Search

Bài 1157: Chế Ngự Tâm Sân – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Phước đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, tất cả các bạn đồng tu đang trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ đồng tu kính mời các bạn quy ngưỡng thân tâm của mình về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn, chúng ta đồng tu Thất Bảo Huyền Môn, nương vào hơi thở chánh niệm vào ra, tinh tấn an trú ở trong đó, tư duy về nhân quả đức Phật dạy giữa thiện, ác. Trong thế giới hiện tiền, chúng ta buông cái ác, hành điều thiện như lời Phật dạy để tâm thanh tịnh ngay trong chỗ này. Khi tâm thanh tịnh ta sẽ tiếp được thật nhiều năng lượng từ bi của chư Phật ban rải vào trong cuộc đời của chúng ta qua thân và tâm để từ đó chúng ta nhận ra sự hiện diện của chư Phật trong cuộc đời mà chuyển hóa những phiền não, đau khổ, tăng trưởng hạnh phúc bình an.

Các bạn, hơi thở đi vào trong chánh niệm bằng mũi, ngang qua phổi xuống đan điền khí hải là dưới bụng. Khi đó các bạn phình bụng ra, rồi khi hơi thở đi ra, các bạn hóp bụng vào thở từ từ, các bạn trì mật chú Mu A Mu Sa.

Bây giờ đã tới giờ, mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta bắt đầu.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ để chúng con học cách chế ngự tâm sân. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật! Các bạn thân mến, đức Phật dạy cho chúng ta thật rõ ràng trong cuộc sống cần phải làm gì. Phật là bậc thầy, Ngài nhìn rõ nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta, gây ra phiền não cho chúng ta. Đau khổ và phiền não này ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu những ai thường xuyên bệnh tật, đau khổ nó dằn vặt đó, nếu những ai đau đầu nhức óc thường là kết quả của sự phiền não, khó giải tỏa. Ngoài những hiện tượng của tứ đại suy giảm do thân bệnh, nó còn ảnh hưởng thật nhiều do tâm của các bạn. Mà một trong những điều gây ra đau khổ đó thường xuyên vẫn chính là tâm sân. Tâm sân thực ra ai cũng có, hễ là người là phải có tâm sân, hễ là thú phải có tâm sân, hễ là những loài trong sáu nẻo luân hồi đều có tâm sân. Vốn dĩ là mọi loài đều sinh ra từ ba cái tâm tham, sân, si. Cho nên tâm sân luôn có và hiện hữu trong chúng ta. Đôi khi chúng ta nhìn, chúng ta không thấy tâm sân có ở trong lòng. Mấy ai nhìn thấy cục đá mà thấy ngọn lửa đâu. Nhưng khi cục đá đó nó rơi xuống, nó va chạm vào cục đá khác, lửa sẽ tóe ra và nó bốc cháy lên. Vậy nên cho những người đồ đá, đồ đồng hồi xưa, tìm ra ngọn lửa là thấy thiên nhiên đá rơi tạo ra lửa. Từ đó lấy đá đập vào nhau. Chúng ta nhìn cây, nhìn cỏ không thấy lửa. Nhưng chính cây và cỏ đó khi nó khô, nó lại là mồi cho lửa bốc lên thật là nhanh. Hầu hết những vật chung quanh ta, cuộc sống tiếp cận hằng ngày chúng ta không thấy lửa, nhưng lửa vẫn tàng ẩn trong đó. Chỉ khi nó va chạm, nó sẽ hiện hình cho rõ. Mấy ai chấp nhận rằng người khác nói ta có tâm sân đâu. Cái tâm sân như ngọn lửa ngủ ngầm, ẩn hình, vi tế không thấy được. Nhưng khi đụng chuyện rồi, nó bốc lửa nó cháy. Rồi nếu như bên cạnh ngọn lửa khi nó lóe ra, nếu có rơm nó bén vào rơm, nếu có củi khô nó bén vào củi khô, nó bén vào những chất tiếp lửa và những chất giữ lửa để nó lan hoài.

Thấy rằng ngọn lửa sân rất nguy hại, đức Phật dạy cho chúng ta chế ngự, nghĩa là chúng ta chế ngự chứ chưa tiêu diệt được lửa sân này đâu. Bởi vẫn là người, nếu chúng ta đoạn diệt được sân, lửa sân này rồi, chúng ta là bậc thánh. Bảo Thành và các bạn là con người còn va chạm trong cuộc sống. Trong sự va chạm, dù đối với đấng bậc sinh thành, hay người thật xa thật lạ, nhiều lúc trái ý, tâm sân trỗi dậy ngay. Cho nên chúng ta học chế ngự, chấp nhận. Trước khi chế ngự chúng ta chấp nhận rằng có sân ở trong lòng của chúng ta. Ngay cả các bậc thạc đức, hòa thượng, tăng, ni hay những bậc chân tu vẫn luôn luôn quán tưởng rằng tâm sân đang ở và tồn tại trong kiếp người của họ. Để từ đó họ học cách chế ngự.

Các bạn có nhớ, nếu căn nhà của bạn được xây dựng để tránh hỏa hoạn, các bạn không bao giờ để xăng, để gỗ, để củi, để cây, những chất dễ gây hỏa, tiếp hỏa ở ngay căn nhà của mình. Ta phải dọn dẹp cho sạch, để lỡ ngọn lửa nó có bén lên, nó không có chất liệu tiếp lửa để lây lan. Còn nếu như chúng ta không biết, căn nhà yêu quý do công sức, tiền bạc, mồ hôi, nước mắt, đẹp quá, vậy mà chất dầu, chất xăng, chất củi, chất rơm, chất rạ, những chất dễ gây lửa, tạo lửa, bén lửa, bốc cháy đầy hết ở trong. Thì khi một tia lửa nhỏ lóe lên đó, căn nhà đẹp các bạn dồn công sức cả đời xây dựng nó sẽ bị cháy tàn lụi.

Căn nhà phước báu của chúng ta không khác gì như vậy. Bao nhiêu đời, Bảo Thành và các bạn đã chắt chiu biết bao nhiêu những phước báu tích lũy, mới có đủ công đức xây dựng lên ngôi nhà thân người hiện tại ngày hôm nay. Ngôi nhà tình cảm, giao thoa giữa những đấng bậc sinh thành, vợ chồng, con cái, nhân quần, xã hội. Cái ngôi nhà của gia đình, ngôi nhà của xã hội, ngôi nhà của mối tương quan trong tình bạn. Chúng ta phải chắt chiu biết bao nhiêu phước báu mới có được những điều ta đang có. Nhưng phải luôn luôn suy nghĩ và quán tưởng rằng trong tận thâm sâu của tâm thức chúng ta, những gì ta đang có vẫn còn có tâm sân như ngọn lửa, nó bị vùi xuống đống tro ta không nhìn thấy lửa đó đâu. Nhưng nếu đống tro tàn rồi, không thấy khói, không thấy lửa, ta cho là hết lửa là sai. Bởi khi cơn gió thổi băng qua, bụi tro bị cuốn trôi đi, gió tiếp cho lửa, than sẽ hồng lên và bén cháy. Tâm sân như cục than ngầm ở dưới tro bụi của cuộc đời phủ kín, ta không nhận ra, nhưng thánh nhân nhận ra. Ta không nhận ra nhưng những người học Phật nhận ra, bởi Phật đã dạy trong ta có tâm sân như ngọn lửa ngủ ngầm. Phải cẩn mật, cẩn thận, phải thức tỉnh, tỉnh giác, phải nhìn rõ, nhận ra nó để chế ngự nó.

Như vừa nói tản mạn, chế ngự như thế nào đây? Ta không chất vào ngôi nhà tâm thức của chúng ta củi, rơm, và những thứ dễ gây cháy. Vậy củi đó là gì? Các bạn, củi đó chính là cái tôi, các bạn cứ nghĩ đi, nếu không có cái tôi, biết bao nhiêu chuyện xảy ra các bạn đều chế ngự được hết. Nhưng chính vì cái tôi như một khúc củi khô chất đống ở trong lòng, khi ai đó nói đến những chuyện ta không vừa ý, cái tôi nó sừng sững mọc sừng. Rồi nó chống đối, rồi nó phỉ báng, rồi nó chà đạp, rồi nó ức hiếp, rồi nó vươn vai giãn cánh thị uy sức với muôn người.

Cuộc đời của chúng ta, giữa thiên nhiên tự tại, chính những âm thanh khác biệt. Ví dụ như tại cảnh chùa Xá Lợi hôm nay các bạn đang nghe tiếng côn trùng, nghe thấy tiếng ve, lại còn nghe thấy tiếng xe lửa chạy ồn ào. Nhưng không thể vì sự ồn ào của môi trường xung quanh mà tâm thức của chúng ta bị rối loạn, không nghe được tiếng lòng, không nghe được tâm sân đang ngầm ngủ ở trong ta. Để rồi ta quên, ta cứ tưởng rằng ta là người bình tĩnh không sân si, chất đống củi khô của cái tôi phình lên, khi đụng chuyện nó cháy tan nát những mối giao hảo gia đình, phước báu của chúng ta. Những ai có nhà, những ai có cây, những ai kề rừng, chúng ta phải luôn luôn dọn dẹp những cành khô, những lá khô đi để lỡ có hỏa hoạn nó không có bén.

Trong cuộc sống, nếu chúng ta biết nhìn vào trong cái bản ngã của mình, biết chặt, tỉa những cành khô của tâm thích tranh chấp. Trong cái cây tôi của ta mọc lên nó có cành tranh chấp, nó có cành thị phi, nó có cành mà chúng ta đối đãi hơn thua, đúng sai, nó có cành của cái tâm tham, nó lại trồi lên một cành và bao nhiêu lá của tâm si phủ kín. Bởi vì cây có lá nó phủ kín mặt trời. Bảo Thành đang ngồi dưới những tàng cây, mặt trời không chiếu vô được. Những cái lá đó nếu nói theo một chiều hướng dễ hiểu là những cái tâm si nó rậm rạp ở trong tâm của chúng ta, nó phủ kín sự hiểu biết của chúng ta theo nhân quả. Để từ đó, cái lá đó nó bảo dưỡng cái gốc là cái tôi của mình nó to ra từng ngày, từng ngày thành một cây cổ thụ chưướng ngại trong cuộc đời của chúng ta. Trong cuộc đời của chúng ta, cái tôi thật là nguy hiểm.

Các bạn, tâm sân vốn có trong tôi, phải thầm chánh niệm như vậy thường xuyên, và phải luôn luôn trưởng dưỡng cuộc đời của mình, an trú trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu nhẹ nhàng trong tôi còn tánh sân. Điều này phải khẳng định và nói với tự thân rằng, trong hơi thở chánh niệm vào ra tôi vẫn còn có sân. Nên khi tôi hít vào thở ra, trong mật chú Mu A Mu Sa, tôi đón nhận năng lượng từ bi của Phật vào để tăng trưởng phước báu mà chuyển hóa bản ngã, cái tôi cho nhỏ đi. Để từ đó con mắt trí tuệ có thể nhìn thấy và khẳng định tâm sân là rất xấu. Tâm sân làm cho tôi xấu, tâm sân làm cho muôn người xấu. Tâm sân như ngọn lửa, ngọn lửa này nó nằm ngầm như núi lửa ở dưới tạng thức của chúng ta. Chỉ chờ đúng ngày, đúng giờ nếu ta tiếp tay nó tuôn ra ngay. Còn nếu chúng ta dọn thật sạch môi trường chung quanh, thì ngọn núi lửa là tôi kia nó không có cơ hội tiếp xúc. Chế ngự tâm sân bằng cách dọn dẹp cái tâm của mình đi. Các bạn dọn dẹp cho sạch bằng hơi thở chánh niệm, quán chiếu và đón nhận tha lực Phật điển. Tha lực Phật điển là một nguồn nhiên liệu rất cần thiết, chất chứa trong nhà tâm của chúng ta. Nếu nhà của các bạn mà có nguồn nước tiếp cận chung quanh thì khi hỏa hoạn, nước đó sẽ dập tắt ngọn lửa. Thứ nhất là dọn những thứ khô dễ bén lửa. Thứ hai là chất chứa nước ở trong đó. Vậy nên tại các nước trên thế giới, ngay cả Việt Nam, tất cả những con phố đều có những nguồn nước dự trữ, có những vòi nước vắt sẵn, đụng chuyện là xe cứu hỏa có thể bắt vào nước đó, phun nước chế ngự lửa.

Chúng ta có một nguồn nước vô tận là tha lực Phật điển từ mười phương đổ tràn xuống chúng ta. Nước này là nước tinh khiết, nước tịnh giác, nước giác ngộ, nước cam lồ, nước rửa sạch trần ai, tục lụy của cuộc đời, ly trần tẩy tục làm sạch sẽ các rơm, rác, củi khô trong lòng của chúng ta. Để cái tôi của chúng mình nó được dọn thật là sạch, nó không có cơ hội bén lửa thì tâm sân sẽ ngủ ngầm mãi mãi thì chúng ta sẽ tăng trưởng phước báu và nguồn nước tha lực Phật điển thật đầy, thật nhiều ở bên trên, chế ngự tâm sân đó xuống, để nó không có cơ hội phun lửa. Các bạn nhớ, nếu lửa được nước nằm ở bên trên, lửa đó không có cơ hội bốc lên đâu. Và chúng ta cứ an trú trong hơi thở chánh niệm, tiếp thật nhiều tha lực Phật điển, nguồn nước từ bi đó nó sẽ phủ lên trên tâm sân của chúng ta. Và từ đó tâm sân không có cơ hội để bốc cháy, đó là cách chế ngự tâm sân.

Song hành với điều đó, ta phải luôn từ nhắc nhở rằng, ta vẫn có tâm sân ngủ ngầm ở dưới đáy tâm của chúng ta. Và phải luôn luôn nhận thấy cái sân làm cho tôi xấu, sân làm cho mọi người thật là xấu, đốt cháy phước báu. Từ đó và biết vậy, tôi luôn luôn phải sống mỉm cười trong chánh niệm và quay về thủ hộ, tức là bảo hộ thân, ngữ, ý của mình. Để từ đó chúng ta an trú trong chánh niệm, đón nhận tha lực Phật điển, nương vào cái năng lượng từ bi, chúng ta quán tâm từ không buông lơi, không rụng rơi, không phóng tâm, không phóng túng, luôn luôn an trú trong cái năng lượng từ bi, đó là gọi quán tâm từ bi. Bởi vì trong tha lực Phật điển có chất từ bi của bậc giác ngộ nơi mười phương chư Phật ban rải xuống cho chúng ta.

Do vậy mà khi các bạn nhìn nhận mình vẫn còn sân ở trong cái tôi, và cái sân đó nhận thấy thật là xấu, xấu cho ta, xấu cho người, nên luôn mỉm cười, quay về bảo hộ thân, ngữ, ý và quán chiếu năng lượng từ bi, tha lực Phật điển tiếp vào cuộc đời qua Mu A Mu Sa, với hơi thở chánh niệm. Thì tức cả những tâm sân của các bạn tích lũy từ vô lượng kiếp sẽ được nước cam lồ, năng lượng từ bi của Phật phủ lên khó có bề bốc cháy. Song hành với điều đó ta phải tinh tấn dọn dẹp những rác rưởi củi khô, rơm, rạ ở cạnh. Đó là những lời thị phi ta hay xúc phạm tới người khác, đó là những lời thô ác, đó là những tâm tham dục, tham ái, tham tài, tham danh, tham vọng. Những tâm tham như vậy cần phải dọn cho sạch, và rồi chúng ta làm sao dọn sạch đây? Phật dạy thật đơn giản, không thể, không thể đi tới cửa niết bàn mà để rác rưởi ngổn ngang ở trong tâm, để dọn dẹp cho nó sạch, ta chỉ cần bỏ nó, đừng đụng đến nó, quay về an trú trong chánh niệm hơi thở. Đời sống chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa, là một đời sống tăng trưởng nước cam lồ, tăng trưởng năng lượng từ bi để chúng ta có năng lượng từ bi của Phật ở trong tâm, thân của chúng ta. Từ đó, chúng ta biết quay về nương vào năng lượng từ bi quán từ, quán bi, quán tâm từ bi của Phật hiện hữu trong ta, để lấy năng lượng từ bi đó phủ kín tâm sân, không cho tâm sân có cơ hội bốc cháy.

Làm sao ứng dụng? Trong những ngày này, ta nhìn cuộc đời bằng ánh mắt từ bi, ta mỉm cười với người bằng nụ cười từ bi. Ta nghe người ta nói bằng nhĩ căn từ bi. Ta hành động bằng tâm từ bi. Mọi tạo tác, những cái bắt tay, những tương tác với mọi người trong công việc hằng ngày, ngay cả khi rửa chén, nấu cơm, khi ăn, khi uống, khi nghỉ, khi ngừng, khi tương tác với bạn bè dưới mọi hình thức ta luôn luôn tương tác bằng hành động từ bi khởi lên từ tâm từ bi. Và nếu tương tác bằng ngôn ngữ, ngôn ngữ phải là ái ngữ từ bi, nhìn bằng ánh mắt từ bi, nghe, nghe bằng nhĩ căn từ bi. Những điều từ bi các bạn khởi nguồn từ tha lực Phật điển nó tích lũy trong cuộc đời của chúng ta, nó tạo cho chúng ta có một ngọn đèn hải đăng để quy ngưỡng về ngọn đèn đó, như một ánh minh tuệ dẫn đường ta vượt qua đêm tối.

Chánh niệm là một đài gương, gương gì? Đây là gương thiện, gương từ, gương bi, gương của bậc giác ngộ trao cho chúng ta. Đài gương đó chúng ta soi cho thật kỹ trong chánh niệm, thấy được tâm sân, đổ vào tâm sân đó nước từ bi. Thì bao nhiêu sân hận của cuộc đời đó nó sẽ tiêu tan dần dần và bị dập tắt. Đồng thời cái tôi, bản ngã mình cũng nhỏ dần, để rồi mình trở thành một người có lòng khiêm tốn, nhún nhường, và luôn luôn biết kính trọng, tri ân.

Đặc biệt, Chủ Nhật tới này đây, chùa Xá Lợi sẽ tổ chức lễ Vu Lan. Và nhất định trên toàn thế giới đúng ngày rằm, nhớ về cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân yêu của chúng ta đã quá vãng nhiều đời để quy hướng về điều đó. Chúng ta phải nên nhớ rằng, chúng ta cố gắng tu, nhiếp thủ thân tâm của mình vào hơi thở chánh niệm. Nhiếp thủ thân tâm của mình vào hơi thở chánh niệm, và chúng ta đón nhận tha lực Phật điển tới với cuộc đời của mình để tăng trưởng nguồn nước cam lồ của chư Phật tới cuộc đời của chúng ta. Để từ từ gội rửa cái tôi của mình, tắm rửa cho thật sạch những phiền lụy của cuộc đời, những tham, sân, si trong cuộc đời. Và chúng ta dọn dẹp rác rưởi của cuộc đời cho thật sạch, để chúng ta làm gì nữa, chúng ta hồi hướng công đức tới những đấng bậc yêu thương đã ra đi rồi, được nương nhờ vào hùng lực của chư Phật tái sanh vào cảnh thiện lành. Và phước báu vô cùng ta có thể làm được chính là một đời sống chánh niệm hiện hữu trong cuộc đời này. Ai trong chúng ta cũng có thể làm được.

Các bạn thân mến, chế ngự tâm sân cần phải có phương pháp và phương cách. Thứ nhất là phải dọn dẹp những củi khô, rác rưởi xung quanh ta. Chúng ta phải biết dứt khoát từ bỏ những tâm tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố, những lời thị phi, đâm thọc, những thói quen tạo ra sự sân hận khi đối nhân xử thế, khi tiếp nhận với mọi người. Thúc thủ thân tâm, thúc liễm thân tâm, vững chãi, hộ mạng thân, ngữ, ý của mình trong chánh niệm. Để từ đó quán chiếu năng lượng từ bi Phật điển luôn luôn tuôn tràn vào trong chúng ta. Để tâm của chúng ta dừng lại ngay trong hơi thở chánh niệm, tiếp năng lượng đó, không có phóng túng, không có phóng tâm, không có giải đãi để rồi khởi nguồn yêu thương, biết mỉm cười với thế nhân, với mọi người bằng nụ cười từ bi, từ ái, bằng ngôn ngữ dễ thương, bằng những ánh mắt tuyệt vời nhìn nhau trong sự cảm thông, chia sẻ. Tất cả những điều mà bạn coi đó, sẽ là những điều tuyệt vời để hồi hướng lên cho cửu huyền thất tổ đấy. Không phải là các bạn đi mua hoa cho thật nhiều, cúng kiếng cho dữ, mua đồ đốt, thậm chí có những người còn đốt vàng mã để cúng dường cho ông bà gọi là phước báu, những chuyện đó không đúng. Vàng mã, tất cả những thứ vàng mã đốt trong ngày Vu Lan đều không có hiệu quả, nhưng gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe, tốn tiền tốn bạc. Ngày lễ Vu Lan là ngày báo hiếu, nhưng đã bị con người lật ngược theo tư kiến, nên biến ngày Vu Lan, ngày lễ tuyệt vời, đại lễ, lễ hội Vu Lan tưởng nhớ đến công nghĩa, ân sinh thành của đấng bậc cha mẹ, thì lại biến thành ngày cô hồn. Các bạn ơi, nghe đau lòng quá, sao chúng ta để cho phong tục dân gian biến một ngày lễ vu lan đáng kính như vậy thành ngày cô hồn. Để rồi cúng, cúng thí cô hồn, cha mẹ đâu phải cô hồn, ông bà đâu phải cô hồn. Các đấng bậc đó đều là những vị Phật tương lai, cúng kiếng phải cẩn thận. Đừng mua giấy, giấy đó thậm chí chỉ là rác rưởi người ta in ấn, rồi đồ vàng mã đó đều là đồ dơ vậy mà đốt cúng lên cho ông bà, gọi là tiếp tay trao tặng những món quà quý. Tốn tiền của mình, tốn công sức của mình, ô nhiễm môi trường, không đúng pháp của Như Lai. Thay vì các bạn bỏ tiền ra để mua cái này, cái kia cúng đốt, các bạn bỏ tiền đó, mang vào làm từ thiện, giúp đỡ kẻ bần hàn, mảnh đời bất hạnh, những con nguời thiếu ăn, thiếu uống, vất vưỡng ở ngoài cuộc đời, hoặc là trong những trung tâm đau khổ kia. Nó tốt hơn hàng vạn lần, tạo được vô cùng phước báu, vô lượng, vô lượng.

Các bạn nhớ, trong mùa Vu Lan này, thứ nhất là dọn tâm của mình khỏi sự tham, sân, si, để cho căn nhà của chúng ta được sạch sẽ không có chất tiếp lửa. Thứ hai, an trú trong chánh niệm đón nhận tha lực Phật điển, nhận rõ tâm sân thật xấu và luôn luôn biết mỉm cười với thế nhân. Quay về bảo hộ thân, ngữ, ý của mình bằng năm giới, quán chiếu ân điển từ bi của chư Phật qua Mu A Mu Sa.

Đồng thời chúng ta tuyệt đối không tiếp tay cho những hủ lậu đã sai, như đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều. Nhang không phải là phong tục. Thời đức Phật không ai đốt nhang dâng Phật hết. Các bạn cứ đốt một cây nhang để ngay trước mũi, các bạn đâu có ngửi được. Cho nên vấn đề đốt nhang không quan trọng, các bạn bỏ đi, tốn tiền. Đốt vàng mã, bỏ đi, tốn tiền, độc hại cho môi trường. Những cái nhang tẩm thuốc độc, tẩm mùn cưa, ngửi vào sẽ sinh ung thư, tắt phổi, bỏ đi. Ta ngửi nhang tắt phổi rồi, còn cúng cho ông bà đốt cả một đống nhang. Rồi cúng cho ông bà biết bao nhiêu vàng giấy. Ôi cha, cái thứ mà đốt thì thôi cháy hết nhà cửa. Các bạn nhớ, cháy hết nhà cửa, chúng ta nhớ cháy hết phước báu. Bởi vì chúng ta đi theo hủ lậu, mà không đi theo lời của bậc minh tuệ là Phật khai trí cho chúng ta hiểu được và làm đúng.

Các bạn, hôm nay học chế ngự tâm sân là dọn căn nhà tâm thức cho sạch nha các bạn. Dọn sạch những tham ái, tham dục trong cuộc đời. Dọn đi bởi những thứ đó dễ bén lửa, dọn sạch tâm thị phi đâm thọc, hành động gây phiền não cho người khác, những tư tưởng xuyên suốt vào tò mò, tốc mé người khác. Bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết. Chỉ trong chánh niệm hơi thở, mỉm cười với thế nhân, bảo hộ bằng năm giới, tiếp tha lực Phật điển, an trú trong chánh niệm, các bạn sẽ chế ngự được tâm sân. Và từ bỏ, trong mùa Vu Lan này, từ bỏ những thói hư tật xấu, và từ bỏ những hủ lậu mua vàng mã, mua nhang, mua những thứ không đúng cúng ông bà.

Và từ bỏ luôn cái từ gọi là tháng cô hồn. Không có tháng cô hồn, tháng bảy không phải là tháng cô hồn. Tháng bảy là tháng nhớ về ơn nghĩa sinh thành của những đấng bậc như cha mẹ, ông bà, cửu huyền thất tổ, tháng mà con con cháu cháu từng đàn, từng gia đình một xum tụ với nhau nhắc nhở về cội nguồn. Như cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ, có tông, có tiên. Chúng ta nhớ về tổ tông của mình bằng cách là tu tâm, sửa tánh chế ngự tâm sân. Không phải là bằng đốt vàng mã, đốt nhang rồi gọi là ngày cô hồn, bố thí, rồi cúng vàng cúng bạc giả. Rồi cúng kẹo, cúng gạo, cúng gà, sát sanh quăng ra đầy hết, rồi tranh nhau cướp lấy gọi là ngày cô hồn, không đúng, không đúng. 

Chúng ta đã có tâm đối đãi mất bình đẳng, khinh khi những hương linh khác, ngay cả ở trong đó, có thể có hương linh của cha mẹ, ông bà của chúng ta. Thế mà chúng ta coi họ như cô hồn, các đảng, để rồi quăng vài cục kẹo, vài nắm gạo, cười ha hả ngày cúng cô hồn. Để làm gì? Không nhớ đến cha mẹ mà cúng cô hồn để xin âm binh, thần tướng ban cho cái lộc. Lộc của nhà Phật tới từ phước báu, nhớ về cửu huyền thất tổ, tâm hiếu hạnh, chẳng phải từ vài nắm kẹo, vài con gà, con heo cúng kiếng. Rồi những vàng mã, đồ này đồ kia, sắp cho đầy bàn để cho người ta chụp giựt, coi như cô hồn như vậy, lễ nghĩa ở đâu, hiếu hạnh ở đâu, bỏ, bỏ, bỏ hết nha các bạn. Chúng ta phải bỏ hết những điều đó.

Nếu các bạn đã theo học chánh pháp của Như Lư, từ bỏ những hủ lậu, dọn dẹp những tâm rác rưởi xấu xa của mình, quy về trong chánh niệm, quán tâm từ, quán tâm bi, bảo hộ bằng năm giới, tiếp tha lực Phật điển trong mùa Vu Lan. Nếu các bạn muốn cao cả hơn nữa, hãy hành từ thiện để dâng những phước đức đó tạo dựng được nếu có cho ông bà, cửu huyền thất tổ, đó là pháp cúng dường cao cả nhất.

Các bạn, mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta an trú trong hơi thở chánh niệm.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ để chúng con chế ngự được tâm sân. Đặc biệt trong mùa Vu Lan, chúng con biết từ bỏ những tâm tội lỗi, rác rưởi, từ bỏ những hủ lậu phong tục, từ bỏ cái danh từ ngày cô hồn mà quy ngưỡng về nhân đức hiếu hạnh, đạo hiếu làm con, nhớ về cha mẹ, cửu huyền thất tổ. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Bảo Thành nhắc lại cho chúng ta: Để chế ngự được tâm sân, mỗi người chúng ta phải quay về an trú trong hơi thở chánh niệm. Từ đó quán chiếu tất cả những tội lỗi rác rưởi còn phủ đầy lên cuộc đời, dọn dẹp cho sạnh, tinh tấn và an trú trong chánh niệm đó, quay về bảo hộ thân, ngữ, ý bằng năm giới cấm của nhà Phật. Nương vào Phật, Pháp, Tăng, tiếp tha lực Phật điển Mu A Mu Sa. Để chúng ta nhận rõ những hủ lậu không cần thiết trong cuộc đời phải từ bỏ. Như đốt nhang đèn quá nhiều, rồi bỏ tiền quá nhiều để đốt vàng mã cúng ông bà, từ bỏ danh từ thế gian tạo thành một thói quen đó là tháng cô hồn, để cúng kẹo, cúng gạo, cúng cơm, cúng gà, sát sanh, cúng heo, cúng vật, hại đời, quăng ra ngoài kia, nó không có tạo được phước báu gì, mà tổn hại đến phước báu, tạo ra nghiệp. Thay vào đó các bạn có thể làm từ thiện, hoặc các bạn phóng sanh, rồi hoặc là mua những điều cần thiết tặng cho cha mẹ, ông bà còn sống và cúng đến ông bà, cửu huyền thất tổ đã mất bằng những pháp thiện như vừa nói, từ thiện, phóng sanh. Điều đó thật là tốt.

Vẫn quan trọng hơn là các bạn chế ngự tâm sân bằng giữ năm giới, nhìn rõ tội lỗi và hiểu rõ trong ta còn có tâm sân nó ngủ ngầm, cần phải cảnh tỉnh bản thân thường xuyên, an trú trong chánh niệm, chứa đầy nước cam lồ tịnh thủy lưu ly, nước tha lực Phật điển vào cuộc đời để tâm sân không có cơ hội trỗi dậy trong cuộc đời của chúng ta. Điều đó rất cần thiết trong tháng Vu Lan này để các bạn và Bảo Thành, chúng ta dọn dẹp căn nhà tâm cho sạch, để mời ông bà, cửu huyền thất tổ về để đón lễ hội Vu Lan ngày báo hiếu, không phải là ngày cô hồn nha các bạn. Các bạn phải xóa sổ tháng cô hồn đi. Đừng để nó in sâu vào trong lòng, tưởng tháng bảy là tháng cô hồn, không đúng. Tháng bảy là tháng báo hiếu ân đức sinh thành.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta an trú trong hơi thở chánh niệm.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và giúp chúng con hiểu rõ và chế ngự được tâm sân, hộ mạng thân, ngữ, ý bằng năm giới. Hồi hướng cho cửu huyền thất tổ bằng pháp thiện, từ bỏ những hủ lậu sai trái. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Chúng ta vừa đồng tu với nhau hai mươi mốt biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Chúng ta hiểu được làm sao chế ngự tâm sân. Chúng ta hiểu được cần phải buông bỏ những hủ lậu trong mùa Vu Lan. Không gọi tháng cô hồn, mà gọi là tháng báo hiếu. Và chúng ta từ bỏ vàng mã, đốt nhang đèn quá nhiều, bỏ hết. Dành dụm những tịnh tài đó, giúp đỡ những người nghèo khổ, phóng sanh, đó là hai nghĩa cử lớn tu pháp thiện, các bạn nên chú ý.

Giờ đây mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới tất cả mọi chúng sanh đều chế ngự được tâm sân. Và từ bỏ mọi hủ lậu, tinh tân pháp của Phật. Nghĩ về ngày lễ Vu Lan báo hiếu đến cửu huyền, ông bà, cha mẹ.

Hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia, có tâm thanh tịnh, có lòng hiếu đạo thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế được vaccine, thuốc trị bệnh đại dịch. Cầu nguyện cho các bác sỹ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ trên toàn thế giới có lòng từ bi, bao dung chữa lành các bệnh nhân. Cầu nguyện cho tất cả những ai đau khổ, đặc biệt quê hương Việt Nam của chúng con được hết bệnh đại dịch, mọi người an vui trong pháp của nhà Phật. Nguyện cầu cho các hương linh vừa tử vong được tái sanh miền cực lạc.

Con cầu nguyện xin chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts