Search

Bài 2138. Gió Lùa Qua Cửa | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở, nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con thành tâm nguyện xin Chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới có đầy đủ phước báu đẩy lùi đại dịch để mọi người bình an, trở lại cuộc sống bình thường.

Cũng nguyện hồi hướng cho tất cả mọi hương linh đã vì đại dịch mà tử trận. Nguyện xin Chư Phật tiếp dẫn chư vị hương linh ấy trở về cõi tịnh lành.

Xin Chư Phật chứng minh.

Chúng ta đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Luôn luôn, khi ta còn sống và còn thở vào, thở ra trong Chánh Niệm, hãy nghĩ tới và hồi hướng cho các đấng bậc sinh thành là cha mẹ, ông bà, cho gia đình, vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, cho cộng đồng, xã hội và nhân loại.

Lúc này, đón nhận năng lượng từ bi của Phật thắp sáng trí tuệ ấy trong tâm, cũng nguyện hồi hướng cho tất cả. Nguyện muôn người bình an, tinh tấn tu học.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:18) Mô Phật!

Bảo Thành kính chào các bạn đồng tu! Chúng ta hạnh phúc thay còn ở nơi đây chia sẻ pháp thoại đồng tu với nhau. Thẳng vào chủ đề nghe đẹp như tà áo dài lụa là của người Việt: “Gió Lùa Qua Cửa”!Thuở xưa còn thơ ấu, vào những buổi trưa hè, gió đợt từng đợt, có thể là gió Hạ Lào hay gió gì không biết đâu, nhưng bất chợt lùa qua cửa sổ, ta còn thơ, ta thấy hay, ta thấy mát, ta thấy vui, ta reo hò, cười nhảy múa và trong đầu chắc cũng chẳng có ý tưởng gió từ đâu tới. Và những bà mẹ ôm con giữa trưa hè nóng bức trên cái võng ò ơ ru con ngủ mà có những cơn gió mùa hè thổi qua cửa thì hạnh phúc biết bao. Bởi trưa hè nóng, oi mà có gió nhẹ qua thì mát cả con lẫn mẹ.

Lon ton chạy trên những ngọn đồi ở miền quê, gió lùa qua cánh diều, ước mơ bay mãi. Gió thổi lên cung trời, gió đưa ta về mãi nơi đâu. Gió thật gần gũi với đời sống của con người!

Các bạn! Mang những hình ảnh tuyệt vời và chất chứa thật nhiều kỷ niệm nơi mỗi một người trong chúng ta về những cơn gió lui tới trong cuộc đời. Cũng có những cơn gió hằn học đi qua đã đưa biết bao nhiêu con người mãi mãi không trở lại, người ta gọi là gió độc, là trúng gió. Gió cũng có gió hiền và có gió dữ. Gió mát tâm hồn, gió lạnh cả xương cốt.

Người Việt chúng ta thường hay bị trúng gió rồi đè nhau ra cởi áo cạo cạo, cạo cạo, gió nó sợ. Gió rất sợ chúng ta cạo bởi gió cũng biết đau! Cho nên khi gió độc vào người, nó làm ta đau, thì ta dùng cái đau của đồng tiền hoặc của thìa đó, cạo trên lưng với chút dầu xanh thôi, gió đau, gió sợ, gió bay chẳng còn.

Gió lùa qua cửa có thể là một cái bàn the che cửa nhẹ nhàng, gió nhẹ nhẹ lùa qua, vậy là vài vần thơ đã được sáng tác. Con người nhìn gió có lúc hiền có lúc dữ. Đúng như thế!

Hôm nay chẳng đi vào gọi là theo chiều gió của cuộc đời mà nói đến cơn gió mà Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta. Cuộc đời thì ta thấy có nhiều loại gió: gió mơ, gió mộng, gió độc, gió hiền, gió như trăng sao, gió như sóng ở trên biển, gió như cây đung đưa, gió như cành liễu, nhưng Phật chẳng nhìn những loại gió đó, bởi chỉ làm cho tâm của chúng sanh bị lung lay, tạo ra nghiệp mà Phật thấy tám ngọn gió chướng thổi vào sáu cửa sổ của cuộc đời, đó chính là sáu giác quan của chúng ta.

Các bạn! Lục căn là sáu cửa ngõ của tâm hồn con người. Tám ngọn gió chướng thường đi vào cuộc đời của chúng ta qua sáu cái cửa đó, làm điêu đứng thần hồn, làm cho chúng ta phải tái sanh luân hồi đau khổ mà không thể thoát. Dù sáu cửa đó đã mở toang nhưng không thể nhảy ra được bởi tám luồng gió chướng thổi ào ào vào.

Cặp gió chướng đầu tiên Phật nói đó là Thịnh – Suy, tức là có và mất, được và không.

Các bạn nghĩ đi, ở cuộc đời có và mất đau khổ vô cùng! Thấy đó một người vẫn còn hiện diện ngày hôm qua, tiếng cười, âm thanh của giọng nói, tiếng hát, khuôn mặt rồi mọi sự thân thương còn đó mà nay đã mất. Có, được tạo ra đau khổ, hai luồng gió này thường tạo ra khổ đau nhiều lắm! Được và mất tạo ra khổ đau nhiều lắm các bạn! Được là được gì? Được tình rồi mất tình, được tiền rồi mất tiền, được nhà cao cửa rộng, chỉ một đêm trôi qua, mất trắng tay.

Chúng ta đã nhìn thấy biết bao nhiêu những sự việc xảy ra trong cuộc đời được đó rồi mất đó. Cái này khổ vô cùng! Nhưng mấy ai trong chúng ta, khi trong cơn đang được thịnh vượng đó, lại chấp nhận rằng hoặc nhìn thấu rằng một ngày nào đó nó sẽ mất hết bởi được – mất là cơn gió tới và đi, nếu cơn gió được tới với ta thì nó cũng lùa cửa sổ để đi mất, chẳng bao giờ còn ở trong nhà đâu. Thì căn nhà trống của túi thịt da đang chứa đựng những điều bất thiện này, cơn gió được mùa của tình, của tiền, của danh vọng địa vị, của phú quý hào nhoáng, của tài danh sắc tướng, của tất cả mà bạn có thể gom vào để phô trương cho thế giới này, vỗ ngực để xưng tên, nó cũng luồng qua khung cửa sổ của sáu căn mà đi, chẳng thể chứa được. Rồi khi nó lùa qua cửa sổ đó rồi, ta sẽ buồn biết bao.

Các bạn! Trúng gió độc cạo có thể hết nhưng trúng gió của Thịnh – Suy, Được – Mất, ta chết hằng vô lượng kiếp, khó có thể thoát được. Vậy mà cái bả của danh vọng địa vị, của tiền tài sắc tướng, của những thứ được – mất trong cuộc đời vẫn tạo thành những cơn gió độc xoay xoay và nó quay ta cho tới ngã gục ở dưới tận chân đồi của bất thiện đau khổ. Ta chẳng thể thoát. Cứ vẫn mê, mê một cách đê mê, khó thoát!

Chưa kể đến hai cơn gió kế tiếp đó là gió của Khen – Chê.

Người ta khen ta một tiếng là ta bay bổng như thiên thần tới tận đỉnh núi cao, bay còn cao cao lên tầng mây hơn cả Tề Thiên Đại Thánh. Người ta chê một cái thì ta rớt xuống tận đáy địa ngục đau đớn. Khen – chê cũng là hai ngọn gió độc thổi vào trong sáu cánh cửa của giác quan làm điêu đứng chúng ta từng giây từng phút. Bởi ở trên đời này có ai khen ta khen mãi suốt đời, có ai chê ta chê mãi tận cùng đâu? Lời khen – tiếng chê mỗi người trong cuộc đời cứ phải nghe hoài. Mới hôm qua họ khen tướng hảo đẹp, ngày mai chưa tới họ đã chê bai. Lời khen – tiếng chê như dao, như gươm, như đường, như mật. Các bạn! Dao đâm thì đau, gươm chém thì chết nhưng đường, mật cũng làm cho ta chết. Mật ngọt chết ruồi! Khen – chê cũng là hai luồng gió độc vô cùng mà ở đời khó có thể tránh. Sáu cửa giác quan thường cứ mở toang để nó thổi vào thổi ra.

Đến hai ngọn gió kế, đó là “Xấu và Tốt”.

Ta cứ chọn cái tốt và đẩy lùi cái xấu, rồi ta chê bai cái xấu của người, khen ngợi cái tốt của ta. Tốt tốt, xấu xấu, xấu xấu lẫn lộn, trà trộn mọi thứ vào như gạo với đậu mà mẹ ghẻ trộn vào cho Tấm Cám. Câu chuyện Tấm Cám các bạn đã nghe rồi, khổ lắm!

Ta cứ trộn lẫn giữa hai màu sắc của tốt – xấu, lẫn lộn, xóc lộn xì ngầu lên rồi ngồi lục tốt – xấu, tốt – xấu. Đến cái chữ “xấu” nó hiện ra thì khóc ròng cả ngày, cả tháng. Chữ “tốt” thì cười rồi phỉ báng cả thiên hạ bởi ta hình như phước báu hơn người. Đến mức mà chữ “tốt – xấu” đó, chúng ta cứ đeo đuổi, dằn vặt, chê bai, chém gió cả khi người ta đã nằm xuống lòng đất rồi, hơi thở đã trút đi mà ta vẫn mang cái tốt – xấu ra để thị phi. Đó là tật cố khó có thể chế ngự được nơi mỗi con người chúng ta.

Hai cặp gió cuối cùng đó gọi là “Đau Khổ và Hạnh Phúc”. Nó cũng như hai cái đục, cứ nhằm hai lỗ tai mà đục vào, đau quá. Rồi nó như là đường phèn, mía lau bôi lên miệng, cười sung sướng khi hạnh phúc. Nghe thì đau điếng, khóc thì khóc chảy dài mà nếm được chút hạnh phúc thôi, hư ảo cuộc đời có phải hạnh phúc thật đâu, vậy mà cứ cười mãi.

Hôm nay ta nói đến “Gió Lùa Qua Cửa”, chủ đề này Bảo Thành muốn dắt các bạn về lời Đức Phật dạy, tám luồng gió chướng lùa qua sáu cửa của giác quan chúng ta làm cho những người tại gia và ngay cả những bậc xuất gia, tất cả những người có đạo Phật hoặc không theo đạo Phật, miễn là con người thì Đức Phật nói đây là chân lý. Tám hiện tượng: Được – Mất, Chê và Khen, Xấu và Tốt, Sung Sướng và Đau Khổ là bốn cặp tạo thành tám. Tám này là tám luồng gió chướng thường xuyên thổi tới và đi vào sáu căn của chúng ta – sáu cánh cửa đó. Và khi ở bên trong sáu cánh cửa này, sự đón nhận của ta với tám luồng gió chướng tạo thành cảm xúc như thế nào và sự tu luyện của ta như thế nào để chúng ta sẽ đặt để mình trở thành người như thế nào trong cuộc sống. Bát phong suy – tám luồng gió chướng thổi mạnh qua sáu căn làm đời người điêu đứng.

Bây giờ chúng ta cứ đi từng cặp như vậy mà truy tìm để rồi chuyển hóa, ôi nó khó. Bỏ được cái mất thì bỏ, nhưng cái được tới, ai dám bỏ?

Bạn mất năm đồng, “Thôi quên nó đi!”. Bạn được năm đồng, nói “Bỏ năm đồng đi!” khó. Bạn mất chiếc xe, “Thôi quên đi, bởi tìm được đâu!”, nhưng bạn được chiếc xe, bảo bỏ đi chắc không thể làm. Người ta chê bạn, “Thôi bỏ đi, nó chê cho thối miệng của nó!”, nhưng người ta khen, nói “Bỏ không được!”. Ôm mãi về nhà, rỉ rả với bà con lối xóm: “Hôm nay, tôi được khen!”.

Cái xấu của mình, người ta nói tới, “Thôi bỏ đi, nó có biết mình đẹp đâu!”, nhưng cái xấu của người, ta không bỏ. Ta moi cho tận tới xương, ta thọc cho tận tới tim. Cái đẹp của người ta thì mình che đi, mình thảy rác vô trong đó, còn cái đẹp của mình hễ ai nói tới, “Ôi, mũi nó to lên như mũi con bò!”.

Đau khổ chút thôi, “Thôi bỏ đi, đau mà, giữ làm chi!”. Hạnh phúc chút thôi, thổi phồng cho thiên hạ thấy. Chúng ta cứ bị điên đảo với những điều đó!

Các bạn nếu để ý lại, đây chính là những luồng gió lùa qua cửa của sáu giác quan thường làm cho mỗi một người chúng ta thêm phiền não, đau khổ nhiều. Nhưng làm sao để đóng cửa giác quan hay sao?! Giác quan của chúng ta là những cánh cửa?! – Không phải!. Là những khung cửa không có cánh để khép, để đóng!

Bạn có thể nhắm mắt suốt đời hay sao? Bạn có thể bịt tai suốt đời hay sao? Bạn có thể bịt luôn mũi, làm tê liệt cái lưỡi? Bạn có thể làm cho lãnh cảm, không còn cảm xúc và làm cho ý tưởng chặn đứng không có thể khởi lên được không? – Không!

Sáu khung cửa của giác quan không có cánh, nó luôn mở và muôn sự ở đời tới và đi. Thấu được điều đó là bởi mỗi người chúng ta tinh tấn trong sự quán chiếu của vô thường tới đi, hiểu được vô thường tới đi là hiểu được rằng sáu giác quan chẳng cần đóng chặt, chẳng cần cố thủ, chẳng cần có lính gác canh. Bởi ta thấy gì tới rồi nó sẽ đi, nó đi rồi nó tới, khung cửa trống trơn, không có chỗ đứng, không có chỗ dựa, không có chỗ chứa, không có chỗ cất thì có gì phải lo lắng?

Nhưng chúng ta bởi vì tâm chấp thủ nên mọi điều qua khung cửa của sáu căn, ta chất, ta chứa, ta nắm, ta giữ, ta ôm, ta ấp, ta không buông được. Cho nên căn nhà nhỏ bé của tâm chật chội tham dục, tham ái, chấp thủ kia càng ngày càng chật chội và ta thật dễ giận, dễ sân.

Các bạn hỏi: “Vậy làm sao tôi có thể với khung cửa không có cửa của sáu căn, tám luồng gió độc của cuộc đời cứ thổi vào thổi ra, tôi phải làm sao?”, “Tôi khổ, tôi đau”. – Đúng!

Nếu cả tám cửa của những luồng gió chướng tới từ tám phương kia thổi lùa vào trong sáu giác quan của chúng ta, thật khó có thể ngăn ngừa được. Bởi vì đều là sáu cửa giác quan mở toang mà tám luồng gió chướng từ tám phương cứ ồ ạt thổi tới mọi phương hướng, ta làm sao chạy?

Cái tối ưu trong Thiền Mật song tu, Thiền với Mật, mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang đó là thiền trí tuệ. Dùng trí tuệ nhìn xuyên suốt sáu cửa giác quan mở trống với tâm không ngăn ngại bởi quán chiếu vô thường. Để từ đó, bỏ qua tám luồng gió chướng đó và sáu giác quan kia đi, chỉ còn một tánh biết duy nhất trong trí tuệ nhìn thấu được qua luồng gió đi vào cửa phổi của chúng ta, đó gọi là hơi thở Chánh Niệm.

Cũng là gió nhưng mà gió Chánh khí, gió Chánh Niệm. Cũng là cửa mà cửa phổi của sự tỉnh giác, của tánh biết, biết trong vô thường sanh diệt nên tâm tịch tĩnh và an vui.

Chẳng cần phải chi li tìm ra sự Được – Mất, Khen – Chê, Tốt – Xấu, Hạnh Phúc và Đau Khổ, bốn cặp, tám chướng kia là gió độc. Chẳng cần phải nhìn để căng con mắt nhìn gì, lỗ tai nghe gì, miệng nói gì, mũi ngửi gì, cảm giác gì, mà chỉ cần dùng mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là tánh biết của trí tuệ nhìn thấu cõi vô thường qua Chánh Niệm hơi thở, luồng gió nhẹ nhàng vào ra qua cửa phổi của chúng ta.

Thứ nhất là để phổi được thong dong, thư thái, làm việc một cách tử tế với tâm biết tôn trọng sức mạnh của phổi, điều dưỡng cho đúng, tạo ra oxy nuôi dưỡng cơ thể. Thứ hai, trong luồng gió thổi vào cửa phổi đó, ta giữ được Chánh Niệm, nhìn vào bằng trí tuệ, thấy được vạn pháp vô thường sanh diệt tới lui qua sáu cửa của sáu căn mà chẳng mảy may rúng động, sợ hãi. Tịch tĩnh trong Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ vốn có nơi ta. Chẳng phải bay lên trời cao hoặc là sao Hỏa, hoặc là chạm vào áo Như Lai cõi tới Niết Bàn thỉnh chút thừa ân thắp sáng tuệ giác mà là trong ta vốn có trí tuệ rồi. Trí tuệ như tim đèn, từ bi như dầu đã đổ và các bạn chỉ cần Chánh Niệm thôi là quẹt lên một cái, lửa sẽ được thắp sáng trên tim đèn trí tuệ, và từ bi như dầu tiếp sức cho ánh sáng đó luôn luôn có.

Ngày xưa, đó là hình ảnh dễ tới, dễ thấy giữa ngọn đèn dầu và tim đèn được ví dụ như trí tuệ và từ bi. Thật là khó! Ngày xưa không có điện, vào trong nhà tối om, lần mò hột quẹt bật đèn chẳng biết ở đâu.

Phương tiện đã tốt lắm rồi, về khoa học đã tiến bộ rồi, chúng ta, nhà ngày nay, bóng đèn bắt ở mọi nơi, thuận lợi vô cùng. Vào cửa mở ra, ngay cửa đó thôi, có công tắc, bật lên một cái, đèn sáng. Mà nếu không thích đi cửa đó, ra cửa sau thôi thì cũng có công tắc, bật một cái nó lên, tắt một cái nó cũng tắt. Thậm chí xuống cầu thang, đi tới đâu, ra ngoài cổng đều có công tắc điện ba, bốn chiều, nhiều khi cả năm, sáu chiều. Một bóng đèn mà có ba, bốn công tắc ở mọi chỗ ra vào để tắt.

Chưa! Khoa học còn tiến bộ đến mức có những công tắc cảm ứng. Ở bên này người ta xài cảm ứng. Có nhiều nhà thích cho nó tiện cho những người lớn tuổi, vừa bước ra cửa mệt quá, nhiều khi chỉ nhích cái là nó lên, nhích cái là nó sáng hoặc nhiều khi chạm vào nó sáng hoặc là vỗ tay là nó sáng, nó tắt. Hoặc nói “Bật lên!” nó lên, “Bật xuống”, “Tắt đi!” nó tắt để càng phương tiện hơn, càng dễ ứng dụng hơn. Chỗ nào có cửa thoát, cửa ra cửa vào đều có công tắc bật điện cho sáng, nhìn cho rõ, không lần mò trong căn nhà có thể bị té.

Đức Phật, Ngài là một nhà kỹ sư điện tài ba vô cùng, lỗi lạc cực kỳ ở chỗ là Ngài từ ngày xưa đã nhìn sáu cửa của giác quan và chỉ cho chúng ta trở thành một thợ điện thật rõ, và Ngài đã ban tặng cho chúng ta cảm ứng điện từ của tâm Chánh Niệm hơi thở trí tuệ, cài đặt ở ngay trong tâm chứ chẳng phải ở cửa để ta muốn tắt là tắt, muốn mở là mở. Hay ngay chỗ đó!

“Cảm ứng điện từ” đó là từ xưa, nhưng mới trong khoa học. Nhưng “cảm ứng đạo giao”, nó xưa cũng như trái đất, nó xưa mà Đức Phật phải nói lại nhiều lần để chúng ta thấy được. Khi chúng ta tu đức hạnh đúng bởi Chánh Niệm hơi thở, dùng trí tuệ và từ bi quán chiếu sáu căn của mình thì tự nhiên chúng ta đưa mình tới thần thông diệu dụng, kích hoạt được sự cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Và sáu giác quan kia chẳng phải là nơi sợ hãi để cho gió chướng của tám luồng độc khí Được – Mất, Khen – Chê, Tốt – Xấu, Đau Khổ – Hạnh Phúc lùa vào như gió độc, lấy đi mạng của chúng ta, đọa vào địa ngục mà nơi sáu cửa giác quan kia đã có cảm ứng đạo giao. Cảm ứng đạo giao trong Chánh Niệm hơi thở của từ bi và trí tuệ làm cho chúng ta thấu rõ được cõi vô thường của vạn pháp. Cho nên tám luồng gió chướng lùa qua sáu cửa giác quan chẳng phải là sự ngăn ngại, sợ hãi đối với chúng ta, bởi chúng ta có con mắt trí tuệ nhìn thấu, có cảm ứng đạo giao với mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Bạn ước gì bạn trên chiếc xe cảm ứng chẳng cần dùng chìa khóa, vỗ tay một cái nói “Mở cửa!”, nó mở cửa, bước vào nói “Chạy!”, nó chạy. Hồi xưa tưởng là khoa học giả tưởng, hoang tưởng. Ngày nay người ta đã chế được ra những chiếc xe không dùng xăng mà dùng điện. Rồi có những chiếc xe không cần lái, không cần thuê người lái xe hoặc mượn tài xế nữa. Ngồi vào trong đó, nói đi tới đâu, địa chỉ chỗ nào, tự động nó chở mình tới. Tự động nó chở mình đi! Tự động nó chở mình đi các bạn ơi! Bởi nó đã được cài đặt một phần mềm tinh tế, một bộ nhớ để đưa ta tới những nơi ta muốn.

Chánh Niệm hơi thở từ bi – trí tuệ của mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, các bạn nhớ, là một phần mềm vi diệu mà Đức Phật đã truyền cho chúng ta mà không đòi hỏi bất cứ một giá gì, chỉ cần thực nghiệm cho thuần thục để ứng dụng nó mà thôi.

Một chiếc xe điện cảm ứng ngày nay rất là cao, đăng ký đôi khi ba, bốn năm mới có thể mua được, đó là nói ở bên Mỹ đó, còn ở Việt Nam chắc khó, tốn tiền nhiều lắm. Đức Phật không lấy ta một đồng xu nào, hiến tặng cho chúng ta một phần mềm để đặt vào sáu căn – sáu cửa của sáu giác quan – sáu chiếc xe chuyển tải mọi thông tin tới trong cuộc đời của chúng ta. Và không cần phải làm gì! Bạn chỉ cần Chánh Niệm hơi thở, nương vào trí tuệ để quán chiếu vạn pháp vô thường thì sự cảm ứng đó sẽ đưa tâm thức của các bạn trở về miền đất an lạc nơi chính tâm của mình vốn có.

Không tốn tiền, không tốn sức, không phải vận công, không phải hao thời gian. Ôi cha, phải nghe cho nó nhiều ngôn từ này, ngôn từ kia! Chẳng phải trải qua những nghi thức cúng tế, lễ lạy hoặc là những đạo tràng lớn mà chỉ cần trở về với bổn tâm chân thật để thắp sáng trí tuệ và sẵn sàng đón nhận phần mềm cảm ứng của Chánh Niệm hơi thở, sáu cửa giác quan sẽ trở thành tám nơi, tám nơi chứ không phải là sáu nữa. Tại sao gọi là tám? Sáu giác quan để chúng ta quán chiếu tám nơi gió xuất phát từ đâu đi vào và đều nhận từ một điểm duy nhất đó là vô thường sanh diệt, chẳng bền, chẳng vững.

Các bạn! Chúng ta học Phật pháp, nếu chúng ta cứ lằng quằng như con lăng quăng màu mè trong sắc tướng ảo diệu của ngôn ngữ thì chúng ta không khác gì những diễn viên thuộc bài, thuộc thoại đó, cho nên nhập vai đóng tuồng.

Cuộc đời thật ngắn, vô thường sanh diệt tới lui, mới đó hôm nay đã chẳng còn!

Ta nhìn thấy mà, trong thời đại dịch này, sự vô thường càng thật rõ! Vậy thì còn đâu thời gian để đào bới trong những từ vựng, ngữ vựng chuyên môn? Trong những nghi thức gọi là độc quyền cao siêu của các bậc này đấng kia, có sự hướng dẫn của tổ này tổ kia nữa, để tôn vinh bậc tổ này tôn vinh bậc tổ kia mà quên đi Đức Phật mới là bậc thầy?

Và Đức Phật là bậc thầy dạy cho chúng ta những cách thực hiện thật đơn giản! Chỉ cần trở về đơn giản thôi, là Chánh Niệm hơi thở!

Đừng đưa lên những màu sắc quá huyền bí cao siêu trong những phong tục tập quán, cách nhìn của từng bộ tộc, của từng dân tộc, của từng xã hội, của từng lịch sử, không gian, thời gian, kiến thức con người hạn hẹp, ghép, lắp vào để tô điểm cho nhìn không thấy. Mà hãy trở về lời dạy của Đức Phật là chuyên chú trong Chánh Niệm hơi thở, ứng dụng mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Các bạn hỏi NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là gì? Là trí tuệ quán chiếu vô thường, khổ, vô ngã. Đơn giản!

Nếu bạn thắp sáng trí tuệ vốn có trong bản tánh, tánh Phật nơi đây bằng năng lượng của từ bi Mu A Mu Sa, bạn sẽ có cơ hội thể nhập vào để nhìn thấu vạn pháp vô thường. Từ đó mà tám luồng gió chướng trong cuộc đời khi lùa qua sáu cửa của các giác quan, ta vẫn tịch tĩnh an vui, bởi ta luôn Chánh Niệm tỉnh thức trong từng giây phút và trí tuệ luôn sáng để nhìn thấu vạn pháp sanh diệt. Để Được và Mất chẳng tạo cho bạn khổ, để Khen và Chê không làm cho bạn khổ, để Tốt và Xấu không tạo ra nghiệp và để Sung Sướng hay Đau Đớn kia chẳng làm cho bạn quay cuồng, té ngã. Bạn sẽ vững chãi như núi xanh, thong dong như mây trời, tịch tĩnh.

Các bạn! Sóng gió ở ngoài đời trong thời kì này, cả thế giới đang chao đảo với sự vận hành của đại dịch không ngừng nghỉ. Nay còn mai mất, biết bao nhiêu người yêu thương còn đó rồi mất đó. Đó là nói về người ta thương, ta yêu, ta mến mộ đó rồi mất đi. Chứ còn nếu nhìn kỹ ta này, có bảo chứng gì, có bảo đảm gì để nói rằng ta sẽ tồn tại đâu mà đứng đó để nhìn người thân, người mến mộ ra đi, khóc, rồi than, rồi thở, rồi chê, rồi bai, rồi nhảy tít thật là đậm trên những trang mạng rầm rộ làm chi?

Hãy nhìn qua cửa của sáu giác quan cảm xúc của chúng ta, để giữa được – mất của một đời người, giữa sống và chết, tại sao chúng ta để cho sống – chết dìm chúng ta xuống bồng bềnh trong dòng nước đục của khổ đau? Để rồi thương một người, mến mộ một người, kính trọng một người, người đó mất đi, ta khổ vô cùng. Như ông A-Nan, khi thương mến Đức Phật mà gần Phật chẳng chịu học, gì cũng nhớ, gì cũng thông, nhưng chẳng thực tập. Khi Phật chết chỉ biết khóc mà thôi!

Chúng ta – người con Phật, nếu có mến mộ Đức Phật, kính trọng Đức Phật thì chúng ta phải học những gì Đức Phật dạy. Nếu chúng ta mến mộ một con người, thương yêu một con người thì ta phải gạn lọc cái hay, cái tốt của người đó để chúng ta học mà tránh hoặc học để vươn lên. Không vì một người đã ra đi như Đức Phật viên tịch mà ông A-Nan khóc.

Ông A-Nan chỉ khóc thôi, nhưng sau đó mang hết tâm huyết thực tập lời của Phật. Một người bạn, một người thân, một người quen biết, một người mến mộ mất đi, ta không tịch tĩnh được tâm, ta không những khóc mà ta còn để cho miệng này tuôn ra hằng hà sa những ngôn ngữ bất thiện chê bai hoặc là thêm hoặc là bớt.

Nhớ rằng, bốn tội về nghiệp trong thập thiện nếu giữ được tạo phước, không giữ được thì tạo nghiệp vô số, đó là nói dối, nói thô ác, nói hai lưỡi, nói thêu dệt. Liệu rằng trong những sự việc của cuộc đời đang xảy ra, mỗi người chúng ta đưa một ý kiến đó có phải là lời nói dối của chúng ta hay không? Bởi ta có biết chính xác hay không? Liệu rằng đó có phải là lời nói hai lưỡi, nói thêm, nói bớt, nói thô ác, nói thêu dệt hay không? Cẩn cẩn một mực, nhìn cho thật rõ, giữ tâm thanh tịnh, tịnh khẩu các bạn ơi!

Tĩnh lặng, im lặng như Chánh Pháp, im lặng trong Chánh Pháp, im lặng trong hơi thở Chánh Niệm từ bi và trí tuệ vẫn hay hơn là ồn ào quá đáng, nói lời ta chẳng nghĩ để tạo ra nghiệp.

Các bạn nhớ, sáu căn của chúng ta là sáu khung cửa không có cánh. Chẳng cần phải thuê lính gác trả công sức quá nhiều để bảo vệ! Tốn tiền, hao sức, mệt lắm! Chỉ cần Chánh Niệm hơi thở!

Nó đã không có cửa thì đóng để làm chi?! Sáu giác quan là sự tự nhiên vận hành còn tám luồng gió chướng có tới lui là quyền của nó! Chỉ cần nhận định rằng chúng dù tới từ nơi nào cũng chỉ là vô thường sanh diệt, cửa kia có mở, tới rồi phải đi, tốn công chi để mà chèn ngang che chắn? Chỉ cần an tịnh trong Chánh Niệm hơi thở, dùng trí tuệ nhìn rõ vạn pháp vô thường, an nhiên và tự tại mỉm cười với mọi hiện tượng tới lui trong cuộc đời và gắn kết với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương để cuộc đời của chúng ta như biển hồ từ bi lênh láng để mọi chúng sanh đang dơ bẩn có thể nhảy vào biển hồ từ bi ấy, nơi có Đức Mẹ hiền Quán Thế Âm chứng minh, gội rửa cho họ sạch mọi phiền lụy và đau đớn trong cuộc đời!

Nguyện cho tất cả mọi người nghe và thấy, hiểu và được biết rằng vạn pháp vô thường sanh diệt, quán chiếu bằng trí tuệ qua thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở sẽ làm cho sáu giác quan thong dong và tự tại, tâm an nhiên và tịch tĩnh, và tám luồng gió chướng tới lui chẳng hề vướng mắc bởi vạn pháp vô thường sanh diệt.

Chúng ta hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi!

Thưa Phật! Tám luồng gió chướng thường xuyên thổi vào sáu cửa giác quan. Chúng con đã không cần phải che chắn, bảo vệ nó nữa. Chỉ cần Chánh Niệm trong hơi thở để luồng gió tự tại của thiên nhiên thổi nhẹ qua cửa của tấm phổi thân người phương tiện vi diệu này, thắp sáng trí tuệ, nhẹ nhàng thở vào thở ra trong Chánh Niệm, quán chiếu vạn pháp vô thường sanh diệt thì muôn sự khổ sẽ được chuyển hóa thành hạnh phúc và an vui.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở rất từ từ, ta hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Nếu như có được chút phước báu nào trong sự đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Cho quê hương Việt Nam và thế giới thoát khỏi đại dịch, cho chư vị hương linh vì đại dịch mà ra đi được siêu thoát.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts