Search

Bảo Thành kính chào các bạn trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta gặp nhau ở nơi đây, chúc các bạn niềm vui và hạnh phúc, làm chủ được thân ý của mình.

Khi làm chủ được cuộc sống, hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, thì lúc nào mình cũng ở ngay công việc của mình, hiểu được mình đang làm gì.      

Câu chuyện về một anh Tài xế. Có một lần ghé ngang qua Nhà Chùa, được vị sư Trụ trì mờiăn một bữa cơm chay. Hai người ăn với nhau ngon miệng, cùng có sự trao đổi giữa con đường đạo và ở ngoài đời.

Anh Tài xế hôm đó vui miệng và cảm thấy thoải mái vì vị Trụ trì đó cởi mở, nói chuyện không có sự phân biệt người ở ngoài đời và người trong đạo. Anh ta mang những thắc mắc thường tình ở ngoài đời hỏi vị Sư rằng: Thưa Sư, khi chúng đệ tử như con đây vào trong chùa ăn cơm với Thầy, Thầy ăn chay, vậy khi không có ai ở trong Chùa, một mình Thầy trong phòng, Thầy có ăn thịt hay không?

      Vị Sư mỉm cười, nhấp một ngụm trà, bởi đây là một bữa ăn, giữa một vị Sư và một người ở trong đời, ghé ngang qua ngôi chùa. Trong bữa ăn cũng có trà đạo, để cùng trà đàm những suy nghĩ, tư duy ở đời, ở trong đạo. Anh ta chờ đợi câu trả lời của vị Sư, vị Sư thong thả uống ba tách trà nhỏ rồi hỏi: Anh là tài xế phải không? Anh ta thưa với vị Sư thầy: Dạ con là tài xế. Anh lại được vị Sư hỏi câu thứ hai: Vậy khi lái xe anh có thắt dây an toàn không. Anh ta nói: Khi lái xe con phải thắt dây an toàn. Vị Sư hỏi: Anh thắt dây an toàn là để đối phó với cảnh sát, hay là vì sự an toàn của bản thân và của tất cả những người ngồi trong xe. Anh ta liền cười ha hả và trả lời: Dĩ nhiên là để bảo vệ bản thân, an toàn của mình, nếu đối phó với cảnh sát thì không có tư tưởng đó. Vị Sư hỏi tại sao. Anh ta trả lời là vì anh là một tài xế, hiểu được khi là một tài xế ngồi ở trên xe, còn biết bao sinh mạng ngồi ở trên đó, lệ thuộc vào sự lái xe của ta, và ngay cả sinh mạng của ta nữa, cho nên phải thắt dây an toàn và kêu gọi hành khách thắt dây an toàn. Đó là một nghĩa vụ, trách nhiệm tối cao của người tài xế. Vị Sư mỉm cười trả lời: Ý nghĩa cao cả của nhà Sư là ăn chay, không phải như anh thắt dây an toàn để đối phó với cảnh sát, mà vì trách nhiệm hiểu rõ mạng sống của con người quan trọng. Vị Sư cũng lấy sự ăn chay là hơi thở cuộc sống, cho sự tịch tĩnh và giữ giới, chẳng phải là sự đối phó với người đời lui tới trong Chùa, cũng như anh đối phó với cảnh sát trên giao lộ đi đây đi đó.

Hai người vui vẻ bởi những câu trao đổi có ý nghĩa, tạo nên những khung cảnh thiền vị, cho những tách trà nhỏ và vị ăn đạm bạc của nhà Chùa. Với tình thương mến rộng mở trao đổi, để hiểu thấu cảnh ở chùa và ngoài đời, vị Sư khéo léo mở rộng lòng trong câu hỏi, nên anh tài xế khôn ngoan hỏi rất là điềm tĩnh, cung kính, tôn trọng vị Sư. Sự khoan dung, độ lượng, mở cửa lòng của vị Sư, để đón tiếp cho sự hiểu biết được dung thông và hai người gần gũi, từ đó anh tài xế thường xuyên ghé ngang qua Chùa, xin thỉnh vài chén cơm, được ăn cùng vị Sư Trụ trì, để có cơ hội đàm đạo. Cuộc đời trở thành tri kỷ, dù ở ngoài đời hay ở trong đạo, chỉ cần ta có sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

Các bạn. Đã có bao nhiêu con người đã đến trong đời, để ăn bữa cơm với bạn, hay ghé ngang căn nhà của bạn, để uống một ly trà, một tách nước, để cùng nhau nói chuyện đây đó. Nghĩ lại khung cảnh, khi chúng ta ăn cơm với người xa, uống nước với người gần, và những câu chuyện chúng ta khởi lên nói để trao đổi, có được ấm êm, nhẹ nhàng, bao dung, hiểu biết, như anh chàng tài xế và vị Sư kia hay không. Hay sau buổi gặp gỡ giữa khách và ta, là một sự nổi giận, trái ngược những ý nghĩa nói chuyện trong bữa tiệc, để rồi sau khi ăn ngon, nhưng lời nghe chẳng ngọt, cứ để trong bụng đau mãi khi khách đã đi.

Chúng ta cần nhất là phải mở rộng lòng, có sự hiểu biết trong sự tôn trọng trao đổi về ngôn ngữ. Ngôn ngữ rất quan trọng, nhất là những câu hỏi, đừng quá vu vơ, mất sự quan trọng, khinh thường đối phương hay người mà ta đang đàm đạo, đối thoại. Dù chúng ta gặp họ ở ngoài đường hay bên lề đường, thì sự giao tiếp bằng ngôn ngữ cần thật là khéo, để chúng ta mang lại sự lợi lạc, đó là sự bình an cho chúng ta và sự an lạc cho người đang nghe chúng ta nói chuyện. Chúng ta đừng vì một lý do gì tranh cao thấp trong ngôn ngữ, hoặc nói những chuyện khó nghe.

Thật ra nếu ở đời bất chợt có một người hỏi vị Sư, bây giờ ông ngồi đây ông ăn chay, chút nữa khuất mặt tôi ông ăn thịt đấy nhé. Câu nói đó thiếu sự tôn trọng. Nhưng cũng câu nói như vậy, cũng với ý nghĩa như vậy, anh tài xế sau khi ăn nói thật nhẹ: Thưa Thầy, hiện tại Thầy ăn chay, vậy khi không có ai Thầy sẽ ăn mặn hay là không? Câu hỏi thật là nhẹ, vị Sư biết người kia muốn tìm hiểu về đời sống thật sự của nhà Sư, nên vị Sư đã thật sự mang đời sống của một người tài xế, để hỏi về sợi dây an toàn. An toàn khi đang lái xe, và an toàn khi đang đi kinh hành, trên con đường đi tới sự giác ngộ, đều phải có sự an toàn và trách nhiệm của bản thân, là phải giữ sự an toàn đó cho mình.

Sợi dây an toàn ở trên xe và sự ăn chay, cũng là sự an toàn của tâm thức an lạc, đều có trách nhiệm phải làm đúng với trách nhiệm đó, không thể chỉ làm sơ sài để đối phó với cảnh sát. Vị Sư ăn chay, không để đối phó với Phật tử, cũng không đối phó với Thần linh và Chư Phật. Vị Sư ăn chay là do bởi tâm nguyện, hiểu được trách nhiệm, bổn phận phải giữ giới của mình. Người tài xế giữ dây an toàn, là bởi trách nhiệm của một người tài xế, nghĩ đến sinh mạng của người khác. Chúng ta nếu có trách nhiệm nghĩ đến cảm xúc, tánh mạng và đời sống của người khác, chúng ta đang tương tác, chúng ta sẽ luôn có ý tứ, tôn trọng trong đó, và chúng ta luôn có sự tôn trọng trong tất cả những tương tác hàng ngày.

Chính vì chúng ta hiểu được trách nhiệm của mình như vậy, thế giới sẽ hòa bình ngay trong sự tương tác nhỏ thôi, giữa ta và con người hàng ngày sinh sống. Có thể những người đó ở trong gia đình rất gần gũi như con cái. Sự tương tác giữa con cái và Cha Mẹ, tùy theo môi trường giáo dục mà có. Chính vì quan niệm giữa Á Đông và Tây phương khác biệt, nên sự tương tác giữa Cha Mẹ và con cái, tùy theo sự giáo dục ở địa phương, quốc độ ta sinh sống, mà áp dụng cho phù hợp, tuy nhiên nó vẫn đặt trên nền tảng là sự tôn trọng, yêu thương, yêu thương trong sự tôn trọng.

Cha Mẹ có yêu thương, tôn trọng con cái, thì nhất định trong cung cách ăn nói, đối đáp luôn biểu lộ tình yêu, quan tâm và những người con luôn cảm nhận được sự che chở đó. Ngược lại những người con đối đáp với Cha Mẹ, bởi vì tình yêu Cha Mẹ, tình thương đó và sự hiểu biết trong ngôn ngữ, dù có khác biệt về tính đức ở đời, khác biệt ngôn ngữ, tuy nhiên nội dung vẫn bao bọc trong tình yêu và sự tôn trọng, có sự thông cảm, sống tốt đẹp với nhau.

Vị Sư và anh tài xế kia dù hỏi nhau ở dưới một phương diện, nghe sơ qua có vẻ trái ý, có thể gây giận dữ, tuy nhiên vẫn nằm ở trong căn bản tôn trọng trong yêu thương. Chính vì tôn trọng trong sự yêu thương đó, Vị Sư và anh tài xế đã trở thành bạn thân, thường năng gặp gỡ nhau ăn, uống trà, thiền định và trao đổi về Phật pháp cũng như chuyện ở đời.

Các bạn thân mến. Một bài học rất đơn giản trong câu chuyện này, đôi khi dẫn chúng ta tới, để áp dụng vào cuộc đời, mỗi khi chúng ta đặt câu hỏi nào đến một ai đó, chúng ta phải dùng phương tiện bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ thương, bằng tâm trạng thông cảm, tôn trọng và ý tứ, để khi ngôn ngữ thoát ra đó, giúp cho người nghe được nhẹ lòng, và họ sẽ sẵn tâm đàm đạo, nói chuyện với chúng ta, để hai bên đều có sự hòa hợp, có được năng lượng tốt. Lời nói dễ thương, câu hỏi tôn trọng, đưa đến sự tôn trọng, dễ thương, tương tác mặn nồng, trong tình cảm cao qúy nhất, đó là biết tôn trọng và kính trọng lẫn nhau.

Trong Phật giáo, Đức Phật dạy: Chúng ta luôn luôn phải làm chủ những lời nói, để làm chủ được lời nói Đức Phật khuyên chúng ta, luôn sống trong chánh niệm, hít thở từ từ trước khi nói. Ông Bà đã nói: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Nhà Phật dạy hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, giữ hơi thở chánh niệm, nói một cách từ từ trong tấm lòng chan hòa yêu thương. Người nghe sẽ nhẹ và người nói sẽ an bình. Ngược lại bên kia họ cũng giữ hơi thở chánh niệm, nói với chúng ta cũng bằng điều đó, thì chúng ta cũng ảnh hưởng năng lượng của người biết tương thông với nhau trong hơi thở chánh niệm, thì mọi người đều vui, đều quý trọng lẫn nhau.

Các bạn thân mến. Cuộc đời nhiều cái nghịch nhĩ, nghịch lỗ tai của mình, qua những cách cư xử bằng ngôn ngữ, nhưng mỗi người chúng ta biết sống trong chánh niệm, biết dùng ái ngữ, biết suy nghĩ thật nhiều, ứng dụng ngôn ngữ bằng phương tiện đầy đủ, dễ thương, thì cuộc sống này, mỗi một ai khi chúng ta giao tiếp, đều có thể mang lại sự bình an cho nhau.

Hòa bình tới là từ sự bình an nhỏ giữa hai con người tương tác với nhau. Chiến tranh tới cũng từ những sự tương tác gây đổ lửa, và gây sự tranh cãi cũng từ hai con người mà ra. Đã là hai con người, luôn có hai khung trời khác biệt về tư tưởng, nhưng không khác về tâm yêu thương và tôn trọng.

Các bạn hãy xây dựng tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau, bằng hơi thở chánh niệm sẽ giúp ích rất nhiều cho đời sống của bạn và giúp cho các bạn luôn luôn biết phải làm gì trong cuộc sống. Như vị Sư, trách nhiệm của vị Sư thấy rằng, mục đích cao cả ăn chay trên con đường tu, nên không ăn chay để đối phó với mọi người lui tới ở trong Chùa. Trách nhiệm của anh tài xế, thắt dây an toàn là để bảo toàn tính mạng cho mình và cho khách, chẳng phải để đối phó với cảnh sát.

Chính vì trách nhiệm của mỗi một con người, phải hiểu những người khác tương tác, mà sự tương tác đó gây ra chiến tranh hay xây dựng nền hòa bình cũng là do hiểu được là ta luôn luôn xây dựng hòa bình giữa người và người bằng những ngôn ngữ dễ thương, bằng hơi thở chánh niệm.

Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts