại gia chúng ta có một cái tầm nhận thức sâu hơn về cuộc sống của chính mình, từ đó mà sống an vui, hạnh phúc.

Các bạn, đây là điều rất quan trọng! Hầu hết sự nhận thức tới với chúng ta rất là muộn, để rồi khi nhận rõ ta khổ đau bởi tuột khỏi tầm tay. Vậy thì hôm nay hãy mau mau trở về, hãy mau mau trở về với NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chánh niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ, quán chiếu sâu sắc để có một sự nhận thức thật rõ, mà những giá trị cao quý trong đời người không tuột khỏi tầm tay khi vẫn còn ở với chúng ta để tỉnh thức khi còn mà sống an vui. Nhận thức sâu sắc về tình nghĩa, ân nghĩa sinh thành của cha mẹ, nhận thức sâu sắc về ân nghĩa tình thương đối với vợ chồng, con cái, với các bậc ân Sư, Tổ Sư, với tình huynh đệ, tỷ muội, anh chị em, với những người thân và chúng sanh ta tương tác giao tiếp hàng ngày. Nhận thức được như vậy sẽ giúp cho chúng ta thật sự tỉnh thức, sống đúng để hạnh phúc, còn không chúng ta không nhận thức được điều đó thật là uổng cả một kiếp người.

Trong Thiền Mật song tu, câu Mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, Đức Phật đã thầm nói với chúng ta “hãy dừng lại con ơi”, bởi vì vạn pháp là vô thường đừng đeo đuổi, mà bấy lâu nay ai hiểu được chữ vô thường như thế nào. Cũng rất may trong 02 năm qua dịch đã tới, mỗi người chúng ta chẳng cần phải là Phật giáo, các tôn giáo khác biệt trên thế giới; hoặc là vô thần không tôn giáo, đều có một cơ hội đạt được nhận thức sâu sắc bởi nhìn rõ cảnh giới vô thường trong đời người ngắn ngủi. Biết bao nhiêu những vành tang trắng chít lên trên đầu chưa rời khỏi thì nước mắt lại rơi, sự đau đớn lại bộc phát bởi một người nữa lại ra đi. Chính vì hoàn cảnh ta nhìn thấy những điều như ấy mà ta đã có một sự nhận thức sâu sắc hơn về đời sống mỏng manh, về cảnh giới vô thường mà Phật dạy. Nhưng thật sự khi nhận ra đời là vô thường thì thật nhiều người trong chúng ta đã mất đi những người thân, đã chẳng còn những người quen, buồn ơi là buồn, hối tiếc bởi sự nhận thức đó quá muộn màng. Hình như kiếp người đau khổ nhất là khi ta tỉnh lại sau một cơn mê và sau khi tỉnh thức rồi, cơn mê đã qua ta mất hết. Không tỉnh thức gọi là mê và trong mê ta không nhận thức được mọi sự rõ ràng, mờ mờ ảo ảo, vậy nên thường lầm lỗi, gây khổ cho nhau. Và khi khổ đau chúng ta thường đi tìm hạnh phúc và sự bình an, và chính trong sự không nhận thức rõ ràng tìm hạnh phúc và bình an, ta lại quờ quạng trong mê. Để rồi biết bao nhiêu những người có tâm tham mê muội lại dẫn dắt ta vào vùng mê hơn.

Cuối năm, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ cầu hạnh phúc và bình an, cầu may mắn, cầu tấn lộc, tấn tài, ôi cha gì cũng tấn, tức là dịch đại chữ tấn tức là tăng trưởng, như Bảo Thành lại thích dịch chữ tấn như là cả một tấn, gọi là 10 tạ cho nặng cân lên, cho nhiều lên, cái gì cũng phải nhiều. Nhưng không có sự nhận thức rõ ràng để làm sao có được điều đó, rồi bị những người đang ở trong mê dẫn dắt lạc vào cõi mê. Thực tế, cuối năm nay chắc chắn thật nhiều người trong chúng ta sẽ đi cầu tài lộc, sẽ đi giải hạn, một tệ nạn muôn thuở được truyền về cho tới ngày hôm nay, bởi một truyền thống mê hoặc trong sự nhận thức không rõ. Các bạn sẽ có cơ hội trong năm nay nhìn thấy những cửa chùa, nhìn thấy những cửa Đình đông kín người cầu an, cầm sớ giải hạn, tốn tiền nhiều lắm mệt sức, rồi đốt vàng mã ùm lên hết. Sự nhận thức sai trái như vậy càng dắt ta vào trong mê và khi ta mê mà vô phước thay lại gặp những người đang mê, thì họ lại ủ mê của họ như ủ men chua vào cuộc đời ta sẽ hư. Mấy ai thấy ta mê mà đánh thức? Như Phật thấy ông Vô Não mê mà đánh thức, kêu ta dừng lại. Như Phật thấy ông A Xà Thế mê mà đánh thức cho ông ta được tỉnh. Ngày nay, nhiều người thấy ta mê họ sướng, bởi ta càng mê họ càng khoái, họ càng sướng, bởi họ dễ lợi dụng chúng ta. Họ dẫn dắt để sự nhận thức của chúng ta càng lầm lạc, càng si mê để có lợi cho họ.

Nói cho thật rõ, đi cúng sớ giải hạn, đi cúng để xin lộc, mang tiền đi cho, đi xin, đi thỉnh, hoàn toàn sai và chẳng làm được điều gì. Bởi bao nhiêu năm qua chúng ta đã làm mà có hạnh phúc bình an đâu? Đức Phật dạy mọi điều ở trên đời này dù là phúc hay là họa, dù là bình an hay là phiền não đều do chính mỗi người chúng ta tạo ra từ nhân quả nơi thân ngữ ý, tương tác trong cuộc sống, để có phúc họa, để có bình an và phiền não, để có may mắn và xui xẻo, để có khỏe mạnh và bệnh tật đều là do nhân quả do chính ta tạo ra. Chẳng xin đâu được, chẳng ai giáng họa, chẳng ai ban phước, vậy mà sao chúng ta lại đi theo một truyền thống của những người mê muội bị dẫn dắt. Vẫn biết đó là truyền thống tốt đẹp nhưng mỗi người chúng ta ngày hôm nay theo Phật, học Phật, là Phật tử tại gia phải nhận thức thật rõ đó là một truyền thống văn hóa nhưng không thực tế, chỉ là văn hóa, vui thôi nhưng không thật thì được. Còn nếu chúng ta thấy đó là một truyền thống tâm linh được đôn lên hàng quá cao, để rồi ủ men mê muội thì ta là người càng ngày càng đi vào cõi mê, gây nhiều nghiệp chướng, tạo nhiều đau khổ cho chúng ta. Vẫn biết đó là một truyền thống văn hóa nhưng nhận thức đó chỉ đưa tới niềm vui trong dân gian, chẳng phải là chân lý để giải thoát mang lại sự hạnh phúc an vui.

Phật tử tại gia trong những ngày cuối năm cần phải biết dừng lại tất cả những gì trong những năm trước ta đã làm hoàn toàn sai, để có một sự quán chiếu thật sâu trong chánh niệm, để nhận thức được những điều cần buông, cần bỏ, để đạt được sự tỉnh thức viên mãn, hầu có được an vui và bình an trong năm mới. Thay vì thời gian ta khổ cực chen lấn tới chùa, tới đình, tới miếu để dâng sớ giải hạn cầu an và rồi phải tốn tiền tốn của. Ta có thể mang đồng tiền ấy, ta có thể mang số tiền ấy đi tới tận nơi những mảnh đời bất hạnh, dâng hiến cho họ, ta được vui ngay. Bởi các bạn khi tặng cho một người thiếu ăn một chén cơm, thiếu áo một manh áo, thiếu thuốc một viên thuốc, thiếu tiền một chút tịnh tài, các bạn thấy ngay chẳng mua hoa mà trên khuôn mặt của những vị ấy đã tươi còn hơn hoa mai, hoa cúc, hoa đào. Niềm vui tươi hẳn trên khuôn mặt của họ sẽ làm cho bạn bình an và hạnh phúc, làm cho bạn tỉnh thức và nhận thức rằng chỉ có pháp bố thí cúng dường, cúng dường ở đây chẳng phải là mang tiền tới cúng dường cho bậc đáng cúng dường là những bậc tôn túc đâu, mà cúng dường là cúng dường những vị Phật tương lai đang ẩn hình trong thân kiếp người bình thường, với những đời sống thiếu thốn muôn mặt. Đây là một pháp cúng dường hiện thân trong sự bố thí tuyệt vời vô cùng, sẽ giải được tam tai đại nạn cho các bạn, sẽ giúp cho bạn tấn tài tấn lộc, giúp cho bạn tăng trưởng được công hoan hỷ, hòa nhập cùng với Chư Thiên để rải hoa yêu thương và từ bi tới muôn mảnh đời, muôn con người.

Các bạn, có được sự nhận thức này mỗi người chúng ta phải biết chánh niệm hơi thở và phải biết trì Mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Để chúng ta có cơ hội kề cận các bậc thiện tri thức, để chúng ta có cơ hội nương vào Chư Phật, nương vào ánh sáng tỉnh giác của bậc giác ngộ, từ đó thừa nương ánh sáng đó ta có một cái nhìn tổng quát, sâu và rộng, để nhận thức thật rõ được nhân quả thiện ác. Khi nhận thức rõ được nhân quả thiện ác và chính trong Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, giúp cho chúng ta lại có một sự nhận thức thật rõ về vô thường, nhận thức rõ về vô thường ta sẽ hạnh phúc vĩnh hằng. Không cần đợi đến dịch tới khi người mất kẻ còn mới hiểu thấu đời nó vô thường, chẳng cần! Đừng đợi khi đã mất người yêu thương mới nhận ra vô thường mà trong thể nhập với chánh niệm từ bi, mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, sự quán chiếu sâu nương vào sự tỉnh thức của Chư Phật, mỗi người chúng ta sẽ có sự nhận thức thật rõ về vô thường. Để những gì vẫn còn đây, những tình yêu vẫn còn đây, những con người vẫn còn đây, thân mạng ta vẫn còn đây, ta nhận ra và trân quý. Và biết đối xử bằng một tình yêu chân chính rõ ràng. Đừng để mất, đừng rượt đuổi và đừng để cho những người mê muội dẫn dắt ta vào cõi u mê. Muôn sự tỉnh thức có ở ngay trong sự nhận thức rõ về nhân quả, nhận thức rõ về nhân quả thiện ác chúng ta sẽ đạt được sự tỉnh thức và tiếp cận được với cứu cánh an vui hiện tại ngay kiếp này. Nhận thức về nhân quả và nhận thức thật rõ, hiểu thật rõ bằng phương pháp chánh niệm Thiền Mật song tu mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đây là một pháp phương tiện vi diệu cho những ai có nhân duyên phù hợp, thì khi thực tập sẽ nhìn thấu vạn pháp vô thường và nhìn thấu được sự vô ngã, để từ đó khổ đau đoạn diệt, phiền não rụng rơi, hạnh phúc tràn đầy. Đừng mượn cái sớ của ai đó phải trả tiền để cầu giải nạn, mà phải có sự nhận thức thật rõ trong chánh niệm hơi thở của mật ngôn số 02, để thấy được vô thường vô ngã, thấy rõ được nhân quả là tam tai đại nghiệp sẽ tiêu, vì sao? Vì khi thấu rõ được nhân quả để biết dừng lại những hành động ác và tăng trưởng những việc thiện, nhất định tam tai đại nghiệp sẽ chẳng còn. Còn có cúng hàng bạc trăm bạc triệu, sớ từ chùa này, sớ từ chùa kia, thầy có cao tay ấn thì cũng lại nhấn ta chìm vào trong u mê chứ có thoát được đâu? Làm giàu cho những người dắt ta vào cõi u mê mà làm khổ cho thân ta bởi vì ngấm sâu vào trong cõi mê của cuộc đời ô trượt, đau khổ. Hãy trở về với pháp tu của nhà Phật, chánh niệm tỉnh thức, quán chiếu vô thường, vô ngã, để loại trừ sự khổ đau ra khỏi cuộc đời, để hiểu thấu được nhân quả và cần phải có một sự nhận thức thật rõ và để nhận được sự nhận thức rõ đó ta phải thực tập.

Còn hai ngày nữa, nếu các bạn cùng với Bảo Thành chuyên chú thực tập chánh niệm hơi thở với mật ngôn Mu A Mu Sa để đón nhận năng lượng vi diệu Từ Bi của Chư Phật rải xuống chúng ta. Để chúng ta tắm rửa, chúng ta gội rửa hết mọi đau khổ phiền não và uế trượt do bất thiện nghiệp tạo ra, rồi mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, Bảo Thành và các bạn sẽ có được một sự nhận thức thật rõ về nhân quả. Để tự đánh thức mình như ông Vô Não được Phật nhắc nhở “Hãy dừng lại”. Chúng ta sẽ được Phật nhắc nhở và dừng lại mọi nghiệp ác. Chúng ta như ông A Xà Thế được Phật trao truyền cho năng lượng tỉnh thức để nhận ra chân giá trị của cuộc đời, mà những sự ác độc đã tạo đều sám hối và từ đó cãi hóa thân tâm thành Phật tử, Phật tử thuần hành trong sự trong sáng.

Người Phật tử tại gia, người Phật tử thuần hành chẳng phải theo những nguyên tắc như người ta đặt để, mà phải theo sự chánh niệm để có một sự nhận thức thật rõ về nhân quả. Biết dừng lại những hủ tục mê tín dị đoan trong những ngày cuối năm, để chúng ta có một ngày tết, một ngày xuân tràn đầy năng lượng tình yêu và trí tuệ của mười phương Chư Phật. Để tận hưởng được sự hạnh phúc an vui với ông bà còn với chúng ta, với cha mẹ còn với chúng ta, với vợ chồng con , thân bằng quyến thuộc, với tình thầy trò đồng môn, huynh đệ và với tất cả những người mà ta hữu duyên còn gặp họ trong cuộc đời này. Tỉnh thức ngay trong sự nhận thức rõ về nhân quả.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái.

Thưa Phật! Xin Phật hãy gia hộ cho chúng con trong chánh niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ Mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để chúng con có một sự nhận thức thật rõ về nhân quả, để đạt được sự tỉnh thức, sống an vui, từ bỏ những mê tín dị đoan, hủ lậu của đời xưa mà theo dấu chân an lạc của Phật bước vào thềm năm mới.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng tới muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts