Search

Bài 1169: Ngược Dòng Thời Gian – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Diệu Tâm đánh máy

Mô Phật

Bảo Thành kính chào quý sư cô và tất cả các bạn đồng tu. Đã tới giờ đồng tu, chúng ta cùng nhau quy ngưỡng thân tâm, khẩu ý của mình về với ba ngôi tam bảo để chúng ta bắt đầu một buổi đồng tu mới. Mời các bạn!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư phật ban rải tha lực phật điển đại từ đại bi xuống mọi loài chúng sanh.

Bảo thành kính chào các bạn. Thất Bảo Huyền Môn là pháp môn Thiền Mật Song Tu, tăng trưởng nội lực sức mạnh của tự thân và tâm, tiếp tha lực phật điển vào thân tâm để giúp cho chúng ta thắp sáng đuốc tuệ, nhìn rõ tự thân của mình, một phần tăng cường sự sống, sức mạnh của thân, chuyển hóa giúp cho thân bớt bệnh, hết bệnh. Nhưng mục đích của Thất bảo Huyền Môn vẫn không phải là chúng ta đi tới con đường chỉ trị bệnh cho thân. Bởi đức phật đã nói thân tứ đại dã hợp do nhân duyên tới và đi. Ngài không tìm ra một con đường để giữ cho thân ta hoàn toàn không bao giờ bị bệnh tật. Ngài không đi tìm một chân lý để giúp cho chúng ta trường thọ mãi mãi, như các ông vua, các bậc giàu có muốn kéo dài sự sống. Ngài giác ngộ là bởi tìm con đường làm sao thoát khỏi cảnh sanh tử bệnh hoạn, sinh lão bệnh tử.

Chân lý của đức phật qua Thất Bảo Huyền Môn không phải là con đường để điều trị bệnh tật như các nhà bác sĩ. Chúng ta nhớ bác sĩ cũng bó tay, bởi tuổi già khi nó tới bác sĩ cũng bó tay, khi bệnh nó tới và bác sĩ cũng bó tay. Khi chúng ta sanh ra và chết đi, bốn điều nguyên lý căn bản của đạo Phật là nhìn thẳng vào sự hiện hữu đó, tăng trưởng đời sống tu tập của chúng ta, để cho chúng ta thoát khổ, để cho chúng ta an vui, để chúng ta hạnh phúc trong cuộc đời. Do vậy mà chân lý trong Thất Bảo Huyền Môn là tiếp cận với năng lượng từ bi của Phật, để chúng ta chuyển hóa khổ đau. Và nhận rõ nhân duyên của ta đang là gì, là ai, và có khả năng làm gì, và tăng cao kiến thức của mình về xã hội, về y học, về tu học, về tất cả các nghành nghề của thế gian này, tăng trưởng niềm vui trong cuộc đời, bảo vệ cuộc sống về vật chất. Còn tăng trưởng về vấn đề học để tu là tăng trưởng sự an lạc và hạnh phúc. Nhìn rõ được điều đó, khi tu Thất Bảo Huyền Môn, chúng ta không mong cầu những điều quá hảo huyền để rồi đi ngược lại giáo lý của chư Phật. Như chủ đề hôm nay chúng ta nói: Ngược Dòng Thời Gian.

Các bạn, khi hít vào, nhớ rằng hít vào bằng mũi đưa xuống ngang phổi, xuống đan điền khí hải, trưởng dưỡng oxi ở dưới đan điền khí hải đầy, và rồi khi thở ra, chúng ta thở từ từ hóp bụng vào, để giúp cho thân khỏe. Nhưng mà nhớ rằng không phải để cho thân này không bao giờ bị bệnh, không bao giờ chết, không bao giờ già nha các bạn. Do vậy không bao giờ sanh là ở phần tâm linh khi thoát khỏi sanh tử. Mà còn trong sanh tử là còn có sinh lão bệnh tử. Nhớ được điều đó để đừng đi ngược lại lời dạy của chư Phật trong Thất Bảo Huyền Môn để trở thành hoang tưởng. Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ tay phải, vào lòng bàn tay trái từ bi để chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương chư phật, ban rải tha lực phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con không cứ mãi đi ngược dòng thời gian. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật trú Mu A Mu Sa (7 lần).

Mô Phật.

Bảo Thành kính chào các bạn, Mu A Mu Sa là mật chú, hơi thở là thiền chánh niệm, phối hợp để tiếp năng lượng từ bi của Phật vào thân tâm, giúp cho thân của chúng ta khỏe mạnh, để chúng ta có thể ngồi, để chúng ta có thể đi đứng nằm ngồi an tịnh mà quán chiếu hơi thở chánh niệm, hiểu rõ được mọi hiện tượng trong cuộc đời đúng như chánh pháp nhân quả của Phật. Nay nói đến chủ đề Ngược Dòng Thời Gian. Thật đúng như chân lý của đức Phật dạy, Ngài khuyên chúng ta đừng có lần mò ngược dòng thời gian trở về với quá khứ, nhưng hầu hết trong kiếp nhân sinh, chúng ta không thể sống được trong hiện tại bởi không tu tập. Mỗi một ngày trôi qua, khi chúng ta suy nghĩ, hầu hết là chúng ta sẽ làm hoặc suy nghĩ về chuyện đã xảy ra. Do đó khi ngồi lại với nhau, các bạn thường nói chuyện gì? còn kể chuyện đã xảy ra ngày hôm qua, rồi tuần qua, rồi tháng qua, rồi năm qua, thậm trí còn có người còn ngồi nói chuyện với nhau kể về kiếp qua nữa, thật là rùng rợn phải không các bạn?

Tại sao trong cuộc sống, sống kể chuyện quá khứ? nghĩ cho kỹ đi! Có phải khi chúng ta gặp nhau, mở miệng ra chào cô chào chị chào anh chú bác xong, bắt đầu ồ ngày hôm qua anh có xem tivi không? Từ câu ngày hôm qua, hay chuyện gì đó rồi miên man trong những rừng cổ tích của ngược dòng thời gian trở về quá khứ. Các bạn thấy chưa? sống mà cứ kể về quá khứ không. Bởi vậy không phải thỉnh thoảng đâu, không phải ngẫu nhiên đâu, ở trên Facebook, ở trên tất cả những thông tin đại chúng, hay trong nhật ký của đời người, chúng ta viết lại chuyện đã xảy ra là chuyện của khứ, chuyện của ngược dòng thời gian, những tâm trạng, rồi miệt mài đắm mình nuối tiếc. Hiện tại cũng sống, có những người viễn tưởng một chút xíu nữa với tay tới tương lai. Ngược dòng thời gian tới quá khứ, ngược dòng thời gian tới tương lai, hiện tại chẳng chút sống động. Các bạn đi ăn tiệc có khi nào các bạn ăn món ăn người ta đã ăn rồi chưa? Hoặc bạn có khi nào ăn một món ăn cả một tuần hai tuần nó thiêu rồi có dám ăn đâu. Vậy tại sao ta cứ nhai đi nhai lại những chuyện của quá khứ hoài. Ngược dòng thời gian moi tìm quá khứ. Ngược dòng thời gian đi tìm về quá khứ, em một thuở quá khứ ở đâu rồi để anh cứ mãi lần mò vùi đầu trong đống một thời đã qua. Chi vậy?

Phật tới dạy chúng ta rằng hãy sống ngay trong chánh niệm hơi thở, để hưởng cuộc sống tràn đầy sung sướng hạnh phúc tại đây. Kẻ thì lo học cho tương lai, hiện tại sống thì cứ miệt mài vùi đầu vào quá khứ rồi sao nó đẹp? Bốn chữ ngược dòng thời gian nghe nó đẹp thơ mộng quá. Thể nào cũng có những bạn trẻ là bạn nữ hoặc bạn nam sẽ đắm đuối trong ngược dòng thời gian này, thôi miên man viết lên viết xuống, chắc thành bài hát, hoặc thành dòng nhạc, một dòng nhật ký về một chuyện tình yêu, hay một nỗi cảm xúc đã trôi qua. Đó cũng hay đó, nhưng mà chỉ là quá khứ mà thôi. Hiện tại là lời đức Phật dạy trong pháp tu Thất Bảo Huyền Môn, nếu chúng ta có thể cắt đứt những ưu tư phiền muộn để trở về với quá khứ và đừng chạm vào những cung bậc của tương lai, mà ngay trong lúc này hòa âm được với hơi thở tự tại chánh niệm, tuyệt vời! khổ đau không có. Khổ đau là của ngày hôm qua. Đau khổ là chuyện chưa tới của tương lai.

Các bạn đang ngồi nghe Bảo Thành nói thì cứ thử xem có chuyện gì để đau để khổ, hầu hết mọi chuyện đau khổ là đã xảy ra. Hiện tại không ai đau khổ hết. Phật đã tìm ra điều đó, điên đảo mộng tưởng, lộn ngược, lộn xuôi chính là tương lai. Đau khổ là quá khứ. Các bạn cứ suy nghĩ đi bây giờ ngồi tại chỗ ngay tại đây bạn có thấy đau khổ không? Không, không có một chút gì đau khổ, đau khổ tới là bởi vì tâm của các bạn đang dính vào chuyện hồi chiều, hồi sớm, hồi tối, ăn cơm vợ chồng không có nói ngọt ngào, con không có này có kia. Hoặc là lúc nãy, hoặc một tiếng trước, hoặc hai tiếng trước nói với ai chuyện gì đó, rồi cứ lần mò theo đầu dây mối nhợ của quá khứ thì tất cả khổ đau, vui buồn thì cũng chỉ là một thời quá khứ. Tại sao ta cứ ngược dòng thời gian tìm về quá khứ chi? Mà ngay hiện tại đang nói chuyện với vợ, chồng, cha, mẹ, con hoặc đang ngồi tịch tĩnh với hơi thở chánh niệm, sao không nhìn rõ bản thân. Thật ra đó là một bất thiện nghiệp, một lực của tập khí, của quá khứ, cứ luôn luôn kéo chúng ta về quá khứ, để rồi ta chết mòn, chết dần từng giờ từng phút. Không sống, ta không sống, tại vì ta sống là sống với con người của quá khứ. Ta không sống với hiện tại. Hoặc sống với con người cho tương lai, không sống với hiện tại. Bởi vậy, Phật đã dạy cho chúng ta phải sống trong hiện tại.

Các bạn cứ nghĩ đi, khi các bạn ăn vào buổi sáng thì cũng ăn vội ăn vàng để đi làm, rồi buổi trưa cũng phải ăn vội ăn vàng giờ nghỉ trưa mà để chúng ta tiếp tục làm. Tối thì vội vội vàng vàng ăn cho nhanh, nghỉ, để chuẫn bị cho ngày mai. Rồi đến khi có cả những ông chồng đi ăn ban trưa, vợ nấu đồ ăn cho, rồi về nhà tối vợ hỏi đồ ăn trưa có ngon không chồng? Chồng nói ăn rồi, chỉ biết ăn rồi mà thôi, tại vì ăn vội vàng để làm việc, chứ chẳng có thưởng thức món ăn ngon của người vợ đã thức sớm hơn một chút xíu, hi sinh nấu cho mình đi vào công sở làm việc. Có thể ngược lại, chồng nấu cho vợ, vợ nấu cho chồng, nhưng hầu hết chúng ta khi ăn cũng chẳng thưởng lãm được. Bởi vậy Phật mới dạy ăn trong chánh niệm, uống trong chánh niệm, sống trong chánh niệm, để chúng ta hưởng thụ sự sung sướng của đời người, ngay trong giây phút này, ngay hiện tại, luôn luôn sung sướng.

Nếu biết hòa mình, hòa nhịp vào hơi thở, thì tất cả những sự phiền não của quá khứ nó đoạn diệt, và tất cả những sự ảo tưởng buồn phiền của tương lai nó cũng ngưng, mà biết hưởng trọn giây phút hiện tại này. Do vậy mà các bạn nhớ rằng: hãy sống với hiện tại, đừng miệt mài ngược dòng thời gian để làm gì. Chúng ta cứ vu vơ rồi lởn vởn, luẩn quẩn như bóng ma chập chờn quá khứ, moi tìm lại những cái đẹp để làm chi. Đẹp thời quá khứ cũng qua, xấu thời quá khứ cũng qua, đừng mượn con thuyền ngược dòng thời gian tìm về quá khứ để khổ, để buồn, để vui, để sướng, để cười, để khóc làm chi. Cho nên các bạn nhớ cố gắng, cố gắng ngừng ngay, đừng ngược dòng thời gian nữa. Chủ đề này đừng miên man nhiều. Chỉ biết rằng phải dứt khoát nghe lời Phật. Tôi sẽ không ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, mà phải sống trong ngay chánh niệm hơi thở, để trưởng dưỡng tinh thần, tiếp năng lượng từ bi, hưởng được tình yêu thương của Phật ban cho chúng ta. Và hưởng được tình yêu thương của cha mẹ, của vợ chồng, con cái, của những người thân đang hiện tại nơi đây. Tìm về quá khứ, moi dưới hầm mộ sâu, tìm lại người yêu xưa ôm ấp đống xương tàn, khóc than để làm gì? Chết rồi xương trắng còn phơi mồ kia chưa ngã, cỏ này chưa khô, sao em cứ khóc. Hiện tại này chúng ta phải yêu cuộc đời của mình, yêu hơi thở chánh niệm, yêu lời của chư Phật dạy sống tịch tĩnh ngay trong bây giờ, chánh niệm hơi thở, đừng ngược dòng thời gian tìm về quá khứ nữa. Hơi thở vào, hơi thở ra, ta biết bụng phình và hóp lại để thừa nương phật Đà. Hơi thở vào ta thấy vào, hơi thở ra ta thấy ra, tánh biết, tánh thấy nhịp nhàng vào ra. Cứ như vậy ta thiền tọa trong từng giây, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi nói, khi ăn, khi cười, mọi thời mọi lúc mọi nơi. Cứ như thế lòng này sẽ vui.

Hơi thở chánh niệm thật là tuyệt vời các bạn. Nếu nó không tuyệt vời vi diệu, Phật sẽ không truyền dạy. Phật là bậc thầy, thấy bài học, thấy phương thức này, thấy công thức này hiện hữu tốt đẹp cho muôn loài chúng sanh sống an vui tự tại, nên ngài dạy cho chúng ta sống chánh niệm hơi thở hiện tại, ngay đây. Đừng miệt mài trôi ngược dòng thời gian để làm gì.

Các bạn, mình cứ hay viết nhật ký. Đôi khi cũng nói về chuyện đó, nhưng bây giờ không viết nhật ký nữa. Viết nhật ký làm chi, sao không đọc những dòng tư tưởng của mình ngay trong hiện tại để hưởng phước, để hưởng sự sung sướng ở cuộc đời, mà cứ lần mò viết về quá khứ. Nhật ký chuyện đã xảy ra, còn chuyện hiện tại chẳng hưởng, bữa ăn ngon vợ vừa làm mang ra cho ta ăn, ta ăn ta hỏng chịu hưởng, cứ lần mò trượt lên trên facebook, tìm quá khứ tư tưởng ngược xuôi. Đến khi ăn xong rồi cũng chẳng biết vợ nấu có ngon gì. Cuộc đời có biết bao tặng phẩm vô giá hiện tại ta trao cho nhau. Ta không hưởng được là bởi vì mọi người chúng ta đã bị tập khí quá khứ kéo vùi vào quá khứ, để ngược dòng thời gian, để tìm những chuyện đã xảy ra. Ngưng nha các bạn. Đừng tìm ngược thời gian để làm gì nữa, mà hãy sống trong chánh niệm hơi thở.

Các bạn hôm nay Bảo Thành nói ngắn gọn chỗ này để đi vào chủ đề, một chủ đề khác không phải ngược dòng thời gian, nhưng là câu hỏi rất chân thành của một phật tử đã gửi cho Bảo Thành, hỏi một điều y như ngược dòng thời gian nhưng Bảo Thành muốn mượn bài học trong ngày đồng tu ngày hôm nay nói để chúng ta cùng suy nghĩ về Thiến Mật Song Tu Thất bảo Huyền Môn và pháp tu của nhà phật.

Có bạn hỏi Bảo Thành khi gửi lời nhắn rằng có pháp tu như thế này, tức là có một pháp tu, có một cách tu, có năng lượng để trị bệnh tật cho người ta, để rồi người đó tu để trị bệnh cho muôn người, coi như là một việc từ thiện, cống hiến thời gian sức lực và năng lượng theo pháp môn đó để đi trị bệnh cho mọi người. Bây giờ nói đến chữ trị bệnh là rất bình thường. Các bạn, bởi vậy mới có nghành y học, nghành tâm lý học, nghành tâm thần học để trị bệnh, trị bệnh tâm lý, trị bệnh tâm thần, nghành y trị bệnh về thân rồi nghành vật lý trị liệu là sau khi lâm sàng trị liệu để phục hồi lại sức khỏe. Những nghành học đó rất khoa học và tăng trưởng kiến thức, như thế sẽ phục vụ được cho những người bệnh thật là nhiều. Nó rất rõ ràng thực tế, đúng với tinh thần nhà Phật. Câu chuyện như vậy đầy.

Vào thuở xưa thời đức Phật, khi ngài dời từ miền bắc Ấn Độ tới miền nam Ấn Độ lập đạo tràng đầu tiên là Tịnh Xá Kỳ Viên, do ông Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà cúng dường đất, lập nên tịnh xá đầu tiên. Phật về đó, thật đông đệ tử của Ngài, tức là hàng tùy kheo về đó sống. Rồi họ sống cho tinh thần tập thể, có người là quan trường, có người là thái tử, cũng có người là nông dân, có người bình thường không có kiến thức. Sống một tập thể lớn như vậy, vệ sinh không có sạch, ăn uống không đúng mức, vệ sinh cá nhân, ăn uống ngủ nghỉ không có đúng, bắt đầu lâm bệnh. Nhiều tỳ kheo bị bệnh, nhưng trong kinh nói Phật không bao giờ dùng năng lượng của ngài để trị bệnh cho đệ tử. Nếu ngài muốn làm chuyện đó, Ngài có thể làm, nhưng ngài không làm. Chuyện đó là chuyện bình thường. Nhớ đức Phật cũng là một thái tử học nghành y rất là giỏi, nghành võ, nghành năng lượng thật là giỏi, nhưng đó, Ngài không ứng dụng, bởi không cần thiết và chẳng đúng pháp cho nên ông Cấp Cô Độc mới nói Phật rằng: thưa Phật, có nhiều người đã bàn và nói với chúng con rằng hãy xây một trạm xá mời các bậc bác sĩ chăm sóc về sức khỏe tới ở trong đó để dạy dỗ chăm sóc cho hàng tỳ kheo khi bệnh khi ốm khi đau. Phật đã chứng minh và hứa khả. Và từ đó có trạm y tế trong tăng đoàn của đức Phật, đầu tiên được thành lập, và tất cả những bệnh về thân, các bác sĩ đều điều trị trong tịnh xá đó.

Câu chuyện này thực tế có trong thời đức Phật. Kể như thế để chứng minh trên con đường tu đạo Phật của chúng ta, chúng ta không thiên về cách trị bệnh về năng lượng. Nếu các bạn muốn đi trị bệnh cho người khác như việc thiện, các bạn có thể học về nghành y, có đầy đủ kiến thức trị bệnh chữa bệnh, rồi tình nguyện toàn thời gian làm từ thiện, trị bệnh. Như có nhiều bác sĩ về tâm thần, bác sĩ về tâm lý, bác sĩ về y khoa, bác sĩ về nhãn khoa đi mổ mắt, bác sĩ về nha khoa đi nhổ răng, bác sĩ về nội khoa đi mổ xẻ, đủ hết. Các bạn thấy chưa, có nhiều bác sĩ đã đi tình nguyện, làm đúng chuyên môn và bảo đảm trị bệnh đúng y khoa, đúng y học, đúng khoa học. Thế nhưng ở đời, có thật nhiều người không đi học về chuyên môn, muốn chữa bệnh một cách thần thánh, từ đó mà có thật nhiều trường phái không đúng với pháp của chư Phật, đã đi quá xa tầm tay, nghĩ rằng năng lượng trị bệnh. Nhưng mà thực ra họ không có tiếp thu được năng lượng, cũng chẳng thể truyền được năng lượng. Chân lý ngay chỗ này, đức Phật nói năng lượng và trí tuệ của Phật phải tự tu mới có được. Có chăng là ngài trợ lực cho chúng ta mà thôi, chứ không thể ban cho chúng ta để chúng ta trở thành. Mà ngài trợ lực để chúng ta có sức mà học hỏi. Như trong Thất bảo Huyền Môn, chư phật ban rải, tức là tạo cho chúng ta những kiến thức trong năng lượng phật điển, để từ đó chúng ta phối hợp với tự lực cầu đạo giác ngộ để đi lên, chứ còn chúng ta cứ bám vào Phật ban, Phật giáng và Phật độ thì chúng ta không bao giờ thành công

Tha lực và tự lực cần phải phối hợp như người con sanh ra phải có sự hỗ trợ của bà đỡ, của bác sĩ để đứa con sinh ra được lành lặn. Nhưng đứa con đó phải tự lực sống và lớn lên. Như vậy có hai tha lực trong cuộc sống. Ta có nguồn tự lực của ta và tha lực hỗ trợ cho ta tiến lên. Chứ tha lực không hỗ trợ cho chúng ta thành tựu, nhưng có tha lực thì phương tiện đó ta sẽ thành tựu dễ dàng. Như có sự hỗ trợ về phương tiện giao thông, ta đi từ Bắc tới miền Nam, từ Việt Nam tới Mỹ bằng máy bay nhanh hơn đi bộ. Phương tiện đó là phương tiện tha lực Phật điển, là một phương tiện vi diệu giúp cho chúng ta đi dễ dàng và nhanh. Nếu chúng ta không đi, có phương tiện, có xe, có máy bay, mà không bước lên thì chẳng bao giờ tới.

Trở lại vấn đề là tu tiếp năng lượng của trời đất để trị bệnh hoàn toàn không đúng với chánh pháp như lai, mà chẳng có thể trị bệnh được. Có chăng là những bệnh nhân kia có đầy đủ phước báu khi tới với chúng ta, phước báu họ có nên họ hết. Như chúng ta đi ra nhà băng rút tiền, nếu trong nhà băng ta có tiền ta rút mới được. Trong nhà băng của phước báu đầy đủ, nên vì phước báu mà hết. Câu trong dân gian gọi là: phước chủ may thầy. Người đó có phước tới gặp ta, nhiều khi sơ sài mà hết. Đó là phước của người đó, chẳng phải do ta, mà tự cao tự mãn. Thuở nhân điện đó, phát triển quá nhanh, có những bậc thầy dùng nhân điện để trị bệnh ở Việt Nam. Có thật nhiều bậc thầy là nông dân bình thường, không biết một chút nghành y hết, rồi học chút nhân điện trị bệnh, người ta sếp hàng dài lắm. Cách đây chừng mười mấy năm, có đó, người ta xếp hàng dài để trị bệnh. Bệnh gì cũng trị hết, nhưng không biết nguyên lý về bệnh lý, về khoa học, trị không hết, thậm trí còn kiêng cữ đủ thứ. Bệnh nhân có thể đi tới chỗ chết, hủy hoại sức khỏe của mình. Mà rồi người trị bệnh cũng chẳng hiểu về mình, người bị bệnh truyền nhiễm cũng tiếp cận, rồi bị lây lan bệnh đó, rồi bị nhiễm bệnh mà chết. Cứ thử hỏi tất cả những bậc thầy trị bệnh bằng năng lượng, khi họ ốm họ đau, họ bệnh, họ cũng phải đi bác sĩ, họ cũng uống thuốc, họ cũng phải khám hết. Thế nhưng trong lý thuyết họ truyền dạy, luôn luôn nâng lên tầm cao trị được bá bệnh, như mãi võ sơn lâm, như những người bán thuốc ở ngoài đường, có viên thuốc tể vậy thôi, bệnh gì cũng trị được hết.

Cho nên nhớ rằng chúng ta học Phật, đừng tầm cầu rằng là ta tu gì đó hay lắm, để rồi tự tình nguyện đi trị bệnh, hoàn toàn không đúng. Bởi vì khả năng trị bệnh của chúng ta nếu không am hiểu về bệnh lý, về y học, y học cổ truyền hay y học tân thời. Đều là y học hết, điều trị bệnh được. Có những cơn nhức đầu bình thường, uống viên thuốc nhức đầu vô là hết, hoặc theo như thuốc nam, thuốc bắc của chúng ta hết mà. Như đau bụng vậy, chúng ta có thể uống những vị thuốc nam, thuốc bắc, thậm chí châm cứu, bấm huyệt cũng hết, nhưng chúng ta cứ mơ tưởng những thần thông hão huyền, dùng thần thông trị người ta đau bụng, ăn đồ sai trị sao hết.

Những chuyện đơn giản như vậy thôi để chúng ta nói rằng Phật mà còn để cho các bác sĩ trị bệnh, thì chúng ta tu, ngoài bệnh về nghiệp, các bạn nhớ, thì các bậc có đức hạnh, có giới hạnh, có thể truyền dạy cho chúng ta để chuyển hóa nghiệp của tự thân hết bệnh. Nhưng nếu các bạn tự thân tu đạo, chúng ta phải nhờ đến nghành y. Y chang như đức Phật thời xưa, bận giác ngộ, đã nhờ nghành y chăm sóc cho đệ tử là các bậc tỳ kheo của Ngài. Thì chúng ta ngày nay đừng huyễn giả hão huyền trong những điều chẳng am tường về y học, ngành y, mà rồi cứ mò mẫm vào những mộng tưởng như vậy, coi chừng nguy hại đến sức khỏe của người khác và rơi vào ảo tưởng. Người nông dân họ trồng lúa họ có thể trồng được. Bác sĩ họ mổ xẻ. Nhưng không thể mang anh nông dân tới bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân được, và ngược lại chẳng thể mang bác sĩ xuống ruộng để trồng lúa. Ngành nghề nào, kiến thức nào cũng đều lập ra sự chuyên môn và học, cần phải nghiên cứu của mỗi người.

Cho nên Bảo Thành ngắn gọn ở trong ngược dòng thời gian. Để trả lời câu hỏi này cho các bạn gởi về và hy vọng các bạn hiểu rõ được rằng chúng ta tu về Phật học là để chuyển hóa khổ đau và nỗi niềm của chúng ta. Để có được hạnh phúc trong chánh niệm hiện tại đó là cứu cánh. Đừng mơ tưởng đến gì nữa. Mà nếu nói về từ thiện thì có ba phương thức từ thiện. Từ thiện ý, tức là khởi lên những ý thiện lành, hồi hướng cho mọi người trong đồng tu, đó là từ thiện bằng ý. Từ thiện khẩu tức là khởi lên ái ngữ, dâng hiến cho mọi người tạo niềm vui trong cuộc đời, đó là phương pháp từ thiện. Phương pháp từ thiện thứ ba là từ thiện bằng thân, trợ giúp cho những người nghèo khổ bằng tịnh tài, bệnh hoạn thì chúng ta có thể đưa họ đi nhà thương, kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người để cúng dường tịnh tài cho những người nghèo, bất hạnh, hoặc hỗ trợ do chính chúng ta. Đó là những phương pháp rất cụ thể. Còn nói là tu mà có năng lượng trị bệnh như một phương pháp từ thiện, đó không đúng pháp. Thực sự nếu như không hiểu rõ bệnh lý của người mà ta tiếp xúc, họ có thể bị bệnh lao, họ có thể bị bệnh truyền nhiễm, thì chúng ta tiếp cận, tưởng rằng năng lượng có thể chữa bệnh được, vô tình chúng ta có thể bị lây bệnh. Chuyện này có thực. Và rồi đã xảy ra biết bao vị thầy truyền năng lượng ở trong thông tin mà chúng ta thấy ở báo chí đó, họ làm chuyện không đúng, chỉ hại người thôi, tốn thời gian, tốn công sức. Có những hiện tượng tới đó là hết, là bởi vì người tới đó có tu tiền kiếp, hoặc có phước báu từ Cửu Huyền Thất tổ ông bà để lại, hoặc Phước báu tự thân. Trong giờ phút họ hướng tới đời sống tâm linh bởi vì tuyệt vọng, phước báu có đủ lên họ hết mà số đó thật là ít. Chẳng phải là những vị năng lượng kia truyền vào mà hết bệnh đâu, toàn là do phước “Phước chủ may thầy.” Ông thầy chỉ là may mắn, nhưng ông thầy may mắn đó phải là ông thầy có giới đức. Còn ông thầy không có giới đức chẳng tạo được sự may mắn cho người có phước tới. Và qua giây phút gặp nhau đó bệnh họ tự hết.

Cho nên các bạn đừng hão huyền trong vấn đề tu học năng lượng này, năng lượng kia. Tất cả lý thuyết trong dân gian hiện hữu đang trôi nổi trên mạng đều là lý thuyết làm cho người ta quên mất khả năng vốn có của họ là Phật tánh an vui Niết bàn, chứ không phải khả năng để đi tìm những như ý tưởng rằng mượn này mượn kia để làm thế cho người khác. Chẳng khác gì người nông dân mượn cuốc cày để đi vào mổ xẻ cho bệnh nhân. Ôi chu choa, cày đó chỉ cày ruộng thôi, còn cày trên thân xác ruột gan phổi phèo nó tan hết à. Các bạn thấy không? cho nên nhớ rằng kiến thức nào nếu như muốn học để phục vụ cho đời sống, phụng hiến cho con người, chúng ta phải nghiên cứu và học hỏi cho đến nơi đến chốn. Nếu bạn muốn trở thành những người giúp chữa bệnh tật, hãy học về ngành Y. Học ngành y có thật nhiều đông y và tây y. Trong ngành y có thật nhiều môn thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây hoặc là những ngành đơn giản bình thường chăm sóc sức khỏe, ăn uống dưỡng sinh, tức là ăn uống đúng mức thì đều là giúp. Còn nếu các bạn không thông và hiểu về bệnh lý y học, về cơ thể học mà chúng ta cứ mượn Phật pháp để chữa bệnh, vô tình chúng ta sẽ tạo nghiệp cho bản thân của mình.

Đó là Bảo Thành nói miên man qua câu hỏi của Phật tử gửi tới nhưng Bảo Thành muốn trả lời để không hẳn cho người Phật tử đó nghe được, mà Bảo Thành muốn tất cả các bạn nghe, để các bạn đồng hiểu, để đầu óc của mình đừng luẩn quẩn ngược dòng thời gian đi về những lý thuyết mà thời xưa người ta đã mong cầu không học gì mà muốn làm được tất cả.

Thiền Mật Song Tu là giúp cho chúng ta trụ vào hơi thở chánh niệm, đón nhận tha lực tức là năng lượng của Phật, để đánh thức tự lực của chúng ta, hòa hợp giữa tự lực và tha lực. Để làm gì? Để quán chiếu hơi thở chánh niệm để nhìn rõ khả năng ta có thể thành tựu được như Phật nói. Đó là khả năng chuyển hóa khổ đau, tìm về với hạnh phúc và bình an. Đây là cứu cánh ba đời chư phật và 10 phương Bồ Tát Thánh Hiền đều tu. Do vậy nếu các bạn tu Phật thì tu theo cứu cánh này, đừng viễn vông theo những tư tưởng khác ngược dòng thời gian trôi vào quá khứ với những lí thuyết nó trôi bồng bềnh. Ở trên mạng họ viết đó, nhưng mà rồi chúng ta đắm đuối, chúng ta sẽ đánh mất đi hơi thở chánh niệm. Chúng ta không sống tịch tĩnh an vui. Mà chẳng thể coi như việc từ thiện đâu, chính vì từ thiện theo điều không có kiến thức đó rất nguy hiểm, có thể tạo ra nghiệp nữa, bởi vì có những người trị bệnh như vậy cứ tưởng rằng mình trị bệnh rồi vô tình người kia bị bệnh mình cũng bị bệnh. Hoặc họ có thể lâm nguy, ta tạo nghiệp.

Và nhớ rằng khi chúng ta làm một việc gì, theo giới thứ tư là cấm nói dối, mà chúng ta làm chúng ta không có hiểu nguyên lí mà cứ cho nó như vậy, tức là đã phạm giới thứ tư. Nói dối, nói vọng ngữ, vọng tâm là giới thứ tư, đã là tạo nghiệp cho mình rồi. Bởi vì khi chúng ta trị bệnh mà chúng ta không hiểu được bệnh lý rồi chúng ta nói mà không biết phải nói gì, rồi trở thành vọng ngữ, trong vọng tâm, nghiệp cho ta tới. Chưa kể nói sợ bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến thân. Cho nên chúng ta trở thành bác sĩ của chính mình là trị bệnh tâm vọng tưởng, trị thân bệnh cho nghiệp của chúng ta, bằng cách tu thiện nghiệp trong hơi thở chánh niệm.

Các bạn chủ đề ngược dòng thời gian cũng có thể nằm trong ý đó. Đừng đi ngược dòng thời gian, tìm những hão huyền. Bởi vì trị bệnh như vậy nó là của quá khứ rồi, nói theo văn tự bây giờ là nó xưa rồi, nó xưa lắm rồi. Nó không phải mới đâu mà người ta thường hay nói cho vui là “Xưa rồi Diễm ơi”

Đừng có vọng tưởng những điều đó. Đó cũng là ngược dòng thời gian. Họ ngược dòng thời gian trong kinh sách mang tới, để rồi tự xưng tên là bậc này, bậc kia, sáng tạo ra. Nhưng thực ra họ chỉ mò mẫm trong kinh điển, giáo khoa, sách vỡ thời xưa, góp nhặt tổng hợp lại, cho rằng họ tạo ra, nhưng không có. Chuyện đó xưa lắm rồi, mà thời xưa xưa như Đức Phật kia đã không tán thành điều đó. Ngài chỉ xiểm dương con đường tu tập cứu khổ cho bản thân bằng Chánh Pháp trong hơi thở Chánh niệm.

Các bạn đặt bàn tay phải trí tuệ vào bàn tay trái từ bi. Chúng ta tịnh dưỡng thân tâm của mình trong hơi thở Chánh niệm, để không miên man ngược dòng thời gian. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư phật ban rải tha lực phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và khai trí cho chúng con, để chúng con không ngược dòng thời gian trôi vào quá khứ, mà sống ngay trong hiện tại bằng chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú: Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật!

Đừng ngược dòng thời gian. Đừng ngược dòng thời gian đi tìm về quá khứ.

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai lại chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút Chánh Niệm và hiện tại

Kẻ thức giả an trú

Vững chãi và thảnh thơi

Phải tinh tiến hôm nay

Kẻo ngày mai không kịp

Cái chết đang đến bất ngờ

Không thể nào mặc cả được đâu.

Người nào biết an trú trong Chánh Niệm thì là người không tìm về quá khứ. Còn người nào không biết an trú trong Chánh Niệm thì luôn luôn đi ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, vươn tới tương lai. Để rồi quá khứ như cái cày, cái ách quàng lên trên cổ, tương lai như sợi dây xỏ mũi, một phần kéo bên trái, một phần kéo bên phải, ta đứng ở giữa không kiềm được thì sẽ phanh thây ra giữa quá khứ và tương lai. Người thức giả là người có trí tuệ an trú vững chãi và thảnh thơi. Là người không mơ tưởng đến những điều hảo huyền. Kiến thức cần phải bồi dưỡng trong Chánh Kiến, Chánh Tư Duy và Chánh Ngữ. Đừng sống trong Vọng Ngữ, Tà Tư Duy và Tà Kiến. Đức Phật là một nhà khoa học dạy cho chúng ta việc nào phải làm ra việc đó. Đúng ngành, đúng nghề, đúng tư tưởng. Nghề nông thì cày ruộng, bác sĩ thì trị bệnh và chúng ta là những con người tu Phật để an trú trong Chánh Niệm tìm về cội nguồn của tâm an vui Niết Bàn tại thế gian.

Các bạn muốn trở thành người trồng rau thì học về ngành trồng rau, nông nghiệp. Các bạn muốn chăm sóc cây kiểng, hoa cũng phải học. Bất cứ một ngành nghề gì từ y học, cơ thể học, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, không gian học, toán học, vật lý học, khoa học, tất cả các ngành đó cần phải học. Đặc biệt ngành sanh tử học tức là thoát khỏi sanh tử, học để thoát khỏi sanh tử thì chính là học nơi Đức Phật. Nếu các bạn muốn học để thoát khỏi sanh tử thì hãy tới với Đức Phật học Chánh Niệm hơi thở. Còn đã gọi là học để thoát khỏi sanh tử tức là không sanh thì bất tử, còn có sanh phải có tử. Có sanh, có tử, có bệnh, có già. Muốn hết sanh tử thì phải học từ ngành sanh tử học mà Đức Phật dạy. Bởi vậy, ngành này không làm những việc không liên quan tới.

Các bạn hiểu được như vậy, cho nên đừng ngược dòng thời gian để tìm về quá khứ. Đừng ngược dòng thời gian để vươn tới tương lai. Quá khứ không còn đâu. Mà tương lai thì chưa tới. Hãy quán chiếu sự sống ngay trong hiện tại hơi thở, ngay trong giây phút này đây. Như vậy, bởi quán chiếu đời sống hiện tại hơi thở, ta, chúng ta mới trở thành kẻ thức giả an trú vững chãi và thảnh thơi, sống hạnh phúc và tinh tấn ngay bây giờ, ngay tại đây bởi chẳng còn kịp đâu. Không kịp đâu! Không kịp không phải là ta sẽ chết mà không kịp là bởi vì cứ lăn xả vào quá khứ, lần mò đến tương lai thì sao kịp sống trong hiện tại?

Hãy sống thảnh thơi, vững chãi như một kẻ thức giả rời xa quá khứ và rời bỏ tương lai, sống đúng an trú trong Chánh Niệm hơi thở, các bạn sẽ luôn luôn an vui.

Các bạn đang học ngành gì? Ngành thoát khỏi sanh tử mà Đức Phật dạy! Các bạn không học ngành y, các bạn không học ngành dược, các bạn không học ngành về nông nghiệp, khoa học, các thứ. Nếu các bạn muốn, hãy tới trường học để nâng cao kiến thức đúng khoa học, hiểu, biết để chúng ta làm cho đúng việc, đúng ngành, đúng nghề, đúng kiến thức để giúp đời. Còn nếu không đúng ngành, đúng nghề, đúng kiến thức, đúng khoa học để giúp đời, chúng ta sẽ hại đời, hại người và hại chính chúng ta.

Ngành sanh tử học của Phật là ngành thoát khỏi sanh tử nha các bạn! Ngành đó là ngành hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh.

Mời các bạn đặt Trí Tuệ và Từ Bi vào để chúng ta trở về với hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh trong hơi thở Chánh Niệm.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, khai mở trí tuệ để cho chúng con thẩm nhập vào ngành sanh tử học của Phật mà thoát khỏi vòng tử sanh.

Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ, hóp bụng vào, trì mật chú:

Mu A Mu Sa. (7 biến)

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh để chúng con chuyên chú học ngành sanh tử học để thoát khỏi tử sanh nơi lời Phật đã dạy trong Chánh Niệm hơi thở.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh để cho chúng con hiểu rõ, học về ngành sanh tử học để thoát khỏi sanh tử nơi lời dạy Chánh Niệm hơi thở của Phật.

Mô Phật! Cám ơn các bạn đã đồng tu với Bảo Thành 21 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa vừa thành tựu. Hiểu rõ được chân lý của Đức Phật dạy là đừng tìm về quá khứ, đừng trôi nổi ngược dòng thời gian mà sống ngay trong hiện tại hơi thở, đó là bậc thức giả an trú vững chãi và thảnh thơi trong Chánh Niệm hơi thở hiện tại.

Các bạn! Chúng ta hãy lấy ý tưởng của Phật là cứu cánh mà tu tập, đừng miên man, miệt mài ngược dòng thời gian trôi về quá khứ.

Hồi hướng:

Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới các nguyên thủ các quốc gia để họ không ngược dòng thời gian tìm về quá khứ huy hoàng của những điều họ đã làm mà sống hiện tại, thành lập nên chính sách hoà bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh đại dịch. Nguyện cầu cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ nâng cao kiến thức trị lành bệnh nhân. Cầu nguyện cho tất cả những con người đang đau khổ, hoang mang, sợ hãi trên thế giới và quốc tổ của chúng con, Việt Nam quê hương thoát khỏi đại dịch, sống bình an an hưởng pháp mầu của Chư Phật truyền dạy. Cầu nguyện cho tất cả những ai đã quá vãng, chư hương linh ký tự trong Chùa Xá Lợi được siêu sanh Tịnh Độ.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts