Search

Bài 1206: Đừng Ngồi Chờ Chết – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Mô Phật ! Bảo Thành kính chào các bạn ! Kính chào các Sư Cô!

Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Chúng con đồng quy ngưỡng về với Phật và nguyện xin chư phật mười phương, chư Bồ Tát Thánh Hiền rải năng lượng từ bi thương đến người dân miền Trung nơi Quốc tổ yêu thương của chúng con và khai mở lòng từ tâm nơi mọi người xa gần để cùng chung tay giúp đỡ dân miền Trung trong cảnh lũ lụt thiên tai hiện tại. Xin chư phật chứng minh cho buổi đồng tu của chúng con.

Các bạn thân mến!

Trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và trên kênh Facebook Chùa Xá Lợi Livestream đã được tạo như một phương tiện và hy vọng phương tiện này truyền tải thông điệp của Đức Phật và thông điệp mang chân lý của Phật giác ngộ đi vào đời sống bình thường của tất cả mọi người chúng ta. Với tâm nguyện và tâm hạnh như vậy, Bảo Thành mong rằng các bạn khi nhìn qua trên phương tiện đại chúng, những hình ảnh đồng tu như vậy có thể cho mình lắng đọng đôi phút để cùng tìm hiểu, để cùng lắng nghe. Biết đâu nhân duyên phù hợp các bạn đồng tu với Bảo Thành, đồng tu của Thiền Mật Song Tu – Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn, thiền mật là lấy hơi thở chánh niệm quán chiếu thân, thọ, tâm, pháp. Cảm thọ của con người qua từng giây phút, giữ chánh niệm và đồng thời dung thông giữa cái tự lập của mỗi người chúng ta tu tập, hòa mình vào với năng lượng của tha lực từ bi nơi Chư Phật, để chúng ta tăng trưởng sự chánh niệm trong hơi thở, nhìn rõ bản thể của chúng ta, chuyển hóa phát sinh trong từng giây phút để ngõ hầu ta có được một đời sống tỉnh giác, một đời sống tỉnh thức thực sự trong từng giây, hay nói đúng hơn để ta thực sự sống trong từng giây phút. Đối với các bạn, trong thời gian gần đây thấy được trên kênh Facebook, mong rằng các bạn có thể ghé ngang ngồi lại để cùng nghe, để cùng thực tập phương thức Thiền Mật Song Tu trên kênh này vào mỗi một ngày, dưới hình thức là đồng tu mật chú – Mu A Mu Sa trong chánh niệm hơi thở. Và chắc chắn khi các bạn thử nghiệm qua, các bạn sẽ tiếp được luồng cảm ứng đạo giao từ tha lực Phật điển vào trong thân. Thấm được năng lượng đó, tác động vào thân và rồi với tự lực miên mật, chánh niệm hơi thở, hay tự lực và tha lực dung thông, tạo lên một nguồn năng lượng vận chuyển toàn thân hỗ trợ cho thân khỏe mạnh.

Nếu các bạn chỉ có nhu cầu thực tập một pháp môn Thiền để tạo cho mình có sức khỏe. Thiền Mật Song tu không nhất thiết các bạn phải đi đến con đường giải thoát thành Phật, nhưng mà ít nhất cũng giải tỏa sự căng thẳng của đời sống tinh thần và làm dung hòa năng lượng sống, để ta luôn luôn có năng lượng thanh tịnh sống thực sự cho chính mình. Những bạn nào mới thực tập sẽ cảm ứng được năng lượng đó và nếu các bạn đi sâu hơn để chuyển hóa bản thân của mình vượt qua những sự tối tăm của tâm thức, thắp sáng đuốc tuệ, để thấy đường vượt vô minh, chuyển hoá những nỗi niềm đau khổ của con người. Đây là một pháp tu rất thực dụng, thực tế, đơn giản chỉ cần đôi phút mỗi ngày ta thực tập. Ta sẽ mang lại sự hiệu quả thật cao, đánh thức cho chúng ta quán chiếu đi vào miền giác ngộ từ từ trong chánh pháp của Như Lai.

Các bạn thân mến! Thiền Mật Song Tu là tác động của tha lực cùng với tự lực vào thân của chúng ta kích hoạt và đánh thức bẩy luân xa. Để năng lượng từ những vùng huyệt đạo của chúng ta tương thông với nhau hòa hợp thanh tẩy những trược điển, những uế trược, những năng lượng bất tịnh tiêu cực chuyển hóa thành tích cực và thanh tịnh. Người tu tập Thiền Mật Thất Bảo thường có một năng lượng dồi dào chuyển hoá bệnh tật của thân và thanh tịnh thân. Một thời gian dài hoặc ngắn sẽ cảm ứng được nhiều điều kỳ lạ vốn có ở trong ta. Để sống an, sống vui mỗi một ngày.

Hơi thở của Thiền Mật đi vào từ mũi. Chúng ta phải thấy được hơi thở đi vào từ mũi. Làm sao thấy? dùng tâm để cảm ứng, thấy được hơi thở đi vào tánh thấy của tâm, thấy được hơi thở đi vào từ mũi và khi đi xuống dưới bụng vùng luân xa số một, số hai ta phình bụng ra thì tánh biết phải biết được bụng đã phình ra. Khi hít vào một hơi thở thật bình dị, tập quen nó sẽ thuần thục. Khi thở ra hơi thở đi từ dưới bụng luân xa số một và số hai, ta hóp bụng lại, thở từ từ, tánh thấy phải thấy được hơi thở đi ra từ bụng và tánh biết phải cảm. Cảm thọ, cảm giác được bụng đang hóp vào từ từ và thở ra, đồng thời hai tai lắng nghe mật chú Mu A Mu Sa, và tâm quán chiếu toàn bộ trong thân của chúng ta những cảm thọ lui tới khởi lên từ tất cả mọi vùng miền trên cơ thể, ngay tại trong thân hoặc trong tâm của chúng ta. Với sự nhất như quán chiếu chánh niệm như thế, chúng ta sẽ tạo ra sự chánh định trong chánh niệm tức là tâm định trong chánh niệm. Quán chiếu toàn diện, cảm thọ và sinh hoạt của tự thể nội tâm và nội thân của chúng ta, tâm chúng ta sẽ dần dần không còn buông lung, không còn phóng tâm, không chạy ngược ngạo ở ngoài mà trụ vào trong hơi thở. Đuốc tuệ sẽ thắp sáng, đời sống sẽ tỉnh thức.

Đề mục hôm nay các bạn gửi về để quán chiếu là “đừng ngồi chờ chết”, đừng ngồi đó mà chờ chết, một đề mục thật tuyệt vời, như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho muôn người thấy được giá trị sống thực. Mời các bạn đặt bàn tay phải Trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ bi. Các bạn cứ thực hành theo những gì Bảo Thành hướng dẫn để chúng ta thâm nhập vào hơi thở chánh niệm và cảm ứng với tha lực Phật điển, nhất là đối với các bạn đây là buổi thực tập đầu. Các bạn cứ làm theo tuần tự, các bạn sẽ cảm nhận được năng lượng vi diệu siêu thế từ bi của tha lực Phật điển thâm nhập vào thân tâm của các bạn trong những giây phút này. Mời các bạn:

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực khai mở trí tuệ, để chúng con hiểu thấu chân lý ở đời mà không ngồi đó để chờ chết. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng quán chiếu toàn thân trì mật chú – Mu A Mu Sa – 7 biến

Mô Phật !

Các bạn thân mến. Đề mục Đừng Ngồi Chờ Chết, có lẽ chúng ta không có khùng điên chi mà cứ ngồi đó chờ chết, ngoại trừ những người bị bệnh liệt giường hoặc bị bệnh nguy ngặt không thể sống được dài hạn và chẳng thể di động, nằm ở trên giường cần sự trợ lực của muôn người. Có lẽ trong chúng ta, ai cũng có một sự trải nghiệm nhìn thấy những cảnh đó. Ta lắc đầu thương và than: Thật là tội nghiệp cho những người này nằm đó hoặc ngồi đó chờ chết. Bảo Thành và các bạn đã từng đi từ thiện từ những trung tâm mồ côi mà có những cuộc đời của con người sinh ra khi mới lọt lòng mẹ, đã mang thân tật nguyền chẳng thể tự lo cho bản thân, phải nằm liệt tại chỗ với những chứng bệnh nguy nan, chẳng biết sống ngày nào, chết giờ nào. Nương vào bàn tay từ ái của các thầy, các sư cô, của các ma sơ, của những mạnh thường quân. Như thở vào, thở ra nhìn cảnh đời mà chẳng hiểu chết lúc nào mà không hay. Đó cũng là một cảnh nằm ngồi để chờ chết. Rồi chúng ta lại tới những trung tâm ung bướu, trung tâm bệnh hoạn. Kẻ nằm liệt trên giường ung thư chờ ngày ra đi, nằm đó, ngồi đó chờ chết. Và rồi sự cảm thương của chúng ta khởi lên ở trong lòng có thể những người đa cảm dòm về chẳng thể ngưng được, trôi mãi ở trong lòng. Chúng ta buồn bã cho số phận của những người ngồi hoặc nằm đó chờ chết.

Chúng ta lại trở về với trung tâm dưỡng lão của những cụ ông, cụ bà đã lớn quá tuổi. Con cái chẳng chăm sóc được, khi bệnh hoạn cũng như tuổi xế chiều con cái bỏ rơi, phải tập trung vào những trung tâm dưỡng lão của các ma sơ, của các trung tâm từ thiện, thấy thật là thương. Thương ôi! cho những người già nua không còn cảnh con cái chăm sóc hỏi han, ngồi đó từng giờ nhìn mặt trời lên, nhìn mặt trời xuống như một ngày trôi qua mà trong lòng thao thức chẳng biết khi nào có thể chết được. Đối với những người như vậy cái chết hình như là một sự kết thúc tốt đẹp, bởi cuộc đời quá nhiều đau khổ. Nếu phân tích về cảnh giới của những người ở hoàn cảnh đó, họ không thể chủ động được bởi có những người, khi sinh ra đã bị như vậy, hoặc sinh ra một thời gian lâm bệnh và chẳng tự chủ trong khi bị bệnh nguy nan. Hoặc có những người lớn tuổi, thay vì có con cái, có con cháu tề tựu vui vẻ hàn huyên trong lúc tuổi già, thì lại bị bỏ rơi lâm vào cảnh xa nhà, xa cửa chẳng con, chẳng cái, cô độc một mình, sống chung và dưới sự yêu thương của những bàn tay hoàn toàn ta chẳng biết. Ta chưa phải là người nằm ở trong hoàn cảnh đó, sao có thể nói được nỗi niềm thực sự ở trong tâm khảm của họ. Nói sao cũng chỉ là hình thức bề ngoài, nếu ta có thể dung thông được với cảm xúc của những người như vậy, chắc chắn chúng ta thực sự sẽ có một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời để sống thực.

Quay trở lại với những con người lành lặn như Bảo Thành, mạnh khỏe như các bạn, ngũ căn đầy đủ, sức khỏe viên mãn, có trí tuệ và kiến thức, thành tựu được cuộc sống an lạc, có cha mẹ, còn hoặc đã mất nhưng đầy đủ, có vợ chồng con cái tại gia hoặc xuất gia, có sự thành tựu về vật chất, về kiến thức. Nhưng có phải chăng chúng ta thực sự đang sống? hay đang ngồi đó để chờ chết từng giây phút? Đức Phật khi giác ngộ đã nhìn thấy chúng sanh thực sự chẳng biết sống. Đây là một nghệ thuật, một nghệ thuật tâm linh mà bậc giác ngộ đánh thức mà hầu như không ai cảnh tỉnh.

Phật thấy chúng sanh không biết sống, mà thực sự đang ngồi chờ chết, đang đứng chờ chết, đang di động để chờ chết. Bởi tất cả những gì ta làm ở trong cuộc đời này, càng tăng trưởng cho sự chết. Và phiền não, đau khổ, nặng nhọc cho giây phút lâm chung của cuộc đời, xa rời trần thế đi về cửa tử. Chuyện này thực sự có. Biết bao nhiêu những anh hùng oanh oanh liệt liệt một thời, nhưng rồi cũng chỉ có một thời ở trên voi, khi xuống chó đau khổ chết đi được. Lên voi xuống chó oanh oanh liệt liệt cảnh thời gian trôi qua, tất cả những điều hư ảo mà cả cuộc đời chúng ta Bảo Thành và các bạn đeo đuổi, rong ruổi chẳng thể tồn tại. Ai trong chúng ta dù trẻ, hay lớn cũng đã từng trải qua những miền cảm xúc thăng trầm  của hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc, cười nhưng cũng rơi nước mắt. Khổ đau lắm, tận xương tận tủy trong trái tim, cũng cười rơi nước mắt. Bởi vậy có nhiều người đã nói : “trong thói đời cười ra nước mắt.” Đức Phật không nhìn một cách tiêu cực như ca từ “Trong thói đời cười ra nước mắt.” Đức Phật lại thấy trong từng giọt lệ bi ai của chúng ta nước mắt chảy ra nếu biết cách thì từng giọt lệ đó biến thành từng giọt châu ngọc. Nếu biết cách từng giọt châu ngọc đó thăng hoa thành kim cương ngọc ngà, như rải ngọc ở trên vườn khổ đau, cho con người có thể tưới tẩm, gội rửa đau khổ trong cuộc đời.

Nước mắt của con người rơi đúng chỗ, rơi đúng cách sẽ trở thành Cam Lồ Tịnh Thủy, sẽ trở thành sức mạnh giải thoát, trở thành sự kỳ diệu để tắm gội, để rửa đi bi lụy trần tục của kiếp người. Đừng ngồi chờ chết! Bảo Thành và các bạn đã bỏ phí thời gian quá nhiều để ngồi chờ chết. Nghe nghịch lí bởi trên đời này không ai khờ dại mà ngồi chờ chết. Chúng ta chờ sự thành quả của sự thành tựu trong cuộc đời. Nhưng đối với Phật thì đó là sự chờ chết, bởi bất cứ một ai trên thế gian này, chỉ ngồi chờ sự thành tựu do kiến thức lập được, hay sự may mắn cầu xin, cũng đều ký sổ tử chờ chết mà thôi. Định nghĩa của Đức Phật sống là phải chánh niệm, khi không chánh niệm là đã chết, hoặc đang chết từ từ, hoặc ngồi đó – ngồi đó như một thân xác tê liệt toàn diện để rồi chờ chết. Tê liệt gì?  Tê liệt miền tỉnh giác, chúng ta chết. Sống mà không tỉnh giác thực sự là chết. Chúng ta đã tự gây mê bằng những ham thích thú vui lục dục của cuộc đời, quên đi chánh niệm hơi thở.

Có nhiều người nói: Nếu có Chánh niệm hơi thở, cuộc đời còn có gì có ý nghĩa, ăn cũng chẳng ngon, uống cũng chẳng say, vật chất cũng chẳng được có, tiền tài không được đếm, nhà cao cửa rộng không được xây,  xe hơi không được mua về, lấy vợ không được, lấy chồng không được. Ôi!  gì cũng phải bỏ, gì cũng phải sợ. Vô nghĩa! Vô nghĩa. Sống ở đời như vậy yếm thế, tiêu cực. Sống để làm chi, sống như chết. Những khái niệm, hoặc những lập luận như vậy hoàn toàn đều sai. Trong hơi thở chánh niệm, ta thực sự sống và sống trong chánh niệm. Tất cả những phước báu được thành tựu, phước báu của kiếp người được thành tựu. Mà khi phước báu được thành tựu trong chánh niệm hơi thở, phước báu đó bền vững, không bị hủy hoại bởi nó cứng và chắc như kim cương. Là phước báu vô lậu không rỉ ra phiền não. Còn phước báu mà tăng trưởng trong kiến thức loài người mà chẳng xây dựng trên nền tảng của Pháp Thiện chánh niệm hơi thở, phước báu đó là phước báu hữu lậu, thành bại có cả, sướng đó rồi lại mất, cái đó không thể mang theo được.

Do vậy mà chánh niệm hơi thở không phải là để từ bỏ tất cả những gì mà một kiếp người cần là phải có, nhưng chánh niệm hơi thở để nâng tầm cuộc sống, thăng hoa ý nghĩa của ta và sống thực sự trong từng giây phút, để tăng trưởng phước báu, có đầy đủ tất cả mọi phương tiện cần có trong cuộc đời. Không những mang hạnh phúc cho chính mình, mà mang sự san sẻ của hạnh phúc đó trao cho muôn người thiếu may mắn phước báu hơn chúng ta. Đừng ngồi chờ chết, mà ngồi trong chánh niệm, đi trong hơi thở chánh niệm, nói năng ăn uống, làm việc trong hơi thở chánh niệm.

Những người hành động, làm việc và suy nghĩ trong chánh niệm là những người khôn ngoan có thể làm một mà tăng trưởng được mười. Cho nên hưởng một, còn dư chín phần trao ban cho những người thiếu thốn. Còn những người không sống trong chánh niệm, làm mười mà được có một, hao tổn chân khí, sức khỏe và tuổi đời. Những người đó là những người khờ dại, như đi một đoạn đường xa chẳng mang đầy đủ nguyên liệu xăng hoặc là nước, đồ ăn thức uống. Đi giữa đường hết xăng, đồ ăn cạn kiệt, nước uống chẳng còn, quay lại thì không được mà đi tới thi không xong. Đứng giữa đoạn đường của cuộc đời, chết khô, chết khô cứng ở đó. Đó gọi là hạng người khờ dại, chẳng biết suy, quán và chiếu sống ngay trong hiện tại để có được trí tuệ nhìn thấy được đoạn đường phải đi qua, để chuẩn bị hành trang cho đầy đủ.

Đức Phật không dạy chúng ta từ bỏ thế gian này. Nếu từ bỏ thế gian và kiếp người thì ngài đã chê bai cuộc sống của con người rồi. Ngài đã nâng tầm để thấy được giá trị tuyệt mật của đời sống con người. Cho nên mới nói mang thân phận của kiếp người, là một phương tiện vi diệu. Đã gọi là một phương tiện vi diệu thần thông ngài sẽ chỉ cho chúng ta sử dụng và ứng dụng phương tiện của kiếp người một cách thần thông vi diệu siêu thế để thành tựu tất cả những quả phước báu, nhưng an lạc và tự tại.

Phật là bậc thầy. Ngài không muốn chúng ta ngồi đó, đứng đó để chờ chết trong vùng tham sân, hỉ nộ ái ố, trong sự đắm chìm của tham dục, tham ái, trong sự đi tìm tòi tất cả phương tiện của cuộc sống thế gian mà quên mất hơi thở chánh niệm, cho nên cả cuộc đời cứ nghèo, nghèo mãi. Ngài muốn chúng ta trở thành người giàu có bậc nhất. Giàu trí tuệ, để có tất cả của cải vật chất thế gian phù hợp với phước báu. Và có trái tim nhân hậu từ bi, để làm gì? để chánh niệm hơi thở đó biết sử dụng điều ta có – có từ sức khỏe, có từ trí tuệ, có từ tất cả mọi phương tiện trong cuộc đời, nuôi sống bản thân, nuôi sống người thương yêu của chúng ta và san sẻ với mọi người.

Đặc biệt trong thời gian hiện tại ngay đây, miền Trung quê hương của chúng ta, đang bị trầm mình trong lũ lụt. Nhà cửa gia tài nhiều đời tích lũy, một cơn thiên tai lũ lụt quật tới, nhà cửa, của cải trôi mất hết, thân mạng cũng không làm chủ. Vậy đó ta mới thấy được lẽ vô thường ở đời chẳng chừa một ai. Năm tỉnh ở miền Trung tràn ngập trong nước. Biết bao nhiêu con người đã phải chết. Súc sanh cũng chết. Người cũng chết, nhà cửa tiêu tan, không thể trả lại được. Dưới con mắt của lòng đại từ đại bi, chúng ta thấy biết bao nhiêu con người ở miền Trung đang ngồi ở trên gốc cây hay ngồi trên đỉnh cây – gốc hay đỉnh, nóc nhà hay đâu đó ở một độ cao xa mặt nước, cũng đang chờ. Nếu như có ai may chèo xuồng qua đưa họ đi kịp thời trong lúc cơn lũ còn đang dâng, thì họ được thoát. Cơn lũ hiện tại đã quá một tuần, nước còn dâng cao thì bao nhiêu người còn dính ở những vùng xa, vùng sâu chẳng ai lui tới. Có phải chăng đồ ăn không có, xuống cũng không được, đi cũng không đặng đang chờ chết hay sao? Tất cả mọi cảnh xảy ra cho người này hay người kia, đúng! Thật là tội nghiệp.

Trong cái gọi là ác nghiệp vẫn có thiện nghiệp. Trong cái xui vẫn có cái hên. Trong đời vẫn có lẽ đạo của Đức Phật ở đó. Chính vì thế mà trên toàn thế giới ở đâu có cộng đồng người Việt Nam không phân biệt Trung, Nam, Bắc, chúng ta có cùng một dòng máu người Việt, có cùng một hơi thở, có cùng một nhịp đập của tình thương từ bi của người con Phật, tất cả mọi con người, tất cả mọi tôn giáo đều hướng ánh mắt yêu thương về miền Trung, nơi những con người đang tay trắng trắng tay cả cuộc đời lập nên sự nghiệp giờ chẳng còn gì, đang chờ, chờ gì đây? Họ không đứng đó chờ chết, bởi truyền thống của người Việt họ không đứng đó chờ khổ, bởi họ đã từng trải qua. Họ không ngồi ở đó để chờ chết, nhưng họ đang ngồi, đang đứng, đang nằm đó đón nhận tia hy vọng, niềm hy vọng của tình thương, lòng nhân ái của muôn người ở trên thế giới, người Việt Nam dòng giống – dòng giống biết yêu thương đùm bọc khi đói khổ, cùng một giọt máu đào,

Các bạn thân mến! Họ đang chờ, chờ ánh bình minh, tia hy vọng. Họ không chờ chết. Năm 2016, khi miền Trung bị ngập lụt như thế, lúc đó Bảo Thành có cơ hội hiện diện ở Việt Nam, đi từ thiện tới những vùng như vậy và thấy người dân thật là hạnh phúc. Ánh mắt họ sáng lên như mặt trời, bởi vì người xa đã tới đưa một bàn tay yêu thương ôm ấp họ vào trong chính trái tim để sưởi ấm cho họ với những tháng ngày trải qua trong lũ lụt lạnh rét.

Các bạn thân mến! Đừng Ngồi Chờ Chết nó mang nhiều ý nghĩa vô cùng. Nếu các bạn không sống trong chánh niệm hơi thở thì trí tuệ chẳng được thắp sáng để có được nghĩa cử bình thường nhưng siêu mầu hiện thể trong thế gian, để mang yêu thương vào cuộc đời. Mang yêu thương vào tăm tối. Mang tình yêu vào nơi đói khổ, nghèo hèn, rách rưới, lũ lụt. Thương lấy một người đau khổ trong hiện cảnh, quý giá vô cùng, bằng hàng ngàn năm ngồi đó để thiền. Thương và trợ lực cho một người đang đau khổ trong hiện thời, công đức còn hơn xây cả bảy cái chùa. Đó là lời nói của Thánh nhân. Các bạn ! Bảo Thành tán thán công hạnh của các bạn, của người xa, người gần, người nhỏ, người cao, người giàu, người nghèo, đã chung một bàn tay, một ước nguyện, một ánh mắt nhìn về miền Trung quê hương của chúng ta.

Đừng ngồi đó chờ mình chết, hay đừng ngồi đó chờ thấy sự lũ lụt đau khổ chết chóc của những người khác. Đừng Ngồi Chờ Chết là một câu nói để đánh thức chúng ta. Chúng ta còn may mắn hơn thật nhiều đối với miền Trung trong cảnh hiện thời, màn trời chiếu đất, nước ngập lên tới nóc nhà, của cải tan nát không còn gì. Thậm chí mà có nhiều người cha mẹ, con cái, vợ chồng đã phải trôi theo dòng sông, chẳng bao giờ trở về với cuộc sống nữa. Cái chết như thế họ đau khổ xiết bao. Chúng ta làm gì đây? Phải cuống cuồng lo toan cho họ, nhưng phải trụ vào Chánh niệm hơi thở để có được trí tuệ làm được những việc có ích. Làm được những việc với tâm thiện lành có thể làm, tuy thật nhỏ như một làn gió thổi qua giũa trưa hè nóng bức làm tươi mát những con người đang trầm mình trong cảnh đói khổ rét buốt.

Đừng ngồi chờ chết. Đức Phật khuyên chúng ta hãy trở về trong chánh niệm hơi thở. Tất cả vật chất thế gian, những bậc vương giả quyền tước cao sang vua chúa ở trong tay có hết, nhưng rồi chết cũng chẳng mang được đi. Phật gọi những hạng người như thế là ngồi chờ chết, nằm chờ chết, di động để chờ chết. Còn người nằm liệt giường như ông bà, cha mẹ bệnh đó, ngồi đó những người bệnh không thể qua – ung thư sắp chết. Nhưng nếu họ lại chánh niệm hơi thở hướng về Chư Phật tầm cầu một sự giải thoát bằng đòi sống tâm linh. Tuy nằm không di động, tuy ngồi đó không thể đi chờ ngày ra đi, nhưng mà họ thực sự đang sống. Đang sống có ý nghĩa trong Chánh niệm từng giây phút. Còn hơn những người khỏe như Bảo Thành như các bạn, đi đây đi đó mọi miền rong chơi, nhưng chẳng có Chánh niệm hơi thở, thì chính là chúng ta đang đứng, ngồi, nằm chờ chết mà thôi.

Sự sống được định nghĩa theo lời của Đức Thế Tôn, đó là phải chánh niệm trong hơi thở mới gọi là đang sống thực sự. Con người không chánh niệm trong hơi thở là người đang ngồi chờ chết. Trong phạm trù chân lý cao siêu như thế, mỗi người chúng ta phải tư duy mới có thể hiểu được hàm nghĩa cao rộng để bắt đầu sống thực sự trong cuộc đời có ý nghĩa. Còn không chúng ta đã bỏ uổng thời gian rồi. Tất cả những việc thiện thật nhỏ, thật nhỏ như hạt bụi, Phật nói cũng đừng bao giờ bỏ qua. Và những việc ác, tuy nó nhẹ như tơ hồng cũng đừng chạm tới, kinh Pháp Cú Phật khuyên thật rõ. Trong lúc này đây, quê hương đang tràn đầy nước mắt, sự thống thán của muôn người đau khổ gào thét khắp vùng miền Trung. Quê hương Nam Bắc, người xa, người gần, mỗi một người dù thật nhỏ, dù rất thật bình thường cũng là lúc sống trong sự tỉnh thức hoà nhập nỗi niềm của ta với người dân miền trung.

Một lời cầu nguyện, một sự hồi hướng, một xu, một cắc, một sự tùy duyên cúng dường hồi hướng, một sự tán thán công hạnh của những người đang làm những việc từ thiện xa xôi của những bậc Hoà Thượng Tôn Túc Tăng Ni. Của những vị Linh mục, của những vị Sơ, của những người dân, của những ca sỹ, nhạc sỹ, của tất cả những người nổi tiếng hay không nổi tiếng, của những người bình thường hay không bình thường, đều cao cả vô cùng. Đặc biệt trong lúc này, nếu các bạn có thể đứng dậy trong chánh niệm hơi thở, thắp sáng đuốc tuệ, nhất định Bảo Thành và các bạn sẽ làm được những điều có ý nghĩa mà chẳng ngồi đó để ngóng ở trên Facebook ở trên đài chờ coi chuyện gì xảy ra đối với những con người đang bị lâm vào cảnh đó chờ ngày chết. Nhớ rằng người yêu thương của chúng ta ở miền Trung không chờ chết. Họ đang thắp sáng hy vọng chờ niềm tin, niềm hy vọng. Tia hy vọng tới từ những hành động nghĩa cử nhỏ bé, nhưng siêu màu của các bạn sẽ tiếp tục đưa họ vươn lên trong cuộc sống, có được sự an lạc. Trong nay mai nếu như khi nước lũ đã rút đi, thì lòng họ tràn đầy hỷ lạc, bởi vì trong cơn hoạn nạn đó đã có bao nhiêu người nghĩ tới họ. Đó là sự cộng hưởng năng lượng thiện trong sự hồi hướng vi diệu siêu màu của những nghĩa cử thiện lành, nhỏ bé của đời người. Các bạn, chúng ta trở về với hơi thở chánh niệm. Đặt bàn tay trí tuệ vào bàn tay từ bi để chúng ta chiêm nghiệm Đừng Ngồi Chờ Chết, mời các bạn!

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con có trí tuệ, để sống trong chánh niệm hơi thở mà đừng ngồi chờ chết. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra thở từ từ hóp bụng quán chiếu luân xa trì mật chú – Mu A Mu Sa – 7 biến

Mô Phật! Các bạn. Mật chú Mu A Mu Sa có nghĩa là con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha Phật điển đại từ đại bi xuống cho muôn loài chúng sanh. Thay vì chúng ta thiền quán chiếu với tâm rải tâm từ của mình tới muôn người khác, thì nay mật chú này đưa chúng ta tới một ý nghĩa cao cả hơn là chúng ta thỉnh nguyện mười phương Chư Phật rải tha lực từ bi của các ngài xuống cho ta và cho muôn loài. Bởi năng lượng từ bi của Phật là vô hạn, năng lượng từ bi của ta hữu hạn, nhỏ bé, mỏng manh chẳng đủ. Và trong chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa mỗi một các bạn sẽ cảm ứng đạo giao được với năng lượng từ bi chuyển xuống thân tâm của chúng ta, làm rung chấn toàn thân và tâm khơi nguồn năng lượng siêu thế, nhập vào thân xác, chuyển hóa những năng lượng tiêu cực, những bất thiện nghiệp của chúng ta tồn đọng nhiều đời, kiếp. Khai thông tuệ giác để hiểu thấu sự đời trong chân lý nhân quả của Phật, chứ không lầm chấp trong vùng đen tối của ác nghiệp nhiều đời lôi kéo và cột chặt chúng ta.

Mu A Mu Sa có năng lương siêu thể cởi trói chúng ta. Cởi trói ta thoát khỏi những bất thiện nghiệp nhiều đời, khỏi những suy nghĩ đắm mình trong Tham, Sân, Si. Giải phóng chúng ta, để chúng ta được tự do hành xử đúng. Đúng với chân lý thiện pháp của Phật, để chúng ta từng bước, từng bước trong cuộc đời này, trong kiếp này song hành, đồng hành cùng với Phật và Bồ Tát Thánh Hiền trong chánh niệm hơi thở với tuệ giác được sáng tỏ, nhìn rõ tất cả mọi suy nghĩ hành động, ngôn từ của chúng ta. Để từng suy nghĩ của chúng ta là suy nghĩ của người khiêm cung. Từng lời nói của chúng ta là lời nói của người khiêm tốn và từng hành động của chúng ta là hành động của người khiêm nhường. Khiêm cung, khiêm tốn, khiêm nhường ba từ đó nói lên tánh khí của người con Phật. Và người có được tánh khí khiêm cung, khiêm tốn, khiêm nhường như một kho tàng đã đầy đủ vàng bạc châu báu, nay lại có nguồn châu báu vàng bạc khác tiếp tục chảy vào đầy ắp chẳng bao giờ thiếu thốn. Đó là một cách nói lên rằng, người biết sống như thế thì tràn đầy năng lượng từ bi của Chư Phật ban rải xuống cuộc đời của chúng ta. Như một trạm trung chuyển để gởi tới những người bất hạnh trong cuộc đời ta có nhân duyên gặp được họ. Để qua họ ta có thể thực hành qua pháp nhiệm màu, pháp từ bi.

Mang tâm từ bi mà rải xuống muôn chúng sanh ở khắp mọi miền. Các bạn thân mến! Sự nhiệm màu của Thiền Mật Song Tu là cảm ứng với tha lực Phật điển từ bi siêu thế của Chư Phật vào thân tâm của chúng ta.  Không phải là năm mười năm, một trăm năm để có được sự cảm ứng. Mà ngay giây phút này đây nếu các bạn là những người mới, mới nghe qua và thực tập đều có một sự trải nghiệm nhiệm màu. Và nếu các bạn lắng đọng tâm hồn, gạt bỏ tất cả mọi sự khác biệt, tịch tĩnh trong giây phút ngồi đây, với chánh niệm hơi thở và trì mật chú Mu A Mu Sa, các bạn sẽ cảm ứng được với Tha lực Phật điển của mười phương Chư Phât. Ta niệm Phật để mong cầu Tha lực của Đức tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật hỗ trợ cho chúng ta. Nhưng chúng ta ngồi đây trong sự thanh tịnh chánh niệm hơi thở chỉ một lần trì mật chú Mu A Mu Sa thì tràn đầy tha lực từ bi của Phật, như cây, như hoa được tưới tẩm nước và phân đầy đủ sẽ trỗ lộc sinh hoa, kết trái. Một giây phút lắng đọng tưới tẩm cuộc đời bằng năng lượng từ bi. Giây phút đó có ý nghĩa vô cùng, còn hơn hẳn vạn kiếp sau mà chẳng thể cảm nhận được năng lượng từ bi của Phật. Thế nên Phật mới nói nếu một giây, một phút sống trong năng lượng từ bi để thấu rõ được nhân quả, tốt hơn sống hằng hà sa số kiếp mà chẳng cảm nhận được lòng từ bi của Phật để thấu rõ được nhân quả.

Các bạn! Hãy bắt đầu bước vào sự đồng tu thực tập thật sự, dù một ngày, một giây, một phút, như hoa được tưới tẩm đều tươi, đều tốt mang lại hương sắc tuyệt mỹ của chính mình vốn có, dù rất nhỏ để làm đẹp cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Còn hơn cả ngồi đứng đó để mà chờ chết. Mời các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ, lấy trí tuệ đặt vào lòng từ bi của chúng ta, để quán chiếu hơi thở chánh niệm, để chúng ta cảm ứng với năng lượng vi diệu của Phật ban rải xuống cho ta và mọi loài chúng sanh mời các bạn.

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại đi xuống mọi loài chúng sanh, để cho chúng con cảm ứng được với năng lượng từ bi này mà sống trong chánh niệm hơi thở, để đừng ngồi chờ chết. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra thở rất từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú :Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật ! Sự đồng tu của Bảo Thành và các bạn khác biệt với các sự đồng tu cũng như nghe giảng giáo pháp ở trên mạng, cũng như tại chùa chiền, ở am thất, tịnh xá, thiền môn. Bởi nơi đây Bảo Thành mang sự ứng dụng của Phật học vào sự tu luyện thực tế trong sự đồng tu Thiền Mật Song Tu Thất Bảo Huyền Môn, để khai mở và đón nhận năng lượng từ bi. Đồng thời chúng ta cùng nhau nghe chia sẻ Pháp thoại về những chủ đề, đề mục mà các bạn gửi tới cho Bảo Thành qua kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn hoặc Facebook Chùa Xá Lợi. Vừa nghe pháp và chúng ta thực tập cùng với nhau ba thời, mỗi thời bẩy biến chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa. Cho nên vừa nghe pháp đó mà lợi lạc vô cùng, dù chỉ một thời hay một lần trì mật chú trong Chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Các bạn sẽ có sự lan tỏa đón nhận được sự ban rải năng lượng Tha lực Phật điển từ bi tới với chúng ta

Hồi hướng:

Buổi đồng tu hôm nay đã xong. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống cho muôn loài và đặc biệt đoái thương ban rải từ bi và trí tuệ, sức mạnh tới cho người dân miền Trung để vượt qua cơn lũ lụt thiên tai hoạn nạn bây giờ. Nguyện xin muôn người xa, gần mở lòng từ tâm, mở lòng bao dung, nới rộng vòng tay thương đến người miền Trung ruột thịt của chúng ta. Hồi hướng công đức tới cho các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Đồng hồi hướng tới các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắcxin trị bệnh đại dịch. Cũng hồi hướng cho các bác sỹ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên toàn thế giới cứu thoát và chữa lành những bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai vừa tử vong. Đặc biệt những người dân miền Trung thương yêu của chúng con đã bị vong mạng trong ngày tháng qua bởi lũ lụt luôn đón nhận được ánh từ quang của Phật Đà để tiếp dẫn về miền tịnh độ xin chư phật mười phương từ bi chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn