Search

Bài 2100. Không Cần Như Vậy | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Ý đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia hộ, thắp sáng đuốc tuệ để chúng con Chánh Niệm quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng nguyện cầu Chư Phật gia hộ, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con có đầy đủ phước báu chuyển được nghiệp duyên, đẩy lùi đại dịch.

Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ và Từ Bi.

Cùng nhớ về lời Đức Phật dạy, lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy từ bi để nuôi dưỡng trí tuệ. Giây phút này đây Chánh Niệm trong hơi thở, chúng ta tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa là đón nhận năng lượng từ bi của mười phương Chư Phật nuôi dưỡng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Năng lượng sẽ được ban rải xuống chúng ta trong từng giây phút, từng sát na của Chánh Niệm.

Với tâm thành kính, lòng khiêm tốn, chúng ta hãy đón nhận và rải năng lượng đó tới những người yêu thương, các đấng sinh thành, gia đình, cộng đồng, xã hội, đặc biệt rải năng lượng này tới tất cả người Việt Nam yêu thương của chúng ta đang phải trải qua kiếp nạn đại dịch nguy hiểm.

Nguyện xin bất thiện nghiệp nhiều đời, sự cộng nghiệp đó được chuyển hóa bằng năng lượng từ bi và phước đức Chánh Niệm của mỗi người chúng ta.

Mọi người hãy phát tâm dõng mãnh, ăn chay, niệm Phật, trì chú, thiền định, Chánh Niệm từ bi để hồi hướng công đức, đẩy lùi đại dịch.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Trong những ngày này, từng giây phút chúng ta đang được sống giá trị vô cùng bởi chẳng bao giờ mỗi người chúng ta lại thấy thời gian có giá trị như vậy. Chính vì đại dịch đã kéo tới trên thế giới này, tất cả mọi người đều chứng kiến những cảnh những người bị dịch chết, chứng kiến sự sợ hãi, chứng kiến sự tan vỡ của gia đình, làng xóm, quốc gia. Hàng trăm, hàng trăm ngàn, hàng triệu con người trên thế giới đã phải từ giã cõi đời để lại cho thân nhân sự đau khổ, sự phiền não muôn đời khó quên. Có bao giờ thế giới này đồng loạt chứng kiến và nhận diện ra giá trị của cuộc đời trong từng giây phút để cho mình một sự lựa chọn sống sao cho phù hợp bởi không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong chốc lát. Biết bao nhiêu những hứa hẹn, những sự hứa hẹn đẹp, những sự hứa hẹn tốt chẳng còn ý nghĩa bởi ta đã nhận thức ra cuộc đời không dài vô hạn để hứa. Mà mỗi người đều thấu được rằng sự sống của con người tới lui và có thể tắt lịm như bóng hoàng hôn chẳng bao giờ có ánh hừng dương trỗi dậy nữa.

Và đúng, lời của Đức Phật dạy như mưa từ vô lượng kiếp, nay mới có cơ hội thấm nhuần vào trong sự suy nghĩ của mỗi người. Bởi Phật đã từng nhắc nhở, đời sống là vô thường sanh – diệt, mong manh, dễ vỡ, tới đi chẳng ai có thể làm chủ được. Vậy mà có mấy ai trong chúng ta, từ muôn kiếp qua đón nhận để rồi đầu tư suy nghĩ sâu sắc để đưa mình trở về thực hành lời Phật sống cho bình an trong từng giây phút Chánh Niệm đâu.

Mấy mươi ngày giãn cách ở Việt Nam, gần hai năm trời khủng hoảng trên thế giới và có những người bạn đồng tu, cũng như có những bạn bè của chúng ta đã phải trải qua vi trùng dịch xâm nhập vào cơ thể đã có một sự trải nghiệm thực sự thấu hiểu về đời sống con người. Và chính vì nhờ cái dịch đó mà họ đã ngộ ra một điều chân lý vi diệu Đức Phật đã dạy là hãy sống Chánh Niệm từ bi, hãy sống trí tuệ để bình an, hãy chuẩn bị sẵn sàng tư lương trong công hạnh tu để dù chút nữa đây, hơi thở cuối của cuộc đời trút ra, thì kho công đức, phước báu của ta vẫn còn đó, chẳng bao giờ hư mất. Ta vẫn mang để tiếp tục như một hành trang đi về cuộc sống mới trong sự tái sanh chẳng trầm luân trong Tam Đồ khổ. Và chúng ta cũng có cơ hội trải nghiệm, cảm nhận được sự đau khổ, bệnh hoạn, chết chóc vì đại dịch để rồi chúng ta bắt đầu suy nghĩ một chút về giá trị của cuộc đời và từ đó nâng tầm sống lên thanh cao hơn để biết cách đối xử phù hợp với song thân phụ mẫu, với vợ chồng, con cái, với các bậc Thầy, với bạn bè, với đồng môn, với thân bằng quyến thuộc, cộng đồng, xã hội, nhân sinh.

Thay đổi giá trị sống không phải chỉ để đeo đuổi về vật chất, tài danh, tiền bạc, quyền lực trong xã hội mà là trở về sống thực sự trong tình yêu và trí tuệ. Bậc tỉnh giác Đức Phật là hiện thân của trí tuệ và từ bi, Phật tử hoặc tín đồ Phật giáo hoặc những người theo Đức Phật đều phải thể nhập vào trí tuệ – từ bi để sống thực sự mang hình ảnh của Phật đi vào cuộc đời. Để từng tạo tác trong cuộc sống đều có dấu tích của Như Lai trong cuộc sống này.

Các bạn! Mấy mươi ngày đã trôi qua, thời gian giãn cách lại được tăng lên tạo cho biết bao nhiêu người chúng ta thầm nghĩ: “Chuyện gì đang xảy ra và chúng ta không biết được”. Và mấy mươi ngày nữa trong sự chờ đợi giãn cách, cấm cung tại chỗ, chẳng thể đi thì mỗi người chúng ta có suy nghĩ gì về cuộc đời hiện tại? Mỗi người chúng ta có suy nghĩ và có cái nhìn gì về quá khứ ta đã làm để lục về quá khứ, kho tàng quá khứ, tìm tòi những ước mơ, những cao vọng, những tham vọng mà chúng ta dự định trong tương lai? Thấy vô thường hiện diện thật rõ, điều gì ở tương lai mà quá khứ hứa hẹn chờ đợi có cần thiết nữa hay không? Hay mỗi người chúng ta hãy hòa mình sống thực sự bằng trí tuệ và từ bi để tận hưởng hạnh phúc để sống dưới một mái nhà Niết Bàn an vui thực tế trong kiếp này?

Chủ đề: “Không Cần Như Vậy” không phải không cần sống Chánh Niệm từ bi mà là không cần phải đùng đùng nổi dậy sân hận, bực bội, tức tối, đánh đập, chì chiết, chia rẽ, hận thù, tham si. Bản tính của con người chúng ta vốn đụng tới là gồng cứng người như để bảo vệ. Từ em bé thôi, ta đánh nhẹ nhẹ vào thì cơ thể của em cũng tự động gồng cứng lên như để bảo vệ cơ thể. Và chúng ta lớn dần lên bởi bản năng của con người sợ hãi. Sợ hãi từ bên ngoài đến thân xác, sự va chạm từ bên ngoài đến tâm và cảm xúc. Ta cũng sợ hãi mọi điều bên trong va chạm đến thân tâm, cảm xúc, tư tưởng, từ đó không những cơ thể này, đầu óc này, tâm trí của chúng ta luôn luôn gồng cứng khi có sự va chạm.

Không sao, bởi đó là thói quen nhiều đời, nhưng có điều là có cần thiết cứ như vậy hay không? Bởi thói quen đó đã làm cho chúng ta mất đi một điều kỳ diệu vốn có ở trong ta. Bởi bị thuần phục bằng bề nổi cảm xúc va chạm để cho bọt bèo, lục bình, chất dơ ở trên mặt đó, là tham, là sân, là si, là quạu quọ, là khó chịu, là giận dữ, là chửi bới, chiếm cứ lấy cuộc đời, còn bề chìm sâu ở dưới là sự thanh tịnh, là sự lắng đọng, là sự trong sáng, ta không tìm hiểu. Mấy mươi năm sống trong cuộc đời là mấy mươi năm ta lẫn lộn, hòa trộn với sân giận, với tham. Phật dạy trong lý nhân duyên, quán chiếu vô thường để hiểu thấu Tham và Sân – Si là một mặt của cuộc sống vốn có, nhưng một mặt khác vẫn còn Vô Tham, Vô Sân, Vô Si. Hay nói đúng hơn, đau khổ là một mặt của cuộc sống thì có một mặt nữa vẫn tồn tại nhưng chúng ta không bao giờ khám phá, đầu tư để tận hưởng, mặt đó là hạnh phúc. Có đau khổ thì phải có hạnh phúc. Không thể chỉ mãi mãi đau khổ.

Một mặt nữa của cuộc sống là phiền não thì nhất định phải có bình an, phải có an lạc. Hai vế này song hành với nhau. Đau khổ có hạnh phúc, phiền não có an lạc, nhưng mấy mươi năm qua, mấy mươi cuộc đời qua, chúng ta chỉ có lăn xả vào một mặt duy nhất là đau khổ và phiền não. Không cần như vậy các bạn! Không cần phải chấp nhất, ôm ấp lấy khối khổ, khối phiền não của cuộc đời mà phải buông thư nhẹ nhàng để có cơ hội khám phá thêm một phần nữa của cuộc sống thật kỳ diệu mà ta đã sao lãng, ta đã lãng quên từ muôn đời.

Không cần cứ đụng tới là đùng đùng nổi giận, nổi quạu, nổi sân để ngoảnh mặt làm ngơ, chơi tình bơ vơ, hoặc lạnh lùng chai đá như khối băng ở Bắc Cực làm cho lãnh cảm tâm hồn, làm cho cứng ngắc cuộc sống của gia đình và làm cho muôn người xung quanh chúng ta không có chỗ để bước vào trong trái tim. Bởi khối băng của lãnh cảm do tâm tham và sân trỗi dậy, nó phong tỏa toàn diện cảm xúc, suy nghĩ, tư tưởng, hành động, lời nói. Và rồi con người ta, con người của chúng ta đã trở thành một khối thô cứng gây chướng ngại cho tự thân, phiền não, đau khổ cho muôn người.

Nhìn lại những tháng ngày qua, xét về bản thân. Khi xét về bản thân có nghĩa là sám hối, nhìn lại chính ta. Đã bao nhiêu lần trong cuộc sống, ta đặt cái đặt quyền quá cao cho bản thân để luôn luôn chỉ sân và tham? Sân đến tối mặt thành ngu, tham đến tím môi thành giận, giận riết thành khùng. Chúng ta cứ để đặt quyền đó như một vị vua, sống trong cõi vô minh, không thấy đường mà cứ ra lệnh tàn sát. Khi phước báu cạn kiệt, dĩ nhiên mỗi người chúng ta sẽ phải đương đầu với những bất thiện nghiệp nhiều đời trổ quả, quả bất thiện đã trổ thì chẳng thể trốn ở đâu được, lúc đó có kêu trời kêu đất, thỉnh Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền có cúng kiếng, có làm muôn sự cũng chẳng thể thay đổi được cái quả đã trổ. Tốt nhất là khi cái nhân mầm mống ác của vô lượng kiếp chưa trổ quả, chưa mọc rễ, chưa kết trái, trổ bông bất thiện, đau khổ, tai họa, ta hãy tăng trưởng phước thiện để giữ cho cái nhân đó không có cơ hội nảy mầm. Bởi biết bao nhiêu mầm mống bất thiện vẫn luôn luôn ngủ ngầm trong cuộc sống của Bảo Thành và các bạn. Nếu chúng ta “Không Cần Như Vậy” có nghĩa là sân giận, tham si, đụng tới là nhảy cà tưng cà tưng, không biết mình đang tửng, để rồi miệng bắt đầu khua chuông múa mõ, tuôn ra biết bao nhiêu những lời thô ác, cay độc mà chẳng thể nghĩ rằng chính môi miệng này vẫn có cơ hội niệm Phật, đọc Kinh, trì chú. Vẫn môi miệng này vẫn có cơ hội tuôn ra châu ngọc của ái ngữ để làm đẹp cho cuộc đời mà cứ sử dụng môi miệng này như ống cống, như nơi tuôn ra rác rưởi, độc dược gây ô nhiễm môi trường sống cho mình và cho muôn người.

“Không Cần Như Vậy” muốn mang cho chúng ta khởi lên một tư tưởng để suy niệm rằng, không nhất thiết chúng ta cứ vội vàng để cho cảm xúc sân giận, tham si cuỗm mất cuộc đời, rồi nó tung ra ngoài đời, ngoài đường kia để bán một cách vô giá cuộc đời của chúng ta với sự rẻ mạt của những người khác giẫm nát lên sự Tham – Sân – Si của mình. Chúng ta vẫn có một mặt nữa đáng quý vô cùng! Nếu nhìn thấu trong đau khổ, ta sẽ thấy được ta còn kho tàng của hạnh phúc. Nếu nhìn thấu trong phiền não, ta sẽ thấy kho tàng an lạc vẫn còn đó. Nếu chúng ta nhìn thấu được tâm tham của mình thì vẫn thấy được kho báu của lòng bao dung, từ bi và yêu thương, san sẻ và bố thí, biết cho đi và tận hiến. Trong bề nổi của tâm sân thì nhận diện thấy rằng trong ta vẫn luôn có sự bình yên, an lạc, sự an vui để sống, để trao, để hiến tặng. Nếu chúng ta nhìn kỹ về tâm si ngu ngốc vốn có trong ta thì lại nhận thấy rằng vẫn có những ánh sáng trí tuệ vốn có của cuộc đời. Nhưng mỗi người chúng ta có biết nhận ra để hòa mình sống với góc độ đó hay không? Hay bịt mắt, bịt mũi, bịt tai, cột chặt chân tay, quăng vào trong hầm sâu của Tham – Sân – Si, của đau khổ và phiền não?

Chúng ta không cần như vậy đâu! Đức Phật dạy, chính vì chúng ta không thấy, không biết nên chúng ta cứ như vậy mãi mãi. Lặp đi lặp lại một phương trình của cuộc sống là Tham – Sân – Si cộng lại làm cuộc đời. Nhưng không phải! Cuộc đời không phải là Tham – Sân – Si.

Trong tinh thần Đức Phật dạy của Tứ Thánh Đế: Khổ – Tập – Diệt – Đạo có Khổ, tất cả nguyên nhân gây ra Khổ thì phải có nguyên nhân, phương pháp chuyển hóa cái Khổ đó. Có Khổ thì phải có Niết Bàn an vui. Có nguyên nhân tạo ra Khổ thì phải có phương thức cũng như nguyên nhân để tác động vào tạo ra hạnh phúc và Niết Bàn. Phật dạy cho chúng ta không phải là lìa xa cuộc đời mà nhận rõ giá trị vốn có trong ta để ứng dụng phù hợp để hạnh phúc. Chân lý ở chỗ không phải là giấu giếm huyền hoặc trong ngôn ngữ hoặc những phương pháp bí truyền, khó thực tập mà là mở cõi tâm thức để chúng ta nhận diện được ánh hừng dương và chiều hoàng hôn thật đẹp.

Sáng nay, ta lại thấy hừng dương, ánh hừng dương bừng sáng thì chiều nay nhất định ta sẽ thấy được ánh hoàng hôn. Ánh hừng dương và bóng hoàng hôn là hai khía cạnh của cuộc đời của mặt trời mọc và mặt trời lặn. Nó đẹp lắm! Tâm thức của con người vần xoay trong vô kiếp như hừng dương vào buổi sáng, như bóng hoàng hôn vào buổi chiều. Đều có cái đẹp riêng! Nếu chúng ta nhận được giá trị của cuộc sống thì không nhất thiết phải như vậy mãi, có nghĩa là không cần phải như vậy, không cần phải sân giận, phải tham, phải si. Hãy cho mình một cơ hội khám phá thêm một phần kỳ diệu nữa với cặp vế song hành: “Có khổ thì phải có hạnh phúc” thì chúng ta hãy nhìn về chỗ hạnh phúc đi. Muốn nhìn thấy hạnh phúc qua đau khổ, Phật dạy chỉ cần Chánh Niệm hơi thở, từ bi quán sẽ thấy. Từ bi quán có nghĩa là nhìn về chỗ từ bi, chỗ yêu thương thì sẽ thấy. Còn nếu chúng ta không Chánh Niệm mà Thất Niệm thì lao đầu vào trong đau khổ. Thất Niệm thì đau khổ, Chánh Niệm thì từ bi và hạnh phúc. Thất Niệm đau khổ là bởi vì làm những hành động ngang trái, ác độc. Còn Chánh Niệm thì từ bi, hạnh phúc bởi chúng ta luôn biết bố thí, yêu thương. Rõ ràng!

Vậy thì cãi để làm chi? Không cần như vậy nữa các bạn, không cần phải lý luận, hý luận, bàn cãi. Chân lý là sự hiểu biết rõ bởi vì nó là sự thật. Không cần thêm, không cần bớt, không cần thêu dệt, không cần diễn nghĩa, không cần giải thích, bởi nói ra ai cũng biết. Nếu bạn nói bạn đau khổ thì nhất định bạn đã từng trải qua những giây phút hạnh phúc, bạn mới biết đau khổ là như vậy. Có điều đau khổ quá nhiều bởi bạn Thất Niệm mà thôi! Còn nếu như bạn Chánh Niệm thì bạn sẽ có được hạnh phúc. Nhưng bấy lâu nay, bạn không để ý rằng khi Chánh Niệm sẽ có được hạnh phúc mà bạn chỉ nhảy vào cột chặt cuộc đời vào Thất Niệm để đau khổ ràng buộc, phủ kín cuộc đời. Nếu bạn có sự trải nghiệm về sự phiền não, nhất định bạn đã thấy được giá trị của sự an lạc hiện có trong cuộc đời hoặc đã có, nhưng có điều bạn không có nhiều sự an lạc bởi vì bạn đắm chìm trong phiền não.

Phiền não là bởi vì bạn Thất Niệm, an lạc là bởi vì Chánh Niệm có. Hiểu được điều đó, ta biết phải làm gì. Như khi đi vào căn nhà, ta thấy tối tăm, nhà có điện, ta biết bật công tắc lên, nó sẽ sáng. Trong cuộc đời có hai công tắc âm và dương. Thất Niệm và Chánh Niệm. Thất Niệm bật lên, nó sẽ đau khổ, phiền não, nó sẽ tham, sẽ sân, sẽ si, còn Chánh Niệm bật lên sẽ có hạnh phúc và bình an, sẽ có gì? Sẽ có từ bi, bố thí, sẽ có tình thương, sẽ có sự san sẻ, sẽ có sự hòa ái. Hiểu được nguyên tắc đó, thật là dễ. Đừng đặt để lời Đức Phật dạy vào những huyền ngữ cao siêu, tâng bốc nó lên thành những ngôn ngữ của tôn giáo, mà nhớ rằng lời Đức Phật dạy là định luật sống vốn có, là chân lý hiện tại luôn luôn tồn tại trong kiếp sống này, khám phá ra được chân lý đó và ứng dụng vào đời sống, các bạn sẽ hạnh phúc, sẽ an vui.

Chúng ta đã biến Phật giáo thành một tôn giáo nghi thức, nghi lễ, cầu kính, cúng kiếng, tôn thờ, thần tượng để biến mình thành nô lệ cho tiếng Kinh, tiếng kệ, cho tôn giáo, nghi lễ, cho các bậc Thầy, các bậc Đạo sư mà trong khi Đức Thế Tôn, Đức Phật dạy không cần phải tôn sùng, thần tượng ta là một vị giác ngộ bởi ta chẳng thể trao ban trí tuệ và chẳng thể trao ban hạnh phúc, thay đổi được nghiệp, mà hãy qua đời sống và sự hướng dẫn của ta bởi sự trải nghiệm, thực tập, tu luyện đã đi đến sự hạnh phúc, khám phá ra con đường rồi học hỏi, nghiên cứu, thực hành thì các bạn, tất cả mọi người sẽ thành tựu được như Đức Phật theo chiều thời gian chúng ta tu tập.

Nhưng ngày nay, chúng ta không đi theo góc độ là một học trò tu luyện, tu học để chứng đắc được những điều bậc Thầy của mình là Đức Phật đã trải nghiệm thực hành qua mà đã biến Đức Phật thành một vị thần linh, một vị thượng đế, một bậc cao siêu tàng ẩn trong hai chữ “Đức Phật” mà chẳng hiểu Phật là tỉnh giác. Cứ xem Phật như một đấng cao cả để rồi tới cầu xin, van vái. Thậm chí ngày nay, người ta đã đẩy lùi Phật đi xa để biến các bậc Đạo sư, các ông Thầy, các vị này, vị kia đại diện luôn cho Chư Phật, cao cả hơn Chư Phật để chúng ta sùng bái các vị Đạo sư đó. Và họ lại còn nói: “Không qua vị Đạo sư đó, ta chẳng thể được điều gì. Bởi nếu không có vị chứng đắc thì chúng ta không được cứu rỗi”.

Không! Chứng đắc hay không, thành tựu hay không là do mỗi người chúng ta. Vậy nên Phật mới dạy: “Hãy tự đứng dậy thắp đuốc mà đi. Té ở đâu, vịn ở đó đứng dậy”. Câu này thật hay! Chúng ta thắp đuốc tuệ bằng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta thắp đuốc tuệ bằng nhiên liệu của từ bi Mu A Mu Sa, chúng ta vịn vào những chỗ té nhiều đời nhiều kiếp nơi vũng sình của Tham – Sân – Si, nơi những hồ sâu núi thẳm của đau khổ và phiền não, của bất thiện nghiệp, của Tam Độc, của Ngũ Dục, của tham ái, tham dục. Những hầm sâu núi chông, bùn lầy dơ dáy ta đã té xuống đó rồi thì nay chúng ta nhất định bám theo sợi dây Chánh Niệm hơi thở và đón nhận năng lượng từ bi siêu việt từ Mu A Mu Sa mà Đức Phật mười phương ban rải xuống cho chúng ta. Mà Chư vị Bồ Tát che chở, hộ mạng cho chúng ta. Long Thần, Hộ Pháp, Chư Thiên luôn kề cận sách tấn và thúc đẩy chúng ta vươn lên từ sình lầy như cái mầm sen. Chẳng phải vươn lên trong tăm tối đâu! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là ngọn đuốc trí tuệ ở trong tay. Nếu hiểu thấu được điều đó, nhất định chúng ta sẽ ngoi lên từ những đống sình hôi thối nhiều đời té vào đó để bước vào ao sen tươi mát của từ bi, của yêu thương, của hạnh phúc, của an lạc, của lòng biết bố thí, biết tri ân, biết thông cảm, biết lắng nghe, biết san sẻ, biết yêu thương.

Các bạn nhìn kỹ lại đi! Chúng ta “Không Cần Phải Như Vậy” có nghĩa là không cần phải tái tạo, lặp đi lặp lại cách sống mà bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu năm qua ta cứ như vậy. Đại dịch đã tới, chúng ta có cơ hội thẩm định lại giá trị của cuộc sống, thói quen ta đã sống để bắt đầu lược bỏ để lớn lên. Như con rắn lột da để lớn lên, như con cua lột vỏ để trưởng thành, như con nhộng cắn kén để bay lên, như con người một lần thẩm định lại giá trị ta đã sống trong tăm tối bao tháng ngày qua, mượn cơn đại dịch này tích lũy công đức, đức hạnh, tu cho mạnh, cho rõ. Thực hành đúng lời Đức Phật dạy để chúng ta trưởng thành vững chãi hơn, chúng ta sống với một mặt nữa cao siêu, nhiệm mầu vô cùng thuộc về ta, của ta, nơi ta, chứ không ở đâu xa để chúng ta đi tìm. Không phải nơi rừng sâu núi thẳm hay những huyền hoặc của những vị Đạo sư vẽ vời mà nơi tâm của ta. Chỉ cần thay đổi, ứng dụng tâm từ bi thay vì tham sân, giận dữ, ta sống từ bi bằng hạnh Mu A Mu Sa. Thay vì vô minh đắm chìm trong đau khổ, tham ái, tham dục thì chúng ta hãy sống nghiêng về mặt trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Người có đôi chân mà nếu chỉ đi bằng chân trái thì làm sao đi? Chỉ nhảy cò cò thôi. Ta còn có chân phải! Ngoài những điều sai trái của cuộc đời, ta vẫn có cơ hội làm những điều phải, điều đúng. Bảo Thành và các bạn vô lượng kiếp và ngay trong kiếp này đã làm biết bao nhiêu điều sai trái thì ta vẫn có cơ hội làm điều phải. Mà bởi vì chúng ta thích nhảy cò cò như anh chàng bị què một chân để thấy mọi người thương xót mình, cho nên đi đâu cũng than khổ, nói đến chuyện khổ, chuyện phiền não. Tại sao lại tự ô nhiễm bản thân và con người khác bằng việc cứ mang cái khổ, cái phiền não ra như thuốc độc phun ra bên ngoài mà không mang điều hay lẽ phải, hạnh phúc và bình an để mang san sẻ?

Đối với các bạn cũng như đối với riêng Bảo Thành, nếu chúng ta từng dễ giận, dễ si, dễ tham. Chúng ta thường dễ nói những câu thô tục, thô ác hại người. Chúng ta thường ghi những lời trách móc, chê bai, gièm pha, vu khống để hại người, chia rẽ. Chúng ta thường khởi nguồn những suy nghĩ ác độc, căm phẫn, thù hận, trách móc. Nhưng nhớ rằng, chúng ta chưa thực sự khám phá ra tiềm năng vô hạn vốn có trong ta là hạnh phúc, là yêu thương, là trí tuệ, là từ bi. Ta có một sự lựa chọn mới trong mùa dịch này là sống từ bi và trí tuệ, sống yêu thương, sống san sẻ. Khối gia tài vô giá đó vốn có trong ta. Mỏ quặng kim cương, hột xoàn của từ bi, trí tuệ, của tánh thiện, của tình thương, của lòng từ ái, của an lạc, của hạnh phúc vốn có trong ta nhưng chúng ta cứ chôn mình trong vũng sình lầy của đau khổ, của tội ác, của phiền não, của sân, của giận, của tham, của những ngôn ngữ thô ác, độc hại, vu khống, hàm oan, của những luồng tư tưởng sắc như dao đâm vào người khác, của những hành động đưa đẩy người ta đến chỗ cùng của cuộc đời. Đó cũng là thói quen của con người nhiều đời gọi là tập khí, là thói quen xấu. Trong ta có cái xấu và cái tốt, có mầm mống bất thiện ngủ ngầm thì cũng có mầm mống thánh thiện, Chánh Niệm ở bên trong. Cái chính là chúng ta có nhận ra ta có mầm mống tốt đẹp đó hay không? Để khơi nguồn cho nó sống hay cứ đổ ớt vào trong đôi mắt cho nó cay xè lên rồi khóc lóc, van xin, rồi lần mò trong bàn tay tăm tối, quờ quạng, chạm vào khối bất thiện của cuộc đời, quăng ra bên ngoài để hãm hại người khác? Phật dạy ở đâu có đau khổ, ở đó nhất định sẽ có hạnh phúc nếu chúng ta biết hồi đầu, quay ngược lại với đau khổ, ta sẽ nhận ra hạnh phúc mà thôi.

Đại dịch giúp cho chúng ta quay trở về ngôi nhà tự tâm trong cuộc đời này, nhìn rõ để chúng ta một lần nữa lại thấy được Đức Phật dạy quá đúng. Đời sống vô thường, đừng cống cao ngã mạn với cái tự ngã, tự xưng làm mù lòa trí tuệ, tê liệt đời sống tâm linh. Hãy sống khiêm tốn và đón nhận. Hãy sống từ bi và trí tuệ để tâm linh không bị liệt. Và để cho con mắt của sự tỉnh giác không bị mù lòa để ta nhìn thấu ý nghĩa của cuộc đời. Cuộc sống thật mong manh, cuộc sống thật ngắn ngủi, cuộc sống chẳng có dài lâu để hứa hẹn, chờ đợi. Hãy sống ngay bây giờ, hãy tận hưởng sự hạnh phúc và an lạc. Và hãy mang hạnh phúc, an lạc bạn đang tận hưởng trong Chánh Niệm đó, san sẻ tới cho những người đang đau khổ chưa có cơ hội nhận ra giá trị hạnh phúc vốn có ở trong họ.

Không cần cứ như vậy đùng đùng nổi giận, nổi cáu, nổi sân để rồi nhảy đong đỏng ở ngoài đường kêu than, trách cứ, gầm thét, kêu la, xỉa xói, tuôn ra những lời thô ác, thâm độc, viết lên những ngôn từ còn độc hại hơn cả bom nguyên tử, cố tình giết hại những người khác, hóa ra, ta đã phạm tội sát sanh trong tư tưởng, trong lời nói và hành động. Đâu cần phải dùng dao búa để giết một mạng sống của súc vật hay con người đâu. Ta dùng ngôn ngữ, tư tưởng và hành động của chúng ta đối xử hàng ngày như bom nguyên tử, nổ một cái mà nhiều đời nhiều kiếp, nhiều người bị hãm hại, bị chết. Đừng nghĩ rằng sát sanh là phải dùng dao, dùng búa giết mạng sống, mà sát sanh có thể bằng ngôn ngữ. Bạn giết người hoặc bạn giết súc vật bằng một nhát dao, một phát súng nhưng cái chết đó chỉ xảy ra một lần. Nhưng nếu bạn hại người bằng ngôn ngữ thì có thể giết chết người ta cả một đời nhiều lần thống khổ sẽ tới với họ. Hãy cẩn thận ngôn ngữ sử dụng. Đó là Phật dạy nên dùng ái ngữ.

Nhưng chúng ta chẳng bao giờ biết dùng ái ngữ. Không phải chỉ có Phật tử tại gia mà các bậc xuất gia cũng như vậy. Đôi khi, ta quên mất cái phẩm cách cao đẹp của mình là ái ngữ vốn có ở trong ta, để rồi cứ mở cửa cho ác ngữ tuôn ra. Chúng ta cũng quên mất phẩm cách cao cả trong tâm của chúng ta có những suy nghĩ trí tuệ và từ bi, mà cứ mở cửa tâm thức tuôn ra những nguồn tư tưởng hại người bằng độc dược, khói đen của ô nhiễm bất thiện. Chúng ta đã quên trong mỗi hành động của chúng ta là những nghĩa cử thanh cao, bác ái và từ bi. Chúng ta đã quên không sử dụng để tạo tác ra những hành động gian ác, nguy hại, hại người. Điều đó vốn có và luôn luôn bị đắm chìm, Bảo Thành và các bạn đều bị vướng vào điều đó. Chúng ta học Pháp của nhà Phật là lắng nghe, lắng đọng tâm để được an lạc, khiêm tốn để đón nhận, Chánh Niệm để từ bi và trí tuệ. Đừng Thất Niệm nữa!

Các bạn sẽ hỏi: “Làm sao tôi có thể thoát khỏi được sự Thất Niệm?”. Thì Chánh Niệm.

Chánh Niệm làm sao? Hít vào thở ra từ từ, nhận biết được tánh biết trong từng giây từng phút. Và mật ngôn Mu A Mu Sa giúp cho các bạn gắn kết mạnh mẽ, vững chãi với nguồn ân điển từ bi của Phật. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giữ cho ngọn đèn trí tuệ của bạn dù cho phong ba bão tố, những nghịch cảnh trong cuộc đời cũng không thể thổi tắt nó. Để bạn có thể nhìn rõ từng tạo tác, nhận thấy lỗi lầm sai trái để sám hối. Để nhận thấy những điều cao cả tốt đẹp để chúng ta bắt đầu bước vào một cuộc sống mới trong Chánh Niệm từ bi và trí tuệ, để rời xa Thất Niệm trong đau khổ, phiền não. Và đây cũng là một công hạnh cao vời, tột cùng nếu các bạn thực tập cho rõ thì đại dịch dù có bao phủ bạn, gia đình bạn thì bạn luôn được tự tại và hạnh phúc.

Chết vì đại dịch không sợ, chỉ sợ rằng chúng ta chết bởi vì vô minh Tham – Sân – Si, đau khổ và phiền não, chẳng biết nhân quả, chẳng thấu pháp vô thường, chẳng hiểu đau khổ tới bởi vì sự chấp ngã. Cho nên cái chết không đáng sợ bởi vì sự chết là cánh cửa để đưa chúng ta bước vào một cuộc đời mới. Nếu chúng ta chuẩn bị trong Chánh Niệm từ bi và trí tuệ thì mỗi một sự chết là một ngưỡng cửa mới bước tới, bước vào, bước đi để chúng ta có thể chạm vào được tòa sen của sự giác ngộ viên mãn.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.

Thưa Phật! Con đã hiểu bao nhiêu kiếp qua, chúng con đắm chìm trong Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố, trong tham dục, ái dục, trong thô ác, giận hờn chính là bởi vì Thất Niệm nên đau khổ và phiền não. Nay hiểu thấu lời Phật khai ngộ, chúng con vẫn còn một kho Pháp bảo đó là hạnh phúc, bình an, là an lạc, là từ bi và trí tuệ. Chỉ cần Chánh Niệm, chúng con sẽ có được tất cả.

Xin Phật gia trì để chúng con Chánh Niệm hơi thở, thẩm nhập vào đời sống trí tuệ – từ bi để tận hưởng kho tàng tuyệt vời mà Phật đã khai thị để có được hạnh phúc, bình an, cuộc sống tràn đầy những năng lượng tích cực, lan tỏa yêu thương và san sẻ yêu thương tới mọi người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Đặc biệt tới quê hương Việt Nam của chúng con, mong tất cả mọi người cùng nghe theo lời mời của Chư Phật đã khai thị, Chánh Niệm đời sống từ bi và trí tuệ để chúng con cùng cộng hưởng năng lượng, phước báu, công đức đẩy lùi đại dịch.

Nguyện xin Chư Phật gia hộ cho chúng con.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts