Search

Bảo Đức đánh máy

Người ngu biết mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Xứng thật là người ngu.

Mỗi một ngày cứ dần trôi qua, tuổi đời sẽ dần lớn, kết thúc của một đời người rồi cũng phải đi về với lòng đất. Chúng ta cần phải tích lũy cái điều gì đây trong cuộc sống mà khi thân tâm của chúng ta còn khỏe, sáu căn còn sáng suốt, cái tâm còn biết, còn thấy, còn đón nhận được những cái niềm vui, hạnh phúc, bình an trong đời và còn cảm nhận được những đau khổ, buồn tủi, sầu lụy. Chúng ta vẫn còn những cảm giác rất người và rất rõ trong cuộc đời, chúng ta có nên để nó trôi qua mỗi ngày để rồi một mai nằm xuống ta lại hối hận vì chưa hoàn thành một điều gì đó trong cuộc đời. Đức Phật luôn khuyên bảo chúng ta phải luôn nhìn rõ và nhận xét rõ ràng rằng cái ngày mà chúng ta sinh ra đời, để làm gì? Câu hỏi này có lẽ hơi vu vơ một chút, chúng ta sinh ra đời, có ngày ra đời tức là ta đang đếm từng ngày trở về với cõi chết. Người xưa và trong kinh cũng nói có sanh thì phải có tử do đó chính cái ngày ta sanh là để đi tới cái cõi tử. Có nghĩa khi ta sinh ra ở đời từng ngày trôi qua được ghi vào sổ sách của đời người ta đang tiến dần tới cái cõi chết. Và đã biết rằng khi sinh ra để đi về với cõi chết ta sẽ chuẩn bị gì đây trong cuộc đời?

Hôm nay với cuộc sống này bừa bộn và thử thách nhiều, bận rộn và cám dỗ tràn lan. Chúng ta đang đếm từng ngày đi về cõi chết mà có mấy ai ngờ tới đâu cứ tưởng rằng khi sinh ra ta sống mãi mãi không bao giờ chết. Đức Phật dạy khi sinh ra là cái tử đang mở cửa chờ đón chúng ta, khi chúng ta sinh ra là cái cửa của sự chết đã mở rộng và đang chờ đón chúng ta. Nếu như chúng ta không có sự chuẩn bị để đi qua cái chết thì chúng ta chẳng thể tái sanh vào một cảnh sống mới lành thiện đâu. Do đó, khi sanh ra ở đời làm người ai có phước duyên được nghe lời Phật khai thị và ai có nhân duyên hiểu thấu được nó sẽ có được một cái cuộc đời đi về với cõi chết nhưng có sự chuẩn bị hành trang hạnh phúc và bình an. Để cái chết phải nhường bước cho ta đi qua cửa chết để tái sanh vào cảnh lành chẳng phải chui vào cõi chết để đày đọa trong đau khổ. Với cái hành trang đó là gì để chúng ta bước qua cửa chết để tái sanh cảnh lành? Và cái hành trang gì ta không mang theo để rồi khi chúng ta bước qua cái cõi chết bị đọa trong Địa Ngục đau khổ? Chẳng nói ở trong cõi chết mà ngay trong cuộc sống này nếu chúng ta không trang bị cho ta một hành trang như Phật nói thì ngay đây, cuộc sống này đây ta sẽ tạo nhiều đau khổ, phiền não cho ta và ta sẽ tạo một cái Địa Ngục nơi trần thế mà ta đang sống ở trong đó.

Cả cuộc đời của Đức Phật khi Giác Ngộ cho tới lúc ra đi nền giáo lý của Ngài là một nền giáo dục khai mở Trí Tuệ, khai mở Trí Tuệ cho chúng ta. Bởi Đức Phật thấy chúng sanh không có Trí Tuệ nên đau khổ, chúng sanh không có Trí Tuệ nên lầm chấp, chúng sanh không có Trí Tuệ nên cứ lao đầu vào trong vô minh tưởng lầm những cái đau khổ là thú vui, tưởng lầm cái cuộc sống này là thật ôm ấp, gìn giữ chẳng biết buông bỏ. Bởi đó Đức Phật đã đi từng bước, từng bước an lạc trong cuộc đời khắp mọi ngõ ngách của nhân sinh để khai mở Trí Tuệ cho con người bằng giáo dục một cái nền giáo lý Nhân Quả để cho chúng ta những ai có phúc duyên nghe được, hiểu thấu mà tiến tới cái sự hạnh phúc vốn có trong đời người hiện tại để giữa hai cánh cửa sanh tử chỉ là cái cửa ta đi qua và đi tới. Sanh tử là cái ngưỡng cửa để chúng ta rong chơi trong sanh tử mà an nhiên tự tại. Còn nếu như chúng ta không được khai mở Trí Tuệ thì sanh tử là hai cái nhà mồ, là hai cánh cửa của nhà mồ. Cánh cửa mà khi chúng ta sanh ra là mở ra để chúng ta đi vào cánh cửa của nhà mồ mà cái hầm sâu dưới nhà mồ là cái cánh cửa mở ra là để cho tiếp tục bước vào cái nhà mồ thứ hai qua cái ngưỡng cửa của sanh tử. Còn nếu chúng ta được khai mở Trí Tuệ sanh tử là hai ngưỡng cửa của cuộc đời cho con người chúng ta tự tại an nhiên rong chơi bước qua cửa sanh tử mà vẫn vui cười hạnh phúc, bình an. Bình an ngay trong dg, bình an ngay trong cuộc sống này. Những ai còn đang đau khổ tức là chưa chú ý tới cái Trí Tuệ của Chư Phật dạy, những ai còn đang phiền não tức nhiên Trí Tuệ chưa được khai mở. Những ai còn đang tạo khổ cho nhau, còn đang chấp trược, còn đang muốn ta là tất cả cao ngất lên tới tận trời thì chúng ta thực sự đã quá cống cao ngã mạn chẳng có cái Trí Tuệ khiêm cung của một người đệ tử con Phật.

Hôm nay nói về một câu kinh Pháp Cú Đức Phật dạy làm sao để khai mở Trí Tuệ của chúng ta. Thật ra có nhiều cách để khai mở Trí Tuệ nhưng hôm nay Đức Phật nói tới một cách thật đơn giản trong đời người, của kiếp phàm phu. Nó đơn giản đến mức mà hầu như ai cũng áp dụng được. Chúng ta nên nhớ Đức Phật là Bậc Đại Giác Đại Ngộ, Ngài là Bậc Thầy tối cao, Ngài là một vị Thầy tối Thượng, Trí Tuệ viên mãn, những phương thức trong cái nền giáo dục Phật đà Ngài dạy cho chúng ta thật đơn giản, dễ áp dụng và dễ mang lại hạnh phúc và bình an cho chúng ta. Không có một phương thức nào trong cái nền giáo dục nhân sinh nào mà có thể dễ dàng, dễ ứng dụng và có thành quả cao như vậy ngoài cái nền giáo dục Phật đà của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni truyền dạy lại cho chúng sanh. Nền giáo dục của Ngài có những cái phương thức, có những cái phương pháp mà chúng ta những con người thật bình thường, không cần biết bạn có trí thức, kiến thức hay bạn không là trí thức, kiến thức thì lời của Đức Phật, phương pháp của Ngài dạy cho chúng ta đều ứng dụng được với từng căn duyên khác biệt của từng người. Cao thấp, nhỏ bé, trí hay không có trí, kiến thức hay không có kiến thức, giàu có hay bần hàn, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống chúng ta đều có thể ứng dụng được lời của Đức Thầy Bổn Sư. Một nền giáo dục viên giác, một nền giáo dục Phật đà uyên thâm, một nền giáo dục cao nhất, siêu mầu, chúng sanh nào cũng áp dụng, ứng dụng được và mang lại sự lợi lạc ngay trong cuộc đời này. Nếu các bạn không muốn đau khổ, không muốn phiền não xâm chiếm cuộc đời, không muốn những cái sự sân giận, những cái sự tranh giành, đoạt lợi, những cái đang giết chết cuộc đời của chúng ta bởi sự  khác biệt từ những cái suy nghĩ, những lời nói, hành động mà chúng ta cứ lầm chấp để rồi con người với con người sống ngay nơi gia đình và xã hội luôn luôn tạo cho nhau những sự khó khăn, gây khổ. Hãy khai mở Trí Tuệ bằng nền giáo dục của Chư Phật, hãy khai mở Trí Tuệ của chúng ta bằng cái lời nhắc nhở, bằng phương pháp mà Chư Phật dạy ngay bây giờ. Thật dễ dàng, Chư Phật dạy để khai mở Trí Tuệ chúng ta nhớ bốn câu này:

Người ngu biết mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Xứng thật là người ngu.

Như vậy thì để khai mở Trí Tuệ thì nếu chúng ta ngu mà chúng ta biết mình ngu thì đó nhờ cái điều biết, nhờ cái Tánh Biết ta biết ta ngu cho nên ta trở thành người có Trí Tuệ. Chính cái Tánh Biết rất quan trọng trong cuộc sống cho nên Phật mới dạy “Người ngu biết mình ngu nhờ vậy thành có trí”. Nếu các bạn và Bảo Thành biết được mình ngu thì Bảo Thành và các bạn nhờ cái biết đó mà có Trí Tuệ. Quả thực trong đời sống của chúng ta nhiều lần chúng ta vỗ vào đầu và nói: “Thật là ngu”, chắc có lẽ nhiều lắm rồi từ thuở nhỏ cho tới bây giờ ai ai trong chúng ta cũng nhiều lúc gõ vào đầu: “Ngu thiệt là ngu”. Chúng ta than với bản thân bởi vì sau khi chúng ta hành xong cái ngu đó rồi mới nhận biết ra mình ngu chúng ta nói là ngu. Nhưng các bạn nhìn sâu vào lời Phật dạy dù chúng ta biết trễ khi hành một cái việc, nghĩ một việc, nói một cái điều gì đó xong rồi mới biết mình ngu vỗ lên đầu bốp bốp nói: “Trời ơi! Sao ngu quá”, đó cũng là Tánh Biết. Nếu bạn biết mình đã ngu bạn nhờ cái biết đã ngu đó mà có Trí Tuệ. Cái Tánh Biết mà Đức Phật trong suốt cả cuộc đời  truyền cho đệ tử thực hành đời sống Chánh Niệm trong hơi thở phải dùng Tánh Biết. Nay Tánh Biết chúng ta biết cái gì? Biết mình ngu. Bảo Thành, các bạn đã từng tạo ra bao nhiêu việc sau đó hối hận và nói rằng sao mình quá ngu. Có nghĩa đã tạo ngu, đã làm ngu, đã nghĩ ngu, đã nói ngu và sau đó mới biết được ta thật ngu, làm rồi mới biết mình ngu, nói rồi mới biết mình ngu, suy nghĩ rồi mới biết mình ngu. Cái điều vì biết mình ngu đã tác thành đó, đã nghĩ rồi đó, đã nói rồi đó sẽ giúp cho chúng ta trở thành người có Trí Tuệ. Như vậy, để khai mở Trí Tuệ của chúng ta, chúng ta phải biết ta đã ngu.

Các bạn nhìn lại một chút trong cuộc đời của mình các bạn đã ngu chưa? Không biết là các bạn đã ngu chưa nhưng Bảo Thành đã thật nhiều lần ngu dốt trong cuộc đời. Đã nhiều lần thật là ngu, ngu tới mức mà khi nghĩ lại thấy xấu hổ phải sám hối, phải xin lỗi và phải khấn nguyện, phát nguyện để vượt qua. Nhưng cũng chính vì nhiều lần ta đã ngu, nhiều lần Bảo Thành đã ngu và sau đó biết được mình đã ngu, chính vì cái biết sau khi cái ngu đó mà ngày nay Bảo Thành có được một phần Trí Tuệ nhìn rõ được bản thể của cuộc đời để sống an nhiên tự tại. Chắc chắn mọi người trong chúng ta ai cũng có những trải nghiệm than van trong cuộc đời: “ ta thật đã ngu”, các bạn đừng sợ khi các bạn ngu, các bạn đừng sợ khi các bạn biết rằng các bạn đã ngu. Bởi vì khi các bạn biết rằng các bạn đã ngu thì các bạn đã có Trí Tuệ, các bạn đang viên thành Trí Tuệ, các bạn sẽ có Trí Tuệ. Cái Tánh Biết bởi mình ngu sẽ giúp cho mình có Trí Tuệ. 

Người ngu biết mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Xứng thật là người ngu.

Chúng ta có phước báu vô cùng bởi khi chúng ta đã ngu chúng ta biết mình ngu nên chúng ta được khai Trí Tuệ. Chúng ta đang ngu chúng ta biết mình đang ngu mình dừng lại, chính vì cái điều đó chúng ta trở thành người được khai Trí Tuệ. Và trong cái tư duy chúng ta biết rằng nếu chúng ta sẽ hành động như vậy, sẽ nói như vậy, sẽ suy nghĩ như vậy là ngu nên chúng ta dừng không để cho nó xảy ra. Như vậy chúng ta đã tự khai Trí Tuệ cho mình. Chỉ cần biết mình đã ngu, chỉ cần biết mình đang ngu, chỉ cần biết mình sẽ ngu đấy là phương pháp khai mở Trí Tuệ. Còn ngu mà tưởng mình có trí thì thực sự là quá ngu. Trên đời này chúng ta còn có phước duyên đã ngu, sẽ ngu, biết được nên dừng, biết được nên chuyển hóa, biết được nên không tạo nữa cho nên chúng ta có cái Trí Tuệ, trở thành người Trí Tuệ. Nhờ vào cái ngu mà chúng ta dùng Tánh Biết soi chiếu nhận rõ sửa cái đã ngu, ngừng cái đã ngu và chặn đứng những cái sẽ ngu xảy ra từ tư tưởng, lời nói và hành động.

Còn những kẻ ngu là những kẻ thực sự ngu bởi vì lúc nào họ cũng cảm giác rằng họ có Trí Tuệ, họ không bao giờ tự nhìn lại bản thân của họ, họ tự hào quá mức ở trong cái gọi là cống cao ngã mạn. Thông thường những người cống cao ngã mạn họ luôn tự hào về bản thân, họ luôn tự hào về cái con người của họ, tri thức của họ, kiến thức của họ. Những người tự hào như vậy thường là cống cao ngã mạn, những người khiêm tốn biết mình, biết người là người đang được khai mở Trí Tuệ. Còn những người không biết mình đã làm sai, không biết mình đã ngu, sẽ ngu và đang ngu, không biết được mình đã sai, đang sai và sẽ làm sai thì người đó luôn luôn tưởng rằng ta có Trí Tuệ, ta làm gì cũng đúng, ta nghĩ gì cũng đúng và ta là người làm gì cũng hay, việc gì cũng hay. Phật dạy như vậy xứng thực là người ngu. Phương pháp khai mở Trí Tuệ hôm nay thật là đơn giản ai cũng nhận biết được. Để chúng ta biết được mình ngu trong quá khứ, biết được mình ngu ngay trong hiện tại, biết được mình sẽ ngu trong tương lai Chư Phật dạy cho chúng ta cái Tánh Biết. Mà làm sao để xiển dương cái Tánh Biết này? Chúng ta thực tập, chúng ta tu luyện cái sự nhận diện trong từng giây phút khi ta sống ở đời. Cái Tánh Biết có mặt ở mọi nơi chỉ có điều chúng ta không ứng dụng nó vào mà thôi. Ví dụ khi ta đau chúng ta mới biết đau, cái Tánh Biết nó liền báo cho ta ngay. Ta bị thương ở tay ta biết ta bị thương ở tay ngay bởi vì chúng ta có đời sống Chánh Niệm. Tuy nhiên có những con người tự gây thương tích cho họ họ cũng không hề hay biết cho đến khi phát hiện ra thì họ đã bị quá đau đớn, bị tổn thương, nguy hại đến sức khỏe.

Để thực hiện được cái Tánh Biết khi đau, khi vui, khi buồn, khi chúng ta ăn, khi chúng ta uống, khi chúng ta ngủ nghỉ, khi chúng ta nói chuyện, khi chúng ta tương tác hàng ngày Đức Phật dạy cho chúng ta một phương thức luôn luôn ứng dụng Tánh Biết vào bằng cách là chúng ta cố gắng nói theo cái danh từ bình thường là phải để ý, lúc nào cũng để ý những hành động của chúng ta. Chúng ta đi ta phải biết ta đi, ta ngồi ta phải biết ta ngồi, ta nói ta phải biết ta nói chứ đừng có ngồi ăn mà đầu nghĩ vu vơ, nghĩ cảnh hàng xóm, lơ mơ với người. Chúng ta ngồi đây chúng ta ăn chúng ta phải biết chúng ta ăn cái gì, món ăn có ngon hay không. Có lẽ chúng ta từng trải qua thời gian ở những cái lứa tuổi mộng mơ mà ngồi đó đầu óc quay ở cái cõi nào. Cái lứa tuổi này không dành riêng cho tuổi trẻ, trung niên hay lớn tuổi mà ở mọi lứa tuổi đầu óc của chúng ta thường bị những huyễn ảo, mộng mơ ở đời nó kéo trượt đi và chẳng thể sống tại chỗ với Chánh Niệm hiện tại trong cuộc đời. Từ đó cái Tánh Biết nó không hiện diện mà chúng ta chỉ sống trong cái mà nhà Phật gọi là người người ngu biết mình ngu có cái chữ “biết” ở giữa còn cái câu sau là người ngu tưởng có trí, chữ “tưởng”. Nếu chúng ta sống trong tưởng tượng, sống trong Tưởng thức, sống trong những thứ mơ hồ thì đó là kẻ ngu. Bởi người sống tưởng tượng, sống trong ảo tưởng, ảo tưởng sức mạnh, ảo giác sức mạnh, sức mạnh của ảo tưởng đó luôn luôn nghĩ rằng ta có trí. Một chữ là “biết”, nếu có Tánh Biết thì người ngu sẽ được khai Trí Tuệ. Còn nếu sống trong tưởng thì người có Trí Tuệ sẽ hóa thành ngu.

Hiểu được hai câu này và áp dụng vào trong cuộc sống ta sẽ luôn luôn biết. Người biết thì khiêm tốn, người biết thì không có cống cao ngã mạn, người biết luôn hạ mình sống bình đẳng với muôn người. Người biết biết nhìn, biết thấy mọi tạo tác trong tư tưởng, lời nói và hành động. Người biết luôn sống hiện diện trong từng giây phút của cuộc đời nên họ sống một đời sống Chánh Niệm hạnh phúc bởi vì cái Tánh Biết nó có một sức lực phi thường. Các bạn nhớ, cái Tánh Biết của chúng ta có một cái lực phi thường giúp chúng ta vượt qua mọi chướng ngại thử thách của cuộc đời. Còn cái Tánh Tưởng sẽ dìm chúng ta xuống biển sâu sống trong ảo tưởng, sống trong ngu si, sống trong đần độn không có Trí Tuệ. Nhà Phật giữa Trí Tuệ và ngu rất quan trọng, ngu là si, Trí Tuệ là sáng, kẻ có Trí Tuệ luôn luôn sáng, không sống trong lầm mê, không sống trong si mê. Người sống trong si mê là người để cho cái tưởng, cái tưởng tượng, cái Tưởng thức của họ làm chủ cuộc sống. Người sống trong Trí Tuệ là người để cho cái Tánh Biết hiện diện trong cuộc đời cho nên:

Người ngu biết mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Người ngu tưởng có trí

Xứng thật là người ngu.

Giữa cái biết và cái tưởng, hai con đường biết và tưởng này các bạn chọn cách nào để sống. Nếu các bạn chọn biết thì ngu cũng được khai mở Trí Tuệ sống hạnh phúc và bình an. Còn nếu các bạn chọn cái tưởng thì dù các bạn có kiến thức ở đời, dù có Trí Tuệ được gọi là uyên thâm cũng chỉ là người ngu bởi vì các bạn đang sống trong cái tưởng tượng mà thôi. Còn kẻ có trí là kẻ phải biết, biết mình, biết người, biết ta đã làm sai, biết ta như thế nào và cái Tánh Biết đó được trao đồi qua hành động, trong từng hơi thở vào ra. Từng giây phút của cuộc đời ta hãy lấy cái Tánh Biết để quán chiếu ta hít vào ta biết ta hít vào, ta thở ra ta biết ta thở ra. Trong hơi thở nhẹ ta biết ta thở nhẹ, trong hơi thở vào mạnh ta biết ta thở vào mạnh. Thở vào sâu ta biết ta thở sâu, thở vào ngắn ta biết ta thở ngắn, thở ra ngắn ta biết ta thở ngắn, thở ra sâu ta biết ta thở ra sâu. Ta uống nước ta biết ta đang uống nước, ta đang uống café sữa ta phải biết ta đang uống café sữa, ta đang uống trà, trà ô long hay trà hoa lài hoa sen ta phải biết được rõ ràng từng thứ ta làm. Tập dùng cái Tánh Biết trong mọi tạo tác đừng như người vô hồn ngồi giữa cuộc đời mà chẳng biết chuyện gì.

Các bạn, chúng ta nhớ rằng Tánh Biết rất quan trọng. Cái biết để thực hiện được và làm sống động trong cuộc đời ta phải mượn ngay những cái sinh hoạt gần gũi trong cuộc đời này để dưỡng nuôi cái Tánh Biết. Mà cái thường luôn phải có ở trong đời đó là hơi thở. Các bạn có thể không ngủ, các bạn có thể không thức, có thể các bạn không ăn, các bạn có thể không uống, các bạn có thể không nói, các bạn có thể không suy nghĩ, các bạn có thể không làm việc, không cười, không khóc, không đau khổ, không hạnh phúc, cái gì cũng không không không nhưng các bạn không thể không thở, không thở là sẽ chết. Đức Phật đã nhìn ra cái sự quan trọng của hơi thở trong đời người do đó nếu chúng ta mượn ngay cái hơi thở là sự sống vốn có của con người để rèn luyện cái Tánh Biết, để trưởng dưỡng cái Tánh Biết các bạn sẽ biết được tất cả mọi sự việc xảy ra ở trong đời của các bạn. Biết từ khi thức dậy cho tới khi ngủ cái Tánh Biết luôn được dưỡng khi ngủ, khi thức, khi ăn, khi uống, khi nói chuyện với bạn bè, với cha mẹ, với con cái, khi tập thể dục, khi đi bộ. Các bạn thấy không, cái biết đó khi đi họp bạn, khi chúng ta nói chuyện trên phone, khi chúng ta đánh máy vi tính, khi chúng ta gửi những cái thông tin qua những cái dòng tương tác nhắn tin hay dưới bất cứ một cái hình thức gì hoặc khi chúng ta nhìn hoa, nhìn trời, nhìn đất, nhìn mọi cõi trong cuộc đời này, nhìn thấy được sự đổi thay, nhìn thấy lòng mình thẳng ngay thì chúng ta đang ứng dụng cái Tánh Biết đó.

Các bạn nhớ, dù cho cuộc đời có đổi thay thì lòng ta luôn phải thẳng ngay. Chính cái Tánh Biết giúp cho chúng ta luôn thẳng ngay được. Còn nếu chúng ta không biết thì chúng ta không thể dùng cái Tánh Biết đó để làm chủ cái tâm của mình và cái tâm của chúng ta sẽ bị những người khác làm chủ, sai khiến, đày đọa chúng ta đi, chúng ta chỉ là những người ăn theo. Mà Đức Phật dạy cho chúng ta là phải làm chủ được cuộc sống, làm chủ được tư tưởng, làm chủ được lời nói, làm chủ được hành động. Chúng ta phải làm chủ được cái điều đó mà để làm chủ được điều đó chỉ có Tánh Biết mới giúp chúng ta làm chủ được mà thôi. Còn nếu chúng ta không có Tánh Biết chỉ sống trong cái tưởng, cái Tánh Tưởng, cái Tưởng thức, cái tưởng tượng, cái ảo tưởng thôi thì chúng ta sẽ bị tiền tài, danh vọng, địa vị, sẽ bị ái dục, sẽ bị Tham − Sân − Si tròng vào cổ, xỏ vào mũi kéo ta đi chỗ này, kéo ta đi chỗ kia, sai khiến chúng ta, điều khiển chúng ta và chúng ta trở thành nô lệ cho tham ái, cho ngũ dục, cho sân si, cho tiền tài, danh vọng, vật chất, cho những điều ác cám dỗ.

Các bạn, các bạn có muốn trở thành nô lệ để rồi cái Tưởng thức, cái tưởng tượng, cái sự ảo tưởng có Trí Tuệ đó nó xỏ mũi, cột cổ kéo các bạn đi hay không để rồi cho những người khác điều khiển cuộc đời của các bạn mà các bạn tự tạo đau khổ cho bản thân, cho những người yêu thương. Đừng như vậy, ta có phước duyên học được lời của Phật, gặp được Phật, tin vào Phật Pháp, quy y với Phật Pháp, là Phật tử có pháp danh, chúng ta đã tam quy y, giữ năm giới. Chúng ta phải xứng danh là đệ tử của Phật để có cái sức mạnh nội tâm đúng theo lời Đức Phật dạy thực hiện trong hơi thở Chánh Niệm để nuôi dưỡng cái Tánh Biết để chúng ta ngu ta biết ta đã ngu để cái đã ngu đó sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Chính cái chỗ ngu mà biết ngu không lặp lại nữa thì chúng ta đã tự khai mở Trí Tuệ cho chúng ta. Một phương pháp thật là dễ dàng, dễ ứng dụng, một công thức biết đã ngu là có Trí Tuệ ai cũng ứng dụng được. Cho nên khi các bạn thực hành “Trời ơi! Sao tôi ngu quá vậy”, chính lúc đó là các bạn đang được khai mở Trí Tuệ nên các bạn mới biết bạn ngu. Còn những người ngu mà không biết ngu tưởng rằng mình có trí là những người đang mê muội trong ảo tưởng của ảo giác, những người đó sống thực sự không có Tỉnh Giác mà đang sống bị tê liệt toàn phần thần kinh, tư tưởng và suy nghĩ. Các bạn phân biệt hai chữ cho rõ:

Người ngu biết mình ngu

Nhờ vậy thành có trí

Có Tánh Biết thì thành có Trí Tuệ và:        

Người ngu tưởng có trí

Xứng thật là người ngu

Tưởng có trí là người ngu, biết mình ngu thành có trí. Các bạn muốn biết mình ngu để thành có Trí Tuệ hay tưởng mình có trí để là người ngu? Cuộc đời có hai sự lựa chọn một là có Trí Tuệ để hạnh phúc, bình an cho ta và gia đình, hai là người ngu để rồi mang khổ đau, sát hại bản thân và sát những người đang sống với chúng ta. Các bạn ơi, chúng ta có phước vô cùng, chúng ta đã nghe được lời của Phật khai thị, chúng ta biết được sự khai mở Trí Tuệ bằng cái công thức Tánh Biết để thành người có trí, ảo tưởng để thành người ngu rồi thì chúng ta phải lựa chọn cuộc sống tu luyện cái Tánh Biết trong hơi thở Chánh Niệm, trong mọi tạo tác của cuộc đời, trong mối tương tác với những con người ta đang sống. Khi chúng ta đang sống trong gia đình giữa vợ chồng chúng ta phải thể hiện được cái Tánh Biết trong từng cái lời nói trao cho nhau. Trao cho nhau những lời nói để biết rằng những cái lời nói, ngôn ngữ đó mang lại niềm hạnh phúc, sự kiêu hãnh bởi sống chung trong sự san sẻ và yêu thương thì cả hai vợ chồng đều trở thành kẻ có trí. Còn nếu chồng hoặc vợ luôn luôn ỷ rằng mình cao hơn vợ, có Trí Tuệ hơn vợ và luôn luôn muốn điều khiển vợ, điều khiển chồng cứ tưởng như vậy, tưởng có trí như vậy hóa ra là người ngu.

Sao ta cứ mãi là người ngu để rồi cứ tưởng rằng ta có trí mà sao ta không có trí để biết rằng mình thực sự là người ngu. Kẻ biết mình ngu sẽ là người có trí, kẻ tưởng mình có trí sẽ là người ngu. Hãy sống đúng với tinh thần của Phật chúng ta hạnh phúc dữ lắm, chúng ta có Trí Tuệ, Trí Tuệ của nhà Phật là cái Tánh Biết. Biết về cái gì ta đã sai, biết về cái gì ta đã ngu để rồi ta sửa. Cái Tánh Biết này là một cái Tánh Biết cao quý. Cũng không cái Tánh Biết ngu mà biết ngu người đó luôn biết khiêm cung, người đó luôn luôn biết khiêm tốn, người đó luôn luôn dễ thương, lời nói tràn đầy năng lượng yêu thương, gặp ai họ nói thì cũng có sự gắn kết mật thiết trong tình thương. Còn những người sống trong ảo tưởng, tưởng rằng ta có trí nâng cao cống cao ngã mạn, một lời nói nói ra làm lay đổ tất cả mọi tình cảm, làm hư hại tất cả mối quan hệ trong cuộc sống và làm tổn hại đến sức khỏe. Bởi vì có những người nói ra những lời nói tưởng rằng ta có trí về nhà họ nghĩ mãi ấm ức ở trong lòng ta có trí như vậy, ta thông thái như vậy tại sao những người khác khinh thường ta và tự bản thân họ đang hủy hoại sức khỏe, cuộc sống của họ. Nếu chúng ta mà cứ tưởng tượng rằng ta có trí để rồi đàn áp những người khác chúng ta thực sự là người ngu. Kẻ sống như vậy hay bị bệnh tim, hay bị đau khổ, hay bị lao phổi, bởi vì sao? Bởi sợ hãi quá hóa ra đau tim, bởi hoang tưởng quá hóa ra bị lao phổi. Chúng ta hãy sống một cách minh bạch theo lời của Đức Phật dạy ngu biết ngu trở thành người có trí. Còn trí mà tưởng mình có trí thì mình là người ngu. Sống ở trên đời Đức Phật dạy cho chúng ta những bài học thật dễ áp dụng, thật gọn gàng, thật bình thường và bình đẳng nữa bởi vì ai cũng áp dụng được. Chẳng phải anh có tiền anh mới học được điều này, chẳng phải anh thật là nghèo anh không được học những điều này. Lời của Đức Phật là lời hằng sống, là chân lý thường hằng bất biến, bất diệt để cho mọi chúng sanh có thể áp dụng, ứng dụng vào cuộc đời để thoát khổ, để khai mở Trí Tuệ mà sống bình an, hạnh phúc với muôn người.    

Các bạn chắc chắn muốn trở thành người có Trí Tuệ, các bạn chắc chắn muốn khai mở Trí Tuệ cho tự thân, các bạn hãy sống với Tánh Biết. Và để thực hành cái Tánh Biết đó Bảo Thành nhắc lại chúng ta phải thực tập, chúng ta không thể mơ hồ được, chúng ta đừng sống trong ảo tưởng. Có những con người luôn luôn sống trong ảo tưởng, họ chẳng nhìn vào những cái tạo tác của cuộc đời để ứng dụng Tánh Biết mà họ luôn luôn khoe cái Tánh Biết của họ với mọi người: “A! Tôi thấy anh hình như hơi mệt”, “Tôi thấy anh như bị bệnh”, “A! Tôi thấy cô kì này đang đau khổ”. Họ cứ thấy, dùng cái Tánh Biết để biết người ta cái biết đó là cái biết soi mói, cái biết của ảo tưởng, cái biết của tưởng tượng, cái biết của cái người có trí sống trong ảo tưởng cứ để cho cái tâm mình phóng tâm, phóng ra, phóng trược để rồi cứ  tìm tòi người ta vui, người ta buồn, người ta sướng, người ta khổ, người ta cảm giác như thấy này, người ta cảm giác như thế kia mà chẳng dùng cái Tánh Biết để biết về chính tự thân của họ. Các bạn, nếu chúng ta chỉ biết nhìn người và nói người như thế này, người như thế kia chúng ta đang sống trong ảo tưởng sức mạnh để thể hiện cái Tánh Biết của mình, cái Trí Tuệ của mình ta chính là người ngu. Những ai cứ soi mói vào đời của người biết, những ai cứ soi mói vào đời của người khác, soi mói vào đời của vợ, của chồng để rồi dùng cái Trí Tuệ của ta rồi nói với mọi người rằng: “À! Tôi thấy như vầy, tôi thấy như kia”. Mà chúng ta chỉ thấy người ngoài thôi, cái Trí Tuệ mà thấy của người khác, thấy nơi người khác đó là ảo tưởng sức mạnh sẽ tạo khổ cho mình và gây khổ cho người khác. Còn cái Tánh Biết chẳng biết về người mà biết về chính ta, chúng ta biết ta đang làm gì ngu, chúng ta biết ta đang làm gì tội lỗi, chúng ta biết ta đang làm gì sai phạm gây đau khổ cho mọi người ta sửa, ta dừng. Đó là ta đang khai mở Trí Tuệ cho ta bởi đó Chư Phật nói gọn trong câu người ngu biết mình ngu, biết mình nha chứ không phải mình ngu biết người ta ngu. Người ngu biết mình ngu chứ không phải biết người khác ngu nhưng mà người trí thì luôn luôn tưởng mình là giỏi, là biết họ luôn luôn biết người khác chứ họ không biết bản thân. Cho nên Phật mới dạy người ngu tưởng có trí, họ tưởng họ có Trí Tuệ, họ nhìn ai họ cũng soi mói đời của người ta: “Ô! Anh hôm nay tôi thấy hình như mệt, anh bị bệnh, anh không vui, anh ốm” tức là họ chỉ nhìn cuộc đời của người khác và thể hiện cái Tánh Biết của mình, cái sự hiểu biết của mình, cái sự rằng tôi biết anh như vậy, tôi biết cô như vậy, tôi biết người như vậy nhưng họ chẳng biết về bản thân của họ.

Phật không đề cao cái biết về người khác, Phật luôn khuyên bảo chúng ta phải biết về chính mình để khai mở Trí Tuệ cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải biết bản thân của mình và Phật nhắc cho chúng ta thấy rằng cái ngu ở đây tức là những cái sai lầm, ngu ở đây tức là những cái tội lỗi, ngu ở đây là những sai phạm, những điều gây đau khổ, những điều gây phiền não cho người và cho ta, ta biết ta đã làm những điều sai phạm nói chung hai chữ cho gọn là làm những cái Ác pháp. Khi chúng ta tạo Ác pháp thì gây cái nghiệp quả xấu, người ngu mà biết mình đã tạo ra Ác nghiệp thì người đó sẽ được khai mở Trí Tuệ và thành người có Trí Tuệ. Còn cái người ngu họ cứ tưởng họ không có làm sai, họ có Trí Tuệ, họ không thấy họ sai, họ không thấy được tội lỗi của họ, họ không thấy được sai phạm của họ nhưng họ luôn luôn thấy những người khác, biết những người khác sai phạm và lầm lỗi. Họ luôn tưởng rằng họ có trí, cái tưởng đó là ảo tưởng sức mạnh đang gây đau khổ và nó sẽ như một cơn sóng thần nhận chìm người đó xuống vực sâu đen tối, lầm chấp và khổ đau. Còn người có Trí Tuệ là người có cái Tánh Biết cho nên các bạn nhớ thực hành cái Tánh Biết trong hơi thở Chánh Niệm và biết về ta, biết về cái Ác nghiệp để dừng, biết về cái Thiện nghiệp để thực hành đó mới gọi là Tánh Biết.

Nếu ứng dụng Tánh Biết trong hơi thở Chánh Niệm để biết cái sai phạm để ngừng, biết cái Ác nghiệp để buông, biết cái Thiện nghiệp để chúng ta làm chúng ta chính là những người đã tự khai mở Trí Tuệ bởi Tánh Biết Thiện − Ác Nhân Quả. Còn người ngu là người không có trí sống trong ảo tưởng luôn tìm tòi moi móc từ những người khác. Nếu các bạn và Bảo Thành chúng ta đã từng moi móc mà dùng cái Tánh Biết để soi mói người khác, để mà nhìn người khác chúng ta hãy cùng nhau nhất quyết thâu nó lại, buông nó đi, không sử dụng cái Tánh Biết đó. Cái Tánh Biết mà chỉ biết về người ta mà không biết về mình thì ta là kẻ có trí trong tưởng tượng hóa ra ta là người ngu. Bảo Thành không muốn làm người ngu như vậy chắc các bạn cũng như thế do đó Bảo Thành cùng với các bạn chúng ta hãy tiến lên một bước nữa là thực hành giáo lý của Phật trở thành người tự khai mở Trí Tuệ để chúng ta sống trong bình an và hạnh phúc. Chúng ta muốn tự khai mở Trí Tuệ chúng ta phải biết rằng ta đã làm gì, biết về ta, biết ta đã sai, biết ta đã lầm lỗi, biết ta đã tạo ác để chúng ta buông bỏ cái ác, từ bỏ cái sai không lầm lỗi nữa và chúng ta biết cái thiện chúng ta hành trong từng tạo như vậy chúng ta là người có Trí Tuệ. Và để cái Tánh Biết được tăng trưởng các bạn nhớ thực tập trong hơi thở Chánh Niệm mỗi một ngày, cố gắng thực tập hít vào biết hít vào, thở ra biết thở ra. Với cái biết hít vào và thở ra đó lâu ngày nó trở thành một thói quen tất cả mọi việc, mọi suy nghĩ, ăn uống, đi đứng nằm ngồi, ngủ nghỉ các bạn đều có sự hiện diện của Tánh Biết thì lúc đó các bạn và Bảo Thành đều là những tri kỷ có Trí Tuệ trong Tánh Biết bởi sống trong Chánh Niệm. Cám ơn các bạn!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts