Search

Bài 2014: Quan Sát Cuộc Sống – Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con, để chúng con quán chiếu thật sâu và thấy rõ được các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã, Niết Bàn.

Các bạn! Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, chúng ta hãy lấy Tâm Từ Bi để quán chiếu trong Chánh Niệm hơi thở, nương vào Hùng lực Pháp Ấn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để thấy thật rõ và biết thật tận tường tất cả mọi hiện tượng lui tới qua thân tâm của chúng ta, qua các giác quan đều là sanh – diệt Vô Thường, không tồn tại mãi mãi. Chúng ta hãy trụ tâm vào hơi thở, nương vào tha lực Phật điển đại Từ đại Bi để thành tâm quan sát cuộc sống bên ngoài cũng như cuộc sống bên trong nội tâm của mỗi người.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ thật tướng và hiểu rõ các Pháp đều sanh diệt Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Cuộc sống ngày xưa, xưa thật là xưa, thuở ông bà của chúng ta, một thôn có khoảng chừng mấy mươi mái nhà, nhà này đến nhà kia, ai cũng biết nhau, biết ông bà của họ, biết cha mẹ, và biết con cháu nhiều đời, thân thiết, quấn quýt bên nhau. Thôn làng tình xưa nghĩa cũ hình như trong trái tim của mỗi con người hiện tại chưa có phôi phai, cái tình của con người nồng thắm khi gần gũi bởi chỉ có ở trong thôn. Chỉ khi có cơ hội đi làm ở xứ người, đi xa quê hương, thôn làng của chúng ta, và rồi quanh đi quẩn lại, chúng ta chỉ thấy được toàn diện một bức tranh tuyệt đẹp, đẹp lắm, đẹp của thôn, thôn làng xưa của chúng ta. Nhưng thôn làng xa, mấy ai thấy được. Tuy nói là thôn của mình đó nhưng nó cũng chỉ là cảnh quan ở bên ngoài, mấy ai thấy được thôn của mình ở bên trong cuộc sống nơi nội tại tâm của chúng ta?

Có lẽ cuộc sống từ muôn thuở và mãi mãi, cứ vẫn lôi kéo mỗi người chúng ta trượt dài trên cái dốc của miền xa, để đeo đuổi, tìm mãi những điều mà ở bên ngoài đó quá hấp dẫn. Nghe được một cảnh thật đẹp nơi xứ người, dù phải tốn mất biết bao nhiêu tiền bạc, công sức, thời gian, bỏ cả việc làm, ta vẫn sẵn sàng đi tới. Bởi cảnh quan nơi đó nghe sao mà nó đẹp, nghe sao mà nó hay, nghe sao mà nó huyền diệu, rộn ràng tâm can, khó có thể ở lại, bắt buộc phải xuất xứ ra đi, để một lần trong cuộc đời nhìn thấy ở bên ngoài hùng vĩ như tiếng đồn của thiên hạ. Chúng ta cứ đi lòng vòng như vậy mãi, thoát ra khỏi nhà với tâm cứ muốn thoát ra thôi, để đi tìm, tìm một cái gì đó xa lắm mà chỉ dựa trên thông tin của tiếng đồn, của lời bàn, của sự quảng cáo nó thôi thúc. Con người luôn luôn bị dính mắc vào trong tư tưởng như vậy, ai cũng có, chẳng ai mà thoát ra khỏi luồng tư tưởng như thế.

 Bảo Thành và các bạn cứ rong ruổi chạy mãi chạy mãi, ngồi chưa yên một phút ở trong nhà đã vội chạy ra bên ngoài, bởi sao tiếng bên ngoài nó hay, nó rộn rã, nó đẹp, nó thơ, nó mộng, nó hấp dẫn. Thế nên, chúng ta cứ bỏ nhà mà đi hoang, trong miền vui thú xa lắm mà chẳng hiểu rõ, để cuối cùng khi bò về với vết thương hằn trên đôi mắt, với cặp chân run rẩy trong cuộc đời, với đôi bàn tay chẳng còn sức để ôm. Để khi tới ngưỡng cửa của cuộc đời sắp rơi xuống hố mới ngộ ra. Cả đời của ta cứ chạy theo bên ngoài mà chẳng một lần trở về với tự tâm, ngồi ở đó thắp ngọn đèn dầu của đuốc Tuệ, đọc vài câu Kinh của Thiện Pháp mà vô lượng kiếp qua ta có phước báu vẫn còn khắc ghi ở trong đó mà ta đã quên, ta đã quên bởi chạy theo cái ở bên ngoài. Mà hiện nay tuy nghe, biết, hiểu, chúng ta vẫn cứ phải chạy mãi theo bên ngoài, bởi ở đời, cái bên ngoài bao giờ cũng hấp dẫn, cũng lôi kéo, đến mức mà biết bao nhiêu vị đã tưởng chừng vững chãi trong cuộc đời, một ngọn gió lay động ở đâu đó trên đọt cỏ mây, vậy mà họ loay hoay say cuống cuồng, chẳng thể đứng vững. Thế giới bên ngoài thật kinh khủng!

Vẫn biết chân lý chúng ta học được của Phật là chân lý Duyên khởi, có cái này thì có cái kia, nhưng chúng ta cứ một mạch chạy theo cái này mà chẳng bao giờ tư duy về cái kia. Chúng ta cứ với bàn tay dài, đôi chân dài, dài cho tới những nơi ta phải dùng đến sự hoang tưởng mới có thể mường tượng được trong huyễn giả điều đó, vậy mà chạy theo, chạy theo bên ngoài. Một vế, có bên ngoài nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến bên trong của tự tâm, hình như Bảo Thành và các bạn đã quên, chúng ta đã quên chính tự tâm của chính mình.

Ngày xưa, chúng ta sợ bị bên ngoài ảnh hưởng, ông bà, cha mẹ không dám gả con gái, con trai cho những thanh niên, thanh nữ làng xa, bởi sợ đi xa rồi quên ông bà, cha mẹ, quên mất tình xưa nghĩa cũ, quên mái tranh đầm ấm khi xuân về, có mùi khói thơm của nồi bánh chưng, bánh tét, có âm giọng cười hiền, khàn khàn, dịu dịu của ông bà, có tiếng chân chạy của trẻ thơ, có nền đất sét bằng phẳng, nền đất sét đó vẫn còn thơm mùi mồ hôi, công lao khó nhọc của ông bà ở dưới đó. Ôi! mùi quê hương thắm đượm ở trong ngôi nhà bằng vách đất, cột tre, mái tranh và cứ giữ ở đó để rồi con cái chẳng bao giờ được đi xa. Hình như chúng ta đang ôm giữ một điều gì đó mà chúng ta dùng văn chương, chữ nghĩa Thượng tầng cao ngất để cứ ngây ngây, cứ say say, rồi cứ lơ đơ, bơ phờ cả thần trí, quên mất thực tại của lẽ sống chân lý trong nội tâm của chúng ta.

 Chủ đề “Quan Sát Cuộc Sống” là một sự quan sát thật sâu sắc theo mật ngôn mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Lăng Nghiêm và Bát Nhã, một cái nhìn xuyên suốt bên ngoài và bên trong. Chẳng bỏ ngoài, chẳng bỏ trong, nhìn một cách vuông tròn đầy đủ trong, ngoài để bổ túc cho nhau có một cái thấy, một cái nhìn, một Tánh Biết không phân biệt, không đối đãi để vững chãi đôi chân của cuộc đời. Để sự tự tại, an nhiên, để sự hạnh phúc và bình an luôn là cội nguồn ở trong để tiếp ứng cho những bước chân đi mãi không mệt mỏi. Nhưng chúng ta đã quên cái bên trong, chỉ đi ra bên ngoài nên đôi đầu gối của ta run rẩy theo tháng ngày, già nua, đôi mắt của chúng ta mờ dần theo những làn sương mù dày đặc theo những năm tháng và đôi môi của chúng ta đã run lập cập, nhảy múa theo cơn gió lạnh khi chợt ùa về mỗi mùa đông sang. Chúng ta cứ mơ ước hoài, rồi chỉ miệt mài quan sát cuộc sống ở bên ngoài, mất đi cả một vế, chưa trọn vẹn một kiếp người. Có bên ngoài phải có bên trong!

Quan sát cuộc sống ở bên trong nơi Tâm thức mỗi người của chúng ta, theo như Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là để thấy thật rõ, thật rõ một phía nữa mà hầu hết cả cuộc đời hay nhiều kiếp qua ta đã quên đi. Hãy nhớ rằng, con chim nếu chỉ có một cánh sao có thể bay, bay mãi, bay mãi vươn lên đến mây trời xanh ngắt, để có thể đậu trên mây, tận hưởng vầng thái dương, sưởi ấm cho cuộc đời, nó cần phải có thêm một chiếc cánh nữa, đủ một đôi. Và như vậy nếu chúng ta cứ miệt mài vươn đôi cánh của thế giới ở bên ngoài thôi, chẳng khác gì con chim chỉ một cánh, nó cụt mất một cánh rồi, sao có thể bay? Và sao hằng hà sa những ước mơ cao đẹp có thể chắp cánh bay lên bởi chỉ một cánh mà thôi, cánh của cuộc sống ở bên ngoài, hướng ngoại vươn mãi?

Nếu chúng ta không biết quan sát cuộc sống nội tại nơi Tâm thức của mình thì chẳng khác gì ta đã nhận ra: “À! Bao nhiêu kiếp qua, bao nhiêu ngày tháng qua ta là một người cụt cánh, chỉ có một cánh thôi, làm sao bay?”. Thế nên, ta vẫn chập choạng, nghiêng ngã trong những cơn say của lốc xoáy cuộc tình, cuộc trận, tiền, danh, ảo vọng, ta đứng sao vững. Khi chỉ có một cánh làm sao bay. Ta bay sao được khi đôi chân chỉ còn có một cái. Cái gì cũng chỉ còn có một, chỉ còn có bên ngoài mà thôi. Hướng ngoại, hướng ngoại và hướng ngoại. Vọng ngoại, cầu ngoại và mê ngoại. Cái gì ở bên ngoài cũng hay, ngoại quốc mà, đồ cũng hay. Chúng ta cứ nghĩ như vậy, ngoại lai bao giờ cũng hấp dẫn, ngoại xứ bao giờ cũng đam mê và ngoại gì đó bao giờ cũng lôi kéo chúng ta đi mãi chẳng còn trở về ở bên trong.

Các bạn! Hãy để cho một đôi cánh được một lần thực sự bay vào vũ trụ mênh mông. Có nghĩa, hãy nhìn nhận một cái cánh nữa, cánh của nội tâm, cánh ở bên trong, để cái bên ngoài và bên trong như đôi cánh, ta bay, ta bay và ta bay mãi mới có thể theo kịp được với sự tự tại của Chánh Niệm hơi thở, đón nhận được năng lượng Từ Bi Viên Giác Dung Thông của Chư Phật, để cho ta có một cái nhìn xuyên qua quá khứ, thấu tới tương lai, vững chãi trong hiện tại, một cái nhìn không có dính mắt với quá khứ, vị lai và hiện tại. Một cái nhìn thông suốt trong từng hơi thở đi vào đi ra, để thấy rõ cuộc hồng trần này, trong cõi hồng trần này, muôn điều, muôn hiện tượng, muôn cảm xúc, cảm thọ đều là sanh – diệt Vô Thường. Các bạn thấy rõ như vậy, ta đã có đủ một đôi cánh. Mà khi chúng ta có cả một đôi cánh thì chẳng có gì ngăn ngại để cho chúng ta không thể tiếp cận với sự trải nghiệm của hạnh phúc và bình an. Nỡ lòng nào mà mỗi người chúng ta đã can tâm hủy diệt một cái cánh của nội tâm, cánh của Chân Tâm, để rồi cái cánh mà chỉ xuyên qua bên ngoài, cái cánh đó vỗ mãi, vỗ mãi, sao nó bay được, nó chỉ nghiêng nghiêng, rồi nó xiên nó sẹo, nó không thẳng đường thẳng lối, tư tưởng xiên xẹo, lời nói xiên xẹo, hành động xiên xẹo. Hình như cái gì xiên xẹo nó cũng thơm, nó cũng thích nên người ta dễ sa đà vào đó, nhưng khi vào đó rồi sao có thể thoát được.

Đức Phật dạy cho chúng ta quán sát cuộc sống nội tại của nội tâm, của Chân Tâm ở bên trong là để hoàn thiện cuộc sống mỹ mãn, để bay lên, để không còn bị dính mắc trong cái khổ của cuộc đời. Phật thấy ta khổ, dính vào đống sình hôi thối của ác nghiệp, cứ một cánh đập hoài, càng đập càng bị lún sâu, khó thoát. Phật mới hỏi: “Sao còn chiếc cánh kia không dùng, chiếc cánh của Chân Tâm, của Tâm thức, của trở về, nhìn ra phải nhìn vào, thấy ngoài phải thấy trong, trong ngoài như nhau, nhất như tương đồng, chẳng mảy may phân biệt, dính mắc. Chúng ta thấy được trong, ngoài rõ tận tường thì nhất định khi ta ứng hiện trong từng giây phút của cuộc đời, dù cho bão tố bất chợt kéo tới, đôi cánh của bên trong và bên ngoài, đôi cánh của Chân Tâm nhìn rõ cái bên ngoài đó cũng sẽ vươn lên khỏi những cơn cuồng phong bão tố, để vững một lòng nhìn thấy ánh hừng dương đẹp lắm. Phật dạy cho chúng ta là để vỗ đôi cánh, đôi cánh của Chân Tâm hòa nhập vào đôi cánh ở bên ngoài. Chẳng phải cái bên ngoài gây ra cho chúng ta điều tội lỗi, sai trái, nghiệp chướng. Chính là bởi vì ta chấp vào cái bên ngoài, cái tâm phân biệt và chấp thủ, tâm ma cho rằng cái đó luôn tồn tại để tận hưởng, tâm đó làm cho chúng ta khổ, còn nếu chúng ta trở về Chân Tâm ở bên trong, trong và ngoài thật rõ ràng xuyên suốt thì nhất định ta sẽ chẳng còn khổ.

Phật muốn cho chúng ta sung sướng và hạnh phúc ngay trong kiếp này. Phật chẳng hứa hẹn một Thiên Đàng, một Niết Bàn, một cõi Phật. Phật dạy cho chúng ta một phương pháp để tận hưởng cuộc sống trong kiếp nhân sinh hạnh phúc thay vì đau khổ, hướng từ bên trong ra bên ngoài, và từ bên ngoài thấy rõ bên trong, quan sát cuộc sống ở bên trong lẫn bên ngoài. Quan sát ở bên ngoài để ta hiểu thấu được cảnh đời, hiểu thấu được con người, quan sát bên trong để ta đặt để mình vào trong từng trường hợp, để ta và người đồng nhất thể trong từng đoạn đường song hành bởi phước báu có nhân duyên. Dù cho đoạn đường đó có bao nhiêu thử thách, ta vẫn an nhiên và tự tại. Ta – người chẳng phân biệt. Ta có thể thả hồn để đi mãi, đi thật xa tới những miền mơ ước của họ, để từ đó, ta và người có thể ngồi xuống ngắm hoàng hôn để tận hưởng được cội nguồn tư tưởng của họ khởi lên từ đâu, để thông cảm, để chia sẻ, để đồng hành. Chỉ có tâm không phân biệt mới có thể làm một cuộc phiêu lưu kí đi vào miền ước mơ của người khác mà không cản trở, xâm hại đến tinh thần, thể chất, tâm linh của họ. Bởi trong ta thấy rõ được tự tâm của mình nên luôn luôn tôn trọng sự khác biệt và sẵn sàng đồng hành chỉ vì một chữ “thương” mà thôi.

Quan sát cuộc sống là một nghệ thuật được gói gọn trong chân lý của sự trải nghiệm hạnh phúc thực tại ngay bây giờ. Cho nên, ai khéo quan sát cuộc sống nội tâm ở bên trong, là người biết đối ngoại, đối nội, là người biết đi mọi nơi và chỗ nào tới cũng như nhà của chúng mình, bởi tâm của họ không bao giờ rời xa tất cả mọi tạo tác. Cảnh, Tâm và Pháp nhất như như một, bất thối bất động như Như Lai, Bậc đại Hùng đại Lực, Chánh Đẳng Chánh Giác. Tâm, Cảnh, Pháp nhất như, bất thối bất động, không khác biệt, không đối đãi, không một mảy may sai biệt, trong tâm chỉ thấy ngoài hoặc chỉ thấy trong mà thấy trọn vẹn theo lý Duyên khởi trong ngoài. Quay ngược lại chúng ta chỉ thấy được cái khổ mà thôi, đắm chìm trong cái khổ và rồi dần dần nhập vào cõi mộng, cõi mơ mê tít, con mắt chỉ còn thấy khổ. Cho nên, cả cuộc đời khổ, đi Chùa vẫn khổ, tụng Kinh vẫn khổ, Thiền vẫn khổ, tu tập vẫn khổ, theo Đạo này cũng khổ, cái gì cũng khổ. Bởi vì sao? Ta chỉ thấy được khổ. Bởi vì sao? Ta chỉ thấy được ở bên ngoài, ta chưa thấy được hạnh phúc chẳng phải ở bên ngoài mà nó ở bên trong. Nếu ta quan sát cuộc sống nội tâm ở bên trong, các bạn sẽ thấy mọi cội nguồn hạnh phúc và an lạc vốn đã sẵn có ở trong tâm, chẳng cần tìm ở bên ngoài. Trở vào bên trong để uống nguồn nước Từ Bi yêu thương, hạnh phúc và an lạc, rồi mang cái nước yêu thương đó dâng hiến cho những người đang khát ở bờ, ở bụi, ở sa mạc của cuộc đời. Điều đó rất quan trọng, nhưng chúng ta quên mất ở trong tâm có một cái giếng Từ giếng Bi, giếng của nguồn cội hạnh phúc và an lạc, để bơi bơi trên miền cát sa mạc, mà sa mạc đó nào có nước để ta uống, chỉ có trong Chân Tâm này thôi, ốc đảo của Chân Tâm, có đầy đủ nguồn nước Từ Bi. Chúng ta phải quan sát cuộc sống của Chân Như nội tại bên trong.

Mật ngôn số 2: “NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang” là để cho chúng ta tiếp đón thật nhiều năng lượng tình yêu Mu A Mu Sa của Phật, để ngọn đèn dầu Chân Tâm phước báu nhiều đời ta vốn có, nay được một lần truyền đăng, tức là thắp sáng đuốc Tuệ, soi dẫn đi mãi, đi mãi vào để trinh thám miền Chân Tâm tuy thật nhỏ nhưng mênh mông vô tận. Tuy thật bé nhưng có đầy đủ mọi thứ cao quý nhất trong cuộc đời, và cái điều cần nhất mà chúng ta đang tầm cầu trong cuộc đời này chính là hạnh phúc và an lạc vốn vẫn luôn luôn hiện diện trong Tự Tánh Chân Như của chúng ta. Trong ngõ hẻm đen tối mà được thắp sáng đuốc Tuệ bởi mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang như người đi vào bên trong lại có một ngọn đuốc sáng, đi mãi đi mãi với cái ánh sáng của ngọn đuốc đó, ngọn đuốc của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, từng dấu chân in trên miền Tâm thức của mình, ta sẽ thấy rõ cặn kẽ, tận tường, thông suốt mọi hiện tượng đang ở trong tâm. Thấy thật rõ, biết thật rõ và nhận ra được giá trị siêu việt vô cùng, một cái giá trị Thần Thánh nhiệm màu ở trong đó, đó là giá trị của hạnh phúc và bình an vốn có nơi tự tâm của chúng ta. Vậy thì chạy đâu xa để tìm cái đó? Chi bằng theo lời Phật, hãy để cho mình một lần trở về mang ánh đuốc tự tâm của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng Tánh Thấy và Tánh Biết cội nguồn hạnh phúc và an lạc của ta, để cho đời chẳng vươn ra bên ngoài đắm chìm trong đau khổ mà được một lần đi vào bên trong để thấy rõ. Để trong ngoài, giữa Cảnh, giữa Tâm và giữa các Pháp, hiện tượng sanh – diệt đó, chẳng phân biệt, chẳng khác biệt, nhất như đồng nhất thể, cùng một thể tánh tịch tĩnh, bất cấu – tịnh, sanh – diệt.

Các bạn! Cho nên, mật ngôn số 2 sang năm thứ hai chúng ta mới tu tập, là bởi vì sự đồng tu giữa Bảo Thành và các bạn không phải là một sự nghe Pháp, nghe Kinh để cho được hấp dẫn, được thích thú, được thỏa mãn cái Nhĩ căn bởi Bảo Thành nói những ngôn từ phù hợp với các bạn, mà là một sự đồng tu thật sự. Một sự công phu tháng ngày với hơi thở Chánh Niệm, với sự công phu miên mật, với một lòng chí thành, thành kính, ngưỡng tới ba ngôi Tam Bảo Phật – Pháp – Tăng. Hướng về Đấng Toàn Giác Toàn Tri, Đấng đại Hùng đại Lực, Đấng mà chúng ta đã nhận làm Thầy, tức là Đức Phật, để gắn kết và nối tiếp với Ngài qua năng lượng Từ Bi yêu thương của Ngài, cho nó đầy đủ nhiên liệu vững chãi trong cuộc đời, đi mãi thôi. Nhưng mà đi song hành với cái Tâm, Tâm, Tướng, Cảnh và Pháp luôn luôn đồng nhất từng bộ, từng giây, từng phút, chẳng rời xa nhau. Chỗ nào có Cảnh, ở đó có Tâm, nơi Chân Tâm có Cảnh của Chân Tâm, Cảnh của Chân Tâm bao trùm của sâm la vạn tượng thế giới tận hư không, cho nên trở về với Chân Tâm là nhìn thấy sự thông suốt của mọi cảnh giới trên – dưới, trong – ngoài hòa nhập, chẳng phân biệt, tâm sẽ luôn hạnh phúc và bình an.

Quan sát cuộc sống ở bên trong để thấy rõ tất cả những gì ở bên ngoài tương tác qua các căn của chúng ta đều là các Pháp của thế gian, nó sanh – diệt Vô Thường từng giây phút, bằng cách thường hằng đó chính là cái Tâm Phật, bất sanh diệt, bất cấu tịch, bất tăng bất giảm. Như câu Kinh nói: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Hoa khai để trở về để khai mở cửa của Chân Tâm, bước vào sẽ thấy được Phật tâm ở trong đó, thì ta hiểu rằng lúc đó sẽ ngộ rằng vô sanh, còn cứ vươn mãi ra bên ngoài, chúng ta sẽ dần dần quên mất ảnh tự tâm, lao đầu vào Vô Minh, chết chìm trong Địa Ngục, ngoi lên từ loài thú, vất vưởng nơi Ngạ Quỷ, sân quá, giận quá biến thành hung thần, ác thú, tái sinh đội lốt làm người nhưng mà cứ sát phạt nhân sinh chung quanh của cuộc đời chúng ta.

Hãy tập cách quan sát cuộc sống nội tâm bên trong bằng năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa và bằng đuốc Tuệ Thấy, Biết của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chúng ta phải thật sự tu để trở thành một dũng sĩ cưỡi trên con ngựa của Chánh Niệm chạy mãi mà không hụt hơi, những vó ngựa in dấu trên những đoạn đường xa gần của cuộc đời nhưng chẳng tạo ra sương gió, bụi bặm mịt mù cho muôn người. Bởi vó ngựa đó là vó ngựa của Chánh Niệm, chẳng tạo ra âm thanh, nhẹ nhàng êm ái, tịch tĩnh như hư không. Vó ngựa Chánh Niệm có thể làm cho chúng ta theo kịp tất cả mọi cảnh sắc hóa hiện trong các uẩn của chúng ta, để chúng ta bắt kịp và nhìn rõ, nhận diện bằng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Bằng Tánh Thấy của Lăng Nghiêm, Bát Nhã, quán chiếu Ngũ uẩn đều là không, tất cả mọi vọng kiến, vọng tưởng, vọng thức của chúng ta đều chỉ là như tia chớp, như huyễn giả, như bọt nước, như ảo ảnh, chẳng thật. Một cái Nhìn Viên Dung NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì vó ngựa của Chánh Niệm hơi thở không tạo nên một tiếng động, tiếng động ở trong tâm gọi là vọng tâm, tiếng động ở nơi miệng gọi là vọng ngữ, tiếng động nơi thân gọi là vọng động. Vọng chẳng còn, hư chẳng còn, mà thấy rõ được thực tướng, thực tướng của các Pháp sanh – diệt Vô Thường, đã thấy rõ được Khổ để cập bờ an vui và hạnh phúc. Sướng quá mà, sướng quá đi thôi, sao chúng ta không về với Chân Tâm mà đắm mình trong vũng sình lầy của đau khổ làm chi. Ai cũng có sự lựa chọn, chẳng qua mỗi người chúng ta chưa có một lần quán sát cuộc sống nội tại trong Tâm thức, của Tánh Phật bên trong, cho nên chúng ta đã không nhận ra, nếu nhận ra được, nhất định ai mà không biết lựa chọn những điều cao quý để sống. Bảo Thành và các bạn cũng là con người đủ phước duyên và phước báu, để nhận định tốt và xấu, và biết lựa chọn cho mình một cuộc sống thanh cao để không làm ô nhục bản thân, ô uế phước báu của ông bà, cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ đặt để trong dòng chảy của hơi thở mình đang sống, phải không các bạn? Ta có đủ khả năng làm chuyện đó.

Cho nên khi quán sát cuộc sống ở bên trong miền đất Chân Như nội tại của Phật Tánh bằng Phật ngôn số 1 Mu A Mu Sa là đón nhận năng lượng tình thương của Phật. Chúng ta nhớ, có thật nhiều nguồn năng lượng nhưng tạo ô nhiễm môi trường. Thế giới ngày nay người ta muốn bảo vệ thế giới xanh và muốn loại trừ tất cả những nguồn năng lượng xấu như từ xăng, từ dầu, từ những thể loại năng lượng làm hao tổn và làm hư hỏng bầu khí quyển, làm cho tuổi thọ của hành tinh này giảm bớt đi. Họ đang thay đổi bằng nguồn năng lượng thanh tịnh, đẹp, sạch và trong. Và họ hướng tới năng lượng của mặt trời cho nên mới có những dụng cụ được chế tạo bởi các khoa học gia để tiếp ánh nắng mặt trời chuyển thành năng lượng. Chúng ta có cả mặt trời Trí Tuệ chưa bao giờ lu mờ và không bao giờ tận diệt mà Đức Phật đã đặt để trong tâm của chúng ta. Chúng ta lại không sử dụng nguồn năng lượng thanh sạch đó mà cứ đào bới, đào bới trong thân xác hôi thối của kiếp nhân sinh, của kiếp đời của con người và trên mồ mã truyền kiếp từ Địa Ngục, tìm những điều xấu xa, bất thiện nghiệp. Những năng lượng bất tịnh đó sẽ gây ra cuộc sống bất ổn và đau khổ.

Hãy trở về với nguồn thanh tịnh, nguồn năng lượng tuyệt đối sạch của mặt trời Trí Tuệ trong miền đất Chân Như, để thắp sáng tự tâm, loại bỏ những năng lượng bất tịnh kia đi. Năng lượng Trí Tuệ từ tình thương Mu A Mu Sa thắp sáng để thấy rõ Tánh Biết, Tánh Thấy NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, còn có gì vui sướng hơn và làm sao đau khổ có thể còn tồn tại trong cuộc đời. Không cần biết các bạn có đi Chùa tụng Kinh, đi tới những Đền thờ, đi tới những nơi tôn giáo của các bạn để làm nghi thức này, nghi thức kia, lễ này, lễ kia hay không. Dù bạn có miệt mài cho những nghi thức được chế tác ra cho phù hợp, tiếp dẫn các bạn tới cảnh giới chân lý của Phật thì đó vẫn còn rất thô bởi chỉ là thể tướng, đang như bắt đầu dẫn bạn vào chân lý. Còn nếu các bạn chưa một lần bước vào miền đất Chân Tâm để thực sự chạm vào được năng lượng thật tịnh, thật sạch của Trí Tuệ trong mật ngôn số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, được Thánh hóa và được gội rửa bởi tha lực Phật điển Từ Bi, mật ngôn Mu A Mu Sa qua Chánh Niệm hơi thở, thì chúng ta dù có rình rang tất cả mọi nghi thức, khổ vẫn là khổ. Thế nên, bao nhiêu lần và biết bao nhiêu con người đã than rằng: “Sao tôi đi tới những nơi thờ tượng như vậy, tôi đi Chùa, tôi tụng Kinh, tôi trì chú, tôi tu này, tôi tu kia mà sao tôi cứ khổ?”, là bởi vì ta cứ rong ruổi chạy theo cái bên ngoài.

Các bạn hãy cho mình một cơ hội nếm được Pháp vị Giải Thoát ngay từ bên trong bằng Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa và bằng Tánh Thấy, Biết như Lăng Nghiêm, Bát Nhã của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để tất cả mọi giác quan của chúng ta khi nhận được Cảnh ở bên ngoài tương tác thì ta lại càng thấy rõ được Cảnh của Chân Tâm. Ngoài và trong nhất như đồng nhất thể, chẳng phân biệt. Với cái tâm không hề phân biệt như vậy, hạnh phúc sẽ tới với các bạn, hạnh phúc sẽ luôn ở với các bạn, an lạc sẽ luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời. Dù cho đau khổ, cho phiền não có như sóng cuồn cuộn của bão tố kéo tới thì chỉ một chốc qua thôi, bạn vẫn vững chãi bởi trên đôi chân của bạn là đôi chân của Chánh Niệm hơi thở và bạn đã tìm thấy toàn diện đôi cánh của cuộc đời trong, ngoài Tâm, Cảnh, Pháp nhất như, bất thối, chẳng sai biệt, chẳng khác, chẳng vướng mắc. Bạn đã có quyền vỗ đôi cánh đó để bay lên thoát khỏi trần tục, thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi cõi uế trượt của cuộc đời, xa lìa khỏi phiền não để bay mãi, bay mãi, vươn lên những ý nghĩa thanh cao, cao đẹp để tận hưởng vũ trụ bao la, không khí trong lành của mặt trời Trí Tuệ đang soi dẫn bạn hướng tới và bay tới.

Hãy bay lên và chắp đôi cánh, đôi cánh của Thiện Pháp Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chúng ta thật sự thoát khỏi cái khổ mà tận hưởng cái nguồn sống an vui, hạnh phúc vô tận của mỗi người chúng ta.

Chủ đề “Quan Sát Cuộc Sống” chẳng phải là bỏ ngoài lấy trong hoặc bỏ trong lấy bên ngoài mà thấy rõ trong ngoài đồng nhất, thấy cái bên trong thấu cái bên ngoài.

Các bạn! Chúng ta hiểu được điều đó là chúng ta đã hoàn thiện cuộc sống, đã có một cái nhìn toàn diện trong ngoài, có một cái nhìn toàn diện trong ngoài như vậy thì mọi nỗi niềm đau khổ và phiền não như bọt nước bị nổ tung, như sương mù tan biến khi mặt trời đứng bóng. Các bạn hãy quan sát cuộc sống của cái tâm bên trong. Phật dạy quan sát tâm là để tận hưởng sung sướng trong cuộc sống, để tìm về một cái cánh, cánh của chân lý mà ta đã bỏ quên, để có đầy đủ một đôi cánh bay lên và vươn mãi trên miền chân lý mà Đức Phật khai thị.

Các bạn! Chúng ta hãy cùng nhau quan sát cuộc sống nội tâm ở bên trong bằng Chánh Niệm hơi thở Mu A Mu Sa và bằng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Mời các bạn hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi lồng vào với nhau, cùng với Bảo Thành đi vào 07 biến Chánh Niệm hơi thở, quan sát cho thật kỹ, tự tại và vững chãi, an nhiên và bình an.

Mời các bạn:

“Thưa Phật! Chúng con đã quên thế giới nội tâm của miền đất Chân Như, rong ruổi chạy mãi, đeo đuổi cái bên ngoài, nay đã nhận ra, nguyện một lòng mang ánh Từ quang của Phật chiếu soi vào nội tâm và tận hưởng nguồn hạnh phúc vô biên để quan sát cuộc sống bên trong.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang.

“Chúng con sẽ tinh tấn Chánh Niệm hơi thở đón nhận năng lượng Từ Bi và quan sát cuộc sống nội tại bên trong để hòa nhập không một mảy may phân biệt, dính mắc giữa Tâm, Cảnh và Pháp.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. Nam Mô Ta Mô Ta Mô Đa Ra Hoang.

“Thưa Phật! Chúng con nguyện thắp sáng đuốc Tuệ và đón nhận mặt trời Trí Tuệ của Ngài đã đặt để trong Tâm thức của chúng con, trở về để tận hưởng cuộc sống hạnh phúc và bình an là miền đất tâm.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (05 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta tu xong rồi, các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy thật rõ thực tướng của các Pháp sanh diệt Vô Thường từng sát na, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn. Để chúng con thông Tuệ, tận hưởng nguồn hạnh phúc vô biên bằng cách quan sát cuộc sống nội tâm.

Chúng con thành tâm hồi hướng nguyện xin mười phương Chư Phật, Đức tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật phóng quang tiếp dẫn các hương linh, nguyện xin Chư Phật Từ Bi tiếp dẫn.

Thành tựu được công đức nào nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia, bỏ đi sự phân biệt đối đãi, ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình trên thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra thật nhiều các loại vắc xin và thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các bác sĩ y tá, y sĩ nhân viên cứu trợ cứu tế chữa lành và hỗ trợ tất cả các bệnh nhân.

Hồi hướng cho tất cả những ai còn đau khổ và phiền não tìm thấy được nguồn hạnh phúc bình an.

Hồi hướng cho tất cả Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Nguyện xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts