Search

Bài 1050: Tìm Được Kho Báu – Mu A Mu Sa

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến, trong kinh thường ghi lại Đức Phật truyền dạy 84 vạn Pháp môn phương tiện khác nhau, khế cơ và khế lý phù hợp với căn duyên của từng chúng sanh, của từng con người để căn duyên với Pháp môn đó giúp cho chúng ta tiến triển trên con đường tu thanh lọc tâm của mình. Giáo lý của nhà Phật gút lại không cần biết các bạn là ai, là những Bậc đã tu trên cao sơn, dưới đồng bằng hay tại gia, có thể là những Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Tăng Ni hay Phật tử hay người bình thường nghe về Phật giáo có tâm muốn tu tập cũng đều phải được đặt trên nền tảng vững chắc của niềm tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, đó là điều kiện đầu tiên. Tin vào Phật, quy y vào Phật, nhận Phật làm Thầy từ đó học giáo pháp của Ngài mà thôi để đi tới sự chứng ngộ, đồng thời nương vào sự hòa hợp của Tăng Đoàn để chúng ta vững bước trên con đường tu. Nền tảng vững chắc nữa đó là Nhân Quả, các bạn tu Pháp môn cũng phải tin sâu vào Nhân Quả, trong Nhân Quả chỉ có hai thứ nhân Thiện và nhân Ác. Nhân Ác là nhân tạo sự đau khổ cho ta và chúng sanh, nhân Thiện là tạo ra niềm vui và hạnh phúc cho ta và chúng sanh, chúng ta phải theo lời Phật từ bỏ nhân Ác, hành nhân Thiện. Điều kiện thứ ba bắt buộc khi theo Phật ai cũng giữ năm giới cấm mà Chư Phật dạy. Giới thứ nhất là không sát sanh, giới thứ hai không trộm cắp, giới thứ ba không tà dâm, giới thứ tư không nói dối, giới thứ năm không uống và sử dụng các chất say. Rồi chúng ta tăng trưởng phước báu bằng hạnh bố thí, hành thập thiện. Đó là những nền tảng vững chắc mà ai cũng phải đi qua, ai cũng phải tin theo, ai cũng phải thực hành.

Khi chúng ta tin, thực hành và giữ được giới như vậy chúng ta mới bắt đầu đi tìm pháp môn phù hợp để tu. Các Pháp môn mọi người đều biết chỉ là phương tiện, đã gọi là phương tiện có nghĩa là không có phương tiện nào cao, không có phương tiện nào thấp. Mà chỉ là phương tiện nào phù hợp với căn duyên của mỗi người để người đó khi áp dụng Pháp môn phương tiện đó tu sẽ quán chiếu sâu sắc được Nhân Quả Thiện Ác để gạt bỏ nhân Ác, tăng trưởng nhân Thiện để tăng trưởng lực hành thiện và giữ giới để giữ cho niềm tin sâu tuyệt đối vào Tam Bảo không có gì thay đổi.

Trải qua 2664 năm từ khi Đức Phật sanh ra và trải qua sau thời kì Đức Phật viên tịch, con người trước và sau đều tranh lý luận cái hay cái dở, cái đúng cái sai, cái cao cái thấp, phù hợp hay không phù hợp. Và chuyện tranh cãi này sẽ muôn đời không bao giờ ngưng, bởi mỗi một chúng sanh có một biệt nghiệp, kiến thức khác biệt, dựa trên nền tảng kiến thức của riêng mình ai cũng an trú trong cái điều mình cho là đúng để những điều ở bên ngoài dù chưa biết, dù chưa thử qua, dù chưa nghiên cứu chúng ta cũng gạt bỏ cho là sai. Chính vì điều đó mà bất cứ một Pháp môn nào khi chúng ta đã thuần thục hoặc đã đi vào tu thì những pháp môn khác coi như không phù hợp ngoài vấn đề pháp môn còn có định kiến phải như vầy, phải như kia. Đã gọi là phương tiện thì những phương tiện giao thông như xe không cần phải có mẫu xe nào, phải cố định như thế này, như thế kia, mà có sự phù hợp với cái nhìn của mỗi một con người, địa phương, phong tục, tập quán ở quốc độ xe cộ được chế ra với phong cách, mẫu mã, màu sắc phù hợp với nhân cách sở thích của từng người. Nhưng cốt lõi chung xe cũng chỉ là phương tiện chuyên chở, màu sắc hình tướng, rồi tất cả những mẫu mã khác nhau không có quan trọng, nó chỉ quan trọng đối với ai thích đắm chìm trong cái nhìn của con mắt, cái nghe của lỗ tai, phán xét của lý trí còn cái chung cốt lõi là sự chuyên chở, đưa ta từ chỗ này tới chỗ kia.

Trở lại vấn đề các pháp môn về Thiền, Tịnh, Mật hầu hết là ba Pháp môn tiêu biểu nhưng ba Pháp môn này còn đi sâu vào tùy theo các Tổ chọn lựa cho mình một phương tiện sắc thái khác biệt phù hợp với căn cơ của các Tổ rồi từ đó truyền lại cho chúng đệ tử theo hình thức các Tổ đã chuyên tu thành tựu được sự an lạc. Cũng vì đó mà sự khác biệt khác từ từ, chúng ta ngay trong tông phái Tịnh Độ cũng đã khác, niệm Phật thì có người niệm là Nam Mô A Di Đà Phật, có người niệm A Di Đà Phật, có người niệm A Mi Đà Phật, có người niệm nhanh, niệm chậm, có người niệm từ từ rồi có người niệm như hát. Tất cả cách niệm Phật theo hình thức này hay hình thức kia, giọng nói của ba miền hay cách phát âm không có quan trọng, tất cả chỉ là phương tiện để chúng ta nhiếp tâm về cõi thanh tịnh để độ diệt chúng sanh đang trầm luân. Do đó, nếu chúng ta đối pháp chấp pháp, đối tâm chấp tâm, đối tướng chấp tướng thì chúng ta không khác gì con dế nhủi gặp đâu nhủi đó suốt cuộc đời khó có thể cất cánh bay lên trên trời.

Các bạn thân mến, khi nói về Thiền Tông cũng thật nhiều Pháp môn khác nhau, có những phái Thiền lấy khí, lấy công, lấy tâm, lấy pháp, lấy quán, lấy định, lấy chỉ để làm đề mục dẫn dắt. Thật là nhiều sự khác biệt phong phú như vậy giúp cho chúng ta có nhiều cơ hội tìm và lựa chọn các pháp môn phù hợp cho ta để ta tu tập. Trong Thiền Tông nếu nói ở Việt Nam thì Thiền Tông lớn hiện tại mà chúng ta được biết là Trúc Lâm Yên Tử Của Ngài Trần Nhân Tông hoặc các Thiền Tào Động, Thiền Thiên Thai, nhiều nhiều Pháp môn thiền. Trong Pháp môn Mật đại diện có lẽ ở bên Tây Tạng, hầu hết các nước khác tu Mật theo những hình thức khác biệt. Mỗi một dân tộc có một sắc thái phong tục cái nhìn và cái nghiệp khác biệt để tạo ra những hình thái tu tập với Pháp môn Phật truyền lại phù hợp với căn cơ. Nó đa sắc thái tới mức nếu chúng ta chỉ hời hợt ở bên ngoài sẽ thấy sự khác biệt và sự khác biệt đó gây ra sự phân tâm rồi suy xét, phán xét.

Thiền Mật song tu là Pháp môn giữa Thiền và Mật.

Người ta có nhiều quan niệm về Thiền phải hít thở ngồi yên như cây gỗ, phải cứng ngắc như cục đá để tâm được định nhưng trong Thiền Mật song tu chân lý là vạn vật luôn luân chuyển. Trên đời này không có một vật gì đứng yên, vật gì cũng chuyển động trong sự bão hòa năng lượng của tự thân, cây đứng đó những cũng hoạt động một cách vi tế nếu chúng ta nhìn bằng kính hiển vi. Ngay cơ thể của chúng ta tưởng rằng là một cơ thể vững chắc nhưng thật ra dưới con mắt của kính hiển vi từng tế bào trên cơ thể của chúng ta luôn di động, khoảng cách luôn luôn ở giữa và có một nguồn năng lượng luôn luôn chuyển xoay xung quanh các tế bào đó. Nói như vậy khó hiểu bởi chúng ta chưa có cơ hội nhìn qua kính hiển vi nhưng ít nhất kiến thức ở đời cũng cho chúng ta nhận biết ra từ đó. Ngày nay ở thế giới này, trong thế kỷ 21 này chuẩn bị bước vào thế kỷ 22 hầu hết những cách nói như vậy ai cũng am tường hiểu biết nếu chúng ta quan sát, học hỏi, đọc qua kinh sách chúng ta sẽ hiểu rõ nên chúng ta không nhất thiết phải trở về căn bản để phân tích đúng sai, phù hợp hay không phù hợp. Bảo Thành giới thiệu Pháp môn Thiền Mật song tu là để cho những bạn có nhân duyên phù hợp, mời các bạn vào đồng tu để chúng ta gieo duyên tiếp cận với Thiền Mật.

Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là Pháp môn tiếp cận với tha lực Phật điển đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật. Các bạn nhớ “tha lực”, hai chữ này được gọi là huyền bí bởi khó hiểu, chẳng phải huyền bí là không hiểu, khó hiểu là do chúng ta không có cơ hội tiếp cận nhưng thật dễ hiểu nếu chúng ta tiếp cận được. Chúng ta có sự huân tu giữa tha lực Phật điển đại Từ đại Bi của Chư Phật và tự lực cầu Đạo Giác Ngộ, hai nguồn tha lực và tự lực này tương tác với nhau tạo ra những động tác của thân hòa hợp. Thân luôn di động dưới hình thức vi tế một cách vô vi hoặc hữu vi nhưng tâm của chúng ta luôn có đề mục quán chiếu an yên, an trú trong hơi thở Chánh Niệm, quán chiếu Thân Thọ Tâm Pháp, quán chiếu Nhân Quả Thiện Ác, quán chiếu vạn pháp lưu thông trong tâm phàm phu để sàng lọc, để giữ tâm trong tha lực Phật điển Từ Bi và tự lực cầu Đạo Giác Ngộ. Cốt lõi như vậy nên mời các bạn nếu các bạn có nhân duyên chúng ta vào đồng tu để gieo duyên để chúng ta có những trải nghiệm thực sự về tha lực Phật điển là như thế nào, tác động với tự lực cầu Đạo của chúng ta như thế nào.

Trong Pháp môn tu Thiền Mật, Thất Bảo Huyền Môn chúng ta không nhất thiết phải giữ cho thân của ta trụ đứng như một tảng núi, như một tảng đá hoặc một gốc cây bởi ta hiểu được sự vận hành vật lý của cơ thể luôn chuyển động. Và sự tương tác giữa tha lực và tự lực nó làm cho thân chuyển động theo những chiều hướng phù hợp để giữ cho thân của chúng ta có sức khỏe, tăng nội lực cường tráng, dẻo dai trên cơ thể. Khai mở huyệt Đạo, khai mở Luân Xa để chúng ta ứng dụng được nguồn năng lượng tự thể vốn có ở trong thân, tăng trưởng cho sức khỏe để làm giảm đi những bệnh tật hiểm nghèo hoặc làm hết những căn bệnh đang xảy ra cho chúng ta. Đây là cách tu dưỡng thân, nếu chúng ta bỏ qua thân này chỉ tu về tâm sẽ không thành tựu được. Câu chuyện minh chứng thật rõ ràng khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Hoa hầu hết các Thầy ở Thiếu Lâm Tự hoặc Trung Hoa thời đó chú trọng đến tâm chẳng chú trọng đến thân nên nhiều người thân đã lâm bệnh không thể tu được. Cuối cùng Ngài Bồ Đề đã truyền cho họ dịch chân kinh và các môn võ công, khí công, thiền công để cho họ tu thân cho cường tráng. Trong một thân thể cường tráng tâm sẽ dũng mãnh và thanh tịnh, nhưng không thể có tâm thanh tịnh và dũng mãnh trên một thân thể yếu đuối, bệnh hoạn và đau đớn.

Thiền Mật Tông chú trọng đến tu thân cho thân khỏe, dưỡng thân để thân cường từ đó làm nền tảng vững chắc cho tâm, cho tâm quán thân, quán thọ của thân, quán thân bất tịnh, quán các pháp vô thường Sanh Diệt xảy ra, quán tâm vô ngã, vô thường. Sự quán Thân Thọ Tâm Pháp đó giúp cho chúng ta dựa trên nền tảng vững chắc để trải nghiệm sự quán chiếu sâu sắc, thấy rõ được Nhân Quả Thiện Ác, bởi giữ vững năm giới, hành thập thiện, tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Nó hơi khác so với các Pháp môn Thiền khác, chúng ta nếu có cơ hội mời các bạn coi các thiền sư Tây Tạng, các Ngài Rinpoche Lạt Ma, khi các Ngài tụng kinh các Ngài lắc liên tục là bởi các Ngài hiểu được thân của các Ngài phải chuyển động, thân chuyển động giúp cho hệ thống tiêu hóa, giúp cho máu huyết kinh mạch của chúng ta lưu thông hài hòa.

Nếu chúng ta không chịu động thân thì thân ở phần dưới sẽ yếu đi và khi càng lớn sẽ không có sức khỏe, Hầu hết các vị tu Thiền nếu không chú trọng vào thân, khi lớn tuổi thường bị liệt hoặc thường rất yếu ở phần dưới. Chỉ có những vị nào luyện công phu, luyện về hơi thở dẫn khí phù hợp để dưỡng thân thì khi lớn tuổi mới tránh được những căn bệnh liệt hoặc bị yếu ở phần dưới. Đó là thực tế, nếu các bạn có cơ hội, hãy quan sát những Bậc Thiền Sư còn đang tại tiền đang sống trên thế giới này, trên thế gian, trong kỷ nguyên thời kỳ của chúng ta hầu hết các Bậc Thiền Sư khi lớn tuổi đều bị bệnh, bị liệt là vì không chú trọng đến sự vận hành của cơ thể, khí công, của hơi thở, sự chuyển động của tha lực mà chỉ có sự tự lực tu bằng tâm thanh tịnh cho nên khi lớn tuổi hay bị liệt. Và các vị Lạt Ma, Rinpoche Tây Tạng khi họ ngồi thiền luyện về Mật Tông họ chuyển động, thân chuyển động liên tục với những tha lực tiếp cận vào thân tâm của họ. Do đó ta mới có cái gọi là huyền bí Tây Tạng, rồi chúng ta cứ nghĩ chỉ có Tây Tạng mới có Pháp môn Mật Tông và hầu như họ đã được độc quyền với thương hiệu Mật Tông Tây Tạng nhưng thật ra Đức Phật truyền dạy Thiền, Mật, Tịnh, tất cả các Pháp môn nằm gọn trong vấn đề chỉ có hai chữ “phương tiện”.

Đã gọi là phương tiện là để dắt chúng ta đi đến sự Giác Ngộ, sau khi Giác Ngộ như người mượn con thuyền qua bờ sông như Phật đã dạy chẳng thể lên bờ còn đội thuyền ở trên đầu. Khi chúng ta chưa qua sông phải nhờ thuyền để qua sông, khi chúng ta chưa có thể có định lực để quán chiếu hoặc là thiền quán sâu sắc thì chúng ta phải dựa trên những nền tảng phương tiện. Các pháp phương tiện cũng chỉ là các pháp phương tiện, nếu nói Pháp môn này giỏi hơn Pháp môn kia thì hỏi ngược lại trong lịch sử từ khi Đức Phật tịch diệt cho tới giờ có mấy ai Giác Ngộ. Nếu Pháp môn Thiền là giỏi thì trong Thiền Tông ai là Bậc đã Giác Ngộ, nếu Tịnh Độ là cao nhất thì ai là Bậc đã Giác Ngộ, nếu nói Mật là cao thì ai ở trong Tạng Mật đã Giác Ngộ, còn nếu nói chỉ quy y Tam Bảo, học của Phật, của Pháp, của Tăng theo như lý thuyết mà mỗi một người minh định cho mình thì thử chứng minh ai là người đã Giác Ngộ.

Sự Giác Ngộ là sự trở về với nguồn tự lực tìm lại ánh sáng Trí Tuệ và có được một cuộc sống bình an. Giác Ngộ ngày nay chưa thể nói Giác Ngộ như Chư Phật để được Bậc Đại Giác Đại Ngộ nhưng hai chữ Giác Ngộ có thể nói gọn lại là có một đời sống bình thường của con người, đời sống đó tràn đầy sự an lạc bớt khổ đau, tràn đầy hạnh phúc và không có phiền não. Trước tiên phải tìm sự hỷ lạc như vậy trước và có sự tiếp cận với ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng là ba ngôi báu quý giá nhất trong cuộc đời. Mời các bạn chúng ta hãy đồng tu và cho mình một cơ hội để tìm hiểu nếu phù hợp với căn duyên còn không coi như một sự tham khảo nhưng chúng ta đừng vội phán xét thiền phải ngồi yên như tảng núi, cứng như gốc cây chứ thiền chi mà động. Thân là thể động, tâm là thể tịnh, trong thiền có tịnh và động, có âm và dương, có nước và lửa nếu chúng ta phối hợp nhịp nhàng giữa âm và dương, giữa tịnh và động chúng ta có một sự quán chiếu sâu sắc hiểu rõ về kiếp nhân sinh, sàng lọc để có được sự thanh tịnh.

Mời các bạn chúng ta đặt bàn tay trái ở bên dưới, bàn tay phải Trí Tuệ ở bên trên và chúng ta sẽ trì 7 biến mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa. Khi chúng ta trì 7 biến này chúng ta sẽ đón nhận được tha lực Phật điển các bạn cứ để tự nhiên cho nó tương tác với thân với mình, nó chuyển động một cách tự nhiên, không kiềm, không giữ chỉ giữ tâm quán chiếu thân, quán chiếu những hiện tượng xảy ra trong thân tâm của ta và an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa:                                         

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con tìm được kho báu. Các bạn hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra. Các bạn thở từ từ, hóp bụng trì mật chú:

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật! Các bạn và Bảo Thành vừa trì 7 biến mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Các bạn thân mến, Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là một Pháp môn phối hợp giữa thiền quán chiếu hơi thở Chánh Niệm và trì vi diệu âm mật chú Mu A Mu Sa, có sự tương tác giữa tha lực Phật điển Từ Bi của Phật và tự lực của mỗi một bạn chúng ta. Sự tương tác đó tạo nên sự di chuyển để bão hòa năng lượng tối ưu tại các huyệt đạo, các kinh mạch và các Luân Xa, giúp cho chúng ta có một cơ thể cường tráng bớt bệnh, có một tâm bớt phiền não. Nếu các bạn nào yêu thích có một sức khỏe, có một năng lượng thanh tịnh và năng lượng tích cực để sống an vui thì Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn rất phù hợp, bởi nó tăng trưởng nội lực, tăng trưởng sức mạnh làm cho thân của bạn bớt bệnh bớt đau, làm cho tâm của bạn có năng lượng tích cực sung mãn trong cuộc sống hàng ngày nhưng vẫn trên nền tảng an lạc và tự tại.

Các bạn, đây là Thiền Mật phối hợp với tha lực, nên thân của các hành giả luôn có sự chuyển động nhanh mạnh, chậm nhẹ, nhịp nhàng theo các phương hướng khác biệt nhưng tâm của các hành giả luôn thanh tịnh, luôn trụ ở trong hơi thở Chánh Niệm y như Bất Động Như Lai không có di chuyển. Tâm không bao giờ di chuyển bởi an trú trong hơi thở Chánh Niệm nhưng thân có sự di chuyển để bão hòa năng lượng tăng trưởng sức khỏe, đây là một phương tiện thiện xảo. Thiền Mật song tu là một phương tiện thiện xảo cho những bạn phù hợp căn cơ. Khi tu nhất định đón nhận được tha lực Phật điển và thấy được sự tăng trưởng sức khỏe của mình một cách rõ ràng. Thấy được sự thay đổi của tâm một cách rõ ràng bởi tha lực tác động vào tự lực giúp cho chúng ta nhìn rõ các pháp vô thường, nhìn sâu quán chiếu sâu vào Nhân Quả Thiện Ác và có Dũng lực, mạnh dạn buông bỏ nhân Ác và thực hành nhân Thiện, đưa tới sự hoàn thiện cuộc sống bằng cách giữ năm giới của Đức Phật dạy và hành mười điều thiện, tăng trưởng niềm tin vững chắc vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng và luôn luôn an trú tâm trong hơi thở Chánh Niệm, để có được Định lực an trú trong đó, giữ giới trong đó, khai mở được Tuệ Giác của mình, nhìn rõ cuộc đời, cuộc sống của mình. Đây là một Pháp môn phương tiện thiện xảo, mời các bạn thực hành để có được lợi ích trong cuộc sống.

Các bạn, đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu là “Tìm Được Kho Báu”. Khi nói tới kho báu ở đời người ta liền liên tưởng tới kho vàng kho bạc, kim cương, hột xoàn, những kho báu về vật chất như tiền, cũng có thể đó là những điều mà con người đã được định nghĩa sẵn nên khi nói tới kho báu người ta liên tưởng tới điều đó, sự giàu có như một trưởng giả, tỷ phú, triệu phú, những bậc mà chúng ta coi như phú hào giàu có vô biên thì gọi là kho báu tìm được. Đối với con người học Phật định nghĩa về kho báu khác biệt, một câu chuyện được kể rõ thực tế trong thời của Đức Phật để chúng ta thấy định nghĩa về kho báu ở trong tâm của người cầu Đạo Giác Ngộ. Nó là vàng bạc, châu báu, kim cương, tiền bạc hay nó là thứ gì? Mời các bạn trở về với câu chuyện thời Đức Thế Tôn:

Ông Cấp Cô Độc là một kẻ giàu có, Ngài có vàng bạc không thể kể hết được. Khi Ngài về miền Nam của Ấn Độ cùng với một vị Hoàng Tử, nơi đó ở kinh thành có một khu rừng thật là rộng lớn, Ngài Cấp Cô Độc muốn mua miếng đất đó để thỉnh Phật về làm ngôi chùa đầu tiên đó là Tịnh Xá Kỳ Viên, nhưng người Hoàng Tử đó không cho ông Cấp Cô Độc mua và nói rằng nếu ông có vàng ông rải tới đâu thì đất đó thuộc về ông. Chỉ nói một câu đơn giản nhưng Ngài Cấp Cô Độc đã chở biết bao nhiêu xe vàng xuống rải ở trên khu rừng đó, đi hết một nửa khu rừng rồi thì Hoàng Tử mới thấy được sự giàu có Cấp Cô Độc và sẵn sàng chia sẻ phước báu đó. Thái Tử Kỳ Đà đã chia sẻ phước báu và nói với ông Cấp Cô Độc rằng: “Thôi ông cho tôi hùn phước một nửa, ông mua một nửa bằng vàng đó, tôi cúng dường một nửa”. Cả khu rừng của Thái Tử Kỳ Đà hùn phước với Ngài Cấp Cô Độc tạo nên Tịnh Xá Kỳ Viên đầu tiên, Đức Phật trở về từ miền Bắc Ấn Độ trở về miền Nam có ngôi chùa đầu tiên.

Nhưng có một ngày nhà của ông Cấp Cô Độc bị mưa lũ sóng cuốn đi hết vàng bạc, ông ta rất là buồn thì có một vị Chư Thiên mới báo cho người làm công ở trong nhà ông Cấp Cô Độc rằng hãy mách cho ông Cấp Cô Độc đừng cúng dường, đừng làm gì nữa, tiền vàng hết rồi lo mà tích trữ tiền bạc đi, còn không sẽ nghèo. Khi người đó đến nói với Cấp Cô Độc, ông nói rằng: “Ta vẫn tiếp tục cúng dường Chư Phật, Pháp và Tăng, còn kho báu ở đời nước có cuốn trôi đi ta cũng chẳng màng, bởi ta nhận thấy rằng kho báu lớn nhất trong cuộc đời của ta là biết Phật, được gần Phật, được học của Phật, là biết Pháp, là biết Chư Tăng. Cho nên trong đời của ta có ba kho báu Phật, Pháp và Tăng mưa chẳng thể cuốn đi, bão cũng chẳng thể cuốn đi.” Câu nói đó Chư Thiên nghe được, thấy lòng của ông Cấp Cô Độc đã minh định được gì quý giá nhất trong cuộc đời, đó là Phật Pháp Tăng, dù vàng bạc, châu báu có bị cuốn trôi hết ông cũng không màng đau khổ và phiền não thế nên Chư Thiên đã âm thầm mang vàng bạc của ông ta về lại chỗ cũ.

Đó là câu chuyện thực của Phật giáo, các bạn, đối với các bạn thì kho báu là gì? đề mục hôm nay chúng ta quán chiếu là tìm được kho báu, kho báu mà chúng ta tìm được ở đây là Phật điển, là tha lực Phật điển. Chúng ta đã biết Phật qua kinh sách, chúng ta đã biết Pháp qua kinh sách, Pháp có thể cầm trên tay bởi những cuốn sách nói về Pháp môn này, Pháp môn kia đầy hết rồi, cầm trên tay sách hoặc cầm bằng phone qua Google các bạn có thể tìm thấy hết, đó là sự hiện đại hóa thông tin. Pháp không thiếu, ngày xưa khi Pháp của Phật chưa lưu thông rộng rãi thì thế giới không thể gặp nhau, kinh sách thật là hiếm hoi, mỗi chùa đôi khi chỉ có một cuốn kinh tụng cho thuộc và chẳng có cuốn kinh thứ hai. Bao nhiêu kinh sách của Phật thật hiếm hoi với đệ tử của Phật hồi xưa và tìm gặp một Chư Tăng cũng khó bởi đi đây đi đó khó cho nên thường nương nhờ vào sự hòa hợp của Tăng Đoàn nơi ngôi chùa trú xứ gần gũi với thôn làng của chúng ta để tu. Chúng ta biết gặp Pháp dù là hiếm, gặp Tăng dù là hiếm nhưng Phật khó có thể gặp, gặp chăng cũng chỉ là tôn tượng của Phật ở trong chùa hoặc ở những nơi thờ tự.

Nhưng ngày nay Pháp của nhà Phật là dễ dàng gặp, không cần ở trong chùa chỉ cần ở nhà các bạn cũng có thể tìm được các Pháp các bạn muốn, các bạn chỉ gõ vô Google tìm là có ngay, các bài giảng các bạn gõ vô Google là có ngay. Cũng như các bài giới thiệu pháp của Bảo Thành tu tập như vầy, hoặc những Pháp thoại các bạn chỉ cần vô Google gõ Thất Bảo Huyền Môn là hiện ra ngay tất cả những bài mà Bảo Thành đã bỏ lên, các bạn theo dõi được rất là dễ dàng. Còn Chư Tăng ngày nay thì hằng hà sa, bởi thế giới đã nhận thức Phật Pháp là cao siêu nên thật là nhiều những con người nhận ra giá trị đó, từ bỏ gia đình, đời sống bình thường để gia nhập vào đời sống Tăng Đoàn để tu. Hai kho báu Pháp và Tăng thật dễ tìm nhưng kho báu đầu tiên là Phật tìm đâu ra? Chính vì ta chưa thấy Phật, ta chỉ thấy Phật qua Pháp và Tăng nhưng chúng ta cứ cãi nhau về Phật hoài như năm kẻ mù sờ con voi.

Chỉ là mù lòa nhưng sờ voi thì nói voi như quạt vì chỉ đụng tới cái tai, như cây chổi vì đụng tới cái đuôi, như cột nhà vì đụng tới cái chân, kẻ mù sờ đâu nói đó, chúng ta hoàn toàn mù lòa bởi không biết Phật. Thực tế Phật như thế nào ta không biết, ta chỉ biết qua trí tưởng tượng, đọc được kinh như người mù mò mẫm hình dung như vậy mà thôi. Chính vì sự hình dung như vậy mà trên thế gian chúng ta vẫn có nhiều lập luận trái biệt và tranh luận, hý luận để bảo vệ điều biết về Phật của chúng ta. Nếu chúng ta có thể lột bỏ tất cả các lớp bên ngoài của những hý luận vô ích đó, để đi sâu vào cái lõi của thân cây, cái lõi của Phật pháp. Để chạm vào cái lõi đó, chạm vào Phật thật sự chúng ta phải đi qua con đường Mật Truyền hoặc Thiền Định sâu. Nhưng ở trên đời ngày nay có mấy ai có thiền sâu như xưa của các Tổ, có các Tạng Mật đi qua được cái cửa đen tối của tâm thức để nhìn thấy Phật? Hiếm lắm. Chúng ta đều là kẻ mù hết và đã là kẻ mù sờ được gì thì la cho to, nói cho lớn để thiên hạ biết ta biết nhưng thực ra chúng ta đều mù lòa như nhau.

Nhưng ngày hôm nay cũng chính vì trong sự mù lòa đó, các bạn nhớ người mù không thể nhìn thấy nhưng người ta có thể sờ được, nếu người mù chỉ có tính cách sờ thôi để đoán thì mù đó càng đi vào cõi vô minh, càng mù lòa hơn. Nhưng nếu chúng ta là người mù mà nắm được bàn tay của một Bậc Đại Giác Đại Ngộ và nói rằng: “Thưa Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, con đã sờ được Ngài, con đã nắm được tay Ngài xin Ngài hãy dắt kẻ mù này tới bến bờ của sự an lạc”. Niềm tin tuyệt đối vào Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật và khi chúng ta nắm được tay của Phật rồi chúng ta phó thác, tín thác và tin tưởng rằng Phật ơi con là kẻ mù lòa trong vô lượng kiếp qua trầm luân trong đau khổ, nay con đã nắm được bàn tay của Ngài và áo cà sa của Ngài xin Ngài hãy dắt con đi. Với tự lực tin sâu như vậy, cầu Đạo Giác Ngộ như vậy, tin vào Phật như vậy và chạm vào cà sa của Phật, vào tướng hảo của Phật, vào Trí Tuệ của Phật ta liền phát nguyện sâu, xin Phật dạy dỗ và dắt dìu nhất định chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Và khi tìm được Pháp, chạm vào Pháp, tìm được Phật, chạm vào Phật đó là kho báu.

Các bạn hỏi vậy kho báu tìm được ngày hôm nay là gì? Đó là tha lực Phật điển mà khi các bạn tu tập Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, khi các bạn an trú trong hơi thở Chánh Niệm, khi các bạn trì vi diệu âm mật chú Mu A Mu Sa, tha lực Phật điển của mười phương Chư Phật, năng lượng siêu thế đại Từ đại Bi đó liền gắn kết, tác động vào thân mà các bạn cảm được. Khi các bạn quán thân, các bạn quán được thân này đang có sự gắn kết với tha lực Phật điển, khi các bạn quán thọ thì các bạn đang quán cảm thọ của thân tâm gắn kết với tha lực Phật điển siêu thế đại Từ đại Bi một cách thật rõ ràng. Và trong tha lực Phật điển đó, nó đánh thức tâm thức của chúng ta, nó đánh thức Phật Tánh của chúng ta, thắp sáng Trí Tuệ của chúng ta. Dù là mù lòa nhưng không mù con mắt Trí Tuệ bởi con mắt Trí Tuệ được thắp sáng bởi Ánh Minh Tuệ Giác của tha lực Phật điển ta liền nhìn thấy Phật, ta liền biết Phật. Và khi nhìn thấy Phật, biết Phật có nghĩa ta đã tìm được Phật, tìm được kho báu số một đó là Phật.

Ông Cấp Cô Độc đã quả quyết với người làm của ông ta kho báu lớn nhất trong cuộc đời của ông ta là Phật Pháp Tăng. Vàng bạc, châu báu trong cuộc đời có bị sóng gió bão tố, nước chảy cuốn trôi đi nhưng không thể cuốn trôi niềm tin vào kho báu của Phật Pháp Tăng. Hôm nay chúng ta tìm được kho báu, kho báu số một, kho báu mà trên đời này hiếm có ai có thể thấy được, họ chỉ thấy qua kinh tức là Pháp rồi mường tượng như kẻ mù để rồi có một ấn tượng tô vẽ lên hình hài của Phật mà thôi. Do đó, chúng ta thấy hình hài của Phật trong các ngôi chùa từ tượng, từ hình chúng ta thấy khác biệt là vì mỗi một con người có cái khiếu và cái nhìn khác biệt để tạo ra tôn tượng đó. Các họa sĩ thì vẽ lên các hình hài khác biệt do cái nhìn của họ về Phật, Bồ Tát, tô điểm đủ thứ hết, nói về Bồ Tát thì hình hài vô số bởi họa sĩ nhiều, nói về tượng cũng vậy những người tạc tượng, tạo ra vô số những tượng khác biệt nhau nhưng mấy ai ở trong đó thấy được Phật. Rồi các Thầy luôn luôn xiển dương niềm tin và cái thấy của mình để phủ nhận niềm tin vào cái thấy của người khác, Thầy nào cũng vậy, Bảo Thành cũng vậy mà thôi, chúng ta thủ đắc cái thấy của riêng mình mà không bao giờ chấp nhận cái thấy của người khác.

Ta thủ đắc cái thấy của mình vì cái thấy của mình là viên mãn nhất không ai bằng và ta đúng nhất. Chính vì Bảo Thành đã lầm chấp ở trong đó nhiều kiếp rồi và trên 45 năm qua Bảo Thành được tiếp xúc và thực hành do Tổ Sư Bảo Trượng truyền lại Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn. Có cơ hội lần mò ở trong đó và dần dần bắt được một mạng mạch Như Lai đang chảy vào trong thân tâm, nhận rõ được Phật gần gũi và đã nhìn thấy Phật trong tâm thức, thỉnh Ngài lên trên đảnh đầu để đồng hành với cuộc sống nhỏ bé và tội lỗi nghiệp chướng của Bảo Thành, thấy được trong cuộc đời tội lỗi nghiệp chướng này của Bảo Thành đã được từ từ có được sự bình an và hạnh phúc. Cho nên khi giới thiệu Pháp môn này thì tất cả các bạn nếu có căn duyên tu tập chắc chắn các bạn sẽ như Bảo Thành, như các vị Tổ thời xưa, sẽ làm sao tìm lại được kho báu số một đó là tìm được Phật, gặp được Phật, diện kiến Phật và mời Phật vào trên đảnh đầu, nơi tôn quý nhất cuộc đời chúng ta để chúng ta chiêm bái Ngài, để chúng ta chiêm ngưỡng tướng hảo của Ngài, để chúng ta lấy tướng hảo và Tuệ Giác của Phật làm kim chỉ nam dẫn chúng ta trở về với cội nguồn của sự an nhiên.

Mời các bạn đặt bày tay phải vào bàn tay trái để chúng ta trì 7 biến mật chú vi diệu âm Mu A Mu Sa:                                                      

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con tìm lại được kho báu. Các bạn hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra. Các bạn thở từ từ, hóp bụng trì mật chú:

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật! Các bạn và Bảo Thành vừa trì thêm lần thứ hai 7 biến vi diệu âm mật chú Mu A Mu Sa. Chúng ta đồng tu và cộng hưởng tha lực Phật điển siêu thế đại Từ đại Bi tràn vào thân tâm của chúng ta.

Các bạn, Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn là Pháp môn có sự gắn kết giữa tha lực Phật điển và tự lực cầu Đạo Giác Ngộ. Mỗi chúng ta đều đón nhận được điều đó qua cái thân, qua cảm thọ của thân tâm để nhìn thấy sự chuyển biến của tâm, của pháp trong từng sát na an trú trong hơi thở Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa. Cùng một sát na chúng ta quán chiếu Thân Thọ Tâm Pháp, tại sao vậy? Tại vì chúng ta quán Thân do tha lực Phật điển tác động vào thân di chuyển, ta quán Thọ bởi tâm của ta cảm thọ được tha lực Phật điển tác động vào thân tâm, chúng ta quán Tâm là bởi vì trong khi thân của ta có cái thọ của tha lực Phật điển tác động vào tâm ta biến hiện những tâm ý thanh tịnh nó vượt lên trên do sự quán chiếu nhìn sâu vào cảm thọ của thân tâm do tha lực Phật điển tác động vào từ đó chúng ta thấy các pháp hiển hiện trong tâm lúc đó ở sát na an trú trong hơi thở Chánh Niệm đó là hơi thở của Chánh Pháp. Chúng ta nhất như quán chiếu cả bốn pháp Thân Thọ Tâm Pháp trong một niệm của vi diệu âm Chánh Niệm Mu A Mu Sa. Và chính trong phối hợp nhịp nhàng nhất như như vậy ta đã tìm được tha lực Phật điển tác động, mà rước Phật thỉnh vào trên đảnh đầu để nhất nhất từng niệm ta luôn quán tưởng Phật ở trên đầu, ta luôn nhìn thấy Phật ở trên đầu, ta luôn diện kiến chiêm ngưỡng, cung nghinh Ngài để nhìn thấy tướng hảo, Tuệ Giác, viên mãn thường trụ ở trong tâm của chúng ta.

Đó là kho báu vĩnh viễn cao cả nhất mà kho báu này chúng ta không những có được cho ta mà là kho báu ta phải tích cực nuôi dưỡng, gìn giữ để lưu truyền và trao truyền hiến tặng lại cho người yêu thương. Trong dân gian có câu nói gia tài của mẹ để lại cho con là gì, gia tài của Phật để lại cho chúng ta là Pháp nhưng sự hiển ngự của Ngài trên đảnh đầu của chúng ta thì Pháp của Phật không phải là Pháp chết trên kinh, trên sách, trên lời giảng, trên băng đĩa. Sự hiện diện của Phật trên đảnh đầu là sự hiện diện của một Pháp sống thực sự gọi là thân giáo bởi chúng ta nhận được Phật, biết được Phật, học được của Phật nên đời sống của một hành giả các bạn là một giáo pháp của Như Lai đang hiện hữu ở giữa đời.

Chẳng cần tô son trét phấn, chẳng cần khoe và nói cho thiên hạ biết nhưng nhất cử nhất động, lời ăn tiếng nói sự sống của các bạn hiện lộ giáo pháp của Như Lai. Bởi trong tướng hảo của các bạn, trong lời nói của các bạn, trong ánh mắt vòng tay của các bạn có ba ngôi Tam Bảo, có pháp thiện, nhân thiện, không có pháp ác, nhân ác. Có năm giới rõ ràng bởi bạn biết giữ giới nên oai nghi của các bạn thể hiện điều đó, bởi thật gần các bạn có Long Thần Hộ Pháp Chư Thiên bao bọc, bảo hộ bởi bạn giữ giới và hành thiện, bạn an trú trong hơi thở Chánh Niệm thì có Đại Định, Trí Huệ. Tín − Nguyện − Hạnh, Giới − Định − Huệ, sáu điểm chính trong Phật giáo khi tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng, Nhân Quả Thiện Ác, năm giới, hành thiện và Thiền Định, Trí Tuệ thì đó rõ ràng rồi, thật rõ ràng, ta đã làm đúng, ta đã tu đúng và ta đã thấy được Phật, kho báu, Pháp bảo đầu tiên hiện hữu trên đảnh đầu. Còn tất cả những tướng sắc, tướng của ngôn ngữ, tướng của lời nói, tướng của tư tưởng, tướng của thân, thân động hay thân tịnh, ngôn ngữ động hay ngôn ngữ tịnh chỉ là tướng sắc hão huyền. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, nó đều chỉ là Không, nhưng mượn Không đó để trong kiếp người này ta nhìn thấy cái có của vô vi. Cái có của vô vi là cái có của tha lực Phật điển tác động thực tế vào cuộc đời và mỗi một người tu hành Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn thật là cao siêu, nhiệm mầu nếu các bạn dám dấn thân để tìm hiểu tu tập tất cả các bạn đều đón nhận được tha lực Phật điển tác động vào thân. Và các bạn đều nhận thấy rõ ràng Phật ở trong cuộc đời để rồi các bạn cung nghinh Ngài ngự ở trên đảnh đầu.

Nếu chúng ta không thể cung nghinh Ngài ngự trên đảnh đầu như Ngài Phổ Hiền nói Thỉnh Phật Trụ Thế, trụ vào tâm thế của chúng ta thì trên đảnh đầu của chúng ta sẽ là nơi hố rác bởi nơi đó những ý bất thiện sẽ tự do khởi lên và nơi ý của chúng ta, tâm của chúng ta, đảnh của chúng ta là một hố rác của sự bất thiện. Nhưng nếu chúng ta biết thỉnh Phật trụ ở trên đảnh đầu thì hầm sâu hố rác của Tham Sân Si từ vô lượng kiếp qua sẽ trở thành ba kho báu vĩnh cửu thường hằng bất Sanh Diệt để chúng ta hưởng được sự an lạc trong cuộc sống và để dành kho báu đó trao truyền lại cho con cháu hoặc dâng hiến cho những bậc cao hơn là cha mẹ, ông bà hoặc gửi gấm cho những người yêu thương. 

Kho báu hôm nay Bảo Thành và các bạn tìm được đó là kho báu của Phật, tại sao? Bởi chúng ta tiếp cận được với tha lực Phật điển siêu thế đại Từ đại Bi từ mười phương Chư Phật qua vi diệu âm Chánh Niệm Mu A Mu Sa. Đó là chìa khóa mở cửa tâm thức, thỉnh Phật vào bên trong, các bạn chúng ta đã tìm được kho báu rồi, hãy nuôi dưỡng tâm thức của mình để hưởng kho báu đó, Phật ở trong tâm, Phật ngự trên đảnh đầu soi sáng dẫn đường chỉ lối cho chúng ta trở về với miền Giác Ngộ từ vô minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải Trí Tuệ lên bàn tay trái Từ Bi chúng ta sẽ đồng trì niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa 7 biến nữa. Hãy để cho tha lực Phật điển chuyển vào thân tâm, hãy để tự nhiên, thân xác như con thuyền trôi nhẹ trên dòng nước, tâm an trú ở trên con thuyền đó, thuyền động tâm định cứ nhẹ nhàng ngắm cảnh trời sao quán chiếu toàn bộ các pháp, các ý hiển hiện trong tâm, an trú trong Chánh Niệm vi diệu âm Mu A Mu Sa:              

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con tìm lại được kho báu Phật bảo. Các bạn hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra. Các bạn thở từ từ, hóp bụng trì mật chú:

Mu A Mu Sa (7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, Thái tử Kỳ Đà đã hùn phước với ông Cấp Cô Độc để có được Tịnh Xá Kỳ Viên đầu tiên cho Phật. Ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng là ba ngôi báu Ngài Cấp Cô Độc luôn giữ ở trong tâm, tiền bạc danh vọng địa vị rồi sẽ mất rồi sẽ tìm lại được nhưng khi mất đi ba kho báu Phật Pháp Tăng thì bạn đã đánh mất chính bạn, sao có thể tìm lại được tất cả. Hôm nay Bảo Thành và các bạn tiếp được tha lực Phật điển đại Từ đại Bi năng lượng siêu thế Từ Bi này giúp cho chúng ta tìm được ba kho báu: kho báu của Phật bảo, kho báu của Pháp bảo, kho báu của Tăng bảo. Các bạn và Bảo Thành hãy giữ ba kho báu này ở trên đảnh đầu để chúng ta quy ngưỡng về đó hành pháp tu tâm với phương tiện Thiền Mật song tu này tìm được sự an lạc.

Các bạn nhớ các phương tiện rất cần trong giai đoạn đầu để đi tới sự chứng đắc an lạc, khi các bạn đã Đại Giác Đại Ngộ pháp phương tiện chẳng còn. Nên khi áp dụng pháp phương tiện phù hợp chúng ta áp dụng, không phù hợp coi như tham khảo bởi Chư Phật dạy nhìn lỗi mình chớ nhìn lỗi người, chúng ta đừng vội vàng nhìn người làm gọi là lỗi là sai. Mà hãy nhìn rõ vào tâm thức và tự hỏi bao nhiêu lâu nay ta tu tập Pháp môn ta thường tu tập ta đã chứng được sự an lạc trong cuộc đời như thế nào, ta đã từ bỏ nhìn lỗi lầm của người khác chưa hay chúng ta tu được gọi là Pháp môn vi diệu của ta ta toàn thấy lỗi người mà chẳng thấy lỗi của ta. Các bạn, tu Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn ta không thể thấy lỗi của người mà ta thấy rõ lỗi lầm của ta bởi ta đã tìm được ba kho báu Phật Pháp Tăng, ta đã tiếp được tha lực Phật điển là nguồn sống vĩnh cửu trong tâm thức của chúng ta.

Cám ơn các bạn đã đồng tu!             

Hồi hướng:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con tìm lại được ba kho báu Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo ở trong đời.

Đồng tu nếu tạo ra chút phước báu nào xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia biết đoàn kết yêu thương có trí tuệ để lập ra những hiến pháp giữ được nền hòa bình vững bền trên thế giới.

Chúng con hồi hướng tới cho tất cả các nhà khoa học ngành y, ngành dược các bác sĩ, các y tá, các nhân viên y tế, nhân viên cứu trợ trên toàn thế giới họ có trí tuệ có thể chế ra vắt xin và thuốc chữa lành bệnh, có lòng bao dung rộng lớn che chở và chữa lành tất cả anh chị em chúng con đang lâm bệnh trong cơn ôn dịch này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts