Search

Bài 1251: Tâm Tĩnh Lặng – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ chúng ta đồng tu với nhau, mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi tam bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có được tâm tĩnh lặng.

Mô Phật! Các bạn, chủ đề hôm nay chúng ta sẽ nói về “Tâm Tĩnh Lặng”. Và trong sự đồng tu Thiền Mật song tu – Thất Bảo Huyền Môn, chúng ta nương vào hơi thở của chánh niệm, đặt tâm ngay trong hơi thở đó, giữ tâm ở hơi thở đó để tánh thấy biết quan sát thân tâm của chúng ta hiểu rõ được tất cả các pháp bất tịnh vô thường sanh diệt. Từ đó, chúng ta xóa tan đi những nghi ngờ cống cao ngã mạn, những sự đắm đuối trong tham dục, tham ái để nuôi dưỡng cuộc sống hiện tại ngay đây bằng năng lượng từ bi Mu A Mu Sa. Hầu ứng dụng cuộc đời của chúng ta trong tinh thần phụng hiến tha nhân, mang lại lợi lạc cho muôn người.

Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, để chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có được trạng thái tâm tĩnh lặng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, sống ở trên đời ai ai cũng muốn mình có một trạng thái của tâm tĩnh lặng để chúng ta an vui, để nhìn sóng gió của cuộc đời tâm của chúng ta vẫn tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng là mục đích mà những ai học Thiền đều mong đạt tới. Tâm tĩnh lặng cũng là điều chân lý mà ai ai cũng muốn có dù các bạn là Phật giáo, học Thiền, tu Thiền, hay những tôn giáo khác thì cuộc đời xoay vần có biết bao nhiêu chuyện không thể làm chủ được. Ta luôn luôn mơ ước có được tâm tĩnh lặng để bình an, để hạnh phúc. Ước nguyện này là chân lý của đời người bởi ai trong chúng ta cũng có tâm tĩnh lặng. Đó là sự tự nhiên, hiển nhiên trong cuộc đời dù các bạn có trí tuệ hay không có trí tuệ, người giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, cao hay thấp, thành công hay thất bại thì ai ai cũng muốn có tâm tĩnh lặng. Bởi ở trên đời có câu “cây muốn lặng mà gió không muốn dừng”, gió cứ thổi hoài làm cho cây phải lung lay, phải rung chuyển, đôi khi còn bị bật gốc ngược lên trên trời để rồi chết khô héo theo thời gian. Tâm tĩnh lặng rất là quan trọng. Ước mơ vẫn là ước mơ, điều nguyện ước vẫn là điều nguyện ước nhưng làm sao chúng ta đạt được tâm tĩnh lặng trong cuộc đời?

Các bạn đã từng trải qua biết bao nhiêu chuyện mà tâm của chúng ta rối rắm, rồi nó tràn đầy những đau khổ phiền não, ưu tư, sầu muộn, nó làm cho chúng ta cứ khắc khoải theo khung thời gian tích tắc tích tắc trôi mãi không ngừng. Từng âm thanh vang vọng trong tâm của chúng ta, những khoảnh khắc thời gian tích tắc, tích tắc, hiện tại – quá khứ – tương lai đôi khi nhập nhằng không ai nhìn rõ. Để đắm chìm trong cái khổ, cái đau, phiền não, suy tư mênh mông vô tận chìm nổi, thăng trầm trong cuộc sống và rồi cuộc đời của mỗi người chúng ta cứ nhìn quanh rồi nhìn lại nó vẫn là như vậy khó thoát ra.

Trong Thiền học, khi tu Thiền biết bao nhiêu những ngôn ngữ ảo diệu, biết bao nhiêu những văn chương, văn tự được mặc định trong dòng tư tưởng suy diễn của mỗi một người khi học chân lý Thiền định của Phật, của Chư Tổ, rồi chúng ta diễn dải trên những dòng văn chương lai láng của những hương vị Thiền và được tô đậm nét trong văn chương gọi là Thiền vị. Mùi vị của Thiền ở trong văn chương lai láng, bồng bềnh trôi nổi để ai đập vào cũng ngây ngất nhưng chẳng thể đạt được tâm tĩnh lặng. Nhưng cốt lõi biết bao nhiêu phương pháp Thiền: Thiền chỉ, Thiền định, Thiền quán (quán âm thanh, quán sắc, quán tướng, quán từ bi, quán tất cả,…). Để đi tới Thiền tiệm ngộ hoặc là đốn ngộ, đạt tới trạng thái hiểu rõ tâm sở, tâm vương, rồi cứ mênh mang trong những dòng văn tự của Thiền định như thế, chắc chắn các bạn và Bảo Thành đã từng đọc qua biết bao nhiêu những áng văn chương lừng lẫy diễn tả về Thiền, Chúng ta đắm chìm trong đó, nhưng ở cuối ngày cứ hỏi thử những ai tu Thiền đó liệu có đạt được trạng thái tâm tĩnh lặng hay không? Các bậc Thiền gia, các bậc Thiền giả, các bậc Thiền sư, hay những người tu Thiền cứ nhìn lại chính mình đừng nhìn lại người khác. Để mang những ngôn ngữ mặc định ở trong văn chương của Thiền, đắm đuối trong Thiền vị, đắm đuối trong hương Thiền, đắm đuối trong sắc Thiền để rồi nói rằng anh này anh kia, người này người kia không có tịnh, không có tĩnh lặng. Hãy nhìn và soi lại chính mình để thấy rằng trong bao nhiêu năm qua, miệt mài trong dòng tư tưởng của Thiền, chúng ta thực sự có đạt được tâm tĩnh lặng hay không? Hay bao nhiêu năm qua chúng ta đã tu tập các Pháp môn của Phật dựa trên nền tảng của giáo lý trong Kinh sách, trong lời hướng dẫn của biết bao nhiêu bậc Thầy, và rồi ngay cả những đấng bậc xuất gia cũng như quí vị các bạn tại gia, mấy ai trong chúng ta đã đạt được tâm tĩnh lặng? Đây là câu hỏi rất chân thật mà mỗi người cần phải trả lời cho chính mình. Nếu không thể trả lời rằng sau bao nhiêu năm tu tập ta có tâm tĩnh lặng, thì bao nhiêu công phu nghe pháp, giảng pháp, tu tập phái này phái kia cũng chỉ là những âm thanh rộn ràng của thú rừng vang vọng lại trong tâm.

Các bạn, đối với những người chiên nhất rồi bỏ trần thế, đi vào cõi tịnh mịch của Thiền để chứng đắc trạng thái Chánh định trong tâm tĩnh lặng, điều đó là tuyệt vời nhưng vẫn là ý tưởng. Nhưng họ đã rời bỏ cuộc đời rồi, cho nên có lẽ không nay mai thì trong kiếp sau, hoặc tới một thời gian nào đó họ sẽ bước vào thềm tâm thức của Thiền vị, nếm được hương vị của Thiền tĩnh lặng. Nhưng mà các bạn và Bảo Thành, chúng ta còn bôn ba trong cuộc đời biết bao nhiêu sự lo lắng mỗi ngày. Nào phải thức dậy để đi làm, tất bật cả một ngày vội vàng chạy về lo cho con nấu ăn, lo cho chồng cho vợ, rồi còn phải lo cho căn nhà cuộc sống bảo đảm, cho công việc bền vững, cho đồng tiền vào ra đúng mức. Rồi trong sự giao tế với người này người kia, muôn sự, muôn sự biến thành đa sự, và trong biển đời đa sự như vậy ai trong các bạn đã có được trạng thái tâm tĩnh lặng?

Hai chữ “tĩnh lặng” được giải thích dưới nhiều hình thức. Sâu sắc vô cùng của Thiền, nếu các bạn lên google gõ vào “tâm tĩnh lặng” thì sự giải thích sẽ mênh mông vô tận. Hỏi lại lòng mình trong cuộc sống, là Phật tử tại gia liệu chúng ta có thể được trạng thái tâm tĩnh lặng như sự diễn dãi trong văn chương của Thiền định hay không? Bận rộn quá, quay cuồng đến khi chết rồi mà còn bận rộn nữa kìa (bận rộn chôn, bận rộn chết, rồi bận rộn trong sự tái sanh). Cuộc đời nó như cái bông vụ quay hoài, không biết khi nào nó hết quán tính để ngừng xoay, nếu không còn quán tính xoay thì cũng té bổ nhào vô định phương hướng.

Các bạn ta là Phật tử tại gia, câu hỏi: với cuộc đời như vậy ta làm sao có tâm tĩnh lặng? Riêng đối với Bảo Thành, chữ “tĩnh” nếu mà dịch ra theo các vị khác thì là tuyệt vời lắm, nhưng hãy mang chữ tĩnh để dịch ra theo suy nghĩ bình thường của Phật tử tại gia chúng ta. “Tĩnh” tức là biết, “lặng’ tức là trong suốt, một cái biết trong suốt. Đơn giản, Bảo Thành định nghĩa như vậy đi, để trong cuộc sống là Phật tử chúng ta bận rộn đó, làm sao chúng ta có được cái biết trong suốt thì tâm sẽ tĩnh lặng an nhiên.

Có một câu chuyện kể như vầy, có một vị Thiền sư cùng một người đệ tử. Thiền sư hôm đó dắt đệ tử đi tọa thiền ở một dãy núi thật là lớn và thật đẹp, ngay bên bờ biển dòng nước tĩnh lặng. Nhìn xuống nước nhìn núi, thầy trò cùng thiền, người đệ tử còn nhỏ nói với Thiền sư:

Thưa thầy, chỗ này thật là tuyệt vời. Không có thấy gió, nước lặng không thấy sóng, nước trong suốt như thế kia, núi vững chãi, sơn thủy tuyệt vời, mây trời yên lặng, cảnh giới thanh bình. Thưa sư phụ, con thấy tâm con tĩnh lặng vô cùng.

Sư phụ Thiền Sư nhìn xuống đệ tử, cười nhẹ và nói: Ừ!

Sư phụ và đệ tử tiếp tục tọa thiền. Một cơn gió thật là mạnh thổi ngang, biển chẳng lặng nữa mà tạo thành sóng thật là cao vỗ rầm một cái vào vách núi, tạo thành ngàn trung âm thanh rên xiết rùng rợn. Đệ tử hoảng hồn giật mình nói với sư phụ:

Nơi đây chẳng có sự tĩnh lặng, ồn ào quá! Gió thì thổi mạnh, sóng thì đập vào vách núi, tưởng núi yên nhưng bây giờ gầm thét mãi, tưởng biển lặng nhưng mà sóng lại dâng cao, tưởng mây trời đẹp mà gió lại đảo lộn.

Thiền sư nhìn lại đệ tử của mình, cũng mỉm cười và nói: Ừ!

Trên đường về người đệ tử hỏi Thiền sư:

Thưa sư phụ, con nói chỗ đó đẹp Ngài cũng ừ, con nói chỗ đó ồn ào Ngài cũng ừ, như vậy cái ừ của sư phụ là cái ừ gì?

Sư phụ Thiền sư nhìn đệ tử và nói “Ừ”, và nói với đệ tử rằng:

Cuộc đời của chúng ta bản chất tự tại vững chãi như núi, trong suốt như biển và luôn động như gió, gió không thể ngừng, gió luôn động, biển luôn trong suốt tĩnh lặng, núi luôn vững chãi, nhưng giữa cảnh của gió, của mây trời, của nước biển, của núi, nó không thể tách biệt nhau ra được. Ba hiện tượng thiên nhiên mây trời, gió tạo sóng đập vào núi tạo ra âm thanh vang vọng mãi. Nhưng cái ‘ừ’ của sư phụ là sự tĩnh lặng nó nằm ở trong tâm chứ chẳng phải giữa dòng đời ngược xuôi, sóng gió gió ba đào dồn dập lui tới. Sự trong suốt của tâm Phật của chúng ta nó có gợn sóng thì sóng đó cũng trong suốt, nó có đập vào vách núi của tâm thức thì tạo ra âm thanh của cái biết trong suốt giữa dòng đời lôi kéo chúng ta nổi trôi bồng bềnh. Sự đời đâu thể tách biệt giữa núi và biển, giữa gió và mây trời, sơn lâm, vân thủy luôn luôn hòa quyện với nhau. Giữa cái động của tâm do tác động cảnh ở bên ngoài, giữa âm thanh gào thét do va chạm vào sự sống của đời thường nó là bình thường. Đối với đệ tử chưa quen nhìn thấy cái động thì tâm mất tánh tịnh. Đối với người quen như sư phụ – Thiền sư, cái động của thế nhân vẫn là sự biết thanh tịnh, gào thét của vách núi vẫn là sự trong suốt của tâm nhìn thấy. Cho nên dù có sóng hay tĩnh lặng cũng chỉ ‘ừ’ mà thôi, bởi tâm của Thiền sư – sư phụ đã nhìn thấy sự dung thông giữa gió, giữa nước và giữa núi. Ba trạng thái không khí, thể lỏng là nước và thể vững chắc là núi, ba cái đó dung thông làm nên tánh Phật hiện hữu, đó là sự biết trong suốt của tâm tĩnh lặng.

Còn nếu như các bạn như câu chuyện thứ hai kể. Có một con cua nhỏ, nó đi tới một bãi biển, nó làm một cái hố sâu để trú thân, nó đào mãi nó đào mãi, cuối cùng cũng đã sâu. Nó chuẩn bị chui vào thì lại có một cơn sóng đập tới, sóng biển lại kéo cát vùi lấp cái lỗ, nó bực mình vô cùng, nó bảo:

Ta muốn yên tĩnh. Bãi cát đang yên như vậy, đào lỗ để ẩn thân sóng lại tới, ta lại mất công.

Nó nghĩ ra một phương pháp, thôi trước khi đào một lỗ ẩn thân trên dãy cát thanh tịnh của bờ biển này, ta hãy tát cạn nước biển để không còn sóng nữa. Rồi nó miệt mài nó tát, nó tát hoài cho tới khi chân nó rụng, mắt nó mờ, nước biển vẫn còn đó, sóng gió vẫn đập vào và cát kia vẫn gợn sóng. Các bạn không thể lấy sức của con cáy để tát cạn biển Đông để ngừng sóng gió. Cuộc đời của chúng ta nếu như các bạn dùng sức để dẹp bỏ tất cả sóng gió trong cuộc đời để đạt được tâm tĩnh lặng trong cõi Thiền, thì chắc có lẽ là như chúng ta đã từng nghe câu các vị Thiền sư nói: “lấy đá đè cỏ, cỏ sẽ mọc chỗ khác”. Vốn mang thân kiếp con người lẫn lộn trong thiện ác, tâm của chúng ta, nhớ rằng, người ta đã hiểu nhầm tâm của chúng ta như tâm con ngựa, con khỉ, nhưng mà không. Đức Phật nói ta là Phật, các con là Phật, trong các con có tâm Phật, chúng ta có tâm Phật, và Tâm Phật như chưa có sự mọc của mặt trời, chưa có sự lặng của mặt trời có nghĩa là tâm Phật như không có hoàng hôn và không có bình minh.

Thực tế, ngày xưa nói câu: như mặt trời không có sự mọc và sự lặn, đó là tâm Phật, nó luôn sáng thì ta khó hiểu lắm. Bởi luôn luôn có bình minh, là mặt trời mọc lên rồi tới hoàng hôn mặt trời lặn. Mặt trời mọc –  mặt trời lặng là điều ta nhìn thấy mỗi ngày, cho nên nói như mặt trời chưa có mọc và chưa có lặn, ta không hiểu được đâu. Nhưng khoa học chứng minh, ngày nay thực sự mặt trời chưa bao giờ lặn và cũng chưa bao giờ mọc, vẫn ở giữa hư không tỏa sáng nhưng có lúc đen lúc tối. Chính là bởi vì trái đất xoay và mây đen che phủ tầm nhìn của con người của thế nhân, mà chúng ta tưởng rằng như mặt trời bị đen, mặt trời không sáng, hoặc mặt trời mọc và mặt trời lặn. Tánh Phật mới là tánh của chúng ta, tâm Phật mới là tâm của chúng ta. Đã có tâm Phật thì chưa có sự mọc chẳng có sự lặng, nói một cách khác tâm Phật luôn trong suốt với tánh biết dung thông tất cả. Nhưng chúng ta quá vội vàng nắm lấy ý nghĩa của bóng đen trong vô minh như mây che phủ và gán ghép gượng gạo đó là tâm, rồi chia sẻ ra biết bao nhiêu thể loại tâm, đó chỉ là hiện tượng cảnh mà thôi còn tâm thật sự như Phật nói ta chỉ có tâm Phật mà thôi. Nếu chỉ hiểu đơn giản như vầy, bởi ta là Phật tử tại gia, còn nếu như các bạn xuất gia nghiên cứu về Thiền học, đi sâu hơn là điều hiển nhiên, tốt lắm! Nhưng hôm nay nói tới hàng Phật tử tại gia, ta bận rộn quá. Công việc cứ xoay vòng liên tục như thế và biết bao nhiêu người trong chúng ta đã từng nói: “hãy đợi cho đến khi rảnh rỗi rồi chúng ta tu luyện”. Đã khi nào các bạn rảnh rỗi chưa? Lại còn có các bạn theo những chân lý hùng mạnh và dẹp bỏ sóng gió của biển khơi, mang thân cáy mà tát cạn biển Đông, để đào lỗ chui xuống cát an yên tự tại. Mấy thuở cáy có thể làm được chuyện đó? Biển thì mênh mông, sóng thì cuồn cuộn, gió thì cuộn tròn nhưng núi vẫn sừng sững.

Các bạn nhớ tâm Phật là tánh biết trong suốt không bao giờ vẫn đục, chưa có mọc chưa có lặn, chưa có đen chưa có sáng, nó hiển lộ một cách trong suốt giữa ba thể trạng của gió, của nước và của núi. Nếu hài hòa nhìn rõ cảnh thiên nhiên, mây trời, rừng núi, sông nước, tuyệt vời! Nhưng nếu chúng ta chỉ đi tìm sự tĩnh lặng trong cái không có động thì đó là một chuyện như cáy tát biển Đông. Ngay trong cõi động ta vẫn tĩnh lặng, bởi Phật tánh là tánh biết trong suốt. Nhưng chính vì chúng ta luôn sợ hãi, cái sợ hãi không phải là cái tâm nó chỉ là cảm xúc sợ hãi, còn chúng ta chỉ có tâm Phật hiện hữu. Chúng ta suy nghĩ nghĩ như vầy chúng ta mới thấy rằng, với Phật tử tại gia của chúng ta, điều quan trọng không phải là đi vào rừng Thiền mà điều quan trọng là chúng ta làm gì để có được trạng thái tâm tĩnh lặng trong cõi động mênh mông vô tận, không bao giờ dừng như sóng biển? Đừng như thân cáy, ước vọng tát cạn Biển Đông.

Có một anh chàng có một chiếc xe cũ rích, bánh xe thì méo, trục xe thì lung lay. Anh ta lại chạy trên một con đường toàn là ổ gà, chông gai thế rồi bánh xe bị văng ra té xuống đường, đau lắm! Và có một chuyến anh ta phải lên thành phố, nhờ quái giang một người hàng xóm cũng có một chiếc xe, ngồi trên xe ấm áp, đi mà lòng anh ta cứ quay lại nhìn bánh xe sau sợ nó rớt ra như đợt trước, nhưng ông chủ xe thì ngồi tự tại uống nước, ngâm nga những bài thơ, những bài vịnh. Anh ta mới thấy lạ hỏi:

Tại sao ông lại bình tĩnh như thế, tôi thì lo sợ, sợ bánh xe đằng sau nó rớt ra lại té như hồi xưa.

Ông chủ xe nói rằng:

Có lẽ anh đã bị té bởi xe của anh đã cũ nhưng tôi đã từng đi chiếc xe mới này, đi tới nơi về tới chốn ngồi thật thoải mái.

Người bị té xe kia chưa bao giờ hiểu rằng sự khác biệt giữa xe của anh ta và xe của người chủ này – mình quá giang, nhưng tới nơi anh ta mới thấy:

À! Hóa ra sự lo sợ của mình là vu vơ bởi nhìn kỹ chiếc xe của người cho ta mượn để đi quá giang trên đoạn đường thật là tốt, thật là lớn, thật là mới, thật là đẹp, bánh xe tròn, trục xe vững chãi, đi mưa nắng không có sợ bởi đó là chiếc xe hơi. Còn chiếc xe ta đi năm xưa là chiếc xe đạp cũ kỹ.

Các bạn, có lẽ phương tiện đi vào đời của chúng ta là chiếc xe đạp cũ kĩ, bánh xe đã bị cong vẹo, trục xe thì lỏng lẻo, trên đường thì hầm hố nhiều nên rớt xuống hố bánh xe văng ra. Và mỗi người chúng ta đã té quá nhiều trong vấp ngã của cuộc đời, đau quá. Và có nhiều lần tưởng chừng không thể đứng dậy được nữa, để rồi trên tất cả các chuyến đi ta sợ. Nhưng chuyến đi của người hàng xóm là một chuyến đi của chiếc xe hơi toàn diện mới mẻ, có nhíp (trục đàn hồi) thật là đẹp, rớt xuống ổ gà cũng nhẹ nhàng êm ái. Và nếu như anh chàng kia, bởi vì té một lần để từ đó không tìm được sự tĩnh lặng của tâm trên những chuyến đi nữa, là chính vì sự sợ hãi sau một lần, hoặc chúng ta sau nhiều lần vấp ngã đã mất đi sự tĩnh lặng là bởi vì ta sợ, chứ thực ra sự tĩnh lặng là tánh biết tĩnh lặng trong suốt của Phật tánh vẫn tồn tại. Cho nên để trở về được sự tĩnh lặng đó, có được trạng thái tâm tĩnh lặng đó đó, nếu như các bạn là Phật tử tại gia chúng ta cũng đừng nên quá cầu kỳ trong văn tự.

Hôm nay, nói đến hàng Phật tử tại gia thật là bận rộn. Các bạn làm trong công xưởng, năm sáu ngày một tuần. Các bạn là công nhân, các bạn là những người buôn bán nhỏ, các bạn là những người thật là bận rộn, chưa có thời gian tĩnh, tức là thời gian ổn định để tu học Kinh điển, để mà vào các trường Thiền nghe giảng nhiều, nhưng chúng ta nghe thật nhiều chuyện ở đời, nhưng không phải vì thế mà ta không có được tâm tĩnh lặng. Phương pháp để có được tâm tĩnh lặng chúng ta sẽ nhận ra thôi. Không nhất thiết phải vùi đầu vào trong Thiền, chỉ cần như anh hàng xóm biết quá giang chiếc xe hơi của người hàng xóm thì sự sợ hãi bởi té xuống lần trước khi lái chiếc xe đạp của mình sẽ tiêu ngay, bởi sau khi tới được mục đích nhận ra chiếc xe của người hàng xóm là xe hơi.

Chúng ta có một người hàng xóm thân cận vô cùng yêu thương ta thật là nhiều đó là mẹ Quan Thế Âm. Mẹ có một chiếc xe lớn, chiếc xe của tầm thinh cứu khổ, chiếc xe của lòng từ bi, chiếc xe của đại thừa, từ bi lớn lắm, chở được muôn người và vượt muôn trùng sóng gió của biển Đông để đưa ta tới bờ an lạc.

Hôm nay đây, chúng ta hãy về với mẹ Quan Thế Âm, để chúng ta xin mẹ rãi nước Cam Lồ, ân điển từ bi. Để đưa chúng ta ngồi lên chiếc xe – chiếc xe cứu khổ cứu nạn, chiếc xe mà tầm thinh lắng nghe tiếng khổ ải của muôn trùng chúng sanh, chiếc xe của lòng từ bi hóa thân của mẹ đi vào cuộc đời. Ta hãy quá giang mẹ Quan Âm để đi qua biển đời sóng gió, nhiều lần vấp té tưởng chừng tìm mãi không thể sống nhưng rồi vẫn còn hiện thân trong cuộc đời. Đừng sợ, hãy tới với mẹ Quan Âm và nói:

Mẹ ơi! Hãy cho con mượn chiếc xe đại thừa, chiếc xe đại từ đại bi, yêu thương của mẹ. Hãy cho con được một lần ngồi lên xe từ bi của mẹ, xin mẹ lăn bánh cuộc đời để con đi trên đoạn đường của kiếp này không còn bị té, không còn bị đau, không còn bị khổ.

Phật tử tại gia chúng ta hôm nay hãy quay về với mẹ Quan Âm, hãy nương vào lòng từ bi của Ngài, bởi Ngài có phương tiện lớn như người hàng xóm có xe hơi và người thôn quê có chiếc xe đạp bị gãy, một lần té, nhiều lần té, sợ lắm. Chúng ta sau bao nhiêu lần vấp té trong cuộc đời, cứ sờ vào trong tim ta đã cô quách rồi. Nhìn trên khóe mắt nó đã cằn cỗi, cảm nhận trong tâm thê thảm vô cùng, và rồi trùng trùng sự sợ hãi. Bởi vì trí tuệ còn hạn hữu như con cáy đã một thời muốn tát cạn biển Đông để đến khi rụng càng, rụng thân, chết xuống mồ mới nhận ra sức ta chẳng thể tát cạn biển Đông.

Đã bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã cứ nghĩ rằng tự lực cao ngất như biển trời, để có thể lấp biển, dời núi nhưng rồi chung quy trở về ta vẫn là phận người nhỏ bé quá. Mẹ Quan Âm tới trong cuộc đời mời gọi chúng ta, hãy quá giang mẹ đi qua những chặng đường của cuộc đời đầy những cam go thử thách, đầy những thất bại đau đớn, đầy những phiền muộn đau khổ, đầy những bi ai, đấy những cái gọi là được mất sanh diệt. Sao ta không quá giang người hàng xóm có xe hơi, ta không quá giang người hàng xóm là mẹ Quan Âm đã tới kề cận xây một cái nhà thật nhỏ sát ngay bên cạnh cuộc đời và lúc nào cũng mời ta, “hãy đi đi, xe này là của bạn, bạn không cần phải mượn, bạn không cần phải gói ghém, bởi nó được tạo ra và mang tới đây cho bạn”.

Các bạn, mẹ Quan Âm đã tới và hiến tặng cho chúng ta một chiếc xe đại thừa, đại từ đại bi, để có thể vượt sóng trùng khơi chập chờn muôn thuở, để không bị nhấn chìm xuống dòng trôi của cuộc đời để tới được bờ an lạc, để đi tới trạng thái tâm tĩnh lặng khi ngồi lên trên chiếc thuyền từ bi của mẹ, chiếc xe đại thừa vô ngại của mẹ Quan Âm. Chỉ có vậy là đạt được trạng thái tâm tĩnh lặng rồi, sao cứ miệt mài như con cáy, sao cứ thắc mắc như chú tiểu? Sóng sẽ không bao giờ nhưng bởi gió luôn luôn di chuyển, núi sẽ không bao giờ gầm thép bởi sóng vỗ vào vách núi tạo âm thanh.

Cuộc đời là như vậy, nhưng không thể để cho biết bao nhiêu những sự xoay chuyển tự nhiên của cuộc đời đó làm cho mặt trời lặn mặt trời mọc. Ta chỉ có tâm Phật duy nhất ở bên trong, ngoài ra các thứ tâm khác được đặt để tên thực ra nó chỉ là cảm xúc. Còn tâm rõ ràng nhất của ta là tâm Phật, tâm Phật là tâm biết một cách trong suốt nhìn thật rõ. Mà người nhìn rõ nhất đó phải chính là người nhìn rõ được chiếc thuyền Bát Nhã vô ái ngại, chiếc xe đại thừa cứu khổ độ chúng sanh của mẹ Quan Âm ngay bên cạnh cuộc đời bởi mẹ đã tới. Hôm nay đây chúng ta hãy về với mẹ Quan Âm và tri ân cảm niệm mẹ đã tới trong cuộc đời, mẹ đã trao tặng cho chúng ta một chiếc thuyền từ bi, một chiếc xe đại từ đại bi để chúng ta ngồi lên trên đó, để trở về Phật tánh tĩnh lặng của sự hiểu biết trong suốt nhìn thấu mọi cảnh đời mà không vương vấn sầu muộn, đau khổ và phiền não.

Chúng ta là Phật tử tại gia các bạn ơi, các bạn bận rộn lái xe ngược xuôi trong cuộc đời lo cho chồng cho vợ cho con, cho nhà cửa, cho công ăn việc làm ổn định, cho sức khỏe, cho cha mẹ, cho muôn người. Nếu nhìn không khéo chúng ta trở thành con rối bởi tâm như ý mã (tâm như con ngựa), tâm như con khỉ. Đó không phải là tâm, tâm ta là tâm Phật tịch tĩnh, tĩnh lặng trong suốt. Cái mà người ta dùng cho như tâm như ngựa, như khỉ, đó chẳng qua là cảm xúc của ta. Những cảm xúc đó không phải là thể tâm, nó chỉ là mây mù che mặt trời, nó chỉ là trái đất xoay vần che ánh sáng mà thôi. Chứ còn tâm Phật luôn hiểu biết trong suốt như mặt trời chưa bao giờ mọc và chưa bao giờ lặn, Phật nói như thế. Cho nên các bạn nói tâm này tâm kia, chỉ có tâm Phật trong suốt mà thôi. Còn tất cả những cái được gọi là tâm đối với hàng Phật tử tại gia chúng ta, nhớ đơn giản trong ý nghĩa rằng đó chỉ là những dòng cảm xúc trong cuộc đời như gió chạm vào nước tạo thành sóng, sóng đập vào núi tạo thành âm thanh. Còn vị sư phụ Thiền sư với tâm Phật tĩnh lặng trong suốt, nhìn gió vờn sóng đập vào núi như một khúc nhạc trầm bổng, như một khúc thiền ca khải hoàn, đi về cõi trong suốt hiểu biết của tâm thức. Còn chú tiểu thì bị cái tĩnh lặng hớp hồn nên thích, rồi bị sóng gió hoảng hồn nên sợ. Đó là cảm xúc của chú tiểu khi nhìn rõ cảnh yên lặng khi không có sóng gió, và rồi tới cảm xúc sợ hãi khi sóng gió tới. Còn sư phụ, giữa sự thay đổi của mây trời sóng nước, tâm vẫn trụ ở trong cái trong suốt của tánh Phật, cho nên chẳng hoan hỉ hớn hở cũng chẳng hoảng sợ. Nếu chúng ta trở về điều đó thì chúng ta có tâm tĩnh lặng nhưng đó là nói chuyện Thiền sư, còn con cáy đâu có vị Thiền sư đâu, nó tát nước để rồi biển Đông vẫn là biển Đông sao cạn được, còn hố cáy kia thì nhỏ quá, sao có thể dùng chứa được nước biển Đông. Những tư tưởng đột biến như vậy, dị hợp như thế, quái dị như vậy, chẳng thể làm tới sự tĩnh lặng của tâm.

Hãy nhớ, hôm nay đây, hôm nay – ngày mai và mãi mãi mỗi người chúng ta, hàng Phật tử tại gia với trăm chuyện bề bộn bận rộn, xoay mồng mồng như con rối, hãy như người hàng xóm, quá giang người hàng xóm trên chiếc xe mới tịch tĩnh để tới chỗ mình mong muốn.

Bảo Thành nhắc lại, chúng ta may mắn thật nhiều, bởi đã nhận ra bên cuộc đời có một người hàng xóm thương yêu ta vô cùng đó là mẹ Quan Âm. Mẹ đã tới bên cạnh cuộc đời, mẹ đã vỗ vai, mẹ đã chạm vào cuộc đời, mẹ đã thì thầm gọi ta:

Con ơi! Ta có chiếc xe đại thừa đại từ đại bi, ta tặng cho con không cần mượn chẳng cần quá giang. Hãy ngồi lên đó để đi suốt cuộc đời trải qua muôn chặng đường mà hầm sâu núi thẳm, hố đen gai góc, chông gai, con vẫn không bị gì. Đây mẹ có chiếc thuyền Bát Nhã vô quái ngại với tâm tự tại, dù sóng gió của biển trời có lật ngược đi nữa thì cứ ngồi lên đó cho tới được bờ bên kia.

Tâm tĩnh lặng là tâm biết nương vào lòng đại từ đại bi của mẹ Quan Âm. Tâm tĩnh lặng sẽ có, các bạn sẽ có được tâm tĩnh lặng khi các bạn nhất quyết quay về với người hàng xóm thân yêu là mẹ Quan Thế Âm. Để chúng ta không quá giang mẹ nữa, bởi mẹ tới để trao tặng, mẹ tới để hiến tặng cho chúng ta những phương tiện lớn như vậy để đi. Sao cứ lần mò chế tác ra những phương tiện của tự thân, như con cáy chế tác ra ý tưởng tát cạn biển Đông, như chú tiểu sợ hãi giữa hai cảnh hoảng hốt?

Chúng ta may mắn, ta biết về mẹ Quan Âm, ta đã nghe được “Quan Âm Linh Hiển” trong bài hát giới thiệu ngày hôm nay. Hôm nay đây, chúng ta hãy quay về với mẹ Quan Âm, mẹ trao, mẹ tặng, mẹ hiến dâng cho chúng ta từ trái tim của bậc Đại sĩ từ bi vô thượng, một phương tiện vượt trùng hơi đau khổ, ngồi lên phương tiện của mẹ, phương tiện của từ bi yêu thương chúng ta sẽ có tâm tĩnh lặng. Mà để có thể ngồi lên được phương tiện lớn như vậy chúng ta phải quay về bến, bến đó là bến chánh niệm hơi thở và tiếp vào nhiên liệu của tâm thức là nhiên liệu từ bi Mu A Mu Sa. Tịch tĩnh trong bến Thiền của chánh niệm hơi thở thấy biết, đón nhận và nuôi dưỡng tâm thức của mình cho mạnh lên bằng năng lượng từ bi, thì phương tiện lớn của mẹ Quan Âm sẽ ngay trong cuộc đời hiển lộ ngay trước mắt mà chúng ta chỉ cần bước lên, nương vào thiền từ của mẹ Quan Âm. Tâm tĩnh lặng, tánh hiểu biết trong suốt sẽ luôn hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Để bao nhiêu cái khổ sẽ tiêu tan, bao nhiêu phiền não sẽ đoạn diệt, và cuộc đời của chúng ta từng xăng-ti-mét (centimet) tiến tới trong cuộc đời đều chan chứa tình yêu thương, lòng nhân ái, sự sợ hãi hoảng sợ chẳng còn, đó chính là tâm tĩnh lặng của hàng Phật tử tại gia. Chúng ta đừng vùi đầu trong rừng Thiền lý thuyết mặc định ngôn ngữ, để rồi cuối cùng phủi tay chấp nhận đầu hàng bởi khó quá. Làm sao các bạn có thể chứng đắc được điều đó trong hoàn cảnh của cuộc đời là Phật tử tại gia? Ngay cả những bậc có thời gian thật nhiều đầu tư vào Thiền cũng chưa đạt được điều đó. Huống hồ chi các bạn mảy may có đôi phút trong cuộc đời, phương tiện lớn của Phật của Bồ Tát kề cận ta lại khước từ, bỏ đi, biến thân thành cáy muốn tát cạn biển Đông, để khi rụng rời, trở về hố sâu, than thân trách phận, cả đời trôi qua ta làm việc vô nghĩa, phiền não vẫn còn, đau khổ vẫn đây. 

Các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi để chúng ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có được trạng thái tâm tĩnh lặng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, tâm tĩnh lặng là một sự trải nghiệm thực sự của con người. Vào khoảng thời gian 1970 năm cho tới khoảng độ năm 1990, biết bao nhiêu người Việt Nam rời quê hương xứ sở, trên con thuyền mong manh thật nhỏ, cả hàng trăm hàng ngàn người bồng bềnh trong sóng gió, và thật nhiều người đã chết vùi thân trên biển Đông. Nhưng trong những chuyến đi như vậy, vẫn có biết bao nhiêu con người đã đạt được trạng thái của tâm tĩnh lặng khi sóng gió của biển Đông vùi lấp trên chiếc ghe nhỏ. Bởi họ đã nương vào tâm đại từ đại bi của mẹ Quan Thế Âm. Biết bao nhiêu người dù là Phật tử hay không phải là Phật tử trong cơn tuyệt vọng của cuộc đời giữa sóng gió đó họ đã ngưỡng cầu lên với tâm hoảng hốt sợ hãi khôn cùng. Tiếng gào thét của sóng, tiếng đau khổ của tâm, và mùi chết chóc bao bọc ở chung quanh. Thế mà khi ngưỡng vọng đến mẹ Quan Âm họ đã đạt được trạng thái tâm tĩnh lặng để đi đến bờ an vui. Điều này biết bao nhiêu người đã kể lại, kinh nghiệm thực tế.

Các bạn, hôm nay nói về cuộc sống của Phật tử tại gia như các bạn, chúng ta không phải là Thiền gia, chúng ta là Phật tử tại gia, chúng ta lo lắng nhiều lắm và có ai đó sống như chúng ta mới hiểu được cảnh đời thật khó tìm được những giây phút tĩnh lặng trong cuộc đời. Vậy nên nếu cứ học, cứ tu vội vàng trong kiếp sống trầm bổng lôi cuốn kia, sao các bạn có thể tìm về được với tâm tĩnh lặng? Chiếc ghe chở bao nhiêu người bồng bềnh ở dưới sóng biển Đông kia mong manh lắm, biển thì lớn, sóng thì cao to, mạnh, cuộc đời tưởng chừng chẳng thể vượt qua nhưng khi nương vào mẹ Quan Âm họ đã tới bờ.

Trong hơi thở chánh niệm, chúng ta nương vào sự tịch tĩnh của chánh niệm hơi thở nuôi dưỡng năng lượng Mu A Mu Sa. Chúng ta nương vào hay nói một cách bình dân là chúng ta quá giang mẹ Quan Âm:

Mẹ ơi! Cho con quá giang lòng từ bi, tình yêu thương của mẹ qua chặng đường khổ ải của cuộc đời nhân sinh trong kiếp ngắn ngủi này. Để có mẹ ở bên, con quá giang với mẹ, con được mẹ che chở, con được bàn tay mẹ đang điều khiển chiếc xe vận hành của cuộc đời, vượt trùng khơi sóng gió, ổ gà, hầm sâu núi thẳm, chông gai, con an nhiên tự tại. Con nhất định sẽ quá giang chiếc xe đại thừa đại từ đại bi của mẹ Quan Âm. Bởi con là phận phàm phu, con là Phật tử tại gia, con là người bận rộn, con là người đang đắm chìm trong đau khổ, sầu muộn, con là người đang bị rớt xuống tận cùng của hố sâu vấp ngã, lầm chấp, tội lỗi, thất bại. Nhưng hôm nay con đã trở về nương vào ánh từ quang của mẹ Quan Âm. Mẹ ơi! Cho con quá giang.

Một từ ngữ đơn giản được thốt lên từ trái tim của hàng Phật tử tại gia với tâm thành kính và chân thành thì nào mẹ Quan Âm có thể xoay lưng bỏ đi? Thì nào là người hàng xóm là một bậc Đại sỹ đại từ đại bi có thể nhắm mắt làm ngơ với chúng sanh đang đau khổ mà mẹ đã phát tâm tầm thinh cứu khổ?

Các bạn hãy quay về, hôm nay đây hãy quay về và nương dưới bóng từ quang của bật Đại Sĩ Quan Âm Bồ Tát đại từ đại bi, để Bảo Thành và các bạn chúng ta có được trạng tâm thái tĩnh lặng trong suốt với sự hiểu biết nhìn dòng đời ngược xuôi, xin bàn tay dìu dắt của mẹ hiền Quan Thế Âm.

Đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi ta vận hành 07 biến. Mời các bạn.

Nam Mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát! Mẹ là người hàng xóm kề cận, xin cho chúng con con được quá giang chiếc xe từ bi của mẹ để vượt sóng gió của cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mẹ ơi! Chúng con là hạng Phật tử tại gia bận rộn, đau đớn, sầu muộn, thất bại, vấp ngã, tội lỗi xin cho chúng con được quá giang lòng từ bi của mẹ để có được tâm tĩnh lặng trong suốt. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. 

Tự lực của chúng con hữu hạn như con cáy có ý tưởng tát cạn biển Đông, xin hãy vừa dắt vậy cho chúng con nương bóng từ bi của mẹ Hiền Quan Âm, để chúng con có thể vượt trùng khơi gian khổ để có được sự tĩnh lặng trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Rừng sâu núi thẳm, hầm hố chông gai, thử thách đau khổ đầy rẫy trước mắt, chúng con đã một lần và rất nhiều lần té xuống vực sâu đó, xin mẹ cho chúng con nương bóng từ bi thoát ra trở về với tâm tĩnh lặng của cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Không hoảng hốt, không vui mừng trước mọi cảnh đời biến động liên tục, bởi vì chúng con đã trở về sự trong suốt của tâm, nương vào lòng từ của mẹ sống thật tĩnh lặng. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mẹ Quan Âm là người hàng xóm tuyệt vời, đã trao tặng cho chúng con phương tiện lớn của lòng từ bi, con nhất định sẽ sử dụng để vượt qua sự đau khổ, phiền não, sóng gió. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mẹ Quan Thế Âm ơi! Hôm nay chúng con nhất định sẽ trở về để nương bóng từ bi của mẹ, mẹ là người hàng xóm thân yêu, hôm nay chúng con đã nhận ra. Hôm nay chúng con đã nhận ra, chúng con sẽ quay về để nương bóng từ bi của mẹ để sống tĩnh lặng an vui. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn, chúng ta tu xong rồi mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa!

Mẹ Quan Thế Âm ơi! Hôm nay đây, chúng con đã nhận ra mẹ là người hàng xóm hoàn hảo tuyệt vời, hết mực yêu thương chúng con. Mẹ đã trao cho chúng con phương tiện lớn để có tâm tĩnh lặng trong cuộc đời tràn đầy bất thiện nghiệp, con nhất định sẽ đón nhận những điều mẹ ban tặng, nương vào đó để vượt qua.

Xin hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia, thành lập chính sách hòa bình cho thế giới, chấm dứt chiến tranh. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ luôn chữa lành các bệnh nhân. Hồi hướng cho mọi người khổ đau, phiền não tìm được hạnh phúc và an lạc. Hồi hướng cho các vong linh từ trần được siêu sanh miền cực lạc.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts