Search

Bài 2161: Nghìn Trùng Dâu Bể | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, thiền quán chiếu để thấy rõ các pháp là Vô Thường sanh diệt, các pháp là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện xin chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện một lòng hồi hướng, nguyện siêu cho chư vị hương linh nương bóng từ bi Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút trong hơi thở Chánh Niệm, mỗi người chúng ta sẽ tiếp cận gần gũi với mười phương chư Phật, để trải nghiệm và thể nhập vào sự thanh tịnh của Phật tánh. Từ đó, năng lượng Yêu Thương được lan tỏa và Trí Tuệ được khai thông. Luôn nguyện hướng tới các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, đến thân bằng quyến thuộc, bạn bè, người thân, cộng đồng và xã hội, nhân loại. Nguyện muôn người đều đón nhận được nguồn năng lượng vi diệu này.

Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Phật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(14:46) Mô Phật! Các bạn, hôm nay thứ hai, một tuần đã trôi qua nhẹ nhàng. Nếu chúng ta không dừng lại để trải nghiệm, chẳng bao giờ ta nhận ra thời gian đã đi qua và không bao giờ quay trở lại cho chúng ta. Nếu nói rằng: “Thời gian quay lại, ta sẽ làm mọi chuyện tốt hơn”, đó chỉ là những điều mơ ước của tuổi còn thơ, bởi thời gian không quay trở lại. Và giả sử cũng công việc đó, có cơ hội làm lại, ta cũng khó có thể hành xử. Vì sao? Vì vẫn biết trước chuyện đó sẽ xảy ra như vậy, mấy ai trong chúng ta lại có khả năng làm tốt hơn sau khi hậu quả tới mới nhận biết được.

Chủ đề “Nghìn Trùng Dâu Bể”, dâu bể hay bể dâu, chủ đề có thể ngược hoặc xuôi nhưng đại ý chúng ta đều hiểu, dâu bể hay bể dâu, nhớ nhớ một câu thơ nào đó của Nguyễn Du thời xưa trong truyện Kiều: “Trải qua một trận bể dâu, không biết rồi chúng ta thấy cái gì? Mới thấy được chuyện đời đau đớn ở cõi lòng phải không?”. Chữ “dâu bể” hay “bể dâu” theo ý nghĩa mà chúng ta hiểu được thôi, trải nghiệm của cá nhân, còn định nghĩa trên từ điển thì đa dạng. Nhưng theo Bảo Thành và các bạn, có lẽ dâu bể ở đời hay bể dâu chẳng phải là chuyện gì xa lạ. Nó là những nỗi niềm bất hạnh, trái chiều, ngược ý mà mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc đau khổ. Đôi khi là những sự thăng trầm mất mát, nhục vinh, để lại những ấn tượng có lẽ cả cuộc đời không bao giờ quên. Mà không phải chỉ có một lần mà nó là nghìn trùng, nó là trùng trùng duyên khởi lập đi lập lại nhiều lần, hết lần này đến lần khác. Và đúng, cuộc sống của mỗi người chúng ta, sự va chạm trong cuộc đời, mỗi công việc, mỗi sự tương tác đều dựa trên cái hành xử mà chúng ta có được sự trải nghiệm mới, và mọi sự hành xử đó, trải nghiệm mới đó, dù chúng ta có chuẩn bị kỹ đi nữa, thì luôn luôn xảy ra những điều không như ý. Vậy nên trong cuộc sống, có những câu chuyện hoặc có những sự việc xảy ra, ta vội vàng ngoảnh mặt đi, cho phép ở trên khóe mắt rươm rướm lệ trào. Bởi dâu bể cuộc đời đau đớn quá, biết bao nhiêu mơ ước tưởng chừng như chạm vào sự thành công, nhưng trong chớp mắt đã biến mất thành hư ảo. Cuộc sống dù trẻ tuổi hay lớn tuổi, trải nghiệm qua những nỗi niềm bất hạnh, đau khổ, thăng trầm, nhục vinh, có được đều để lại một dấu tích mà suốt cuộc đời của chúng ta, nhìn sâu vào trong trái tim, vẫn đó một vết hằn đau đớn.

Chúng ta không đi vào những cảm xúc của đời người trong chủ đề “Nghìn Trùng Dâu Bể” để đắm đuối trong những câu thơ của cuộc sống hay những trải nghiệm của cảm xúc, mà mang vào ý vận hành trong công phu tu tập của Đức Phật. Đức Phật nói và cũng như sóng trùng trùng duyên khởi, như sóng liên tục kéo tới với chúng ta. Tất cả những nghiệp lực từ vô lượng kiếp tạo thành những sóng ngành cứ trùng trùng điệp điệp duyên khởi lẫn lộn, khó có thể ngờ được chuyện xảy ra là gì, và thật khó làm chủ được chúng. Bởi đã vô lượng kiếp mà chúng ta luân hồi lăn trôi trong đau khổ, và mỗi một kiếp trôi qua như vậy, biết bao nhiêu cái lực tác động bởi bất thiện nghiệp tạo thành những cồn sóng cuồn cuộn trùng trùng kéo tới, mà thân người bé nhỏ, trí tuệ chưa được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chãi, với sự mỏng manh phước báu, ta thường bị nhận chìm, cuốn trôi vào trong dòng đó. Để rồi chúng ta buồn lắm bởi ngẩng mặt lên than với ông trời: “Cho tới khi nào tôi mới có thể đứng dậy được trong kiếp nhân sinh nhỏ bé so với vũ trụ?”. Và rồi lực bất tòng tâm, sự yếu đuối đó hình như cuối cùng đã đưa chúng ta xuôi theo vận mệnh của cuộc đời: “Thôi! Thôi kệ, chuyện gì tới thì tới, phó mặc, khó quá!”. Phó mặc cho số phận, cho ông trời, nhưng không có cam, bởi nếu phó mặc như vậy thì khổ não cứ tới hay sao? Rồi cuối cùng đứng dậy nhưng chẳng cầu đạo giác ngộ, mà lần mò với sự giúp đỡ của những con người mà đôi mắt mù lòa trong vô minh, lầm chấp trong những cái pháp của thế gian. Mang cái chìa khóa đã hoen rỉ nhiều đời trong bất thiện nghiệp, để mở cửa, dẫn đường ta thoát khổ. Hóa ra người mù dắt người mù, ngõ hẻm tăm tối, vực sâu đang chờ đón, cái kết là chúng ta vẫn còn khổ mãi trong cuộc sống.

Nghìn trùng dâu bể, dù trẻ hay lớn, ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần trải nghiệm. Nhưng hôm nay, nói đến câu mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là nói đến chúng ta phải rửa con mắt trần gian bằng nước Mu A Mu Sa – nước từ bi để mắt trần được sáng, nhìn thấu được cội nguồn căn nguyên tạo ra cái khổ, hình thành cái dâu bể để ta bị lặn ngụp trong cái phiền não đó. Và phải nương vào con mắt tuệ đó – con mắt của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, gắn kết với mười phương chư Phật là nương vào tha lực, là ta nhìn thấu được vô thường là nguyên nhân tạo ra sóng gió của dâu bể, tự ngã là nguyên nhân tạo ra cái bể dâu khổ ải mà chúng ta đang lặn ngụp ở trong đó. Chúng ta thật sự theo như Phật nói, có khả năng tát cạn cái bể dâu đó, tát sạch. Cái khả năng đó, mấy ai có thể mường tượng được? Nhưng Phật là bậc giác ngộ, với sự quán chiếu trí tuệ và khơi nguồn từ bi – hai phương tiện vi diệu đó giúp cho chúng ta có khả năng thay đổi vận mệnh, tát cạn dâu bể trong cuộc đời. Để nghìn trùng dâu bể kia sẽ trở thành mảnh đất bằng phẳng, trù phú, gieo mầm yêu thương, khởi dậy một đoạn đường mới, tràn đầy không phải là hy vọng mà là tràn đầy những điều chân lý ta có thể ươm vào trong đó bằng chính đạo đức và công phu tu tập của chúng ta.

Các bạn! Không thể phó mặc cho một nhà thơ như Nguyễn Du viết truyện Kiều trong sự dâu bể của Thúy Kiều, Thúy Vân. Chúng ta, Đức Phật chẳng để và đặt chúng ta vào trong những sự khuôn mẫu chấp nhận một mệnh số. Bởi Ngài giác ngộ nhìn thấu và Ngài nhận ra rằng mỗi người chúng ta chẳng phải là phải cầu lụy vào một đấng có thần thông, nhưng chính nơi chúng ta có cái thể tánh thanh tịnh, nhìn xuyên suốt, thấu để gội rửa và thay đổi vận mệnh của chính mình. Bởi tất cả những gì xảy ra cho chúng ta dù gọi là dâu bể, dù gọi là thử thách ngang trái, bất hạnh, đúng sai, được mất đều do chính ta tạo ra, và ta vẫn có khả năng tạo thành một đời sống mới bằng cách nhận ra những sai lầm. Và để có thể nhìn thấu được điều đó, phải quay về với tự tánh thanh tịnh để hiển lộ được cái trí tuệ mà nhìn thấu. Trí tuệ không có gì cầu kỳ, giải thích đơn giản, trí tuệ là bóng đèn được sáng lên cho ta nhìn xuyên vào bóng tối mà nhận diện. Đừng cầu kỳ hóa trong văn tự để nói đến cái trí tuệ thâm sâu huyền bí mà nói rằng: “Ta thấy!”.

Để thấy được hiện thực của những nguyên nhân tạo khổ thì chúng ta theo một phương pháp đơn giản mà Phật không phải chỉ nói suông, Ngài đã thực hành và thành công. Chúng ta có thể hãnh diện rằng chúng ta học được cái bí truyền trực tiếp của bậc giác ngộ mà mỗi người đều được thông phần học hỏi như nhau một cách bình đẳng, để thành tựu tánh biết, nhận rõ được nguồn gốc của khổ, thay đổi, chuyển hóa để mang lại an vui, hạnh phúc cho chúng ta. Có một điều mà trong suốt những khóa đồng tu Bảo Thành thường nhắc, ngoài sự chia sẻ để hiểu thấu, vẫn phải trở lại pháp hành thực tế đó gọi là Chánh Niệm hơi thở. Có lẽ nhắc đi nhắc lại nó nhàm với một số người, bởi nó quen quá hóa ra chúng ta lệch lạc tư tưởng. Chánh Niệm rất quan trọng! Nó đơn giản đến mức mà ai cũng thở vào hít ra. Nhưng để Chánh Niệm cho đến mức tâm có thể làm chủ tịch tĩnh, hiện hữu trong từng giây để sống, thì cần phải thực tập. Nếu bạn làm được điều đó và quán niệm, niệm gì? Niệm Tuệ. Niệm gì? Niệm từ bi. Quán chiếu trí tuệ và tâm từ bi thì đầu óc của các bạn sẽ tự nhiên bừng sáng để nhận rõ được mọi nguyên nhân mà gọi là dâu bể trong cuộc đời qua những sự bất hạnh, thành bại, thăng trầm, lên voi xuống chó, có được mất không đang, đã và sẽ xảy ra cho các bạn. Để các bạn có thể làm chủ được cảm xúc và thay đổi những hương vị đó bằng hương trí tuệ, hương từ bi. Hương trí tuệ – từ bi có thể được nâng lên tầm quan trọng trong cuộc sống bằng Chánh Niệm hơi thở, thì bạn chính là người đã làm chủ được mọi cảm xúc và tự an bài cho mình một cuộc sống an nhàn, an lạc và hạnh phúc.

Đức Phật dạy cho chúng ta làm chủ cuộc đời của mình, làm chủ mọi cảm xúc, làm chủ vận mệnh qua sự khai thị tức là sự giới thiệu, sự truyền dạy, sự hướng dẫn đi đến sự giác ngộ của chính Phật, chúng ta thực hành theo, mỗi người nhất định sẽ thoát khổ. Không hẳn trong kiếp này, mà trong vô lượng kiếp lăn trôi trong đau khổ đều có thể bị dứt trừ bằng công phu tu tập của tự thân. Với cái tự lực cầu sự giác ngộ, hành theo lời Phật, nghìn trùng dâu bể của cuộc đời vô lượng kiếp cũng sẽ bị chấm dứt. Chánh Niệm hơi thở có cái năng lượng vi diệu thay đổi cuộc sống và vận mệnh để chúng ta có thể làm chủ cho sự thay đổi mới của cuộc sống. Thời gian trôi qua không trở lại, nhưng nghiệp lực bất thiện và nghiệp lực thiện vẫn luôn trở lại ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, vậy không thể buông xuôi nói: “Cái gì tới rồi nó sẽ đi!”. Đúng, muôn sự ở đời đều vô thường tới đi, nhưng nghiệp lực thì không bao giờ tới rồi đi! Nó tạo ra do ta, nó vẫn luôn luôn ở với ta và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Vậy ta mượn muôn sự vô thường ở đời như một cái nhân để gieo vào cuộc sống tạo thành một cái quả thiền năng lượng thanh tịnh tuyệt đối ấy, bằng cái ý thức trong Chánh Niệm hơi thở, bằng hướng tới sự sáng để nhìn thấu, bằng tỏa lòng yêu thương và tha thứ, nhất định mỗi người chúng ta sẽ thật an lạc dù bồng bềnh trên cái bể dâu khổ của cuộc đời, dù có “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhưng mà khi chúng ta tu rồi thì dù trải qua muôn trùng, nghìn trùng dâu bể, muôn sự trông thấy mà lòng vẫn an vui. Chẳng phải như ông Nguyễn Du nói rằng: “Trải qua một trận bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Phật đã chiến thắng đau khổ bằng công phu tu tập Chánh Niệm và từ bi – trí tuệ. Đi theo cái gương đấy, thì dù trải qua nghìn trùng dâu bể của cuộc đời bất hạnh, sóng gió, nhục vinh thì chúng ta cũng luôn luôn an lạc và hạnh phúc. Các bạn có muốn hạnh phúc hay không? Hay lại đắm chìm vào trong những cảm xúc đau đớn, tê tái như vậy để có câu chuyện chia sẻ với mọi người trong nước mắt? Mỗi ngày, muôn sự việc xảy ra, đi, đứng, nằm, ngồi để đón nhận cái tới và cái đi trong vô thường, nhưng ta vẫn có thể làm chủ để bắt đầu một ngày mới bằng Chánh Niệm từ bi và trí tuệ để sống an vui. Phật dạy tất cả mọi chúng sanh đều mong muốn sống hạnh phúc và bình an, chẳng ai sống mà mong cầu đau khổ và phiền não. Lời Phật dạy chẳng phải là một khuôn mẫu áp chế chúng ta phải thành theo lời Phật hoặc ý của Phật. Lời Phật dạy là sự hướng dẫn. Phật là một vị thầy tận tụy, gần gũi với chúng sanh vô cùng. Chỉ cho chúng sanh những con đường nhận rõ điều ta mong muốn an lạc và hạnh phúc kia không bao giờ xa tầm tay. Chúng ta có khả năng thay đổi để thành tựu và luôn luôn sống trải nghiệm trong từng giây phút của Chánh Niệm, hưởng được sự an lạc, hạnh phúc, hưởng được sự vui sướng trong cuộc đời hơn là thay vào đó những sự trải nghiệm đau đớn khổ hạnh, để rồi cứ than vãn trong nghìn trùng dâu bể (làm chi?). Chúng ta đều có khả năng như nhau. Và Phật không phải là đấng có thần thông, quyền năng để cứu vớt, nhưng Ngài là bậc minh tuệ nhìn thấu và đã từng trải qua, kinh nghiệm đầy mình. Đức Phật như chúng ta – là con người, Ngài đã trải qua kinh nghiệm đầy mình, đúc kết lại qua công phu thực tập, nghiên cứu. Ngài đã nhận rõ được con đường và sự thực hành theo con đường đó, ta – mỗi người sẽ thoát khổ.

Nếu các bạn đang khổ, đang cảm thấy như nghìn trùng dâu bể đang dìm bạn xuống trong cảnh sống hằng ngày. Các bạn đừng đứng đó để thân xác này, để tâm thần này, để con người này, để kiếp người này tiều tụy theo năm tháng, bởi những chuyện dâu bể bất hạnh của cuộc đời dồn dập kéo tới nhận chìm bạn. Ta nên có một sự lựa chọn sống an lạc và hạnh phúc hơn. Không tiều tuỵ nhưng mà phải tươi tắn các bạn ơi, đừng tiêu tụy! Ta có sự lựa chọn mới để khởi đầu một giai đoạn mới cho một ngày mới tươi, đẹp. Không tràn đầy hy vọng, bởi ta hiểu thấu được những điều ta làm. Cái nhân hôm nay, chỗ này, tại đây sẽ mang lại quả, thành quả tốt đẹp. Đức Phật dạy về nhân quả, thì làm cái nhân gì, gieo cái nhân gì, trồng cái nhân gì, cái quả nó sẽ ra như vậy. Nên trong Chánh Niệm hơi thở, mỗi người chúng ta hiểu thấu được điều đó, niệm niệm từng thời gieo vào trong tâm cái nhân của trí tuệ và từ bi. Cứu cánh của chúng ta tức là muốn đạt tới sự an lạc và hạnh phúc, nhân từ bi – trí tuệ sẽ tác thành cái quả hạnh phúc và an lạc. Đây là sự thật, là chân lý!

Nếu các bạn công phu thực tập trong Chánh Niệm hơi thở, giữ được Năm Giới miên mật và có một sự quyết tâm lớn gọi là tinh tấn, Chánh Tinh Tấn, các bạn ơi! Thì những sự dâu bể đau khổ mà những ngày tháng kia như sóng cồn dồn dập kéo tới, sẽ từ từ phẳng lặng như tờ. Bởi sóng vẫn dồn, nghìn trùng vẫn đập vào cuộc đời, nhưng tâm bạn là tâm bất thối. Cái tâm đó được rèn luyện trong Chánh Niệm và luôn luôn được an trú trong trí tuệ và từ bi, đặc biệt hơn là bởi vì chúng ta giữ Giới. Chính giữ được Năm Giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không ăn uống và sử dụng chích choác các chất say để chúng ta thanh tịnh thân tâm, và từ đó Long Thần, Hộ Pháp, chư Thiên, chư vị Thiện Thần, chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền, chư Phật mười phương đều luôn luôn tới, hiện hữu trong cuộc đời, tiếp cận, kề cạnh và gia độ cho chúng ta trên con đường chuyển hóa khi gặp phải nghìn trùng dâu bể bởi những bất thiện nghiệp ta đã tạo ra.

Đã có chư Phật, đã có Bồ Tát, đã có Long Thần, Hộ Pháp, đã có bậc thiện tri thức luôn luôn tiếp cận hướng dẫn chúng ta, thì còn có gì để sợ hãi? Dù trải qua một trận bể dâu thì chúng ta, những điều nhìn thấy đó, tâm vẫn an, chứ không có đau đớn lòng đâu. Công phu tu tập, chúng ta nếu thực hành được, sẽ gặt hái được kết quả tức thì ngay trong kiếp này, ngay trong sát na này, không đợi đến kiếp sau. Nếu các bạn bỏ thời gian công phu ngồi cùng với Bảo Thành đồng tu hoặc là các bạn tu tập trong cái khuôn thời gian cho phép với khung cảnh, ngữ cảnh phù hợp nơi bạn đang ở, nhất định trong từng giây phút Chánh Niệm hơi thở, tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa tức là quán từ bi, thì trong thân tâm của các bạn sẽ đón nhận được tràn đầy năng lượng yêu thương và năng lượng đó sẽ chuyển hóa muôn sự hận thù vốn còn ngủ ngầm, ẩn tàng trong tâm và thân của bạn. Khi thân này mà năng lượng yêu thương tràn đầy, năng lượng sân hận đã mất, thì cái thân của bạn sẽ khỏe, bệnh tật sẽ bớt và cái thân đó nó thơi thới nhẹ nhàng. Khi cái tâm này mà năng lượng sân hận được gội rửa, chuyển hóa bằng năng lượng Mu A Mu Sa tức là năng lượng yêu thương, thì cái tâm sân hận không có chỗ để dung thân. Tâm ta sẽ thư thái, thong dong, tự tại và an lạc. Thân và tâm đều được như vậy. Ý nghĩa sống ở đời sẽ nâng nên cấp độ cao hơn, cấp độ đó là cấp độ thoát khỏi cái bể dâu của cuộc đời đang nhận chìm chúng ta. Và cũng cái dâu bể đó, cũng cái bể dâu nghìn trùng sóng gió đó, năng lượng từ bi sẽ là con thuyền chúng ta ngồi lên, lướt sóng khổ, lướt qua bể dâu cuộc đời để cập bến an vui. Mà nếu như các bạn tổng trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì trên cái thuyền, cái bè của từ bi yêu thương kia, lại còn có ngọn đèn hải đăng, để bạn có thể nhìn thấy cái ngọn hải đăng đó – ngọn đèn đó để minh định được hướng đi tới cái cứu cánh trải nghiệm an vui, cập vào cái bến hạnh phúc. Thuyền trên bể khổ, dù cho có nghìn trùng dâu bể, ngọn hải đăng kia vẫn dẫn đường cho ta cập bến Niết Bàn.

Đừng để cho đau khổ bất hạnh của cuộc đời nhận chìm bạn xuống tê tái cõi lòng, để biến bạn thành lãnh cảm, chai đá, mất đi những cảm xúc sống an vui và hạnh phúc! Hãy tự đánh thức mình bằng tự lực cầu đạo giác ngộ! Hãy cho mình thêm một cơ hội để bước vào một ngày mới với pháp hành của Chánh Niệm thiền trí tuệ – từ bi để chúng ta sống hạnh phúc an vui!

Chúng ta có một sự lựa chọn để sống hạnh phúc và an vui, và lựa chọn này đã được Phật khai thị một phương pháp rất cụ thể, hít vào và thở ra bằng Chánh Niệm, tịch tĩnh trong từng giây phút an vui, tự tại, quán chiếu trí tuệ và từ bi. Để ta như cái mầm sen muôn đời bị vùi xuống đống sình của bất thiện nghiệp hôi thối kia, nay đủ nắng ấm của trí tuệ, tràn đầy nước từ bi, ngoi dần lên đống bùn hôi tanh mùi đời bất thiện nghiệp của Ngũ Dục. Mầm sen ấy sẽ trổ bông! Như một búp sen ngoi lên khỏi bùn lầy, chúng ta sẽ hoan hỷ và hạnh phúc. Dĩ nhiên niềm hạnh phúc đó là bất diệt, nếu bạn vẫn giữ mãi Chánh Niệm hơi thở trong từng phút, mang trí tuệ và từ bi ứng dụng vào trong sự quán niệm. Từng giây từng phút sự trải nghiệm an vui đó, sẽ có thể lan tỏa đến đời sống của gia đình; gia đình bạn sẽ lành mạnh, mối quan hệ với cha mẹ, người thân, với dòng tộc và bạn bè, với xã hội và cộng đồng sẽ tốt đẹp hơn. Và mỗi người chúng ta không nên để cho đau khổ dằn vặt mãi. Đừng đầu hàng, bó tay để cho số mệnh trôi nổi theo sự phán xét của người khác hoặc cài đặt của những người chưa nhìn thấu cõi đời dâu bể này.

Đức Phật là bậc thầy, Ngài đã nhìn thấu, Ngài đã can qua, Ngài đã trải nghiệm và trong sự công phu tu tập, Ngài đã tìm thấy một cái bí pháp thật đơn giản mà hữu dụng vô cùng. Để mỗi người chúng ta, dù có trí tuệ, dù có kiến thức hoặc không có trí tuệ, không có kiến thức của con người, nhưng thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở với lòng từ bi lan tỏa, thì cái trí tuệ của nhà Phật không dính dáng gì đến cái kiến thức của loài người kia, sẽ tỏa sáng để Bảo Thành và các bạn nhìn thấu. Để rồi chúng ta có thể tự hào nếu gặp ông Nguyễn Du sẽ nói rằng: “Dù trải qua một trận bể dâu thì những điều đau đớn kia, lòng tôi vẫn an, bởi tôi thấy tất cả đều là vô thường sanh diệt. Nghìn trùng dâu bể sẽ chẳng làm cho tâm tôi sờn, đau khổ, phiền và não”. Chính vì giữ được sự tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở, nguồn an lạc của chúng ta là suối nguồn hạnh phúc tuôn ra, để làm tươi mát cuộc sống của chính mình và tưới tẩm sự sống an vui, an lạc, an yên cho tất cả những người ta yêu thương.

Phải công phu các bạn! Phải thực tập! Muôn sự ở đời đều phải học mới có thể đưa đến sự thành tựu. Pháp Phật nhiệm mầu, nếu không công phu, thực tập thì chẳng mang lại kết quả. Trong bất cứ một sự học nào cũng cần có sự dấn thân, cần có sự quyết tâm. Sự dấn thân và quyết tâm đó chính là bởi vì ta nhìn rõ được điều ta học sẽ mang lại kết quả. Bài học vô giá Chánh Niệm hơi thở từ bi và trí tuệ quán là bài pháp, bài học chân truyền của Đức Phật, Mẹ hiền Quan Thế Âm, từ bi – trí tuệ quán Chánh Niệm hơi thở mà nhĩ căn viên thông, có thể nghe được hằng hà sa những nỗi niềm đau khổ, bất hạnh của chúng sanh, để từ đó hóa thân phù hợp mà cứu vớt, gia hộ cho chúng sanh. Nếu chúng ta thực tập Chánh Niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ, chúng ta có khả năng có cái lỗ tai của Mẹ hiền Quan Âm để lắng nghe mọi nỗi niềm trong cuộc đời của chính mình. Để có thể ủi bằng phẳng những nghìn trùng dâu bể chập chờn trong cuộc đời bằng năng lượng siêu diệu của Mu A Mu Sa – của từ bi, của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – của trí tuệ.

Các bạn! Cuộc đời mong manh dễ vỡ, thấy đó, gặp đó mà chẳng biết ai còn ai không. Nếu không bắt tay vào sự công phu thực tập ngay bây giờ, tại lúc này, trong Chánh Niệm hơi thở trí tuệ – từ bi quán, rồi để cho những chuyện bất hạnh, sóng gió của cuộc đời đắm chìm bới vào trong những điều Ngũ Dục, tức là ham muốn của kiếp người. Thì bạn thực sự đã bán thân kiếp làm người trong lúc này, giờ này, bây giờ, cơ hội này cho ma quỷ để trở thành nô lệ. Đức Phật giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ của những bất thiện nghiệp bằng sự tu tập, công phu; ai cũng đều có sự lựa chọn riêng, muốn biến mình thành nô lệ cho đau khổ và bất hạnh để ngồi đó mà than: “Nghìn trùng dâu bể! Để trải qua một trận bể dâu, những điều trông thấy mà tê tái lòng, mà đau đớn lòng. Để khóc, để buồn, để sầu” thì đó là sự lựa chọn riêng của các bạn. Nhưng đối với Bảo Thành, Bảo Thành không chọn con đường đau khổ đó. Bởi Phật đã dạy, chúng ta vẫn có một sự lựa chọn tốt hơn, sống đẹp hơn, đó là sống hạnh phúc và an vui. Sự lựa chọn đó là một sự lựa chọn cao quý. Phật đã trải nghiệm và đã chọn lựa con đường đó, và đã thành công. Và Bảo Thành đã thực hiện, đã thấy lòng an ổn từng ngày một cách từ từ, dù vẫn còn nghìn trùng dâu bể sóng gió kéo tới, tâm an thêm một chút, nhẹ nhàng hơn một chút, thư thái, thong dong, tự tại, tươi vui hơn một chút. Mà nhất định một chút một chút, từng ngày từng giờ, từng Chánh Niệm, từng sát na, từng giây từng phút góp gió thành bão, tức là những cái phước báu nhỏ đó, an lạc nhỏ đó kết lại, sẽ thành cái bè, cái thuyền Bát Nhã để Bảo Thành và các bạn an hưởng cuộc sống trong từng giây phút trải nghiệm trong hạnh phúc, an lạc.

Đừng vùi đầu trong những bất hạnh đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra để than: “Nghìn trùng dâu bể!”! Hãy nắm bắt ngay lời dạy của Đức Phật, sự khai thị của Đức Phật, sự thực hành Chánh Niệm hơi thở từ bi quán – trí tuệ quán của Mẹ hiền Quan Âm đã truyền dạy cho chúng ta. Để chúng ta có khả năng tự cứu vớt mọi đau khổ tới với chúng ta, bởi những nhân bất thiện nhiều đời ta đã gieo. Ta đã gieo mầm đau khổ thì ta cũng có khả năng gieo mầm hạnh phúc, ta đã tạo ra dâu bể nghìn trùng ập tới cho ta thì ta cũng có khả năng tát cạn chúng. Phương tiện để tát cạn những sự đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời dưới mọi góc độ của cuộc sống đó chính là năng lượng vi diệu của thiền Chánh Niệm từ bi và trí tuệ. Bạn thực hiện đi, bạn thực hành đi, bạn công phu đi, bạn sẽ thành tựu được, bạn sẽ hạnh phúc! Mắt bạn sẽ tươi, sẽ sáng, tinh thần của bạn sẽ tự tại, lòng bạn sẽ bao dung hơn và dĩ nhiên sức khỏe luôn luôn đồng hành với sự an lạc và bao dung.

Bạn lựa chọn một cách sống như thế nào, đó là tùy bạn. Nhưng nếu đã được nghe và được giới thiệu một phương pháp tốt đẹp hơn để cải thiện đời sống của mình trong từng giây phút của cuộc đời, để hạnh phúc, để an vui; bạn hãy tiếp cận với Thiền Mật Song Tu, hãy chân thành thực hiện pháp tu nhẹ nhàng này. Chánh Niệm quán chiếu từ bi và trí tuệ, liên tưởng đến Mẹ hiền Quan Thế Âm. Các bạn đọc Kinh Phổ Môn để cầu an các bạn thấy, sức mạnh của Mẹ hiền Quan Âm ở chỗ có thể cứu vớt được chúng sanh đau khổ là cái lực từ bi bởi nhĩ căn viên thông lắng nghe và bởi mắt thương nhìn đời. Sao đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn? Mắt Mẹ hiền Quan Âm là mắt trí tuệ, mắt yêu thương. Ta quán chiếu trí tuệ thì đôi mắt ta biến thành cửa sổ tâm hồn, tỏa sáng yêu thương. Ta quán chiếu từ bi, nhĩ căn của chúng ta sẽ viên thông, nghe được mọi thống khổ, nỗi niềm trong cuộc đời, và như vậy, chúng ta có khả năng chuyển hóa và thay đổi bản thân để thành tựu cuộc sống mới. Mỗi ngày một thử thách, Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán sẽ làm bạn vượt qua những thử thách của nghìn trùng dâu bể, thành tựu được cuộc sống hạnh phúc hơn.

Hãy đặt bàn tay phải – Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – Từ Bi!

Thưa Phật! Cuộc đời của mỗi người sẽ phải trải qua nghìn trùng dâu bể. Và công phu tu tập Thiền Mật Song Tu, Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ quán, chúng con sẽ nhìn qua nghìn trùng dâu bể, những trận đau đớn trong cuộc đời mà tâm vẫn an lạc. Nguyện xin chư Phật gia hộ để chúng con tinh tấn vận hành pháp thiền này!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu nếu có tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn