Search

Bài 1012: Khai Mở Trí Tuệ – Mu A Mu Sa

 

Bài giảng

Cao quý nhất của Đạo Phật là sự Giải Thoát bởi trí tuệ. Khi có trí tuệ mới giải thoát được. Do đó, khi mỗi người chúng ta tiếp nhận năng lượng Từ Bi bởi ta có nhân duyên tu tập Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn. Có nhân duyên là bởi do ta có đức tin vào Phật – Pháp – Tăng, có đức tin bền vững, trung kiên, bất thối vào Nhân Quả và giữ được Năm Giới của nhà Phật, đồng hành trên những Pháp Thiện mà Đức Thế Tôn đã dạy. Từ đó, khi ta tu tập Pháp môn này ta sẽ lãnh nhận được sự ban rải năng lượng siêu thế, đại Từ đại Bi của Chư Phật tới với thân, tâm của ta. Và thân của ta sẽ được tăng trưởng những Pháp Thiện, thân của ta sẽ làm cho những phước báu nhiều đời được tăng trưởng, được trỗi dậy và phát huy để thành tựu những Pháp Lạc trong cuộc sống. Còn tâm của ta sẽ được tới những cảnh giới trí tuệ cao hơn và vượt trội hơn cảnh giới trí tuệ của loài người.

Trí tuệ của nhà Phật được gọi là Trí Tuệ Bát Nhã, trí tuệ của phàm phu được gọi là kiến thức ở đời. Cả hai loại trí tuệ này, Trí Tuệ Bát Nhã và trí tuệ phàm phu đều được tăng trưởng bởi nó được tưới tẩm năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật mà mỗi người chúng ta nếu nuôi dưỡng Trí Tuệ Bát Nhã, trí tuệ phàm phu bằng năng lượng này thì trí tuệ của ta sẽ được trưởng thành hơn, tăng trưởng hơn, hướng Thượng hơn và nhờ sự tăng trưởng trong Pháp Thiện, đón nhận năng lượng vi tế, năng lượng siêu thế, năng lượng Thiện Từ Bi của Chư Phật mười phương mà phước báu đó dần dần tăng trưởng và trí tuệ của ta cũng tăng đồng nhịp với sự tu tập như vậy.

Trí Tuệ Bát Nhã được tóm gọn trong định nghĩa rằng: “Người có Trí Tuệ Bát Nhã là người tin sâu vào Nhân Quả, sẽ hiểu được Nhân Quả, người có Trí Tuệ Bát Nhã sẽ hiểu rõ những lời của Đức Phật, của Pháp Phật và của Chư Tăng hướng dẫn để tăng trưởng thêm niềm tin vững bền vào Nhân Quả.

Trí Tuệ Bát Nhã là trí tuệ tin sâu vào Nhân Quả, trí tuệ của con người là trí tuệ kiến thức gọi là kiến thức học hỏi để ứng dụng trong xã hội, cuộc sống, khoa học, y học, xã hội học, triết học, trong tất cả những nền học thức mà con người nghiên cứu tìm tòi để ứng dụng vào đời sống, đó gọi là kiến thức của loài người.

Năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật khi ta tu tập và đón nhận được nó tăng trưởng Trí Tuệ Bát Nhã tin sâu vào Nhân Quả, hiểu được Nhân Quả, Phật – Pháp – Tăng và hành Pháp Thiện, đồng hành với giữ Năm Giới, trí tuệ này gắn liền như vậy. Thế nên, chúng ta càng tu thì chúng ta càng tiếp nhận được năng lượng siêu thế của Phật tưới tẩm vào thân, tâm để nuôi dưỡng niềm tin, đức tin vào ba ngôi Tam Bảo, nuôi dưỡng hiểu biết thâm sâu vào Nhân Quả và giữ cho ta có được Tâm Kiên Định để giữ Năm Giới và hành Pháp Thiện. Từ điều đó giúp cho ta có được Trí Tuệ Bát Nhã và thoát khổ, tìm tới bến bờ an lạc một cách nhẹ nhàng, thong dong hơn. Khi ta từ bỏ Vô Minh tới bờ Giác, khi ta đi từ đau khổ tới hạnh phúc, đi từ những miền Tâm thức bất tịnh tới thanh tịnh là ta đang tiến về đích được giải thoát. Cho nên, khi ta nuôi dưỡng bằng năng lượng siêu thế, đại Từ đại Bi của Phật, trí tuệ này nó được tăng trưởng từng ngày, từng giờ.

Còn kiến thức của loài người như kiến thức trong học đường mà những ai còn đang là học trò, kiến thức nơi công việc, kiến thức nơi cuộc sống, kiến thức về những điều gì đó mà phước báu của ta đã có được từ tiền kiếp, nay ta mang tới kiếp này thì nuôi dưỡng nó, tưới tẩm bằng năng lượng siêu thế, Từ Bi thì những kiến thức đó là phước báu, nó sẽ mở ra để cho ta nhận được rõ hơn ta có kiến thức về môn gì, ta có phước báu về điều gì để ta tăng trưởng phước báu đó hơn, để khai mở phước báu đó, để tăng trưởng những kiến thức đó lên, phát triển nó để phục vụ cho đời sống của chúng ta.

Nếu như ta không có phước báu trong kiếp này để có được những kiến thức về những môn học ở đời thì ta tu Mật chú Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa, ta nuôi dưỡng và tăng trưởng phước báu Thiện do lực Từ Bi siêu thế của Phật. Ta sẽ có được phước báu để tăng trưởng những kiến thức ở đời, nếu ta gia tăng nghiên cứu trong trường học, trên sách vở hoặc trên Kinh văn. Ngay trong kiếp này, ta đọc qua, ta học qua, ta sẽ có cơ hội lĩnh hội được những môn học đó nhanh hơn, dễ dàng hơn người thường.

Năng lượng siêu thế của Chư Phật mà khi ta tu tập Pháp Bảo Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa sẽ nuôi dưỡng và trưởng dưỡng tất cả mọi phước báu của quá khứ mang tới hiện kiếp này và tăng trưởng những phước báu ta chưa có.

Do đó, hôm nay Thầy nói để mọi người chú tâm rằng: “Khi ta tu tập Pháp môn này, ta sẽ tăng trưởng được phước báu và khai mở được trí tuệ của Phật Tánh, trí huệ của loài người, tăng trưởng kiến thức trong cuộc đời để làm giàu vốn sống và mang lại sự lợi lạc cho ta và cho nhiều người. Nó rất quan trọng bởi không có một năng lượng nào có thể làm sống lại tất cả, không có nguồn năng lượng nào có thể khơi lại sự sống từ trong cõi chết, chỉ có năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật, Mu A Mu Sa mới có đầy đủ năng lượng vượt trội lên trên tất cả mọi năng lượng để làm sống lại tất cả những phước báu ta đã có từ đời trước, để làm tăng trưởng những phước báu ta chưa có trong đời này và làm cho ta sống lại nguồn an vui ngay hiện tại mà đã chết bởi bất thiện nghiệp nhiều đời ta đã gây ra.”

Vì vậy, mỗi một người trong chúng ta khi tu tập nên nhớ rằng: “Năng lượng này sẽ tăng trưởng trí tuệ cho chúng ta, sẽ giúp cho kiến thức sống ở đời tốt đẹp hơn, giúp cho ta tăng trưởng về cả ba phương diện Ý, Ngữ và Thân. Ý sẽ khởi lên Chánh Niệm thanh tịnh. Khẩu sẽ biết khởi lên, áp dụng những ngôn ngữ Từ Bi, nhẹ nhàng, ngọt ngào, dễ thương để không làm cho ta và người khi tương tác phiền lòng, phiền não và đau khổ. Thân sẽ tràn đầy những năng lượng Từ Bi để chúng ta tạo ra những hành động tương thân, tương ái giúp cho cuộc đời được nhẹ gánh lo âu, giúp cho chúng ta được sống an vui và khỏe mạnh.”

Chính vì Thân, Ngữ, Ý chúng ta luôn tịch tĩnh trong năng lượng siêu thế, Từ Bi của Mu A Mu Sa, của mười phương Chư Phật mà mỗi người chúng ta dần dần tăng trưởng phước báu của quá khứ mà mang tới kiếp này, tăng trưởng được phước báu kiếp này ta chưa có, nó sẽ được nuôi dưỡng, hòa quyện vào với nhau. Hai loại phước báu của tiền kiếp và hiện kiếp mà nó tăng trưởng đồng loạt cùng một lúc và trí tuệ của chúng ta sẽ được khai mở.

Thế nên, mỗi người nên nhớ phải cố gắng tu tập và cố gắng nuôi dưỡng Thân − Ngữ − Ý của ta bằng năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật, bằng năng lượng của niệm Mật chú Mu A Mu Sa một cách miên mật. Không những cho ta mà ta còn niệm Mật chú đó để hồi hướng cho tất cả các bạn đồng tu, cho thế giới, cho nhân loại, cho tất cả mọi chúng sanh để mọi chúng sanh trong sáu cảnh Luân Hồi, Lục Đạo đều nương vào đại Hùng đại Lực năng lượng siêu thế, Từ Bi của Chư Phật  mà tăng trưởng phước báu của Trí Tuệ Bát Nhã và kiến thức ở đời để hòa nhập giữa Đạo và Đời, tăng trưởng thêm phước báu, mang lại nguồn an lạc, hạnh phúc để người người, muôn người chúng ta thoát khổ và tìm được sự an lạc tịch tĩnh nơi thân, nơi tâm mà ta sẽ cống hiến sự tịch tĩnh, an lạc đó cho tất cả để thế giới thêm hòa bình, để thế giới bớt âu lo, bớt sợ hãi và cho thế giới nhỏ bé là thân, tâm của chúng ta luôn an, luôn hạnh phúc.

Điều đó quan trọng vô cùng bởi vậy mỗi người chúng ta phải ý thức được điều đó để ta tu tập thường xuyên, tu tập miên mật, không đứt đoạn, phải làm sao cố gắng, cố gắng hơn, cố gắng vượt trội hơn để trong giai đoạn này mỗi người chúng ta là những con người biết chăm sóc cho miền đất Tâm của mình, biết lượm lặt những điều không cần thiết bỏ qua một bên, biết tôn vinh những cái đẹp trong cuộc sống và xiển dương những Pháp môn tu tập phù hợp với căn duyên của mình để cho mình và cho mọi người thấy rằng là trong cuộc đời này, trong cuộc sống này vẫn còn muôn điều kỳ diệu, tàng ẩn trong kiếp người.

Khi ta đi tới một Chùa, Tịnh Thất, nhất là Chùa xưa, các Tịnh Thất xưa, ở các cổng Chùa thường đề bốn chữ “Duy Tuệ Thị Nghiệp” nghĩa là: “Chỉ có Trí Tuệ mới có thể chuyển được nghiệp chướng của ta”. Người Vô Minh, kẻ không có trí tuệ không bao giờ chuyển hóa được nghiệp chướng. Chính trí tuệ giúp cho tất cả mọi dòng nghiệp chướng, nghiệp thức được hiển lộ để chúng ta chuyển nó.

Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mật chú Mu A Mu Sa là mỗi người chúng ta luôn hướng Thượng, luôn hướng tới ba ngôi Tam Bảo, luôn hướng tới Chư Phật mười phương, chúng ta luôn gắn kết với mạng mạch của cuộc đời, với mười phương Chư Phật  để luôn luôn trong từng hơi thở, trong từng sát na Chánh Niệm của mình, chúng ta đón nhận được năng lượng siêu thế của mười phương Chư Phật, năng lượng Từ Bi đó và mỗi một người chúng ta nương nhờ năng lượng Từ Bi đó, nuôi dưỡng Tánh Thiện, nuôi dưỡng trí tuệ, tăng trưởng phước báu.

Phước báu cũng có sự sống, nếu ta không nuôi dưỡng nó, nó sẽ héo khô và chết đi. Nếu ta nuôi dưỡng phước báu và tưới tẩm nó bằng năng lượng Từ Bi của Phật, năng lượng siêu thế của mười phương Chư Phật trong từng hơi thở Chánh Niệm, tin sâu vào Tam Bảo, Nhân Quả và giữ Giới, hành Pháp Thiện thì chắc chắn phước báu kiếp trước lưu truyền đến kiếp này sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn. Còn như những phần phước báu nào ta chưa có, chưa kiến lập được cũng vì ta tu tập như vậy mà ta sẽ kiến tạo được những phước báu như vậy trong hiện kiếp này, những điều mơ ước nằm ngoài tầm tay chính là vì ta không có phước báu. Cho nên, ước mơ đó sẽ thành tựu nếu ta tăng trưởng theo nhịp độ tu tập để có phước báu thì ước mơ đó sẽ thành hiện thực.

Nhắc lại “Lực bất tòng Tâm” ở chỗ là chúng ta có được phước báu trong tiền kiếp. Thầy ví dụ: “Phước báu tức là những thiên tư về kiến thức ở đời, phước báu về những điều Thiện hảo, tin sâu Tam Bảo và đời sống Phật Pháp, đó là hai loại phước báu. Phước báu của loài người về Trí Tuệ Bát Nhã là phước báu xuất thế gian, còn phước báu về kiến thức của loài người để sống là phước báu tại thế gian.

Phước báu mà người ta gọi là phước báu Vô lậu và phước báu Hữu lậu. Phước báu xuất thế gian là phước báu Vô lậu tức là không còn rỉ ra phiền não và đau khổ, còn phước báu Hữu lậu là những kiến thức ở đời vẫn còn những phiền não xen kẽ nhau. Hai loại phước báu đó đều luôn tồn tại trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta cần phải tăng trưởng cả hai trong khi đang mang kiếp làm người, tăng trưởng phước báu làm người trong kiếp người để lấy phước báu ở Đời đó nuôi dưỡng phước báu của Đạo. Lấy phước báu của Đạo để nuôi dưỡng phước báu ở Đời, bời vì Đời và Đạo song hành cùng với nhau. Chúng ta không thể tách rời ra được, nếu không nương nhờ vào phước báu của thân, tâm này thì Đạo kia cũng khó có thể tăng trưởng. Thần thức của ta nương nhờ vào phương tiện làm người mà Đức Phật khai thị, khi chúng ta mang kiếp làm người, phương tiện mang thân người là vi diệu do thân, tâm có diệu dụng phi thường để tăng trưởng phước báu Vô lậu, phước báu giải thoát.

Do đó, chúng ta phải tận dụng được những kiến thức ở đời. Mà để tăng trưởng kiến thức ở đời thì Pháp tu này khi ta dung nạp được năng lượng Từ Bi, siêu thế của Phật kiến thức hiện có sẽ được tăng trưởng, kiến thức chưa có dần dần sẽ được bồi đắp, được tu dưỡng, được học hỏi và tiếp thu một cách nhanh hơn để thành tựu được nó. Đây là một Pháp môn tăng trưởng cả Đời và Đạo, kiến thức của chúng ta dần tăng trưởng theo chiều hướng hướng Thượng, hướng đến Phật Pháp, hướng đến điều Thiện. Đây là hiện thực, rõ ràng bởi biết bao nhiêu người tu Pháp môn này đã thành tựu được điều đó.

Nếu như về một phần nào đó mà chúng ta mong muốn mà nó chưa thành có nghĩa là phước báu của chúng ta chưa có, chúng ta chú tâm tu tập nữa và tăng trưởng phước báu thì nhất định một mai phần kiến thức đó sẽ tới với chúng ta qua sự gia công tìm tòi, tu luyện và học hỏi, chứ không phải chúng ta tu vầy mọi kiến thức nó tới. Mọi kiến thức đều sẽ tới một cách nhanh hơn nếu chúng ta tăng trưởng phước báu và thành tâm nghiên cứu học hỏi, nó hỗ trợ để chúng ta học nhanh hơn, hiểu nhanh hơn và thành tựu nhanh hơn.

Tất cả mọi kiến thức ở đời cũng như những kiến thức về Phật học đều phải tu tập, nghiên cứu và học hỏi, không thể ngồi một chỗ ước là được. Điều uớc mà được là mỹ từ nói cho vui, nói cho dễ nghe nhưng điều ước mà được nó có, nó có bởi vì chúng ta siêng năng công phu tu tập và tăng trưởng phước báu hướng Thượng, hướng đến Phật. Cho nên, chúng ta cũng có thể gọi “Ước mà được” nhưng “Ứớc sẽ không được” nếu chúng ta không tăng trưởng phước báu, không hành Thiện, không tu luyện, không học hỏi thì điều ước đó không bao giờ thành tựu được.

Tin chắc rằng, mỗi một người chúng ta khi tu tập, tiếp thu được năng lượng Từ Bi của Phật, năng lượng siêu thế này vào trong thân, tâm của mọi người. Nói theo ngôn ngữ dân gian, mỗi người chúng ta sẽ hình thành được một viên ngọc ước từ phước báu do công phu tu tập, tin sâu vào Tam Bảo: Phật – Pháp − Tăng, tin sâu vào Nhân Quả, giữ Năm Giới, hành Pháp Thiện, tu Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn với ba phương pháp như vậy cùng đồng hành cùng tu với nhau, chúng ta sẽ hình thành và tăng trưởng thật nhiều phước báu để có viên ngọc ước trong lòng bàn tay để từ đó ta có thể ước được muôn điều Thiện và có thể hành được điều Thiện đó.

Nên nhớ khi có viên ngọc ước rồi, chúng ta chỉ ước hành những Pháp Thiện mà thôi, nếu như ta ước hành những Pháp Ác thì viên ngọc ước sẽ vô dụng ngay. Bởi vì khởi một Niệm Ác, bao nhiêu phước báu tích lũy được đều tiêu tan. Vì vậy, khi khởi một Niệm Thiện thì viên ngọc ước này có tác dụng liền giúp cho ta thực hành được những điều ước đó và nếu như khởi một Niệm Ác để vận dụng viên ngọc ước thì viên ngọc này sẽ biến mất và tiêu tan vì năng lượng Ác sẽ thiêu cháy tất cả những phước báu nhỏ bé của chúng ta.

Ác sẽ giết chết những điều Thiện này. Thế nên, chúng ta phải luôn luôn nghĩ về điều Thiện, luôn luôn hành điều Thiện và ngưng điều Ác thì viên ngọc ước này vẫn luôn tồn tại với chúng ta. Do đó, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy hãy siêng làm điều Thiện để có viên ngọc ước này và bỏ ngay điều Ác để Tâm ta Thanh Tịnh hòa quyện với năng lượng của viên ngọc ước này mà ước mong cho ta và muôn chúng sanh thực hành được Thiện Pháp, mang lại lợi lạc cho muôn người. Đó là điều mà ta nói cho dễ hiểu theo ngôn ngữ đời thường, nói để phân biệt được cái Ác và cái Thiện.

Không bao giờ để cho Tâm của ta có cơ hội hướng về điều Ác, khởi lên những Niệm Ác. Nếu mỗi khi chúng ta hướng về điều Ác, khởi lên Niệm Ác thì ta phải nhiếp tâm hít vào, nguyện xin Chư Phật rải Tâm Từ, năng lượng siêu thế đến muôn loài chúng sanh và thở ra Mu A Mu Sa thì ta gắn liền với năng lượng đó để nương nhờ vào năng lượng Thiện Từ Bi của Phật đó, năng lượng siêu thế đó, khởi lên những Niệm Thiện ngay lập tức.

Khi chúng ta hướng đến Phật, hướng đến lòng Từ Bi của Phật, khi ta niệm Phật hướng Thượng, Niệm Từ, Niệm Bi, Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới. Mu A Mu Sa là chúng ta niệm tất cả bởi khi chúng ta có nhân duyên tụng niệm Mu A Mu Sa là chúng ta đã tin vào Phật – Pháp – Tăng, mà khi niệm Mu A Mu Sa tức là chúng ta Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, mà khi chúng ta Niệm về Nhân Quả, Niệm về Năm Giới, và hành Thiện rồi ta còn Niệm hướng về mười phương Chư Phật để gắn kết với năng lượng Từ Bi của các Ngài tức là Niệm Từ, Niệm Bi, Niệm Hỷ và Niệm Xả.

Cho nên, một câu Mật chú bốn chữ: “Mu A Mu Sa”  có công dụng Niệm tất cả những điều Thiện để hướng Thượng nên hiệu ứng mà ta lãnh nhận được năng lượng siêu thế thật là rõ ràng, rõ nét, nó tràn vào trong thân, nó cảm hóa Tâm của ta để ta tăng trưởng đời sống bền vững trong đức tin với Tam Bảo, với Nhân Quả và hành được Năm Giới, miên mật từng hơi thở và làm được những Pháp Thiện, siêng năng, tinh tấn tu Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, Mu A Mu Sa.

Vấn đáp

1. Tổng hợp câu hỏi

1. Có cách nào để chứng nghiệm sự tác động của Mật chú Mu A Mu Sa làm Khai Mở Trí Tuệ vào kiến thức mà mình đang học không ạ?

2. Con có nghe nói chuyện cắt duyên âm và hầu đồng, xin Thầy cho con hỏi hai chuyện đó là sao ạ?

3. Con bị khó ngủ, trước khi đi ngủ con hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật con mới ngủ dược, cho con hỏi bây giờ con chuyển qua con niệm Mật chú này có được không? Giữa câu niệm Phật và Mật chú Mu A Mu Sa này có gì giống và khác nhau ạ?

4. Gia đình con có người đang học Thiền Vipassana thì so với Thiền Thất Bảo Huyền Môn này thì có gì giống và khác nhau?

5. Nếu như mình tu tập theo Pháp môn này thì việc đọc Kinh, nghe Pháp là có cần thiết không hay là mình chỉ cần ngồi thiền và trì Mật chú thôi ạ?

6. Khi con ngồi thiền, con tập trung theo dõi hơi thở nhưng khoảng chừng một lát, không hiểu sao con bị nín thở nên con không thể theo dõi hơi thở được nữa mà con chỉ ngồi bình thường thôi, vậy thì con phải làm sao ạ?

2. Giải đáp

Câu 01. Có cách nào để chứng nghiệm sự tác động của Mật chú Mu A Mu Sa làm Khai Mở Trí Tuệ vào kiến thức mà mình đang học không ạ?

Khi chúng ta gieo một hạt giống vào lòng đất, chúng ta chưa thấy gì, nhưng chúng ta tưới tẩm vào hạt giống trong lòng đất đó đủ nước, đủ phân, một mai nó trổ mầm, vươn lên mặt đất chúng ta sẽ thấy được chứng nghiệm cái cây đó đã mọc và tiếp tục nuôi dưỡng nó sẽ trổ hoa, trái. Chúng ta có cơ hội để chứng nghiệm sự thành tựu do tu tập Pháp Bảo Mu A Mu Sa này để tăng trưởng kiến thức và phước huệ của mình.

Hôm nay, chúng ta nói tăng trưởng một cách rộng rãi, chưa đi vào chi tiết về vấn đề gì? Trong những ngày tới Thầy sẽ nói rõ hơn tăng trưởng lòng Từ Bi, tình thương, nhân ái, tăng trưởng những phước báu này, phước báu kia chi tiết hơn để chúng ta có cơ hội quán chiếu sự tăng trưởng nơi mỗi người.

Mỗi người có một hạt giống, chủng tử khác biệt do tiền kiếp mang tới, nếu con tu tập Pháp môn này con sẽ chứng nghiệm được sự tăng trưởng. Ví dụ: “Hôm qua hay những tháng năm trước khi chưa tu, một vấn đề đó chúng ta làm thường hay bế tắc hoặc chỉ thành tựu ở một mức đó, nó đòi hỏi một ngày, hai ngày, đòi hỏi một tiếng, hai tiếng, một phút, hai phút. Nhưng sau khi chúng ta tu rồi năng lượng Từ Bi đó nó được tưới tẩm nuôi dưỡng trí tuệ của ta, khi nó nuôi dưỡng trí tuệ của ta rồi thì chúng ta bỗng nhiên thấy rằng cái này ngày xưa mình học lâu lắm, làm lâu lắm mà bây giờ trong chốc lát tôi đã thành tựu được nó rồi.”

Theo như kinh nghiệm của riêng bản thân Thầy đã trải sau nhiều năm tu tập, có nhiều vấn đề hồi xưa Thầy rất là dở, Thầy không đầy đủ phước báu như những người khác, được học hành hẳn hoi, trên những môi trường đầy đủ kinh điển và sách vở. Thầy chỉ được chỉ dạy nuôi dưỡng và tưới tẩm năng lượng Từ Bi của Phật vào trong Tâm Phật của Thầy mà thôi và trải qua nhiều năm tháng tu tập Thầy chứng nghiệm được rằng thật là nhiều vấn đề, khi điều đó khởi lên thì Tâm của Thầy quán chiếu Thầy liền hiểu một cách rõ ràng chi li về vấn đề đó, nó giúp cho Thầy được nhẹ nhàng bởi Thầy hiểu vấn đề rõ, nhìn rõ vấn đề và nhìn rõ Nhân Quả trong cuộc sống.

Cho nên, con hãy nhìn lại những môn mà con áp dụng vào, một môn gì đó để con trải nghiệm thử, Thầy ví dụ: “Con cũng có thể trồng cây, trồng một cái cây bình thường trong mùa xuân này, trồng một cây bông, cũng tưới tẩm bình thường như vậy nhưng khi con tưới con niệm Mật chú Mu A Mu Sa con rải năng lượng Từ Bi của Chư Phật qua thân, tâm của con tới hạt giống đó, con sẽ thấy cây đó mọc lên khác biệt với cây con không niệm Mật chú với nó.

Ngược lại, con nhìn lại những điều con đang làm, con là một nhạc sĩ, con là một nhà thơ, con là một ca sĩ thì khi con niệm Mật chú này, con hồi hướng công đức tăng trưởng phước báu của con thì cảm giác của con, cảm xúc của con với thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của con, nó được gắn kết bao dung hơn, bao trùm hơn, nó không còn là còn chỉ là những nỗi niềm riêng tư của con, con viết lên những cung bậc thăng trầm trong nốt nhạc hoặc những ca từ do chính con nữa mà cảm xúc của con lan tỏa bao trùm tất cả những cảm xúc của người khác. Cũng như con bước vào một vườn hoa, con thấy tất cả những loài hoa đều có hương, sắc đẹp riêng của nó và khi con tu tập Pháp môn này con có cơ hội lĩnh hội muôn vẻ đẹp từ những cảm xúc từ tất cả mọi người, nếu như con là một nhà phối khí, phối âm, phối lại tất cả mọi cảm xúc đó thành những chuỗi nhạc mang lại sự rung động chung nên những ca từ, những nốt nhạc mà con sáng tác ra sẽ làm rung động nhiều người hơn và con thấy khi con sáng tác như vậy, con sẽ thấy nhẹ nhõm, nhanh hơn, dễ dàng hơn. Đó là sự kiểm chứng bởi vì môn học đó là môn học con ưa thích và hãy mang môn học đó áp dụng vào để con kiểm chứng được rằng có sự khác biệt bởi năng lượng, Thần lực vi diệu của Mu A Mu Sa.

Câu 02. Con có nghe nói chuyện cắt duyên âm và hầu đồng, xin Thầy cho con hỏi hai chuyện đó là sao ạ?

Tất cả hầu đồng và các Pháp môn khác như Bùa Ngải, hầu đồng, lên cốt, cầu cơ, Thần quyền, năm ông,…tất cả những điều đó cũng do năng lượng. Mặc dù, khi hầu đồng người ta vẫn nói đó là năng lượng của các vị Thánh. Chư Phật nói Chư Thiên, Chư Thần, Chư Thánh dù là ở cảnh giới Thiên, Thần, Thánh đó thì cũng nằm trong Lục Đạo, vẫn còn nương nhờ vào phước báu, có điều họ có phước báu nhiều hơn chúng ta mà thôi. Họ vẫn còn Tâm Tham – Sân − Si và chưa thoát khỏi điều đó, họ chưa thành Bồ Tát, Chư Phật nên vẫn còn lệ thuộc vào Tâm Tham – Sân − Si và thọ hưởng phước báu khi xưa họ tu tập.

Khi hầu đồng, hầu bóng, cầu cơ là chúng ta nương nhờ vào năng lượng của những vị Thánh, những vị Thần, Chư Thiên đó để ta thành tựu được phước báu của Nhân − Thiên, tức là chỉ phục vụ cho điều mà con người mong muốn. Cũng như con và Thầy vậy, chúng ta là người, con có thể nhờ Thầy, mượn Thầy cái này, mượn cái kia nhưng con mượn Thầy con phải trả cho Thầy thì Chư Thiên, Chư Thần, Chư Thánh khi cầu cơ hoặc hầu đồng, hầu bóng thì chúng ta cũng nương nhờ các người đó trong cảnh giới Luân Hồi này để giúp ta phần này, phần kia thì điều mà ta tiếp nhận được năng lượng đó là năng lượng Hữu hạn của chúng sanh trong Lục Đạo Luân Hồi. Cũng tốt thôi, như Thầy giúp đỡ con, con giúp đỡ người khác, chúng ta tương hỗ với nhau. Nhưng vì Đức Phật thấy, chính vì chúng ta không hướng Thượng đến sự Giải Thoát mà chỉ cầu thành tựu được phước báu Nhân − Thiên để phục vụ cho nhu cầu sống của loài người, do đó từ Chư Thiên, Thần, Thánh và con người chúng ta cứ luân hồi mãi. Lúc thì ở dưới Địa Ngục, lúc là Ngạ Quỷ, lúc là Người, lúc là Thần, Thánh, Chư Thiên và sáu cảnh Luân Hồi đó luôn luôn bị bao trùm trong Vô Minh, đau khổ, đắm chìm trong Ái Dục. Phật thấy như vậy nên Phật thương, Phật tu, Phật Giác Ngộ, Phật chỉ cho chúng ta một con đường thoát khổ.

Vì vậy, mỗi một người, Chư Phật dạy đều có quyền tự do lựa chọn cho mình con đường để đi. Sau khi con có nhân duyên tìm hiểu về Phật Pháp và cũng nghe qua về những phương thức như con vừa nói đồng bóng nọ, kia thì con có sự lựa chọn. Con muốn được hưởng phước báu của Nhân – Thiên để hưởng dục lạc trong cuộc sống, vật chất trong nhu cầu của kiếp người này hay con thấy được cái khổ trong cuộc đời này, Sanh − Lão −  Bệnh − Tử, già rồi chết, sinh rồi tử, con nhàm chán phước báu Nhân – Thiên này, con mong cầu sự Giải Thoát không còn luân hồi nữa, con hướng đến Chư Phật  thì con tu Pháp môn này, con tiếp thu được năng lượng siêu thế, vi diệu của Chư Phật giúp con tăng trưởng phước báu, để con được giải thoát.

Còn những năng lượng của hầu đồng, hầu bóng, hầu cô, hầu cậu kia cũng là năng lượng tốt nhưng nó chỉ phục vụ cho phước báu Nhân – Thiên, tiền tài, danh vọng, địa vị ở thế gian mà thôi. Cho nên, con thấy khi hầu đồng, hầu bóng người ta chỉ cầu để có được danh văn lợi dưỡng, tiền tài, địa vị, vật chất chứ những năng lượng đó không thể giúp cho con thoát khỏi Luân Hồi chuyển hóa mọi khổ đau để đến được sự an lạc.

Bây giờ đã là người, chúng ta đều có phước báu. Là người là có phước báu rồi và chúng ta cũng có phước báu để nghe về Phật Pháp, để dạy cho chúng ta thoát khổ. Chúng ta còn có phước báu để nghe về những điều trong chúng sanh thường lưu truyền nữa. Quan trọng là mỗi người chúng ta có đầy đủ trí tuệ để lựa chọn cho mình con đường ngay trong hiện kiếp này có được phước báu đó, để giải thoát đi về thành Phật hay là muốn thọ hưởng những dục lạc của thế gian trong Ái Dục.

Quan trọng bây giờ như Thầy nói, cũng là một dạng năng lượng nhưng là năng lượng của Lục Đạo Luân Hồi của các vị Thánh, Thần, Chư Thiên, cũng là trong sáu cảnh Luân Hồi, cũng có phước báu. Nếu mình thọ hưởng phước báu đó chỉ tăng trưởng dục lạc của kiếp nhân sinh thì sự lựa chọn của con là con muốn học để giải thoát hay con muốn học để cung phụng cho đời sống làm người để tổn phước, để hết phước rồi lại luân hồi làm người hoặc trong sáu cảnh Luân Hồi khác thì đó là sự tự do của mỗi một con người.

Thế nên, sự khai thị của các Thầy, sự khai thị của Chư Phật giúp chúng ta hiểu rõ và sự lựa chọn cuối cùng là ở chúng ta bởi Phật đã dạy, Phật không thể truyền trao trí tuệ của Phật cho chúng ta mà trí tuệ đó phải do chính chúng ta tu tập. Nay con có trí tuệ để biết, để lựa chọn giải thoát, thoát khổ, thoát khỏi Luân Hồi đó là do con. Nhiệm vụ của Thầy là hướng dẫn và khai thị để con có nhân duyên, con tu tập.

Câu 03. Con bị khó ngủ, trước khi đi ngủ con hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật con mới ngủ dược, cho con hỏi bây giờ con chuyển qua con niệm Mật chú này có được không? Giữa câu niệm Phật và Mật chú Mu A Mu Sa này có gì giống và khác nhau ạ?

Đều giống nhau hết, con cứ tiếp tục niệm Nam Mô A Di Đà Phật để Đức Phật Di Đà hóa độ cho con. Tuy nhiên, trước khi đi ngủ con uống một ly nước lạnh vô, rồi con hít thở như Thầy nói, con hít sâu mang hơi xuống dưới bụng thở ra từ từ Mu A Mu Sa, con tập như vậy 07 hơi thì con sẽ chìm vào giấc ngủ sâu hơn. Giấc ngủ sâu không cần phải ngủ lâu, có những giấc ngủ 12 tiếng mà không có ngủ sâu năng lượng phục hồi không bằng giấc ngủ sâu dù rằng chỉ có một tiếng. Vì vậy, khi con niệm Phật con cứ tiếp tục niệm Phật. Điều đó rất tốt. Pháp môn Tịnh Độ rất tốt nhưng khi con tu Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, trước khi con muốn ngủ, nghe lời Thầy uống một ly nước để con có đủ Oxy làm thư giãn. Trong nước có Oxy, nhờ cơ thể con nước được phân giải cung cấp đầy đủ Oxy làm tươi mát người của con rồi thì con hít sâu, thở sâu niệm Mu A Mu Sa 07 biến nó sẽ giúp cho con rơi vào giấc ngủ thật sâu và an lành.

Câu 04. Gia đình con có người đang học Thiền Vipassana thì so với Thiền Thất Bảo Huyền Môn này thì có gì giống và khác nhau?

Thiền Vispassana là thiền Tứ Niệm Xứ của Đức Phật dạy hồi xưa là thiền Thân − Thọ − Tâm − Pháp tức là quán Thân, quán Thọ, quán Tâm, quán Pháp. Chúng ta quán Phật là quán Pháp của nhà Phật là Phật – Pháp – Tăng. Thiền Mật này cũng y như Thiền Vispassana mà chúng ta chú trọng đến vấn đề quán Giới, quán Phật – Pháp − Tăng, quán Từ Bi đó là quán cảm thọ Từ Bi. Tất cả cảm thọ của thế gian đều là huyễn giả nhưng cảm thọ những thọ lạc siêu thế, năng lượng Từ Bi của Chư Phật là những cảm thọ bất sanh − diệt, có đó nhưng không bao giờ nằm trong vòng sanh − diệt, là những thọ lạc mà chúng ta cần phải hướng tới.

Hai cái đều không khác, khác là chúng ta tập trung như thế nào để có sự tác động. Thiền Vispassana là luyện Tâm của mình để Tâm Tịch Tĩnh không bị những cảnh ở bên ngoài của Thân − Thọ − Tâm − Pháp làm rung động Tâm của mình. Nhưng Thiền Mật Tông này, chúng ta đã tiếp nhận được năng lượng Từ Bi, siêu thế của Phật để hỗ trợ cho chúng ta Khai Mở Trí Tuệ để hiểu được Vạn Pháp Hư Không. Cho nên, hai phương pháp đó đều tốt hết, tùy theo ai có nhân duyên với Pháp nào thì tu tập Pháp môn đó, người có nhân duyên với Pháp nào thì khi tu tập Pháp môn đó, chúng ta thấy thành tựu và tăng trưởng được sự an lạc trong đời sống.

Vì vậy, nếu con thực tập Pháp môn này, Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn mà tăng trưởng được sự an lạc trong đời sống rồi con thực tập Vispassana mà con không thấy tăng trưởng thì con hãy tập Pháp môn này. Còn nếu như người nhà thực tập Pháp môn Vispassana mà tăng trưởng được sự lợi lạc, an vui, an lạc trong đời sống còn khi thực tập Pháp môn này mà không tăng trưởng thì Pháp môn Vispassana phù hợp với họ. Tất cả các Pháp của nhà Phật đều dạy chúng ta để giải thoát, để cứu khổ, không còn luân hồi nữa. Nhưng mỗi người vì do căn cơ và nhân duyên khác biệt nên có duyên để thọ Pháp, hành Pháp phù hợp với chính mình.

Nếu như ta gặp người nhà thực tập những Pháp môn khác, không cần thiết phải mang ra trình bày để đưa đến sự đàm luận, thảo luận với nhau, đó gọi là Ngã − Luận − Thủ, không tốt. Vì ai cũng thấy điều của mình tốt nên mình chỉ hồi hướng cho họ để họ thành tựu được Pháp môn của họ. Nếu họ thực tập Vispassana thì con hồi hướng cho những thành viên đó được thành tựu chứ không cần thiết phải thảo luận bởi chúng ta đôi khi trong những cuộc đàm tiếu, thảo luận mà chưa đủ khả năng diễn giải để cho người khác am tường, dễ gây ra sự tranh luận. Điều đó không tốt.

Câu 05. Nếu như mình tu tập theo Pháp môn này thì việc đọc Kinh, nghe Pháp là có cần thiết không hay là mình chỉ cần ngồi thiền và trì Mật chú thôi ạ?

Tất cả những phương pháp như tụng Kinh, tất cả những phương pháp như tế tụng, bái Sám, cầu an, cầu siêu, nghe giảng từ những Bậc Thầy tôn kính, những Bậc Giáo Thọ Sư, chư vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đều tốt hết bởi vì những nhân duyên đọc Kinh, tụng niệm, nghe giảng pháp giúp chúng ta tăng trưởng Chánh Niệm và phước báu tu tập đều tốt, nếu con có thời gian con làm những chuyện đó đều tốt.

Nhưng Pháp môn Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn nó sẽ giúp cho con có công hạnh gọi là Pháp hành, cái kia gọi là Pháp học. Pháp học là con học hỏi kiến thức để hiểu biết, khi con nghe những Bậc Thầy tôn kính của con, những Bậc Thầy con cảm thấy phù hợp, những ngôn ngữ giảng nghĩa của họ phù hợp, những cách giáo dưỡng con thấy phù hợp để con thấu hiểu được Kinh sách thì đó gọi là Pháp học, tức là con học qua Pháp thoại, qua những buổi thuyết pháp của những vị Thầy đó, nhà Phật gọi là Pháp học.

Khi Pháp học rồi con phải có Pháp hành. Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn là Pháp hành, tức là hành động để đi tới sự chứng đắc, mà để hành cho nó một cách tốt đẹp hơn thì con phải có Pháp học. Thì song song với Pháp hành này thì Thầy giải nghĩa, Pháp học của chúng ta dù là học gì đi nữa, để liễu thông những lời giải thích đi nữa thì tất cả những sự giải thích đó cũng là giải thích của phàm phu, dù Bậc Thầy có trí tuệ cao siêu cũng là giải thích theo tư tưởng học vấn cao của vị đó mà thôi, quan trọng là con phải trở về tin sâu vào Phật – Pháp – Tăng, con phải nghe qua những Pháp thoại nói về Phật – Pháp – Tăng, con phải nghe qua những Pháp thoại nói về Nhân Quả, đó là hai dòng Pháp thoại con cần phải nghe.

Con phải nghe Pháp thoại của bất cứ một Bậc Thầy tôn kính nào, Thượng Tọa, Tăng Ni nào, hoặc Kinh sách nào diễn giải về Phật – Pháp – Tăng và Nhân Quả, Năm Giới và Pháp Thiện thì đó là Pháp học, những yếu tố rất quan trọng con cần phải nghe và học qua để có được nền tảng căn bản trước khi bước vào Thiền Mật Tông. Khi con bước vào Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn, có nhân duyên rồi thì con sẽ tăng trưởng nhanh hơn.

Cho nên, những vấn đề nghe Kinh, tụng niệm, nghe thuyết giảng đều tốt đẹp hết nhưng sau rồi con phải đầu tư nhiều thời gian vào Pháp hành này. Như con nghe giảng về nấu cơm rồi thì từ cha mẹ, từ học đường dạy con cách nấu cơm nhưng con không vào nhà bếp nấu cơm thì con có cơm ăn không? Như vậy cơn đói của con có hết không? Con nghe giảng về cách nấu cơm con chỉ no đủ về kiến thức, biết cách nấu cơm, nhưng bụng của con không thể no bởi vì không có cơm. Vì thế, khi nghe hướng dẫn cách nấu cơm rồi, đó là Pháp học để nấu cơm còn làm sao để có cơm, mình phải vào nhà bếp lấy gạo, lấy nước vo trong nồi và nấu thành cơm và quan trọng nữa sau khi có cơm rồi chúng ta phải ăn vào.

Câu 06. Khi con ngồi thiền, con tập trung theo dõi hơi thở nhưng khoảng chừng một lát, không hiểu sao con bị nín thở nên con không thể theo dõi hơi thở được nữa mà con chỉ ngồi bình thường thôi, vậy thì con phải làm sao ạ?

Vì khi con theo dõi hơi thở mà con không chủ động hít vào như Thầy nói, con phải chủ động hít vào đưa xuống dưới bụng, hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, giữa phình và hóp đó cơ thể nó mới cung cấp Oxy cho chúng ta thì chúng ta mới không bị nín thở, đầu óc chúng ta sẽ tỉnh. Phương pháp hít thở chủ động như vậy, giúp cho chúng ta tịch tĩnh trong suốt thời gian trì Mật chú Mu A Mu Sa cũng như khi cái phone (điện thoại) của con tắt đi, tắt nguồn luôn thì con không thể bắt được khi Thầy gọi con.

Khi chúng ta mà hít thở cho đúng, trì Mật chú này, chúng ta bật nguồn năng lượng của ta lên, bật phone lên thì chúng ta sẽ gắn kết với năng lượng vi diệu của Phật. Cố gắng chủ động hơi thở vào phình bụng, thở ra hóp bụng Mu A Mu Sa, trước khi hít thì phát nguyện như Thầy đọc đó: “Nguyện xin Chư Phật  mười phương ban rải năng lượng Từ Bi đến muôn loài chúng sanh.” Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng Mu A Mu Sa. Con chủ động công phu này, chủ động tập nó, lâu dần cơ thể con sẽ quen rồi sau này hơi thở hít vào và phình bụng thở ra Mu A Mu Sa trong Ý, trong Khẩu của con nó trở thành hơi thở tự nhiên gọi là công phu, nó trở thành phản ứng có điều kiện bởi vì con thường năng tu tập nó, nên cơ thể sẽ phản ứng có điều kiện. Nó thành một chu kỳ quen thuộc hơi thở thuần khiết do thân có công phu tu tập.

Hiện tại, con tu tập chưa đủ nên đôi khi hơi thở con chưa chủ động được, con chỉ theo dõi hơi thở tự nhiên của con thôi, cũng tốt, thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào. Tuy nhiên, nếu con vận hơi khí này nữa thì sẽ giúp con tăng trưởng tốt đẹp hơn. Đó là sự lựa chọn của con, nó sẽ khó trong lúc đầu nhưng con thực tập một thời gian nó sẽ dễ dàng.

Thực hành 

Các con quy hướng về ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng.

Niệm 21 biến Mật chú Mu A Mu Sa để tiếp thu năng lượng đại Từ đại Bi, năng lượng siêu thế, Phật điển thanh tịnh từ mười phương Chư Phật vào thân xác và thân tâm này.

Phát nguyện:

Chúng con nguyện Chư Phật mười phương ban rải năng lượng đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh để chúng con được Khai Mở Trí Tuệ viên mãn.

Trì chú:

Mu A Mu Sa. (21 biến)

Hồi hướng:

 Con nguyện hồi hướng năng lượng đại Từ đại Bi của mười phương Chư Phật tới muôn loài chúng sanh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts