Search

4133. Trạm Cuối Cuộc Đời

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô BổnThích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì Mật thiền Chánh niệm hơi thở để lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành các pháp thiện, quán chiếu thấu được Vô thường, Khổ và Vô ngã.

Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương của chúng con đã quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho mỗi đệ tử chúng con và gia đình thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Đổng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Xin chư Phật Từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta cùng nhau trở về với Chánh niệm của hơi thở, đưa tánh biết quán chiếu mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ, thấy biết ghi nhận rõ ràng, mang tình thương ánh sáng và sự tỉnh thức tưới tẩm vào, mang các pháp thiện hành trì trong mỗi một niệm.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng và hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U(7 biến)

Nam Mô Phật!

Các bạn! Cái vòng xoáy của cuộc đời nó cuốn hút chúng ta và biết bao nhiêu cái sự đời nó làm cho chúng ta mệt mỏi. Nhiều lúc những người trong chúng ta muốn tìm tới một chỗ nào đó gọi là nơi bình yên, ngồi thả tâm hồn xuôi theo cái tự nhiên nhẹ nhàng đôi chút (gọi là sạc pin lại cho nó mạnh). Ở Việt Nam, tìm một chỗ để ngồi như vậy hiếm rồi, hàng hiếm. Công viên thì đầy ắp sự buôn bán. Chắc có lẽ là phải đi xa lắm may ra mới còn khoảng trống của thiên nhiên. Còn hầu hết là quán xá, cà phê, nhà cửa, quán nhậu mọc như nấm nơi ta đang ở. Tìm ở đâu ra một khung cảnh hồn nhiên thiên nhiên tự tại để khi mệt tới đó ngồi? Đó là một câu hỏi mà mỗi người luôn luôn tự hỏi bản thân: “Mệt quá! Mai đi chỗ này chỗ kia cho đỡ mệt”. Nhưng có đi được đâu. Không đi được, các bạn không đi được. Nào là chuyện vợ chồng, con cái, công việc, Khó! Thời buổi bây giờ khó lắm. Bước ra khỏi cái vòng xoáy của cuộc đời rất khó. Và cuối cùng, ta nói rằng: thôi, chờ, chờ đến một lúc nào đó ổn định tìm về cái sự tự tại trong tâm. Chờ mãi chờ mãi. Nhiều người chờ vì nhiều lý do. Có lý do cho rằng: Ôi! mình còn sống nhăn răng, có gì mà sợ, năm, sáu, bảy chục năm, sống cả trăm năm, sợ cái gì mà cứ vội vàng, từ từ đi. Nên họ chẳng bao giờ tìm về sự tự tại, nâng tầm ý nghĩa cuộc sống. Nhưng có những con người khi phát hiện ra những căn bệnh trầm kha mà bác sĩ dự định khoảng sáu tháng, một năm, ít ngày sẽ chết. Nhiều người hoảng hốt sợ hãi, có nhiều người lấy cái đó là mục tiêu cuối cùng để giữ tâm thanh tịnh, lại có người lấy cái đó để xả láng bất cần.

Những tháng ngày cuối của cuộc đời, trạm cuối của cuộc đời, ai cũng chết, sợ gì! Đó là một tâm thái. Còn tâm thái khác, chết thực sự là có mặt, chẳng sống lâu được nữa, làm toàn bộ những điều tốt đẹp và sắp xếp cho những người còn lại hoặc cho mình. Cái thương hiệu ngày nay nhan nhản ở trên mạng và nhiều bạn trẻ tâm đắc: “Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối của cuộc đời, hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng”. Và câu hỏi: “Bạn sẽ sống như thế nào nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời bạn?”. Rồi rồi những thợ vẽ tư tưởng mượn hai chữ “Minh Triết” chân lý cài đặt những điều ta phải như vậy ta phải như kia, ta nên thế này ta nên thế kia. Nó cũng hình như có cái hương khói của sự hoang tưởng. Tại sao, trên một chuyến xe cuộc đời, ta phải đợi tới cái trạm cuối mới vội vội vàng vàng đủ thứ? Tại sao, trong một kiếp người, phải đợi tới cái thời điểm như tiếng sét đánh ngang tai, chỉ còn thời gian ngắn là chết, rồi hối hả sắp xếp? Đức Phật dạy cho chúng mình không cần phải phát tán cái sự hoang tưởng văn chương “trạm cuối cuộc đời, ngày cuối cùng của mình, đừng cần phải mang điều đó ra để hù dọa. Vì có những người chẳng cần bác sĩ chuẩn đoán sáu tháng hay một năm bệnh trầm kha mà đang cười đang nói đang vui té đùng ra chết. Đâu phải ung thư bệnh ngặt nghèo có thời hạn để chết, mà mỗi người chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Dù rất khỏe rất vui, dù rất giầu rất có kiến thức, dù có đầy đủ quyền lực của thế gian nhưng cái chết như tên trộm nó rình tới bất cứ lúc nào. Không phải chỉ có những người bệnh bác sĩ báo cho biết để họ bắt đầu mới nghĩ tới trạm cuối cuộc đời, ngày cuối cùng mình. Mà mỗi người chúng ta phải nghĩ. Nhưng không cần thiết nghĩ để sống như trạm cuối cuộc đời sắp xếp nào là nhà này để cho con út, con cả, rồi con dâu con trai, tiền bạc chia làm sao, sổ đỏ cắt ra bao nhiêu mảnh để đứa này đứa kia không tranh giành. Rồi muốn tới chùa, nhà thờ, nơi tôn giáo này, tôn giáo kia, muốn đi đây đi đó sao như thế? Sao đợi đến như vậy rồi lúng ta lúng túng muốn! muốn! muốn! muốn! muốn đủ thứ của trạm cuối cuộc đời. Đã gọi là muốn tức là tham, tham mà giải quyết không được, cận ngày sắp chết thì sân giận sẽ có, cuồng si sẽ bao phủ. Văn chương chữ nghĩa nghe thích lắm, trạm cuối cuộc đời, ngày cuối của mình, sống sao đây? Những cái thương hiệu như vậy làm nức lòng mọi người, cảm xúc dâng trào.

Đức Phật dạy: “Hãy sống mỗi ngày trong Chánh niệm”. Dù một phút nữa thôi, dù một sát na nữa thôi, chết vì bất cứ căn cơ nào thì hãy sống trong Chánh niệm để đi trong Chánh niệm. Có vậy. Sống trong Chánh niệm không cần phải sắp xếp tiền bạc, của cải, nhà cửa, quyền lực thừa kế. Sống trong Chánh niệm không cần phải vội vội vàng vàng đi du lịch chỗ này chỗ kia những nơi ta chưa tới. Mà sống trong Chánh niệm là trở về bên trong, trở vào bên trong, nương vào cái hơi thở vào ra, nhận biết, rõ biết, thấy biết, ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc của mình, mọi suy nghĩ của mình, rồi tưới tẩm tình thương, ánh sáng. Tình thương của tâm Từ, ánh sáng của Trí tuệ, Tỉnh thức, của Tánh biết, thấy và hành các pháp Thiện. Bốn cái điều này, bốn cái nhiên liệu này, ta cứ thế chăm sóc tưới tẩm cho cây Chánh niệm mỗi giây. Nhưng nào có ai nghĩ đến điều đó đâu? Sống Chánh niệm là một đời sống cao đẹp. Đừng mơ tưởng đến trạm cuối rồi vội vàng, đừng đợi đến nước tới chân rồi thì lúc đó mới sắm này sắm kia. Nếu như chúng ta có cơ hội biết thấy ai đó bị bệnh đang ở trạm cuối cuộc đời những ngày tháng cuối, chúng ta cần phải nhớ, nhớ rằng đừng để cái đời sống của những người đó làm cho ta xao xuyến sợ hãi. Mà hãy chiêm nghiệm rằng: Ta cũng như họ, đang ở trạm cuối, đang ở ngày cuối, nhưng thật bình tĩnh an yên bởi sự thực tập sống trong Chánh niệm. Phật nhắc đi nhắc lại cho chúng ta, muốn hết khổ, hết phiền não đời này đời sau, chẳng mong cầu một phép lạ, thần thông, một vị Phật, một vị Bồ tát, mà cần nhất là mỗi người ý thức được cái đời sống cần thiết thể nhập vào trong Chánh niệm để có trách nhiệm sống một cách thuần khiết tinh trong. Vậy thôi là quá đủ rồi.

Không phải ta không cần Phật, Bồ tát mà ở cái chỗ chẳng cầu cạnh các Ngài tới cứu vớt, nhưng thành kính thỉnh quý Ngài tới để dạy dỗ chúng ta những cái bài học, con đường chân lý, ta hành trì và đi theo để tự giác giải thoát bản thân. Và đó là điều mà Đức Phật truyền dạy cả cuộc đời khi còn tại thế. Hôm nay con người hình như ít chú ý tới đời sống Chánh niệm thực tu mỗi ngày, hành trì mỗi một ngày. Mà đã biến Phật giáo, lời của Phật, con đường của Phật thành một tôn giáo có đầy đủ những hoa nghi hoành tráng để trang điểm những cái nghi thức đó vào sinh hoạt của Phật giáo, mà quên đi cái cốt lõi là mỗi người Phật tử, mỗi người học Phật cần phải tháo gỡ, chứ không rằng buộc. Nhưng chúng ta lại để cho mọi thứ sắc tướng của cuộc đời ma mị chính mình. Nhìn đi! Tôn giáo ngày nay sắc tướng quá nhiều. Tụng kinh bát nhã, tất cả các sắc tướng đều là “không”, cần phải tháo gỡ để làm cho tâm được thanh tịnh trong suốt như kim cương. Lúc đó ánh sáng trí tuệ mới có thể bừng sáng và ta nhìn thấu suốt tất cả. Nhưng các bạn thấy: Hiếm rồi! Ta cứ đắp lên mình son phấn của nghi thức của Phật giáo vùng miền bản địa hòa trộn vào tất cả. Như người ta gọi là “lẩu thập cẩm” hầm bà lằng, đổ tứ tung vô rồi ngồi đó rồi nhét vô trong tâm, cười khắc khắc khắc khen hay. Đạo Phật ngày nay dù có sắc tướng tới đâu cũng không bằng Bà La Môn thuở xưa cho tới ngày nay. Họ chằng chịt để cột mọi tín hữu của họ, tín đồ của họ vào thần thánh, tiên, vào những cái phép này phép kia cầu kính. Đức Phật đã ra đời để xóa tan đi sự mù mịt tăm tối ấy cho nhân loại. Nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn viên tịch mãn đời, đệ tử của các Ngài lại hoà trộn Bà La Môn giáo, hòa trộn hoa nghi cúng kính, dần dần quên đi con đường hành trì mỗi ngày, tỉa gọt, tháo gỡ. Rồi cứ như con thiêu thân bay vào sự rắc rối của tôn giáo, chết chìm trong đó mà không hay.

Đừng cho như trạm cuối cuộc đời, đừng cho như một ngày nữa để sống, bởi những cách đó chỉ là văn chương thôi. Chẳng ai có thể nói kẻ bệnh chết trước, ta khỏe mấy chục năm sau mới chết. Không! Người bệnh hiểm nghèo, ngặt nghèo ung thư hoặc người khỏe như ta có thể chết bất cứ lúc nào. Không cần phải sắp xếp chọn lựa trạm cuối phải sống làm sao, ngày cuối sống như thế nào. Hãy nghe theo Phật: sống trong Chánh niệm, trong Chánh niệm từng sát na, từng giây từng phút. Đời sống như vậy cao cả thanh cao rất tuyệt vời. Phải quẳng hết mọi cái gánh lo lắng của cuộc đời, thẩm nhập vào trong Chánh niệm, sống tự tại dù là bệnh hay không bệnh, khỏe hay yếu, già hay trẻ. Dù đã được nhắc nhở là trạm cuối cuộc đời hay chỉ một vài tháng nữa là chết, hay ngày mai chết, đừng để cho cái chết ép buộc ta phải làm gì. Mà hãy để cho sự thong dong tự tại dẫn ta đi. Sống thực sự trong từng khoảnh khắc của cuộc đời trong Chánh niệm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành. Mật thiền là một sự hành trì miên mật để quán chiếu và mang tình thương và cái nhìn sáng suốt của Chánh kiến, Chánh tư duy, sống tỉnh thức và hành các pháp thiện. Không phải chỉ có ngày nay, ngày mai, ngày mốt, mà mỗi một giờ, một phút, một giây trong đời.

Các bạn! Chỉ còn một thời gian ngắn, năm 2023 sẽ chẳng còn. Nhưng nếu ngày hôm nay bạn thấy thật rõ, chẳng phải là những ngày cuối của năm, trạm cuối của cuộc đời, ngày cuối của kiếp người, mà là phải sống trong Chánh niệm từng giây phải sống. Chúng ta hãy sống trong Chánh niệm, sống không vội vàng, không lo lắng, không sợ hãi, thể nhập vào trong hơi thở Chánh niệm, muôn sự ở đời sẽ tự động vào khuôn mẫu và ta sẽ thong dong mãi mãi.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Khi nghe những cái tin sét đánh, ai cũng vội vàng sắp xếp cuộc sống của cuộc đời họ. Nhưng chúng con theo lời Phật dạy, thực hành sống trong Chánh niệm. Dù ngày mai, ngày mốt, dù những giây phút tới ra sao, chẳng lo lắng mà thực tập để sống trọn vẹn trong Chánh niệm hiện tại. Xin Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi phình bụng thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau:

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn