Search

Bài 2143. Trong Bế Tắc Có Khởi Đầu | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo với lòng thành kính để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.

Hồi hướng cho tất cả các chư vị hương linh vì đại dịch hay vì bất cứ một nhân duyên nào đã ra đi, nương bóng từ ân của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư mà tái sanh cảnh thiện lành.

Xin Chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Luôn nghĩ đến các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng và xã hội, muôn người. Rải tâm từ bi và trí tuệ tới muôn người, nguyện cho muôn người tinh tấn, an lạc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:14) Các bạn! Chủ đề chia sẻ ngày hôm nay: “Trong Bế Tắc Có Khởi Đầu”. Ai trong cuộc sống này cũng phải đương đầu với thật nhiều bế tắc. Cuộc đời như dòng sông, có lúc quanh co cũng có những khúc gập ghềnh sóng gió, có những khúc nước xoáy nhận chìm tất cả, có khúc nước đục, nước trong. Nhìn vào cả một cuộc đời của mỗi một con người từ khi ta có ý thức nhìn vào cuộc sống của chính mình, nhiều khúc của cuộc đời trong trầm luân đau khổ, thất bại, trong chán trường, giận dữ, hoan hỷ, hạnh phúc, được mất. Mỗi một tuổi đời trôi qua, ta lại cộng thêm một sự trải nghiệm mới, và dĩ nhiên trong muôn hình vạn trạng của sự trải nghiệm về cuộc đời, nhiều lúc ta phải đương đầu với sự bế tắc; một sự bế tắc tận cùng, không có con đường để đi ra, tưởng chừng như rớt xuống hầm sâu.

Ai cũng phải đương đầu với nhiều bế tắc. Bế tắc có nhiều nhân duyên! Do ai đó có oan gia trái chủ nhiều đời đối với ta, tới gây ra sự bế tắc đó. Bế tắc cũng do chính nghiệp chướng của chúng ta tạo ra, do chính mình, nay tai họa tới, chướng nghiệp nhiều, nghịch cảnh dồn dập, ta không vượt qua, bế tắc toàn diện đến mức không tìm thấy lối thoát. Có người đang rất bình thường, sinh hoạt bình thường, ai đó ở đâu tới tạo ra sự bế tắc. Bởi người ta gặp trong cuộc đời, thông thường, ít có thuận duyên nếu ta không sẵn sàng.

Bế tắc nào cũng có sự khởi đầu, mà khởi đầu trong sự bế tắc không phải luôn luôn là khởi đầu của một thời kỳ thuận lợi. Có khi là sự khởi đầu của bao nhiêu sự bế tắc khác tiếp tục tới. Và hầu hết trong mọi sự bế tắc đó có sự khởi đầu thêm những chuyện bế tắc khác tới, hoặc thêm những chuyện thuận duyên để cho chúng ta thoát ra.

Nhận biết được những nguyên nhân này và sẵn sàng chuẩn bị cho mình đầy đủ tư lương, thì trực diện với bế tắc, một sự khởi đầu mới, ta có thể vận hành chuyển hóa để khởi đầu đó thuận duyên tốt đẹp. Còn nếu không có sự chuẩn bị thì khởi đầu đó có thể là nghịch duyên bởi ta chưa chuẩn bị trên đoạn đường kế tiếp khi bế tắc tới với chúng ta.

Có nhiều người chán nản đến mức đầu óc điên loạn, mất thần trí, điên điên, khùng khùng rồi cứ đi lơ lơ, tửng ở cõi trời nào đó, chẳng sống thực tế được nữa. Có những bế tắc tới làm cho tiều tụy thân xác, làm cho đau khổ, bệnh hoạn, làm cho tán gia bại sản, làm cho mất vợ, mất chồng, mất gia đình, làm cho mất tất cả. Và những sự bế tắc kinh khủng đó thường để lại vết thương ngàn năm không thể xóa mờ. Nhưng lại có những người đương đầu với bế tắc đó, họ đón nhận được một sự khởi đầu mới để vượt qua trưởng thành hơn, vững chãi hơn. Bởi trên đời không ai có thể trưởng thành được nếu chưa từng trải qua bế tắc và nghịch cảnh. Bế tắc và nghịch cảnh giúp cho chúng ta trưởng thành hơn, vững chãi hơn và thành công tốt đẹp hơn. Vậy nên mới có câu: “Thất bại là mẹ thành công” và Phật nói: “Té ở đâu, vịn ở đó đứng dậy”. Đứng dậy trong sự hiểu biết, sẵn sàng!

Thời xưa, Đức Phật một thuở tu Khổ hạnh cùng với 5 anh em Kiều Trần Như ở trong rừng, hãm xác không ăn uống rồi dơ dáy, bẩn thỉu lắm, sống như người rừng vậy, gọi là ép xác, hành xác để có thể chứng ngộ được đời sống tâm linh. Nhưng đó không phải là con đường, bởi một lúc kia, Ngài mới thấy thân xác tiều tụy, hết sức sống, sắp chết rồi. Mà như Kinh diễn tả, Ngài ăn có hạt mè, uống chút nước mỗi ngày, gầy lắm, xương thì trơ ra, thịt thì hết, mắt thì lõm sâu vào, nhìn như một cốt xương biết di động, đứng không vững, đi siêu siêu. Nhận ra đây không phải là một con đường bởi đã thử thách bản thân bằng nhiều phương pháp Khổ hạnh nhưng chẳng thông. Và sự khởi đầu của bế tắc này là sự chết đang chờ. Thực sự sắp chết rồi, yếu, đi té, đi siêu và cuối cùng té xuống khi thoát ra khỏi khu rừng, từ bỏ Khổ hạnh. Nhưng còn sức đâu nữa?!

Đây là một trong những bế tắc tột cùng của Đức Phật! Chúng ta đặt Phật ở thời kỳ chưa giác ngộ, lúc vẫn còn là thái tử khổ hạnh, chưa là một đấng quyền năng thấu rõ đâu. Ngài chưa giác ngộ, chỉ là một thái tử thực tập các pháp thiền và những phương pháp đủ thứ thời Bà La Môn để đi tìm con đường giải thoát. Nhưng mà bế tắc, không giải thoát được! Bế tắc tiếp tục bế tắc lại khởi đầu cho những bế tắc, nên cuối cùng Ngài từ bỏ trong sự bế tắc đó, để đi tìm một phương pháp khác.

Yếu, té xuống, rất may là gặp một thiếu nữ đã dâng cho Ngài một chén cháo sữa. Trong giờ phút thập tử nhất sinh, chết đi rồi, thì chén cháo sữa đó đã làm cho Ngài tỉnh lại. Trong bế bắc tưởng chừng chết đó, Ngài đã nhận ra giá trị của sự sống, con đường Trung đạo chẳng qua Khổ hạnh, chỉ cần trí tuệ mà thôi! Và từ đó Ngài từ bỏ con đường Khổ hạnh. Lấy lại sức, ngồi dưới gốc Bồ Đề và bắt đầu một khởi đầu mới trong thiền định thật sâu, tìm ra chân lý Tứ Diệu Đế, giác ngộ thành Phật.

Câu hỏi là trong bế tắc tưởng chừng chết đó, chỉ một chén sữa, tức là cháo sữa thôi mà sao Ngài có thể có được một sự khởi đầu tích cực như vậy? – Xin thưa là bởi vì Ngài luôn luôn sẵn sàng!

Ngài luôn luôn trau dồi kiến thức, Ngài luôn luôn tu luyện và Ngài luôn hướng đến điều cao thượng. Ngài luôn sẵn sàng! Sẵn sàng trong sự tu luyện, không phải giải đãi, buông lung, phóng tâm, phóng dật. Sẵn sàng trong sự thiền định, tu tập và có một sự quyết tâm dõng mãnh vượt qua mọi thử thách. Nên khi bế tắc, dù thân xác tiều tụy té xuống, chỉ một chén cháo sữa đó, và trong tư lương chuẩn bị với công hạnh tu tập miên mật không dứt đoạn, Ngài đã nhìn ra một sự khởi đầu mới cho một đoạn đường từ bỏ Khổ hạnh để thiền định sâu, nhận ra chân lý giải thoát luân hồi đau khổ.

Ngay chỗ này thôi, ngay chỗ Ngài là thái tử, nếu nói đúng thì khi chưa giác ngộ, Ngài cũng như chúng ta, không khác. Chúng ta không khác gì Đức Phật thời xưa, cũng tìm đủ mọi thứ, đã tu qua nhiều pháp môn. Câu hỏi này là pháp môn miên mật của Kim Cang Thừa, của Thiền Mật, của Tịnh Độ, của thiền Vipassana, của tụng Kinh trì chú, của ăn chay niệm Phật, của đủ hết các khóa tu. Các bạn nếu là Phật tử đã từng trải qua hoặc những con người đang tìm hướng đi về tâm linh, giải thoát cũng từng thực tập nhiều lắm. Ta đi từ Thầy này qua Thầy kia, núi này qua núi kia, pháp này qua pháp kia, môn này qua môn kia. Nói khổ hạnh thì không đúng nhưng mà khổ thân bởi học đã nhiều rồi. Nhưng liệu chúng ta đã đạt được sự an lạc và hạnh phúc chưa?

Thân xác có lẽ không tiều tụy như thời Đức Phật khổ hạnh nhưng tâm của chúng ta cũng tiêu điều hoa lá rồi. Bởi đi ngược đi xuôi tìm hoài mà chưa đạt được sự an lạc trong cuộc sống!

Nếu tu đúng, có sự an lạc thì ngay mùa dịch này, dù tới đâu đi nữa, ta sống cũng an lạc và vui mà thôi. Thời đại dịch này là thời mà kiểm định lại sự tu của chúng ta qua bao nhiêu năm tháng qua có thực sự đạt được sự an lạc hay không. Ngay trong bế tắc của đại dịch này, khởi đầu của sự an lạc phát huy để đưa chúng ta cảm ứng được với Đức Phật. Đó mới là điều cần thẩm định, suy nghĩ! Còn nếu như bao nhiêu ngày tháng qua tu tập mà trong mùa đại dịch này hoang mang, hoảng sợ thì chứng tỏ bao nhiêu pháp tu dù là cao siêu nhiệm mầu, giới thiệu thật là hay, công phu nhiều năm cũng không mang kết quả. Bởi kết quả của mọi pháp là sự an lạc; đó là sự thành công mà chúng ta luôn luôn đi tìm.

Đức Phật trong bế tắc, cái thuở mà tu Khổ hạnh đó, bởi đã sẵn sàng nên có một sự khởi đầu, tức là vận hành được sự khởi đầu đó đúng ý để vượt qua bế tắc, thành tựu được pháp lạc. Còn chúng ta, hầu hết khi đương đầu với bế tắc, bế tắc lại tiếp tục tới. Và giả sử như sự khởi đầu có cơ hội thuận duyên, ta cũng không ứng dụng được để tiến lên. Ta thường dậm chân tại chỗ, thậm chí còn lùi lại bởi không sẵn sàng. Từ đó mà chúng ta thấy rằng, nếu những ai đã sẵn sàng thì bất cứ một nghịch cảnh nào trong cuộc đời tới tưởng chừng như bế tắc đều là một sự khởi đầu cho thuận duyên tiếp tục tới, bởi ta đã sẵn sàng vươn lên.

Đức Phật trong cơn nguy biến của sự tiều tụy, sắp chết, một chén cháo sữa từ thân tiều tụy đó đã dõng mãnh ngồi dưới gốc cây Bồ Đề và thành Đạo. Chúng ta nhớ, mọi bế tắc tới là để chúng ta thẩm định lại sự tinh tấn, sự sẵn sàng và kết quả rèn luyện của bao nhiêu năm qua, mang ra ứng hóa trong lúc đó để có một khởi đầu mới trong mọi bế tắc toàn diện của thời cuộc mà thế giới này đang phải đương đầu, đó là đại dịch. Bởi vì đại dịch đã làm cho mọi sự ở trên đời phải dừng lại. Và nhất định sẽ là một khởi đầu cho tất cả!

Khởi đầu cho các quốc gia, các vị lãnh tụ, khởi đầu cho các nhóm, các cá nhân, khởi đầu cho các tôn giáo phải thẩm định lại giá trị của cuộc sống. Dù bạn theo tôn giáo, tu theo pháp môn nào đi nữa thì thời đại dịch này là một cơ hội trực diện với bế tắc để có một sự khởi đầu thẩm định lại để vươn lên, để hoàn thiện tất cả và để thành tựu tất cả những điều gì ta mong ước. Nếu các bạn luôn luôn miên mật tu tập thì đây chính là lúc như Đức Phật vậy, một chén cháo sữa đã tỉnh thức giác ngộ – một thời đại dịch làm cho chúng ta vững chãi, trưởng thành hơn trong cuộc sống tâm linh.

Tất cả mọi sổ sách ghi lại những danh mục bạn đã từng trải qua trong sự bế tắc, nó không đáng là gì bằng sự bế tắc đại dịch ngày nay!

Bạn cứ nhìn ra đường phố đi! Hàng trăm ngàn người thoát ra khỏi ngục tù của những thành phố lớn (đối với họ là ngục tù) để trở về nơi thênh thang, rộng lớn quê cha đất mẹ. Trên đoạn đường trở về từ thành phố đó cho tới thôn quê, nơi quê mẹ khó biết dường nào. Có những con người còn có xe, có xăng để chở vợ, chở con, chở một vài của cải còn dư lại đi về quê. Có người thậm chí có phương tiện giao thông mà không có tiền. Có người chẳng có tiền phải đi bộ. Mất tất cả! Một sự bế tắc toàn diện, ở lại cũng không được mà về cũng khó vô cùng! Sự khởi đầu của họ trong mịt mù tăm tối biết đi về đâu, ngày mai sẽ ra sao.

Nếu chúng ta quán chiếu hoàn cảnh chung của toàn thế giới và Việt Nam nói riêng trong mùa đại dịch, chúng ta thấy, nhất định phải có một sự khởi đầu mới cho tất cả mọi người. Và sự khởi đầu đó có tốt đẹp cho mọi người hay cho từng cá nhân hay không là tùy theo cá nhân và cộng đồng xã hội ở nơi đó có sự chuẩn bị rõ ràng, nhìn thấu để vươn lên hay lại chui đầu vào bế tắc làm khổ lẫn nhau.

Có những quy luật, có những luật lệ chồng chéo cản trở sự tiến bộ để làm cho bế tắc toàn diện hơn; trong nhà Phật gọi là giới cấm thủ. Chúng ta cố chấp vào những giới làm cho ta càng bế tắc thêm bế tắc. Giới là tốt đẹp, nhưng những giới của phong tục tập quán gọi là giới, những nền tảng của những quy luật tạo ra không còn phù hợp trong hoàn cảnh hoặc hiện thời mà ta bám chặt vào đó để phán xét, để hành xử thì càng bế tắc hơn trong bế tắc. Sự khởi đầu là khởi đầu đi trở về thời đồ đá, đồ đồng, khổ hơn. Cho nên nhà Phật mới gọi là giới cấm thủ, là một trong những điều ngăn chặn ta và luôn luôn tạo ra nhiều chướng nghiệp, chướng duyên.

Những quy luật đã được tạo ra, là tạo ra trước thời đại dịch, là tạo ra khi đại dịch như một điều gì đó ngắn hạn giải quyết. Nhưng nó không thể tồn tại được trong từng hoàn cảnh khác biệt. Bởi vậy, nếu như chúng ta, mỗi một cá nhân, mỗi một tổ chức trong xã hội, chính quyền hay từng nhóm lớn, nhóm nhỏ, thành phố, địa phương mà bám chặt, cứng ngắc vào những luật đó, sẽ tạo ra bế tắc hơn. Vậy nên các bạn thấy nhiều đoạn đường bế tắc, người dân ùn ùn kéo đi mà không thể giải tỏa bởi vì quá chấp và câu nệ vào những luật lệ không phù hợp. Nhà Phật gọi là khế cơ còn phải khế lý, phù hợp với thời đại hiện tiền và phù hợp với chân lý, chứ chẳng thể cứ bám chặt vào đó để giải quyết như một khuôn mẫu toàn diện, vấn đề gì cũng mang vào trong đó.

Chúng ta nhìn qua chính trong đại dịch này đã nói đến một sự bế tắc toàn diện của cộng đồng xã hội sống chung và sống riêng, đối với từng cá nhân. Để chúng ta phải đi theo gương của Đức Phật là dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào cũng luôn luôn chuẩn bị, luôn luôn sẵn sàng và luôn luôn tinh tấn tu tập. Để khi đương đầu với sự bế tắc trong đoạn đường đi tìm sự giải thoát đó, ta luôn đón chờ một sự khởi đầu. Bởi ta làm chủ được bế tắc hiện diện nơi đó bằng cái tâm sẵn sàng trau dồi, học hỏi, tinh tấn để vươn lên thành công như thái tử khổ hạnh không thành, tưởng chết, nhưng cuối cùng chén cháo sữa đã đưa Ngài tới sự thành tựu bởi ngay trong giây phút tưởng chừng sẽ phải chết đó, với sự sẵn sàng, Ngài đã vượt qua một sự bế tắc. Còn đại dịch thì cũng chưa đến nỗi như Đức Phật: đi không được, đứng không được, siêu siêu té xuống rồi, Ngài hình như đã chết. Rất may chỉ một chút phước thôi, của cô gái thời đó đã tặng cho một chén cháo sữa đút vào miệng, Ngài thấm từng chút và sống, hồi sinh thành bậc giác ngộ.

Trong bế tắc toàn diện của đại dịch ngày nay, chúng ta có biết bao nhiêu con người làm từ thiện. Dù có những con người phải bỏ thành phố trở về miền quê, nhìn chung rất khổ, nhưng vẫn luôn luôn có được sự giúp đỡ của cộng đồng từ thiện, của xã hội, của nhà nước. Dù không nhiều, đáp ứng đúng nhu cầu hiện thực họ mong muốn, nhưng ít nhất, vẫn còn sướng hơn thời Đức Phật. Đức Phật chỉ có một chén cháo sữa thôi! Còn chúng ta, chúng ta được tặng tiền, tặng gạo, thậm chí được những tổ chức từ thiện, cá nhân hoặc là xã hội đó, giúp chúng ta một phần. Giá trị còn hơn chén cháo sữa!

Một chén cháo sữa là một sự khởi đầu cho một bậc giác ngộ để ngày nay chúng ta được học. Còn chúng ta như thế nào trong sự bế tắc của đại dịch? Nếu các bạn không chiêm nghiệm trở lại để cho mình một cơ hội nhìn thấu để sẵn sàng trực diện bế tắc ngày nay để có một sự khởi đầu mới thì nhất định các bạn chẳng khác gì đang thắt dây thòng lọng tròng vào cổ, hủy diệt đời sống của chính mình bằng sự than khổ liên tục từ lúc này qua lúc khác mà chẳng để cho hơi thở được nhẹ nhàng, trầm tĩnh quán chiếu, dung thông những nhân tố, những nghiệp báo nhiều đời nay trổ quả chung cho nhân loại bởi đại dịch.

Các bạn! Trong bế tắc luôn có sự khởi đầu thuận lợi nếu chúng ta sẵn sàng và chúng ta luôn tinh tấn rèn luyện. Còn trong bế tắc luôn có sự khởi đầu đi đến thất bại hơn, bế tắc hơn nếu chúng ta không tinh tấn rèn luyện và không sẵn sàng. Người có trí tuệ là người luôn luôn sẵn sàng trong sự tinh tấn tu học. Để khi đương đầu với bế tắc là một cơ hội khởi đầu mới cho sự thành công. Người sống trong vô minh là người không chịu tu tập, rèn luyện và không sẵn sàng để khi đương đầu với bế tắc, sự khởi đầu mới dồn họ vào thêm bế tắc và đau khổ toàn diện.

Ta hỏi lại chính ta! Nếu các bạn trong lúc này cảm thấy an lạc chính là các bạn đã có một sự khởi đầu thấm nhuần chân lý của Đức Phật qua bao nhiêu năm qua thực tập giáo pháp ấy, dù đại dịch đã tạo ra biết bao nhiêu sự bế tắc nói riêng và nói chung cho muôn người. Còn nếu ngay bây giờ bạn cảm thấy nhức đầu, phiền toái, khó chịu, tù túng, sân giận rồi không biết phải làm gì, run rẩy thì chính là bạn đang có một sự khởi đầu đi trở ngược để dìm mình trong mọi bế tắc, bởi bạn chưa sẵn sàng.

Người không sẵn sàng để đương đầu với bế tắc và thử thách, người đó không bao giờ trưởng thành và thành công. Câu này suy nghĩ thấy rất hay! Nếu ta không sẵn sàng và chuẩn bị cho mình đầy đủ tư lương để đương đầu với bế tắc, hầu có một sự khởi đầu mới đi đến sự thành công, thì ta không bao giờ có sự trải nghiệm thực tế trong cuộc đời để trưởng thành vững chãi. Người đó, hầu như trong toàn bộ cuộc đời của họ là thất bại tiếp thất bại, tiếp tục thất bại. Và gần gũi với những con người như vậy, ta sẽ bị lây nhiễm môi trường sống và sẽ làm cho ta khổ hơn. Hãy tỉnh thức và sẵn sàng dù trong bất cứ một hoàn cảnh nào tưởng chừng như phải chết như thái tử đó, một chén cháo sữa thôi, Ngài đã hiểu thấu và đứng vững lại, ngồi xuống tọa thiền trên gốc Bồ Đề thành bậc giác ngộ!

Nếu trong thời đại dịch bế tắc toàn diện này, mỗi một người chúng ta nhìn lại gương của Đức Phật đó. Để từng thời, từng khắc ta vẫn ăn uống đầy đủ, Chánh Niệm hơi thở trí tuệ và từ bi thì nhất định trong thời đại dịch này là một sự khởi đầu thuận duyên cho đời sống tâm linh, cũng như tăng trưởng phước báu, có đầy đủ những phương tiện trong cuộc đời. Một giai đoạn của kỷ nguyên mới mà chúng ta có thể vươn mình thay đổi toàn diện nhân sinh quan, ý thức hệ và cách sống.

Đại dịch đã làm cho chúng ta suy nghĩ khác đi, sống khác đi, đối xử khác đi và nhận diện về giá trị cuộc sống thiết thực hơn. Trước đại dịch, ta lung tung, cái gì cũng vơ cũng vớ vào. Khi dịch tới, ta mới có cơ hội lược ra những điều gì cần thiết, còn những gì không cần thiết chẳng bận tâm. Có phải chăng đại dịch đã làm cho chúng ta gọn gàng, nhẹ nhàng, biết bỏ đi những thứ không cần thiết và tích cực hơn đối với những thứ cần thiết trong cuộc sống hiện thời? Phải chăng đại dịch đã giúp cho chúng ta nhìn thấu tâm tham, không rèn luyện tâm sân mà thắp sáng trí tuệ để thoát ra vùng tối của vô minh? Hay lắm!

Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi – trí tuệ mỗi một ngày là giúp cho chúng ta rèn luyện đời sống tâm linh để tâm ta sáng, thân an trong pháp lạc của từ bi để ta luôn sẵn sàng, có đầy đủ tư lương. Để khi mọi bế tắc của cuộc đời tới với ta và tới với muôn người, ta sẽ ứng hiện phù hợp trong mọi phương tiện để chuyển xoay sự khởi đầu thuận lợi đưa đến sự thành công, giúp ta vững chãi và trưởng thành, giúp người an vui và hạnh phúc. Nghĩ được điều đó, chúng ta phải tinh tấn! Trong từng hơi thở Chánh Niệm, các bạn cố thực tập đi!

Bạn suy nghĩ lại đi! Trong mùa dịch này, bao nhiêu sự việc xảy ra, biết bao nhiêu con người tới rồi đi? Và cũng trong đại dịch trăng tối, trăng sáng, người ta lợi dụng thừa nước đục thả câu. Có kẻ tăng lòng tham, hại dân của mình. Có người tăng lòng tham để mưu cầu lợi ích cá nhân. Nhưng ít nhất chúng ta vẫn còn chủng tử Bồ Đề kiên cố của trí tuệ – từ bi. Chẳng lợi dụng đại dịch để tăng trưởng những nguồn lợi riêng tư mà ta đã mở con mắt nhìn trong hoàn cảnh của thế nhân, từ đó mở rộng trái tim từ ân để san sẻ, giúp đỡ với muôn người. Đó chính là công phu bạn đã tập được, luyện được. Và những ai trong mùa đại dịch sống hoan hỷ, biết san sẻ yêu thương, biết đồng cảm thì nhất định các bạn đã có sự chuẩn bị cho một khởi đầu mới!

Trong mọi bế tắc có sự khởi đầu thuận duyên đi đến sự thành công nếu như bạn luôn luôn có một phương hướng minh định để thực tập, rèn luyện trí tuệ và lòng yêu thương. Nếu như bạn luôn luôn có lòng bao dung, có sự đồng cảm và lắng nghe là bạn đã sẵn sàng rồi. Còn nếu chưa thì các bạn ơi, các bạn hãy cố gắng thực tập những pháp thiện và thực tập lòng bao dung, sự đồng cảm, sự lắng nghe. Và nếu như cần, các bạn hãy tới, dành đôi chút thời gian trong một góc nhỏ nào đó của thiền môn, của ngôi chùa, của tịnh thất, tĩnh lặng hít thở để lấy lại bầu không khí tịnh yên ở trong tâm. Để vận hành sự khởi đầu mới trong bế tắc.

Cho nên nếu bạn đang bế tắc, bạn hãy nhớ thực tập thiền định trí tuệ, thực hành các pháp thiện, bố thí, phóng sanh. Thực hiện hít thở, thiền lòng bao dung, từ bi. Thực hiện sự đồng cảm, thực tập sự lắng nghe, lui tới chùa chiền tĩnh lặng, tịnh yên, tiếp xúc với các bậc thiện tri thức, các Thầy, các Sư Cô hoặc ai đó thuận duyên trong cuộc sống tâm linh. Để nương vào những môi trường như vậy, bạn ổn định được sự suy nghĩ và tâm của bạn. Từ đó sẵn sàng cho một khởi đầu mới, vượt qua bế tắc, đưa tới sự vững chãi, trưởng thành trong thành công.

Không cần biết bạn bế tắc về gì! Về tình, về tiền, về danh vọng, địa vị, của cải, vật chất thế gian thì cũng nằm ở trong những sự tu tập như thế này mà bạn có thể vượt qua bế tắc đó. Nghĩa là phải thường xuyên làm việc thiện, bố thí và phóng sanh. Thường xuyên hướng dẫn tâm mình mở rộng bao dung, nhân ái, lắng nghe để thông cảm với mọi người và nương vào môi trường thanh tịnh. Bạn là tôn giáo nào thì bạn tới những trung tâm tinh thần như nhà thờ, chùa chiền, am thất gặp các vị Linh mục hay gặp các nhà Sư, Sư Cô, kề cận những bậc thông thái, trí thức. Nương vào môi trường sống đó để bạn sẵn sàng bằng sự rèn luyện những điều vừa nói ở trên, bạn sẽ có một sự khởi đầu mới toàn diện trong sự vững chãi và trưởng thành.

Trong bế tắc có khởi đầu, thuận hay nghịch là do chính ta! Đạo Phật, Đức Phật dạy luôn lấy mình trong sự rèn luyện để làm chủ cuộc sống và các pháp biến hiện trong cuộc đời dù là bế tắc hay hanh thông, dù là thuận hay nghịch, ta cũng làm chủ được hết nếu ta thực tập miên mật. Thực tập bố thí, từ bi, thực tập từ thiện, yêu thương, bao dung, lắng nghe, đồng cảm, tiếp cận với các bậc thiện tri thức, gần gũi với các môi trường thanh tịnh sẽ giúp cho chúng ta trưởng thành vững chãi lắm.

Do đó, các bạn trong thời đại dịch này, không hẳn chỉ có các bạn thôi, thật nhiều người đang bế tắc. Nếu các bạn đồng tu với Bảo Thành hoặc đồng tu với các Thầy, các Cô ở chùa hoặc trên các kênh YouTube, Facebook hoặc tới chùa, am thất hoặc trên phone (điện thoại) đều có lợi hết, đều tốt hết. Bởi vì sự thực tập tu như vậy sẽ giúp cho các bạn sẵn sàng. Để làm chủ tâm đương đầu với bế tắc, để khởi đầu tới với chúng ta bằng sự thuận duyên hơn, giúp cho mình vững chãi, thành công.

Bạn đang bế tắc về chuyện gì, bạn có thể cho Bảo Thành biết được không?

Hay bạn ngồi xuống tĩnh tọa, thực tập thiền định, hít thở nhẹ nhàng, Chánh Niệm từ bi, Thiền Mật song tu. Thực hiện các pháp thiện, bố thí, phóng sanh. Thực tập lòng bao dung, tha thứ, hạnh lắng nghe và đồng cảm. Gần gũi các bậc thiện tri thức để làm chủ tâm, vận hành cuộc sống trở lại. Một khởi đầu mới trong những giai đoạn bế tắc sẽ giúp cho bạn vững chãi hơn bởi bạn luôn luôn sẵn sàng. Gương Đức Phật đã nói rõ, trong bế tắc tận cùng tưởng chết nhưng Ngài vẫn sẵn sàng chỉ nhờ một chén cháo sữa, Ngài đã tọa thiền thành bậc giác ngộ.

Trong những hoàn cảnh bế tắc toàn diện, tột cùng đau khổ và khủng hoảng này, nếu mỗi người chúng ta, không cần biết là ai, bình tĩnh trở lại, Chánh Niệm từ bi và trí tuệ nhìn cho thấu bế tắc hiện tại, thực hiện lòng bao dung, tha thứ, thực hiện tâm thiện bằng bố thí. Bạn không có tiền sao bố thí? Bố thí tâm đức của mình trong sự tịch tĩnh, an nhiên là pháp bố thí cao tột. Thực hiện pháp cúng dường, cúng dường cao cả nhất là giữ giới, là hành thiện, là từ bi, là thấu được pháp của nhà Phật. Đó là cúng dường cao tột nhất, chứ không phải phẩm vật cao quý từ tiền bạc mua được đâu! Thông cảm, bao dung, lắng nghe, kề cận các bậc thiện tri thức, tinh tấn tu học. Sẵn sàng như thế, mọi sự bế tắc chỉ là một bước để đưa chúng ta tới một khởi đầu tốt đẹp hơn!

Chia sẻ như vậy để chúng ta thấy, gương của Đức Phật thật rõ! Hãy noi gương của Phật để chúng ta tiến tới trong giai đoạn khủng hoảng, bế tắc toàn diện của đại dịch này. Để mỗi người chúng ta không cần biết sống ở nơi đâu, đều có một sự khởi đầu mới, cống hiến, phục vụ cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn để bế tắc toàn diện trong đại dịch này mau qua! Nếu mỗi người thoát khỏi bế tắc nơi chính lòng mình, trái tim, suy nghĩ, hành xử của mình thì đã là một phần góp sức vào công cuộc ổn định xã hội trong mùa đại dịch này tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Không có bế tắc nào mà không có sự khởi đầu toàn diện tốt đẹp nếu mỗi người chúng ta đã sẵn sàng thấm nhuần tư tưởng của Đức Phật!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ – Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Khi còn là thái tử tu Khổ hạnh ở trong rừng cùng 5 anh em Kiều Trần Như, bế tắc toàn diện bởi chẳng tìm thấy con đường giải thoát. Sức khỏe bị suy sụp, thần chết đã gõ cửa, té xuống, nhờ chén cháo sữa, Ngài tỉnh giấc, con đường Trung đạo, tọa thiền đi tới sự giác ngộ.

Trong hoàn cảnh bế tắc toàn diện của đại dịch hiện thời là một sự khởi đầu viên mãn nếu chúng con biết tích lũy công hạnh tu miên mật. Tu pháp thiện, bố thí, cúng dường, mở rộng lòng bao dung, tha thứ, lắng nghe, đồng cảm, kề cận bậc thiện tri thức, quán chiếu cho rõ thì chúng con sẽ có một sự khởi đầu hoàn thiện hơn, vượt qua bế tắc của kỷ nguyên mới này.

Xin Chư Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Chúng con đã tu xong, nếu có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn