Search

Bài 1026: Ý Căn Thiện Lành – Mu A Mu Sa

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để Ý căn của chúng con thêm thiện lành.

Các bạn thân mến! Các bạn đang ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, Pháp môn Thiền Mật Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn! Khi xưa Đức Thế Tôn còn tại tiền, Ngài dùng đa phương tiện, nhiều Pháp môn khác nhau. Nếu nói theo Kinh ngày nay có đến 84 vạn Pháp môn để phù hợp với căn cơ từng chúng sanh, chúng sanh có biệt nghiệp khác, do đó, mỗi người có một căn duyên khác. Đức Phật không đề cao một Pháp môn vô thượng, để tất cả mọi người đồng tu, nhưng Đức Phật thấy chúng sanh khác biệt, do đó, Ngài truyền trao đến nhiều vạn Pháp môn để mỗi người chúng ta lựa chọn Pháp môn nào phù hợp, để chúng ta tu tìm về cội nguồn an lạc, mang lại hạnh phúc cho chính mình, đi từ đau khổ đến hạnh phúc, đi từ Vô Minh tới Giác Ngộ. Dù nhiều phương tiện chính Đức Thế Tôn truyền dạy thì Đức Phật cũng thường nhắc nhở: “Tất cả mọi phương tiện cũng chỉ là phương tiện, tất cả mọi Pháp môn cũng chỉ là phương tiện. Pháp môn là phương tiện để dắt dìu chúng ta giác ngộ và hiểu biết.”

Khi chúng ta hiểu biết và giác ngộ thì Pháp môn đó là sự trợ lực trên con đường tu, cứu cánh là đi từ Vô Minh đi đến Giải Thoát. Tuy nhiên, Đức Phật vẫn luôn dặn dò, Pháp môn thì vô lượng và thật là nhiều và cao siêu nhưng không phải Pháp môn nào cũng dành cho tất cả. Do đó, mỗi một Phật tử, mỗi một Hành giả, mỗi một chúng sanh, khi chúng ta lựa chọn Pháp môn phù hợp chúng ta chú tâm vào sự tu tập đó. Còn Pháp môn nào không phù hợp, coi như một sự tham khảo. Trong tinh thần Phật Giáo ngày nay, tất cả các Pháp môn đều lồng trong ý tưởng mà Đức Phật truyền dạy cho chúng ta để đi đến sự giải thoát.

Ba Pháp môn lớn thường được nhắc nhở trong thời đại hiện tại là:

  • Tịnh Độ Tông Niệm Phật A Di Đà,
  • Thiền Tông – Thiền Tông có rất nhiều Tông phái khác biệt, tập trung vào những đề mục khác biệt để tu,
  • Mật Tông, nổi trội ở bên Tây Tạng và các nước khác.

Cả Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Mật Tông, ba Tông phái này hoặc là những Pháp môn khác, cũng chỉ trích dẫn ra một vài Pháp môn của Phật, phối hợp, khế hợp để phù hợp với căn duyên của những Bậc Tổ hồi xưa đã thực tập và truyền lại cho ngày hôm nay, để mong rằng tất cả mọi người nương nhờ vào phương tiện, Pháp môn phương tiện đó để đạt được sự an lạc trong đời sống đau khổ này. Cho nên, ai có duyên khi thực tập sẽ đạt được kết quả.

Pháp môn Thiền Mật là sự khế hợp giữa Thiền Tông Chánh Niệm của hơi thở – hơi thở Chánh Niệm, Mật là mật chú Mu A Mu Sa. Dù là Pháp môn của Phật dạy với tổng số 84 vạn Pháp môn thì đối với những ai không có nhân duyên, những Pháp môn đó khi nghe qua đều khởi lên những ý niệm: “Đó là những phương pháp mê tín dị đoan”.

Trong đời sống, chúng ta cần có niềm tin với nhau, trong Đạo pháp gọi là Tín Tâm, hay nói cho nó bình thường ngôn ngữ thì gọi là Tin, Đức Tin. Đức Tin ở đây có nghĩa là lập Đức và tin sâu vào những điều đã nghiên cứu và hiểu được nó. Còn mê tín là chúng ta tin vào những điều chúng ta không có thời gian để tìm hiểu, ta chưa hiểu, ta chưa biết, và ta chỉ nghe nhìn và tin theo, tin một cách mù quáng, tin một cách chưa có thời gian để hiểu rõ. Tin mà chúng ta không cho phép mình đi tìm hiểu thì cái Tin đó dễ lạc vào sự mê muội nên gọi là mê tín. Còn Đức Tin tức là khi chúng ta nghe qua, chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu, chúng ta thấy phù hợp và lập Hạnh đức hành thiện, để tăng trưởng Đức Tin vào những điều chúng ta đã nghe, đã thấy, đã tìm hiểu. Đức Tin vào Tam Bảo là yếu tố tuyệt đối quan trọng trong Pháp môn Thiền Mật, bởi thiếu Đức Tin này chúng ta tu không bao giờ thành tựu được.

Tại sao phải có Đức Tin tuyệt đối vào ba ngôi Tam Bảo? Bởi Ngôi thứ nhất là Phật, chúng ta tin vào Phật thì chúng ta mới thực tập những Pháp mà Phật dạy, và sau khi chúng ta nghe Đức Phật truyền dạy Pháp môn nào đó, ta đã tìm hiểu cho rõ ràng, ta đã hiểu thấu và thực hành thấy hiệu nghiệm, cho đời sống an lạc của chúng ta, chúng ta nhận Đức Phật, tin theo Đức Phật, quy y theo Phật là khi đã nghiên cứu những lời Phật dạy thấy hiệu dụng, hữu hiệu cho cuộc đời, ta nhận Đức Phật là Thầy để dạy dỗ ta. Cho nên, đó gọi là Đức Tin về Phật, ta tin Phật rồi ta lập Công đức để Đức Tin đó thực hiện trong Pháp Thiện chứ không phải chỉ Tin mà không hành Đức, không tu Đức.

Rồi chúng ta phải tin vào Pháp, Pháp là con đường mà Bậc Thầy ta vừa nhận là Phật dạy cho chúng ta, ta tin vào Giáo pháp, Pháp môn Phật dạy để chúng ta tăng trưởng niềm tin sâu, vững chắc thì ta mới có thể tu tập được.

Rồi chúng ta tin vào Tăng Bảo, là một tập thể xuất gia, những chư vị lìa bỏ cuộc đời, sống trong sự hòa hợp. tinh thần hòa hợp là tối ưu, là quan trọng để chúng ta quy y, nghĩa là chúng ta nương theo, nương nhờ vào sự hòa hợp đó để tâm ta luôn hòa hợp với mọi chúng sanh, để thực hành những Giáo pháp của Bậc Thầy của chúng ta dạy, đó là đức tin vào Tăng Bảo. Mà Đức Phật dạy cho chúng ta chân lý về Nhân Quả, cho nên tin sâu vào Tam Bảo Phật Pháp Tăng và Nhân Quả là yếu tố tối quan trọng của một Hành giả, của một chúng sanh khi bắt đầu đi vào con đường Thiền Mật Thất Bảo Huyền Môn.

Sau bước quan trọng đó còn có bước quan trọng thứ hai, tức là vế thứ hai, vế đó tức là phải hoan hỷ giữ Năm Giới, Năm Giới đó giúp ngăn ngừa, ngăn chặn chúng ta tạo nghiệp. Giới thứ nhất là không sát sanh, Giới thứ hai là không trộm cắp, Giới thứ ba là không tà dâm, Giới thứ tư là không nói dối, Giới thứ năm là không sử dụng và uống các chất say. Năm Giới này, dù cho bạn theo Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào thì đó cũng là năm điều tốt đẹp giữ cho con người không tạo ra nghiệp, giữ được niềm an vui tới cho mọi người.

Rồi sau khi chúng ta giữ Giới đó, chúng ta hoan hỷ làm Bảy Điều Thiện, làm Mười Điều Thiện tùy theo khả năng, nhưng mà trong nhà Phật gọi là Thập Thiện. Con người tạo nghiệp là từ Thân Ngữ Ý, Mười Điều Thiện không nằm ngoài Thân Ngữ Ý. Ý có những ý thiện, ý đó là gì? Đó là tâm gì? đó là tâm Từ Bi Hỷ Xả. Nếu chúng ta luôn luôn khởi lên ý Từ Bi Hỷ Xả đã là ý thiện. Còn Khẩu của chúng ta làm gì? Khẩu của chúng ta luôn luôn nói những lời Từ ái, nói những lời chân thật, nói những lời mang lại hạnh phúc cho người khác thì đó nghĩa là Khẩu đã tạo ra những thiện nghiệp rồi. Còn Thân, chúng ta phóng sanh thay vì sát sanh, thay vì trộm cắp chúng ta bố thí đó là thiện. Chúng ta giúp đỡ mọi người sống cho phù hợp, chúng ta nói những lời chân thật và biết vận hành cuộc sống này với những hoàn cảnh phù hợp mang lại hạnh phúc. Với những điều kiện như vậy, Thiền Mật Tông cần phải có hai điều kiện, hai vế đó để chúng ta vận hành hơi thở Chánh Niệm.

Cả cuộc đời Đức Phật, Đức Phật luôn dạy cho chúng sanh và Đệ tử thời đó giữ được hơi thở Chánh Niệm, hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra, chính hơi thở Chánh Niệm này giúp cho chúng ta làm chủ được mọi niệm của suy nghĩ của chúng ta. Trong Đạo Phật, có Tín Nguyện Hạnh, Hạnh là hành Thập Thiện. Nguyện là phát nguyện chúng ta giữ hơi thở Chánh Niệm để tăng trưởng tín tâm vào Phật Pháp, tăng trưởng Trí Tuệ nhìn rõ tất cả các Pháp đang biến hiện. Nguyện ở đây là phát nguyện, Mu A Mu Sa chỉ là một thể loại ngôn ngữ xưa mang ý nghĩa: “Con phát nguyện rằng mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi tới cho chúng con”. Chúng ta thường rải Tâm Từ tới cho mọi loài thì Chư Phật cũng rải Tâm Từ Bi tới cho mọi loài không phải chỉ có chúng ta.

Trong tất cả những giờ tu tập, giờ tụng Kinh, giờ nghe giảng, cuối cùng các Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni thường hồi hướng: “Nguyện hồi hướng công đức này cho tất cả” và cũng thường hướng ý cho chúng ta rải Tâm Từ tới mọi loài chúng sanh. Nếu như mỗi một người chúng ta có thể rải Tâm Từ thì mười Phương Chư Phật cũng phát nguyện rải Tâm Từ như chúng ta, trước chúng ta, hơn chúng ta nữa. Cho nên, Mu A Mu Sa là ngôn ngữ xưa dịch lại theo tiếng Việt của mình là: “Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh”. Từ đó, Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn dựa trên ba điều Tín – Nguyện – Hạnh và giữ trong hơi thở Thiền Chánh Niệm của hơi thở đúng như lời Thế Tôn khai thị.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thực tập được, chỉ có những người có căn duyên phù hợp, nghe qua, tin và thực tập, còn ai không có căn duyên coi như một sự tham khảo. Còn ai không có căn duyên để coi như một sự tham khảo thì dễ khởi lên những tư tưởng, ý nghĩ cho rằng Thiền Mật Thất Bảo Huyền Môn là mê tín dị đoan. Con người rất dễ đi vào phê phán, chỉ trích khi chúng ta không cho mình một cơ hội để tham khảo. Thì đó, ngày xưa Đức Phật đã nhìn rõ và luôn khuyên dạy chúng sanh rằng hãy cho phép mình có thời gian để dùng Chánh Kiến, Chánh Tư Duy để nhìn rõ. Nếu thấy phù hợp thì chúng ta tiếp nhận, nếu thấy không phù hợp cũng đừng nên chê bai, chỉ gạt qua một bên, tiếp tục trên con đường Hành đạo, tìm cho mình một Pháp môn phù hợp ngay trong hiện kiếp này để tu.

Bảo Thành mong rằng các bạn sẽ tìm được những Pháp môn phù hợp cho mình, riêng với những bạn thấy Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn phù hợp với căn cơ, bởi khi các bạn tu tập, tiếp đón được năng lượng Từ Bi của Phật rải xuống cuộc đời của chúng ta, chúng ta khởi lên những niệm hoan hỷ để tu thì chúc các bạn tinh tấn và đồng tu với Bảo Thành để chúng ta cùng thành một nhóm hướng Thiện có tín tâm, có lời nguyện, Tín Nguyện và có Đức hạnh trên con đường tu. Đặc biệt là trong giai đoạn này.

Mời các bạn chúng ta giữ lưng cho thẳng, rồi chúng ta đặt bàn tay Trí Tuệ lên bàn tay Từ Bi, tay trái là Từ Bi vì kinh mạch chạy từ trái tim nên được đặt là Từ Bi, là trái tim bao dung, tay phải là Trí Tuệ bởi nó tượng trưng cho sức mạnh để chúng ta vươn lên sau khi vấp ngã, nếu đặt sức mạnh vào trong Từ Bi, thì sức mạnh đó là sức mạnh của những con người cầu Đạo Giải Thoát.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con khai mở được Ý căn thiện lành.”

Các bạn hít vào bằng mũi, đưa qua ngực và xuống bụng dưới, phình bụng ra. Trì mật chú.

Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đang đồng tu với Bảo Thành trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn.

Kính thưa các bạn! Trong tất cả các buổi sinh hoạt về Phật giáo, những buổi đồng tu nghe thuyết pháp, hay những buổi lễ ở trong Chùa, Tịnh Thất, Tịnh Xá, tất cả chúng ta sau khi tu xong thường rải Tâm Từ theo sự hướng dẫn của các Thầy, các Tăng Ni, rải Tâm Từ đến muôn loài chúng sanh. Mỗi một chúng sanh như chúng ta nhỏ bé, có phần nào Tâm Từ cũng nguyện rải tới cho tất cả mọi chúng sanh. Mười phương Chư Phật là các Đấng đã Giác Ngộ, các Ngài cũng luôn phát nguyện rải Tâm Từ của các Ngài tới cho chúng ta. Ở đây nói rằng khi con người rải Tâm Từ, đó là vế cung, còn vế cầu có nhận hay không? Nghĩa là chúng sanh có đón nhận năng lượng Từ Bi mà Chư Phật tuôn rải xuống cho chúng sanh hay không đó là sự quyết định cốt lõi sự khác biệt. Mưa thì vẫn mưa ở ngoài trời, còn ai ra hứng nước để sử dụng hay chỉ nhìn mưa rơi xuống đất, rồi mưa rơi nước xuống đi mất. Phật điển Từ Bi của Chư Phật luôn ban rải cho chúng ta, và khi chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa là chúng ta trở thành những người khôn ngoan, thấy trời mưa thì mang thùng, mang lu, mang tất cả những vật dụng có thể chứa được để chứa nước mưa đó. Mu A Mu Sa biến chúng ta giữ được hơi thở Chánh Niệm để đón nhận nguồn mưa Pháp Từ Bi, nguồn Phật điển Từ Bi đang mưa và đổ xuống cuộc đời của chúng ta. Ta mang ba thứ ra để đựng, ta mang Ý căn ra để chứa, chúng ta mang Khẩu căn ra để chứa, chúng ta mang Thân chúng ta ra để chứa, bởi tất cả mọi bất thiện nghiệp đều do Ý, Khẩu và Thân. Nay chúng ta mang Thân Khẩu Ý của chúng ta như ba bình châu báu chứa đựng cơn mưa Pháp đại Từ đại Bi của Chư Phật qua Mu A Mu Sa. Chứa đựng mưa Phật điển Từ Bi của Chư Phật qua Mu A Mu Sa vào Thân Khẩu Ý của chúng ta, để Thân Khẩu Ý của chúng ta được tràn đầy mưa Pháp, Ân điển Từ Bi đó, nó tràn vào, tràn vào, tràn vào ba bình châu báu này. Khi nước Ân điển Từ Bi của Phật tràn vào, những bụi bặm của bất thiện nghiệp, rác rưởi năm xưa, kiếp xưa còn tồn đọng ở trong Thân Ngữ Ý của chúng ta như những nghiệp của tiền kiếp nó hiện diện ở trong đó, được nước Cam Lồ Tịnh Thủy, mưa Phật điển Từ Bi, mưa năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa mà những chất dơ đó từ từ không còn chỗ dính vào nữa, và nó phải nổi bồng bềnh để ta nhìn thấy. Và trong hơi thở Chánh Niệm hít vào thở ra, ta quán chiếu thật rõ và biết đó là những bất thiện nghiệp của chúng ta nên chúng ta hoan hỷ đón nhận mưa Phật điển Từ Bi vào để làm tróc hết rễ đã bám sâu vào thành quách Tâm thức của chúng ta, để nó trôi ra bên ngoài và không còn lưu giữ trong A Lại Da Thức của chúng ta nữa.

Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn đều có Tín, Nguyện và Hạnh. Tín là đức tin vào ba ngôi Tam Bảo, vào Nhân Quả. Nguyện là phát nguyện Chư Phật ban rải xuống cuộc đời của chúng con năng lượng Từ Bi, nhớ với năng lượng đại Từ đại Bi của Chư Phật, chúng ta sẽ thanh tẩy tất cả mọi dòng bất thiện nghiệp để chúng ta trở thành thanh tịnh. Khi chúng ta đã thanh tịnh trong năng lượng Từ Bi của Chư Phật, chúng ta có Hạnh đức bởi giữ Năm Giới và hành Thập Thiện. Vế đầu tiên, vế thứ hai và vế thứ ba đều là những vế nằm trong Tín Nguyện Hạnh, đúng với tinh thần của nhà Phật, nhưng áp dụng phương thức giữ hơi thở Chánh Niệm là Thiền, Mật là Mu A Mu Sa, Thiền Mật là trong hơi thở Chánh Niệm, hít vào ta đều biết ta đang hít vào, thở ta biết ta thở ra. Mật là trì mật chú Mu A Mu Sa tương đồng với lời nguyện tin sâu vào Tam Bảo mười phương Chư Phật, ban rải, đổ mưa Từ Bi vào ba hũ đựng đầy Nghiệp chướng. Hũ đó là gì? Đó là Thân Khẩu Ý để tẩy rửa, để lau sạch, để lọc cho nó trong ra, thanh tịnh hơn, đúng như nguyên tắc giáo lý của Đức Phật dạy. Do đó, mỗi một Hành giả, mỗi một Phật Tử khi có căn duyên nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc và thấy nó phù hợp với căn cơ của mình, mang vào thực tập thì chúng ta liền đón nhận được nhiều những cơn mưa Pháp Từ Bi, nhiều những cơn mưa Phật điển Từ Bi đổ tràn vào Thân Ngữ Ý của chúng ta.

Đề mục mà chúng ta quán chiếu hôm nay là: Ý Căn Thanh Tịnh” hay “Ý Căn Thiện Lành”. Câu mà cổ nhân thường nói “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Khi ta sinh ra là sinh với Tánh Thiện, thiện đây là thiện lành, là thiện hảo, thiện đây là Thiện Niệm, Tánh Thiện Niệm, Tánh Thiện lành, Tánh Lành vốn có khi chúng ta sinh ra. Tánh Lành đó như mặt trăng, luôn luôn sáng và tròn. Nhưng bởi vì trái đất xoay quanh mặt trăng đó, để rồi khi nó bị khuất đi thì chúng ta thấy mặt trăng khuyết, khi mây đen che thì ta thấy mặt trăng bị mờ, nhưng Tánh của mặt trăng luôn luôn sáng. Mặt trời cũng như vậy, luôn luôn sáng nhưng khi mây đen hoặc khi trái đất xoay sang mặt khác thì mặt này không còn nhìn thấy trở thành đêm, mặt kia còn đón nhận ánh sáng nên là ngày, đêm và ngày. Tánh Thiện lành của chúng ta như mặt trời, như mặt trăng không bao giờ đen tối, nghĩa là không bao giờ ác, nó luôn luôn là thiện lành. Ý căn của chúng ta luôn Thiện lành, sinh ra đã có Tánh Lành, cho nên Ý căn luôn luôn thiện lành. Chẳng qua là cuộc đời của chúng ta khi sinh ra làm Người, bôn ba trong vô lượng những cảnh khác nhau của những bất thiện nghiệp từ vô lượng kiếp khác tạo nên những áng mây đen, những áng mây mù rồi xoay chúng ta vần quanh Ý căn, bởi mây đen che mù đó mà chúng ta đôi khi thấy Ý căn của chúng ta có ác, có tối, có đen. Nhưng nếu trở về với nguyên lý: “Ý căn luôn luôn Thiện lành” để hiểu rõ cái đen kia là do bất thiện nghiệp nó che mất mà thôi, còn nếu như chúng ta tẩy rửa được những bất thiện nghiệp này thì Ý căn của chúng ta sẽ trở về cội nguồn trong sáng. Ý căn của chúng ta luôn luôn Thiện lành bởi trong vô điều ác chúng ta làm thì thâm sâu trong tư tưởng của chúng ta vẫn luôn luôn có những Niệm Thiện, có những Ý Thiện. Bởi những Ý bất Thiện kia quá mạnh, nó lôi kéo nhưng không phải như vậy mà chúng ta mất đi những Ý Thiện lành vẫn còn tồn tại trong tâm của chúng ta. Không phải mây mù, mây đen che phủ khắp trái đất này mà mặt trăng sẽ trở nên đen tối.

Ý căn của chúng ta luôn luôn Thiện bởi Đức Phật nói: Chúng sanh là Phật sẽ thành. Phật là Phật đã thành, Phật đã thành đã nhìn thấy những Phật sẽ thành trong chúng sanh. Cho nên, Đức Phật là Đấng đã Giác Ngộ, đã nhìn thấy và chúng ta cũng được truyền trao rằng trong Ý của chúng ta như mặt trời Trí Tuệ, Ý của chúng ta là Tánh Phật ngự trị ở trong đó, do đó nó luôn luôn Thiện lành.

Trở về với sự hiểu biết như vậy nên chúng ta thật hoan hỷ, bởi dù biết bao nhiêu tội lỗi, biết bao nhiêu sự sai trái trong cuộc đời, biết bao nhiêu lầm lỗi vấp ngã chúng ta vẫn còn có hạt giống Thiện lành trong Ý căn, đó là phước báu. Nhận được điều đó để chúng ta không còn tủi hận trong cuộc đời đầy tràn tội lỗi nữa, bởi trên đời này đâu có ai hoàn hảo, đâu có ai tốt mãi đâu, chỉ có điều duy nhất là biết bao nhiêu điều tốt các bạn làm, người ta không thấy, không khen nhưng một chút xíu điều xấu khởi lên mà họ nhìn thấy thì họ sẽ phanh phui điều xấu đó. Từ điều đó, chúng ta thấy, dù mây đen có nhiều đi nữa thì nó cũng chỉ là một áng mây nhỏ so với độ lớn của mặt trăng, mặt trời. Dù rằng các bạn có tạo ra vô lượng những bất thiện nghiệp thì so với Ý căn thanh tịnh mặt trời Trí Tuệ, Tánh Phật của các bạn thì những điều bất thiện đó cũng chỉ như một hạt bụi đang bay ở trên bầu trời, làm sao có thể che khuất được mặt trăng? Làm sao có thể làm lu mờ Ý căn Thiện lành của các bạn?

Các bạn phải tin tuyệt đối trong Ý căn của các bạn luôn luôn hiện hữu năng lượng Thiện lành trong đó, mà khi các bạn đã có năng lượng Thiện lành đó rồi mà bị mây đen của bất thiện nghiệp nó bao lại, nó che lại thì chúng ta thực tập Thiền Thất Bảo Huyền Môn là với hơi thở Chánh Niệm soi thật rõ những bất thiện nghiệp đó, và chúng ta phát nguyện mười phương Chư Phật xin hãy ban rải năng lượng Từ Bi, mưa Từ Bi, mưa Phật điển xuống để biến những áng mây đen thành mưa, để biến những bất thiện nghiệp thành thiện nghiệp, những năng lượng bất thiện thành năng lượng thiện. Chúng ta không xua đuổi nó bởi mây đen thì che mặt trời, mặt trăng, nhưng nếu có thể biến nó thành mưa thì mưa lại trở thành hữu dụng. Mây đen có thể là vô dụng bởi nó che mặt trời, mặt trăng. Ta không nhìn thấy mặt trăng, mặt trời, những bất thiện nghiệp là áng mây đen che mờ Ý căn thiện lành của chúng ta, nhưng nếu chúng ta có thể biến những Ý căn bất thiện này thành mưa thì chúng ta có thể nhìn rõ hơn mặt trăng, mặt trời, chúng ta sẽ nhìn rõ hơn những Ý căn thiện lành của chúng ta, để chúng ta vận dụng những Ý căn thiện lành đó vào Thân Ngữ Ý mà mang lại lợi lạc cho muôn người.

Các bạn nhìn thẳng về phía trước, đặt bàn tay Trí Tuệ lên bàn tay Từ Bi, buông lỏng toàn thân, hướng tới Phật Pháp Tăng

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để khai mở được Ý căn thiện lành cho chúng con.”

Các bạn hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn thân mến! Thiền Thất Bảo Huyền Môn là Thiền với năng lượng Từ Bi của Phật, đã gọi là năng lượng, khi tác động vào thân vật lý của chúng ta thì thân này sẽ cảm thọ được nó. Chúng ta gọi là năng lượng thì khi năng lượng Từ Bi của Phật qua mật chú Mu A Mu Sa nó sẽ tác động vào tâm của chúng ta để tâm của chúng ta cảm thọ được năng lượng đó một cách cụ thể. Sự tác động đó là do sự giao thoa giữa năng lượng Từ Bi, giữa Phật điển Từ Bi của Chư Phật, năng lượng này được gọi là năng lượng siêu thế, bởi nó thanh lọc bằng Tâm Từ Bi, Tâm Từ Bi của Phật, giao thoa với thân của chúng ta, tâm của chúng ta. Do đó, nó có sự giao động trong thân, tâm. Khi chúng ta thấy sự giao thoa tạo nên sự dao động, sự rung động, sự chuyển động thì đó là một hiện tượng tốt.

Theo định lý bảo toàn năng lượng, khi năng lượng tới tiếp xúc với năng lượng của chúng ta, để bảo toàn nó, nó rung chấn toàn bộ thân, tâm để nó chuyển tới những nơi phù hợp, để giúp cho thân được khỏe, được mạnh, được cường và đẩy lùi tất cả những bệnh của nghiệp tạo ra. Khi năng lượng Phật điển vào trong tâm của chúng ta, cũng tạo ra độ rung nhất định để chuyển hóa tâm của chúng ta, sàng lọc những nghiệp năng lượng tiêu cực, bất thiện ra khỏi thân của chúng ta. Với công phu tu tập như vậy, Thiền với năng lượng như vậy thì ngay trong giây phút hiện hữu đó, ta quán chiếu hơi thở cũng như Thiền Vipassana, chúng ta quán gì? Quán thân, quán thân là thân bất tịnh, thân này, thân kia thì chúng ta đây cũng quán thân là thân rung động, thân tiếp được năng lượng của Phật điển. Chúng ta quán trong thân xác này đang tàng chứa, đang giao thoa, đang dung thông với năng lượng Mu A Mu Sa. Năng lượng Mu A Mu Sa là năng lượng Từ Bi, là Phật điển Từ Bi, ta quán thân Từ Bi, thân mà năng lượng Từ Bi Chư Phật đang đổ tràn, đang tác động vào. Đồng thời, ta cũng quán tâm, Thiền Vipassana là quán tâm, quán tâm là Vô Thường thì chúng ta cũng quán tâm của chúng ta đang dung thông với năng lượng Từ Bi để thấy được Vạn Pháp Bất Thiện hiện hữu ở trong tâm đều là Vô Thường sanh diệt nên chẳng có gì lo lắng và sợ hãi. Với hai Phép quán này, cộng thêm chú tâm vào quán Chánh Niệm của hơi thở, hít vào thở ra gọi là Thiền công, là công phu Thiền, tập để dùng khí vận công, thanh lọc cơ thể thay vì chúng ta phải tập thể dục, phải tập khí công, phải tập tất cả những Pháp môn như môn Yoga, thể dục này kia thì hơi thở trong Thiền công này tự nó là trợ thân cho vững chắc.

Đây cũng là phương pháp thật là tốt bởi Tổ Bồ Đề Đạt Ma năm xưa đã truyền khí công, Thiền công, Dịch Chân Kinh cho các Đệ tử của Thiếu Lâm để dưỡng thân cho khỏe mạnh trên con đường tu.

Thân là phương tiện như chiếc xe, chiếc xe mà bị hư, chúng ta không đi tới được chỗ này, chỗ kia, thân mà bệnh hoạn đau yếu làm sao có thể tu. Do đó, hơi thở hít vào qua mũi, đưa xuống phổi, vận xuống Đan Điền Khí Hải dung nhiếp ở dưới đó, chuyển thành nhiệt năng và truyền qua Nhâm – Đốc lên trên xương sống tới Bách Hội, đi ra từ Nhân Trung và đi qua Ấn Đường, Nhân Trung thở, chuyển theo những Huyệt như vậy để nó tăng thêm sức mạnh cho thân. Đây là Thiền công, là hơi thở nhưng chính hơi thở hít vào phình ra, thở ra hóp vào, cái phình và cái hóp đó, chúng ta theo dõi từ cái hít vào thở ra thì chúng ta giữ được Chánh Niệm, đề mục của hơi thở giữ tâm của chúng ta ngay đó để nương vào đại Hùng đại Lực của lời nguyện tuyệt đối tin vào ba ngôi Tam Bảo, Nhân Quả, giữ Giới và hành thiện để phát lời nguyện: “Xin Chư Phật ban rải, rải năng lượng đại Từ đại Bi của các Ngài từ mười phương đó xuống thân xác này, xuống thân tâm này”, y như lời nguyện các bạn từng nguyện rải Tâm Từ cho muôn loài chúng sanh thì ở trên kia mười phương Chư Phật cũng luôn phát nguyện rải năng lượng Từ Bi của các Ngài xuống cho chúng sanh là ta, và khi ta phát nguyện Mu A Mu Sa là ta là người khôn ngoan, biết mang bình ra ngoài trời mưa để hứng nước, biết mang tất cả vật dụng cao quý để hứng nước trời mưa xuống để sử dụng cho cuộc đời.

Khi chúng ta là người khôn ngoan, biết sử dụng phương tiện Mu A Mu Sa để mang Thân Khẩu Ý của chúng ta, để chứa đựng nước mưa thanh tịnh đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế Từ Bi, Phật điển siêu thế Từ Bi vào trong Thân Ngữ Ý, thì Ý căn của chúng ta sẽ đẩy lùi mọi áng mây đen của bất thiện nghiệp, của những năng lượng tiêu cực để chúng ta thấy được Ý căn thiện lành trong tâm của chúng ta hiển lộ, thấy rõ nó hiển lộ, và từ đó chúng ta ứng dụng Ý căn thiện lành đó vào cuộc sống để mang lại hạnh phúc cho mình, an lạc cho mình, hạnh phúc cho những người ta thương yêu, gần gũi nhất là con cái, là vợ chồng, là cha mẹ, là ông bà, là thân bằng quyến thuộc, là bạn bè, là những người trong thôn xóm, trong quốc độ chúng ta tu. Và rộng rãi lớn hơn là chúng ta hồi hướng cho muôn loài chúng sanh, cho tất cả mọi người đang sống trên trái đất này. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn mà muôn người đang sợ hãi trong cơn ôn dịch, thì chúng sanh, mọi người rất cần năng lượng Từ Bi này để an ổn thân, tâm của họ, để sống tịch tĩnh và biết hướng vào bên trong như Phật ngày xưa đã dạy: “Các con đừng hướng ngoại, đừng nhìn ra bên ngoài mà chúng ta hãy nhìn vào bên trong, hướng vào bên trong”.

Hôm nay và trong thời đại này, trong hoàn cảnh này, có những tiêu cực ta phải ở nhà nhưng vẫn có những phần tích cực là vì chúng ta bước vào được căn nhà của tâm linh, chúng ta dành thời gian không bị bốn bức tường bao bọc như nhà tù, mà chúng ta trở vào bên trong để đón nhận lại Tâm Thiện lành – Ý căn thiện lành của chúng ta, đón nhận năng lượng Từ Bi của Chư Phật qua Thiền Thất Bảo Huyền Môn, mật chú Mu A Mu Sa. Mật chú Mu A Mu Sa có sức thần thông bởi nó sẽ ban nhiều mưa Phật điển Từ Bi xuống cho Thân Khẩu Ý của chúng ta. Mà nếu Thân Khẩu Ý của chúng ta trong từng sát na dung chứa năng lượng Từ Bi, thì còn đâu những năng lượng tiêu cực, năng lượng bất thiện hiệu hữu ở trong đó nữa. Nếu chúng ta có cái này thì không có cái kia, nếu chúng ta có cái kia thì không có cái này, đó là chân lý Nhị Nguyên. Nếu chúng ta có năng lượng đại Từ đại Bi ở trong Tâm, Khẩu, Ý của chúng ta thì những năng lượng bất thiện kia nó sẽ phải nhường chỗ. Do đó, các bạn lựa chọn chứa đựng trong ba bình châu báu Thân Ngữ Ý của các bạn là năng lượng tiêu cực, năng lượng bất thiện, các bạn muốn chứa trong thân năng lượng tiêu cực, bất thiện, muốn chứa trong Khẩu của các bạn những ngôn từ tiêu cực, bất thiện, trong Ý của các bạn những năng lượng tiêu cực bất thiện hay các bạn muốn hứng và chứa đựng trong thân của các bạn năng lượng tích cực của Phật điển siêu thế Từ Bi của mười phương Chư Phật? Hay các bạn muốn chứa trong Khẩu của các bạn những ngôn từ tràn đầy những năng lượng Từ Bi của Chư Phật hay các bạn muốn chứa trong Ý căn của các bạn năng lượng Phật điển siêu thế Từ Bi?

Sự lựa chọn đó là của các bạn, không ai có thể ép buộc các bạn được bởi giáo lý của nhà Phật là chỉ đường ta đi, chứ không biến chúng ta từ điểm A đến điểm B. Thiền Thất Bảo Huyền Môn là chỉ đường cho chúng ta để nhận rõ hai nguồn năng lượng. Một nguồn năng lượng là bất thiện, là tiêu cực từ những bất thiện nghiệp ta đã tạo ra từ vô lượng kiếp và sự bất thiện nghiệp cộng nghiệp của chúng ta với những chúng sanh khác. Hai nữa là năng lượng Phật điển Từ Bi, nguồn năng lượng siêu thế Từ Bi cũng do cộng hưởng của mười phương Chư Phật với tâm phát nguyện của chúng ta để rồi nó tới, ta lựa chọn gì? Quyền của các bạn riêng biệt với những con người thực sự phát tâm Mu A Mu Sa, nghĩa là phát tâm với lời nguyện, Nguyện lực. Con nguyện Mu A Mu Sa, nghĩa là “Con nguyện mười phương Chư Phật hãy ban rải, hãy mưa Ân điển Từ Bi, hãy làm mưa Ân điển Từ Bi, mưa năng lượng Từ Bi, mưa năng lượng siêu thế, Từ Bi vào trong Thân Khẩu Ý của chúng con để Ý căn của cúng con hiển lộ Tánh Thiện lành. Chúng con rất cần Ý căn thiện lành này để biến nó thành phương tiện diệu dụng nhất trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, mang lại sự bình an, sự hạnh phúc cho muôn người”. Rất quan trọng và nó quan trọng đến mức mỗi một người chúng ta phải có Chánh Tư Duy mới nhận thức ra. Còn nếu chúng ta không dùng Chánh Tư Duy, chúng ta vội vàng phán xét, chúng ta vội vàng đưa ý kiến riêng tư của chúng ta thì tất cả những điều tốt đẹp ở trên đời này sẽ không bao giờ mà chúng ta có thể nhận thức ra được bởi chúng ta quá vội vàng chê bai, phán xét mà chẳng cho mình thực hành theo lời của Phật, tức là Chánh Tư Duy. Chánh Tư Duy là tư duy theo Luật Nhân Quả, Ác bỏ, Thiện giữ. Tư duy mà làm cho Thân Khẩu Ý luôn luôn lưu giữ, lưu hành và vận chuyển với những điều thiện mang lại an vui cho mọi người và tránh xa Ác. Đó là Nhân Quả. Tư duy theo chiều hướng của Nhân Quả Thiện Ác, bỏ Ác chọn Thiện là đúng với lời Phật dạy, tư duy như vậy chúng ta sẽ nhìn rõ ràng Pháp môn Thiền Mật Tông, Thất Bảo Huyền Môn dựa trên ba nền tảng vững chắc của giáo lý nhà Phật. Thứ nhất phải quy y và tin sâu tuyệt đối vào ba ngôi Tam Bảo: Phật Pháp Tăng, nhận Phật làm Thầy sau khi đã nghiên cứu nhìn rõ Đức Phật là Bậc tự Giác Ngộ và Chánh Đẳng Chánh Giác, và sự Điều Ngự của Ngài làm chủ được sự chết đó đã xứng đáng là một Bậc Thầy nên chúng ta quy y. Quy y nghĩa là nương nhờ vào Bậc Thầy đó để Bậc Thầy đó dạy cho chúng ta Pháp. Và chúng ta quy y Pháp là chúng ta nương nhờ vào lời dạy của Phật rồi chúng ta quy y Tăng để chúng ta nương nhờ sự hòa hợp, tâm khí hòa hợp của Chư Tăng để học con đường Pháp của Phật dạy, để xứng đáng là đồ môn của vị Thầy của mình là Phật.

Phật dạy rõ Nhân Quả trong đời, nếu nhân ác sẽ tạo ra tai họa, nhân thiện tạo ra phước báu. Hiểu rõ được điều đó bằng Trí Tuệ, ta chọn nhân thiện để tạo ra phước báu và ta bỏ nhân ác để không phải bị họa nó tới trong cuộc đời. Từ điều đó, ta còn được nghe lời Phật dạy, bởi Phật là Thầy dạy các con phải giữ Năm Giới, để Năm Giới như năm cửa khép kín, đóng kín, ngăn ngừa gió máy, gió độc, rác rưởi bay vào trong thềm Tâm thức. Khi chúng ta hoan hỷ giữ Năm Giới thì đã gọi là Giới hạnh. Giới hạnh đó cộng với hành Mười Pháp Thiện nữa, chúng ta có Giới hạnh, Giới đức. Với Giới hạnh, Giới đức và tin sâu vào Tam Bảo như vậy, chúng ta thực tập hành Pháp hành Thất Bảo Huyền Môn với hơi thở Chánh Niệm, thiền công giữ cho thân cường, tâm trong sáng để phát một lời nguyện sâu sắc vào ba ngôi Tam Bảo, xin mười phương Chư Phật rải Tâm Từ Bi, năng lượng Từ Bi xuống chúng con, bởi chúng ta là những con người nhỏ bé, chúng ta luôn luôn phát nguyện: “Con nguyện rải Tâm từ tới muôn loài chúng sanh”, thế sao chúng ta lại không đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật ban rải tới chúng ta? Các Ngài luôn luôn ban rải nhưng chúng ta xoay lưng với các Ngài. Khi chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa là chúng ta hướng tới năng lượng Từ Bi của Phật đang ban rải cho chúng ta. Chúng ta mang ba bình báu của chúng ta là Thân – Ngữ – Ý, những phương tiện tuyệt kỹ này ra hứng tràn đầy năng lượng Từ Bi đó vào để thanh tẩy, rửa sạch sẽ những năng lượng tiêu cực, bất thiện để dung chứa năng lượng cực thiện, cực thanh tịnh này để Ý căn hiển lộ được sự thiện lành, mà mang lại sự bình an cho tự thân cho mỗi người chúng ta.

Các bạn! Các bạn hãy ngồi thẳng lưng, đặt bàn tay Trí Tuệ vào trong lòng bàn tay Từ Bi, chúng ta sẽ thành tâm phát nguyện với hơi thở vào ra trong Chánh Niệm Mu A Mu Sa, để đón nhận năng lượng tích cực đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế, Phật điển siêu thế, Từ Bi vào trong Thân, Khẩu và Ý căn của chúng ta. Xin các bạn, chúng ta hãy trở về quy ngưỡng vào ba ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh để chúng con khai mở được Ý căn thiện lành.”

Các bạn hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn cùng với Bảo Thành chúng ta vừa phát nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi tới cho chúng ta và mỗi người chúng ta đã lãnh nhận được tràn đầy năng lượng này vào trong thân, tâm của chúng ta. Đức Phật dạy: không biết vào thời nào, con người nào, ai truyền dạy 3 điều này, dù người đó là ai đi nữa thì cũng đều là đệ tử nói đúng Chánh Pháp của Như Lai. Điều đó là nói về Khổ, chúng ta nói về Sanh Lão Bệnh Tử là Khổ, chúng ta tin sâu vào cái Khổ của bất thiện nghiệp, vào Nhân Quả, chúng ta nói về Khổ. Chúng ta nói về Vô Thường, Vạn Pháp Vô Thường sanh diệt, chúng ta nói về Vô Ngã là không có một Ngã tướng nào hết mà chỉ có sự tồn tại của năng lượng dưới dạng Thần thức, bởi điều đó, chúng ta không chấp vào Ngã tướng của ai là cao, là to là lớn, là đáng quý hay là bần tiện, là thông minh hay là ngu đần, là giỏi hay là khù khờ, những cái Ngã đó, Bản Ngã đó nó không có tồn tại trong năng lượng Từ Bi, bởi chúng ta luôn quán Vô Ngã, quán Vô Thường và quán Khổ. Chính vì điều đó mà hôm nay chúng ta tu tập với hơi thở Chánh Niệm thiền công, hít vào thật nhiều với khả năng có thể, đưa qua lồng ngực xuống Huyệt Khí Hải Đan Điền ở dưới bụng để đốt cháy ngọn lửa Tam Muội, để thúc đẩy ngọn lửa Tam Muội biến thành năng lượng chuyển qua Nhâm Đốc, chạy dọc theo cột xương sống lên Bách Hội, xuống Ấn Đường và Nhân Trung, thở ra. Sự vận hành theo chu kỳ từ đằng trước ra đằng sau xương sống như vậy mang lửa Tam Muội sưởi ấm toàn thân, mở các Huyệt Đạo và Luân Xa, trợ lực cho thân này là chiếc xe, là phương tiện được luôn luôn tu dưỡng, tu bổ trong năng lượng của nguồn khí đó, cộng hưởng và dung thoa với năng lượng Từ Bi của Phật để cho tâm được thanh tịnh, hiển lộ căn thiện lành trong cuộc sống.

Đây là phương pháp Thiền Mật Tông có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hơi thở Chánh Niệm và mật chú Mu A Mu Sa, cùng với sự đồng hành tin sâu vào ba ngôi Tam Bảo, Nhân Quả, hành Thập Thiện, giữ Năm Giới. Với những điều kiện cần có, các bạn thực hành cho đủ, tin chắc rằng các bạn sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng thanh tịnh để chuyển hóa tất cả mọi nguồn năng lượng bất tịnh, tiêu cực ở trong thân, tâm, và ở trong đó chỉ còn nguồn năng lượng tích cực hiện hữu để có được sự an lành trong cuộc sống.

Cảm ơn các bạn đã vừa đồng tu cùng với Bảo Thành trong 21 biến Mu A Mu Sa. Đối với các bạn nào mới vào, mới nghe, xin hãy cho phép mình thử qua một lần coi mình có căn duyên hay không? Nếu các bạn có căn duyên với Pháp môn này, các bạn thử qua một lần, chắc chắn các bạn sẽ đón nhận được năng lượng Từ Bi chuyển vào thân để làm rung động thân của các bạn, chuyển vào tâm của các bạn để các bạn nhìn rõ hơn nội tâm để mà rửa sạch nó, để chuyển hóa nó, tìm được nụ cười an vui trong Chánh Pháp.

Cảm ơn các bạn đã đồng tu với Bảo Thành! Mô Phật!

Nếu các bạn nào đang ở trên kênh YouTube, trải qua một tiếng đồng hồ chúng ta đồng tu với nhau và nghe hướng dẫn, có những điều gì các bạn muốn hỏi, xin các bạn nhắn tin. Bảo Thành sẽ đọc qua, tùy theo thời gian cho phép sẽ hướng dẫn thêm cho các bạn, và đặc biệt nhất, Bảo Thành cảm ơn các bạn đã đăng nhập vào kênh YouTube này để sắp xếp thời gian đồng tu với Bảo Thành trong những lúc như vầy rất tốt cho chúng ta đồng tu. Chúng ta đã đồng tu về tụng Kinh, về bái sám, chúng ta đã đồng tu về các Pháp học như là nghe giảng từ những Bậc Thầy tôn quý như những Đức Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni rồi. Kinh sách đã đọc nhiều như nghe trên mạng, nghe thuyết pháp nhiều rồi, các bạn có khi nào hỏi là: “Đã dành một chút thời gian nào để thực hiện Pháp hành, hành công phu để làm chủ được hơi thở, làm chủ được Tâm – Ý căn thanh tịnh, làm chủ được hơi thở Chánh Niệm, sống trong hiện tại hay không?” Hay các bạn lại rong ruổi theo những ý nghĩa cao siêu để miệt mài trượt về với những tư tưởng của quá khứ hoặc miên man bay bổng vào trong tương lai mà quên ngay hiện tại này, thì Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn là Pháp hành công, là Pháp hành giữ cho các bạn sống được ngay trong Chánh Niệm này và huân tu để tạo ra nguồn năng lượng vi diệu Từ Bi đón nhận được từ mười phương Chư Phật để thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Vấn Đáp

Câu 01. Thưa Thầy trong suốt thời gian Thầy giảng, con sẽ giữ nguyên tư thế như lúc trì chú phải không ạ?

Khi bắt đầu, đây là buổi đồng tu, trong lúc tu Thầy có giảng sơ qua dẫn ý thì trong lúc Thầy khai thị, Bảo Thành dẫn ý dài hơn trong đề mục này. Tất cả các bạn ngồi yên như vậy để đón nhận Phật điển, dùng Nhĩ căn của mình để nghe là được rồi. Hãy ngồi yên để lắng nghe trong khi Bảo Thành nói.

Câu 02. Chúng ta hay nguyện rằng: “Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi”. Ý nguyện đó là ý nguyện của mình để mà xin năng lượng Từ Bi do Chư Phật ban rải cho tất cả chúng sanh, đó là do sự chủ tâm, nghĩa là do sự tu luyện của mình chủ động trong đây là xuất phát từ Ý trước phải không ạ? Tại vì theo con nghĩ Nguyện lực là do ý muốn của cá nhân mình, bản thân mình, mà khi đã nguyện cầu thì nó lại là sự thụ động để mà xin cầu Chư Phật ban xuống. Điều này hơi nhập nhằng trong tư tưởng của con. Mong Thầy giải thích thêm giúp con ạ?

Để tỏ lòng kính trọng, chúng ta dùng chữ “nguyện cầu”. Cầu nghĩa là thành kính phát nguyện. Cầu không phải là cầu xin, van nài. Cầu là thành kính. Nhiều người định nghĩa cầu là van xin, cầu là cầu lụy. Nhưng đối với Bảo Thành, cầu là thành kính nguyện xin. Ví dụ, trời mưa thì trời đã mưa, chúng ta không thể làm cho trời mưa được, nhưng khi trời mưa, ta muốn khởi ý là muốn để cho nước mưa rơi xuống đất chảy đi chỗ khác hay chúng ta muốn hứng nước mưa mang vào sử dụng? Nếu chúng ta hứng thì chúng ta phải mang bình ra để hứng, bình đó là Thân Ngữ Ý, khi chúng ta phát nguyện như vậy, không phải là tự nhiên trời mưa xin cầu trời mưa, không phải là ta nguyện như vậy mà Đức Phật ban rải, bởi Phật luôn ban rải năng lượng Từ Bi, như chúng ta luôn rải Tâm Từ tới muôn loài thì Phật luôn rải năng lượng Từ Bi xuống cho chúng sanh.

Nguyện ở đây nghĩa là chúng ta chủ động với ý thiện đón nhận mưa Ân điển của Phật vào hay chủ động với ý bất thiện: “Ừ! Trời mưa thì mặc trời mưa, Phật muốn làm gì cũng kệ, bây giờ tôi không sao thì tôi kệ, ông Phật muốn đi lang thang ở ngoài nhà, đi hết cửa này cửa kia gõ thì tôi cũng không có mở. Nhưng đến khi tôi bệnh hoạn hoặc đau khổ thì tôi mới chạy tới Chùa để gõ tượng Phật, tôi xin”, thì con người trong Ý căn có 2 cái, mình đang nói ở cảnh giới làm người nghe con, nếu cảnh giới là Phật thì đã không còn khởi ý nữa, nhưng mà ta tác ý như Pháp, Pháp của nhà Phật là Pháp Thiện, tác ý như Pháp Thiện, cho nên phải tự tác ý Thiện, thành kính đón nhận mưa Ân điển của Phật vào. Phật không phải là xin mới ban mưa đó, mà mưa Ân điển Từ Bi, năng lượng Từ Bi của Phật luôn mưa xuống cuộc đời của chúng ta. Cuộc đời của chúng ta khô cằn là do chúng ta nhốt kín vào, che kín nên nó không thể vào được. Nay chúng ta Mu A Mu Sa là chúng ta tác ý theo Pháp Thiện, chủ động với ý của mình, mà ý Thiện chứ không phải ý Ác. Chúng ta luôn luôn có 2 luồng ý chủ động, một là Ác, hai là Thiện, một là bất thiện, hai là thiện, chứ không khi nào tự nhiên mà khởi ý, bất cứ việc nào cũng luôn có sự chủ động của ý đúng không? Mà ý ta làm chủ cái Thiện hoặc cái Ác mà thôi.

Bây giờ, chúng ta thực tập Pháp môn Thiền hơi thở Chánh Niệm Mu A Mu Sa là chúng ta tác ý Thiện, tự làm chủ với ý Thiện, xin mở toang cửa hứng năng lượng đại Từ đại Bi luôn luôn mưa xuống cuộc đời, chúng ta không đóng kín cửa nữa, chúng ta mở cửa ra, chúng ta ra ngoài đó đón nhận và chúng ta mở cửa để mời Phật trụ thế vào cuộc đời của chúng ta, thỉnh Phật trụ thế.

Đúng! Chúng ta phải chủ động tác ý như Pháp Thiện, tác ý như Pháp mà Pháp này là Pháp gì, Pháp Thiện là Thiện Pháp, chứ không phải Pháp Ác. Cho nên đúng, có sự tác ý, có sự chủ động, nhưng “cầu xin” phải hiểu là thành kính phát nguyện, chứ không phải là cầu xin, van lụy để được. Chữ “cầu” phải dịch là con thành kính phát nguyện, chứ chữ “cầu” ở đây có nhiều ý nghĩa, họ muốn dịch là cầu xin van nài, cầu để được, cầu này, cầu kia đó là Tâm Tham, biến Phật thành ông Thần ban bố cho thì ý cầu đó là định nghĩa của những người đó. Nhưng định nghĩa của Thiền Mật Tông, “cầu nguyện” ở đây là thành kính phát nguyện: “Con sẵn sàng đón nhận mưa Ân điển, mưa Từ Bi của Phật đang mưa từ vô thủy vô chung mà con đã bỏ quên, con đã đóng kín cửa, con đã xoay lưng lại, nay con quay đầu về, con thành kính đón nhận”. Cũng như đứa con nó đã bỏ đi hoang từ bao nhiêu năm, nó mới nhận ra mẹ là tình yêu, nó trở về nó gõ cửa và nói: “Mẹ ơi! Con đã trở về, xin mẹ hãy mở cửa, mẹ đã yêu thương con từ thuở con ra đi, nay con trở về để đón nhận tình mẹ”, thì y như vậy, Phật là những người mẹ mà chúng ta từ bỏ mẹ yêu của mình để mà ra đi vào miền Vô Minh tăm tối, nay nhận được bởi nghe khai thị, đã quay trở về và cầu nguyện, nghĩa là thành kính phát nguyện: “Con xin trở về nương nhờ vào Phật Pháp Tăng, tin sâu Nhân Quả, giữ Năm Giới, hành Thập Thiện để con xin đón nhận tình thương của Phật, lòng Từ Bi của Phật ban rải vào đời của chúng con vô lượng kiếp qua, con đã lầm chấp, mê không thấy, đóng kín cửa Tâm thức của con để lao mình vào Vô Minh. Nay con nhận biết rồi, con trở về, con phá tan cửa Vô Minh này để con bước qua bên kia, sẵn sàng đón nhận Ân điển của các Ngài.”

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts