Search

Bài 2215. Rước Tâm Ma | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Kính mong mọi người chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chuẩn bị buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Trong những ngày cuối của năm 2021, chúng con thành kính nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết thiền Chánh Niệm Trí Tuệ và Từ Bi quán chiếu để thấy rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, Khổ, và Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia hộ cho quê hương Việt Nam của chúng con và trên toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và nguyện hồi siêu cho chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành. Xin chư Phật từ bi tác đại chứng minh.

Các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Hãy hướng về Cửu Huyền Thất Tổ, hướng về ông bà, đấng bậc sinh thành, gia đình, bạn bè, cộng đồng và xã hội. Nguyện xin ân điển Từ Bi tình thương của Phật ban rải xuống muôn người. Trong từng hơi thở với mật ngôn Từ Bi và Trí Tuệ, chúng ta hãy đón nhận năng lượng tình thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)

Các bạn thân mến! Càng vào những ngày của cuối năm, chúng ta dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị thân tâm thanh tịnh, cho cuộc hành trình trở về thăm ông bà cha mẹ, ăn tết với người thân. Phong tục của Việt Nam chúng ta, nói riêng và nói chung thì mỗi người vào những dịp cuối năm, dù tin theo niềm tin tôn giáo khác biệt, nhưng vẫn một lòng muốn xua đuổi tà khí, ma quái ra khỏi nhà, khỏi tâm để cho nhà có đầy đủ năng lượng tốt đẹp, tích cực, cho tâm của chúng ta khỏe mạnh và hoan hỉ. Đuổi tà trừ ma, hay còn gọi đơn giản là xông nhà, đốt lửa xông để mà xua đuổi những xui xẻo, tai họa, ma quái, tà khí ra khỏi nơi ăn, chốn ở, nơi thân tâm. Không biết có xua đuổi được hay không nhưng những việc dưới hình thức mang ý niệm đuổi tà, trục ma, xua đuổi, rồi chúng ta hơ lửa để mà thổi phù phù phù.. gì đó, không biết là phù phép hay làm gì để đốt vong, rồi xua đuổi vong linh, cái đó có. Xả xui mà! Thôi, đúng hay thật, không biết! Nhưng mà có làm, bởi vì nếu không làm mà lỡ nó xảy ra xui mà không đuổi được ma ra bên ngoài, thì ma ở trong nhà trong ngày tết, nó lại rước ma vào bên trong. Cho nên đúng sai không quan trọng, cứ làm cho yên tâm. Đó là cách nói của dân gian.

Chủ đề “Rước Tâm Ma”, người tu Phật như các bạn và người học Phật như Bảo Thành, không ai trong chúng ta muốn rước tâm ma vào trong cuộc đời. Ai cũng muốn thỉnh tâm Phật, phát huy tâm Phật. Ai cũng muốn tu tập để Phật khai thị hướng dẫn. Chúng ta học hỏi lời Phật để đánh thức tâm Phật, chẳng ai trong chúng ta mong muốn rước tâm ma vào trong thân, trong cuộc đời, trong gia đình, trong nhà cửa của chúng ta. Dù không muốn nhưng Bảo Thành nghĩ như vầy: Bảo Thành và các bạn không bao giờ muốn rước tâm ma vào, nhưng vô tình hay cố tình chúng ta lại có những hành động ngày ngày, giờ giờ, phút phút rước tâm ma vào, nhập vào trong cuộc sống của chúng ta, còn tâm Phật thì không thấy. Nói như vậy có lẽ Bảo Thành thấy đúng. Bởi vì mình quán chiếu lại đời sống của mình, mình thấy như vậy. Rước ma, thỉnh ma không à. Mà các bạn lắng nghe, hơi chột dạ: Ủa! có phải chăng mình rước tâm ma vào hay không, mà sao Bảo Thành lại nói. Ta nghe thử coi có đúng không nha.

Ngày xưa và ngày nay trong kinh thường nhắc lại, Đức Phật nhắc nhở chúng ta phải biết: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật tức là cẩn thận ghi nhớ sự tỉnh giác, sự tỉnh thức. Phật là Đấng giác ngộ. Ta niệm Phật trên âm ngữ:

Nam Mô A Di Đà Phật!

Hoặc Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Hoặc Mô Phật!

Tức là dẫn ý cho chúng ta luôn khắc ghi là phải tỉnh thức và tỉnh giác.

Niệm pháp là luôn phải ghi nhớ con đường giúp cho chúng ta đi tới sự tỉnh giác. Cho nên Phật dạy chúng ta phải nhớ về sự tỉnh giác, nhớ về phương thức giúp cho chúng ta đạt được sự tỉnh giác. Cho nên ta niệm Phật và niệm Pháp.

Còn niệm Tăng là luôn luôn đặt để, ghi nhớ ở trong lòng sự hòa hợp bởi thiên nhiên với cộng đồng và sự an yên trong âm niệm Tăng. Cho nên khi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, có nghĩa ta luôn luôn phải Chánh Niệm hơi thở để sống hòa hợp với thiên nhiên tự tại và muôn loài chúng sanh, trong sự an yên nơi tâm hồn của mình. Và luôn luôn ghi nhớ phương pháp Phật dạy để thực hành mà dẫn đến sự giác ngộ tỉnh thức, gọi là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đó là cách mà Bảo Thành hiểu, cho nên Bảo Thành thường xuyên thực tập Chánh Niệm hơi thở, sống an yên, sống hạnh phúc, sống dung thông với muôn loài, với thế giới tự nhiên. Và luôn luôn nhắc nhở mình về những lời giáo huấn của Phật, và tu tập để thành tựu được sự tỉnh giác, bớt mê.

Phật dạy ta thực hành được thì ta thực sự đang rước Phật vào trong tâm, mà nếu như Phật dạy ta không thực hành thì ta thả cửa rước tâm ma vào. Một niệm mà ta cứ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng thì niệm đó, giây phút đó, ta thanh tịnh. Một niệm mà thanh tịnh Phật ngự ở trong điện Diêm Vương. Có nghĩa cuộc đời của chúng ta luân hồi nhiều kiếp rồi, Bảo Thành và các bạn tạo thật nhiều nghiệp chướng. Những ác nghiệp nhiều đời dồn lại như dải Ngân Hà mênh mông vô tận dìm ta xuống khổ đau. Và cuộc đời của chúng ta thực ra nói không biết như thế nào nhưng theo suy nghĩ của Bảo Thành nghiệp nhiều quá nên gọi là điện Diêm Vương. Nếu một niệm, một giây, một khắc, một sát na, Bảo Thành và các bạn nghĩ đến Phật, tu hành theo giáo pháp của Phật và Chánh Niệm hơi thở tỉnh thức, hài hòa với thiên nhiên, sống an yên thì niệm đó, giây phút đó, được gọi là giây phút thanh tịnh. Và trong sự thanh tịnh của giây phút ấy, Phật liền ngự ở trong điện Diêm Vương, tức là Phật liền hiển lộ và ngự ở trong thân tâm của các bạn và Bảo Thành. Do vậy mà Bảo Thành cũng như các bạn và mọi người, chúng ta phải luôn luôn niệm thiện, nhớ đến Phật, Pháp, Tăng. Luôn luôn giữ Chánh Niệm để ta luôn luôn giữ được niệm thiện ở trong lòng, có được sự thanh tịnh trong từng giây phút, thì Phật luôn ở với Bảo Thành và các bạn.

Vậy mới nói: Một niệm thanh tịnh, Phật ngự ở trong điện Diêm Vương, trong cuộc đời của ta. Còn nếu một niệm bất tịnh thì Diêm Vương ngự ở trong điện Phật. Ngược lại nha các bạn: Một niệm ở trong tâm của chúng ta, trong lời nói, trong suy nghĩ, hành động của chúng ta mà bất tịnh, thì chẳng khác gì ta mở cửa để mời Diêm Vương ngự trong điện Phật. Bởi vì ta hướng đến Phật, Ta tu con đường Phật dạy, ta là Phật tử tại gia, nhưng ta không giữ được sự thanh tịnh trong từng niệm, từng giây. Từng niệm ta hoàn toàn bất tịnh thì ý tưởng thờ Phật, học Phật, theo Phật, là người Phật tử, điện Phật của cuộc đời này không có Phật. Ngược lại là Diêm Vương đi vào chễm trệ ngồi ở đó điều khiển và làm cho chúng ta trở thành con rối, múa máy trong cuộc đời.

Và niệm không thanh tịnh đó có nhiều lắm. Mình không nói đến người khác, mình nói đến chính mình. Các bạn để ý coi, Bảo Thành và các bạn thường hay bị phóng tâm, nghĩ lung tung. Những điều chúng ta nghĩ không nằm ngoài mười Thập Thiện đâu. Tức là ta nghĩ về làm sao để tăng trưởng tâm tham, tham trong tiền, tình, tài, danh vọng, địa vị, ái dục, và luôn luôn đắm chìm trong tâm sân và si. Luôn luôn có những lời nói không chân thật, giả dối, thêm bớt, đâm thọc, miệt thị, thô ác. Luôn luôn có những hành vi hại đến sinh mạng cuộc sống của người khác, hoặc là chiếm cứ những gì không thuộc về ta, hoặc xâm phạm đến thân thể của người khác. Tâm ta như con ngựa nó rối, nó phóng lung tung, lên trời, xuống thủy cung như Tề Thiên Đại Thánh, phá hết mọi nơi, gặp Phật Tổ cũng chẳng nhường, gặp Quan Âm cũng chẳng sợ. Đợi đến khi đày xuống Ngũ Hành Sơn, đày vào trong tòa nhà ngũ dục này, khổ quá kêu rầm trời để thoát mà không được. Các bạn thấy chưa? Từng thời từng khắc, chúng ta nếu không tu không tập thì nhất định chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong hằng hà sa, tức là thật nhiều những suy nghĩ tư tưởng nó dẫn chúng ta tràn lan trong các miền của tâm ma gieo rắc, làm cho rối tâm của chúng ta.

Vậy trở lại câu: “Một niệm thanh tịnh, Phật ngự trong điện Diêm Vương. Một niệm tâm mà bất tịnh, Diêm Vương chễm trệ ở trong điện Phật”. Bây giờ trong cuộc đời của các bạn có Phật hay có ma? Diêm Vương là đại diện cho Ma Vương. Nhìn đi, chúng ta nhìn thử coi, ngày cuối mình chân thật với chính mình coi coi Phật ở trong cuộc đời của Bảo Thành, của các bạn. Hay là ma quỷ Diêm Vương ở trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn, dựa trên nền tảng rằng tâm của các bạn và Bảo Thành có thanh tịnh hay không? Ai cũng biết! Không cần phải nhìn vào tâm của người khác, nhìn thẳng vào chúng ta, nhận diện tâm hiện thời bây giờ có thanh tịnh không? Nếu không thanh tịnh Diêm Vương đang ở đó, thì ứng với chủ đề là ta đã “Rước Tâm Ma” vào trong cuộc sống. Còn nếu như Bảo Thành và các bạn Chánh Niệm hơi thở Thiền Mật Song Tu Trí Tuệ – Từ Bi quán, mỗi khi ta hít vào, ta quán chiếu Trí Tuệ và Từ Bi, thềm chân tâm của chúng ta được gội rửa sạch sẽ, tâm của chúng ta được thắp sáng bởi những tia Trí Tuệ của chư Phật. Chính trong thời khắc sát na giây phút đó, ta có được niệm thanh tịnh. Thực tập Thiền Mật Song Tu Chánh niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán là giúp cho chúng ta từng khắc mà ta đang sống trong hiện tại, từng giây ta đang thở trong hiện tại thanh tịnh. Và sự thanh tịnh trong Trí Tuệ – Từ Bi đấy, Bảo Thành và các bạn đã đón Phật, đã rước Phật, đã cung thỉnh Phật, đã cung nghinh Phật quang giáng vào trong tâm nghiệp chướng ngũ uẩn, ma quái, bất thiện nhiều kiếp của chúng ta. Đúng như câu: “Một niệm thanh tịnh trong sự tu luyện, Phật ngự trong điện Diêm Vương”. Điện Diêm Vương đây là thân xác chúng ta, cuộc đời của chúng ta. Còn nếu các bạn không tu Chánh Niệm hơi thở hoặc tu theo các pháp môn phù hợp với nhân duyên của các bạn, thì nhất định niệm đó từng giây phút các bạn bất tịnh. Bảo Thành và các bạn tâm bất tịnh là chúng ta đã phá vỡ hàng rào nhà cửa để cho Diêm Vương ngự trong điện Phật.

Hãy chú ý trong những ngày tháng cuối năm. Đừng làm những nghi thức xua tà, đuổi quỷ, đốt bóng vía, đủ thứ theo hình thức tập tục dân gian. Mà hãy theo lời Phật trong từng niệm, từng khắc, nhớ Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ theo hơi thở, để chúng ta một lần nữa trong những ngày cuối năm thành kính cung nghinh mười phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền hiển ngự trong tòa nhà gọi là nghiệp chướng bất thiện, tức là điện Diêm Vương của cuộc đời chúng ta. Để điện Diêm Vương nhiều ác nghiệp luân hồi sanh tử, nơi thân của ta đây, có Phật. Để từ từ chúng ta tu tập chuyển hóa cho sạch sẽ ngôi nhà này để đón xuân nha các bạn. Đừng làm dơ bẩn để rồi Phật không thỉnh mà lại rước Diêm Vương vào, cuộc đời của các bạn coi như đã xong. Sẽ nhiều tai họa, nhiều xui xẻo, nhiều bệnh tật, nhiều bất an, nhiều phiền não, nhiều đau khổ. Có Phật đi với ta, Diêm Vương và ma quỷ, xui xẻo và tai họa sẽ phải nhường bước tránh xa. Như có ánh sáng thì vô minh sẽ chẳng còn, bóng đen, bóng tối cũng chẳng còn nữa. Cứ như vậy mà tu thì năm nay Bảo Thành và các bạn sẽ sung sướng và hạnh phúc. Mọi tai họa từ cá nhân đến cộng đồng xã hội, đến quốc gia và thế giới sẽ được chuyển hóa từ đời sống của mỗi cá nhân chúng ta. Hãy tích cực hồi hướng, góp sự tu tập trong Thiền Mật, Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán để làm sáng tâm, giữ được sự thanh tịnh, thỉnh Phật trụ thế trong cuộc đời.

Các bạn! Chúng ta hãy luôn luôn làm như vậy. Các bạn nói tại sao chỉ có ý niệm đó thôi mà đã đẹp? Phật dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng mà. Niệm ma ma tới, niệm Phật Phật gần kề. Có! Trong Kinh Bách Dụ: Có một câu chuyện kể về một anh họa sĩ vẽ truyền thần, có nghĩa là vẽ chân dung. Nhưng mà hình chân dung mà anh ta vẽ đó, y như thật, có cái thần ở trong đó. Ai nhìn cũng y như thật, gọi là vẽ chân dung theo phương pháp truyền thần. Bởi vì khi anh ta vẽ, anh họa sĩ này có khả năng nhập vai vào hình ảnh mà mình muốn vẽ, quán tưởng, tác ý thật sâu để thấy được từng chi tiết, từng nét của khuôn mặt. Hình anh ta vẽ sắc sảo, có thần. Ai cũng muốn anh ta vẽ dùm. Có một người xây dựng điện Diêm Vương, nhờ anh ta vẽ hình quỷ dạ xoa. Thế là anh ta bắt đầu suy nghĩ liên tưởng đến hình ảnh xấu xí, tàn ác, ghê gớm của quỷ dạ xoa. Rồi anh ta liên kết với những ý tưởng đó, tác ý để hình dung ra hình bóng của quỷ dạ xoa. Và anh ta bắt đầu thẩm nhập thấm vào để vẽ lên hình truyền thần chân dung quỷ dạ xoa. Ai cũng khen cái hình đúng như quỷ dạ xoa.

Một thời gian có người bạn đến thăm, thấy người bạn của mình sao hình hài, mặt mũi và toàn vóc dáng dữ dằn, tàn ác, xấu xa, ghê rợn y như quỷ dạ xoa. Anh ta hết hồn, anh ta nói bạn: “Tại sao bạn lại biến tướng như vậy?”. Anh họa sĩ cũng không biết. Đấy các bạn thấy không? Bởi vì lúc nào cũng liên tưởng hòa nhập vào với dung nhan tàn ác, ghê gớm, bất thiện của quỷ dạ xoa, tác ý để gắn kết với quỷ dạ xoa, để vẽ lên bức tranh truyền thần tuyệt tác. Để rồi những ý tưởng xấu xa, ghê gớm kia nó thấm vào trong từng thớ thịt của khuôn mặt, trong từng tạo tác của tướng đi, trong từng ngôn ngữ, ánh mắt. Nên khi xăm hình dạ xoa, thì toàn thân của anh ta biến thành dữ dằn như quỷ dạ xoa. Cái này đúng! Bởi vì mỗi khi các bạn sân đó, ít ai có cơ hội nhìn lại gương mặt của mình. Lần sau mà lỡ các bạn sân, thì ai đứng ngoài làm ơn quay phim dùm để rồi cho chúng ta có cơ hội nhìn lại mặt mũi phừng phừng đỏ, tay chân múa may, miệng thì la hét, phùng mang trợn mắt, thâm tím hết nhìn như quỷ, dữ lắm các bạn ơi. Nhưng rất tiếc khi chúng ta sân, chúng ta không nhìn thấy. Cho nên các bạn ngày nay phương tiện tốt có điện thoại thông minh, lỡ mà ai sân giận là người quen nha chúng ta quay phim, rồi phải thật là khôn khéo để cho người bạn mình nhìn lại nhận diện ra họ. Nhưng mà người ngoài họ sân không quen biết quay cho họ, coi chừng họ đập bể điện thoại nha các bạn. Cẩn thận, cẩn thận nha các bạn.

Trở về câu chuyện trong kinh Bách Dụ, anh chàng đó thấy như vậy thì nghề của anh mà anh đâu có để ý. Nhưng sau đó lại được một nhà sư nhờ anh ta vẽ hình của Ngài Bồ Tát Quan Thế Âm. Thì y như lần trước, anh ta là một người yêu nghề, toàn bộ tâm trí luôn luôn từng giây phút quán tưởng, để có thể vẽ ra hình đẹp nhất, anh ta lại bắt đầu quán tưởng đến dung nhan toàn mỹ, toàn giác Từ Bi, Trí Tuệ của Đức mẹ Quan Thế Âm. Đi đứng nằm ngồi tác ý liên tưởng, nhập vào trong hình ảnh đó. Và rồi anh ta đã hoàn thành xong bức chân dung của mẹ hiền Quan Thế Âm thật là đẹp. Ai nhìn vào cũng thấy trang nghiêm, và đón nhận được nhiều năng lượng điển lực Từ Bi. Rồi người bạn có dịp trở về, thấy ngạc nhiên vô cùng, bởi dung nhan của anh ta ngày xưa ấy, khuôn mặt của quỷ dạ xoa đã biến mất chẳng còn, thay vào đó là sự thanh thoát nhẹ nhàng, tuyệt đẹp, hiền như mẹ Quan Thế Âm. Câu chuyện này trong Kinh Bách Dụ bổ túc cho lời Phật dạy:

Niệm Phật thì Phật ở trong tâm.

Niệm ma ma tới phá tan cuộc đời.

Anh ta tác ý đối với quỷ để vẽ lên hình của quỷ thì liền biến tướng thành quỷ. Anh ta tác ý liên tưởng tới Bồ Tát, vẽ ra hình chân dung của Bồ Tát thì tướng hảo liền thay đổi. Đây chính là ý mà Phật dạy cho chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Bảo Thành giải thích sơ về ý nghĩa đó, đối với hàng Phật tử tại gia của chúng ta không đi sâu vào chiều sâu của triết học Phật giáo, hay gì đó người ta tác chế ra. Thật đơn giản thôi, là Phật tử tại gia, hoặc những người bình thường như Bảo Thành và các bạn chỉ cần tác ý khởi niệm nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, nghĩ đến chư vị Bồ Tát thì thân tướng, tướng hảo, cuộc đời của ta sẽ liền thay đổi tốt đẹp, và đời sống sẽ an nhiên hạnh phúc. Nếu luôn nghĩ đến những chuyện bất thiện là nghĩ đến những hành động, suy nghĩ, lời nói của chướng ma thì Diêm Vương sẽ chiếm cứ cuộc đời và mang ma quân tới phá rối. Bởi thế, ta các bạn và Bảo Thành thường gặp xui xẻo, tai họa, chính là tâm ta đã rước ma vào mà không cung nghinh Phật, Pháp.

Cuộc đời trong hiện tại của mỗi người chúng ta, thế giới quay cuồng trong biết bao nhiêu những sự phong ba bão tố, nạn lụt, chướng khí, dịch bệnh, khó khăn quá. Và sức ép cuộc đời nó làm chủ dẫn ta đi mãi, những tư tưởng bất tịnh thường chiếm ngự và nó kéo ta đi mãi, trượt dài theo triền dốc của ác nghiệp khó kềm. Bảo Thành và các bạn thường bị vấp ngã và bị những cám dỗ của nhục dục kéo đi khó cưỡng. Nếu như trong từng giây phút Bảo Thành và các bạn, không niệm Phật, Pháp, Tăng, không Chánh Niệm hơi thở, không nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, không nương vào tha lực của Tam Bảo để khơi nguồn tự lực cầu đạo giác ngộ, thì nhất định Bảo Thành và các bạn chính là tội đồ của chính mình, đã mở cửa rước tâm ma vào. Do đó mà những chuyện xui xẻo, sai quấy, bệnh hoạn, những tai hoạ tới là sự dĩ nhiên. Ta đâu có Phật ở trong tâm, ta đâu có thỉnh Phật vào cuộc đời. Ta thỉnh ma, ta rước ma vào. Tâm ma thì ma tới, tâm Phật Phật hiện. Phật hay là ma là do tâm, đó là kinh Bách Dụ nói về anh họa sĩ.

Thời xưa ở Trung Quốc có một nhà thơ gọi là Tô Đông Pha giỏi dữ lắm. Ông Tô Đông Pha là nhà thơ. Ông ta thường lui tới các thiền viện, chùa chiền gặp các bậc thiền sư. Và thiền sư Phật Ấn là một vị cao tăng đắc đạo thời đó mà ông nhà thơ Tô Đông Pha thường hay tới để uống trà hoặc ngồi thiền chung. Một hôm Tô Đông Pha tới ngồi thiền với thiền sư Phật Ấn. Thiền xong ngồi uống trà, Ngài thiền sư Phật Ấn mới hỏi Tô Đông Pha rằng: “Lúc nãy ngồi thiền, tôi thấy anh nhìn tôi anh cười, không biết là gì mà anh cười?”. Nhà thơ Tô Đông pha liền nói dõng dạc: “Lúc nãy tôi ngồi thiền, tôi nhìn thấy ngài hình thù bất tịnh giống như đống phân nên tôi cười”. Thiền sư Phật Ấn cũng cười và uống trà, nhưng Tô Đông Pha hỏi ngược lại: “Lúc nãy tôi ngồi thiền thì tôi cũng thấy thiền sư nhìn tôi và cười, như vậy thiền sư cười gì?”. Thiền sư Phật Ấn mới nói với Tô Đông Pha rằng: “Lúc nãy tôi ngồi thiền cùng với anh, tôi nhìn thấy anh tướng thật là sáng, phát hào quang y như một vị Phật, nên tôi cảm thấy hoan hỉ và cười”. Tô Đông Pha cảm thấy vui vẻ bởi từ xưa đến giờ ông Tô Đông Pha này thường ỷ vào tài văn chương, thơ phú, kiến thức, thường hay thử thách thiền sư Phật Ấn. Hôm nay trong thiền, chơi một cú thật là đau. Thắng! Anh ta thích lắm! Anh ta đi khắp phố phường khoe rằng hôm nay thắng được thiền sư Phật Ấn, mang câu chuyện kể cho mọi người nghe. Nhưng khi về đến nhà Tô Đông Pha kể lại cho người em gái nghe. Người em gái mới lắc đầu chặc lưỡi và nói rằng: “Anh ơi! anh đã nghĩ sai rồi, anh thực sự là đã thua thiền sư Phật Ấn”. Tô Đông Pha hỏi: “Tại sao?”. Người em gái nói rằng: “Khi anh thiền, tâm của anh ô uế, dơ bẩn, để lời nói của anh nói với vị thiền sư đáng kính kia cũng thành hình hài của đống phân. Còn Thiền sư là bậc chứng đắc, thể nhập vào tự tánh, hoan hỉ và an nhiên, nên từ trong tâm của ngài, ngài đã nhìn thấy mọi chúng sanh trong vạn pháp lưu chuyển trong cuộc đời đều là Phật, cho nên thấy anh là Phật. Ngài đã chứng đắc đó”. Lúc này Tô Đông Pha mới ngộ ra thấy xấu hổ.

Đây là câu chuyện mà kinh Bách Dụ nói về họa sĩ thời Trung Hoa, nói về Tô Đông Pha. Còn thời hiện tại của chúng ta thì sao? Bảo Thành và các bạn mặt mày nhiều khi hơn quỷ dạ xoa, dữ dằn, gian ác. Vì sao? Vì chúng ta để cho tâm ma nó như là một sức mạnh truyền kỳ nhiều kiếp làm chủ cuộc đời. Từng giây phút, từng hơi thở đắm chìm, đắm đuối trong tâm ma đó. Ngũ ma, ngũ dục, chấp trược, phân biệt, chê bai, tham sân, đủ đầy hết không thiếu một chút. Từ đó mà chúng ta toàn thấy những người khác sai thôi. Tô Đông Pha tới gặp thiền sư Phật Ấn, nhìn thiền sư Phật Ấn thành đống phân. Chúng ta là người tới chùa, chúng ta toàn là nhìn thấy bạn đạo, Phật tử sai không à. Nhìn lại thấy xấu hổ. Các bạn để ý đi, các bạn và Bảo Thành sai nhiều lắm. Bảo Thành thì nhìn toàn là Phật tử sai, toàn là chư Tôn Túc sai không. Đó là tội lỗi, nghiệp chướng của Bảo Thành, nó che mờ con mắt trong tâm toàn là ma nên nhìn thấy chư Tôn Túc, các Phật tử đều xấu, đều sai. Các bạn không khác Bảo Thành, là Phật tử đến chùa toàn thấy Phật tử khác sai không. Và đi đâu cũng thấy sai, rồi chê bai, dèm pha dìm hàng, trách móc, than thở. Cứ vùi đầu vào trong sự tiêu cực, bới lông tìm vết, sai trái của người, chẳng nhìn thấy sự tích cực như thiền sư Phật Ấn. Chúng ta đã nhập vào tâm tưởng của anh họa sĩ, muốn vẽ cuộc đời của mình thành hình hài của quỷ dạ xoa. Cho nên hình tướng của Bảo Thành và các bạn không khác gì quỷ dạ xoa, dù khoác áo nhà tu hay khoác áo Phật tử.

Ngày nay chúng ta vẫn cứ rước tâm ma vào, nhất định phải nhìn ra điều này. Bảo Thành và các bạn, một lần nữa sống chân thật với chính mình. Sám hối, thay đổi, thành kính, ngưỡng cầu, đến ba ngôi Tam Bảo. Thỉnh Phật vào trong tâm, giữ sự Chánh niệm hơi thở, thanh tịnh trong từng niệm. Một niệm thanh tịnh như vậy để Phật hiển ngự trong ngôi điện Diêm Vương của chúng ta, trong cuộc đời nghiệp chướng uế trược của chính mình. Đừng xả giàn, xả kho, để rồi cho ma quỷ lấn chiếm cuộc đời, dẫn ta vào hố sâu luân hồi đau khổ. Đây là sự thực, Bảo Thành và các bạn đã sai nhiều lắm. Bởi từng giây, từng phút không Chánh Niệm, niệm niệm toàn bất tịnh, khởi lên toàn những chuyện ác, chuyện tham, chuyện sân, khởi lên toàn những chuyện đắm chìm trong ngũ dục, đi đâu cũng chỉ trỏ, chê bai, trách móc. Đi đâu cũng thấy người ta dở, người ta thua, người ta kém. Đi đâu cũng thấy mình đỉnh ở trên cao, đỉnh, chất, chất ngất như nước cất, đấy là cách nói của tuổi trẻ ngày nay: “Chết ngất như nước cất”. Rồi ngất ngây về cái tôi bản ngã, thấy ai cũng sai. Rồi cuối cùng chê bai để nhào xuống vực sâu của tội lỗi mà không hay.

Nhớ lời Phật dạy niệm Phật, Pháp, Tăng. Chánh Niệm hơi thở Thiền Mật Song Tu – Thiền Trí Tuệ và Từ Bi là một pháp phương tiện rất thiện xảo cho những Phật tử, các bạn đồng tu nào, có căn duyên phù hợp trên con đường tu của pháp môn phương tiện này. Chúng ta có sự gắn kết và đón nhận được với tha lực Phật điển đại từ đại bi, năng lượng tình thương của Phật thể nhập vào trong thân tâm mà Bảo Thành và các bạn đều cảm ứng được với nguồn năng lượng đó: năng lượng thanh tịnh, năng lượng tình thương, năng lượng của Trí Tuệ. Và trong hơi thở Chánh Niệm, các bạn và Bảo Thành đón nhận năng lượng Trí Tuệ, tình thương, thanh tịnh quá, lúc đó Phật, Bồ Tát sẽ tới với chúng ta.

Cuối năm thường về nhà rửa nhà, rửa bàn thờ, lau chùi, thì trước khi lau chùi nhà cửa, bàn thờ ông bà, chuẩn bị tết, ta phải lau chùi suy nghĩ để cho thanh tịnh. Hầu mong rằng Phật tới với chúng ta trong từng giây phút, để đừng quán tưởng, liên tưởng, tác ý đến quỷ dạ xoa và mời quỷ dữ vào cuộc đời chúng ta. Nhưng phải vẽ nên hình hài của Bồ Tát, của chư Phật, của các bậc Thánh Tăng, Thiện tri thức, Thánh hiền. Đừng như Tô Đông Pha ỷ tài, ỷ rằng ta có kiến thức, tài phú, văn chương, học giỏi. Đừng ỷ rằng ta có những bậc sư phụ cao siêu được truyền những pháp mật truyền gọi là Mật tạng, Kim cang thừa, thường thường hay bị dính mắc vào những chuyện đó. Kim cang thừa, Mật tông thừa, cao quá, rồi coi thường hết mọi người. Chính ngay điểm mà tâm ta tác ý coi thường người khác, tự nâng mình lên, sơn son thiếp vàng, trang điểm cho cái ngã mạn của mình. Ta đã đắm chìm vào trong cả một biển tâm bất tịnh, thì sẽ bị ngũ ma phanh thây chẳng làm được gì.

Hãy nhớ chủ đề: “Rước Tâm Ma”, dễ mà, luôn luôn gắn kết với ma, ma sẽ tới. Nếu thỉnh Phật thì luôn luôn phải biết niệm Phật, Pháp và Tăng. Bảo Thành nhắc lại để các bạn nhớ trong những ngày cuối. Bảo Thành và các bạn cần phải nhớ, suy nghĩ, tư duy cho chín chắn rõ ràng để thấy rằng Thiền Mật Song Tu – Thất Bào Huyền Môn, thiền Trí Tuệ và Từ Bi quán qua mật ngôn Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Trong từng hơi thở, từng sát na vào ra, ta quán chiếu tâm Từ Bi của mẹ hiền Quan Âm qua mật ngôn Mu A Mu Sa. Khi chúng ta trì niệm Mu A Mu Sa là chúng ta trì niệm Từ Bi. Tâm Từ Bi là hai tâm trong tứ đại tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ta thể nhập và liên tưởng, ta tác ý tâm Từ, tâm Bi, để khởi nguồn yêu thương. Và khi chúng ta trì niệm NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là chúng ta liên kết, chúng ta tác ý để khởi nguồn Trí Tuệ gắn kết với Phật, nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, nhìn thấu được tinh thần Vô Ngã, không chấp ngã, để chuyển hoá mọi sự đau khổ trong cuộc đời. Pháp thiền này rất đơn giản bởi là liên kết mật thiết, bởi là tác ý, bởi là thể nhập vào năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ.

Các bạn có thể phù hợp với căn duyên của các bạn, đối với các pháp môn khác nhau, nhưng không thể loại trừ Trí Tuệ và Từ Bi. Dù mang một cái tên là Thiền Mật Song Tu – Thất Bảo Huyền Môn nhưng thiền Trí Tuệ và Từ Bi là nền tảng cần phải có, đặc biệt đối với Phật tử tại gia chúng ta. Nếu nuôi dưỡng và thắp sáng được Trí Tuệ, lan tỏa yêu thương, lòng Từ Bi, nhất định cuộc đời của các bạn không cần phải xua đuổi ma quỷ đi bởi vì Phật đã ngự trong cuộc đời của các bạn. Và nơi nào có Phật ngự thì nơi đó có sự chuyển hóa, Ma Vương sẽ biến thành các bạn đạo để tu, xui xẻo tai họa sẽ biến thành phước, và sự hên biến họa thành phước, đó là điều chắc chắn. Họa sĩ kia là người bình thường biến thành quỷ dạ xoa là bởi vì liên tưởng tác ý đến quỷ. Và rồi cũng người hoạ sĩ đó biến tướng hảo thành đẹp như Bồ Tát bởi gắn kết niệm niệm với Bồ Tát. Nếu tâm của chúng ta như những vị họa sĩ mù lòa, đâm thọc, chẳng phân biệt được màu sắc thì sẽ vẽ lên bức tranh của cuộc đời chính mình hình hài của quỷ Vương. Nếu tâm của các bạn thanh tịnh bởi niệm Phật, Pháp, Tăng bởi Thiền Mật Song Tu, bởi Trí Tuệ – Từ Bi quán trong Chánh Niệm thì bạn chẳng phải là họa sĩ mù, mà là họa sĩ nhìn thấu, nhìn rõ để buông và phác họa nên chân dung của Phật Tổ trong cuộc đời của chúng ta, chân dung của Bồ Tát, Thánh Hiền, các bậc Thiện Trí thức, Thánh Tăng.

Cuối năm rồi, Bảo Thành và các bạn muốn vẽ cuộc đời của mình nên hình hài của Bồ Tát, Thánh Hiền, chư Phật? Hay biến cuộc đời của mình thành Ma Vương, quỷ dữ? Đó là sự lựa chọn riêng của các bạn. Lời khuyên chân thật: Hãy cùng với Bảo Thành đặt bàn tay phải và lòng bàn tay trái lấy hơi thở thể nhập vào trong Từ Bi và Trí Tuệ để chúng ta có thể cung nghinh Phật vào cuộc đời. Đừng rước tâm ma để phá vỡ cuộc đời mà ông bà, cha mẹ đã ban tặng cho chúng ta.

Thưa Phật! Trong những ngày cuối năm, chúng con đã hiểu, phải như một họa sĩ thật sáng vẽ chân dung của Bồ Tát. Phải như thiền sư Phật Ấn thể nhập vào Trí Tuệ và Từ Bi nhìn vạn pháp hư không đều là Phật. Phải như Phật tử luôn luôn biết niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, biết thể nhập vào trong Chánh Niệm hơi thở thiền Trí Tuệ và Từ Bi thấu rõ Vô Thường, Khổ, Vô ngã.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Chúng con sẽ không bao giờ rước tâm ma vào trong cuộc đời, mà thành kính cung thỉnh chư Phật quang giáng vào trong thân tâm của chúng con. Sự đồng tu ngày hôm nay, nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts