Search

Bài 2125. Thời Đã Đến | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Ý đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Giờ đã tới để chúng ta đồng tu, mời các bạn thanh tịnh thân tâm của mình và quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Thưa Phật! Chúng con đồng tu với nhau mỗi ngày để thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, thiền từ bi và trí tuệ, đón nhận năng lượng tình thương của Chư Phật ban rải xuống cho chúng con, và thắp sáng đuốc tuệ để chúng con quán chiếu nhận rõ các pháp đều là Vô Thường sanh diệt, đều là Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Và chúng con luôn phát nguyện lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương.

Xin Chư Phật chứng minh, gia hộ cho chúng con!

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình bụng ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm của mình bằng trí tuệ – từ bi và đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Chúng ta đi thẳng vào chủ đề ngày hôm nay với ba chữ chủ đề tên Thời Đã Đến. Con người trong cuộc đời, bao nhiêu thử thách, bao nhiêu trái ngang lẫn lộn với niềm vui, hi vọng, thành công xen kẽ với muôn sự đau khổ phiền não, để rồi từ thuở nhỏ cho tới khi kết thúc một đời người, hình như ai trong chúng ta cũng mong chờ một cái thời nó tới, gọi là thời của mình. Cái thời đó tới để làm gì? Để mua một con số bằng tiền thật rẻ, có thể trúng được bạc triệu, bạc tỷ. Thời tới có thể là không làm gì đó, chỉ chơi vậy thôi, mà khi gặp thời, trở thành tỷ phú, triệu phú. Như Cuội đó, chỉ chờ thời ngồi dưới gốc cây sung, chờ nó rụng. Có kiểu như vậy!

Thời tới là có thể đợi như ở cái tuổi mà ta bắt đầu đi học, sắp sửa đi thi thì mong thời tới, thi cho đỗ, cho đậu, bằng cấp cho cao để có quyền lực, để có công ăn việc làm, làm giàu, có tiền, nhà cao cửa rộng, mơ ước đủ thứ xa hoa và vật chất. Thời có người đợi để thành danh, thành sự nghiệp hay thời tới để cho chúng ta bất chợt như một công tử, gặp được một mỹ nhân thật đẹp cưới về làm vợ, hay một người ở đời bình thường, nhìn qua khung cửa, mơ tới thời gặp một hoàng tử tới rước ta về cung đình của tình ái.

Cũng có những con người lang thang đây đó, cũng mơ gặp được thời để bất chợt có quyền danh, làm chức lớn, tiền cho thật nhiều. Và trong bất cứ một cảnh nào đó của cuộc đời, ai ai cũng mong chờ một cái thời đến, đến với ta để đổi đời!

Thời hiện tại đau khổ tràn lan thì ta lại đợi một cái gì đó, một thời đặc biệt tới để tất cả những sự ta không ưa qua đi. Thời, chờ thời, để rồi mỗi người tốn thật nhiều tiền tới thầy bói, thầy tướng, tử vi, tới các thầy đồng cốt, tới các vị phù thủy, rồi địa lý, xem trời xem đất, bới lông tìm vết để đoán mò, đoán mù, rồi sờ sẫm trong những điều mà họ cũng chẳng thấy, nói hươu nói cuội. Vậy mà ta cũng sướng, bởi trả tiền, được nói rõ thời vận mạng của đời khi thăng khi trầm, khi thịnh khi suy.

Chúng ta cứ như vậy và cứ chờ, chờ mãi, đợi mãi, đợi mãi thời đến với chúng ta. Nhưng nếu soi xét cho kỹ để tự hỏi rằng cái thời mà chúng ta mong đợi như những ước vọng của loài người đó, thực sự đã đến chưa? Bảo Thành khẳng định, nói theo góc độ tinh tế hơn, thì thời mà các bạn đợi đó, đã đến! Tuy nhiên chúng ta không biết!

Thời đã đến rồi các bạn ơi, nhưng các bạn không biết, tự lấy khăn quấn vào hai con mắt trí tuệ như người mù sờ sẫm trong vòng tối để đi tìm một con đường thoát ra, mà miệng cứ kêu “Thời đã tới chưa?”. Thời đã đến!

Có một câu chuyện thật sự xảy ra sau khi Đức Phật tịch diệt khoảng 220 năm, nghĩa là khoảng chừng 02 thế kỷ sau, khi Đức Phật viên tịch, tức là Ngài từ bỏ trần gian, nhập vào Niết Bàn. Chúng ta nghe qua để tư duy để thấy rằng  thời thực sự đã đến với mỗi một con người, nhưng cơ trời, cái huyền cơ đó, ta không nhận ra, cho nên ta vẫn khổ. Nếu ai lắng tâm xuống thanh tịnh, nếu ai nhìn cho kỹ và bình tĩnh, quán chiếu, soi xét cho kỹ, nhất định sẽ nhận ra thời của ta đã đến!

Đó là kể về chuyện thời xưa, chuyện của ông vua Asoka, tiếng Việt gọi là ông vua A Dục. Vào thế kỷ thứ 02 sau Đức Phật, trước Công Nguyên, hồi ông ta chưa làm vua, chỉ là một thái tử nhưng là thái tử thứ, không phải là thái tử trưởng, ông ta dũng mãnh nhưng có cái tâm ác độc, ác dữ lắm – vua Asoka (vua A Dục). Đến khi vua cha vừa mất, ông ta ở một cái thành gần đó, liền kéo quân về giết hết dòng tộc của mình. Các bạn thấy không? Giết hết dòng tộc của mình khi vua cha vừa chết! Thay vì thái tử trưởng, người con trưởng sẽ lên làm vua, nhưng ông ta kéo về chiếm ngôi đoạt vị, giết hết dòng tộc, chỉ chừa lại một đứa em cùng mẹ, tức là anh em ruột của mình lại mà thôi.

Đăng ngôi làm vua, ông ta ác dữ lắm! Ông ta xây dựng những nơi khổ như cái cảnh vẽ của địa ngục để những ai ông ta không thích hoặc phạm tội theo quan niệm riêng tư của ông ta, ông ta liền phân tội giết và trừng phạt theo những cảnh ngục trong địa ngục đau khổ tột cùng. Ông ta dũng mãnh, ác nhưng lại mạnh, nhiều mưu chước, đưa quân đi đánh chiếm biết bao nhiêu xứ sở xung quanh, mở mang bờ cõi rộng lớn, mà thời đó, theo lịch sử ghi lại, ông ta chiếm tới cả Ba Tư, cả Iran, Iraq, Afghanistan, Pakistan, các nước gần đó, mở lên một bờ cõi rộng lớn hơn Ấn Độ ngày nay.

Và trong một cuộc chinh phạt với một vùng dân chúng Kalinga – vùng này dân chúng tuyệt đối không đầu hàng, dùng toàn bộ quân lực sức mạnh, ông ta giết chết toàn bộ những con người chống đối. Hàng trăm ngàn thân mạng phải nằm xuống, máu chảy thành sông, người chết chồng chất thành núi, cao ngất tới trời. Ông ta nhìn giữa đống núi thây ma máu chảy thành sông đó sau một cuộc đại chiến thắng, thì trong lòng cảm thấy buồn, nặng trĩu, trũng xuống, bởi biết bao nhiêu cuộc chiến đã xảy ra, nhưng đây là cuộc chiến chiến thắng vĩ đại, nhưng hàng trăm hàng ngàn con người, thân xác, xương cốt phơi đầy đường, mùi hôi tanh của xác chết xông lên ngập trời. Ông ta buồn lắm! Ông ta buồn và hối hận. Nhớ, lúc đó ông vua A Dục (ông vua Asoka) theo đạo Bà La Môn. Buồn vô cùng!

Trong một cơn buồn dài như vậy, sầu như vậy, đau đớn cho người chết. Mà chỉ có lúc đó ông mới cảm nhận được mà thôi! Bởi biết bao nhiêu cuộc chinh chiến trừng phạt, Đông Tây Nam Bắc, giết người không gớm tay. Giết cả dòng tộc để lên ngôi mà, thì có gì là gớm tay đâu?! Vậy mà lần đó, lòng của ông ta buồn khi thấy muôn người đổ máu, chết dưới lưỡi gươm và sức mạnh của chính mình. Thì bất chợt ông ta gặp một thầy, một vị Tăng sĩ Phật giáo và hỏi rằng: “Có phương pháp nào để làm cho cõi lòng của vị vua hết đau khổ hay không?”. Và vị thầy đó, vị Tỳ Kheo đó đã dạy cho ông ta một pháp môn tình thương cao tột, hòa giải và chữa lành mọi vết thương lòng sau muôn trùng sự gian ác của tự thân đã tạo ra. Đó là pháp đại từ đại bi, pháp tình yêu thương và trí tuệ của Đức Phật!

Ông ta nghe qua sự giảng dạy của vị Tỳ Kheo đó, lòng hoan hỷ vô cùng, bởi nghe từng chữ từng câu trong Chánh Niệm từ bi, trong trí tuệ của vị thầy, muôn sự đau khổ, muôn điều ác trược của cuộc đời chính ông ta tạo ra hiển hiện và được gội rửa bằng lòng sám hối, ông ta đã trở thành Phật tử thuần hành, và là một vị vua tàn ác nay trở thành Phật tử. Sau đó, ông ta đã kết tập Kinh lần thứ 03 sau Đức Phật và dùng toàn bộ những cái gì có được, quyền uy của một vị vua để phát triển Phật giáo thời đó, xây dựng đến 84 vạn các tháp thờ Xá Lợi Phật, hỗ trợ cho Tăng đoàn phát triển, kết tập Kinh tạng Pali và các ngôn ngữ khác bằng chữ viết để truyền lưu lại cho hậu thế. Đưa ra một chính sách trị vì dân theo đúng như lời Đức Phật dạy và ngày nay, khi đọc Kinh hoặc khi nghe giảng, chúng ta thường được các bậc tôn túc hoặc trong Kinh nhắc nhở về một vị vua lỗi lạc thời đó, vua A Dục (vua Asoka) đã xiển dương Phật giáo phát triển một cách tột bậc thời đấy cho đến ngày nay còn lưu truyền.

Nếu ai đã từng đi qua Ấn Độ nơi Đức Phật đản sanh, nhất định vẫn thấy một cái cột dựng đứng ở ngay chỗ đó còn tồn tại. Chính do bàn tay của vua Asoka (vua A Dục) tạo dựng, trải qua trên 2000 năm vẫn tồn tại như một minh chứng về sự sùng đạo của một Phật tử là vua sau một thời kỳ đại ác đại gian, đã thuần hóa chân tâm khi nghe được lời giảng của một vị Tỳ Kheo để thành Phật tử, rồi xiển dương pháp Phật nhiệm mầu.

Thời đã đến với ông vua A Dục, để từ một kẻ đại ác đại gian, xây địa ngục trần gian để giết người, đã trở thành Phật tử, đã trở thành người xiển dương Phật pháp, đã trở thành trái tim mà đã hàn gắn bởi tình thương từ bi – trí tuệ pháp Phật, để trên đảnh đầu nở hoa, hoa trí tuệ mà tan tỏa pháp Phật nhiệm mầu mãi mãi đến ngàn đời sau. Mỗi người chúng ta đều có một sự rung động trong cảm xúc của cuộc đời, khi thấy một người chết đi lòng rung cảm, khi thấy một kẻ ăn xin lòng rung động, khi thấy những hoàn cảnh xảy ra trong cuộc đời, dù là thành công về vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị hay thất bại về những phương diện gì đó thì cũng có những cái tâm cảm, có những cung bậc rung động. Trong những cung bậc thăng trầm, rung động, thịnh suy, được mất vẫn luôn luôn là những cái thông điệp gửi tới như báo cho chúng ta biết rằng thời đã đến để chúng ta nhìn qua sự biến đổi vô thường của cuộc đời mà nhận ra chân giá trị của Phật pháp. Nhưng mấy ai trong chúng ta lại có một cái nhìn khi nghe lời giảng của một vị Tỳ Kheo đâu?

Các bạn nhớ, vua A Dục ác dữ lắm và tánh ác của ông ta còn sung mãn, nhưng chỉ một giây phút cảm thán cho sự chết chóc của những con người bởi bàn tay của mình, mà ông ta nghe được lời giảng của một vị Tỳ Kheo thôi, ông ta liền có cái tánh ngộ ra được chân lý của pháp tình thương hóa giải, hòa giải và chữa lành mọi vết thương, để trở thành một bậc minh vương, minh vương mang pháp Phật vào cuộc đời. Còn chúng ta, biết bao nhiêu những cuộc cảm thán xảy ra trong cuộc đời, ta lại không nhận ra thời đã đến!

Bao nhiêu lần trong những lúc đau buồn về thất tình, về mất tiền, về mất quyền lợi, danh vọng, địa vị hoặc về những sự đau khổ như bệnh, như đại dịch. Biết bao nhiêu lần chúng ta buồn, chúng ta khổ, chúng ta chạm vào cái cảm xúc sầu đau đó, và nhất định chúng ta hơn ông A Dục ở chỗ là ông ta chỉ gặp được các bậc tôn túc nghe giảng có một lần, còn chúng ta đau khổ nhiều lắm, như người thân mất, như khổ về cái này, khổ về cái kia, khổ về đường tình, đường con cái, đường vợ, đường chồng, đường cha mẹ, đường xã hội, đường công danh, sự nghiệp, khổ vì muốn giàu mà chưa tới. Ôi nhiều thứ khổ, ta đều đi tới chùa, ta đều đi tới tịnh xá, ta đều gặp các bậc tôn túc và ta đều đã thường nghe thật nhiều Kinh, thuyết pháp, hướng dẫn về đạo tình thương, chân lý, hòa giải và chữa lành mọi vết thương bằng pháp Phật nhiệm mầu. Nhưng chúng ta, trái tim đã chai lì, não của ta đã nhũn rồi, không còn khả năng nhận ra được cái thời để tiếp cận chân lý giác ngộ của Phật. Cho nên thời tiếp nối theo thời đã đến, nhưng rồi qua đi, rơi vào quên lãng và ta cứ tiếp nối như vậy, tới chùa gặp thầy nghe Kinh, nghe giảng, thực tập khóa tu, thiền tập, ôi cha là đầy hết cả sổ, cả sách, cả ngày, cả tháng, vậy mà không nhận ra thời phải thể nhập vào Chánh Pháp để hòa giải với oan gia trái chủ muôn đời đã tạo, để gội rửa những nghiệp chướng ta đã gây ra, để hàn gắn mọi vết thương lòng của cuộc đời, để có thể hiểu rõ sự khai thị của Phật mà trở lên một phần như ông vua A Dục, ông vua Asoka, bỏ ác hành thiện, hoằng dương pháp bảo, làm minh chứng cho sự yêu thương, lòng từ bi – trí tuệ của Phật hiện hữu trong chính cuộc đời của chúng ta bằng pháp hành. Mà chúng ta không bằng pháp hành để thực hiện mà chỉ hành xác của mình lê lết trên những vết sầu thương đau khổ ai oán để cứ chờ thời khi thời đã đến với chúng ta!

Các bạn, chúng ta lắng đọng tâm hồn một giây, một phút để suy nghĩ! Chẳng phải người hiền mới gặp được pháp, chẳng phải người cực ác chẳng thể tiếp cận được Phật, Đức Phật không có cái tâm phân biệt ác thiện đối với chúng sanh, để kẻ thiện, kẻ lành, kẻ tốt, kẻ hiền lương mới mang pháp tới để khai thị, còn kẻ cực ác hoặc ác vừa vừa thì đẩy lùi. Không có!

Như mưa từ trời tuôn xuống mọi nơi, ánh sáng giác ngộ và năng lượng từ bi của Phật ban rải đồng đều tới muôn loài chúng sanh. Khi tiếp cận với vị Tỳ Kheo đó, chỉ một lần nghe pháp hòa giải, pháp tình thương, pháp trí tuệ mà đường đường là một vị vua cực ác đó, đã biết quỳ xuống thọ giới để trở thành một Phật tử. Chỉ một thời pháp nhẹ, ông ta từ một kẻ cực ác nhưng Phật dạy bỏ điều ác, ông ta buông ngay vì nhận ra, làm điều thiện, ông ta xây dựng tháp, tạo điều kiện cho Tăng đoàn, xây dựng chùa chiền, họp mặt, kết tập Kinh điển và bắt đầu hoằng truyền giáo pháp rộng lớn khắp Ấn Độ thời đó. Còn chúng ta, chúng ta may mắn hơn ông vua A Dục nhiều lắm, vua Asoka nhiều lắm, ta chưa cực ác như ông vua ấy đã là may mắn, phước báu rồi, ta chưa giết cha, giết mẹ, giết anh chị em, huynh đệ để tiếm quyền cướp ngôi, cướp nhà, cướp cửa, ta vẫn đường đường chánh chánh tốt đẹp, đó là có phước rồi. Ta chưa bách hại Tăng đoàn, giết người, tạo địa ngục trần gian, là có phước rồi, còn phước hơn là ta đã nghe đi nghe lại thật nhiều những lời Phật dạy qua các bậc tôn túc trên video trực tiếp qua Kinh điển hoặc qua những nhân duyên tiếp xúc với những bậc thiện tri thức hiện thân trong cuộc đời, qua những con người rất bình thường mà ta tiếp cận được ở đời hay trên mạng. Phước báu như thế, vậy mà ta không nhận ra thời đã đến, thời mà ánh minh tuệ đã chiếu vào cuộc đời, thời mà pháp Phật nhiệm mầu đã đến với chúng ta!

Đau, khổ, chết chóc, những chuyện nằm ngoài tầm tay, muốn nắm cho thật chặt, cho thật vững, tới chùa thờ lạy, cúng kiếng, thắp hương, sám hối, đọc Kinh, nghe giảng, theo Thầy, theo Sư Cô đủ hết, nhưng chẳng có một lần được đánh động sâu, bởi cái tâm của chúng ta bị thủng đáy rồi, nó là cái tâm tham vô đáy, lời Phật đi vào như nước đổ lá môn trôi mất. Chính vì cái tâm phân biệt, chính vì cái tâm mà chúng ta chưa chân thành đón nhận nên con mắt của chúng ta chỉ như cái màn hình thôi, nó chụp được hình, nó quay được bóng nhưng nó không thể thẩm nhập vào ở trong tâm!

Dưới con mắt đại ác của ông vua A Dục vẫn còn có trái tim biết rung động trước sự chết của những người ông ta tàn hại. Để rồi từ đó, sự rung động đó đã làm cho tâm của ông ta trở thành một miền đất trù phú sẵn sàng ươm mầm thiện lành để đến với Phật. Chỉ vậy là đã đủ, thời đã đến! Chúng ta quá hời hợt, cạn cợt trên bề mặt, chất đống cho thật nhiều để vỗ ngực xưng tên, khoe rằng ta biết Phật, ta hiểu Phật, ta thấu Phật. Rồi lúc nào cũng rất thuận tiện để chỉ tay, vạch những thứ ác, thứ gian, thứ sai, thậm chí gặp đâu cũng chỉ, gặp Tăng đoàn thì chỉ rằng: “À các Thầy này, các Cô này đúng! Không, trời ơi không đúng! Rồi ác, rồi gian, rồi tham”. Đến chùa nào cũng chỉ trỏ, nói chùa này không đúng pháp, không đúng Phật, gặp ai thì cũng tìm thấy những cái gọi là bới lông để tìm vết, không bao giờ nhìn thấy cái đẹp, rồi cứ vỗ ngực xưng tên ta là kẻ thiện lành, nhìn thấy cái sai của thiên hạ, sai từ chùa, từ các bậc tôn túc, từ các tôn giáo, từ các tông môn, tông phái, từ muôn người, chỉ có ta là đúng thôi. Vỗ ngực ầm ầm xưng tên, nhưng ông A Dục là kẻ cực ác, giết cả gia đình chiếm ngôi, giết muôn người để chiếm đất nhưng ít nhất trong trái tim gian ác, ngục tù, đen tối của ông ta, vẫn còn sự thổn thức trung thực khi nhìn thấy sự chết của muôn người, sự thổn thức, tiếng nói lương tâm đó đã đánh động và lời Phật chỉ cần một lần tiếp cận, ông ta đã nhận ra chân giá trị của cuộc đời không còn là một vị tàn ác, bạo chúa, nên sẵn sàng quỳ xuống đón nhận ánh sáng từ bi – trí tuệ của Phật, để từ đó hy sinh cả cuộc đời còn lại để xây dựng nền tảng vững chãi cho Phật giáo thời đó.

Thời đã đến thực sự với ông ta, chẳng phải liên tục như chúng ta mà chỉ một lúc. Còn thời đã đến liên tục trong chúng ta nhưng bởi chúng ta chưa bao giờ quán cái vô ngã. Các bạn nhớ, từ một ông vua cực ác trở thành một Phật tử thuần hành chính là ông ta đã thấu được tinh thần vô ngã, vô thường. Vô thường sanh diệt còn đó mất đó, vô ngã nay là vua, ngã tướng ta là đỉnh đỉnh, là con trời, là vua trời nhưng rồi cũng chẳng có bởi cái gọi là vua đó chẳng tồn tại, chẳng có, chẳng bền, chẳng vững đâu. Vô ngã! Chỉ trong giây phút nghe giảng, ông ta hiểu được tinh thần vô thường, vô ngã nên tạo ra cái khổ mà ông ta cảm thấy ở trong lòng khi nhìn thấy sự chết. Còn chúng ta nhìn thấy chết đầy đường, chết vì thất tình, chết vì mất tiền, chết vì mất nhà, mất của, mất quyền, mất lực, chết vì thất bại, thành bại trong cuộc đời, chết nhiều lắm nhưng chúng ta không bao giờ được đánh thức nhận ra cái thời đã đến để tiếp cận với Phật pháp, vì sao? Vì chúng ta vẫn vỗ ngực ình ình như cái trống trống trơn à, kêu cho thật to: “Ta là cái này, ta là cái kia”!

Nhất định các bạn vẫn còn nghe thấy trong tâm của các bạn nói lên: “Ta như vầy, ta như kia”, cái ta, cái tôi quá lớn và nhất định các bạn và Bảo Thành vẫn chứng kiến thật nhiều người tại gia là Phật tử hay xuất gia là Tăng Ni vẫn thường tôn vinh bản ngã của mình, để luôn chỉ tay chê bai các tông phái khác, các nền Phật giáo khác, thậm chí còn chê bai cả ông cha, ông bà, tổ tiên của mình đã học đạo sai, đã theo Phật sai, đã không đúng. Có, là bởi vì sao? Bởi cái ngã quá lớn, cho nên cứ xưng mình là bậc thánh hiền, là bậc hiền lương mà đôi mắt mù, não bộ đã bị tê liệt không còn cảm xúc, trí tuệ đã bị vùi sâu xuống dưới cái núi tôi thật to, thật lớn, thật nặng, chẳng thể một lần thể nhập vào để nhận ra thời đã đến.

Các bạn, thời mà pháp Phật đã đến với chúng ta, đã đến rồi! Các bạn nhớ, nếu các bạn đón nhận pháp của Phật đã đến với các bạn, tức là khởi điểm của một thời huy hoàng cho bạn, để thành tựu tất cả những điều mơ ước trong cuộc đời đúng vừa với tầm tay của bạn. Vì khi các bạn đón nhận đúng thời Phật pháp hiển ngự trong cuộc sống, bạn sẽ như ông vua A Dục, bỏ ác hành thiện, tâm được thanh tịnh. Đúng như Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy là hãy bỏ điều ác, hãy làm điều thiện để tâm thanh tịnh, và trong khi tâm bối rối, đau khổ tột cùng, ông ta được khai thị, vua Asoka (vua A Dục) đã bỏ ác ngay tại chỗ để hành thiện và thế là tâm thanh tịnh và thành tựu. Và cái thời trị vì của ông ta vẫn còn thơm lừng theo chiều thời gian tới tận hôm nay. Ngược chiều gió mà vẫn thơm bởi là hương đức hạnh bỏ ác hành thiện! Chúng ta, nếu nhận ra thời pháp đã tới với chúng ta trong ngày hôm nay, ngày hôm qua hoặc ngày mai mà nhận diện thật rõ trong cả ba thời khi đón nhận, thì thời đã đến để chúng ta bỏ ác hành thiện, thể nhập vào Chánh Niệm thiền từ bi và thiền trí tuệ. Khi các bạn bỏ ác hành thiện bằng thiền từ bi và thiền trí tuệ, các bạn sẽ tích lũy được thật nhiều phước báu, thật nhiều công đức.

Ông bà nói: “Có đức mặc sức mà ăn, còn không có đức, cày hoài sỏi đá cũng trồi lên mà thôi”. Ta tu thiện là tạo được phước, tạo được đức và cái phước đức đó là quả của thiện pháp. Tất cả nhân quả thật công bằng! Ta không phải sợ luật nhân quả bởi nó rất công bằng! Người ta cứ nói: “Chúng ta phải hiểu được nhân quả để sợ nhân quả”, nhưng đối với Bảo Thành, ta không cần phải sợ nhân quả, ta chỉ cần hiểu rõ nhân quả thiện ác công bằng, phân minh, không có gì phải sợ. Bởi định luật nhân quả thật công bằng, làm thiện thì được phước, làm ác thì tạo ra họa, rất công bằng!

Cho nên hiểu được nhân quả để không còn sợ nhân quả, mà thấu rõ để buông ác như ông vua A Dục (vua Asoka), để hành thiện tạo được phước trị vì thiên hạ, và chúng ta để trị vì cái tâm ác độc của mình và để trị vì những nghiệp ác ta đã tạo ra, chuyển hóa chúng thành tốt, thì ta chỉ cần thẩm nhập vào cái thiền trí tuệ và thiền từ bi trong Chánh Niệm hơi thở, buông cái ác đã tạo, hành điều thiện, phước báu tràn đầy, muôn sự ở đời theo phước đó mà tới với chúng ta, muôn sự ở đời theo phước báu đó mà tìm tới với chúng ta, chúng ta không cần phải tìm. Điều này là điều thực chứng, chỉ có những ai hành đạo thật rõ mới chứng ngộ được cái chân lý cao siêu nhiệm mầu này! Còn nếu như chúng ta hành ác, không buông ác thì các bạn có tìm tới những thời đẹp, những cung giờ đẹp, những tuổi đẹp, những hướng đẹp, ngày tháng đẹp, có thành công đâu? Biết bao nhiêu người đã coi thầy địa lý tìm hướng đẹp nhưng chẳng buông ác, thì cái hướng đó gió độc cũng thổi vào lăn đùng ra chết thôi. Đã bao nhiêu người đã đi chấm tử vi để đợi đúng cái năm tháng, cung giờ, ngày để khởi hành, để xuất động, để khai môn, để động thổ, để khai trương, để cưới, để hỏi, để sanh con, để làm việc, thế mà có thành công đâu?

Thời nói thật rõ theo tử vi, tướng số, theo địa lý, ôi đủ hết, hằm bà lằng hết. Vậy mà không thành công, chính là bởi vì chúng ta chưa buông ác mà thôi! Ông A Dục chẳng coi ngày, tháng, giờ, năm sinh mà chỉ một lúc cảm thán cho sự đau khổ chính mình tạo ra và nhận được sự khai thị pháp hóa giải, hòa giải, pháp tình thương, pháp trí tuệ, liền buông những điều ác đã tạo. Tay của ông ta tràn đầy máu ác, sát sanh, hại người, chiếm đất, tiếm quyền, giết cha, giết mẹ, giết mọi người huynh đệ. Vậy mà buông một cái, ông ta thành một Phật tử thuần hành có trí tuệ! Chúng ta đâu bằng ông ta, chúng ta hơi hơi ác à, chúng ta hơi hơi dữ à, nhưng nếu chúng ta biết buông điều xấu, điều bất thiện ta đã tạo ra, để thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở khi nghe được pháp của Phật truyền dạy cho chúng ta qua video, qua YouTube, qua Facebook, qua gián tiếp trên mạng, trực tiếp ở trên kênh hoặc qua các bậc tôn túc thì nhất định chúng ta sẽ buông được điều ác, quay trở về với pháp hòa giải, để thể nhập vào trí tuệ và từ bi, tích được phước bởi buông ác hành thiện.

Có đức mặc sức mà ăn, các bạn thấy không? Có phước, điều gì mà không tới? Ngồi đó thôi, chỉ cần tạo phước, tạo phước và tạo phước thì các bạn đã có phước đức rồi. Muôn sự lành ở đời sẽ tự tìm tới bạn và nói rằng: “Tôi đã tới!”. Bạn chỉ đón nhận mà thôi! Còn nếu bạn không buông bỏ được điều ác để hành thiện thì dù có đi tìm cái thời đã tới, chẳng bao giờ tới!

Bạn có tốn tiền chưa, khi đi thầy địa lý coi? Bạn đã tốn tiền chưa, khi đi coi bói, tử vi, tướng số? Bạn đã tốn tiền chưa, khi đi coi ngày giờ để động thổ, khai trương, cưới hỏi, sanh con, làm việc? Vậy mà coi rồi phán y như Thánh vậy! Thánh phán, Trời phán, Thần phán nghe hay lắm, tốn tiền! Khai trương chưa được 21 ngày tán gia bại sản. Động thổ chưa xong đã thành mồ chôn thân. Cưới hỏi chưa tàn đã thành đám ma. Tiệc tùng đang vui biến thành chiến trường. Cuộc đời đang an biến thành đau khổ. Chính là bởi vì ta không nhận ra cái thời Phật pháp đã tới để buông ác hành thiện, làm ác mà cứ muốn phước tới, thật là điều ngang trái, không rõ được nhân quả thiện ác, chẳng thấu được vô thường, vô ngã, nên đau khổ tràn ngập tới với chúng ta!

Hãy trở về với một phút tĩnh lặng của cuộc đời, khiêm tốn và thành kính nhìn rõ để thấu được rằng ta vẫn còn có cái tôi quá lớn, che lấp mắt trí tuệ, chẳng thấu cõi vô thường, muôn điều ác tạo chẳng thể buông bỏ, nên thời dù đã tới, cũng chẳng thể chạm vào tầm tay. Chỉ cần các bạn bỏ ác hành thiện, thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, muôn đời trùng trùng vô lượng kiếp đã tạo ác như vua A Dục thì chỉ một giây phút hồi đầu trở lại, buông ác hành thiện, cũng sẽ trở thành một sứ giả của Phật pháp hiển lộ trong cuộc đời nơi cõi Ta Bà tràn ngập khổ đau của đại dịch lan tràn, để mang thông điệp yêu thương, gõ cửa từng người, tạo phước đức để thay đổi cuộc đời thế giới hiện tại!

Thời bỏ ác và hành thiện đã tới với mỗi người, thời mà nhận ra vô thường, vô ngã, thời mà nhận ra khổ đau, thời để nhìn thấy Niết Bàn hiển lộ trong cuộc trần, đây, ngay chỗ này! Hãy khiêm tốn và với tâm thành kính đón nhận, thời Phật pháp đã tới với chúng ta, thời ánh minh tuệ đã được chiếu sáng, thời năng lượng từ bi đã tràn ngập. Hãy bỏ ác hành thiện, Chánh Niệm từ bi và trí tuệ, phước đức góp lại từng chút, cộng hưởng cái phước báu đó, chúng ta cùng đẩy lùi đại dịch, để thế giới được hòa bình và bình an, nhân loại được an lạc và hạnh phúc, cha mẹ, đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, gia đình, xã hội, cộng đồng luôn hướng tới một ngày mai đẹp đẽ, tươi sáng!

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Ngày xưa kia, vua Asoka (vua A Dục) – một vị bạo chúa tàn ác, nhưng một lần nhìn thấy sự chết của cuộc đời khi ông ta tàn sát, nghe được một sự khai thị của một bậc Tỳ Kheo, pháp hòa giải trí tuệ – từ bi đã thẩm nhập, nên ông ta đã bỏ ác hành thiện. Chúng con nay đã thấu rõ thời ánh minh tuệ, sự giác ngộ của Phật đã tới với chúng con, xin gia trì cho chúng con có sự kiên cường, dũng mãnh, thành tâm, khiêm tốn, thành kính đón nhận để có thể tích lũy được phước báu trong sự tu tập trí tuệ và từ bi, cộng thiện nghiệp cùng với nhau để đẩy lùi đại dịch và khổ đau cho chính mình, gia đình và xã hội.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu có được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam cùng toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts