Search

Bài 2099. Tự Xưng Quá Cỡ | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Minh đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Tới giờ đồng tu, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi thắp sáng đuốc tuệ và gia hộ cho người dân Việt Nam chúng con mau thoát khỏi đại dịch, bệnh tật tiêu trừ, quốc thái dân an. Và xin gia hộ cho các bạn đồng tu của chúng con thể nhập Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu thấy rõ được các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Hãy cùng nhau lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và từ bi nuôi dưỡng trí tuệ của mình.

Trong Chánh Niệm hơi thở, chúng ta nhẹ nhàng hít vào và thở ra, đồng trì mật chú, quán chiếu thân tâm, đón nhận năng lượng. Chúng ta hãy luôn luôn quán chiếu và nghĩ về những người yêu thương, đấng bậc sinh thành, gia đình, xã hội, cộng đồng, chúng sanh. Gắn kết với Chư Phật, đón nhận năng lượng và rải năng lượng từ bi, đuốc tuệ đó tới cho muôn người.

Chúng ta hãy cùng hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở rất từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Các bạn! Trong bảy biến thiền trí tuệ, mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và thiền từ bi với mật chú Mu A Mu Sa, năng lượng Chánh Niệm đi vào trong hơi thở giúp cho chúng ta gỡ bỏ mọi ràng buộc của tự thân do tâm chấp thủ bám víu, và bởi màn đêm của vô minh không thấy rõ bao phủ nhiều đời để chúng ta từ đó quán chiếu thấy thật rõ lời Đức Phật dạy về các pháp vô thường sanh – diệt.

Trong từng hơi thở, Bảo Thành và các bạn đón nhận được thật nhiều năng lượng truyền vào thân tâm. Năng lượng từ bi và trí tuệ sưởi ấm trái tim, thắp sáng tâm thức của chúng ta. Làm cho cơ thể khỏe nếu các bạn thực tập cho đúng, làm cho tinh thần trong sáng và làm cho tuệ giác bừng tỉnh để bạn nhìn thấu sự việc đang xảy ra trong cuộc đời. Từ đó mà tâm ta trước những sự việc ngược xuôi xuôi ngược kéo tới với cuộc đời, thuận hoặc nghịch, tốt và xấu chẳng thể làm cho bạn lung lay, sợ hãi, phiền não, đau khổ bởi bạn đã nhìn rõ vô thường sanh – diệt tới lui, Thành – Trụ – Hoại – Không.

Mỗi ngày chúng ta thực tập như vậy là tiếp năng lượng cho tự thân và hồi hướng cho muôn người. Y như những người trong thời gian đại dịch giãn cách ở những tuyến đầu, ở những chốt trạm đặc biệt, đón nhận thức ăn, thực phẩm, thuốc để cung cấp lại cho những người mà họ không thể tới đó đón nhận trực tiếp. Chúng ta thực tập tu, Thiền Mật song tu là đứng ở tuyến đầu tiếp cận trực tiếp với Chư Phật để đón nhận năng lượng tình thương và trí tuệ để từ đó trao gửi tới cho những người yêu thương. Chúng ta sẵn sàng tự nguyện dâng hiến cuộc đời, thực tập miên mật, đứng ở tuyến đầu mang yêu thương, để chuyển hóa, chữa lành đau khổ, phiền não. Mang ánh sáng của trí tuệ vào vùng tăm tối để ai đau khổ và đang ở trong vùng tăm tối hưởng được tình yêu chân thật của Phật. Thấy được ánh sáng từ bi, trí tuệ của Phật mà lần mò thoát ra khỏi vô minh, đau khổ của sự mê lầm, chấp trược.

Chủ đề “Tự Xưng Quá Cỡ” có lẽ phù hợp với thời đại ngày hôm nay. Và nó đã từng xảy ở biết bao nhiêu ngàn năm của quá khứ, trước Đức Phật, cùng thời với Phật và mãi mãi, con người có tánh kiêu ngạo vốn ở bên trong như một gen di truyền ngàn kiếp vẫn còn đó. Để sinh ra trên đời chẳng là ai nhưng vẫn tự xưng quá cỡ. Đó là do tâm tham, tham vào cái gì? Vào bản ngã, bám víu để tự xưng. Đặc biệt, hoàn cảnh tù túng trong những hoàn cảnh hoạn nạn, chiến tranh hay những hoàn cảnh mà người ta có thể gọi là thừa nước đục thả câu. Thật là nhiều người trong chúng ta vô tình đã bám víu vào sự chấp thủ một bản ngã nào đó. Hoặc là tự ngã xưng quá cao để vỗ ngực xưng tên ta là Phật, ta là Thần Thánh hoặc ta có Bồ Tát, Thánh Hiền, Chư Phật gá vào cuộc đời để làm những chuyện cứu rỗi nhân loại, giúp đỡ đồng bào, giúp đỡ mọi người và thể hiện mình như một vị Phật, Bồ Tát hoặc như một vị đạo sư cao cả, chuyện đó luôn có trong cuộc đời.

Chưa nói đến con đường đạo đó đâu! Ở đời cũng có biết bao nhiêu con người cũng tự xưng danh phận của mình thật cao, nhiều khi không có công ty cũng tự xưng có công ty, làm danh thiếp đàng hoàng, ăn mặc chỉnh tề rồi mang mẫu mã, hình tướng của một vị giám đốc đó đi lừa gạt người khác.

Trong cuộc sống, biết bao nhiêu những người đã nhập vai một cách tinh tế thật hay để lừa tiền, lừa danh, lừa phận, thậm chí lừa cả tình. Biết bao nhiêu những người đã chết đứng bởi có ai đó mặc lên mình một hào nhoáng quá đẹp, quá hay. Để rồi chúng ta góp vốn vào cho họ làm ăn để được lời quá cỡ, quá nhiều. Nhưng rồi nhiều người đã trốn mất, hóa ra người đó chẳng phải như vậy. Bao nhiêu công sức mồ hôi làm được tiền đóng góp vào đó tiêu tán, chẳng còn chi, thân tàn ma dại, đau khổ vô cùng. Chuyện đó xảy ra thường lắm! Bởi vì chúng ta nghèo, bởi vì chúng ta khổ, bởi vì hoàn cảnh khó khăn, ta chắt chiu từng chút để chơi hụi rồi người ta giật hụi. Để đóng tiền ngân hàng rồi người ta giật, phá sản, rồi chơi hàng đa cấp người ta cũng bỏ luôn. Nói đến điều đó thật đau lòng cho bao nhiêu con người. Vẫn xảy ra, vẫn thấy đâu đó! Hoặc là bỏ tiền cho người ta mượn để người ta trả tiền lời gấp ba, gấp bốn, người ta giật luôn. Xảy ra hoài! Vậy mà vẫn cứ lâu lâu lại nghe chỗ này, chỗ kia bể hụi, bể nợ, đa cấp bị bể, đầu tư bị vỡ.

Cuộc sống luôn luôn như vậy, bởi con người bị lực hấp dẫn của tiền tài, danh vọng và địa vị quá cao, lôi kéo quá mạnh. Miếng mồi của danh lợi phình lên như bong bóng quá nhanh. Thấy trong chốc lát có được cơ hội hốt hết tiền bạc của thiên hạ, cuỗm bỏ đi nên họ sẵn sàng cam tâm làm ác mà chẳng sợ nghiệp chướng về sau. Âu cũng là chỉ vì người đó chưa thấu rõ được nhân quả không thể trốn được cho nên họ mới làm bậy mà thôi. Đã gọi là nhân quả, làm ác thì hưởng được điều gì? Chẳng hưởng được điều gì mà phải chịu nghiệp ác đó là họa, nhưng hành thiện thì hưởng được phước báu, điều đó rất đúng. Trốn lên trời, chạy ở đâu cũng chẳng trốn được.

Cuộc sống còn bị biết bao nhiêu người nhập vai, lừa những cuộc tình này, cuộc tình kia để rồi gia đình bị ly tán, vợ chồng bị ly dị. Rồi chúng ta tham quyền lực, danh phận, ta lại bị những người khác lừa. Và những cái lừa đó, một lần đau một lần mất vẫn có thể tái tạo trở lại được sau khi đứng vững. Nhưng cái lừa về đời sống tâm linh để chúng ta bán hết thần hồn và cuộc đời, sức lực để đầu tư vào đó để ngỡ ngàng trong phút cuối của cuộc đời khi tắt thở thì hỡi ôi, phước chẳng có mà nghiệp quá dày, đày đọa vào Tam Đồ khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì thật tội nghiệp cho chúng ta.

“Tự Xưng Quá Cỡ” vẫn có ở đây đó, chỗ này chỗ kia trên khắp toàn cầu chứ không hẳn chỉ ở Việt Nam. Tiếp xúc với biết bao nhiêu con người vỗ ngực xưng tên ta là Bồ Tát nhập vào, ta là Phật nhập vào. Vấn đề Bồ Tát nhập vào hay Phật nhập vào, hay Tiên Cô, Cậu, hoặc là thần linh, một hương linh, vị này, vị kia để trị bệnh, để nói những giáo lý để nghe, thực hành để ép buộc người khác phải tuân thủ theo, nếu không là chết, là nguy hại. Đôi khi còn nguyền rủa nếu không làm theo sẽ bị này, bị kia.

Các bạn đã từng nhận được những lá thư người ta gửi tới rằng, nếu không làm như này, không làm như kia, khi nhận sẽ bị xui, mấy ngày nữa, bao nhiêu ngày nữa sẽ bị tai nạn. Rồi thấy anh này anh kia, người này người kia nhận được nhưng không làm, không viết, không gửi và rồi họ đã bị tai họa.

Lòng quá yếu, tư duy không rõ, Chánh Kiến không đầy đủ dễ lâm vào tình trạng sợ hãi, và cuối cùng nhắm mắt xuôi tay tin theo những điều mê tín dị đoan.

Lại còn có những người miệng nói thật to, dõng mãnh vô cùng: “À! Ta đã là Phật, ta đã thành tựu được pháp này pháp kia. Nhiều khi thành thượng đế, ta là cõi trời, ta ở đâu đâu đó, hiện thân mang thân này để ban phước, để tha tội, để cứu rỗi mọi người”. Chuyện đó vẫn có! Ngay trong thời đại hiện tại thôi, các bạn lên mạng vẫn thấy đâu đó người Việt Nam, không nói đến toàn cầu, toàn cầu vẫn có đó, nhưng người Việt Nam vẫn có những người tự xưng. Tự xưng là đấng này đấng nọ, ta là ông trời, ta là Phật, ta là bậc giác ngộ, ta là đấng ở đâu đâu đó hạ trần để ban phước. Ai tin thì không những một mình mình mà bảy đời gia tộc của nhà mình nhiều đời nhiều kiếp đều được cứu rỗi. Vậy mà vẫn có những người tin!

“Tự Xưng Quá Cỡ” là một lực hấp dẫn rất mạnh bởi nó phù hợp với những người không bỏ công, bỏ sức, trí tuệ, tư duy, Chánh Kiến để thực hành miên mật, ngồi không mà muốn hưởng. Nên người tự xưng quá cỡ đó có lực hấp dẫn cho những ai đó không muốn thực tập tu hành, không muốn tự thắp đuốc lên mà đi, lười biếng, giải đãi, dựa dẫm nên thường bị những người tự xưng quá cỡ lừa gạt hết cả cuộc đời từ kiếp này qua kiếp sau để trầm luân đau khổ muôn đời, chẳng thể thấy được ánh mặt trời giác ngộ của Chư Phật. Điều này có!

Và chúng ta là những người tín đồ của Phật giáo hoặc là Phật tử, hoặc là thực tập giáo lý của nhà Phật chẳng cần thiết phải là tín đồ của Phật giáo. Phật giáo là con đường. Đúng ra, sự giải thoát là con đường dẫn đưa ta thoát khỏi khổ và phiền não. Sau dần hình thành một thể chế được gọi là giáo hội, rồi tôn giáo. Nay ta quen miệng sử dụng cũng không sao, miễn là chúng ta phải hiểu cho thấu. Nếu chúng ta có niềm tin vào Đức Phật, giáo lý của Ngài mà không hiểu được Ngài chính là phỉ báng Đức Phật. Phật nói thật rõ, tin mà không hiểu được Đức Phật là phỉ báng Đức Phật.

Thời Đức Phật, trong Kinh Kalama, Kalama là tên của một bộ tộc sống ở Ấn Độ thời đó khi Đức Phật còn tại thế. Khi tới với bộ tộc Kalama, bộ tộc Kalama, những bậc trưởng lão và mọi người đều nói với Đức Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Chúng con thấy các Thầy Bà La Môn tới đây giảng đạo và tuyên bố xanh rờn rằng chỉ có những gì những vị Thầy Bà La Môn đó nói mới là chân lý tuyệt đối đưa đến sự giải thoát khỏi đau khổ và thành tựu. Phải tuyệt đối tin tưởng vào những vị Thầy Bà La Môn này, và phải tuân thủ theo, không được phản lại, không được trái ý thì mới có thể thoát khổ. Thưa Đức Phật, Ngài nghĩ như thế nào?”.

Đức Phật lúc đó thật khiêm tốn, nhẹ nhàng, Ngài chẳng xưng mình là chúa tể của vạn vật, là ông trời, là vua, là một đấng tối cao, thưởng phạt, ban ơn đối với bộ tộc Kalama. Ngài chẳng giới thiệu với mọi người rằng Ngài là người nói đúng và những chân lý khác đều sai để có thể đảo ngược lại những gì các bậc Thầy Bà La Môn nói. Ngài trả lời với bộ tộc Kalama rằng: “Các ông đừng vội tin ai hết, ngay cả ta. Những gì các ông nghe được, thấy được, hãy dùng Chánh Tư Duy và Chánh Kiến suy nghĩ tận tường thấy hợp lý rồi mang vào thực hành thấy lợi ích cho sự an lạc, giảm thiểu khổ đau, chuyển hóa phiền não, có được hạnh phúc và bình an. Sau khi thực tập, tư duy, suy nghĩ, rút tỉa ra, thấy phù hợp thì hãy lắng nghe và thực tập”. Một câu trả lời chẳng khẳng định mình là đấng tuyệt đối, là ông trời có thể ban phước cứu độ, là vị đạo sư cao cả mà cũng chẳng phỉ báng, chê bai các vị Bà La Môn, những ai tự xưng mình là người đại diện cho chân lý và chỉ mình mà thôi. Câu trả lời tuyệt vời của Bậc Giác Ngộ. Câu trả lời đó không phỉ báng, gièm pha, không tự cao, nâng lên nhưng là một câu trả lời như tiếng đại hồng chung vang vọng lên trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới, đánh thức tâm thức của con người phải bừng tỉnh để suy nghĩ, tư duy để tự thắp đuốc mà đi. Đừng vội vàng mê, tin, gọi là mê tín để rồi dễ lạc bước vào những người tự xưng.

Hiện tại trong thế giới của chúng ta, nếu các bạn lên Google, các bạn lên Facebook, các bạn lên những trang thông tin, cổng thông tin đó, các bạn gõ vào những vị Phật sống, những vị Thầy có quyền năng, các bạn sẽ thấy biết bao nhiêu người Việt, không nói đến người khác, cũng xưng hô mình là Phật rồi ngồi dõng dạc tuyên bố như ông trời vậy. Tới được ban phước, tin ta được cái này được cái kia, đủ hết. Họ làm như vậy là bởi vì họ không chịu tu. Nếu thật sự họ tu, họ quán chiếu pháp vô thường thì họ cũng là một trong những phần tử vô thường trong quy luật đó thì chẳng có gì thường hằng nơi họ để họ có thể ban, để có thể cứu. Họ không đi theo chân lý của Đức Phật, nhưng bởi sự tự xưng quá cỡ đó mà đối với biết bao nhiêu con người đang đau khổ và phiền não, cầu tài, cầu tiền, cầu tình, danh vọng, địa vị, tham đắm trong quyền lực, ngũ dục của thế gian dễ bị lôi kéo theo chiều hướng không cần tập, chẳng cần tu, chỉ cần bám víu theo đấng cao cả này thì muốn có gì được đó. Chính vì điều đó mà vẫn có đất dụng võ cho người tự xưng quá cỡ trong xã hội ngày nay. Khi mà nền Phật giáo đi vào Việt Nam của chúng ta, trải dài gần 2000 năm qua, lẫn lộn vào những niềm tin, những sự suy diễn ngoài luồng của những con người chưa đi đến sự chứng ngộ nhìn thấu vạn pháp vô thường, vô ngã nên thường dựng những ngã tướng, xưng lên những pháp thường hằng để ban. Chúng ta bị lẫn lộn vàng thau, đúng sai, tà đạo, ngoại đạo lẫn lộn trong màu áo của Phật giáo, bởi vậy mê tín dị đoan vẫn có đất để gieo trồng những mầm mống làm băng hoại.

Kinh Kalama nói thật rõ như vậy rồi. Phật nói phải tư duy, phải Chánh Kiến, phải tìm hiểu và thực hành thấy có lợi, đừng vội vàng tin. Bởi nếu như tin vào Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật. Bởi vậy khi tin vào giáo lý của Phật, ta phải tìm hiểu, thực tập mật ngôn số hai NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là để thúc đẩy chúng ta, sách tấn chúng ta phải tự lực đứng dậy thắp đuốc mà đi để khai mở trí tuệ, tìm hiểu Phật và giáo lý của Phật để từ đó dấn thân vào con đường học hỏi lời của Phật dạy để giải thoát, đó mới là đúng chân lý và chuẩn mực của những con người đi theo Phật giáo hoặc là tín đồ Phật giáo, hoặc là Phật tử gọi dưới bất cứ một hình thức nào.

Đức Phật lại nói tiếp với bộ tộc Kalama: “Các ông đừng vội vàng thấy điều gì đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà cho là chân lý rồi tin”. Chúng ta dễ bị tin vào chỗ này. Nhiều người lặp đi lặp lại nhiều lần những lợi lạc khi họ dạy, khi họ tự xưng nên ta sa ngã. Phật lại nói: “Các ông đừng vội vàng tin vào những điều gì là phong tục tập quán ngàn năm”. Chúng ta dễ bị sinh ra trong một tôn giáo, một truyền thống, một thôn xóm, một luật, một lệ, phong tục tập quán cổ truyền của chòm xóm, của dân tộc, của tín ngưỡng, của gia đình rồi chúng ta nằm im ở đó và đón nhận thì Phật nói rằng: “Đừng vì như vậy mà tin. Phải nghiên cứu!”.

Rồi Phật lại nói: “Các ông đừng vội vàng tin vào những lời viết của Kinh điển trải qua hàng ngàn năm, phải nghiên cứu, suy xét”. Ngày nay cứ mang Kinh ra là nói là Kinh của Phật, Kinh của đạo sư, Kinh này Kinh kia ngàn năm lưu truyền rồi chúng ta vội vàng chẳng thực tập, tư duy, chẳng suy nghĩ và chẳng mang qua sự thực hiện để chứng nghiệm mà cứ vội vội vàng vàng tin theo một cách cuống cuồng thì Phật nói: “Không!”.

Phật lại còn dạy: “Các ông đừng vội vàng tin vào những văn tự, Kinh điển nói rằng của những bậc Thánh, bậc trời, hoặc của những bậc đạo sư cao cả, những lời truyền của những vị truyền giáo xưng tụng để rồi nhào mình vào như con thoi và bán mình như con thiêu thân một cách cuống cuồng mê tín như vậy. Tất cả những điều ta nói hoặc những điều bậc nào nói, đấng nào nói, người nào nói đó, các ông nghe thì phải có một sự tự chủ suy nghĩ, tư duy, xem xét, thực hành thấy rõ, hiểu thông, có lợi lạc thì hãy tin theo”.

Qua sự hướng dẫn của Đức Phật, Ngài đã khẳng định Ngài không phải là thượng đế, Ngài không phải là ông trời, Ngài không phải là một đấng nào đó ban bố tất cả, cứu rỗi. Mà những câu trả lời, dạy dỗ của Phật đã minh định thật rõ thân phận của Phật rằng Ngài là một vị Thầy, Ngài tới hướng dẫn và dạy dỗ cho chúng ta những bài học đích thực. Và khi chúng ta tới với một vị Thầy như Phật thì phải hiểu rõ, tin vào vị Thầy đó, đi tìm hiểu chuyên môn của Thầy đó đúng hay sai bằng cách tư duy, suy nghĩ, thực hành, thấy hợp kiến thức, khả năng truyền dạy của vị Thầy đó, chúng ta thấy hợp với cuộc đời, chúng ta bắt đầu thực hành một cách miên mật, tin một cách vững chãi. Niềm tin tăng trưởng bởi sự hiểu biết, cho nên tin Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật. Tin Phật mà tưởng Phật như một ông trời, ông vua, một thượng đế, một vị thần linh, một đấng nào đó để cầu xin, để bám víu là ta chưa thật sự hiểu về Phật, ta đang phỉ báng Phật. Tin Phật thì phải hiểu Phật là Thầy dạy cho chúng ta. Và đã là Thầy, đã là học trò thì ta phải lắng nghe, nghiên cứu, thực hiện, thực tập, trải nghiệm để rồi tăng trưởng kiến thức, tự thắp đuốc mà đi.

Trải qua hàng ngàn năm Phật giáo thay đổi thật nhiều, không nói đến những tôn giáo, tín ngưỡng khác mà ngay trong Phật giáo. Có những quốc gia, có những con người, bởi vì trong những kỷ nguyên cũ của lịch sử khi mà con người ít có cơ hội đi đây đi đó, ngồi một chỗ ở một quốc gia thì cứ tưởng mình như cao ngất ở trên trời. Thời kỳ của năm, sáu, chín, mười thế kỷ trước, sự đi đứng khó khăn dữ lắm. Và ở những quốc gia mà con người chưa bao giờ đi, thường ở một chỗ, chưa nhìn thấy trời như câu tục ngữ của Việt Nam: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ở nhà với mẹ biết chừng nào ta tỏ phải không các bạn? Thì ở những quốc gia, những con người hoặc những tình huống trong lịch sử thường ít đi để nhìn thấy người khác cho nên vẫn tự nâng mình lên quá cao, để rồi có những danh vị như là bậc đạo sư cao cả, đặt mình cao hơn Phật và cách tự xưng như vậy thường diễn ra từ thời Đức Phật cho tới thời nay, trước thời Đức Phật cho tới mãi mãi vẫn còn.

Ngày nay có những tông phái ở những quốc gia Phật giáo vẫn tự xưng rằng họ là những bậc đạo sư cao cả. Và rồi họ chuyển hướng giáo lý của nhà Phật, vẫn là giáo lý của nhà Phật, giữ mẫu mực đó, vẫn tên đó, vẫn thương hiệu của Phật giáo đó, nhưng gắn kết vào ý tưởng của riêng họ để họ nâng họ lên tầm cỡ cao hơn Phật để bắt buộc mọi người phải tuyệt đối tin vào họ, những bậc đạo sư cao cả vô cùng. Để cuối cùng là gì? Họ sai khiến mọi người phải tuân theo, nếu không thì bị trừng phạt và không theo họ thì chẳng thể giải thoát. Từ đó, họ áp chế một khuôn mẫu trong niềm tin của chúng ta và rồi chúng ta trở thành người mê tín quá cỡ. Thậm chí mà nước rửa tay, rửa chân, tắm rửa của họ, họ cũng bắt chúng ta uống như một nước phép nhiệm mầu. Chuyện đó vẫn xảy ra!

Họ có thể thay hình đổi dạng dưới mọi hình tướng, vẫn oai nghi bởi miệng của họ nói rằng họ là Phật, họ là đạo sư và giáo lý họ đưa ra bắt buộc phải tin, và chỉ có họ mới có thể mang tới con đường cứu rỗi, không còn ai hết, không còn một tông phái, không còn một vị nào, bậc Thầy nào nữa. Trong khi Đức Phật dạy về vô thường, vô ngã, vậy mà những người xưng tự ngã như vậy muốn hơn cả Đức Bổn Sư và phải theo họ, và chỉ có họ mới đúng mà chúng ta lại răm rắp quỳ lạy, tuân theo.

Khi quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta phải hiểu thấu được pháp vô thường sanh – diệt và vô ngã, còn nếu không, bám víu sẽ khổ. Mà khổ thật sự! Những người con người bám vào những vị xưng danh quá cỡ, là Phật, là Thầy, là đấng này đấng kia, là đạo sư rồi bán nhà bán cửa, bỏ tất cả để đặt niềm tin vào người đó thì gia đình đổ nát, vợ con, chồng ly dị, và nếu là xuất gia thì đi theo con đường không đúng, lạc mãi triền miên trong vô lượng kiếp, đau khổ, luân hồi.

Phật chẳng xưng mình là một vị đạo sư phải tin vào Phật, vậy mà ngày nay trong những hệ thống tôn giáo, tông phái vẫn có những người tin rằng chỉ có vị đạo sư đó và tông phái đó, như về Thiền Định, như về Tịnh Độ, như về Kim Cang Thừa, Mật Thừa, những vị đạo sư cao cả còn hơn Phật và phải tin theo những vị đạo sư đó. Và pháp môn đó là pháp môn tối thượng. Họ có thể ban truyền cái này cái kia dưới đủ mọi dạng để mang lại lợi lạc, hạnh phúc và bình an. Họ nói tất cả mọi chuyện đều trái ngược với luân hồi sanh tử, nhân quả của nhà Phật. Họ ban hết, họ tặng hết, họ có hết, họ trao hết, họ ngồi họ nói thật hay, nghe thật thích. Và rồi chúng ta được họ trao, họ ban bằng miệng, khoái quá nên bỏ tất cả, đâm đầu vào mê tín dị đoan, không tư duy, chẳng thực hành, không có một công đức nào. Vẫn bị lừa, lừa mãi suốt cuộc đời, nếu tái sanh chắc có lẽ sẽ phải tái sanh trở lại con lừa mà thôi.

Các bạn! Trong Kinh Kalama, Đức Phật dạy, Ngài nói thật rõ, Ngài là bậc Thầy dạy cho chúng ta, Ngài có đủ kiến thức bởi vì Ngài là một bậc đã tu luyện, tự giác ngộ hiểu thấu. Kiến thức của Ngài là kiến thức giải thoát đau khổ và phiền não, và kiến thức đó, những học trò nào nghe thì cần phải thực hành, cần phải tu tập, cần phải ứng dụng, cần phải nghiên cứu, cần phải tìm hiểu. Sau đó minh định thật rõ Phật là bậc Thầy, tin theo Ngài bởi đã hiểu được Ngài, từ đó ta sẽ giải thoát. Chẳng ai ban bố điều gì cho ta hết. Chẳng ai cứu được ta, chỉ có ta tự thắp đuốc lên mà đi. Khi lắng nghe bậc Thầy của mình dạy, nghiên cứu thật rõ, thực hành miên mật, hiểu thấu rồi từ đó, ta sẽ là người tự thắp đuốc bởi kiến thức, sự truyền dạy của bậc Thầy giúp cho chúng ta đi vững chãi trên con đường thoát khổ, đẩy lùi vô minh, trải nghiệm an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.

Đặc biệt trong thời gian giãn cách, đại dịch lan tràn, đau khổ và sợ hãi, nhất định sẽ có thật là nhiều người lừa đảo. Trên phương diện về tiền, họ mượn danh hoặc là lợi dụng những thông tin của vị này bị bệnh, vị kia bị ốm, thôn này bị nghèo, thôn kia bị khổ, túng thiếu để rồi kêu gọi chúng ta gửi tiền để họ làm việc giúp đỡ người đang bệnh hoạn, hoặc có thể là người Phật tử đang nghèo khổ, trung tâm này, trung tâm kia nhưng họ không trung thực. Bởi vậy hoàn cảnh càng khó khăn, càng đau khổ, người ta dễ bị lợi dụng tình thương, thừa nước đục thả câu. Và thế, trong tình yêu thương mà chẳng có trí tuệ đó, từ bi, yêu thương mà không có trí tuệ nên ta thường bị gạt gẫm.

Và rồi cũng có nhiều người tự xưng để rồi ban truyền những giáo lý, những câu Kinh, những mật chú, những cách này, cách kia để đẩy lùi đại dịch. Vẫn có người tin, trong khi Phật nói tất cả đều do nhân quả thiện – ác mà ra, chẳng phải câu Kinh đó được dạy để chuyển hóa tất cả mọi đại dịch, tụng Kinh mà hết. Không! Nếu vậy từ xưa đến giờ đại dịch không có, không có đâu, bởi ai cũng tụng Kinh cầu cứu hết. Thấy có hết đâu! Mọi sự hết đó đều là do những nhà khoa học chế tạo ra vaccine, thuốc trị bệnh và chúng ta thực hiện theo những kiến thức khoa học về ngành y hướng dẫn. Kiến thức khoa học ngành y cũng là kiến thức siêu việt bằng trí tuệ hiểu thấu để phối hợp sự hài hòa giữa tất cả sự sống của muôn loài để giữ được sự thăng bằng, hết bệnh, đẩy lùi dịch.

Chúng ta phải tuân thủ theo khoa học một cách thực tế, đừng vội vàng mê tín dị đoan để lâm vào chết lâm sàng tâm linh, gọi là sống thực vật, đời sống thực vật tâm linh đó các bạn. Chúng ta đã từng thấy những đời sống thực vật của nhiều người liệt, chết não hoặc là liệt vẫn nằm đó mà là thực vật. Thì đời sống thực vật tâm linh cũng y như vậy, còn di động, còn nói, còn làm nhưng mà tâm linh bị liệt giường từ vô lượng kiếp như thực vật rồi. Nhảy cuống cuồng như con cào cào ở chỗ này chỗ kia, con ếch bay tới chụp một cái, thế là thân mạng chết. Ta cuống cuồng nhảy quá, như cào cào ở ngoài đồng, ngoài ruộng, chim nhìn thấy thì làm mồi cho chúng.

Có một câu chuyện rất đặc biệt thời xưa Đức Phật dạy trong câu chuyện cổ, Đức Phật hiện thân là cây sứ đứng giữa đường. Thời đó hạn hán, có một con cò thiếu ăn, nó tới một cái hồ cạn dần cạn dần nhưng nó không bắt được cá và cua, nó nói với cá, cua rằng: “Thời này là thời hạn hán, tôi thấy, tôi bay được. Tôi thấy ở kia có một vũng nước cao, hồ đó nước càng ngày càng đầy, xanh tươi, đẹp lắm, mà ở đây hạn hán mỗi ngày, các ông, các bà cá, cua nếu còn ở đây thì sẽ chết dần thôi”.

Cá, cua thấy đúng. Nước cạn dần cạn dần, hạn hán, nứt nẻ và đã nhiều thân bằng quyến thuộc cá, cua đã chết nên nghe lời anh cò này nói thích thú quá. Cò mới nói: “Thôi các anh từ từ đi, tới đây. Tôi sẽ gắp từng người thả xuống hồ kia”.

Nhà cá, nhà cua thích thú vô cùng, để cho cò gắp đi từng người, từng người đi, từng con cá đi để thả vào hồ lớn mênh mông vô tận. Bởi vì trong cái hạn hán đó, đằng nào cũng chết mà nghe cò nói thì thích quá.

Trong cơn đại dịch, đại hạn ngày nay, đại nạn này lại có những anh cò. Mà ở đời có nhiều cò lắm! Cò tiền, cò tài, cò đủ mọi thứ cò hết, cò nhà, cò đất, cò…, ui cha đủ thứ cò kể không hết. Thế thì khi các bạn nghe cò, các bạn hãy nhớ tới câu chuyện tiền kiếp này.

Cá cứ từ từ đưa thân cho cò gắp đi. Đến lúc anh cua, anh cua mới thấy cá đi mà không thấy thông tin gì mới hỏi cò, cò nói: “Thôi! Còn anh đó, muốn chết hay muốn đi?”. Cua nói cũng đi.

Bây giờ, anh cò này muốn gắp cua, cua bảo: “Thôi thôi! Tôi không mềm mại, tay chân sần sùi, cho tôi ngồi đằng sau để tôi có thể nắm vào cổ của anh, tôi đi cho đỡ sợ, đỡ rơi, đỡ mệt cho anh”.

Cò thuyết phục không được nên chấp nhận để cua ngồi sau lưng ôm lấy cổ của mình. Cò bay một đường xa thì đậu vào cây sứ vì đó là chặng đường phải dừng nghỉ. Anh cua nhìn xuống gốc cây sứ thấy toàn là xương cá, và lúc này mới ngỡ ra rằng những anh cá theo cò đi, đã bị gắp đưa đến cây sứ này và bị giết chết. Cua ngộ ra và rồi cua cặp hai cái càng thật lớn vào cổ của cò, cò chịu không nổi, cuối cùng cò bị rớt xuống gốc cây và chết đi.

Đức Phật nói thời đó ta là hiện thân của cây sứ, đứng một chỗ không đi đâu được, thấy anh cò lừa gạt nhà cá mà không sao cứu được. Trong cuộc đời này, chúng ta thấy, bởi vậy Đức Phật sau này mới hiện thân là Phật, là bậc Thầy để dạy, để chúng ta đừng vội tin vào những anh cò, cò đất, cò tiền, cò quyền, cò tài, cò tâm linh.

Chúng ta thấy đợt vừa rồi xảy ra một chuyện thật lớn, kinh hoàng ở Việt Nam khi có những bậc Thầy có thể thần thông, thần thông trị mọi thứ bệnh đó. Họ có cả một ekip, tức là có một đàn cò để dẫn đường dẫn lối lừa gạt tiền, lừa gạt danh vọng, địa vị, lừa gạt tiền rồi họ đâu phải là bậc Thầy trị bệnh đâu. Khi đã bung ra rồi, ngộ ra thì thôi quá ngỡ ngàng, đau khổ.

Chúng ta ở đời phải nhớ lời Phật có nhiều loại cò sẽ lừa gạt chúng ta. Cho nên cò thường xưng dưới hình thức tốt đẹp cứu người nhưng cò sẽ giết chết chúng ta. Cò tâm linh là một dạng cò thật nguy hiểm! Các bạn nhớ, tự xưng quá cỡ thường xảy ra trong cuộc đời, nhất là những hoàn cảnh như đại dịch ngày nay, khó khăn xảy tới với chúng ta, chúng ta dễ bị vướng vào những anh cò như thế. Nhưng trong đời sống tu tập Phật, ta đừng để chúng ta bị những anh cò tâm linh cài đặt chúng ta vào và định vị chúng ta vào để rồi suốt cuộc đời lệ thuộc vào những điều mê tín dị đoan của những cái danh thật cao như những bậc đạo sư cao hơn cả Phật, những bậc Phật, bậc Thánh sống, Bồ Tát hiện thân, gá vào, xuống trần cứu độ chúng sanh. Mà phải có trí tuệ như bộ tộc Kalama được Phật dạy phải tư duy, Chánh Kiến, thực hành để hiểu thấu. Tin Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật. Chúng ta là tín đồ Phật giáo hay chúng ta là Phật tử, hay chúng ta là những hiền gia hay những người thực tập không trực thuộc Phật giáo, không theo tôn giáo, mà đang thực hiện những chân lý, những cách hướng dẫn của Phật thì cần phải hiểu được Phật, còn không, chúng ta đang phỉ báng Phật, phỉ báng một vị Thầy bởi vì chúng ta đã nghĩ Phật là một đấng thần linh tối cao, là ông trời, thượng đế, là người có quyền lực ban bố và trừng phạt để ta quỳ lạy theo và xin xỏ Ngài.

Chuyện này thường xảy ra trong đời người. Vốn trong tâm của kiếp nhân sinh thường có tâm tham, chấp quyền, danh, tiền tài, danh vọng và địa vị. Tham – Sân – Si vốn có nên thường lừa gạt nhau, biến mình mất dạng thành cò. Chúng ta đừng để cho những loài cò lừa gạt chúng ta, sống phải có tư duy, phải có Chánh Kiến, thực tập Pháp Phật cần phải tư duy cho rõ.

Mô Phật! Xin đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau.

“Thưa Phật! Vô lượng kiếp qua chúng con đã bị loài cò lừa gạt để xác phơi trên sa mạc luân hồi sanh tử, đau khổ triền miên. Phật là bậc Thầy chúng con đã hiểu, chúng con tin là bởi vì tìm hiểu, nghiên cứu, tư duy bằng Chánh Kiến, thực hành và thấy đúng.

Nguyện xin Ngài là bậc Thầy luôn dìu dắt chúng con thắp sáng đuốc tuệ, trao gửi tình thương để chúng con dõng mãnh thực tập mỗi ngày thoát khổ và chuyển hóa mọi màn đêm vô minh đang che phủ.

Xin Chư Phật gia hộ.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mời các bạn hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay nếu có được tới quê hương Việt Nam của chúng con để nguyện rằng đại dịch mau qua, quốc thái dân an, và tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts