Search

Bài 2066. Tự Làm Mù Lòa | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!

Ngày đầu tuần, mọi sự đã trang nghiêm từ Thân – Ngữ – Ý đều hướng về với Chư Phật, chúng ta hãy bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương đến cho muôn loài chúng sanh và gia trì khai mở trí tuệ để chúng con quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Chúng con cũng thành tâm hồi hướng cho quê hương, quốc tổ Việt Nam của chúng con mau qua cơn đại dịch để muôn người dân được bình an, trở lại cuộc sống bình thường. Hồi hướng cho tất cả những chư vị hương linh nương bóng từ bi của Chư Phật mà tái sanh cảnh lành. Hồi hướng cho quý Phật tử chúng ta, các bạn đồng môn tinh tấn tu học.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy hướng về nhau bằng tâm từ, bằng sự tinh khiết của lòng khiêm tốn với tâm thành kính nương vào ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, thể nhập vào hơi thở của Chánh Niệm, trì mật ngôn, quán chiếu trí tuệ và từ bi để đón nhận năng lượng để được bừng tỉnh trong từng giây phút, sát na của cuộc đời.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Nếu chúng ta là những con người trồng hoa, trồng cây kiểng thì chúng ta đều biết từng giọt nước khi tưới vào những loài hoa, cây kiểng ấy, cây sẽ hút vào qua sự thẩm thấu của nước vào đất để lấy nguồn sinh sống từ nước mà tăng trưởng. Không có nước cây sẽ chết. Con người chúng ta không khác gì những loài cây kiểng nhưng ta là cây kiểng tâm linh, ta cần phải được tưới tẩm bằng những giọt ân điển từ bi của Chư Phật vào miền đất tâm của chúng ta. Với ánh sáng vi diệu của trí tuệ Chư Phật tỏa vào trong lòng, mỗi người chúng ta đón nhận ánh sáng trí tuệ của Phật, đón nhận năng lượng từ bi của Phật thì nhất định mỗi người sẽ trỗi dậy từ vùng tăm tối để tỏa sáng trong cuộc đời, sống đúng với chính mình, với tâm Phật hiển lộ và với tự tánh thanh tịnh vốn có mà Đức Phật đã khai thị, chỉ dạy rằng chúng ta có được điều đó. Mỗi một buổi sáng và mỗi một buổi tối, chúng ta đồng tu với nhau ở những khung thời gian và ở những quốc độ khác nhau, có thể các bạn trực tiếp hay gián tiếp nhưng dù gián tiếp hay trực tiếp thì sự tu Pháp Phật nhiệm mầu không có ngăn ngại, không có chướng ngại, vẫn vượt khỏi tầm kiềm tỏa của không gian và thời gian để mỗi người chúng khi tương tác qua màn ảnh, tâm với tâm liền với nhau, vượt ngoài thời gian, không gian để rải năng lượng từ bi tới với nhau qua sự chứng minh, gia hộ của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Mỗi một lần như hôm nay chúng ta nói chuyện là mỗi một lần tất cả chúng ta đều giao thoa với nhau bởi năng lượng từ bi, bởi ánh sáng trí tuệ của Chư Phật nên từng hơi thở Chánh Niệm vào ra, Bảo Thành và các bạn khi trì mật ngôn Mu A Mu Sa quán chiếu tâm từ bi và khi trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang quán chiếu trí tuệ, gọi chung cả 02 mật ngôn là quán chiếu trí tuệ – từ bi hay gọi là trí tuệ – từ bi quán, gọi ngược hay gọi xuôi cũng đều đồng một nghĩa nhưng khi nói đến trí tuệ – từ bi quán là nói đến phẩm hạnh cao siêu, Pháp môn vi diệu của Mẹ hiền Quan Thế Âm đã thực hành nhiều đời nhiều kiếp và Pháp môn đó đã đưa Ngài đến sự chứng đắc thành quả Phật, thành quả Bồ Tát để hóa hiện thân cứu độ muôn người ở mọi cõi pháp giới, mọi thời gian.

Khi tiếng khổ của nhân gian, của con người lầm than vang vọng trong tâm thức thì Mẹ hiền Quan Âm tầm thinh cứu khổ liền biết bởi Ngài quán bằng tâm từ, Ngài chiếu bằng trí tuệ. Trí tuệ và từ bi của Ngài đã đưa Ngài tới thật gần với từng chúng sanh. Ngài lấy tình thương và Ngài lấy được trí tuệ viên mãn từ sự tự chứng, tự tu để dẫn đường, dìu dắt chúng ta cho nên sự nhất tâm tu tập trong hơi thở Chánh Niệm Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn với 02 mật ngôn này, trí tuệ và từ bi quán rất quan trọng trong mỗi người chúng ta. Nếu như chúng ta biết chăm sóc cho mình về đời sống tâm linh cũng như biết tự chăm sóc cây kiểng, cây bông thì không phải là ta chăm sóc cây kiểng nữa mà là cây trường sinh của sự sống tâm linh vốn có nơi chúng ta. Không thể bỏ qua, chúng ta không thể cứ coi như lãng quên mãi mãi!

Các bạn! Bảo Thành tràn đầy năng lượng ngây bây giờ và chúng ta đều hồi hướng cho nhau, đều gửi tới, đều nương vào hùng lực của Tam Bảo để rải năng lượng từ bi đó tới cho nhau. Nhất định các bạn, khi qua màn hình này, đều cảm nhận được năng lượng đó. Không phải là qua Bảo Thành, không phải qua bạn đồng môn mà qua đấng từ bi từ Niết Bàn, từ cõi thanh tịnh nhất, đấng đó là Chư Phật mười phương, Chư Bồ Tát và đón nhận từ các Ngài, chúng ta lại gửi đến nhau, cho nên sự cộng hưởng thật lớn, năng lượng chúng ta đón nhận được thật nhiều nếu chúng ta có tâm thành kính, có tâm khiêm tốn và luôn luôn biết mở lòng, trải lòng ra để đón nhận.

Với chủ đề quán chiếu chia sẻ hôm nay, một chủ đề mà có lẽ trên đời không ai tự làm điều đó, chủ đề là: “Tự Làm Mù Lòa”.

Các bạn thấy sinh ra trên đời, khi gặp trường hợp nào đó, mắt của chúng ta kém, nhìn không rõ đã khổ rồi, mà ai sinh ra lỡ mù, lỡ lòa thì cuộc đời xoay sở, tự lo cho bản thân khó lắm. Đó là bẩm sinh, còn nếu sinh ra với đầy đủ căn lành, mắt thật sáng mà chúng ta tự làm mù lòa thì chắc có lẽ có cho tiền cũng không ai dám làm. Bây giờ, chúng ta tự hỏi rằng: “Bảo Thành và các bạn, có ai dám tự làm mù lòa không?”, có lẽ ta thật vội vàng nói: “Không bao giờ! Không bao giờ, không hề. Không hề có tư tưởng nghĩ rằng sẽ tự làm mù lòa mình” nhưng Bảo Thành tin chắc, Bảo Thành và các bạn đã tự làm mù lòa con mắt của chúng ta. Trước khi nói chúng ta làm mù lòa như thế nào thì chúng ta đi vào một câu chuyện thật sự có do chính Đức Phật kể cho hàng đệ tử của Ngài là có một vị tự làm mù lòa bản thân của mình.

Thuở đó Đức Phật có một đệ tử Tỳ kheo hỏi Đức Phật rằng: “Thưa Thầy! Làm thế nào mà Ngài Xá Lợi Phất lại có thể có được thiên nhãn thông để nhìn thấu tất cả?” Thiên nhãn thông nha các bạn. Phật mới nói với các hàng Tỳ kheo và đệ tử rằng: “Ông Xá Lợi Phất ngày nay là đệ tử bậc nhất của ta có thiên nhãn thông chính bởi vì thời xa xưa, trong một tiền kiếp thật xa, xa lắm, thời đó có một vị Tỳ kheo tu theo khổ hạnh, phát đại nguyện cúng dường và hiến tặng tất cả vì nguyện Bồ Tát hạnh. Hạnh Bồ Tát đó các bạn, hạnh từ bi, hạnh trí tuệ. Và vì đó nên phát nguyện là sẽ hiến dâng tất cả, từ tiền tài, vật chất, của cải có được, từ thân mạng và cuộc sống. Với sự phát nguyện lớn như thế, một hôm vị đó gặp một chàng thanh niên ngồi khóc nên vị Tỳ kheo đó mới hỏi anh thanh niên rằng: “Sao anh lại khóc như vậy?”.

Anh thanh niên nói: “Chuyện này thật lớn, dù có nói ra, ông cũng không thể giúp tôi được đâu”.

Vị Tỳ kheo kia liền nói: “Hãy chia sẻ để tôi có lòng cảm thông, và tôi, nếu được, nhất định sẽ giúp đỡ bằng cả tấm lòng và cả tâm chân thật”.

Vị kia cuối cùng nói rằng: “Mẹ tôi bị một cơn bệnh trầm kha nguy hiểm, các vị bác sĩ nói rằng phải cần một con mắt mới có thể cứu được mẹ khỏi bệnh”.

Chỉ nghe sơ qua như thế, vị Tỳ kheo kia tĩnh lặng trong thinh không, trầm tĩnh và mỉm cười, đôi mắt bừng sáng, hình như vị Tỳ kheo đó đã nhìn ra được Ngài có khả năng cứu giúp mẹ của anh chàng này.

Anh chàng này nói: “Thôi! Đừng nghĩ chi nhiều. Ngài chẳng thể cứu được mẹ tôi, cũng chẳng có kế hoạch hoặc phương pháp nào đâu. Thôi kể cho nghe vậy thôi”, nhưng vị Tỳ kheo nói: “Không! Ta có thể làm được” và Ngài đích thân lấy tay móc con mắt trái ra, hiến tặng cho anh chàng kia.

Đây là một lòng tuyệt vời của một vị Bồ Tát hạnh, sẵn sàng làm mù con mắt của mình, móc con mắt trái của mình ra tặng cho anh chàng thanh niên vì mẹ của anh ta theo bác sĩ nói là cần con mắt để chữa bệnh. Thế nhưng, trong sự an vui, hạnh phúc bởi vì cúng dường với tâm nguyện của mình cho anh chàng thanh niên con mắt nhưng ngược lại, anh thanh niên kia lại khóc rống và nói rằng: “Thôi hỏng rồi! Chẳng thể như vậy. Bác sĩ nói cần con mắt bên phải mà Ngài lại tặng tôi con mắt bên trái thì mẹ tôi chẳng có cách nào để chữa lành bệnh nữa rồi”.

Vị Tỳ kheo kia cũng trong sự tự tại, an nhiên, khuôn mặt bừng sáng, tỏa hào quang của Bồ Tát hạnh, sẵn sàng móc luôn con mắt phải mà tặng cho anh ta. Và với một tâm thái an nhiên, tự tại đưa cả hai tay, đầu tiên là móc mắt trái, thứ hai móc mắt phải hiến tặng cho chàng thanh niên mà chẳng một lần than trách về sự lầm lẫn của anh ta hoặc điều anh ta nói tới, nói lui, mà với sự hoan hỷ, miệng mỉm cười, thần quang, trí tuệ bừng sáng, sẵn sàng hiến dâng cả hai con mắt. Ngược lại, anh thanh niên kia đối xử như thế nào đây?

Anh ta đứng dậy, chẳng một lời cảm ơn, chẳng một lần nói một lời gì để tri ân mà còn quẳng cả hai con mắt xuống đất và nói rằng: “Chẳng thể làm được gì với hai con mắt của ông và hai con mắt của ông nó hôi mùi, nó thối, nó không tốt thì làm sao chữa bệnh được cho mẹ?”

Nghe được câu nói đó, vị Tỳ kheo kia vẫn an nhiên, tự tại mỉm cười, chẳng hề thể hiện một điều gì không như ý bởi Ngài đã làm trọn vẹn sứ mệnh của sự hiến dâng, tận hiến, tự tay làm mù lòa cả hai con mắt hiến dâng cho anh chàng thanh niên.

Một tháng sau, Chư Thiên mới hóa hiện ra và nói với Tỳ kheo rằng: “Chúng tôi là Chư Thiên, thấy phẩm hạnh cao quý của Ngài là phẩm hạnh Bồ Tát cho nên đã thử Ngài, và Ngài đã làm trọn vẹn lời đại nguyện với chí nguyện giải thoát phẩm hạnh Bồ Tát đó, chúng tôi tán thán công hạnh của Ngài”. Và Đức Phật nói: “Ông Tỳ kheo đó là tiền thân của ông Xá Lợi Phất, cho nên khi trở lại kiếp này, Xá Lợi Phất đã được gặp ta, được khai thị và giác ngộ, có được thiên nhãn thông”.

Như vậy, câu chuyện tiền kiếp của ông Xá Lợi Phất, Đức Phật kể cho hàng đệ tử nghe là một câu chuyện nói về một người tự làm mù lòa nhưng tự làm mù lòa bằng chí nguyện thanh cao, giải thoát, bằng phẩm hạnh Bồ Tát để độ sanh. Tự làm mù lòa bằng con mắt bình thường nhưng không mù lòa bằng con mắt của một vị Bồ Tát có phẩm hạnh cao quý. Đây là sự tự làm mù lòa của Bồ Tát hạnh để mang đến niềm vui và hạnh phúc cho chúng sanh.

Các bạn! Ngược lại chúng ta, chúng ta tự làm mù lòa nhưng chẳng phải tự làm mù lòa bằng phẩm hạnh của Bồ Tát để mang lại sự bình an, hạnh phúc, lợi lạc cho chúng sanh mà chúng ta tự làm mù lòa bởi tâm Tham – Sân – Si. Bởi mỗi một ngày, ta không tự móc mắt nhưng ta tẩm vào con mắt của chúng ta, ta tẩm vào tâm của chúng ta, ta tẩm vào thân của chúng ta, ta tẩm vào cuộc đời của chúng ta những loại độc dược nguy hại vô cùng. Độc dược đó là gì? Là tham, là sân, là si. Độc dược đó là gì? Là nơi con mắt thế gian, ta soi mói chuyện đời, ta xỉa xói chuyện người, ta moi móc đủ thứ, ta nhìn gà hóa cáo, ta nhìn trắng hóa đen, ta nhìn phải hóa sai, hóa trái, ta nhìn thiện hóa ra ác, ta nhìn ác hóa ra thiện, cứ lẫn lộn như vậy mà mỗi người chúng ta, Bảo Thành và các bạn nhiều kiếp qua đã tự làm mù lòa bởi chúng ta lần mò trong vô minh, chẳng có phẩm hạnh, chí nguyện giải thoát thanh cao như tiền thân của ông Xá Lợi Phất mà chúng ta chỉ có một điều duy nhất là cứ lần mò theo những tập khí bất thiện nhiều đời để rồi vô lượng tiền kiếp trước, ta lặn ngụp trong Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, sáu đường khổ và rồi cứ thế, cứ thế, không phải là tái sanh nữa mà là luân hồi, bị nghiệp dẫn, luân hồi từng kiếp, từng kiếp và mỗi một kiếp ta lại cứ tiếp tục tự làm mù lòa trong Ngũ dục, trong Tham – Sân – Si, trong những điều bất thiện.

Các bạn có thấy điều đó không? Chúng ta làm mù lòa mình trong tánh sân và trong tánh sân đó thể hiện cái tôi, bản ngã. Ở đời, ai nói gì thì ta cũng muốn hơn cho nên con mắt ta đã tự mù lòa bởi chính cái tôi của mình. Ta chẳng thể nhìn và nhận ra giá trị đẹp đẽ, giá trị thanh bình, giá trị tuyệt vời mà Phật đã nói là nơi chúng sanh có một tánh Phật. Ta đã tự làm mù lòa, chẳng nhìn thấy nơi nhau có phẩm cách cao quý đó là Phật tánh. Vì sao? Vì ta luôn đặt mình ở trên cao. Vì sao? Vì cái tôi của ta quá lớn. Nói về cái tôi của mình quá lớn để rồi cái tôi đó hòa vào trong Tham – Sân – Si, Hỷ – Nộ – Ái – Ố, những con đường dục của cuộc đời làm cho chúng ta tự mù lòa, và càng mù lòa thì cái tôi càng cao, cái ngã càng lớn, nó xảy ra trong mọi tình trạng của cuộc sống, trong mọi góc cạnh của cuộc đời, trong mọi mối giao tiếp. Giao tiếp mà không có được sự giao thoa với nhau bởi vì cái tôi quá lớn. Chuyện gì của thiên hạ làm, dù có đúng ta cũng nhìn sai, chuyện gì người khác làm, dù có tốt ta cũng thấy xấu, và rồi cứ từ đó, có con mắt nhưng chỉ có tròng đen và tròng trắng lẫn lộn, đảo quanh, vòng vòng thế gian để lượm lặt những điều này, điều kia, để từ đó, ta đã tạo dựng muôn chuyện không đúng, làm mờ đi con mắt của trí tuệ, làm mù lòa con mắt của chân tâm, mà con mắt của chúng ta chỉ là con mắt của cú vọ thích nhìn chuyện khác. Bảo Thành có đôi mắt cú vọ từ tiền kiếp tới nay, các bạn cũng thế thôi, không khác gì Bảo Thành đâu! Đôi mắt chỉ biết nhìn, biết đâm, biết thọc để rồi không nhận ra giá trị, phẩm cách hiền lương vốn có nơi nhau. Ta quên hết!

Như vậy là chính chúng ta đã tự làm mù lòa rồi, phải không các bạn?

Điều này chính xác!

Cái mà ta không nhìn thấy nơi người ta phẩm cách tốt, tánh tình đẹp đẽ, nhân phẩm cao quý, những hành vi đúng nghĩa chính là bởi vì cái tôi. Cái tôi của mình là cái ngã, ngã đó làm cho con mắt của chúng ta bị mù, ngã đó làm cho chúng ta đã tự tác động vào con mắt tuệ, con mắt pháp, con mắt của tâm linh, con mắt của Phật tánh mù lòa. Nếu làm mù lòa mình như tiền kiếp của ông Xá Lợi Phất để hiến tặng cho chàng trai có đôi mắt chữa lành bệnh cho mẹ là điều tốt nhưng chúng ta đâu có làm điều đó đâu. Mỗi khi chúng ta thấy sự thử thách tới trong cuộc đời, cái tôi quá lớn, ta sân, ta giận, hóa ra gọi là sân quá hóa khờ, tự mù con mắt, tự lòa đôi tròng, con ngươi của mình.

Chư Thiên hóa hiện thành một người con trai, xin và rồi phỉ báng ông Xá Lợi Phất, vậy mà ông Xá Lợi Phất vẫn tự nhiên, an nhiên bởi đúng phẩm hạnh hiến dâng nên dù người kia có mục đích cao cả hay lừa gạt, ông ta cũng chỉ làm với một phẩm hạnh của một vị Bồ Tát, còn chúng ta chỉ làm với sự hành hung của bản tánh được dẫn, được kéo bởi những điều bất thiện. Những chuyện người ta đã làm hài lòng mình rồi mà mình cũng không hài lòng bởi ngã quá cao để rồi không nhận ra chân giá trị của cha mẹ, đấng sinh thành, của người bạn đời, của con cái, của bạn bè, của xã hội. Ta chỉ nhận ra một mình ta và chỉ một mình ta mà thôi. Ta đã tự làm mù loà bởi cái tôi, cái ngã. Cho nên ở trên đời, nếu có ai nói với ta một lời là ta sân, ta giận bởi cái ngã ta quá cao, lúc đó chính là ta tự làm mù lòa bản thân của mình.

Các bạn cứ nhìn đi, có nhìn thì nhìn trên đời này có biết bao nhiêu chuyện các bạn nhìn, các bạn không thấy ưa chính là bởi vì cái tôi. Khi không ưa nhìn thấy người khác, khi không ưa nhìn thấy người ta nói, nhìn thấy người ta làm, nhìn thấy sự sống của người khác, ta không ưa chính là lúc ta tự làm mù lòa bởi cái tôi, bản ngã. Cái tôi quá cao để rồi tăng trưởng sự ghen tuông, tị hiềm, tăng trưởng lòng ghen ghét, giận hờn, bon chen, ta tự làm mù lòa của mình.

Vẫn biết trên đời, ngay cả chuyện chúng ta đi làm từ thiện hay giúp người, nhiều khi ta làm từ thiện chuyện này, họ ngỏ ý xin chuyện khác hoặc họ có thái độ không vui thì ta đã bực mình rồi. “Được trao tặng quà mà không vui, còn bày đặt cách này, cách kia, tỏ thái độ nữa”. Chúng ta nhất định đã vướng vào điều đó, vấp vào điều đó, Bảo Thành và các bạn đã vấp vào điều đó. Nhiều khi, câu mà chúng ta thường nói trong đời, các bạn để ý, 100 người thì hình như 100 người đều nói câu đó, một ngàn người, một ngàn người đều nói câu đó, một tỷ người, một tỷ người đều nói câu đó, câu nói mà thể hiện cái tôi cho cao quý mà coi thường người khác, câu mà ta thường hay nói để không còn phẩm cách thực hiện phẩm hạnh của mình nữa, đó là câu: “Làm ơn mắc oán”. Câu đó Bảo Thành nói nhiều lần lắm, các bạn cũng vậy thôi. “Làm ơn mà mắc oán”. Nhưng các bạn có biết rằng khi chúng ta nói câu: “Làm ơn mà mắc oán” là ta tự làm mù lòa bản thân của mình bằng sự tự ngã, tự cao, cống cao. Ta đặt mình lên một đặt quyền rằng ta thi ân bất cầu báo vậy mà còn mang oán. Ta ban ơn, ta tặng, ta làm ơn, ta giúp đỡ mà còn mắc oán. Ta đã đặt mình lên. Đó là tự cao! Mặc dù nó đơn giản, nhưng vẫn là hạnh không tốt đẹp. Hành động, hành vi không được chuẩn mực. Tự cao đó các bạn!

Bảo Thành nói câu đó thật nhiều, nay nghe kỹ, thấy xấu hổ và cảm thấy hổ thẹn cho bản thân bởi đã nhiều lần ta từng nói, Bảo Thành đã từng nói: “Làm ơn mà mắc oán”.

Chính vì ta cứ suy nghĩ theo nghĩa đó mà biết bao nhiêu việc chúng ta làm từ việc nhỏ đến việc lớn cho người thương yêu hoặc làm từ thiện mà họ có một thái độ, hành động không ưng ý là ta thầm “làm ơn mà mắc oán”, “làm việc tốt hoặc là cho rồi mà không nhận,…”, đủ thứ màu mè sắc tướng, ngôn ngữ, suy nghĩ ta bắt đầu khởi lên.

Vị Tỳ kheo tiền thân của Xá Lợi Phất móc con mắt trái cho, anh thanh niên kia nói: “Hỏng rồi! Con mắt phải mới được”. Ông liền móc con mắt phải cho mà tâm thái không hề giận bởi vì anh chàng kia nói không rõ. Anh chàng kia còn quăng con mắt xuống đất và nói: “Chẳng thể chữa bởi đôi mắt của ông hôi quá, không đúng”, Ngài cũng chẳng giận. Ngài với phẩm hạnh Bồ Tát, làm bằng tâm từ bi và trí tuệ cho nên dù người đón nhận có đối xử một cách nghiệt ngã vô cùng vô ơn. Vô ơn mà các bạn! Móc cả hai con mắt cho mà người ta còn quăng đi, chê bai con mắt đó hôi thối mà Ngài không bao giờ giận hờn bởi trí tuệ Ngài nhìn thấu, bởi từ bi Ngài yêu thương. Còn chúng ta luôn nhắc tới từ bi và trí tuệ nhưng nếu làm một việc gì đó cho người yêu của chúng ta, là người bạn đời như vợ, như chồng mà chỉ cần vợ hoặc chồng có một chút hành động hoặc suy nghĩ, lời nói không ưng ý là ta đã bực mình rồi. Mặc dù vẫn biết ta làm điều đó bằng tình yêu, bằng tình thương đối với vợ, với chồng, với cha, với mẹ với mọi người nhưng chỉ cần người kia thể hiện một điều gì đó ta không ưng ý thì tất cả những điều ta làm thật trân quý bằng tình thương đó, nó biến mất, rồi tâm sân trỗi dậy, cái tôi ngông nghênh và bắt đầu nghĩ: “Ôi! Tôi tốt như vậy, tôi pha cà phê cho anh, tôi pha cà phê cho em, tôi làm chuyện này, tôi làm chuyện kia, tôi nấu cơm”, kể ra hầm bà lằng. Bắt đầu kể ra: “Vậy mà anh, vậy mà em, vậy mà cha mẹ, bạn bè cũng không hài lòng”. Nhiều người còn nói lớn, đập bàn đập ghế, giận dữ bỏ đi. Nhiều người âm thầm nhưng trong trái tim thì sôi sục sự sân giận. Làm ơn mà mắc oán, là người tốt không được ai nhận biết và thế là ta đã tự làm mù lòa cuộc đời của chính mình.

Chúng ta theo Phật, ta phát nguyện độ sanh, chúng ta theo Phật, ta có chí nguyện là làm sao tu để vãng sanh về cảnh thiện lành, làm sao tu để thoát khỏi luân hồi. Ta đi theo Phật là có chí nguyện giải thoát khỏi sanh tử nhưng chúng ta chẳng thể giải thoát khỏi cái tôi của mình, cái ngã của mình. Và từ đó, mỗi người chúng ta đã tự làm mù lòa con mắt tuệ, con mắt pháp, con mắt của tâm thiện lành từ bi. Ta tự làm mù lòa chính là bởi vì cái ngã.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ quán, phẩm hạnh cao quý của Mẹ hiền Quan Âm, trì mật ngôn này nhắc nhở cho chúng ta tu tập quán trí tuệ qua hơi thở Chánh Niệm, quán từ bi qua hơi Chánh Niệm để chúng ta không tự làm mù lòa, để chúng ta thực hành hạnh nguyện, chí nguyện của chúng ta bằng phẩm hạnh cao quý mà Mẹ hiền Quan Thế Âm, mà Chư Phật mười phương ban rải cho chúng ta đó là năng lượng từ bi, mắt thương nhìn đời. Đã gọi là mắt thương nhìn đời, đời cần gì thì với tâm hạnh Bồ Tát, chí nguyện giải thoát, ta sẵn sàng hiến dâng mà chẳng cần cầu mong người đó đối đáp với chúng ta tử tế hay không tử tế, tri ân hay không tri ân. Chỉ một lòng giúp đỡ là được. Đó mới là tâm nguyện của người học Phật. Huống hồ chi những vị ấy là đấng bậc sinh thành nên chúng ta. Câu ở đời nói: “Cha mẹ thương con và lo cho con thì như trời như bể nhưng con cái thương và lo cho cha mẹ thì nhỏ giọt, tính toán từng ngày”. Điều đó đúng! Điều đó đúng! Ta còn có chướng ngại và ta tự làm mù lòa con mắt yêu thương đối với cha mẹ, đối với người bạn đời, đối với xã hội và con người bởi cái tôi quá lớn, dễ bị tự cao, tự ái, chạm vào cái tôi là đùng đùng đùng như thuốc nổ, nổ banh xác, chết hết mọi người và tự hại bản thân qua những ngôn ngữ thật độc ác. Chiêm nghiệm lại, Bảo Thành và các bạn từng mắc vào những lầm lỗi đó, đó là cái tôi.

Mu A Mu Sa là lấy tâm từ bi quán chiếu ngã tướng để hiểu được vô ngã. Mu A Mu Sa hỗ trợ cho chúng ta làm điều đó qua Chánh Niệm hơi thở và mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho mỗi người chúng ta đón nhận được năng lượng siêu thế từ Phật để có khả năng nhìn rõ bản ngã của chúng ta, để từ đó ta chuyển hóa thành tinh thần vô ngã. Còn có ngã là còn có đau khổ, còn có sân, còn có giận, còn có hờn, còn có những tánh ma, tánh quỷ, Địa Ngục xâm chiếm, lộng hành, còn tự làm cho mình mù lòa trong từng giây phút của cuộc sống và tạo khổ cho chính bản thân, tạo nghiệp cho chính bản thân và tự làm tổn hại phước báu cho chính mình. Cho nên, chúng ta nương vào Phật ngôn và Chánh Niệm hơi thở để thắp sáng trí tuệ, quán chiếu tinh thần vô ngã để hiểu thấu như Chư Phật nói: “Các pháp đều vô ngã”. Các pháp đều vô ngã, không có một ngã nào tồn tại tới lui, có tướng hoặc vô tướng đều do nhân duyên giả hợp phù hợp mà hình thành rồi tan khi duyên hết và cái tới cái đi, cái hợp cái tan đều chẳng có một chủ ngã nào tồn tại. Có quán chiếu hiểu thấu được điều đó thì chúng ta mới có thể tăng trưởng được con mắt tuệ và phẩm hạnh Bồ Tát của người Phật tử, và tăng trưởng được tâm thiện lành để không như vị Tỳ kheo kia có thể móc mắt cho anh chàng kia chữa bệnh cho mẹ nhưng ít nhất cũng tự làm sáng con mắt của mình ra. Con mắt từ bi và trí tuệ để nhìn thấy phẩm cách tốt đẹp của nhau và nhìn thấy cái tôi của mình và không cho phép cái tôi làm mù lòa, không nhận ra giá trị tốt đẹp của những người yêu thương trong gia đình, những người yêu thương trong xã hội. Hãy tự mở mắt và hãy tự mở đôi mắt bằng tâm tình thương để chúng ta nhìn thấu được những phẩm hạnh cao quý, những nhân cách tuyệt vời của nhau thì chúng ta không còn tự làm mù lòa nữa.

Câu chuyện đó là ngày xưa trong tiền kiếp nhưng ngày nay, ngoài vấn đề Bảo Thành vừa nói các bạn đã nghe thì vẫn còn thật nhiều người đã theo phẩm hạnh của ông Xá Lợi Phất, sẵn sàng tự làm mù lòa đôi mắt của mình, có nghĩa là vẫn sẵn sàng móc mắt để hiến dâng cho đời.

Có nha các bạn! Có. Đó là những con người mà người ta sẵn sàng hiến tạng, hiến mắt, hiến thân, hiến cuộc đời cho những người cần đến con mắt, cần đến thận, cần đến gan, cần đến tất cả những cơ phận trong con người cũng như trên da, trên tóc, trên mắt. Người thiếu một cái thận, thận bị hư cũng có những người thân, người quen phẩm hạnh Bồ Tát sẵn sàng hiến tặng một thận cho họ để tồn tại, sống. Hiến gan, hiến đủ hết. Có những người còn sống nhận định thật rõ và họ đã ký vào giấy tờ là khi cuộc đời của họ thọ mạng, nếu như thân xác của họ còn có tác dụng gì hữu ích cho mọi người thì sẵn sàng hiến tặng. Vậy nên trên đời này có biết bao nhiêu con người thiếu mắt, cần mắt, đã có mắt, thiếu thận, cần thận, đã có thận, thiếu gan, cần gan, đã có gan, thiếu da, cần da, đã có da, thiếu xương, cần xương, đã có xương bởi trước khi nằm xuống, biết bao nhiêu con người đã tự động trước khi đó, ký giấy hiến tạng. Đây cũng là một phẩm hạnh cao quý khi ta nằm xuống, ta sẵn sàng hiến tạng để giúp đời. Chết thì chôn cũng làm cho giun dế nó ăn, làm mồi cho giun dế, còn không thì thiêu cũng trở về với hư không. Chúng ta không dám hiến tạng, chúng ta không dám theo phẩm hạnh cao quý của vị Tỳ kheo tiền kiếp mà hiện thân thời Đức Phật là ông Xá Lợi Phất để chứng đắc phẩm hạnh cao quý có được thiên nhãn.

Nếu các bạn có một cái nhìn thông suốt rằng khi chết là hết, sẵn sàng ký vào tờ giấy hiến tạng chính là các bạn đã mở được thiên nhãn, nhìn thấu hết mọi cảnh đời trong cõi sống của thân này làm người đều vô ngã, chẳng có, nên khi thọ mạng viên chung, sẵn sàng hiến dâng nội tạng và toàn thân cho khoa học, cho những người khác cần tới. Đó mới là chúng ta đã được mở con mắt của tuệ giác, con mắt của tâm từ, chúng ta đã không tự làm mù lòa nữa. Nhưng hỏi rằng trong thế gian này, có mấy ai dám ký vào tờ giấy đó khi chúng ta còn sống?

Bảo Thành noi gương theo Đức Phật dạy và noi gương theo biết bao nhiêu con người chưa học Phật, họ đã làm được điều đó ở nước ngoài. Trên bằng lái đã sẵn sàng hiến tạng khi ra đi để nếu như lục phủ ngũ tạng, mọi phần trên cơ thể của Bảo Thành còn có thể mang lại lợi lạc cho ai đó hoặc cho khoa học thì cứ việc ứng dụng vào để làm. Cách đây 20 năm, Bảo Thành đã đi theo con đường đó và trên bằng lái đã thể hiện điều đó. Đó là luật ở nước Mỹ, ta đồng ý, ta đăng ký vào bằng lái, khi có chuyện, nhìn vào đó, các bác sĩ hoặc những người có trình độ kỹ thuật về y học sẵn sàng lấy nội tạng toàn thân của chúng ta để hiến dâng cho những người thân. Đây cũng là phẩm hạnh cao quý, cũng là phẩm hạnh của tiền thân của ông Xá Lợi Phất. Có thể làm được điều đó cũng có thể gọi là hạnh Bồ Tát, cũng có thể gọi là chúng ta không tự làm mù lòa mà đã tự mở con mắt pháp, con mắt tuệ nhìn rõ cuộc đời hơn một chút.

Các bạn thân mến! “Tự Làm Mù Lòa”, chúng ta đừng tự làm mù lòa nữa. Hãy tu tập và khai mở pháp nhãn của chúng ta để chúng ta nhìn thấu để biết đối nhân xử thế, biết sống tốt với cuộc đời và biết làm tất cả mà chẳng cầu mong người ta đối đáp, đối xử ngược lại với chúng ta như thế nào. Chỉ một lòng yêu thương là đã đủ. Đó chính là không tự làm mù lòa, đó chính là mở được con mắt tuệ.

Các bạn hãy đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con đã hiểu, đã thấu phẩm hạnh cao quý của tiền thân Ngài Xá Lợi Phất móc mắt hiến dâng cho đời, dù con người có đối xử như thế nào cũng không bao giờ giận hờn, cũng không bao giờ buồn phiền, hoan hỉ vô cùng. Chúng con nguyện khai mở mắt tuệ để nhìn rõ cuộc đời, biết yêu thương, biết tri ân, biết hiến dâng để không tự làm mù lòa. Mở con mắt tuệ đó, chúng con nhìn thấu tinh thần vô ngã, sống hạnh khiêm tốn, một lòng tinh tấn tu học, quán chiếu trí tuệ và từ bi, theo chân Đức Phật thoát cảnh luân hồi, mang yêu thương san sẻ và hiến dâng cho muôn loài. Đặc biệt, biết kính trọng tình cha nghĩa mẹ và biết yêu thương người bạn đời, con cái, bạn bè với một cái tâm thanh tịnh, chân thật nhất.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Mời các bạn hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Nguyện xin Chư Phật chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts