Search

Bài 2117. Có Dám Bỏ Không | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Lạc đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì khai mở trí tuệ để chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu và nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Chúng ta luôn nhớ lời Đức Phật dạy, hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa yêu thương. Trở về với Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thiền trí tuệ và từ bi để tiếp năng lượng siêu thế từ mười phương Chư Phật vào thân tâm của chúng ta. Luôn luôn nghĩ về các đấng sinh thành, gia đình, xã hội, cộng đồng, thế giới ngày nay đang bị dịch, hồi hướng cho muôn người đầy đủ phước báu thanh tịnh thân tâm, hưởng sự thái bình, an lạc.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Chúng ta lại trở về với sự đồng tu trong mỗi một ngày. Mỗi một ngày trôi qua trong cuộc sống của chúng ta, dù cho các bạn và Bảo Thành có cố tình níu giữ, nắm bắt những điều mình ưa thích thì chúng cũng lặng lẽ bãi biệt ta ra đi. Chúng không một chút tiếc thương, nuối tiếc mà cứ lẳng lặng ra đi dù chúng ta tìm đủ mọi cách kéo giữ, ôm ấp, cột chặt. Thời gian là dấu chỉ thể hiện thật rõ rằng sẽ buông bỏ chúng ta không phải một cách thầm lặng đâu. Bởi khi thời gian trôi qua, dấu tích của thời gian còn hiện hữu trên khoé mắt. Thời gian trôi qua, từ khoé mắt trẻ đẹp thuở xưa, nay có dấu chân chim nhăn và tàng ẩn những vết tích của những cuộc tan thương xảy ra trong cuộc đời. Nhìn lên vầng trán, ta thấy từng đường dài dọc từ bờ Đông qua bờ Tây, dấu thời gian vẫn đó, làn da dần trũng xuống và rồi đôi mắt mờ đi, đôi gối của chúng ta run rẩy trong cuộc đời và sức khoẻ cũng cứ như vậy theo thời gian lẩn trốn. Có hay không, dám hay không thì thời gian cũng cứ chạy và tự xa ta từng ngày từng tháng. Đây là một điều thật rõ bởi Đức Phật dạy vạn pháp vô thường, quán chiếu cho rõ thì ta nhận ra thực sự vô thường, không có gì tồn tại mãi và chẳng có gì dù dám hay không dám để buông thì nó cũng tự động buông bỏ ta mà đi, vậy với chủ đề “Có Dám Bỏ Không” thì bỏ gì?

Trên đời này, dù không bỏ, nó cũng bỏ ta mà ra đi thì có chi đâu Bảo Thành và các bạn cứ miệt mài ôm ấp, tỉ tê với tất cả những điều đã và sẽ bỏ ta mà đi. Sao chúng ta lại khờ dại đến mức không dám bỏ, không dám buông những điều đã từ bỏ ta, đã buông bỏ ta để đi mãi, không bao giờ trở lại. Nếu ở trên đời thật sự hiểu thấu được điều này, rằng những gì đã bỏ ta mà ra đi không bao giờ trở lại nhưng ngược lại, ta cứ ôm ấp, ta cứ giữ, nắm chặt trong tay thì đúng là chúng ta quá khờ khạo phải không các bạn? Vậy mà chúng ta vẫn cứ muốn trở thành người khờ khạo trong cuộc đời để ôm ấp, để dìu dắt, để chất chứa mộng mơ trong muôn điều đã bỏ ta mà đi.

Ngẫm lại cuộc đời thấy thật tức cười! Thấy rõ, biết rõ mà mấy ai có thể thực hành được và có gan dám bỏ những điều đã bỏ ta mà đi? Những điều còn ở với ta, bỏ đã khó rồi. Vậy mà những điều, những sự việc đã bỏ ta mà đi rồi thì bỏ càng khó hơn. Một chuỗi ngày quá khứ nơi trần gian đau khổ, nó chẳng còn nữa, nó bỏ ta đi rồi, vậy mà vẫn vùi đầu trong quá khứ đó để nước mắt chảy dài. Những điều vui và hạnh phúc của những ngày qua chẳng còn nữa, vậy mà cứ tủm tỉm mỉm cười như sống ở một thế giới quá khứ hạnh phúc trong sự điêu đứng của những nỗi niềm sung sướng chẳng còn.

Chủ đề đó là “Có Dám Bỏ Không” và câu hỏi đặt lại cho Bảo Thành và các bạn: “Chúng ta có dám bỏ không?” Nào là nhà cao cửa rộng, nào là quyền quý chức danh, nào là tiền tài danh vọng, nào là tình cảm, là muôn sự ở đời mà các bạn có, nào là tất cả những gì bạn yêu quý, dù bạn không dám bỏ chúng thì chúng cũng sẽ bỏ bạn mà ra đi. 

Hôm nay, ta đi về lịch sử của thời Đức Phật để thấy rằng có một vị anh hùng thời đó dám bỏ. Chẳng phải bỏ cái tầm thường như củ khoai, củ mì mà bỏ tất cả những cái vĩ đại nhất trong cuộc đời mà phước báu ông ta có được để tới với Đức Phật, đó chính là ông Xá Lợi Phất.

Ngài Xá Lợi Phất sinh ra trong một dòng tộc quyền quý, mà gia đình của ông ta, dòng tộc của ông ta có mức độ giàu có và trí tuệ lừng lẫy ở thời đó. Mẹ của ông cũng là một người đại trí trong dòng tộc Bà La Môn. Ông Xá Lợi Phất học thật giỏi về mọi phương diện, trở thành một bậc kỳ tài trong Bà La Môn giáo. Ở những trường học danh giá, cao quý thời đó, ông ta đã học hết, thông thạo hết và cuối cùng ông ta không thấy một trường nào xứng đáng hoặc một vị Thầy nào xứng đáng để có thể dạy cho ông ta bởi ông ta là người tuyệt đỉnh, giỏi vô cùng.

Trong những ngôi trường đó, ông ta gặp người thanh niên thời trẻ cùng với ông, cũng trí tuệ vô song, đó là ông Mục Kiền Liên. Hai người này kết bạn bởi vì tương đồng ý chí và trí tuệ. Họ liền từ bỏ những ngôi trường học đó bởi thấy rằng các Thầy đó không đủ khả năng dạy dỗ hai ông và tự thành lập nên một ngôi trường học mới dạy dỗ đồ chúng và có đệ tử, học trò thật là đông. Và hai người này, ông Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên luôn nghĩ trên đời này chẳng còn một bậc Thầy nào thời đó có khả năng dạy dỗ hai người, nhưng hai ông ta vẫn khao khát chí nguyện đi cầm tất cả những gì có được trong cuộc đời như tiền bạc, danh vọng, địa vị, trí tuệ và sức lực để đi tìm chân lý qua sự học và hướng dẫn những đồ chúng của mình.

Thế rồi vào một ngày kia, ông Xá Lợi Phất gặp thấy Ngài A Thị Thuyết. Ngài A Thị Thuyết là một người thuộc trong 05 anh em của Kiều Trần Như, là đệ tử đầu tiên được Đức Phật truyền dạy chuyển pháp luân trong vườn nai. Với tướng hảo trang nghiêm, từng bước đi nhẹ nhàng, uy dũng, trên nét mặt lộ rõ trí tuệ hiển nhiên và tự tại. Khi nhìn thấy tướng hảo như vậy, ông Xá Lợi Phất ngạc nhiên vô cùng và đặt một câu hỏi: “Trên đời, sao lại có một người như thế?” và ông ta liền tới để hỏi Ngài A Thị Thuyết rằng: “Ông học được giáo pháp gì?”.

Ông A Thị Thuyết nói rằng: “Tôi đã học được Tứ Thánh Đế” và nói lại ý nghĩa của bài Kinh Tứ Thánh Đế cho ông Xá Lợi Phất nghe.

Nghe từng câu như mầm giống đã gieo vào lòng đất đầy đủ khí trời, nay chỉ một giọt nước Cam Lồ từ sự khai thị của ông A Thị Thuyết nhắc lại lời của Thế Tôn thì trí tuệ của ông Xá Lợi Phất liền bừng khai. Ông ta hạnh phúc vô cùng bởi là một nhà đại trí đại tuệ, nay được tiếp dẫn những lời vi diệu của bậc giác ngộ liền bừng khai, thông tuệ. Ông ta liền hỏi ông A Thị Thuyết rằng: “Vậy Thầy của Ngài là ai?”. Và ông A Thị Thuyết đã cho ông Xá Lợi Phất biết đó chính là Đức Phật. Và rồi ông Xá Lợi Phất từ giã trở về tâm sự với Ngài Mục Kiền Liên. Hai anh em liền bỏ tất cả để đi tới tiếp cận Đức Phật, dắt theo 200 người đệ tử quỳ xuống lạy Đức Phật và xin Đức Phật nhận làm đệ tử.

Câu chuyện chỉ dừng lại ở chỗ này để suy ngẫm. Một bậc kỳ tài và luôn luôn thấy rằng mình là đệ nhất cao thủ của dòng Bà La Môn giáo thông thạo tất cả. Chẳng một vị nào trên đời thời đó mà ông Xá lợi Phất và ông Mục Kiền Liên nghĩ rằng xứng đáng để truyền dạy họ, vậy mà khi gặp ông A Thị Thuyết, tướng hảo và bài Kinh Tứ Thánh Đế được nhắc lại, liền giác ngộ và sẵn sàng bỏ tất cả công danh, sự nghiệp, đệ tử và những danh vọng thành tựu được trong những năm tháng qua để đầu phục trước một bậc đại trí đại tuệ.

Người trí tuệ gặp trí tuệ thì bừng sáng, thấy được chân giá trị và sẵn sàng từ bỏ tất cả, dám bỏ tất cả để đi theo chân lý đó và tiếp cận với đấng truyền dạy chân lý ấy. Vậy mà trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn, bao nhiêu những chuyện đau khổ, một khối sầu muộn đau đớn vô cùng của một thời quá khứ ta không dám bỏ. Tại sao? Tại sao chúng ta cứ lê thê lếch thếch giữa dòng đời ôm ấp và ăn mày quá khứ đau thương để đi tới đâu cũng rên xiết, cũng than trách, không bỏ được thói hư tật xấu rồi biến mình là con người có phước báu trở thành kẻ ăn xin ăn mày của quá khứ. Mà quá khứ đó có đẹp thì không nói! Cả một quá khứ như khối ung thư, vậy mà cứ cưu mang anh ách trong lòng để đi tới đâu lại thả ra những độc dược ung thư của quá khứ rên xiết, kêu than?

“Có Dám Bỏ Không”. Chúng ta có dám bỏ không? Bỏ đi tất cả những gì đã qua. Ngài Xá Lợi Phất bỏ cả danh dự, bỏ cả tiền tài, bỏ tất cả những gì đã xây dựng được bằng những điều khao khát nhất, cùng với Mục Kiền Liên và dắt đồ đệ của mình để đầu phục Chư Phật. Còn chúng ta chẳng có được những gì như Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên. Chúng ta chỉ có cái quá khứ đau thương, có những hành vi bất thiện mà thôi. Có những điều sai trái lặp đi lặp lại mà không dám bỏ thì lấy gì chúng ta có thể thọ nhận, lấy gì để chúng ta có thể xứng đáng được Đức Phật truyền thọ và khai thị? Dù vậy, Đức Phật cũng không bao giờ chê bỏ chúng ta. Ngài đã mang tình thương và trí tuệ ứng hoá thân dưới mọi phương tiện để phù hợp với mọi cảnh giới của tâm chúng ta, hầu tiếp cận với mỗi một người để truyền trao Chánh Pháp cho. Bởi vậy ngày hôm nay, Bảo Thành và các bạn đã đón nhận được Pháp Bảo của Như Lai qua tình thương vi diệu của Phật truyền dạy cho chúng ta. Để định minh trong cuộc đời đầy những ác nghiệp, đầy những khối quá khứ đen tối và lầm chấp. Và chỉ cần chúng ta bỏ được một phần của quá khứ đau khổ, lầm chấp, van xin, ăn mày của quá khứ thì nhất định chúng ta lại có một chút ánh sáng trí tuệ để thắp lên trên đỉnh đầu soi dẫn ta bước qua ngàn trùng thử thách gian khó.

Bỏ! Nhất định chuyến này chúng ta phải bỏ! Bỏ những điều hư, tật cố, bỏ những lỗi lầm cứ lặp đi lặp lại, bỏ những quan niệm, bỏ tự cao tự đại, bỏ tất cả để theo Phật học có được sự an lạc. Cái mà chúng ta cứ lặp đi lặp lại là cố chấp. Nếu như ông Xá Lợi Phất cố chấp vào những kiến thức trí tuệ của Bà La Môn giáo ông ta học được cùng với sư đệ của mình là Mục Kiền Liên thì nhất định sẽ che mờ con mắt tuệ để không nhận ra Đức Phật. Ông ta không cố chấp nên gặp được Phật liền theo Đức Phật xin Phật nhận làm đệ tử. Còn chúng ta ngày hôm nay, dưới muôn hình vạn trạng màu sắc khác biệt của các tôn giáo, của các tông phái, của các pháp môn, của các dòng truyền thừa, Đại Thừa, Nguyên Thuỷ, Kim Cang Thừa, rồi gì đó dư thừa đó, ôm ấp mãi. Gặp được một vị Thầy là ôm cho tới chết. Thầy chết rồi thì ôm cứng như khúc gỗ trong lòng, biến cái đầu mình cũng cứng ngắc như gỗ, nhưng loại gỗ ôm trong đầu đó vẫn bị mối, con mối của chấp trược, tham sân đục khoét tan rã, vậy mà cứ ôm cả một khối mối sân si, hận thù. Tất cả các pháp Chư Phật dạy được truyền lại cho chúng ta qua các bậc tôn túc, các vị Thầy, các bạn hiền, những bậc thiện tri thức có nhân duyên truyền tải thông điệp của Phật tới với chúng ta thì chúng ta phải nhớ, những vị đó như một nhịp cầu để đưa ta tiếp từng bước, từng bước trên con đường tự giải thoát mình. Mỗi một bước chân ta đi, ứng hóa thân của Chư Phật rất phù hợp với căn cơ của từng giai đoạn trong cuộc đời để mượn các vị Thầy, để mượn các vị thiện tri thức, để mượn muôn sự khác biệt của phương tiện để truyền trao thông điệp giải thoát cho chúng ta. Thế nhưng chúng ta đã bị dính, dính vào quá khứ, dính vào điều ta tôn thờ, thần tượng hoá, dính vào những vị Thầy ta có cảm tình tôn kính tột bậc dù vị đó đã không còn trên trần gian. Dính vào những khối quá khứ nhiều đời đã bỏ ta đi để chúng ta thật sự chỉ là những kẻ ăn mày quá khứ thì làm sao có cơ hội nhận biết được ánh sáng chân lý đang bừng sáng như rạng đông. Trí tuệ như rạng đông đang hừng hực vươn lên từ đỉnh trời cao bởi Đức Phật. Người sống trong tăm tối quá khứ như chúng ta, nếu không lần mò từ tối đến sáng để đón nhận trí tuệ của Phật thì nhất định chúng ta chỉ gồng gánh sau lưng cả một khối gia tài ung thư đau khổ để rên xiết trong cõi luân hồi sanh tử khổ mà thôi.

Các bạn! Ta phải có dũng lực dám bỏ! Bỏ tất cả những điều gì không đúng, bỏ tất cả những điều gì đã sai và bỏ tất cả những điều gì đã bỏ chúng ta ra đi để sống ngay trong hiện tại, ngay trong Chánh Niệm, đón nhận Phật vào trong cuộc đời. Vẫn biết mỗi một ngày trôi qua, bình minh lên, rạng đông bừng sáng, hoàng hôn về, chiều tà dần tan. Đó là chu kỳ của một ngày nói thật rõ về vô thường sanh – diệt, tới như bình minh, tàn như hoàng hôn thì có gì để níu kéo? Nhưng chúng ta vẫn còn có khả năng sống Chánh Niệm trong từng sát na để chu kỳ xoay tròn của vòng vô thường đó, ta vẫn hiện hữu trong Chánh Niệm tận hưởng sự an lạc qua lời khai thị của Đức Thế Tôn. Nhất định phải dám bỏ! Không phải là một câu thách thức rằng: “Có dám bỏ không?” mà ta phải nói rằng: “Ta dám bỏ những điều đã bỏ ta đi”.

Điều gì vẫn còn trong lòng bàn tay của các bạn? Không có một điều gì tồn tại mãi trong lòng bàn tay! Bởi các hiện tượng, các pháp đều vô thường, nắm cho chắc, giữ cho kỹ chúng cũng chạy và bỏ ta đi. Vậy thì có gì mà không dám bỏ, nhất là bỏ những điều đã bỏ ta? Chân lý ở chỗ này! Suy nghĩ cho kỹ, chúng ta mới thấy vỡ lẽ: “À! Mình quá cố chấp”. Sao chúng ta lại quá ư giữ lấy những điều đã đi mà không tận hưởng Chánh Niệm đời sống ngay bây giờ để từ đó thấy tướng hảo quang minh?

Các bạn thân mến! Ông Xá Lợi Phất thấy tướng hảo quang minh của ông A Thị Thuyết, một trong 05 anh em Kiều Trần Như, đệ tử đầu tiên của Chư Phật nên nhận ra giá trị chân lý mà vị này đã được học. Đó chỉ là một con người bình thường học được của Phật thôi mà ông Xá Lợi Phất liền tới quy phục về với Phật cùng với ông Mục Kiền Liên, vậy thì chúng ta cứ than rằng ta không thể gặp được Phật, sanh thời Mạt Pháp chẳng bao giờ gặp được Phật nhưng nếu các bạn và Bảo Thành có đầy đủ phước báu gặp được Phật, cứ thử hỏi, ta sẽ phản ứng như thế nào? Có được một phần như ông Xá Lợi Phất hay không? Hay khi chúng ta có phước báu gặp được Phật, ta làm ngơ, chơi tình bơ vơ, ngược lại dòng đời, lăn xả vào vùng mê để thỏa mãn những cảm xúc, cảm giác, thú vui lục dục của cuộc đời?

Các bạn hỏi: “Sao mà nói xàm quá, Phật ở đâu mà gặp?” Đây là một cách hỏi rất chân thật! Nhưng Bảo Thành dám can đảm và nói rằng: “Bảo Thành và các bạn vẫn còn có cơ hội gặp được Phật, diện kiến được Phật, chẳng phải Phật quá khứ hay Phật tương lai mà Phật hiện tiền trong cuộc đời. Ai trong chúng ta cũng đều có cơ hội gặp được Phật cả. Phật đó chẳng phải thần thông bay vù vù như Tề Thiên Đại Thánh, đi mây về gió mà Phật đó hiển ngự trong tánh Phật nơi con người của chúng ta”. Thật rõ! Trong ta có tánh Phật và Phật mà ta có thể diện kiến được trong ta đó chính là trí tuệ và từ bi.

Nếu các bạn trở về thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, nghe theo lời Phật khai thị, Phật là Phật, chúng ta là Phật sẽ thành và Phật sẽ thành hiểu thật rõ đó là trí tuệ và từ bi thì nhất định trong mỗi người chúng ta, dù tầm thường, không học cao như ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên nhưng vẫn có trí tuệ và từ bi vốn trong tánh Phật hiện hữu trong cuộc đời. Nếu trở về qua hơi thở Chánh Niệm, nếu thực hành pháp thiền quán chiếu trí tuệ và từ bi của Mẹ hiền Quan Âm, từ bi – trí tuệ quán qua Chánh Niệm hơi thở, chúng ta sẽ có cơ hội diện kiến được vị Phật hiện tại ngay trong cuộc đời rất tầm thường của mỗi người chúng ta. Phật không nằm ở đâu xa, trên núi cao, rừng sâu, sơn lam chướng khí mà Phật ở tận trong sâu thẳm của tâm thức người thường như chúng ta.

Có dám bỏ tất cả quá khứ? Có dám bỏ tất cả những gì đã bỏ ta ra đi để trở về một lần nữa vào sâu trong tâm thức qua Chánh Niệm hơi thở và thực hiện pháp thiền của Mẹ hiền Quan Âm dạy đó là thiền trí tuệ và từ bi. Trí tuệ và từ bi quán qua Chánh Niệm hơi thở để có năng lượng Hải Triều Âm Cam Lồ Tịnh Thuỷ gội rửa mọi phiền não, rửa sạch thềm chân tâm để chúng ta có thể tỏ lộ thật rõ tánh Phật hiện hữu trong cuộc đời thường của mỗi người hay không? Hay cố bám víu vào những vết thương lòng của quá khứ để trở thành kẻ ăn xin, ăn mày bò lê bò lết trên từng chặn đường của quá khứ, vơ vét, bám víu, ngửi những mùi hôi thối của đau khổ mà ta đã tạo ra hoặc người đã gây ra cho ta? Mà nhìn cho rõ trong mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, những điều ấy Phật đã dạy vô thường. Chẳng còn đâu! Có còn đâu nữa mà cứ bám cứ víu để rồi ta quên mất rằng trong ta có trí tuệ, có từ bi. Nghĩa là trong ta có một vị Phật sống thật sự đang tồn tại hiện hữu, gặp được Phật đó, biết được Phật đó, có cơ hội diện kiến, tham vấn trực tiếp với Ngài mà sao bao nhiêu năm qua, Bảo Thành và các bạn cứ làm ngơ, cứ xoay lưng lại với Ngài, cứ chơi kiểu tình bơ vơ để lạc lõng trong cuộc đời than khổ, đào bới trong núi rác của quá khứ để ngửi những mùi xú uế, vậy mà sao không thấy được cuộc đời quá uổng phí? 

Các bạn! Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên bỏ cả một ngôi trường đại học tạo ra, sẵn sàng nói với 200 đệ tử của mình rằng nay đã gặp được một bậc giác ngộ. Tức là từ bỏ ngôi là một bậc Thầy cao cả của đệ tử mà chân thật nói với đệ tử rằng: “Chúng tôi đã gặp được một bậc cao minh đại giác đại ngộ. Hãy theo anh em chúng tôi mà đầu quân với Ngài để được Ngài hướng dẫn”. Hai ông đã từ bỏ tự cao tự ngã, cái tôi. Từ bỏ trí tuệ, thành tựu nhỏ bé của mình mà ngày xưa tưởng như cao ngất ở cõi trời để khiêm tốn cúi xuống, nhận Đức Phật làm Thầy và sau đó, hai ông đã trở thành một trong 10 đệ tử gần gũi, sáng giá nhất thời Đức Phật. Mà mới trong những ngày qua thôi, ta kỷ niệm Lễ Vu Lan nói đến lòng báo hiếu, không những của ông Mục Kiền Liên mà cả của ông Xá Lợi Phất nữa. Vậy chúng ta tự hỏi: “Có dám bỏ không, bỏ những điều đã bỏ ta ra đi?”.

Các bạn lặp lại câu đó, một câu mà tự hỏi bản thân mình rằng: “Tôi có dám bỏ không, bỏ những điều đã bỏ tôi ra đi chứ đừng nói những điều vẫn còn đó. Những điều bỏ mình ra đi, những điều đã mất, đã không còn tồn tại, các bạn có dám bỏ không? Hay là biến người thành ma, ôm vào quá khứ, chất chồng theo năm tháng để tự thiêu cuộc đời qua dòng thời gian trôi đi mà chẳng trở lại?”.

Câu hỏi này không phải thường các bạn! Nếu các bạn tham quán cho thật rõ trong Chánh Niệm, các bạn sẽ ngộ ra chân lý của mật ngôn số 02 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang đó là các pháp đều vô thường sanh – diệt và bám víu vào cái ăn mày quá khứ của những pháp vô thường sanh – diệt đã không còn tức là những điều đã bỏ ta đi thì chẳng khác gì chỉ tạo thêm đau khổ chất chồng theo từng ngày ta đang sống để tự nhồi sọ mình vào quá khứ đau thương, tẩm độc mình bằng những điều bất thiện để rồi tự tiêu diệt mình trong từng giây phút của cuộc đời. Trên đời sao lại có kẻ ngớ ngẩn như vậy, tự hại bản thân mà cứ cúi đầu nhắm mắt làm ngơ sao?

Có dám bỏ không các bạn? Cần phải định thần để trả lời thật rõ và để bỏ được những điều đã bỏ ta, ta phải nhận được giá trị thật sự của Chánh Niệm từ bi và trí tuệ. Nếu các bạn làm được điều đó là các bạn có cơ hội tiếp cận được vị Phật hiện tại trong tâm của các bạn.

Chúng ta cứ từng than: “Sống trong thời Mạt Pháp không có cơ hội gặp Phật nữa” để rồi than trách, để rồi trách móc, đi tới đâu cũng ôm những tàn dư của quá khứ để than thở. Chẳng nhận ra lỗi của mình, chỉ trách người mà thôi, chứ không thấy được mình sai. Trong khi có phước duyên gặp được Phật hiện tại trong tâm mà cứ lầm lũi quay mặt ra bên ngoài của quá khứ, vác tất cả những rác rưởi hôi thối chất chồng trong tâm làm cho cái nhà chân tâm của chúng ta sực mùi uế trược. Trược khí đầy bên trong, trược điển cao ngất ở trên đời, chồng chất theo tháng ngày, hỏi làm sao có cơ hội gặp được Phật?

Nếu không một lần trở về thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở thiền trí tuệ và từ bi đón nhận nước Cam Lồ Tịnh Thuỷ của Mẹ hiền Quan Âm rửa sạch thềm chân tâm, căn nhà tâm của chúng ta và gắn kết với Chư Phật mười phương thắp sáng đuốc tuệ, đón nhận năng lượng từ bi, sao có thể nhìn thấy Phật ở bên trong? Bao nhiêu ngày tháng trong bao nhiêu kiếp qua, chúng ta đã đi tìm Phật ở bên ngoài từ núi cao, rừng sâu hiểm hách để những tông phái, tông môn, những bậc đạo sư cao cả. Ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên xứng danh là bậc Thầy bởi đã học từ biết bao nhiêu bậc Thầy trong Bà La Môn giáo, trí tuệ của hai Ngài đến mức mà không còn thấy ai đủ khả năng để dạy nhưng cũng chẳng tôn sùng các bậc Thầy xưa, cũng chẳng tôn sùng trí tuệ được gọi là Thầy như mình bởi người có trí tuệ luôn nhận ra Phật. Vậy nên khi tiếp xúc được với Phật, hai vị đã từ bỏ ngôi vương tự ngã của mình để đầu phục Đức Thế Tôn. Còn chúng ta, sao lại đi ngược lại hai bậc đại thụ này? Chỉ tôn vinh thần tượng ai đó, cống cao ngã mạn của chính mình, xây dựng một lâu đài bằng những thứ huyễn giả, cố thủ ở trong đó, nhốt mình trong hôi thối của bất thiện nghiệp quá khứ để rồi tôn vinh những điều không đúng.

Phải biết từ bỏ cái tôi! Cho nên khi quán chiếu vô ngã đồng hành với vô thường, ta sẽ dám bỏ tất cả những điều đã bỏ ta ra đi, ta sẽ dám bỏ tất cả những điều chưa bỏ ta ra đi, vì sao? Những điều đã bỏ ta ra đi là vô thường, chẳng còn. Những điều chưa bỏ ta ra đi cũng sẽ vô thường rồi mà đi thì có chi ôm ấp, cưu mang những điều sẽ đi, đã đi và luôn luôn đi? Thấu được điều đó, đời các bạn sẽ an vui. Thấu được điều đó thì trong thời nguy kịch này của đại dịch, bạn sẽ tịch tĩnh, an vui bởi các pháp đều vô thường sanh – diệt không bao giờ trường cửu mà chỉ có phước đức, chỉ có công đức mà thôi. Chỉ có thiện nghiệp và ác nghiệp mà thôi. Nếu bạn nhân dịp này hiểu rõ vô thường thì đại dịch kia sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi. Đau khổ kia sẽ không bao giờ bám víu mãi mãi, đày đọa bạn mà chúng sẽ phải đi. Định luật Thành – Trụ – Hoại – Không là như vậy, các pháp vô thường là như vậy, hiểu thấu được điều đó, ta sẽ tăng trưởng được sự an lạc, bởi thấy dịch kia sẽ ra đi và từ đó hiểu rõ cái còn tồn tại duy nhất mà luôn luôn ở với chúng ta ngay trong kiếp này và mãi mãi trong vô lượng kiếp sau đó là nghiệp. Thiện nghiệp và ác nghiệp! Thiện nghiệp và ác nghiệp tạo thành từ Thân, Ngữ và Ý. Vậy ngay trong lúc này, hãy mượn kiếp người còn thân đầy đủ căn lành, giác quan còn sáng, miệng còn đậm đà hương vị thiền môn ái ngữ, ý còn thấm nhuần tâm tánh thiện lành để xây dựng cuộc đời hiện tại bằng những lời khai thị của Phật để có được phước báu và công đức tạo thành thiện nghiệp để lót đường cho chúng ta đi trên con đường tái sanh và sống an lạc ngay trong kiếp này. Hãy làm như vậy các bạn ơi! Chẳng có gì phải nuối tiếc để không dám bỏ. Nhất định phải bỏ và khẳng định với mình: “Tôi dám bỏ! Bỏ tất cả những điều đã bỏ tôi ra đi, bỏ tất cả những điều sẽ bỏ tôi ra đi. Bỏ hết!”. Nhưng thẩm nhập vào trí tuệ và từ bi để làm gì? Để có được khả năng ứng dụng được một cách siêu việt các phương tiện thiện xảo khi tới trong từng giây phút để sống trong kiếp người mà xây dựng phước đức cho ta và cho muôn loài chúng sanh.

Đại dịch sẽ qua! Định luật Thành – Trụ – Hoại – Không, định luật nhân quả, vô thường sẽ qua thôi. Nhưng trong khi chờ đợi dịch qua, ta làm gì, đó là câu hỏi. Ta có dám buông bỏ tất cả những sự bận rộn vùi đầu trong những sự than trách, kêu la, ăn mày quá khứ để xắn tay áo lên vào trong nhà bếp, nhà bếp của ngũ dục, dọn dẹp sạch sẽ, lau chùi cho sáng? Đừng đổ thừa người ta tới ăn rồi người ta để bừa đó rồi ta phải dọn dẹp. Trong nhà bếp ngũ dục kia, chính ta đã tạo ra. Ta ăn, ta bỏ mứa. Những thứ cặn bã hay những thức ăn dư thừa của ngũ dục hôi thối lắm rồi. Đó là chính ta tạo ra! Chẳng  phải người ta tới để xả rác mà ta đã tự xả rác nhiều đời rồi, nay họ chỉ mang rác của ta mà đặt để về trong tâm của ta. Nếu các bạn một lần nữa xắn tay áo lên và mặc vào người của mình Ngũ Giới để chui vào trong nhà bếp ngũ dục thì chẳng bao giờ hôi tanh mùi ngũ dục mà lại có được tâm nguyện, tâm lực, trí lực, niệm lực, định lực để tẩy rửa sạch sẽ tất cả trong căn nhà bếp ngũ dục của chúng ta. Để căn nhà ngũ dục đó được sạch sẽ một lần bằng Ngũ Giới để biến thành Ngũ Phương Phật an vị ở trong tâm.

Các bạn suy nghĩ kỹ! Biến ngôi nhà ngũ dục bằng ứng dụng Ngũ Giới để trở thành ngôi nhà Ngũ Phương Vị Phật ở trong tâm hồn, thân xác của cuộc đời. 

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Đồ ăn dư thừa, chén bát dơ bẩn nằm trong nhà bếp ngũ dục, chẳng phải ai bừa ra đặt vào đó mà do chính con đã tạo ra bởi vô minh. Nay mặc vào thân xác của cuộc đời này và tô điểm trong tâm Ngũ Giới của Phật dạy, sẵn sàng bước vào nhà bếp ngũ dục lau chùi sạch sẽ tất cả để biến nhà bếp ngũ dục kia thành nơi Phật đường mà có Ngũ Vị Chư Phật an vị ở trong đó.

Xin gia trì cho chúng con luôn tinh tấn và hoan hỷ, dám bỏ những điều đã bỏ chúng con đi, dám bỏ những điều sẽ bỏ chúng con đi để Chánh Niệm hơi thở, ứng dụng diệu dụng phương tiện vốn có do phước đức để xây dựng công đức và phước quả của mình bằng thiện nghiệp ngay trong từng giây phút đang đương đầu với đại dịch.

Xin Chư Phật gia hộ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Trong sự đồng tu hôm nay nếu chúng con có tạo được chút phước báu nào, đồng hồi hướng cho mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo và hồi hướng cho quê hương Việt Nam cũng như toàn thế giới thoát khỏi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn