Search

Bài 2196. Vòng Tròn Sinh Tử | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Giờ đồng tu đã tới, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật! Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia độ cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Cho tất cả hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành.

Xin chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng sát na Chánh Niệm hơi thở đón nhận năng lượng, chúng ta trong những ngày tháng của năm cũ chuẩn bị trôi qua để đón mừng năm mới, chúng ta hãy hồi hướng tới các đấng bậc sinh thành, tới gia đình, vợ chồng, con cái và người thân năng lượng tình yêu của chư Phật để mọi người gội rửa mọi uế trược, thanh tịnh thân tâm, sống đời hạnh phúc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:02) Các bạn thân mến, hôm nay thứ hai, lại một tuần mới bắt đầu sau một tuần cũ đã ra đi, chính chỗ này thôi ta đã thấy được chủ đề “Vòng Tròn Sinh Tử”, một tuần tới một tuần đi, một vòng tròn vừa xoay thì một quá khứ đã chấm dứt và một tương lai đang đi tới, nhưng cái để định mặc quá khứ và tương lai là hiện tại của lúc này.

Trong Phật giáo, sanh tử là một vòng tròn xoay chuyển trong sáu nẻo luân hồi từ dưới địa ngục tới ngạ quỷ, súc sanh, con người, Atula và chư Thiên. Sáu nẻo luân hồi đó như một vòng tròn xoay trong đau khổ, bao nhiêu lâu chúng ta còn xả mình trong trầm luân đen tối và mù mờ trong sự quờ quạng của tâm tham – sân – si, chấp trược, thì vòng tròn sanh tử đó sẽ cứ vận hành mãi, vận hành mãi!

Một vòng tròn sanh tử trong Phật giáo được nói tới giữa hai thời điểm của khởi lên và tận diệt nơi một kiếp người là sinh ra rồi chết; đó là một kiếp người, một kiếp sống, giữa cái sanh và cái chết gọi là sinh và tử còn xen lẫn hai điều nữa gọi là bệnh và già. Sinh – lão – bệnh – tử! Kết thúc một vòng tròn của đời người, của sự sống là sinh tử, là luân hồi tiếp tục! Và một cái nhìn vi tế hơn là vòng tròn sanh tử trong từng sát na, trong từng giây phút, trong từng niệm nó tới rồi nó đi, nó khởi lên rồi nó tận diệt theo chu kỳ của thành – trụ – hoại – không. Hình thành, trụ ở đó, rồi bị hủy hoại, biến mất không còn; đó là một vòng tròn sanh tử. Cái gì đi vào vòng tròn sinh tử này đó chính là nghiệp!

Phật giáo, Đức Phật dạy nghiệp tới từ thân tức là mọi tạo tác từ thân, mà nghiệp từ thân này tóm gọn lại để cho mọi người đều có thể nhận ra được nó tới từ ba hành động sát sanh, trộm cắp và tà dâm, thật là rõ ràng! Thân này tạo ra ba nghiệp mà rồi vòng tròn sanh tử như được cộng lực xoay vần mãi không thể thoát ra, như ta chui vào trong ống cống của sáu nẻo luân hồi thả xuống núi chảy mãi chảy mãi mà nó không ngừng đâu, đừng nói đến chạm đáy địa ngục rồi nó ngừng; không, nó vẫn tiếp tục xoay vần mãi mãi mà thôi, trong hầm lửa của đau khổ!

Nghiệp của thân là sát sanh, là tà dâm, là trộm cắp, còn cái nghiệp mà ta tạo ra từ cái miệng, thân, ngữ là miệng, là bốn điều mà Đức Phật nhắc nhở thật rõ. Tức là từ cái miệng này, ta nói những lời dối trá, lời thêm bớt, lời đâm thọt hoặc lời thô ác, bốn thể loại ngôn ngữ này đan xen với nhau thành hằng hà sa những thể điệu ngôn ngữ nguy hại tạo nghiệp. Và nghiệp cuối cùng tới từ ý nó khởi lên do ba tâm tham – sân – si. Tham – sân – si, nói dối, nói thêm bớt, nói đâm thọc, nói thô ác, sát sanh, tà dâm và trộm cắp chính là mười điểm từ thân – ngữ – ý tạo thành nghiệp lực và kết thành một vòng tròn sinh tử, cái từ cõi này tới cõi kia trong một chu kỳ của một kiếp sự sống hay một chu kỳ sanh diệt của từng sát na.

Ta chẳng đào bới về thuyết luân hồi sanh tử là nhiều trong khi đồng tu, các bạn có thể đọc kinh hiểu thấu lắm. Bây giờ kinh tạng của nhà Phật đã được lưu truyền ở trên mạng, được giảng dạy cặn kẽ trong các lớp Phật học để chúng ta tham khảo, tham cứu, từ đó hiểu thấu hơn. Trong sự đồng tu, ta đi sâu vào chiều sâu của ứng dụng vòng tròn sanh tử trong đời sống của người Phật tử tại gia, Phật tử rất bình thường như Bảo Thành và các bạn!

Có một câu chuyện mà Đức Phật kể về tiền kiếp ở trong kinh. Và trong Phật giáo, chúng ta nói về tiền kiếp của Đức Phật thật là nhiều. Có kiếp thì Ngài làm con nai, có kiếp thì Ngài làm cây sứ, có kiếp thì Người làm thái tử, Người đi buôn và trong những chuyện tiền kiếp của Đức Phật đã chứng minh luân hồi là sự thật, vòng tròn sanh tử là sự thật xoay vần luân hồi mãi mà thôi. Trong kinh thời Đức Phật có một câu chuyện kể rằng khi Ngài đi tới thăm, nói chữ “thăm” chứ thật ra lúc đó Ngài đi khất thực, tới một nhà gia chủ kia, ông chủ đi vắng và có con chó nó sủa quá trời. Phật 23:05 mắng nó, rồi nó chui vào một chỗ nằm im không sủa nữa, nó buồn rầu lắm. Cho tới khi gia chủ về hỏi gia nhân: “Tại sao con chó yêu quý của ta lại như vậy?”. Gia nhân mới nói với ông chủ rằng: “Có Cù Đàm đi khất thực ngang đây, gặp con chó sủa, mắng chửi, nó buồn quá, giờ nó nằm đó”. Khi Đức Phật trở lại khất thực đó, người chủ mới hỏi Phật tại sao thế. Phật nói rằng: “Gia chủ, đây, chỗ đó, ngay con chó đang nằm có một hũ vàng và con chó đó là cha của nhà ngươi khi xưa làm lụng cả cuộc đời để nuôi nấng, dành dụm vàng bạc cho ngươi. Nhưng chết trước khi có thể chỉ cho ngươi nên tái sanh luân hồi trở lại trong vòng tròn sinh tử thành kiếp con chó để mách báo cho ngươi nhưng không thể mách báo được và chỗ con chó nằm có hũ vàng, ngươi không tin đào lên đi!”. Gia chủ đào lên thì thấy hũ vàng, lúc đó mới tin lời của Phật.

Câu chuyện Bảo Thành dừng ở đó để chứng minh rằng sự sanh tử luân hồi là có thật, chính Đức Phật đã chỉ điều đó trong suốt cuộc đời của Ngài và câu chuyện vừa rồi cũng chứng minh được điều đó! Ngày nay trong tất cả các pháp môn tu dưới sự vội vàng của cuộc đời, đầu tắt mặt tối, lưng còng để gánh vác chuyện đời nuôi vợ, nuôi chồng, báo hiếu cha mẹ, chăm sóc con cái, xây dựng cơ đồ, nhìn cho kỹ thì Bảo Thành và các bạn hình như giống giống con chó, tức là mang thân kiếp người này làm lụng, còng lưng ra làm đủ mọi thứ để cho có một tương lai tươi sáng cho thế hệ sau là con cái. Không dám xài, không dám ngừng, không dám nghĩ, bởi sợ con cháu của chúng ta khổ. Ta làm dữ lắm để tích lũy tất cả công sức đó bằng vàng, bằng tiền chôn xuống dưới đất dành cho con cái hoặc để vào trong nhà bank (ngân hàng). Đến nỗi mà chúng ta bệnh hoạn không dám xài tiền, không dám đi bác sĩ, không dám đi nhà thương, không dám mua thuốc, đói không dám ăn, rách không dám mặc, trong đời sống, dành dụm từng chút xíu, chút xíu. Không biết có may mắn như con chó kia, là khi ta chết đi, tất cả khối tài sản để lại đó con cái không biết, ta có cơ hội đầu thai thành con chó của người con để báo, để có một bậc thiện tri thức như Phật đi ngang khai thị và báo cho hũ vàng đó của ta, để con cháu xài hay không. Hay kết thúc của cuộc đời, toàn bộ sự lao khổ trong một vòng tròn sanh tử làm kiếp người, ta đã mang toàn bộ khối gia tài của ta đó chính là nghiệp ác, chôn sâu xuống mồ mà con cháu đời đời không bao giờ muốn tới thăm, hoặc có chăng cũng trong vòng 49 ngày, xoay đi rồi, chẳng ai tới nữa.

Ngày nay nó khác nữa, không những người ta không chôn mà người ta còn thiêu, bỏ vào chùa có ghé thăm đâu, mà đôi khi để thuận tiện cho cuộc sống bôn ba ở đời như chúng ta ngày xưa ấy, thì con cháu cũng đã vội vội vàng vàng mang tro cốt ông bà rải xuống sông, rải xuống kênh, xuống rạch, rải ở trên đất, rải ở mọi miền để cho nhẹ gánh, để không cần phải cưu mang hũ tro cốt của ông bà. Có lẽ phương tiện đời sống của con người càng phát triển, quỹ thời gian càng nhỏ, càng bé, càng biến mất và người ta chẳng còn cần phải nghĩ đến ông bà, cha mẹ, chẳng cần có một cái gì đó để còn nhớ về cội nguồn của tổ tiên. Và có lẽ dần dần đời sống tổ tiên, người ta chỉ có thể nhìn thấy khi cha mẹ còn sống, một khi đã mất rồi, chắc có lẽ cũng dần dần trôi vào dĩ vãng, chẳng phải là dĩ vãng một thời mà dĩ vãng nhiều đời con cháu không bao giờ nhớ.

Nghiệp đưa chúng ta tái sanh trong vòng tròn sanh tử sau một chu kỳ của kiếp người của ta, hay tinh tế hơn ta phải nhớ rằng để trọn vẹn một kiếp người đó là sự đúc kết của từng sát na, từng giây, từng phút ta sống trong hiện tại tạo ra kết quả của một đời người! Cái nghiệp đưa chúng ta tái sanh, lao vào luân hồi đau khổ và quyết định điều đó gọi là cận tử nghiệp. Tức là cái nghiệp chẳng phải là giây phút cuối cùng khi ta chết mà là tổng hợp của nghiệp cả một đời người được kết lại, và kết quả tổng hợp của nghiệp đó ngay trong giây phút chúng ta chết, nó quyết định chúng ta đi tái sanh về đâu!

Nếu gọi là kết toán, cuối năm kết toán, lời thì chúng ta lời, lỗ thì chúng ta lỗ, cận tử nghiệp là cuốn sổ kết toán của toàn bộ tổng hợp nghiệp ác và thiện ta tạo ra, để nó là âm hay là cộng, âm nhiều hay cộng nhiều, để rồi mang phần thưởng là cộng đó đi tái sanh trong thiện nghiệp hay mang phần âm là những món nợ của ác nghiệp tái sanh vào cảnh giới đau khổ. Cái đó mới gọi là cận tử nghiệp! Ngày nay người ta hiểu sai cận tử nghiệp là sát na cuối cùng bị cái này bị cái kia. Không! Nó là tổng hợp của sự cộng nghiệp cả trong một chu kỳ ta sống tạo thành dù ngay trong từng sát na, sát na tích lũy, kết nối với từng sát na tạo thành sự cộng hưởng của nghiệp!

Do đó, trong vòng tròn sinh tử, ngày nay sợ hãi, nhiều pháp môn tác động vào sự sợ hãi để chúng ta cũng như người cha kia hoặc như những người mẹ còng lưng lao lực làm việc để cho kiếp sau, để cho con cháu, mà trong sự tu ở đời hình như nó cũng lao khổ như thế, chẳng có sung sướng cái gì hết!

Người ta nói tu là cõi phúc nhưng ngày nay tu là khổ quá trời, khổ đến mức mà người ta phải bỏ, bỏ, bỏ hết sự đời để tu, để mong rằng kiếp sau ta tái sanh vào cảnh lành hoặc kiếp sau vãng sanh về Tây phương Cực Lạc. “Kiếp sau”, hai chữ “kiếp sau” có khác gì người cha chết đi hóa thân thành chó để ôm hũ vàng dành cho con, khác không các bạn? Chẳng khác! Khác ở chỗ là ta không ôm hũ vàng để dành cho con mà ta ôm cái hũ nghiệp của chúng ta để rồi xoay vòng trong cõi sanh tử nhiều đời. Khổ quá! Tu mà khổ quá thì tu làm cái gì?

Người xưa nói tu là cõi phúc nhưng chúng ta tu ngày nay không thấy cõi phúc. Khổ! Khổ thật! Cái gì cũng phải bỏ hết, bởi sợ kiếp sau! Người ta sợ kiếp sau không vãng sanh về Tây phương, người ta mơ ước vãng sanh về Tây phương mà người ta không sợ kiếp này khổ. Lạ lùng, lạ lùng! Chúng ta thấy lạ lùng như thế nào? Sợ kiếp sau khổ mà kiếp này đang khổ lại không sợ. Muốn kiếp sau được hạnh phúc, đi vào cõi phúc Di Đà mà kiếp này lại không muốn đi vào cõi phúc tận hưởng nơi cõi Di Đà tại thế. Lạ lùng, thật là lạ lùng!

Người ta đổ dồn và đầu tư vào những luồng văn tự viết và thuyết pháp mang đến sự sợ hãi vô cùng về kiếp sau không thể vãng sanh Tây phương để rồi chúng ta trong kiếp này khổ quá! Phật dạy kiếp này khổ kiếp sau khổ, hai đời đều khổ, mà kiếp này đầy đủ phước báu, sung sướng hạnh phúc thì kiếp sau cũng sung sướng hạnh phúc, đầy đủ phước báu, hai đời đều sung túc. Kết quả của cận tử nghiệp là tổng hợp cái nghiệp thức trong cả cuộc đời kết lại giây phút chót, cái ngày mai ấy có thành chó ôm hũ vàng hay thành bộ xương trắng chôn sâu dưới miền đất, hay một nắm tro ở trong hũ cốt đều là kết quả của từng giây phút kết lại trong cuộc đời ngay tại đây, chỗ này, trong chánh niệm. Đúng, tu là cõi phúc, tu là giải quyết mọi sự đau khổ ngay trong hiện tại, chấm dứt, chuyển hóa để hạnh phúc. Đức Phật thấy chúng sanh khổ, sinh – lão – bệnh – tử khổ và Ngài đi tìm con đường để chuyển hóa và giải quyết cái khổ của cuộc đời ngay trong hiện tại để chúng sanh không còn khổ trong hiện tại, sung sướng hạnh phúc trong hiện tại để rồi kiếp sau lại hạnh phúc sung sướng, kiếp này sung sướng hạnh phúc, kiếp sau sung sướng hạnh phúc, hai kiếp, hai đời đều sung sướng hạnh phúc! Không thể khổ trong kiếp này mà kiếp sau sung sướng được, kinh Pháp Cú nói thật rõ, kiếp này sướng kiếp sau sướng, hai đời đều sướng, kiếp này khổ chắc chắn kiếp sau sẽ khổ, vậy nếu các bạn tu mà các bạn khổ thì kiếp sau chắc chắn chẳng phải ở trên cõi Tây phương đâu, có chăng chẳng qua là lời nói hư cấu để nhẹ lòng cho những người còn sống chứ khi sống kiếp này khổ quá, tạo nghiệp nhiều mong gì kiếp sau được vãng sanh?

Hai chữ “vãng sanh” ngày nay được lạm dụng quá đáng trong các nghi thức cầu cúng hoặc trong các nghi thức chế tác ra rườm rà của ban hộ niệm. Rồi chúng ta lệ thuộc vào những nghi thức nào là chẩn tế để đưa rước vong lên cõi khác, nào là hộ niệm, nào là cúng kiến, nào là kinh kệ để vãng sanh mà chẳng chú trọng đến sự tu khi còn sống. Hóa ra chết còn phải mướn! Người xưa chết khóc mướn nhưng bây giờ ta chết phải mướn! Nếu không có tiền thì con cháu chắc chắn cũng phải tích lũy tiền để mướn – mướn các vị thầy, mướn các ban hộ niệm. Nói hơi nặng nhưng đúng đấy, bởi tất cả các nghi thức đó đều phải tính bằng tiền! Hiện trạng này thấy rõ, người giàu có tiền nhiều có thể mời thỉnh được nhiều, gọi hai chữ “mời thỉnh” cho nó sang trọng chứ ngày nay nếu triệu thỉnh hoặc mời thỉnh quý thầy không có tiền chắc hơi khó!

Bảo Thành có một người thân, khi mẹ của người thân đó bị mất, Bảo Thành ở xa quá, khi tới chùa mời thì được tính từng giờ và bao nhiêu vị tới bằng giá trị hiện hành của tịnh tài nhiều quá. Những người lao công cực khổ trong mỗi một ngày nếu có 100 ngàn so với 10 triệu, 100 triệu; dĩ nhiên số đông cúng kiến nó khác biệt, không lẽ bây giờ ông Phật ổng nghe 100 ông thầy với một ông thầy của người lao công cực khổ thỉnh được có một vị thầy rồi cân nhắc: “Thôi nhiều thầy tụng tán âm thanh gọi là ầm ĩ, thôi không nghe thấy gì, ký đại vào cuốn sổ vãng sanh để cho thần thức, linh hồn đó về cõi Cực Lạc, còn bên này một người nói hoài ít ỏi quá, cái lực không mạnh, thôi ta gạch, gạch ngang qua”?!

Nghiệp của chúng ta chẳng phải là do ông Phật quyết định để đi vào sanh tử trong luân hồi hay cõi Tịnh Độ thoát tục, cũng chẳng phải quyết định bởi do một nhóm các vị xuất gia thật đông tụng kinh hay chẳng có ai tụng kinh, mà vòng tròn sanh tử của chúng ta khép lại để đi về cảnh giới thiện lành hay xuống địa ngục sâu đều là do tất cả các thiện nghiệp và ác nghiệp ta đã tạo ra khi còn sống trong từng sát na! Cho nên những ai chú trọng đến sự rằng khi ta chết cần ban hộ niệm, sau 08 tiếng, bao nhiêu tiếng tụng niệm, bao nhiêu thầy, nghi thức rồi chẩn tế, rồi Quan Âm bạt độ, rồi cô hồn đủ thứ hết. Rồi còn mở cửa mả, mở cửa mả riết mà trà châm, tửu châm đủ thứ, con gà nó còn ói còn mửa, chạy không được, quăng một cái,… Trò chơi của cuộc đời đã đưa con người thẩm định vòng tròn sanh tử về cõi trời cao hay dưới đều là do những gì? Những tuồng diễn của con người viết ra theo những nghi thức rườm rà không đúng chân lý của loài người đang sống trong vô minh! Từ đó mà chúng ta cứ luẩn quẩn hoài trong vòng tròn sanh tử để kiếp này người ta cứ hù cứ dọa kiếp sau sẽ khổ, kiếp sau sẽ khổ nếu không tu. Mà chúng ta tu khổ quá, bị hù bị dọa, chẳng được sách tấn, chẳng được hưng phấn, chẳng được phấn khởi, chẳng được vui! Tu mà khổ thì kiếp sau sẽ khổ!

Cho nên vòng tròn sinh tử của một con người nó quyết định trong từng hành vi của ngôn ngữ, tạo tác của thân, suy nghĩ của tâm trong từng giây phút. Người tu là có những nét chấm phá trong vòng tròn sanh tử, người tu là tạo ra những nét chấm phá trên vòng tròn sanh tử. Chấm cái gì, phá cái gì? Chấm là chấm dứt luân hồi sinh tử bằng cách chấm dứt mọi nghiệp ác! Phá là phá cái gì? Là phá mê, phá vỡ vô minh, bừng tỉnh trong trí tuệ!

Cho nên trong vòng tròn của từng sát na, của từng giây phút thành – trụ – hoại – diệt, ta phải có những nét chấm phá trên ngay cái điểm của hiện tại. Chẳng phải đợi đến kiếp sau! Từng điểm, từng điểm trên vòng tròn luân hồi sanh tử, bánh xe luân hồi sanh tử là một vòng tròn nó xoay. Và dù nó xoay tới đâu cũng chỉ có một điểm chạm xuống mặt đất, ngay điểm đó là hiện tại, ngay điểm đó là sự sống của hiện tại, của chánh niệm, ngay điểm đó, Bảo Thành và các bạn có thể chánh niệm và đặt lên điểm đó những nét chấm phá chấm dứt luân hồi sanh tử bằng cách chấm dứt mọi nghiệp ác. Phá là phá mê, phá chấp trược, hai cái chấm phá đó ngay giây phút hiện tại đây, thì bạn ngay trong chánh niệm tràn đầy nguồn vui và hạnh phúc.

Tích tắc tích tắc từng giây, từng phút chấm phá gọn gàng, thoát khỏi luân hồi, không chấp vào si mê và những tư tưởng kiến trược, định kiến của cuộc đời nữa. Phá mê, phá chấp, chấm dứt mọi nghiệp ác, đó là chấm phá của cuộc đời và bạn sẽ hạnh phúc! Bởi ngay sự chấm phá của cuộc đời tức là phá mê, phá chấp và chấm dứt mọi nghiệp ác đó, bạn sẽ có dư, có đầy đủ năng lượng sự sống, tình yêu Mu A Mu Sa và bừng sáng trong trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Ngay trong điểm chánh niệm của hơi thở ấy, toàn bộ vòng tròn sanh tử của bạn, bạn đã có nét chấm phá thoát khỏi rồi. Và từng giây, từng phút, từng hơi thở, từng niệm, niệm, niệm luôn luôn có Phật – Pháp – Tăng.

Phật dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là từng niệm, từng sát na, từng giây ta luôn hiện hữu và có Phật đồng hành trong hơi thở của trí tuệ và từ bi và ngay điểm đó có nét chấm phá chấm dứt nghiệp ác, không lao vào luân hồi nữa. Phá mê, phá chấp, phá tham, phá sân, phá si, phá toàn bộ thì nhất định ngay trong giây phút đó bạn sướng, Bảo Thành hạnh phúc. Và giây phút này chúng ta sung sướng và hạnh phúc, giây phút sau nối tiếp giây phút sau, từng điểm của chánh niệm tràn đầy sự hạnh phúc trong trí tuệ và từ bi nó kết thành một khối vòng tròn chu kỳ của một kiếp người chúng ta. Thì sự tái sanh của kiếp sau chẳng màng tới bởi luân hồi trong nhân quả là một chân lý vận hành tự nhiên, chẳng cần phải cưỡng ép. Cho nên ta không bao giờ cần phải nghĩ rằng ta phải ép như vầy để thành cái kia, chỉ cần hoan hỷ tự nguyện có những nét chấm phá như Bảo Thành vừa nói trên ngay điểm chánh niệm của cuộc đời. Thì dĩ nhiên, thì dĩ nhiên giây phút luân hồi trong từng niệm bắt đầu bước vào đều là dư dả trí tuệ và tình yêu thương!

Đừng để cho sự hù dọa kiếp sau khổ mà kiếp này tu khổ! Đừng để cho sự hù dọa cần phải tái sanh về cảnh giới thiện lành, về Tây phương Cực Lạc mà kiếp này tu khổ quá! Tu là phải sướng, xứng với câu ở đời nói: “Tu là cõi phúc!”, chúng ta tu là thể nhập vào cõi phúc, cõi hạnh phúc! Và để thể nhập vào cõi hạnh phúc đó, ta phải thể nhập vào trong chánh niệm của từ bi và trí tuệ, ngay cái niệm đó, một vòng tròn cực nhỏ đó, ta phải tạo ra được nét chấm phá. Phá chấp, phá mê, chấm dứt luân hồi sanh tử và ngừng mọi việc ác, lời nói ác, suy nghĩ ác!

Đừng cứ loay hoay cả cuộc đời tần tảo làm việc tích lũy, ốm không dám đi bác sĩ uống thuốc, đói không dám ăn, khát không dám uống, rách rưới không dám mặc, tích lũy để dành để dành, lụm khụm lụm khụm cho đến cuối đời, toàn bộ khối gia tài đó trọn vẹn trong cái hòm chôn xuống vùng đất sâu. May phước lắm mới thành con chó để giữ của cho con cái là bởi vì Phật đi ngang đó, còn nếu Phật không đi ngang khai thị thì hũ vàng kia coi như là mất toi rồi, sẽ lọt vào tay ai đó sau này mua miếng đất đó đào lên, để rồi tìm ra hũ vàng của cha dành cho con mà con chẳng được hưởng. Mà chuyện đó hình như có đó, trên thế gian này nhiều người bán đất của ông bà, cha mẹ để lại gọi là đất hương quả cho người khác. Ông bà ta ngày xưa có vàng bạc chôn ở đó, người mới tới lạ hoắc, họ lấy xe máy cày, máy ủi họ ủi lên làm nền móng, vô tình tìm được vài chum vàng, hũ vàng. Thế là ông bà, cha mẹ lao khổ cuộc đời dành vàng cho con cháu, kẻ ngoài tới đào tận hưởng phú quý. Thật là buồn cười phải không các bạn?

Hãy sống bằng trí tuệ để chúng ta có những nét chấm phá trên vòng tròn sinh tử của từng sát na chánh niệm. Đừng quá nghĩ sâu về cả cuộc đời sanh tử này rồi luân hồi, rồi luân hồi từ địa ngục, từ ngạ quỷ tới súc sanh, rồi làm người, làm Atula, làm chư Thiên. Cứ lòng vòng, lòng vòng, lòng vòng như con dế lấy cọng tóc ngóc vô đầu quay lòng vòng, lòng vòng một hồi thả xuống chóng mặt, đụng đâu đá đó. Ta cứ xoay ta trong những vòng tròn luân hồi của cái tự kỷ ám thị những cái tư tưởng luân hồi làm cho rối trí mà chẳng giải quyết được cái hiện hữu trong từng sát na sống như tu là cõi phúc mà sống tu khổ quá trời. Để rồi kiếp sau về cõi vãng sanh bằng cách lo lắng cho có tiền, viết di chúc nhắc nhở con cháu: “Bây, khi ta chết, nhớ kêu nhiều thầy nhiều cô tới tụng nha! Nhớ mời ban hộ niệm, 08 tiếng không được sờ vào,…”. Toàn là pháp thế gian, toàn là dùng pháp phương tiện thế gian vẽ như họa sĩ. Họa sĩ mù các bạn ơi! Không thấy màu, mù màu mà vẽ lên đủ thứ lung tung để rồi tạo thành một phong tục truyền thống như thế. Cài đặt vào trong những nghi thức đời thường của con người, mà hóa ra cuối cùng là người giàu được về trên cõi vãng sanh chư Phật là bởi vì người giàu người ta có nhiều tiền để thỉnh quý thầy để làm các lễ.

Ngày nay các cái lễ gọi là cầu siêu nó không còn thuần túy tinh thần của nhà Phật mà nó đầy tràn thuần phong mỹ tục của nghi lễ cúng kiếng như thầy cúng. Có khác là thầy cúng còn mở cửa mả, nhưng các thầy tu thì mở cái miệng ra là có giá, là đặt điều, đặc kiện và như vậy cái thuần phong mỹ tục đó biến tướng thành được đánh giá bằng giá trị của tiền, của sức mạnh giàu có. Một đám ma người giàu và một đám tang của người nghèo thấy khác liền! Tại sao gọi là đám ma người giàu? Là bởi vì người giàu họ đám ma họ rình rang còn người nghèo gọi là đám tang bởi vì họ đâu dám rình rang đâu, họ âm thầm nhẹ nhàng lắm, trên đầu chỉ đeo một vành tang như tưởng nhớ đến người thương rồi nhẹ nhàng mà đi. Còn người giàu đám ma cho rình rang trống kèn, ui cha các vị xuất gia là xếp hàng ngang đếm mà không hết nổi, cúng từ sáng đến tối, ban hộ niệm tới nườm nượp, nườm nượp. Khi sống thì chẳng chịu tu, thần thức u tối, kinh dài như vậy, đọc rình rang như vậy, làm sao nghe mà hiểu, vậy mà giá vẫn cao! Ai ai còn sống cũng được ban hộ niệm, các thầy khẳng định chắc nịch rằng người thân của mình về cõi Niết Bàn rồi, có thoại tướng đẹp. Không biết là thoại tướng hay cách nói đó chỉ là cách nói thần thoại hóa của những con người đang bị mù trí tuệ mà sáng vật chất?!

Người tu chúng ta đừng quá lầm lẫn và bị sự hù dọa của vòng tròn sinh tử kiếp sau mà quên đi phải làm gì trong từng giây phút của hiện tại! Cận tử nghiệp trong lúc ra đi là sự cộng hưởng toàn bộ khối nghiệp của chúng ta kết lập được ở trong đời, và toàn bộ khối nghiệp của chúng ta kết lập được ở trong đời được cộng lại bằng từng sát na. Đức Phật chú trọng thật là nhiều vào điều này! Trong bát chánh đạo, Ngài nói đến chánh niệm, nếu các bạn sống được một đời sống chánh niệm, tu trí tuệ và từ bi tức là bạn đang tận hưởng cõi Tịnh Độ, cõi phúc lành ngay trong đời này, kiếp này, tại đây, chỗ này, chẳng màng đến kiếp sau!

Kiếp này đang trong cõi Tịnh Độ thì đời đời kiếp kiếp là ở cõi Tịnh Độ. Bởi Đức A Di Đà Phật là vô lượng quang, có nghĩa là vô lượng quang, Mu A Mu Sa là từ bi, là vô lượng từ bi, A Di Đà Phật là vô lượng quang, vô lượng từ bi. Vô lượng quang là trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, vô lượng từ bi là Mu A Mu Sa, vô lượng thọ là không bao giờ chết bởi khi chúng ta có trí tuệ và từ bi, chúng ta sẽ thọ mạng miên trường, đó gọi là Tịnh Độ. Trong từng giây phút bạn có trí tuệ, bạn có từ bi và bạn sẽ thể nhập vào cái ý nghĩa vô lượng quang, vô lượng từ bi, vô lượng thọ của Đức A Di Đà Phật ngay trong sát na này, thì còn màng gì nữa khi ta đang sống ở cõi Tịnh Độ như vậy lại chờ chết để tìm một cõi Tịnh Độ khác do các thầy cúng, do các thầy chùa, do các nghi thức chẩn tế, do các nghi thức cúng kiếng mở cửa mả?!

Mà ngày nay hình như mở cửa mả thiệt, tự khi cửa miệng người ta mở ra là cài đặt giá trị của tịnh tài vào trong từng nghi thức! Không phải chỉ có ở Việt Nam có, trên toàn thế giới ở đâu có Phật giáo nói chung, không phải là tất cả, nhưng vẫn có! Vẫn có! Không mở cửa mả mà mở cửa miệng là có sự cài đặt trên sự dựa vào giá trị của tịnh tài để tạo thành những nghi thức rườm rà, hao tài tốn của, tốn tiền tốn sức. Thay vì tiền của đó ta làm việc thiện hồi hướng cho người thân, nay lại đổ dồn vào những nghi thức phá hoại đi cái thuần phong mỹ tục gọi là chân thiện mỹ của ông bà mình ngày xưa để lại đó là cái tâm ngay thẳng bằng những cái tâm lách léo trong những lễ nghi dư thừa vô ích!

Vòng tròn sanh tử sẽ khép lại từ đây và chấm dứt từ đây nếu mỗi người có thể thể nhập vào trong chánh niệm hơi thở, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương. Và ta sẽ hiển ngự ngay trong cõi Tịnh Độ ngay giây phút chánh niệm hơi thở đó và ứng đúng với câu gọi là “Tu là cõi phúc!”, ta tu là cõi phúc, phúc ngay chỗ này, tại đây. Và trong vòng tròn sanh tử của một niệm đó, ta có nét chấm phá, phá là phá mê, phá chấp; chấm là chấm dứt những ác nghiệp để thoát khỏi luân hồi sanh tử, ta thể nhập vào cõi Tịnh Độ A Di Đà đúng với danh hiệu của Ngài là vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng từ bi!

Mô Phật! Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Thưa Phật! Trong từng vòng tròn của một niệm, nguyện cho chúng con Chánh Niệm có được những nét chấm phá xoay chuyển tự thân phá mê, phá chấp và chấm dứt mọi ác nghiệp trong luân hồi sanh tử. Xin Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu ngày hôm nay nếu chúng con tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.  

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn