Search

4134. Chìm Đắm Trong Nỗi Đau

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật tinh tấn hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu thật rõ và hiểu thấu được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Để nguyện mang tình thương lan tỏa đến mọi nơi, chữa lành các vết thương trong tâm khảm của mọi người. Có sự suy nghĩ trong suốt và tỉnh thức để thực hiện các pháp thiện bằng lòng thành kính. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, nhìn rõ được mục đích tu hành, học Phật là để thấy được cốt lõi, chuyển hóa khổ đau phiền não của tự thân. Để thành tựu được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này và san sẻ lan tỏa tới mọi người thân cận, xã hội cộng đồng. Chúng con cũng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, các bạn đồng tu, chánh niệm hơi thở là một phương tiện vi diệu mà Đức Phật dạy,  để chúng ta tự rèn luyện bản thân sống trong chánh niệm của hiện tại, quán chiếu và chuyển hóa đời sống của mình. Cốt lõi của sự tu là nhìn thấu được khổ não, u phiền, đau khổ, phá đi cái chấp, cái mê, làm cho trong sáng cái nhìn, cái thấy. Khi hít vào và thở ra chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành của các mật ngôn, chúng ta tiếp cận với mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình và tưới tẩm những nhiên liệu qua các mật ngôn để chuyển hóa tự thân của mình.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu, hôm nay nếu mình nhìn lại cuốn lịch chắc chắn sẽ thấy những ngày lễ lớn đang tới. Cộng đồng xã hội trên toàn thế giới ngày nay ảnh hưởng và tương tác với nhau thật khăng khít, những dân tộc khác vùng miền, khác quốc gia, khác châu lục đã xích lại thật gần. Vì thời đại này những thông tin phổ cập quá nhanh, khoa học kỹ thuật đưa chúng ta có thể tiếp chuyện gần gũi và tiếp cận một cách thân mật. Bảo Thành ở xa các bạn đó, nhưng hôm nay cũng như mọi ngày trên mạng, ta vẫn gặp nhau trên màn hình thật nhỏ của phone tay, phương tiện quá hay để gặp gỡ. Điều này rất tuyệt vời, ta không còn phải đợi cả tháng, cả năm trời để nhận lá thư người quen viết cho mình rồi hồi âm. Phương tiện khoa học phát triển đưa con người kết bạn bốn phương thực sự là có. Trong cái lẽ đó các nền tôn giáo tín ngưỡng cũng giao thoa, ảnh hưởng thật nhiều, mang niềm vui và hạnh phúc trong các lễ hội hòa vào với cuộc sống của dân gian đời thường.

Ở Việt Nam hay ở đâu đi nữa, trong gần cuối tháng 12 tây lịch này sự nhộn nhịp của ánh đèn, của cây Noel, của những khúc nhạc Thánh ca rộn ràng, du dương vang lên từ những giáo đường nhà thờ. Làm cho Phật tử chúng ta và mọi người nếu rời bỏ được bức tường của chấp trược nơi tôn giáo, ta vui cùng với mọi người, vui cùng với các tôn giáo bạn. Đây chính là pháp vi diệu mà ngài Phổ Hiền đã dạy, gọi là tùy hỷ cúng dường. Thấy các bạn tôn giáo khác, thấy các tôn giáo không cùng với ta vui sướng hạnh phúc trong ngày Noel đang tới, ta hoan hỷ, hạnh phúc cùng với họ, thì gọi là tùy hỷ cúng dường. Phước báu vô cùng, có được lợi lạc cho đời sống tâm linh, tinh thần và thể chất. Các bạn thấy đi, đi qua một góc giáo đường nghe tiếng nhạc thánh ca du dương, nhìn thấy ánh sáng của những ngôi sao, của đèn, thấy sự nhộn nhịp nơi giáo đường đó ta vui mà, để vui trong lòng ta nhất định phải gỡ đi những sự khác biệt.

Gần cuối năm và dĩ nhiên trong mùa Noel đó người ta thường tặng và trao cho nhau những món quà, quà Noel hoặc là quà tết tây lịch hoặc âm lịch. Khi chọn một món quà trao cho nhau, chúng ta đều tìm hiểu thật kỹ người bạn ta trao quà đó nhân cách như thế nào, sở thích như thế nào và tìm món quà thích hợp để khi trao cho bạn ấy, bạn ấy mở ra trong lòng hoan hỷ và hạnh phúc vì có được món quà như ý. Trao cho vợ chồng, tặng cho cha mẹ, gửi cho con cái, người thân đều phải có tầm nhìn nhận rõ đối tượng. Đã không trao thì thôi, mà khi trao tặng nhất định phải phù hợp để người nhận được yêu thương. Cảm giác được yêu thương đó, được vui, được hạnh phúc, được nở nụ cười thật tươi. Không cần biết Bảo Thành và các bạn đang đau khổ, phiền não ở chỗ nào, khi trao tặng phải trao tặng những sự cao quý tốt đẹp. Chớ truyền nhiễm, chớ ô nhiễm, chớ lây lan sự bệnh hoạn, đau khổ, phiền não của ta qua người. Đắm chìm trong khổ đau là có thật, mà nó kỳ ở chỗkhi ta đau khổ tới đắm chìm ở trong đó, rồi ta muốn nhận chìm những người thân, người yêu, người gần gũi ta vào vòng xoáy của khổ đau nơi mình.

Trao tặng cho nhau những món quà cao quý, đừng nhận chìm nhau vào vũng sình của phiền não khổ đau nơi ta. Noel, Tết tới hãy sửa soạn thật kỹ đời sống tâm linh, tinh thần, để mang gói quà tình thương Mu A Mu Sa, để mang ánh sáng trong suốt của Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, để mang năng lượng tỉnh thức từ Ma Sa Ốp Uê và bàn tay nhân ái thiện lành Sa Bi Mô U, gói trọn vào trong ánh mắt thương yêu, trong nụ cười hiền ái gửi tới tất cả. Phật giáo mà Đức Phật truyền dạy không phải là một tôn giáo mà Đức Phật tạo dựng hoặc nói, hoặc ép buộc chúng ta phải tôn thờ một đấng thần linh cao cả nào, chuyện đó là quyền tự do của mỗi người. Con đường mà Đức Phật truyền trao ở chỗ Ngài thấy Bảo Thành, các bạn và chúng sanh từ đời này qua đời sau luôn luôn đắm chìm trong khổ đau, mà không nhận thức được nên cứ khổ, cứ đau mãi. Thương cho những người không nhìn thấy mà đau khổ phiền não kia, nên Phật khi giác ngộ đã mang phương pháp hướng dẫn để Bảo Thành và các bạn có cơ hội nhìn thấu, nhìn rõ, hiểu thấu, hiểu rõ một cách chính xác. Để tháo gỡ, để cởi trói, để không còn bị ràng buộc trong khổ đau phiền não, mà được tự do, tự tại, an vui, hạnh phúc, sống thật sự, thật sự là sống, sống trong an bình.

Có một loại kinh Đức Phật dạy, hầu như tất cả các kinh Phật dạy đều mang ý nghĩa đó, nhưng bài kinh này nói để chúng ta thấy rõ được cốt lõi của con đường tu học, hành trì mật thiền chánh pháp, hay các pháp môn phương tiện khác là ở cái lõi phải nhìn thấu được mục đích ta tu. Kinh dạy có người muốn đi tìm cái lõi cây, khi thấy cái cây to, tốt, đẹp, chẳng nhìn cái lõi nơi thân cây, nơi gốc cây, nơi cành cây. Mà bị choáng bởi lá xanh tươi, tàng cây lớn, nên vội vội vàng vàng cắt mớ lá cây, cành con mang ôm trong lòng, vui sướng vì tưởng lầm đó là cái lõi của cây. Ngay chỗ này Phật muốn nhắn nhủ cho chúng ta những chân lý Đức Phật dạy, cái cốt lõi là chuyển hóa đau khổ, phiền não của tự thân, của chính mình thành an vui hạnh phúc, đó là cốt lõi. Nếu muốn chuyển hóa được đau khổ và phiền não của mình, cái lõi đó cần phải có một trí tuệ thẩm định thật rõ.

Chứ còn không Bảo Thành và các bạn chỉ rượt đuổi theo những phong trào tu tập của tôn giáo, hoa hòe ở bên ngoài. Để rồi phủ phê với những cảm xúc sung sướng ta ở trong nhóm này nhóm kia, ta ở trong đạo tràng này đạo tràng kia, ta là đệ tử của những bậc thầy lớn, ta là Phật tử trong những ngôi chùa có tiếng, có tổ, ta và cứ thế ta. Cái ta đó là cái tối, là cái dính mắc, tuy rất nhỏ vi tế khó thấy, nhưng nó làm chướng ngại trên con đường tu, cũng là cội nguồn tạo ra đau khổ và phiền não che chắn tất cả. Nhìn cho rõ cốt lõi trên con đường tu của chúng ta phải nhận ra, mọi đau khổ phiền não đều tới từ bản ngã. Từ cái ngã đó ta cho nó là thật, tạo thành cái chấp, cái vướng mắc, cái ngã nó nguy hại.

Trong câu mật ngôn quán chiếu trí tuệ ta được nhắc nhở trong tam pháp ấn, lời Phật dạy quán vô ngã. Cái lõi quán vô ngã để chúng ta biết rằng không có một cái gì là chủ thể thực thụ tồn tại mãi mãi, nó hiện hình dù chỉ trong vô tướng vô hình là cảm xúc cũng do nhân duyên. Bạn vui bạn buồn cấu tạo bởi nhân duyên phối hợp nên có cảm xúc đó. Những gì có tướng ta nhìn thấy như thân này, thế giới vật chất này, thế giới vật lý này, cũng do nhân duyên mà thành, hết duyên nó tan rã hết. Núi cũng còn tan, biển cũng còn biến mất, vũ trụ cũng nổ banh, ta cứ chấp vào cái ngã là tôi, mạng sống con người này là thật và những điều mong muốn tồn tại mãi mãi là thật. Đến khi nó mất, nó chết, nó bệnh, nó đau, nó khổ, ta bám chặt vào đó đọa đày bản thân, phải dìm người khác vào vùng tối đó, cách suy nghĩ như thế không đúng.

Đức Phật dạy vô thường có diệu lực là để hiểu thấu, để ta buông tay không còn dính mắc, có diệu lực là để hiểu thấu, để ta xả bỏ không chấp trước. Và nhìn rõ cái tôi ngàn xưa đến nay ta đang bám víu, đắm chìm trong khổ đau là vì ta không nhìn rõ, ta tưởng cành lá là cốt lõi. Tu tập phải hiểu thấu được cái cốt lõi trên con đường tu là chuyển hóa tự thân. Nhìn rõ, nhiều người trong chúng ta vẫn bám víu vào cái tôi của mình và tự cài đặt mình vào cương vị để người khác xót thương mình, cương vị đó là tội nhân. “Tôi bị cái này, tôi bị cái kia, các bạn, các người phải thương tôi và phải đáp ứng nhu cầu của tôi. Còn không tôi giãy đùng đùng ra ở dưới đất, còn không tôi giận dữ sân si, còn không tôi làm những điều hại đến sức khỏe của tôi, cắt tay cắt chân, đập đầu vào tường, la ó lung tung”.

Quay đi quẩn lại là bám víu vào cảm xúc một thời đã qua đi chẳng còn nữa, nhưng ta cứ chìm đắm trong cái khổ đau đó, để được xứng danh là người tội nhân. Rồi ép buộc người khác phải thương xót, chiều chuộng, phục tùng ý kiến, cách sống của mình. Đánh mất đi sự tự chủ, làm chủ thân tâm, cảm xúc của mình, đánh mất đi sự tôn trọng bản thân và sự thương mến đến người khác. Độc tài tư tưởng, đắm chìm trong khổ đau như một lợi thế, nhưng thật ra đó là người khờ khạo, đã tưởng lõi hay là cành lá. Những phương pháp như vậy đâu hết khổ đau, bạn đã áp dụng bao ngày tháng năm qua khổ đau của bạn có hết đâu. Vậy tại sao không nhận thức thật rõ lời Phật dạy, nhìn cho rõ cái lõi, cái cốt lõi của sự tu hành chuyển hóa tự thân. Đừng đắm chìm trong khổ đau như một cái cớ để người khác phải thương xót, hay như một cái cớ để ép buộc người ta phục tùng mình.

Đức Phật dạy trên con đường học đạo nhận thức rõ cái cốt lõi, mang vào hành trì mỗi một ngày, tu tập cho thật rõ, quán chiếu để thông, để chuyển hóa mình. Nếu có khổ đau phiền não vì bất cứ một nguyên nhân, một điều gì đó do ta, do người, do nhân duyên, thì đều phải nhận thức rằng đó là vô thường sanh diệt, đều phải thấu rõ đó là vô ngã, chẳng tồn tại. Trong chánh niệm hơi thở, chánh niệm đời sống giúp cho chúng ta không còn níu kéo những sự khổ đau hoặc là sung sướng của quá khứ đã qua đi. Vì những gì đã qua đi trong quá khứ vô thường nói thật rõ có cần đâu, có chăng chỉ là hoài niệm mà thôi. Đấy, phải như vậy, cuối năm rồi, Noel cận kề rồi, hòa mình vào với niềm vui của nhân loại, của các tôn giáo bạn. Chúng ta mỗi một người chẳng cần phải tốn công, tốn sức, tốn tiền để lận đận ở ngoài chợ, mua những món quà gói cho hay, cho đẹp tặng cho bạn mình.

Mà chúng ta hãy mang cái cao quý nhất của cuộc đời mình đó chính là tình thương, là sự sáng suốt, là sự tỉnh thức và tâm thiện ái gói vào trong hơi thở chánh niệm. Sống ngay trong hiện tại cười cùng với nhau, biết lắng nghe nhau, biết san sẻ, dắt dìu nhau vượt qua những trắc trở của đời người. Để rồi khi biết ngồi xuống mở món quà ta tặng cho nhau đó, nó lan tỏa hương liệu của tình thương chân thật và sáng suốt. Các bạn, đừng bao giờ cho mình là tội nhân, là người đáng thương và cứ như thế đắm chìm trong khổ đau, để dìm người khác vào trong vùng xoáy của mình. Đó chẳng khác gì là một kẻ khùng điên, cột cổ vào đá nhảy xuống sông chết thôi. Hãy cởi trói cho chính mình và hãy gói món quà cao quý như vừa nói tặng cho nhau trong ngày lễ. Mọi khổ đau ở trong ta nguyên nhân là cái tôi, cái bản ngã, là sự chấp hoặc là người chơi trò chơi tội nhân ta là người đáng thương, kẻ khác phải tuân theo ý ta. Hãy dừng cuộc chơi này và chuyển hóa nội tâm của mình, sống đích thực. Đức Phật không truyền dạy một tôn giáo để thờ lạy, cúng kính, nhưng khai thị một con đường để nhìn thấu, thực hành.

Bạn nhìn đi bạn đang bệnh đó, chúng ta đang bị bệnh, nếu như có một toa thuốc bác sĩ cho, mà ngồi đó cứ đọc tên những loại thuốc mà cứ tụng đi tụng lại toa thuốc đó, bạn chẳng hết bệnh đâu. Bạn nhất định phải mang toa thuốc đó tới thầy thuốc để mua thuốc uống vào. Đức Phật đã cho ta toa thuốc và người thầy thuốc duy nhất có thể đưa thuốc chính xác cho chúng ta là sự hành trì của tâm thành kính chân thật, hiểu thấu, buông xả, yêu thương, trí tuệ, tỉnh giác, thiện lành nơi tự thân của mỗi người. Các bạn nhớ điều ấy, đừng tụng toa thuốc làm gì, đừng cứ ngồi đó mà tụng kinh chẳng hành trì, có thành tựu được đâu. Đừng chơi trò chơi ta là tội nhân, ta là kẻ đáng thương, người khác phải thương xót ta. Mà hãy sống trong sự tự tại, có trách nhiệm chuyển hóa phiền não, đau khổ của mình qua hơi thở của chánh niệm, qua sự hành trì đích thực. Mu A Mu Sa là pháp môn vi diệu quán chiếu tâm Từ bi Đức Phật dạy cho các bậc tỳ kheo một thuở sống trong rừng, vì sự xáo trộn của những năng lượng tiêu cực làm khổ, quán chiếu tâm từ bi. Các bậc tỳ kheo đó đã rải tâm từ lan tỏa các khu rừng và các Ngài đã có được sự tịnh an trong lòng, cả rừng kia biến thành rừng thiện.

Bạn không thể an và hết khổ, hết đau nếu không quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa, Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm từ bi, vậy thôi. Mỗi một ngày ta hít vào thở ra quán tâm từ bi, lấy tình yêu thương, tâm từ, tâm bi. Từ là lan tỏa yêu thương, bi là làm bớt đi sự nhọc nhằn, thống khổ, phiền não, đau khổ của mình và của người. Cứ thế hương liệu này sẽ chữa lành mọi vết thương và là món quà cao quý ta trao cho nhau trong mùa Noel này. Noel không còn nằm ở biên giới của tôn giáo, nơi sự khác biệt, mà là ngày lễ chung của nhân loại hiện thời, hòa vào với sự tưng bừng, vui nhộn, an lành, thái bình của niềm tin tôn giáo bạn. Chúng ta không thể quên cần phải tu, để mang món quà cao cả là sự bình an nơi lòng thiện tâm vốn có trong chúng ta để trao tặng, hiến dâng cho mọi người. Nhất là cho ông bà, cha mẹ, cho vợ chồng con cái, người thân hoặc cho người yêu của mình. Phải có trách nhiệm với đời sống đó mới chính thực là người biết hành trì pháp của Phật, mới hết khổ đau và phiền não. Đừng tự đắm chìm trong khổ đau và dìm người khác vào bể khổ cuộc đời của ta. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ngài là thầy của chúng con, xin gia trì cho chúng con hiểu thấu cốt lõi chân lý Ngài dạy, mang vào thực hành, quán chiếu trong từng hơi thở. Để mọi suy nghĩ, mọi lời nói và hành vi của chúng con đều có hương liệu của tình thương, của trí tuệ sáng suốt, của sự tỉnh thức thấu rõ, của tâm tánh thiện lành trao gửi yêu thương.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng và lan tỏa cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn