Search

Bài 2216. Bậc Trí Nhiếp Tự Thân | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Với lòng thành kính, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa Phật! Chỉ còn 2 tuần nữa là tết âm lịch lại trở về với người Việt Nam chúng con, chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, khai tâm mở trí, dẫn dắt chúng con trên con đường tu niệm để có thể nhìn thấu vạn pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con một lòng nguyện xin chư Phật gia hộ cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Cho tất cả các bạn đồng tu tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh. Xin Chư Phật tác đại chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi – pháp môn phương tiện vi diệu của Mẹ Hiền Quan Âm, chúng ta trong từng hơi thở quán chiếu thân tâm, đón nhận năng lượng của chư Phật tới với chúng ta và nguyện rải tới muôn người. Ngay bây giờ, chúng ta hãy nghĩ đến ông bà và đấng bậc sinh thành, nguyện các ngài đón nhận được thật nhiều năng lượng. Nguyện cho tất cả những người chúng ta yêu thương đón nhận được năng lượng tình thương của Phật.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn, hôm nay thứ hai ngày đầu tuần, nhưng tính từ ngày hôm nay chỉ còn 2 tuần nữa Tết rồi, chắc có lẽ mọi người dù ở trong thời kỳ đại dịch nhưng lòng háo hức chờ đợi mùa xuân tới làm cho rộn ràng và bận rộn ngược xuôi để gọi là sắm chút gì đó cho ngày tết tới cho ấm nhà ấm cửa. Mà thông thường trước khi Tết, người Việt chúng ta có phong tục là con cháu phải lau dọn sạch sẽ bàn thờ Phật, rồi bàn thờ ông bà cha mẹ, các bàn thờ tùy theo tôn giáo mình theo, lau chùi sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ để đón tết, đón xuân về. Hôm nay trong không khí rất là trầm và ngầm, sự tưng bừng hình như có giới hạn, chúng ta nói về một chủ đề các bạn gửi tới “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân“. Các bậc có trí tuệ luôn luôn biết nhiếp tự thân của họ và biết nhiếp tự thân nên các bậc đó được gọi là bậc Trí Tuệ. Trong Kinh Pháp Cú, phẩm Hiền Nhân, toàn bộ phẩm Hiền Nhân nói về bậc trí biết tự thân của mình như thế nào để nhiếp thâu. Những chữ “bậc trí nhiếp tự thân” nghe hình như nó cao siêu quá. Hàng Phật tử tại gia của chúng ta khi nghe tới chủ đề “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân” hoặc là phẩm “Hiền Trí” trong kinh Pháp Cú thì nghĩ rằng: thôi thôi những chuyện như vậy để cho những người có Trí Tuệ tu, còn Phật tử tại gia bận rộn quá đâu có Trí Tuệ đâu mà nhiếp thâu gì, tự thân gì được, bận rộn sớm tối tay chân mù mịt hết trong một ngày, còn có gì mà nhiếp tự thân nữa. Rồi chúng ta để dành câu “bậc trí nhiếp tự thân” cho những bậc xuất gia hoặc những người có Trí Tuệ, bậc thánh, bậc hiền nhân, còn những bậc phàm nhân như Bảo Thành và các bạn chúng ta chẳng màng nghĩ tới.

Chữ “nhiếp tự thân” hình như nó cũng cũng hơi mờ mờ ảo ảo, nghe nó có vẻ cao cao sao đó. Đối với Phật tử của chúng ta, những người phàm phu của mình nè, như Bảo Thành và các Phật tử tại gia chuyển dịch đơn giản, bậc trí nhiếp tự thân tức là người muốn nhìn xa trông rộng thì phải nhìn chính bản thân của mình. Mỗi khi ta tưởng nhìn xa sẽ là phải banh con mắt ra nhìn cả hàng trăm cây số, thấy được tương lai, ngược dòng quá khứ. Trông rộng là phải trông tới hai bên dài rộng. Cho nên nhiều người tu thì muốn nhìn xa, đoán biết được tương lai và nhìn ngược quá khứ để thấy được tiền kiếp. Nhiều người họ theo tông chỉ đó, không biết là mật tông hoặc những pháp môn cao gì đó, họ tu là họ phải đào bới để trở thành những nhà thiên văn học, từ đó có thể nói được những điều có thể xảy ra, dự đoán tương lai trở thành tiên tri. Và đôi khi họ tự hào là họ đã tu tới mức mà hình như nhìn loáng thoáng, nhìn thấy mờ mờ cảnh giới của tương lai, họ hạnh phúc lắm. Và họ cũng tự hào rằng họ nhìn thấy mờ mờ loáng thoáng về tiền kiếp, mờ mờ loáng thoáng, họ vui. Và dựa trên ảo tưởng sức mạnh đó, họ tự hào cho rằng họ đã tu đúng tông, đúng phái, đúng môn và cái môn họ tu là hay, là chuẩn mực, là chính xác, là cao siêu.

Có phải chúng ta tu theo lời của Phật hoặc như câu “bậc trí nhiếp tự thân” có phù hợp với kiểu tu ta nhìn loáng thoáng, mò mẫm trong sự mịt mù của tương lai, hay đào bới loáng thoáng nhìn thấy bóng của tiền kiếp? Nhưng vậy mà vẫn có người thích lắm. Câu “bậc trí nhiếp tự thân” dịch cho Bảo Thành và các bạn một lần nữa theo ngôn ngữ đời thường mà Bảo Thành hiểu thôi, đó là để có thể có được một tầm nhìn xa trông rộng ta phải biết nhìn lại bản thân của mình, trước khi nhìn xa phải nhìn thấy bản thân, trước khi trông rộng phải nhìn thấy bản thân. Nói rõ hơn trước khi nhìn, muốn nhìn và tìm hiểu được tương lai thì phải nhìn được chính mình, thấy được mình, nhìn bản thân của mình. Mà nếu muốn nhìn về tiền kiếp quá khứ thì phải nhìn bản thân ngay hiện tại. Nếu không thể nhìn rõ bản thân của mình ngay hiện tại thì những điều gọi là tương lai ta nhìn thấy loáng thoáng, hay tiền kiếp ta nhìn thấy mờ mờ chỉ là sự giả dối. Chúng ta đang lừa gạt, đang dối gian với chính mình. “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân” có nghĩa là nhìn xa trông rộng. Muốn đạt tới chỗ nhìn xa trông rộng để cuộc đời có thể lường được mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời của mình để an vui thì ta cần phải biết nhìn chính tự thân của mình, tức là nhìn chính vào đời sống của chúng ta ngay trong hiện tại.

Các bạn có khi nào nhìn lại mình không? “Không biết”, có thể các bạn trả lời như vậy, nhưng trong cuộc sống nhiều khi ta có những người thân hoặc các đấng bậc bên trên như cha mẹ hoặc các bậc thầy từng nhắn nhủ “Con ơi, con phải nhìn lại bản thân nha”. Nhiều khi cha mẹ và ông bà, hoặc các bậc thầy đó không muốn nói thẳng ra điều đó sai hay là điều đó trái, đúng, mà thường nhắc cho chúng ta rằng “Con à, con nhìn lại đi”. Đó là dạy cho chúng ta nhìn lại chính mình để thẩm định những điều suy nghĩ, nói hoặc sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Đó là phương pháp gợi ý để chúng ta thực tập tu nhìn lại bản thân. Đôi khi bạn bè cũng vậy, cũng nhắc nhở “Bạn ơi, bạn nhìn là bạn đi, coi đúng hay sai”. Câu đó nghe đôi khi nó hay bị chạm tự ái. Chúng ta làm gì chúng ta phấn chấn, chúng ta vui, nhưng khi gặp bạn hoặc người lớn nói rằng nhìn lại đi coi coi nó làm sao, chúng ta buồn lắm. Bởi vì chúng ta nghĩ rằng “Tôi làm là tôi biết tôi làm gì, thì đâu có cần ai phải nhắc rằng tôi phải nhìn lại đâu”, phải không các bạn? Ta phải biết nhìn bản thân của mình. Phương pháp nhìn cuộc đời của mình, lời nói, suy nghĩ và hành động của mình nó đơn giản, nhưng nó có một lực siêu thế giúp cho chúng ta ngăn chặn mọi nghiệp bất thiện xảy ra.

Mượn hình ảnh đơn giản nha các bạn để chúng ta có thể hiểu thấu. Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ bị khủng bố, nơi chỗ Bảo Thành ở rất gần tòa Bạch Ốc Ngũ Giác Đài bị máy bay khủng bố đâm xuống, ở New York hai tòa tháp cao bị đâm sập và một máy bay nữa bị rớt ở bên tiểu bang Pennsylvania. Khủng bố xảy ra, người Mỹ lúc đó mới chợt nhận ra rằng từ xưa đến giờ họ không biết nhìn lại bản thân, nhìn lại đất nước. Thế là họ sợ quá, họ nhìn lại làm sao để có thể ngăn chặn được sự khủng bố, sự nguy hại, giết người hoặc tạo ra những sự việc gây chết chóc tang thương, nguy hiểm. Và họ đã tập nhìn lại bản thân từ những chốt chặn quan trọng. Từ cái nhìn lại đó, tư tưởng đó họ đã chế tạo ra mắt thần. Mắt thần đã có nhưng ngày nay họ mới ứng dụng mắt thần vào những chốt chặn quan trọng, từ những nơi giao thông chủ chốt như những biên giới hoặc những chuyến bay, chuyến tàu lửa. Để bất cứ một hành khách nào từ biên giới này vào Mỹ, hoặc đi lên trên máy bay, hoặc đi các chuyến hành trình xa đều phải bước qua đôi mắt thần để mắt thần nó quét toàn diện cơ thể, để nhìn thấu coi trong con người hành khách đó có giấu bom, giấu những vật nguy hại để tạo ra sự khủng bố hay không. Và từ đó nghiêm ngặt hơn là họ quét toàn diện bất cứ chỗ nào để không còn sự sơ hở cho những người có dã tâm khủng bố lọt vào làm hại những người khác. Và từ đó cho đến nay hình như an toàn hơn thật nhiều.

Bảo Thành mượn hình ảnh đó để nói rằng người muốn nhìn xa trông rộng trên con đường tu học Phật pháp là phải biết có con mắt thần quét vào cuộc đời ở những chốt chặn quan trọng, nơi những cửa khẩu mà người ta nhập vào. Phật dạy cho chúng ta các giác quan là cửa khẩu, mà trong danh từ Phật giáo gọi là lục căn. Chúng ta có sáu căn: ý căn, nhãn căn,… gọi là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Các giác quan như tai, mắt, mũi, miệng rồi thân xác, cảm xúc và tư tưởng của chúng ta, ý của chúng ta gọi là sáu căn, Bảo Thành dịch gọi là sáu cửa khẩu, sáu chốt quan trọng mà muôn sự ở bên ngoài đi vào tâm của chúng ta, nhập vào quốc độ tâm của chúng ta.

Người Mỹ sau khủng bố đã biết chặn các chốt đó và cài đặt các mắt thần để quét, để truy tìm những thủ phạm giấu đồ ở trong đó, trong người của họ đó. Điều Phật dạy hồi xưa, nếu người ta hiểu được điều đó không những người ta an toàn tự thân, mà quốc gia nào cũng tốt đẹp. Tức là ở sáu cửa khẩu, sáu căn, sáu giác quan của con người, nếu ta đặt không phải là mắt thần nữa mà gọi là mắt Phật ở sáu giác quan đó thì muôn sự ở đời tuôn vào quốc độ tâm của chúng ta đều bình an và hạnh phúc. Bởi tại các chốt chặn của các giác quan đều có Phật nhãn, đều có mắt thần, mắt Phật nhìn và quét thấy hết, để ngăn ngừa. Hầu như ta tu ta cứ thấy nhiếp thâu lục căn, bậc trí nhiếp tự thân, rồi chúng ta cứ mờ mờ ảo ảo chẳng biết là gì, nghe nó huyền ảo quá, nhưng nói thẳng ra rõ ràng đó gọi là mắt Phật, hay còn gọi là tánh biết. Ta phải biết được trong sáu giác quan của chúng ta những điều gì lọt vào đôi mắt, lọt vào lỗ tai, mũi ta ngửi, lưỡi ta nếm, thân ta xúc chạm, ý tưởng ta gợi lên, luôn luôn phải dùng tánh biết. Tánh biết là Phật nhãn, tánh biết là mắt Phật, cao hơn mắt thần nữa các bạn ơi. Để tánh biết nó quét qua sáu giác quan, mỗi một hành vi nhỏ lớn đi vào cuộc đời thì ta sẽ an toàn. Và nếu ta biết sử dụng tánh biết cài đặt ở sáu giác quan thì ta – những Phật tử tại gia đã trở thành “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân”.

Các bạn nghe kịp Bảo Thành không? Tức là khi chúng ta suy nghĩ ta biết ta đang suy nghĩ, khi chúng ta nói năng ngôn ngữ sử dụng ta biết ta đang nói, khi ta đang hành động ta biết. Mà hay mà Bảo Thành thực tập, mà thật là các bậc Trí Tuệ, các bậc xuất gia và mọi người thực tập đều đạt được cái vi diệu ở chỗ, đơn giản tánh biết tức là nhìn, mắt thần tức là nó nhìn vào, mắt Phật tức là nhìn vào, bạn chỉ cần nhìn vào bạn đang suy nghĩ gì thì mọi luồng suy nghĩ của bạn nó sẽ bị im bặt hết, nó lặn xuống, nó không nhảy múa nữa. Đối với các bạn mà gọi là tâm nó phóng lung tung, hoặc các bạn ngồi thiền, hoặc là đi làm, hoặc tương tác trong cuộc sống mà đầu óc nó cứ suy nghĩ đủ thứ hết, chuyện chợ, chuyện đi làm, chuyện hàng xóm, chuyện cô Ba, chuyện anh Tám, chuyện chú Bảy, chuyện này, chuyện kia nó chạy vòng, vòng, vòng, vòng, mệt, mình không biết sao dừng tư tưởng đó. Các bạn nhớ, bạn chỉ cần nhìn suy nghĩ của bạn thì tự nhiên mọi suy nghĩ tán loạn đó nó biến mất liền.

Bảo Thành đã thực tập nhiều lắm. Trong cuộc sống Bảo Thành tương tác thật là nhiều và những người Bảo Thành tiếp xúc, các bạn Bảo Thành tiếp xúc, các bạn tu và mọi người Bảo Thành tiếp xúc, đủ mọi tầng lớp trong xã hội và mỗi một tầng lớp trong xã hội Bảo Thành tiếp xúc những thuật ngữ trong giao tiếp nó khác biệt và tiếp xúc càng nhiều mình có nhiều luồng tư tưởng tới lui. Và như vậy, sau cái tiếp xúc dễ bị những luồng tư tưởng nó tràn về, nó làm cho chúng ta bồn chồn, khó chịu, bởi vì tư tưởng nhiều quá. Người càng hoạt động nhiều, tư tưởng càng nhiều, mà không biết nhìn vào tư tưởng trong từng giây phút khi nó khởi lên thì sẽ bị sóng của tư tưởng nó vùi dập khó chịu. Có thật nhiều các bạn tu tập ngồi đó mà cứ bị tư tưởng này, tư tưởng kia dẫn và kéo đi. Thì nay kinh nghiệm của Bảo Thành và kinh nghiệm này là do Phật dạy, các bậc Tổ đã tu, các bậc xuất gia đã tu đều có sự ứng nghiệm vi diệu, mỗi khi tư tưởng của chúng ta nó khởi lên, không cần biết chuyện gì ta tập nhìn ngay vào nó. Mỗi khi bạn nhìn vào nó như vậy tức là mắt Phật hay là mắt thần nó quét ngang tư tưởng đó, thì tư tưởng đó nó lộ ra và rồi tự nhiên nó biến mất. Biến mất là gì? Là ta nhìn thấy, gì ta nhìn thấy nó biến mất ngay.

Bảo Thành thực tập thấy vui lắm và đã từ lâu dù tương tác thật nhiều nhưng không bao giờ bị những tư tưởng, suy nghĩ, vấn vương, huyền ảo, tương lai, hay mường tượng về kiếp quá khứ, hay chuyện này chuyện kia nó làm phiền. Không có, bởi lúc nào cũng nhìn. Đặc biệt hơn nếu chúng ta biết nhìn tư tưởng của mình bằng mắt của một vị Bồ Tát, nói là mắt chứ không còn gọi là mắt nữa, bởi tư tưởng mắt không nhìn thấy nhưng bạn cứ nghĩ đi bạn nhìn tư tưởng, chúng ta bắt đầu nhìn thử coi. Khi ta nhìn tư tưởng tức là ta dùng tâm để nhìn, tức là tánh biết đó nhìn tư tưởng, bạn cứ nhìn tư tưởng của bạn ngay bây giờ thì bạn thấy bạn có suy nghĩ gì không? Thử thực tập các bạn, các bạn nhìn thử coi tư tưởng của mình ngay bây giờ, lúc này, bây giờ chúng ta nhìn nha, 123 nhìn. Đó các bạn thấy không, khi các bạn nhìn như vậy đó, thì các bạn thấy đâu có tư tưởng gì, đâu có suy nghĩ về chuyện tí nữa đi chợ, hoặc chút nữa gặp ai, hoặc tối nay đi ngủ, hoặc làm gì? Những tư tưởng này kia nó không có tới. Nhìn thôi thì tư tưởng nó im bặt như hồ nước trong suốt không gợn sóng để ta có thể nhìn thấy tận đáy, rất hay. Mà khi các bạn đang nói, nói tào lao, nói thị phi, nói chuyện chém gió đó các bạn, bạn tập nhìn lại ngôn ngữ thì tự yên bặt, tịnh khẩu ngay. Lâu dần thì khi đang chém gió mà các bạn nhìn lại bạn đang chém gió thì tự nhiên khẩu của mình im bặt, nó không nói gì nữa. Bạn đang hành động lỗ mãng hay hành động gì đó không có tốt, bạn nhìn một cái thì tự nhiên hành động của bạn nó yên ngay, nó tịnh ngay.

Nhìn tư tưởng, suy nghĩ khi nó khởi lên, nhìn ngôn ngữ khi đang nói, nhìn hành động khi đang làm sẽ giúp cho chúng ta tịnh được thân, ngữ, ý, giữ được sự thanh tịnh. Mà như hôm bữa Bảo Thành nói, nếu thân, ngữ, ý thanh tịnh thì Phật sẽ ngự trong thân tâm của chúng ta và nếu chúng ta biết nhìn tư tưởng lời nói và hành động trong từng giây phút thì ta trở thành bậc trí nhiếp được tự thân. Lấy gì để nhìn? Lấy mắt Phật, mắt Phật là tánh biết để nhìn đặt tại những chốt chặn của sáu giác quan thì đời sống của chúng ta sẽ an toàn. Mọi cảnh giới, mọi âm thanh, mọi sắc tướng đi qua sáu giác quan đều được kiểm định bằng mắt Phật, dịch ra là Phật nhãn, khai mở Phật nhãn. Phật nhãn là gì? Là cái nhìn của cái tâm vào mọi tạo tác trong tư tưởng, lời nói và hành động. Cái nhìn vào như vậy nó có một cái lực, nó có một pháp lực vô biên chuyển hóa tất cả mọi bất thiện nghiệp và ngăn ngừa được tội ác và tội lỗi nó thâm nhập, nó đi vào cuộc đời của chúng ta.

Nước Mỹ đã có mắt thần tại các chốt chặn trên các tuyến đường giao thông, các hãng máy bay, an toàn từ đó đến giờ, khủng bố không thể ra tay. Chúng ta tại các giác quan của mình biết sử dụng tánh nhìn thì cuộc đời của chúng ta sẽ không bị khủng bố, thì đúng như Tâm Kinh Bát Nhã nói không còn bị khủng bố, không còn bị chướng ngại, không còn bị phiền não. “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố”, có nghĩa là tâm của chúng ta nếu tại các giác quan biết dùng tánh nhìn, chúng ta chỉ để ý ba thứ thôi suy nghĩ, lời nói và hành động, tóm nó lại cho nó gọn. Và nếu ta biết nhìn suy nghĩ của mình, biết nhìn ngôn ngữ nói chuyện hàng ngày, biết nhìn hành động của chúng ta trong từng giây phút khi tương tác thì ta đã viễn ly được điên đảo mộng tưởng, ta đã lìa xa được những điên đảo mộng tưởng của với tới tầm xa của tương lai, của chui vào cái kho của quá khứ tiền kiếp, thế là ta trở thành bậc trí, an nhiên và tự tại.

Đây là cách tu tập trong Thiền Mật Song Tu. Mỗi khi ta hít vào ta nhìn ta hít vào, ta thở ra ta nhìn hơi thở ra và ta nghe âm thanh vi diệu Từ Bi Mu A Mu Sa. Kinh nhiệm của Bảo Thành bốn mươi mấy năm trời tu tập pháp môn này, mỗi khi hít vào thở ra và trì mật ngôn đó, Bảo Thành nhìn được tư tưởng của mình, nhìn được ngôn ngữ và hành vi của mình. Và với tầm nhìn như vậy trong sự thực tập, sự thinh lặng của cuộc đời nó hiển lộ. Mọi sóng gió dù có như là sóng thần nó quất tới thì liền biến mất ngay và mình rất tịch tĩnh y như câu kinh pháp cú nói “Như tảng đá giữa đường không bao giờ bị lay động”. Như tảng đá ở dưới đường đấy, như núi, dù phong ba bão tố thì núi và tảng đá đó không bao giờ lay động. Và người Phật tử tại gia của chúng ta, nếu biết nhìn vào tư tưởng lời nói và suy nghĩ thì giữa mọi sự khen chê trong cuộc đời tâm ta sẽ an tịnh. Hầu hết Bảo Thành và các bạn nếu không tu thì những sự khen chê ở đời làm ta đau khổ phiền não suốt thôi, chứ không phải một ngày hai ngày đau, rầu rĩ mà đau đau ở trong lòng. Khen chê ở đời nó vô hình vô tướng, nhưng nó làm cho chúng ta chết mòn, chết mòn. Nếu người ta khen chê mà làm cho ta chết dần đi như vậy thì cuộc đời ta phải nhìn lại coi ta có thường hay khen chê người khác không? Chê, khen phải cho đúng và cho khéo để cho người ta phù hợp với nhân duyên hưởng được lời khen đúng theo Chánh pháp. Lời khen đúng theo Chánh pháp tức là biết sử dụng ái ngữ phù hợp với từng căn duyên để khuyến tấn mọi người. Đừng khen một cách trống rỗng, sáo rỗng để mà khen. Khen bằng ái ngữ, tâm chân thật để khuyến tấn nhau, lời khen đó tạo phước vô cùng cho người nghe và người khởi lên cái tâm đó. Do vậy tâm như núi, tâm như tảng đá giữa đường, dù phong ba bão tố tới nó không lay động.

Người trí tức là người Phật tử tại gia, người nhìn xa trông rộng thì không bị những lời khen chê làm cho lay động cõi lòng. Người đó biết nhiếp tự thân tức là người đó luôn luôn biết nhìn lại bản thân của họ trong từng giây phút. Cách nhìn lại bản thân của mình là cách tu Chánh Niệm. Đừng để cả một ngày sáng đến tối mọi chuyện không có kiểm tra, không có nhìn, đến khi tối lại mới nhìn, lại coi ngày hôm nay ta làm gì ha, nhìn lại coi tuần này ta làm gì ha, nhất là hai tuần cuối năm này nhìn lại coi một năm qua ta đã làm gì? Ta đã được gì? Ta cứ dồn không à, như người kế toán mà dồn tới cuối tháng hoặc cuối năm mới làm, người đó xỉu ngay, xỉu thôi, tại vì dồn việc vào. Các bạn ăn mà các bạn không rửa ngay, ăn tới đâu rửa tới đó, các bạn dồn chừng một tuần thôi là các bạn biết nhà bếp nó như thế nào rồi. Y chang như vậy, Đức Phật dạy cho chúng ta khéo chăm sóc tự thân bằng cách nhìn trong từng giây, đừng để dồn nó lại một ngày, một tháng, một năm, một đời, nhiều kiếp mới nhìn lại, rồi viết hồi ký lúc đó nó không có còn nữa. Mà phải viết nhật ký, có nghĩa là nhật ký là viết mỗi ngày sau một ngày. Mà Phật dạy Chánh Niệm có nghĩa từng giây, từng phút phải nhìn thấu để không cần viết nhật ký và hồi ký bởi ta nhìn thấu được tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của ta trong từng giây phút. Người biết nhìn lại chính mình, thân, ngữ, ý của chính mình là người Trí Tuệ, biết nhiếp tự thân, người đó sẽ lìa xa ba nghiệp từ thân, ngữ, ý, người đó sẽ chuyển hóa được tham sân si, người đó sẽ chặn đứng được mọi nghiệp ác xâm nhập vào sáu căn để khủng bố cuộc đời của họ, lao đầu vào gây tội ác, gây ra tội lỗi, gây ra nghiệp chướng. Và người biết nhìn lại bản thân của mình qua ý khởi, ngôn ngữ ứng dụng, hành vi hàng ngày, người đó tâm luôn an và tự tại, luôn mạnh khỏe và tươi vui, luôn bình yên và hạnh phúc, luôn tự tại và bao dung.

Các bạn, lời Phật dạy rất đơn giản, nếu nói bậc trí nhiếp tự thân nó xa vời, nhưng nếu nói nhìn lại bản thân đi, hoặc nói chi tiết hơn là hãy nhìn lại tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi trong từng giây phút, hay nói theo Phật Pháp chút xíu là hãy Chánh Niệm trong từng hơi thở. Bảo Thành đi từ xa tới gần. Hãy Chánh Niệm trong từng hơi thở. Mà Chánh Niệm như thế nào? Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ. Nếu bạn biết Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ trong từng hơi thở, bạn chính là bậc trí biết nhiếp tự thân. Mình đã trở thành người trí rồi các bạn, bậc trí rồi, bậc hiền nhân rồi và khi đã trở thành người hiền (hiền nhân tức là người hiền) biết nhìn lại bản thân thì ta đang đồng hành với Phật và Bồ Tát trên con đường thoát khỏi luân hồi và đau khổ. Dễ chưa? Ai cũng thực hành được, các bạn Phật tử tại gia và Bảo Thành, người phàm như chúng ta đều thực hành được. Không phải chữ bậc trí nhiếp tự thân là để dành cho những bậc hiền triết, những bậc Trí Tuệ thượng thủ cao cao ở đâu đó. Phàm phu như các bạn, phàm phu như Bảo Thành đều ứng với chữ bậc trí nhiếp tự thân trong phẩm Hiền Trí của Kinh Pháp Cú, bởi lời của Phật dạy là dạy cho tất cả mọi chúng sanh, dịch ra đơn giản chúng ta sẽ trở thành nhà thông thái, trở thành người hiền.

Nói đơn giản nha chúng ta sẽ trở thành người hiền lành, nếu chúng ta biết nhìn lại bản thân của mình, bản thân ở đây gồm có nhìn lại tâm, nhìn lại ngôn ngữ, nhìn lại hành vi và thêm chút xíu nữa cho nó có mùi vị của hương thiền mật, hương Thiền Mật Song Tu tức là biết Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán. Cầu kỳ chút ha, ngôn ngữ mà cầu kỳ như vậy, nhưng mà đơn giản là nếu chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống biết nương theo hơi thở vào ra, nhìn lại bản thân và gắn kết với mạng mạch tình thương của chư Phật, nương vào Trí Tuệ của Phật, chúng ta sẽ trở thành người hiền lành, hay còn gọi là hiền trí, hay còn gọi là bậc Trí Tuệ. Các bạn sẽ làm được điều đó, dù trong cuộc sống là Phật tử tại gia bận rộn ta vẫn thực hiện được phẩm hiền trí trong Kinh Pháp Cú và chúng ta sẽ có cơ hội trở thành “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân”, người có Trí Tuệ. Hay nói rõ hơn, Bảo Thành và các bạn sẽ trở thành người hiền lành hơn, bởi chúng ta biết nhìn lại bản thân của mình trong từng hơi thở vào ra và soi sáng nó bằng ánh tuệ quang của chư Phật và tưới tẩm nuôi dưỡng nó bằng năng lượng Từ Bi. Nghĩa là sáu căn của chúng ta đều gắn mắt Phật ở đó để quét ngang tất cả mọi điều đi vào trong sáu giác quan, qua sáu giác quan để vào ta. Nếu quét sạch như vậy thì nó sẽ bị diệt chủng sạch ngay, không bị vi trùng xâm nhập, vi trùng của ác pháp xâm nhập.

Các bạn thấy không, nước Mỹ sau khủng bố tháng 9/11/2001, nhờ gắn mắt thần các chốt giao thông chính mà ngăn ngừa được khủng bố. Phật đã nhắc tới điều đó hàng ngàn năm xưa là nếu sáu cửa khẩu của chúng ta, sáu cái chốt quan trọng đi vào cuộc đời của chúng ta là sáu giác quan biết đặt mắt Phật, tức là tánh biết, tánh nhìn ở đó qua Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ, qua hơi thở Chánh Niệm đó thì chúng ta đã thành tựu được tâm kinh Bát Nhã. Tức là đã có “tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố”, có nghĩa là tâm không bị khủng bố, không gặp chướng ngại, không sợ hãi và có thể lìa xa được mọi viễn ly điên đảo mộng tưởng đó là những chuyện điên đảo trong cuộc đời, những chuyện mộng tưởng trong cuộc đời, để sống chân thật với chính mình. Và từ đó khẳng định còn hai tuần nữa năm mới tới, lỡ rồi chúng ta phải tổng kết lại một năm qua, nhưng ngay bây giờ Bảo Thành và các bạn hãy đi vào sự nhìn tự thân của mình. Đơn giản là chỉ ngón tay vào người mình và nói là: “Nè tôi ơi, hãy nhìn lại tôi đi. Tôi ơi, hãy nhìn lại tôi đi và tập nhìn lại tôi, tôi phải tập nhìn lại bản thân của tôi. Và khi tôi nhìn được bản thân của tôi khi ý khởi, khi ngôn ngữ tương tác, khi hành vi nó bắt đầu thì tôi sẽ trở thành bậc trí nhiếp tự thân, tôi sẽ trở thành người hiền trí trong phẩm Hiền Trí trong Kinh Pháp Cú Phật đã dạy. Và tôi sẽ là người luôn có cơ hội đồng hành với Phật và Chư Bồ Tát trên con đường đang thoát khỏi luân hồi sinh tử”.

Các bạn, chúc cho các bạn nhìn lại bản thân của mình trong từng hơi thở vào ra trong cuộc sống, nhìn bằng tâm Từ Bi, nhìn bằng mắt Từ Bi, nhìn bằng Trí Tuệ, nương vào sự giác ngộ của Phật qua hai mật ngôn Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Để hai mật ngôn này là cái tánh nhìn quét qua tất cả mọi thứ đi vào qua sáu giác quan trong từng hơi thở ta thở, để ta được trụ lại trong sự tịch tĩnh, không lay động trước mọi ngọn gió khen chê của cuộc đời, để ta trở thành người trí nhiếp được tự thân, ta trở thành người hiền trí. Đơn giản ta trở thành người hiền lành để sống an, sống vui, sống hạnh phúc, sống san sẻ, sống yêu thương và sống đùm bọc, phụng hiến cho tha nhân, “Bậc Trí Nhiếp Tự Thân”

Hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau.

Thưa Phật! Bây giờ chúng con mới hiểu ra, hóa ra chúng con những người phàm phu vẫn có cơ hội trở thành bậc trí, người hiền trí. Chúng con nhất định sẽ biết nhìn lại bản thân để trở thành người hiền lành, sống an vui gần Phật, gần Bồ Tát.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay chúng con nguyện hứa sẽ nhìn lại bản thân của mình, Chánh Niệm hơi thở. Và sự đồng tu này nếu có tạo ra được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts