Search

Bài 1247: Niềm Tự Hào – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Tới giờ đồng tu rồi, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa!

Chúng con  nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến! Chúng ta hãy đi thẳng vào bảy biến vi diệu âm, chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Để an trú trong chánh niệm hơi thở nuôi dưỡng cuộc sống của mình ngay tại nơi đây, và năng lượng đại từ đại bi của mười phương chư Phật. Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ, vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi. Chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực để chúng con tìm được niềm tự hào trong chánh pháp của đức Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật!

Các bạn, chúng ta sống ở trên đời thể theo như lời đức Thế Tôn đã từng dạy. Mỗi một người, mỗi một chúng sanh đều có biệt nghiệp khác nhau, từ đó mà không ai giống ai. Do vậy mà đức Phật trong suốt cuộc đời của Ngài, từ khi giác ngộ cho tới khi nhập niết bàn, Ngài đi khắp mọi nơi và hướng dẫn cho mọi chúng sanh với những phương tiện phù hợp với chúng sanh đó, để dẫn chúng sanh đó đi tới sự an lạc, hạnh phúc. Và hướng dẫn cho chúng sanh nhận thức ra được sự có mặt của khổ đau trong cuộc đời để chuyển hóa. Và từ đó, chư Phật có thật nhiều cách hướng dẫn mà ngày nay chúng ta tạm gọi là pháp môn hay nói đúng hơn là phương pháp tu tập. Mỗi một phương pháp phù hợp với một số chúng sanh khác nhau. Chính trong thời đức Phật mà có nhiều chúng sanh cũng như Phật tử phù hợp với giáo pháp này, pháp môn này, cách hướng dẫn này, cách hướng dẫn kia. Để rồi họ thành tựu được sự an lạc trong cuộc sống với những phương pháp khác nhau do chính đức Phật truyền dạy. Ngoài ra cũng có nhiều người không có hợp, Phật dạy mà không hợp, cho nên họ không bao giờ tới với Phật. Chúng ta từ nhận định đó để thấy rằng, pháp môn nào, phương pháp nào, chỉ có người có duyên với phương pháp đó, phù hợp sẽ tìm được nguồn an vui và hạnh phúc.

Tuy nhiên, chủ đề hôm nay nói về “Niềm Tự Hào” quay trở về với đời sống của con người. Mỗi một chúng ta đều có một niềm tự hào cá nhân riêng. Khi làm được một việc gì đó, ta hân hoan, ta hạnh phúc, ta tự hào vì mình đã làm được việc đó. Ta về ta khoe với cha mẹ, ta chia sẻ với bạn bè, và lấy đó như một sức mạnh để mà trỗi dậy thành công trong cuộc đời. Là những đấng sinh thành lên con cái, ta tự hào vì con cái của mình thành công trong cuộc đời, ta tự hào vì con cái mình có đạo đức, có trí tuệ, và có sức khỏe. Cũng vì niềm tự hào đó, mà ai ai trong chúng ta cũng muốn vươn lên thực sự và cố gắng hết mình để vươn lên. Nhất là cuộc sống sinh thời của chúng ta, câu trong dân gian nói: “Nhất nghệ tinh, nhất chi vinh”

Một nghề mà giỏi thì tự hào, ta có niềm tự hào bởi bảo đảm được cuộc sống, làm chủ được cuộc sống.

Ở trên đời, người ta thương nhau, người ta trao truyền nghề để người đó có nghề nghiệp vững chắc, lo cho bản thân, gia đình. Còn nếu không yêu thương, đói thì cho ăn, khát cho uống, nghèo chút cho tiền, mà chẳng bao giờ trao nghề nghiệp. Bởi vậy ở đời xưa giờ, có mấy ai trao cho mình nghề nghiệp, dạy dỗ mình đâu. Bởi vì họ có gọi là thương đó, thì cũng cho ta khi đói, khi khát, khi bệnh hoạn chút xíu. Để rồi ta vẫn luôn luôn lệ thuộc vào họ, hoặc họ luôn luôn là người ở bên trên, để ta phải tới tôn thờ, để ta lệ thuộc và phụ thuộc. Đó là một phần tánh của con người phàm phu, luôn muốn chi phối những người khác dưới bàn tay của mình, luôn muốn chi phối người khác và để cho người ta lệ thuộc hoàn toàn vào mình, như để tôn vinh sức mạnh cao cả nhất của mình. Luôn muốn, luôn có trong tâm tánh của mỗi người chúng ta. Bảo Thành có tánh khí đó, các bạn cũng có tánh khí đó, ai ai cũng có. Không thể không nhìn nhận, không thể chối bỏ hoài, chúng ta phải trung thực, thành thật với chính mình. Nhận ra rằng trong mỗi chúng ta đều có tánh khí muốn đứng ở trên và luôn luôn muốn mọi người lệ thuộc vào chúng ta. Để rồi trong cái cao ngạo đó, vô tình đã biến ta hình như trở thành thượng đế để phán xét, để tha tội, để ban, đúng.

Cuộc đời của con người khi sinh ra, chúng ta lệ thuộc quá nhiều. Lệ thuộc tới mức mà chúng ta coi như sự lệ thuộc và biến chúng thành một hệ thống rằng, cuộc sống con người phải luôn luôn lệ thuộc. Rồi từ đó ta vô tình đặt mình ở dưới như một kẻ nô lệ làm tôi cho tất cả. Để tự ám ảnh cuộc đời của mình như một kẻ hèn, kẻ dưới, chẳng thể vươn mình ngang bằng với tất cả. Nhưng dù muốn, dù không, thì mỗi người chúng ta trong cuộc sống này vẫn luôn luôn tự hào về cuộc đời của mình, về những sự thành tựu ta cố vươn lên trong cuộc sống. Ta tự hào về người thân của chúng ta, ta tự hào về con cái của chúng ta, ta tự hào về vợ chồng, về cha mẹ, về người thân trong dòng tộc, về bạn bè, về dân tộc, niềm tự hào về dân tộc, về quốc gia, tự hào của thế giới. Và rồi thực sự có những con người là niềm tự hào của dân tộc, của gia đình, của từng cá nhân, của từng quốc gia như những vị anh hùng. Cũng có những con người là niềm tự hào của toàn thế giới và có những bậc là niềm tự hào của tất cả mọi chúng sanh ở mọi thế giới khác biệt.

Nay nói đến chủ đề “Niềm Tự Hào”, tự hào gì đây khi nhìn về chính bản thân của chúng ta. Các bạn nhìn kĩ lại cuộc đời, mấy ai trao cho bạn quyền quyết định cuộc sống ngang bằng với những người được gọi là chủ không? Khi các bạn đi làm với một ông chủ, ông chủ luôn trả lương cho các bạn và các bạn được đối xử như một người làm mãi mãi, chỉ là bậc bề tôi. Để rồi biết bao nhiêu người làm cực khổ mà ông chủ vẫn giàu, vẫn giàu. Để từ đó chia ra các giai cấp, công nhân, nông dân, chủ tớ có sự công bằng hay bất công lẫn lộn, nó lộn xộn quá trời, để rồi sinh ra những cuộc tranh cãi, chiến tranh. Nhưng mà ở đời, mấy ai có thể làm chủ mãi, và ở đời mấy ai muốn chịu kiếp làm tôi đâu. Tuy thế, mà tất cả mọi mặt trong xã hội, sự sinh hoạt của con người luôn luôn có chủ và tớ, có kẻ làm chủ, làm lớn, và có kẻ bề tôi phục dịch. Nhưng nói thật sự, ở trong lòng ước nguyện của mỗi chúng sanh, dù nhỏ bé li ti cho tới thông minh trí tuệ như loài người, ai ai và chúng sanh nào cũng muốn mình được tự do, thong dong, tự tại và bình đẳng, ngang hàng không có phân biệt chủ tớ. Niềm tự hào của các bạn là gì? Phải chăng là sự thành tài ở trong sự nghiệp, làm ăn có tiền bạc. Niềm tự hào của các bạn là gì? Phải chăng con cái học có bằng cấp, hay là cha mẹ là những đấng trượng phu cao cả, thánh thiện, hay cuộc đời êm xuôi, nhẹ nhàng, bình an. Niềm tự hào của chúng ta là gì, đó là một câu hỏi mà ai ai cũng có thể tìm ra được câu trả lời.

Mỗi người có một niềm tự hào khác biệt, và niềm tự hào đó nó đơn giản thuần túy, hay nó phức tạp đa dạng cũng tùy theo mỗi một người chúng ta. Nay trong buổi sinh hoạt đồng tu, nói đến niềm tự hào, đặc biệt riêng đối với những ai có nhân duyên học được giáo lý của đức Phật. Thuở xưa giờ, mấy ai khi hỏi tới bạn thuộc tôn giáo nào mà chúng ta dám sờ vào trái tim tĩnh lặng, tự tại và nói với họ, tôi là Phật giáo. Đúng, ở cuộc đời, đặc biệt ở Việt Nam quê hương chúng ta, xảy ra biết bao nhiêu sự xáo trộn của những cuộc chiến dài biết bao nhiêu ngàn năm. Và sự hận thù, sự hiểu lầm, sự chấp trượt gây đau lòng giữa các tôn giáo đối với chính phủ, từ vua chúa, quan quyền ngàn năm xưa cho tới ngày nay. Để rồi từ đó, tôn giáo không còn là một điều gì đó như là niềm tự hào của mỗi cá nhân để chúng ta sẵn sàng bước ra và nói, tôi là người Phật giáo, hay tôi là người theo tôn giáo này, tôn giáo kia. Bởi có từng giai đoạn trong lịch sử của người Việt chúng ta, tôn giáo hình như là một liều thuốc độc, không được nhắc tới. Và từ đó khi chúng ta theo tôn giáo, chúng ta chỉ đi theo tu tập một cách hời hợt ở bên ngoài mà thiếu đi niềm tự hào về tôn giáo mình theo. Không cần biết tôn giáo nào cũng được, mỗi một tôn giáo đều có biết bao nhiêu những con người đi theo tôn giáo đó, nếu không có cái chấp giữa cái cao thấp, giữa tôn giáo. Thì hầu hết những tôn giáo hoặc giáo hữu, hoặc những người đi theo tôn giáo đó đều hấp thụ một nền đạo đức phù hợp trong cuộc sống. Bởi thế mà ông bà mình ngày xưa dạy trong nền giáo dục thường có ba chữ: “Đức – Trí – và Dục”

Đức là đạo đức, trí là trí tuệ, dục là thể dục, tức là sức mạnh, sự khỏe, an vui. Nên giáo dục của chúng ta, ông bà xưa và cho mãi tới ngày nay, luôn luôn đặt tiêu điểm cần thiết của một đời người, khi bắt đầu bước vào hòa nhập trong cuộc sống từ thuở ấu thơ, là cần phải đào tạo đạo đức, trí tuệ và sự rèn luyện cho cơ thể được khỏe mạnh.

Đức, Trí và Dục, đó là ba cái luôn luôn nhắc nhở trong nền giáo dục thuở xa xưa và cho tới ngày nay. Nếu thiếu đi một sự quan tâm về đạo đức, dù có trí tuệ, có tài giỏi cũng không có tốt đẹp, lợi lạc gì cho cuộc sống, cho nên ba cái này phải luôn luôn song song. Người có trí tuệ mà không biết chăm sóc cho sức khỏe của mình và xã hội thì một xã hội bệnh hoạn như thế, trí tuệ, kiến thức kia để làm gì. Cho nên cả ba mặt, về tâm linh, về tinh thần, và về thể chất. Đạo đức thuộc về tâm linh, trí tuệ thuộc về cuộc sống, kiến thức của con người, về tinh thần. Và về sức khỏe tức là về thân, giải nghĩa đơn giản để chúng ta thấy rằng cuộc đời của con người cần phải luôn luôn có sự cân bằng giữa đời sống tâm linh, đời sống tinh thần, và đời sống của sức khỏe phù hợp. Và nếu như nói gọn lại, nếu ta có một đời sống tâm linh thanh thoát nhẹ nhàng, một đời sống tinh thần thoải mái, thong dong, một đời sống về sức khỏe không có bệnh hoạn, ít bệnh hoạn, thì đó hình như là niềm tự hào của cuộc sống nói chung. Nhưng trở về với những bạn cùng với Bảo Thành có nhân duyên học Phật pháp, chúng ta không tôn vinh Phật pháp, không nâng tầm của Phật giáo ở trên đỉnh cao hoặc đưa lên tầm cao. Bởi Phật giáo, chân lý, giáo lý của đức Phật dạy, không cần mỗi người chúng ta phải tô điểm, nâng tầm, bởi vốn nó luôn luôn tồn tại, nó là chân lý, là sự thật. Chẳng cần ai phải tô điểm, nâng tầm mà chỉ cần chúng ta hiểu thấu để tự hào về chính bản thân đã có cơ hội thẩm nhập được chân lý đó.

Vậy thì điều gì làm cho chúng ta tự hào về giáo lý của Phật? Chúng ta cứ trở về với tất cả mọi quy tắc hành xử ở trong cuộc đời, ai cũng muốn thống trị chúng ta, đặt chúng ta ở dưới. Đó là sinh hoạt của loài người, rồi đi tới sinh hoạt từng nhóm, luôn luôn có kẻ lớn đè bẹp kẻ ở dưới. Hệ thống chính quyền, kẻ cấp cao đè bẹp người ở dưới. Rồi hệ thống sinh hoạt trong những tổ chức thì luôn luôn có kẻ trên đè kẻ ở dưới. Cho tới đi vào sự sinh hoạt của tôn giáo thì luôn luôn có đấng tối thượng và luôn luôn có kẻ ở dưới lệ thuộc, van xin đi theo. Đó là hệ thống làm việc, quan hệ, sinh hoạt, về tinh thần cũng như tâm linh nó rập khuôn từ muôn ngàn đời qua. Mấy ai với cương vị quyền lực mà có thể đối xử với dân bình đẳng như anh em, huynh đệ đâu. Mấy ai ngồi ở trên mà sẵn sàng sánh ngang với người ở dưới. Mấy đấng cao cả trong tôn giáo mà có thể đối xử bình đẳng, ngang hàng với những người theo mình đâu.

Bởi có những tôn giáo, đấng ở trên cao hài lòng đấng đó, đấng đó sẽ ban thưởng, cho thiên đàng, niết bàn những điều an vui. Còn như làm không hài lòng bị trừng phạt xuống địa ngục, xuống hỏa ngục, khổ. Như vậy thì cuộc đời của những người theo như thế, không thể làm chủ một điều gì hết mà luôn luôn phải phục tùng làm việc và tuân lệnh để hài lòng đấng ở bên trên. Thực ra đấng ở bên trên trong các tôn giáo đó được tạo dựng theo hình ảnh, và khuôn mẫu thống trị phàm phu. Bởi vì con người có tư tưởng, hành xử như thế cho nên hình thành một tôn giáo cũng đặt đấng ở trên theo quy trình, lập trình, hoạt động của đầu óc con người. Chứ thực ra những đấng giác ngộ, những đấng cao cả, những đấng được gọi tôn vinh để tôn thờ luôn luôn có tình yêu cao cả, hy sinh vì kẻ mình yêu, luôn luôn có lòng từ bi và sẵn sàng xắn tay áo lên, bước bàn chân trần đi vào cuộc đời, tiếp cận với muôn người bằng sự bình đẳng. Nhưng con người khi hình thành một tôn giáo, luôn luôn đặt quá cao ngay đấng mình hoàn toàn không biết, hoàn toàn không biết. Bởi vì không có thực trong lịch sử, chỉ là đấng tạo ra trong tâm tưởng mà thôi.

Phật giáo của chúng ta không phải là một tôn giáo hình thành dưới sự tưởng tượng, tối thượng là ông trời, là thượng đế mà là một con người lịch sử thật sự. Như chúng ta, thái tử Tất Đạt Đa là một con người bình thường như bao nhiêu con người, không khác biệt. Cũng đau khổ, cũng ăn, cũng uống, cũng nghỉ, cũng sinh hoạt như biết bao nhiêu con người. Cũng chạm vào niềm đau khổ của bản thân, niềm kiêu hãnh và hạnh phúc của cuộc sống, cũng có nhận thức về tất cả mọi mặt một cách khách quan. Ngài như chúng ta, Ngài là con người thực sự, con người lịch sử, không phải ông trời huyền ảo chưa bao giờ gặp. Mà lịch sử đã chứng minh đức Phật là một con người lịch sử thật rõ ràng. Cũng như câu hỏi của bao nhiêu con người, chúng ta có phải chăng phải đi theo hệ thống luôn luôn đặt mình ở dưới để tôn thờ?

Thái tử Tất Đạt Đa nguyên nhân đi xuất gia để trở thành bậc đạo sư, không phải cầu mong lên thiên đàng, niết bàn, mà chính là vì nhìn thấy thực tướng của khổ và nhận diện ra sự khổ đau. Từ đó, đi tìm nguyên nhân, nguyên nhân gì tạo ra sự khổ đau đó. Rồi Ngài đã tìm ra nguyên nhân tạo ra sự khổ đau, và tìm được phương thức, phương pháp làm sao không tạo khổ, không còn bị khổ nữa, để đạt được sự an vui, hạnh phúc. Từ đó, Ngài đã thoát khổ, an vui, hạnh phúc. Với con mắt nhìn và trí tuệ hiểu thấu được điều đó, con người lịch sử được gọi là thái tử năm xưa và trở thành Phật đó, đã ứng xử với mọi người như bằng hữu, như huynh đệ, như người thật là thân. Và lời khẳng định đầu tiên của Ngài khi giác ngộ là nói lên chân lý của Ngài, đối xử với mọi người bằng nhau, đó là chúng sanh đều bình đẳng tánh và trí. Một chân lý không có phân biệt giai cấp, không có chia rẽ chủ tớ. Mà nâng tầm chúng ta lên ở cảnh giới mà thực sự đã như vậy.

Chưa có một đấng đạo sư, chưa có một đấng đứng đầu tôn giáo nào, chưa có một nền minh triết nào nói rằng, chúng ta đều bình đẳng như nhau, chỉ có đức Phật. Từ đó, đã gần ba ngàn năm nay đức Phật đã nói đến sự bình đẳng không hẳn giữa con người với con người, mà bình đẳng giữa muôn loài chúng sanh. Không hẳn trên trái đất hành tinh này, mà ở khắp mọi nơi trong vũ trụ mênh mông vô tận, nơi cả những nơi mà ta chưa có thể nhận ra được. Đó là một nền minh triết cao rộng bao trùm tận hư không. Dù chúng ta là ai, sinh vào thời đạo nào, chúng ta cũng đều bình đẳng như nhau. Cho tới khoảng chừng ba mươi năm nay, thế giới của phương tây, Châu Âu mới mon men hành theo sự bình đẳng, nhưng cũng chưa được một phần như đức Phật đối xử, nhưng mà ít nhất cũng có sự bình đẳng tương đối, được gọi là chấp nhận trong hiện tại của thời gian. Cho nên sự đối xử giữa người với người, giữa người với vật ở phương Tây vẫn tốt hơn ở Châu Á. Do đó, một con súc vật sinh ra ở phương Tây nó vẫn được đối xử tốt đẹp hơn, chăm sóc thuốc thang, bác sỹ, không bị đánh đập, không bị hất hủi, thậm chí còn được chăm sóc như một con người. Còn những động vật sống ở bên Á Đông, bay trên trời cũng bị bắn, ở trong rừng cũng bị sát. Và rồi tiếng chim như tắt lịm, chim trời đã ngừng bay, thú rừng đã bị tận diệt, con người sống trơ trọi trong tánh độc đoán, ta làm chủ tất cả nên có quyền sinh sát. Mặc dù Phật giáo tới từ Á Đông chúng ta, mặc dù người Việt Nam chúng ta có nền Phật học cao siêu nhiệm mầu nhưng có thực hiện rõ nét đâu. Còn phương Tây, họ không có nền Phật giáo thật sự, mới có thời gian gần đây khoảng độ một trăm năm thế kỷ mà thôi. Thế nhưng họ đã hình thành cách đối xử với cuộc đời, đối xử với nhau trong cuộc sống, hệ thống xã hội đã đi dần theo con đường mà đức Thế Tôn đã dạy.

Các bạn, chúng ta phải có niềm tự hào bởi chúng ta là người thật sự có nhân duyên học được nền minh triết của đức Phật. Một nền giáo dục thật sự đã chỉ cho chúng ta thấy và nhận diện ra khổ đau để chuyển hóa chúng. Đã chỉ cho chúng ta thấy được khổ đau, nhận diện, chuyển hóa bằng một cái nhìn chân chánh rõ ràng. Để từ đó, khai mở tâm từ bi, bình đẳng tánh trí với muôn loài để tăng trưởng trí tuệ hiểu biết. Để làm sao, để sống yêu thương, dung thông với mọi loài một cách bình đẳng. Chỉ có những từ như vậy thôi thì chúng ta đã hiểu đức Phật là ai. Ngài đã đi với chúng ta cũng bằng đôi chân của người phàm, cũng bằng ngôn ngữ của người phàm, vẫn bằng thân xác của phàm phu bởi Ngài thực sự là một con người như chúng ta. Và Ngài đối xử với chúng ta bình đẳng, Ngài không đặt để Ngài như một ông trời, như một ông Phật toàn diện mà không ai có thể đạt tới ngôi vị của Ngài. Ngay cả lời của Ngài cũng chứng minh điều đó. Ta là Phật, tất cả chúng sanh sẽ là Phật, như vậy Ngài và chúng ta đều bằng nhau. Bởi vì Ngài không dấu nghề, Ngài không phải vì khổ cho ta chút hạnh phúc để ta hết khổ, buồn cho ta chút vui để hết buồn, nghèo cho ta chút tiền để hết nghèo, đói cho chút đồ ăn, khát cho chút nước, rách rưới cho mặc, không. Ngài tới với mọi người chúng ta, truyền nghề giác ngộ cho chúng ta để thành ông chủ lớn như Phật, để thành một vị Phật. Ngài không muốn chúng ta lệ thuộc vào quy trình của tôn giáo để phải nâng tầm Ngài lên một bậc cao cả, thưởng khi ta nghe theo lời Ngài, phạt khi ta bất tuân. Mà Ngài đã xuống, đã xuống đi với chúng ta dưới mọi hoàn cảnh của kiếp đời, song hành như một người tri kỷ, một người bạn thân, như một người cha, như một người mẹ, như một bậc thầy thật giản dị, phong độ, chân phương, chất phát. Đều hòa hợp dung thông với chúng ta và hướng dẫn cho chúng ta trở lại chính mình, nhìn rõ khổ đau để giải quyết khổ đau đó, để làm sao có một cái nhìn thật rõ về khổ đau trong cuộc đời. Và để từ đó chúng ta mở rộng lòng từ trường yêu thương, từ bi, vị tha, hỷ xả để tăng trưởng trí tuệ, để sống biết bao dung, hài hòa, đối xử bình đẳng đối với nhau. Đây là nhân cách của một bậc thầy lớn, của một người không nắm quyền như ở bề trên trừng phạt, khen thưởng. Mà nhân cách của một người bạn, của một người thầy, một bậc thầy cao cả.

Chúng ta ngày hôm nay có nhân duyên học được nền giáo dục của Ngài, chúng ta phải có niềm tự hào, không phải tự hào về Phật giáo. Lời dạy của đức Phật nhận diện ra khổ đau, chuyển hóa khổ đau, bạn là Thiên Chúa giáo, bạn là Hồi giáo, bạn là Tiên giáo, Thần giáo, Đà giáo, tôn giáo nào cũng vậy, hoặc không theo tôn giáo, vô thần, thì bạn cũng có khổ đau. Và để chuyển hóa khổ đau đó, thì theo đức Phật ta phải nhận diện ra sự có mặt của khổ đau và phải chuyển hóa khổ đau đó bằng một cái nhìn trung thực rõ ràng, để tăng trưởng lòng từ bi, vị tha, bao dung và có được trí tuệ nhìn rõ, nhìn thấu, hiểu để buông. Để từ đó đối xử bình đẳng với nhau, trong chữ bình đẳng tánh trí, từ tâm yêu thương, từ bi đó. Không nói tới tôn giáo, không nói hệ thống của chính quyền, không nói đến hệ thống của từng nhóm, từng quốc gia, từng con người, từng dân tộc, mà nói tới toàn bộ chúng sanh. Cho nên, không cần biết bạn thuộc tôn giáo nào, thì nền minh triết của đức Phật là một cách giáo dục vẹn toàn để cho chúng ta đối xử với nhau bình đẳng không có chủ tớ, cao thấp. Và ai trong chúng ta cũng được trao nghề, phương pháp để trở thành một vị chủ, chủ gì, làm chủ cuộc đời, làm chủ hơi thở, làm chủ niềm vui, làm chủ sự chuyển hóa để từ đó mỗi người chúng ta làm chủ được cuộc sống bằng cách tự mình đứng dậy theo như sự hướng dẫn của Phật, để làm chủ vận mạng cuộc sống của mỗi người chúng ta. Để không bị lệ thuộc vào một hệ thống nào đó của con người đặt để về những đấng họ hoàn toàn không hay không rõ, mà chỉ nằm trong hai chữ niềm tin.

Đối với Phật, trí tuệ là quan trọng, bất cứ một việc gì đừng theo truyền thống, đừng theo phong tục, đừng theo hệ thống, đừng theo thói quen, đừng theo những sự lập trình vốn có của những ai chúng ta thương mến, có tình cảm. Mà phải theo sự tư duy và trí tuệ hiểu biết rõ ràng, Phật tới mang ánh sáng trí tuệ để chúng ta nhận rõ, để trở thành ông chủ, ông chủ lớn làm chủ cuộc đời, chuyển hóa khổ đau. Và nhận diện mọi vấn đề bằng một cái nhìn thật rõ có trí tuệ, có lòng từ bi, để đối xử với nhau bình đẳng, sống an vui. Chỉ có từng nhiêu đó thôi, từng những chữ đó thôi, chúng ta hiểu được thì mỗi người chúng ta đều có niềm tự hào bởi đã thấm nhuần tư tưởng của đức Phật.

Các bạn không cần phải thay đổi tôn giáo để gọi là niềm tự hào là Phật tử. Mà chúng ta tự hào là bởi vì đã có nhân duyên nghe, học, và thực hành đúng những lời dạy của một bậc thầy. Đã tránh đi chữ gọi là đạo sư, tôn sư, hay bổn sư, mà chúng ta đã được một vị thầy, ở trong thế gian là một con người lịch sử thật sự, đã tìm ra sự chuyển hóa khổ đau mà ai trong chúng ta cũng có. Để rồi ta làm chủ được cuộc sống, ta không bị lệ thuộc, làm nô lệ cho những giáo truyền của từng tôn giáo, hay một đấng nào đó mà một nhóm người nào tạo ra theo nhận thức riêng của họ. Mà chúng ta nhận diện ra khổ đau để từ đó chuyển hóa, tăng trưởng lòng từ bi, yêu thương và có được trí tuệ viên mãn, dung thông để đối xử với nhau, thể hiện trí tuệ đó bằng sự bình đẳng, yêu thương. Đây là niềm tự hào của mỗi người có nhân duyên, khi nghe, hiểu và thực hành được nền minh triết của bậc thầy cao cả là đức Thích Ca. Ngài không phải là ông trời, không phải là thượng đế, cũng không phải như một vị Phật mà chúng ta cứ tưởng rằng Ngài ban, Ngài trừng phạt, nhưng Ngài là người bạn. Ngài là một vị thầy, là một vị lão sư song hành với cuộc đời thăng trầm với chúng ta qua mọi cảnh, hướng dẫn, dìu dắt và truyền cho chúng ta những kinh nghiệm thực tế để chuyển hóa, để làm chủ và chúng ta đã trở thành ông chủ lớn, ông chủ lớn nhất trong cuộc đời là ông chủ biết làm chủ chính cuộc sống của chúng ta. Để không đầu hàng hoàn cảnh, để không chấp nhận hoàn cảnh, để không làm nô lệ cho hoàn cảnh, hệ thống nào đó đã áp đặt khi chúng ta sinh ra ở trong vùng miền hệ thống, phong tục, tập quán và cách hướng dẫn như vậy. Đức Phật là một bậc thầy trí tuệ, Ngài truyền nghề cho chúng ta, Ngài không muốn chúng ta lệ thuộc vào Ngài, Ngài không muốn chúng ta trở thành công nhân, nông dân, là những người làm chủ, đi theo người làm chủ, làm nô lệ, làm bề tôi. Ngài đã dạy cho chúng ta trở thành như Ngài, chưa có một vị thầy nào dám nói điều đó, chưa có một vị thầy nào dám nói lên điều như vậy. Chúng ta tự hào biết bao khi có được một vị thầy đối xử với chúng ta như một vị thầy của ngày mai. Chúng ta có niềm tự hào bởi vì chưa có một vị thầy nào đó sẽ dẫn chúng ta trở thành thầy, và đối xử với ta bằng nhau như vị thầy đang dạy chúng ta, đó là đức Thích Ca.

Đây là niềm tự hào của mỗi người chúng ta, dù chúng ta theo tôn giáo nào không quan trọng. Bởi vì sinh ở đời có những biệt nghiệp, nói đúng hơn sinh ra ở đời chúng ta có những hoàn cảnh khác nhau, sinh ra ở trong những tôn giáo khác biệt do gia đình của chúng ta theo, do ông bà, cha mẹ. Chẳng có gì là tủi hổ, chẳng có gì là xấu hổ, chẳng có gì là sai, chẳng có gì là đúng, chẳng có gì là cao, chẳng có gì là thấp. Bởi tất cả các nền tôn giáo đều hướng dẫn con người chữ đầu tiên là đạo đức.

Đức – Trí – Dục, đạo đức, kiến thức và sự chăm sóc sức khỏe cho nhau. Đó là ý nghĩa cao cả con người cần phải học, tôn giáo nào cũng dạy điều đó, tôn giáo nào cũng đặt nặng nền giáo dục để hướng dẫn cho người theo tôn giáo của mình để có được những niềm vui, hạnh phúc, chuyển hóa đau khổ, thành tựu trong cuộc sống. Đây không nói đến những sự khác biệt của tôn giáo. Mà nói đến sự niềm tự hào của chúng ta về sự nhân duyên có được để học nền minh triết của đức Phật, bởi đức Phật là một vị thầy thật sự như con người chúng ta. Ngài không phải ở trên trời bay xuống, Ngài không phải ở cõi trời nào sanh ra, mà Ngài là con người có cha, có mẹ, có anh chị em, có thân bằng quyến thuộc, có những đau khổ và niềm vui xen kẽ. Nhưng Ngài có một cái nhìn thật là rõ và nhận diện ra khổ đau để chuyển hóa. Nếu các bạn khổ đau, muốn chuyển hóa thì đức Phật là vị thầy hướng dẫn cho các bạn. Nếu các bạn khổ đau, muốn có một cái nhìn trung thực để nhận diện ra khổ đau và chuyển hóa thì đức Phật là người bạn sẽ giúp cho các bạn. Nếu các bạn nhìn thấy sự khổ đau đó và bạn muốn có được hạnh phúc thì chính đức Phật là người tri kỷ có thể dẫn dắt các bạn khai mở tình yêu thương ở trong trái tim vốn có, đánh thức nó dậy để đối xử với nhau. Còn nếu như các bạn  muốn có kiến thức, trí tuệ để thoát ra sự ràng buộc của khổ đau đó để sống hạnh phúc và bình an, có cái nhìn bình đẳng tánh trí bằng tâm từ bi thì đức Phật vẫn là một vị thầy, vẫn là một tri kỉ, là một người bạn, dạy cho các bạn đạt được điều đó. Để từ đó mỗi người chúng ta làm chủ cuộc đời và sống đối xử với nhau bằng tánh bình đẳng tánh trí từ bi. Niềm tự hào đó luôn có nơi mỗi chúng ta, đặc biệt những ai có nhân duyên học về Phật pháp, không cần biết tông phái nào, pháp môn nào, không cần biết bậc tôn túc nào, tăng ni nào dạy cho các bạn. Hoặc ở trên kinh sách, băng đĩa, trên mạng giảng, hoặc đâu đó, nhân duyên nào các bạn đi vào, hiểu được điều này thì chúng ta đều có niềm tự hào bởi vì chúng ta đã có cơ hội, nghe, học và thực hành, và làm được những điều thầy Thích Ca đã dạy cho chúng ta.

Đức Phật là một vị thầy dạy cho chúng ta, và khi chúng ta học được của một vị thầy chân chính, nhất định chúng ta sẽ trở thành một vị thầy. Vị thầy Thích Ca dạy cho chúng ta làm chủ, làm chủ cuộc sống, và niềm tự hào ngày hôm nay tức là chúng ta đã được thầy Thích Ca dạy để làm chủ cuộc đời của mình. Bằng cách nhận diện ra khổ đau, chuyển hóa khổ đau, bằng cách tăng trưởng đạo đức, phẩm hạnh, bằng lòng từ bi để có kiến thức viên dung, và trí tuệ bao trùm, từ đó làm chủ cuộc sống và đối xử với nhau bình đẳng trong tình yêu thương. Chân lý hiển lộ ngay chỗ này và mỗi người chúng ta luôn luôn phải tự hào, và chúng ta thực sự có niềm tự hào này bởi ngày hôm nay chúng ta đã học được nền giáo dục của bậc thầy cao cả đó là thầy Thích Ca Mâu Ni. Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, chúng ta vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười  phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì  Phật lực để chúng con có niềm tự hào và chánh pháp của Như Lai mà chúng con đang học. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Các bạn có biết không, chính trong những cơn đại dịch như vầy mới đưa tới sự hướng dẫn về Phật pháp cao siêu hơn những thứ bộc ta đã từng nghe. Thuở xưa khi chúng ta học, chúng ta phải tới trường gặp thầy, sáng sớm phải chở con tới trường, chiều chiều phải chở con về nhà và đó như một phương thức giáo dục. Thế nhưng, chính vì cơn đại dịch, trong nguy hiểm sợ hãi đó, lại mở mắt chúng ta nhìn thấy một nền giáo dục nữa là chẳng cần thiết, đâu phải tiếp cận với các bậc giáo sư, bậc thầy của mình một cách trực tiếp, mà qua mạng lưới internet toàn cầu. Và chúng ta chỉ cần một cái ipad, một cái phone, một máy vi tính là người học trò có thể tại tư gia, tại chỗ nhà mình tiếp cận được với nền kiến thức của các bậc giáo sư. Mạng lưới internet toàn cầu rất quan trọng, có gì liên quan tới niềm tự hào của chúng ta? Đức Phật từ ngàn năm xưa đã nói về mạng internet, mạng lưới năng lượng toàn cầu giác ngộ phát ra bao trùm tam thiên, đại thiên thế giới nhưng mấy ai nghĩ tới điều đó. Bởi vì họ cho rằng đó là một sự hoang tưởng, không thể có. Mấy ai có thể hiểu được sự bao trùm của mạng lưới, năng lượng toàn cầu từ những vệ tinh chủ phát xuống, để ngày nay phương tiện rộng lớn của chúng ta, mỗi người đâu đó cũng có thể học được. Chúng ta thấy, chính mạng lưới này, những khoa học gia ở đâu đó cũng có thể tiếp tục truyền bá kinh nghiệm của họ và học trò vẫn học được. Và cha mẹ có thẻ gặp nhau, con cái có thể gặp nhau, không trực tiếp nhưng qua mạng. Rồi những ông bà lớn tuổi ngày nay biết sử dụng rồi, bởi vì hoàn cảnh ngăn cách không thể gặp con cháu, nhưng lại học cách gặp gỡ nhau ở trên mạng. Chính là nhờ gì, mạng lưới toàn cầu hệ thống vệ tinh chủ. Ngày xưa có biết bao nhiêu con người phải đi đây, đi đó, nhưng ngày nay ngồi một chỗ có thể tương tác với nhau. Mạng lưới toàn cầu bằng năng lượng từ bi đức Phật đã khám phá ra. Chính khi chúng ta có mật mã Mu A Mu Sa, chúng ta bắt đầu gắn liền vào với mạng lưới toàn cầu của đức Phật qua năng lượng từ bi, để từ đó ta có thể diện kiến chân dung của đức thầy Bổn Sư trong cuộc đời của chúng ta, dẫu rằng chúng ta sinh ra thật là muộn, không nhìn thấy Ngài. Đây là một niềm tự hào, bởi đức Phật phủ sóng toàn cầu tam thiên, đại thiên thế giới. Những ai có nhân duyên có thể bắt được nhịp sống đó sẽ nhận ra chân lý của Ngài và có thể học trực tiếp từ Ngài.

Điều này có, lý giải điều này để chúng ta hiểu được. Có nhiều vị lý giải, nếu đức Phật sinh ra ở một cảnh giới nào hoặc sinh ra ở trên niết bàn làm sao mà chúng ta có thể cầu nguyện Phật nghe được? Giải thích như vậy là đúng, Bảo Thành có thể ngồi đây nói mà các bạn ở Việt Nam nghe được, hoặc chỗ khác nghe được đâu. Bởi tai của các bạn làm sao nghe, mắt các bạn làm sao nhìn. Đó là cách giải thích của thời cổ đại, mắt thấy, tai nghe. Nhưng ngày nay hiện đại gọi là bốn chấm, năm chấm, mười chấm, thậm chí có thể dùng từ là khoa học hiện đại về ngành viễn thông đã mở toang ra toàn cầu hết rồi, không còn như thời cổ đại nữa, ta vẫn gặp được nhau. Bảo Thành đang nói các bạn nhìn thấy Bảo Thành phải không, các bạn nghe được Bảo Thành phải không? Đó là con người với con người ngồi phương trời này nói đến phương trời kia có thể nghe được mà, có thể nhìn nhau được mà, qua hệ thống điện tử của máy vi tính, của mạng lưới toàn cầu. Thì cũng qua cách nhìn như thế, đức Phật dù ở phương trời nào đi nữa, cung trời nào đi nữa, hành tinh nào đi nữa, tái sanh về đâu đi nữa, và chúng ta, ông bà, cha mẹ, những người thân, tất cả những vị Bồ Tát, thánh hiền, cổ đức dù đã tái sanh về cảnh nào đi nữa, nhớ rằng với công năng trong năng lượng từ bi vô thượng đó, là một phương tiện vi diệu để gắn kết gần gũi với chúng ta. Chúng ta vẫn có thể gửi lời của chúng ta lên với đức Phật, Phật nghe thấy. Đừng nghĩ rằng Phật ở trên niết bàn không nghe thấy, nghe thấy, Bảo Thành đang nói, các bạn nhìn và nghe được. Thì đức Phật là đấng đại giác, đại ngộ, Ngài không phải là thần thông, nhưng mà năng lượng từ bi yêu thương của Ngài vẫn mạnh hơn năng lượng từ trường của ngành viễn thông. Ngành viễn thông dùng từ trường năng lượng mà có thể chuyển tải được thông tin một cách trực tiếp, để chúng ta gặp nhau. Thì đức Phật cũng dùng năng lượng siêu thế từ bi, siêu xuất nhất để chuyển tải thông điệp và hình ảnh của Phật, Bồ Tát vào trong Phật tánh của chúng ta. Phật tánh của chúng ta không khác gì với máy phone, một máy vi tính hiện đại, cao siêu hơn thế nữa. Chỉ cần các bạn nhìn nhận nó, học cách ứng dụng nó và sử dụng nó, các bạn sẽ có sự gắn kết với Phật và như vậy mới gọi là niềm tự hào cao nhất của người con Phật, của người Phật tử, của người hiểu được chân lý này. Để rồi không bị những cách giải thích của những người cổ xa xưa nói rằng, nếu như chúng ta cách xa hàng trăm dặm nói sao nghe, cái này đúng. Nhưng đó là sự giải thích khi ngành khoa học chưa phát triển. Chúng ta không tới cao sơn, rừng sâu núi thẳm sao học, đó là cách nói của ngày xưa, ngồi tại nhà. Hiện tại bên Mỹ các trẻ em, các họ sinh học tại nhà và hiện tại Bảo Thành đang gặp các bạn, các bạn đang gặp Bảo Thành một cách trực tiếp dù chúng ta cách xa nhau thật là nhiều.

Nhớ rằng, cách giải thích kia là cách giải thích rất người của thời tiền sử khi khoa học chưa phát triển. Còn khoa học đã phát triển, chúng ta nhớ, không đâu xa đâu, những nhà phi hành gia ra ngoài không gian vũ trụ còn có thể liên lạc và gửi hình ảnh trực tiếp để những trung tâm không gian tại trái đất này, nhìn, nghe và thấy được. Chúng ta thấy trung tâm không gian Nasa đã phóng lên những phi thuyền và những hành gia, phi hành gia đã nói chuyện trực tiếp, chúng ta thấy mà. Rồi lên mặt trăng chúng ta nói chuyện trực tiếp được, thậm chí những phi thuyền phóng lên sao hỏa nay vẫn liên lạc trực tiếp thấy được hình ảnh xa muôn trùng mà còn liên lạc được với nhau. Đó là qua kiến thức phát triển về khoa học hiện tại ngành viễn thông. Đức Phật đã phát triển ngành viễn thông tâm linh qua luồng từ trường siêu xuất, đó là năng lượng từ bi qua vệ tinh chủ của trí tuệ, bậc giác ngộ bao trùm toàn bộ tam thiên, đại thiên thế giới. Mà ai đó đón nhận, học hỏi, nghiên cứu, thực hành sẽ hiểu thôi.

Như ngày nay chúng ta nói về ngành không gian học thì nghe biết vậy chứ làm sao hiểu được, chỉ có những nhà khoa học gia trong ngành đó mới có thể biết được, học về không gian học. Nhưng ít nhất cũng thấy được qua màn ảnh là các phi hành gia, hình ảnh đó liên lạc trực tiếp với trái đất. Chúng ta cũng như vậy, nếu chúng ta đi vào, thẩm nhập chân lý của Phật, chúng ta sẽ có một niềm chân lý tự hào cao lắm. Bởi vì đức Phật đã, vẫn cho chúng ta cơ hội học trực tiếp từ Ngài, gắn kết với Ngài qua vệ tinh chủ đó là trí tuệ toàn diện của bậc giác ngộ và qua phủ sóng năng lượng từ bi của đấng đó bao trùm tam thiên, đại thiên thế giới mà các bạn không phải trả tiền để mua.

Các bạn thấy không, chỉ cần trải lòng mình ra đón nhận, học hỏi, và nghiên cứu thì chúng ta đã đi vào một lớp học thực thụ gắn kết với chân lý của Phật bằng sự thẩm nhập hàng ngày trong những hành vi, nghĩa cử, suy nghĩ của đời người đang sống nơi kiếp này. Đó là niềm tự hào mà mỗi người chúng ta cần phải tự hào. Nếu như học được pháp Phật nhiệm mầu và nghe được những lời ngày hôm nay, để chúng ta gợi lên những câu hỏi tư duy suy nghĩ. Các bạn suy nghĩ cho kĩ, tư duy cho kĩ, các bạn sẽ tự hào vô cùng bởi đang thực sự có nhân duyên bước vào ngưỡng cửa của bậc giác ngộ, và làm học trò của bậc thầy cao cả đó.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi chúng ta vận hành bảy biến nữa.

Chúng con nguyện mười  phương chư Phật gia trì cho chúng con để chúng con thực hành đúng giáo lý của đức Phật để trở thành người làm chủ vận mạng, đời sống và số mệnh của chính mình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Chúng ta tu xong rồi, mời các bạn chắp tay chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con đã có thể có đầy đủ phước báu, trở thành người học trò của Phật, để trực tiếp gắn kết với Phật ở những nơi xa xôi chúng con không biết, nhưng thật gần gũi trong tâm thức bằng năng lượng từ bi siêu thế Mu A Mu Sa. Nguyện cho chúng con có niềm tự hào là học trò của Phật, để siêng năng, tinh tấn, vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống mà tu học mỗi ngày.

Hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia, biết ngừng chiến tranh lại thành lập hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược, chế tạo ra được vaccine thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho tất cả các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên toàn cầu luôn luôn giúp đỡ và chữa lành các bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai đau khổ và phiền não tìm được hạnh phúc và an lạc. Hồi hướng cho các vong linh tử trận được siêu sanh miền lạc quốc.

Xin chư Phật từ bi chứng minh. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts