Search

Bài 1138: Tiếng Khóc Canh Thâu – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính  Sư Cô Bảo Cơ, Ailen, Sư Cô Trúc Diệu, Bảo Thy, Bảo Nghy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn hôm nay. Hôm nay là ngày đầu tháng 8, chúng ta bắt đầu bước vào tháng 8  mùa Vu Lan. Đã đến giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo. Chúng ta đồng trì niệm hồng danh Đức Phật, và đồng tu để đón nhận tha lực Phật điển, năng lượng Từ Bi, từ trường yêu thương xuống với cuộc đời chúng ta, để chúng ta chuẩn bị cho mùa Vu Lan này, chúng ta hãy bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa. Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến, thứ hai đầu tuần vào đúng ngày đầu tháng 8, mở đầu cho những ngày tháng chúng ta bắt đầu suy nghĩ, suy niệm và có một cuộc trải nghiệm về với tình yêu thương của Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ nhiều đời qua lễ Vu Lan sắp tới đây. Chúng ta, những người đồng tu ngay bây giờ chuẩn bị tâm thái xả ly, buông bỏ để thanh lọc thân tâm của mình, đón nhận tha lực Phật điển, thanh tẩy thân cho hết bệnh, tâm cho hết phiền não để chúng ta nhớ về công đức các đấng bậc sinh thành lên chúng ta. Như một tấm lòng của những người con cháu nghĩ về tổ tiên bằng sự tu tập rõ ràng, bỏ ác hành thiện. Các bạn thân mến, Thất Bảo Huyền Môn hơi thở được đi và bằng mũi, khi hơi thở vào mũi các bạn phải thấy được hơi thở bắt đầu từ mũi đi vào, vào ở trong phổi rồi nhẹ nhàng đi xuống bụng dưới, chúng ta phình bụng ra, thấy hơi thở vào bằng mũi, xuống phổi và phải biết được tức là phải cảm giác được bụng ta phình ra để cho hơi thở đi xuống duới khí hải đan điền. Ở nơi đây huyệt khí hải và đan điền có nhiệm vụ thanh lọc oxy, biến thành năng lượng chuyển theo xương sống theo hơi thở ra. Khi các bạn thở ra bằng miệng, các bạn phải thấy được hơi thở đi ra từ dưới bụng dưới, và tánh biết đó các bạn phải nhận biết được cái bụng bạn hóp vào từ từ cùng với hơi thở đi ra, đồng thời các bạn trì niệm mật chú Mu A Mu Sa, trong tánh thấy biết an trú trong hơi thở Chánh Niệm, đón nhận tha lực Phật điển từ trường yêu thương từ mười phương Chư Phật để chúng ta đồng rải tâm từ của mười phương Chư Phật đến mọi loài chúng sanh trong thế giới hiện tại, ở cõi này ta đang sống chung. Các bạn nhớ rõ, Bảo Thành sẽ nhắc nhở mỗi ngày khi chúng ta đồng tu, để chúng ta nhớ thật rõ và thực tập từ từ để thuần thục được hơi thở này, hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải là bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi, ta lấy trí tuệ và từ bi an trú trong hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí huệ để chúng con nghe được tiếng khóc canh thâu, trong lương tâm của chúng con. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật, các bạn thân mến, chúng ta cùng đồng tu Thất Bảo Huyền Môn, các bạn nhớ Thất Bảo Huyền Môn đồng tu với nhau để tiếp tha lực Phật điển, năng lượng từ bi. Hôm nay chủ đề chúng ta quán chiếu “Tiếng Khóc Canh Thâu”. Có một câu chuyện kể rằng, ở một ngôi Chùa thật là nhỏ, có một Sư ông đã sống và tu ở đó nhiều đời. Trong thời binh loạn ngược xuôi, kẻ đi người ở chạy trốn chiến tranh, chỉ còn một Sư ông lầm lũi trong cảnh Chùa hoang vắng đó. Và bỗng một đêm Sư ông đang ngủ nghe vọng tiếng khóc của trẻ thơ quanh đây, Sư ông mới chợt tỉnh đi tìm, không biết rằng tiếng khóc đó tới từ đâu. Tìm mãi Sư ông mới thấy được đó là tiếng khóc vọng ra từ đằng sau phía Chùa và Sư ông đi tới thấy một em bé ở trong đống rác cổng chùa phía sau. Sư ông với lòng từ bi ẵm em bé và nuôi nấng em bé lớn. Nhưng ở trong lòng Sư ông vẫn biết rằng, đó là một đứa trẻ sinh ra vô tội, ngay từ khi lọt lòng mẹ ai đó vì một lý do gì không biết đã bỏ rơi em nơi của chùa phía sau. Để rồi từ đó Sư ông có một đứa trẻ thơ lon ton chạy trong cảnh già lam. Với chất ngây thơ nhẹ nhàng như vậy, tiếng khóc như ru hồn của Sư ông vào cõi hư không, bởi bao nhiêu năm trời đâu có tiếng ồn ào, chiến tranh làng mạc ai cũng bỏ đi, nhưng hôm nay trong cảnh thanh tịnh của già lam, của chùa chiền, của thiền môn, lại vang vọng tiếng khóc canh thâu của trẻ thơ bị bỏ rơi giữa cuộc đời chinh chiến. Nhưng 20 năm sau đứa trẻ đó, chính đứa nhỏ đó ý thức mình là tiếng khóc canh thâu của nhà Sư tìm được. Và như vậy chàng thanh niên 20 tuổi đã bắt đầu ý thức đi vào sự tu tập để chuyển biến tiếng khóc canh thâu năm nào đó, đã vọng vào trong thiền môn để Sư ông nghe được mà ban rải tình thương nuôi nấng mình. Và chàng thanh niên đó đã trở thành một vị thầy, một vị thầy khả kính nối gót Sư ông tiếp tục con đường hoằng pháp.

Trong một ngôi làng hoang vắng chiến tranh chẳng có người lui tới, nhưng trời đất bao dung mênh mông vô tận, tình người ở đó. Bởi sao, bởi trong tiếng khóc canh thâu của trẻ thơ đã có người lắng nghe được, và mở rộng vòng tay đưa đón tiếng khóc đó từ ở ngoài lề đường của cuộc sống, từ bên vỉa hè của chiến tranh, từ trong lòng chanh trấp của muôn người vào ở chánh điện, nơi thiền môn thanh tịnh. Đây là một câu chuyện có lẽ các bạn sẽ thấy hằng ngày xảy ra tại Việt Nam chúng ta, biết bao nhiêu những ngôi chùa, biết bao nhiêu những trung tâm, biết bao nhiêu những cơ sở mồ côi, và ngay cả những nơi làng mạc thô sơ vẫn có những trẻ thơ, bị bỏ rơi đây đó. Tiếng khóc ngất trời trong đau khổ, nức nở. Hạnh phúc là khi có người nghe được tiếng khóc canh thâu, tới nâng đỡ mà nuôi nấng. Còn bất hạnh thay cho những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trong đồng vắng hoang vu đó, tiếng khóc thấu trời canh thâu nhưng ông trời cũng chẳng nghe được, lòng người cũng chẳng lắng đọng được, để rồi lịm đi trong dòng nước mắt tuôn ra như những cơn giông tố của cuộc đời, rồi phải từ bỏ cuộc đời này, cuộc trần này, trong cuộc trò chơi nhân thế của những con người đã khô cạn tình đời.

Các bạn thân mến, đề mục tiếng khóc canh thâu hôm nay, những câu chuyện dẫn ý như vậy không phải là để cho chúng ta tỏ lộ về tình người bị bỏ rơi, phải suy nghĩ cho kỹ để mang câu chuyện đó áp dụng vào đời sống Phật học của chúng ta. Chúng ta đang tu học Phật, chúng ta đang đồng tu, chúng ta là những người con Phật, chúng ta tu Đức hạnh, chúng ta tu giáo lý của nhà Phật, chúng ta tu từ thiện pháp thiện, chúng ta tu ở trong nhân quả thiện ác và niềm tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo. Có lẽ cuộc đời của chúng ta ở trong thiền môn tự thân thanh tịnh đang tu của chúng ta, hằng đêm đi vào giấc ngủ dài, ta có nghe được văng vẳng tiếng khóc canh thâu của một ai đó, đang vọng về trong tâm thức của cuộc đời ta hay không. Có lẽ chưa bao giờ các bạn nghe qua cách nói như vậy, nhưng mà thực tế người tu đạo phải nghe được tiếng khóc canh thâu văng vẳng suốt đêm trường, vọng về trong tâm thức của chúng ta. Đó không phải là tiếng trẻ thơ bỏ rơi, mà là tiếng của thần thức chính chúng ta như một người con, thần thức của ta như một đứa trẻ, như một đứa trẻ đã bị quăng ở vệ đường của cuộc đời trong sáu nẻo luân hồi, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Rồi làm người, làm thần, làm thiên, sáu cảnh đó thần thức của chúng ta đã bị chính chúng ta quăng vào trong sáu cửa luân hồi, đau khổ trầm luân. Chẳng bao giờ chúng ta chăm sóc cho đứa trẻ được gọi là thần thức của chính mình.

Như đứa trẻ mồ côi đã bị quăng phía sau cổng chùa, phước báu thay là quăng ở cổng chùa nên có vị Thiền Sư, một Sư ông già trong đêm thâu nghe thấy và mở cửa từ bi đón vào cuộc đời để nuôi dưỡng. Còn chúng ta bao nhiêu năm qua, không phải chỉ một đêm, bao nhiêu đêm qua có những người đã đi qua nửa cuộc đời ở trên đầu tóc đã bắt đầu điểm bạc. Có những con người đã đi gần tới cuối đời, chân đã run, thần trí cũng đã mờ, thế mà bao nhiêu năm trời trong những đêm trường thâu canh đó. Tiếng thổn thức, tiếng khóc của lương tâm, của thần thức ta vẫn vọng về ở trong tâm, nhưng ta lại bịt tai, chẳng nghe. Và chẳng bao giờ ưu ái mở rộng vòng tay chăm sóc cho đứa con mà nó phải đi từ sáu nẻo luân hồi từ đời này qua đời sau. Từ vô lượng kiếp, đứa con đó, đứa con hoang đó, tại sao? là bởi vì sanh ra mà không ai dưỡng, nó ở trong ta mà ta ngoảnh mặt quay lưng ta bỏ rơi nó ở đằng sau cuộc đời, rồi như bậc cha mẹ đã quăng bỏ con đi, vùi đầu vào trong tham ái, tham dục. Chúng ta đã bỏ quên đứa con của mình là thần thức, để tiếng khóc của thần thức nó vang vọng trong canh thâu mà cả cuộc đời ta có thấy đâu. Ta cứ vùi đầu vào trong tham, sân, si, ta cứ vùi đầu vào trong những tham dục của cuộc đời. Ta đã đi mãi, ta đã đi mãi, bỏ rơi đứa con của chúng ta.

Các bạn thân mến, chúng ta phải làm sao đây, nếu như hôm nay trở về dưới mái nhà của Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, dưới sự thanh tịnh tuyệt đối của cuộc đời bởi tiếp được tha lực năng lượng từ bi của Phật vào thân này, vào tâm này. Thì chúng ta phải làm gì trong những giây phút tĩnh lặng an trú trong hơi thở chánh niệm. Ta có nghe được tiếng khóc canh thâu vọng về từ trong tâm thức của chúng ta, của đứa con trẻ mà nhiều đời, nhiều kiếp ta đã bỏ rơi. Đó chính là thần thức của chúng ta hay không. Hay chúng ta chỉ chạy theo Phật, nương vào Phật, đón nhận tha lực Phật điển để nuôi dưỡng những tham dục của thân này mà quên đi thần thức. Chỉ nuôi dưỡng tham dục của tâm này mà quên đi thần thức thanh tịnh của chúng ta. Tất cả những đứa trẻ bị bỏ rơi trong cuộc đời không cha không mẹ, bị bỏ rơi trên lề đường xó chợ, bị bỏ trên những bãi chiến trường ngổn ngang của đời người, của sự khác biệt ý thức hệ, của sự khác biệt giữa tình đời đối xử với nhau. Lớn lên trong sự thiếu giáo dục, thiếu thốn tình yêu thương, hầu hết là trở thành tội phạm, hầu hết là những đứa trẻ bị xâm phạm về thân xác, về tinh thần và tâm linh. Lớn lên trong sự dằn vặt đau khổ, nhìn trên khóe mắt của những đứa trẻ mồ côi đó, vẫn có những quầng thâm của năm tháng đau khổ không có cha mẹ ôm ấp và nuôi dưỡng.

Thì chúng ta nhìn sâu vào trong hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa, chúng ta thấy từ trường yêu thương của Chư Phật đã tới với thân này, và tới tâm này, chúng ta hạnh phúc cho thân, cho tâm, bởi tâm được khỏe mạnh, tăng trưởng sức mạnh an vui trong đời sống bởi tinh thần. Nhưng chúng ta chẳng có khi nào nghĩ tới đứa trẻ mồ côi là thần thức bao nhiêu năm tháng qua để giáo dưỡng nó trở thành gì, sự thanh tịnh tuyệt đối. Để nó trở thành những đứa con có cha có mẹ, chúng ta hãy ví von thần thức như đứa con. Các bạn đừng chấp vào ngôn ngữ ứng dụng mà phải đưa tình người thật sự, thần thức như một đứa trẻ thơ cần phải được nuôi nấng, giáo dưỡng và trưởng thành trong sự giáo dục tuyệt đối của pháp thiện. Còn không thần thức đó như đứa con hoang không có cha mẹ, lang thang giữa cuộc đời, đau khổ vô cùng. Tại sao cha mẹ bỏ con rơi ở cửa sau sân thiền môn để Sư ông nuôi nấng, là bởi vì cha mẹ vì nhiều lý do, nhưng cái chung vẫn là sự ích kỷ, không dám hy sinh bản thân mình để nuôi con, nên đã bỏ con đi, để đi tìm nguồn vui cho chính bản thân của mình, để phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Sự ích kỷ của bản thân đó mà quên đi tình mẫu tử, tình phụ tử, tình cha, tình mẹ.

Chúng ta chỉ cầu đạo giác ngộ, phải chăng để phụng dưỡng thân và tâm này mà không quan tâm đến đứa con của chúng ta là thần thức. Để rồi chết đi vội vội, vàng vàng, chuẩn bị bị đọa xuống cảnh giới đau khổ thì người nhà mới chạy ngược, chạy xuôi tùy theo tôn giáo để gặp các cha, để gặp các thầy, các cô, tế tụng cầu siêu đưa rước thần thức về cảnh giới an vui. Bao nhiêu năm trời không giáo dưỡng, nuôi nấng dạy dỗ, sao có thể thay đổi trong giây phút chuẩn bị tái sanh. Ý thức được điều như vậy mỗi người chúng ta phải đặt trọng vào những giây phút đang tu tập như vậy để chúng ta tích trữ từ trường yêu thương của Phật, nuôi dưỡng của ba phần thân, tâm và thần thức. Thần thức như đứa con, ta phải đầu tư thời gian, tâm lực, trí lực trong chính pháp thiện, hiểu thấu nhân quả, tin sâu Phật, Pháp, Tăng, hành mười pháp thiện để nuôi dưỡng và tích trữ năng lượng tha lực Phật điển yêu thương. Dành hết năng lượng đó ban rải tới cho thần thức của chúng ta được nuôi trong cái nôi yêu thương của Chư Phật, trưởng dưỡng trong sự thanh tịnh, vượt trùng trùng những duyên khởi vô định từ nhiều kiếp. Và đi qua bờ tường của chướng ngại để đi tới được mục đích thánh thiện, an nhiên, tự tại.

Các bạn, chúng ta nhớ được điều đó, tiếng khóc canh thâu đêm không phải là của đứa trẻ mồ côi vọng lại từ sân sau của cửa thiền môn mà Sư ông nghe được trong đêm thâu để đón vào lòng, nhưng tiếng khóc canh thâu chính là tiếng thổn thức của thần thức chúng ta, bao nhiêu năm rồi ta đã bỏ rơi, ta đã quăng nó vào trong xó chợ cuộc đời, và để rồi cho bậc cha mẹ là thân này, tâm này vùi đầu trong lục dục thú vui của cuộc đời, đi mua vui cho chính thân này, tâm này để thỏa mãn cho ngũ dục mà quên mất đứa con thần thức. Nay chú tâm vào lời được khai thị, chúng ta bắt đầu phải lắng nghe cặn kẽ, tiếng khóc canh thâu vang vọng về trong tâm thức của chúng ta, để lắng nghe được thần thức của chúng ta nó muốn gì. Và theo như lời khai thị của Phật, thần thức của chúng ta rất cần vòng tay yêu thương của mỗi người, rất cần sự quan tâm của mỗi chúng ta. Thân này phải quan tâm đến thần thức bằng cách đừng tạo nghiệp ác, đừng tạo nghiệp sát, đừng tạo nghiệp trộm, đừng có nhồi nhét vào những thứ say sưa rượu chè, ma túy, những thứ làm cho bị tê liệt não bộ, để thân này đảo điên trong những vòng xoáy của ngũ dục mà chẳng còn năng lượng thanh tịnh, ôm ấp che chở cho đứa con của chính mình là thần thức của chúng ta. Và thân này, cũng đừng lăn theo những dục vọng của cuộc đời, của tham ái, của tham dục, của tham, sân, si, của hỷ, nộ, ái, ố để rồi chúng ta đã mệt nhoài trong những sự say sưa như vậy.

Các bạn thân mến, thần thức đã bị bỏ rơi, đứa con của chúng ta đã bị bỏ rơi trong cuộc đời, âu cũng là tại vì chúng ta chưa đủ phước báu nhân duyên nghe qua, hoặc được những bậc giáo thọ cao cả là Đức Phật Thích Ca nói vào lòng của chúng ta, vào nhĩ căn thần trí của chúng ta, qua năng lượng tha lực Phật điển. Nhưng nay khi chúng ta đón nhận được tha lực Phật điển từ trường yêu thương từ mười phương Chư Phật, thì mỗi người chúng ta sẽ nghe được tiếng khóc canh thâu vang vọng từ trong tâm thức của chính thần thức của chúng ta, như một đứa trẻ mồ côi đã bị chính chúng ta quăng bỏ ở vệ đường của cuộc đời. Những cuộc chiến xảy ra đối với chúng ta, chiến tranh trong tình trường, chiến tranh trong thương trường, trong danh vọng, địa vị, trong quyền lực, trong cơm ăn áo mặc, trong cái tiếng hơn thua ở đời, trong cái to cái nhỏ, trong vạn duyên luôn đảo lộn thần trí của chúng ta. Bãi chiến trường đó không ở ngoài bằng tiếng súng, nhưng bãi chiến trường đó ở trong tâm thức của những con người không làm chủ và nghe được tiếng gọi của Phật là hãy trở về với năng lượng Từ Bi, sống chánh niệm để chăm sóc cho con của mình là chính thần thức của chúng ta. Chúng ta thường chê bai và khinh thường những người bỏ con ở đằng sau cổng thiền môn, để Sư ông đã già trải qua bao nhiêu cuộc chiến, làng mạc không còn ai ở đó phải nuôi nấng một đứa con như vậy. Chúng ta thấy đứa nhỏ đó nó vô tội, mà sao cha mẹ lại bỏ rơi, và rồi một hình ảnh khác, lòng Từ Bi vô thượng của Sư ông. Chúng ta không học theo những người cha mẹ kia bỏ con giữa chợ đời, hoặc quăng giữa bãi chiến trường tang thương đầy những sự chết chóc, mà chúng ta phải học đức hạnh của Sư ông. Giữa đêm thâu, giữa đêm thâu Ngài vẫn tỉnh giác, để nghe được tiếng khóc than, bước ra khỏi thiền môn, bước ra khỏi chỗ mình đang tọa thiền để mở rộng vòng tay yêu thương đứa trẻ mồ côi, dắt dìu nó vào trong chánh điện, chẳng cần biết nhân cách, tính cách, nguồn gốc nó từ đâu tới. Mà chỉ nghe được tiếng khóc nức nở của một đứa trẻ thơ trong trắng khi cái đầu của nó chưa có một chữ cắn làm đôi. Tình người quan trọng, và cuộc sống từ bi rất quan trọng trên con đường tu tập để tầm cầu đạo giác ngộ.

Các bạn thân mến. Các bạn là cha mẹ của thần thức, các bạn đừng bỏ rơi thần thức của mình, chúng ta cố gắng đón nhận từ trường yêu thương của Phật qua hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa, và hãy trở nên như Sư ông, sẵn sàng từ bỏ ngôi tòa đang thiền định để đi theo từng âm thanh vọng về tiếng khóc của đứa trẻ để nâng nó lên ôm vào vòng tay. Ta đừng miệt mài trong kinh sách tế tụng, trong tụng kinh áo nghĩa, trong kinh điển cao siêu, trong những giờ thiền, giờ tịnh, giờ mật, trong những giờ gọi là tu. Mà ngay từng giây, từng phút an trú trong chánh niệm đó gọi là đang tu đó ta phải nghe được tiếng khóc canh thâu vang vọng trong tâm thức, thần thức chúng ta. Chúng ta phải bước ra khỏi cảnh giới gọi là tu đó, như Sư ông đã bước ra khỏi cảnh giới tọa thiền để lần ra đằng sau cổng chùa bế đứa nhỏ lên. Chúng ta phải lần ra đằng sau của tham dục, của tham ái, của vọng tưởng, của sân si, của tham, của những pháp bất thiện, đi ngược lại, đi ra đằng sau của tất cả những gì hào nhoáng của xã hội, của những quyền danh, của những tình ái, của những sức mạnh đè bẹp kẻ khác, của nhà cao cửa rộng, của đồ ăn đồ mặc, của của ăn của ở, của cơm ăn áo mặc, của tham vọng của cuộc đời, của những pháp bất thiện, ta phải đi ra đằng sau đó. Bởi vì đằng sau tất cả những cái ta đang đeo đuổi, có nghĩa là ta chỉ cần xoay ngược trở lại thì nhìn thấy lòng từ bi ân điển của Phật, đứa con thần thức đang hiện diện và đang mỉm cười, ngưng hẳn tiếng khóc và gọi rằng mẹ ơi, cha ơi hãy đưa con trở về. Thần thức của chúng ta đang khóc, mà khi chúng ta biết quay ngược lại, đi ra đằng sau những tham vọng, những ảo tưởng của cuộc đời, thì thần thức sẽ mừng tới cỡ nào, sẽ mừng xiết bao, con đã tìm được cha mẹ, thần thức đã tìm lại nơi an trú. Để từ đó thần thức của chúng ta, đứa con thân yêu của chúng ta được tái tạo lại một tiểu sử mà cái kết của tiểu sử là thần thức đi tới niết bàn an vui. Chẳng phải cái kết cuối cùng của cuốn sách ghi lại ở trang cuối đi trở về với địa ngục đau khổ, mà là nơi kết an vui của niết bàn.

Mỗi người chúng ta đều là người chủ bút viết lên lịch sử hướng dẫn như người hướng dẫn viên để dạy dỗ thần thức của ta đi từ vô minh tới niết bàn, hay từ vô minh xuống địa ngục. Chính chúng ta là chủ bút, là chủ biên, chúng ta phải biên soạn lại lịch sử của thần thức của chúng ta như đứa con được giáo dưỡng có mục đích, có cứu cánh, cứu cánh để chúng ta nuôi dưỡng thần thức là đi từ vô minh tới niết bàn an vui, chẳng phải là đi từ vô minh đọa xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Hiểu được cứu cánh đó, mỗi người chúng ta sẽ sống luôn an vui và hạnh phúc. Đời ngày hôm nay rất cần, rất cần sự quay trở lại, bởi chúng ta rất đặc biệt, chúng ta là một vị tu ở trong thiền am nhỏ bé nơi cuộc đời chiến tranh không dừng. Ta chính là Sư ông, tất cả chúng ta chính là Sư ông là bởi vì sao chúng ta đang an trú trong pháp thiền, hoặc pháp môn, hoặc ngôi chùa, hoặc kinh điển, hoặc sự tu nào đó lợi lạc cho thân tâm, mà quên rằng tâm là cha, thân là mẹ, cha mẹ này cần phải nuôi dưỡng đứa con là thần thức, đừng bỏ rơi nó nữa.

Bao nhiêu kiếp rồi ta sinh ra trong cuộc đời làm người, làm thú, làm quỷ, làm ma, làm thần, làm thiên. Thì thần thức như đứa con đó vẫn đi theo chúng ta, nhưng chúng ta cứ quăng nó ra đằng sau của tham vọng, của tham ái, của tham dục để vùi đầu vào trong những cảnh như vậy để cuối cùng không những con của chúng ta đọa xuống địa ngục, mà người cha, người mẹ là thân và là tâm này cũng lại phải tái sanh trong những cảnh giới đau khổ vô cùng. Con cái đã bị đọa, cha mẹ cũng khổ, thật là một gia đình tội nghiệp. Chúng ta trong gia đình của thân, có thân, có tâm và thân thức. Tâm là cha, thân là mẹ, cha trời mẹ đất cũng bao dung trong hai chữ, tại sao mẹ là đất, thân này là tứ đại, cha là tâm, đó chỉ là thuật ngữ nói để hiểu, đừng dính mắc vào trong ngôn ngữ, thần thức hôm nay được chuyển biến thăng hoa thành như một đứa con bị bỏ rơi nhiều kiếp, đừng chấp vào từ ngữ đó. Nhưng mang ý tưởng đó để thấy rằng chúng ta cần phải chăm sóc cho thần thức của mình như người cha mẹ, cần phải có trách nhiệm khi cưu mang con của mình, sanh nó ra phải nuôi nấng và giáo dục đừng bỏ rơi ở ngoài đường, tội nghiệp cho Sư ông.

Các bạn thân mến, ta phải biết chăm sóc cho đứa con của chúng ta, lấy tâm làm cha, lấy thân làm mẹ bao bọc, bao dung, che chở, giáo dục và nuôi dưỡng trong năng lượng thanh tịnh của Chư Phật chúng ta tiếp hằng ngày, ta thật hạnh phúc, con ta cũng hạnh phúc. Và cuốn sách đi vào sử sách được ghi chép và được mọi người thấy thần thức đi từ vô minh vào ánh sáng tịch tĩnh của niết bàn an vui. Mời các bạn đặt bàn tay phải bàn tay trí tuệ, vào lòng bàn tay trái bàn tay từ bi, ta lại tiếp tục lấy trí tuệ và từ bi an trú trong hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con biết lắng nghe tiếng khóc canh thâu vọng về từ trong tâm thức. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật, các bạn, tha lực Phật điển tràn đầy trong cuộc sống của chúng ta, trong từng giây phút an trú trong hơi thở chánh niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Sư ông kia cả đời đâu biết nuôi con, không phải là người mẹ, thế mà tiếng khóc trẻ thơ vọng vào trong đêm từ cổng sau của thiền môn, Ngài đã đi vào ẵm vào ở trong thiền môn. Rồi Sư ông đã phải học nuôi mớm ăn, cho sữa bú, thay tả, thay quần áo, giặt giũ, tắm rửa, nuôi nấng, chăm lo, những cái đó không phải là chuyên môn của Sư ông. Nhưng vì tình thương, Sư ông đã bắt đầu học hỏi, để trở thành như một người cha, như một người mẹ, như một người thầy. Chúng ta cũng vậy, bao nhiêu kiếp rồi, bao nhiêu năm rồi, chúng ta không được giáo dục bản thân của mình, không được hấp thụ những nền giáo dục để trở thành cha, thành mẹ nuôi nấng thần thức. Chúng ta không biết cách làm sao chăm sóc thần thức đứa con này của chúng ta.

Lành thay, Đức Bổn Sư Thích Ca, người lại là người mẹ tới chăm sóc cuộc đời dạy dỗ cho chúng ta những bí pháp để mà nuôi đứa con thần thức này một cách đầy đủ dinh dưỡng, để thoát màn vô minh, đi về với niết bàn. Ngài đã truyền dạy cho chúng ta những phương pháp chăm sóc, không phải là thay tã, thay áo, mà thay đổi ý nghĩa sống trong cuộc đời từ ác thành thiện, từ ác thành thiện. Thay đổi toàn diện, thay đổi toàn diện như vậy, thế rồi thần thức được bừng tỉnh trong vô minh. Ngài đã dạy chúng ta không phải là tắm rửa cho đứa nhỏ, mà gội rửa thần thức của chúng ta bằng tha lực yêu thương, bằng từ trường tình yêu, bằng năng lượng của ba ngôi Tam Bảo, bằng pháp thiện, bằng năm giới để bảo hộ cho đứa con thần thức được nuôi dưỡng trong môi trường thanh tịnh tinh khôi.

Các bạn thân mến ta có đầy đủ, ta có cha từ bi là Đức Phật, ta có mẹ yêu thương cũng là Đức Phật, truyền dạy và giáo dục cho chúng ta trở thành người cha, người mẹ để nuôi dưỡng đứa con thần thức này trở thành danh, trở thành tài và trở thành một bậc thánh, một vị Phật trong tương lai. Chúng ta, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm học để trở thành người cha, người mẹ tốt. Còn không chúng ta cũng như những người cha mẹ bỏ rơi con đằng sau cổng chùa của Sư ông, sẽ bị người đời nguyền rủa, sau này đứa con nó biết nó sẽ trách. Thần thức của chúng ta đã biết và luôn luôn biết rằng chúng ta đã bỏ rơi nó. Thì nay dưới vòng tay của Sư ông là Đức Phật Bổn Sư ta đã nhận rằng rõ ràng, Đức Phật Bổn Sư là vị Sư ông kia mở cửa sau của thiền môn thanh tịnh niết bàn. Bởi Ngài đã lắng nghe tiếng khóc canh thâu của thần thức chúng ta vọng lên và Ngài đã mở cửa ra, rời tòa sen ngôi báu niết bàn xuống cuộc đời, ẵm chúng ta vào dòng đời, trao truyền cho dòng sữa giáo pháp của Như Lai, khai ngộ cho chúng ta. Ý thức được chuyện này, chúng ta hãy uống từng giọt sữa, từng dòng sữa của Pháp bảo Như Lai qua giáo pháp của Ngài truyền vào trong tâm thức của chúng ta qua kinh điển, qua lời giáo dưỡng của những bậc giáo thọ sư, qua những bậc thầy tôn kính trong cuộc đời, và đặc biệt trong những giây phút đồng hành trong pháp bảo Thất Bảo Huyền Môn đón nhận tha lực Phật điển.

Dòng ân điển đó, dòng sữa đó, cái dòng giáo pháp của Phật vẫn tồn tại mãi ở trong tâm của chúng ta, bởi thần thức đã khóc than nhiều đời trong canh thâu của vô lượng kiếp Phật đã nghe thấy. Phật đã giáng trần và Phật đã tới cuộc đời của chúng ta, hướng dẫn cho chúng ta nuôi dưỡng đứa con thần thức. Hãy trở thành người cha lành, hãy trở thành người mẹ tốt, để người cha lành này biết giáo dưỡng con mình có một tinh thần đứng vững qua thử thách trùng trùng duyên khởi, để người mẹ yêu này biết ôm ấp chăm sóc, biết mớm, biết tắm rửa, nuôi nấng, dạy bảo trong từ trường tha lực yêu thương của Chư Phật. Hãy làm người toàn diện trong một gia đình, có cha có mẹ và có thần thức an nhiên tự tại trong cuộc sống. Chúng ta phải nghĩ tới tất cả những con người đã bỏ rơi đứa con thần thức của họ, nghĩ đến họ và chúng ta hồi hướng cho họ để họ ý thức được trách nhiệm đó mà quay trở về nuôi dưỡng thần thức trong chánh niệm hơi thở vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, từ bi và trí tuệ là pháp bảo duy nhất trong hơi thở chánh niệm để chúng ta có thể tìm lại tiếng khóc, tiếng khóc canh thâu vang vọng từ trong tâm thức, đứa con thần thức bị bỏ rơi của chúng ta. Hãy nuôi dưỡng nó, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con biết lắng nghe tiếng khóc canh thâu vang vọng từ trong tâm thức. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa.(7 biến)

Mô Phật, các bạn, chúng ta vừa hoàn thành 21 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa chánh niệm trong hơi thở cùng với Sư Cô Bảo Cơ, Cô Eileen, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Trong sự đồng tu cộng hưởng năng lượng siêu thế thanh tịnh trong cái tâm không còn dính mắc, giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra được chúng ta có một Sư ông trong cuộc đời, đã tới gõ cửa truyền dạy cho chúng ta cách chăm sóc cho đứa con bị bỏ hoang. Sư ông đó chính là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã truyền dạy cho chúng ta những bí pháp để chúng ta trở về nuôi dưỡng thần thức, đứa con này của chúng ta trong chánh pháp mà Sư ông đã truyền dạy cho chúng ta. Cảm ơn các bạn đã đồng tu, mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi, khai mở trí tuệ, tiếp năng lượng từ bi để mọi loài chúng sanh nghe được tiếng khóc canh thâu vọng về từ trong tâm thức, làm theo Thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, biết nuôi dưỡng thần thức của mình đi từ vô minh trở về với niết bàn an vui. Nguyện hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết từ bỏ những vọng tưởng nuôi nấng tâm tánh thiện lương, ngồi lại với nhau thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia, ngành y ngành dược chế được vắc xin thuốc chữa bệnh ôn dịch. Nguyện cho các bác sĩ, y tá, y sỹ nhân viên cứu trợ, cứu tế chữa lành tất cả các bệnh nhân, cũng cầu nguyện cho cả thế giới nói chung và Việt Nam quê hương con nói riêng vượt qua chướng ngại của ôn dịch này, lòng người an ổn, bình an và hạnh phúc. Cầu nguyện cho tất cả hương linh vừa tử vong được siêu sanh miền cực lạc. Con xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.       

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts