Search

4109. Phước Đức Tạo Nên Nền Tảng Giá Trị Con Người

Bảo Thiện đánh máy

Dạ con kính bạch Thầy ạ!

Dạ Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào gia đình Phạm Gia Nutrition, chào cô MC khả ái và toàn bộ quý ông bà, anh chị em hiện diện trên phòng zoom ngày hôm nay. Bảo Thành rất hạnh phúc mỗi khi gặp lại gia đình mình đây, là một tháng sắp sửa trôi qua và cứ mỗi tháng trôi qua như vậy chúng ta có cơ hội gặp nhau trong tình thương, san sẻ giá trị sống đích thực trong cuộc đời này. Xin chào và bây giờ chúng ta bắt đầu bằng 30 giây, hãy quên đi tất cả những gì khó nhọc trong cuộc sống của ngày hôm nay. Hãy trở về sự tự tại của thân tâm, buông thư, mời mọi người ngồi theo tư thế mình đang ngồi. Nếu đang nằm, đang ngồi, đang đi, đang đứng, đang làm việc, chúng ta chỉ cần ưu đãi bản thân mình 30 giây trong tĩnh lặng, hít vào và thở ra, biết thật rõ là được rồi. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu, hãy lắng nghe hơi thở của mình, hít vào ta biết ta hít vào, biết rõ, ghi nhận rõ mọi cảm xúc của mình, mọi suy tư của mình ngay bây giờ, chỗ này, tại đây. Thở ra ta cũng biết và ghi nhận rõ mọi cảm xúc của mình, mọi suy nghĩ của mình.

Dạ cám ơn tất cả mọi người đã ưu ái cho mình 30 giây đặc biệt trở về với chánh niệm của hơi thở, lắng nghe hơi thở vào ra, biết thật rõ, dù chỉ 30 giây cũng rất tuyệt vời trong cuộc sống bận rộn. Mình trở về với chủ đề, chủ đề này có lẽ nói nhiều lắm mới bao hàm được ý nghĩa của nó, nhưng thời đại mấy chấm rồi các bạn gọi là 4 chấm bao nhiêu chấm chẳng biết nữa, vì kỹ thuật khoa học phát triển quá nhanh, chớp mắt một cái là chấm chấm những dấu hỏi mà ta không kịp học theo đà tiến của khoa học, kỹ thuật ngày hôm nay. Cũng chính vì vậy mà thời gian chúng ta dành cho sự tu tập hoặc thời gian để cho chúng ta hiểu mà hành được bớt dần đi, bớt nhiều lắm.

Nhớ ngày xưa nhất là các bác lớn tuổi quý vị lớn tuổi còn nhớ, chúng ta nhiều khi có cả một tiếng, hai tiếng đồng hồ ngồi đọc sách, đọc kinh hoặc đọc những kiến thức hữu dụng trong cuộc đời. Nhưng ngày nay nói đến một tiếng, nói đến nữa tiếng hoặc nói đến 15 phút tìm không ra nữa, chỉ trong vòng 30 giây đến 1 phút là quá rồi. Nhiều nữa người ta không có đọc, nhiều nữa người ta không có coi, chính vì thị hiếu của con người muốn có kiến thức, nhưng mà thời gian phải gấp rút. Mà chúng ta thấy trong các chương trình kỹ thuật đặc biệt của Youtube, của Facebook họ chế tạo ra những thước phim thật là ngắn, người ta gọi là reels hoặc là short clip, chỉ bằng mấy giây thôi hoặc là mấy chục giây. Và cần phải chuyển tải thông tin ngắn gọn, nhẹ nhàng, dễ hiểu, có cốt truyện để cho chúng ta nghe, nhìn trong một thời gian ngắn mà thực hiện được.

Thời gian quả thật trôi quá nhanh và quỹ thời gian dành cho sự tu tập còn quá ít trong thời đại mà chúng ta, những người lớn chạy không kịp để cập nhật hóa thông tin kỹ thuật phát triển. Trở lại chủ đề, nói dài chưa hẳn chúng ta có thể thực hiện được trong thời đại này, đặc biệt các bạn còn rất trẻ. Hai chữ phước đức của nhà Phật nói tóm lại không nằm ở ngoài kinh sách của Đức Phật đã dạy, hai chữ phước đức không nằm ngoài những kiến thức cổ nhân truyền lại, từ ông bà cha mẹ, từ các bậc thầy của chúng ta, không phân biệt tôn giáo đều được dạy hai chữ phước đức là nền tảng căn bản giá trị cốt lõi của đời người. Vì khi cuộc đời này có những chuyện cần phải giải quyết, phước đức vẫn là điều cao quý nhất để giải quyết mọi vấn đề. Còn không có phước đức thì coi như chuyện đó đã rồi.

Đi thẳng vào vấn đề là làm sao để có được phước đức? Không mông lung trong ngôn ngữ, không mông lung trong những triết học sâu sắc, sâu xa trong những nền minh triết của ngôn ngữ giải bài quá nhiều. Mà đơn giản hóa theo lời của bậc giác ngộ là Đức Phật dạy, phước đức có được chỉ đơn giản là từ chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động. Chúng ta đừng mông lung phước đức là phải cầu, là phải cúng, là phải làm lễ, là phải cúng sao giải hạn, là phải làm cái này, làm cái kia cho thật lớn, cho xã hội, cho cộng đồng, cho tất cả. Là phải có những nghi thức chẩn tế, những giây phút sâu lắng ở trong rừng sâu núi thẳm ngồi thiền định, hoặc là phải học giáo lý của tôn giáo này, tôn giáo kia cho nhiều mới có được phước đức. Ông bà đã mang lời Phật vào đời sống thiết thực, để cho những người làm phận con cháu như Bảo Thành và quý vị tạo được phước đức. Qua điều gọi là suy nghĩ cho sáng suốt, ăn nói cho đàng hoàng, hành động cho ngay thẳng, mà từ ngữ Phật giáo gọi là chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động.

Chánh ở đây đơn giản hơn là hãy làm cho đúng, nói cho đúng và suy nghĩ cho đúng. Chữ thiện và chữ ác ai cũng biết, ai cũng hiểu. Điều thiện là mang lại niềm vui hạnh phúc và san sẻ được những sự khổ não, ưu phiền cho người khác. Điều ác là gây tai họa đau khổ cho người khác, cho mình. Ai cũng biết căn bản đó, tôn giáo nào cũng dạy điều đó, con người nào cũng mỗi một ngày đều làm những điều đó. Cho nên để có phước đức và phước đức đó trở thành nền tảng vững chắc, tạo thành giá trị phẩm chất cao cả cho mỗi một người, thì chúng ta cần phải có sự rèn luyện thật rõ. Vì cuộc đời này u mê quá nhiều, cám dỗ quá nhiều, lôi cuốn quá nhiều. Dù vẫn biết chúng ta có những suy nghĩ trong sáng ngay thẳng, nhưng sự cám dỗ ngoài kia lôi kéo sự ngay thẳng của tâm ta không vững chãi, dễ sa ngã, sa đà và làm sai. Dẫu vẫn biết mỗi người chúng ta luôn luôn có chánh ngữ, tức là biết nói những lời thật tốt, thật ái ngữ, thật nhẹ nhàng, thật dễ thương, thật tử tế, để trao cho nhau năng lượng yêu thương.

Thế nhưng cuộc đời đâu phải vậy, luôn luôn có những thử thách nghịch ý, gai mắt, trái tai, rồi chúng ta sân lên lúc nào không hay. Để rồi biết bao nhiêu lần cha mẹ nói những lời rất nặng đối với con cái, để từ đó con cái bị ảnh hưởng tinh thần. Có thể vợ chồng đối xử với nhau bằng những ngôn ngữ thô ác, thô tục, làm đau đớn cả cuộc đời. Cũng có những người con đã nói những lời quá ác, quá thô, không khéo, làm cho cha mẹ khóc mãi, khóc mãi suốt cuộc đời, làm cho ông bà đau khổ. Bảo Thành và các bạn chắc chắn đã chứng kiến không hẳn từ trong gia đình mình, trong dòng họ, anh chị em của mình, mà ở ngay trong xã hội đang sinh hoạt hiện thời. Mỗi một ngày có biết bao nhiêu những người đã quên dùng chánh ngữ, đã quên dùng những ngôn ngữ nhẹ nhàng, dễ thương, ái ngữ, dịu dàng đối xử với nhau. Mà luôn tuôn ra những ngôn ngữ sắc lẹm như dao, như kiếm, như súng, làm chết đi cảm xúc, tình cảm của nhau.

Nói đến hành động thì các bạn thấy đó, nhiều khi có những chuyện rất bình thường nhưng chúng ta có thể đập bàn, đập ghế, đánh thẳng vào mặt người mình yêu thương, cuộc sống xô xát nhìn thật là ác tâm. Nhất định có lẽ không phải là các bạn, nhưng ai đó trong cuộc đời đã chứng kiến những người chồng vũ phu, những người vợ mạnh tay, mạnh chân, mạnh miệng, mạnh mồm, điều đó có. Như vậy thì chúng ta đã làm tổn phước đức của mình, nền tảng giá trị nhân phẩm của đời người đã không còn. Hôm nay trong thời đại mà không còn thời gian để suy nghĩ, để nghiên cứu từng giờ, từng tiếng, nhiều ngày, nhiều tháng để thành tựu được phước đức cho chính mình. Chạy đua theo giới trẻ ngày nay, những người già như Bảo Thành và các bạn đôi khi mệt nhoài, bởi con cái của chúng ta sinh vào thời đại phát triển quá nhanh, mà chúng ta cách xa cả một thế hệ hoặc hai thế hệ. Cho nên sự suy nghĩ và hành xử của chúng ta khác hẳn với con cháu của mình. Tuy nhiên nền tảng giá trị nhân phẩm của con người dựa trên phước đức không bao giờ thay đổi. Chỉ có sự thực tập để có được phước đức đó cần phải ngắn gọn, đơn giản để con cái của chúng ta và để những người bận rộn trong cuộc đời này như chúng ta có thể thực hành được và thành tựu được.

Bảo Thành xin nhắc, các bạn đã biết, gia đình của mình đã thấu, phước đức được tạo ra trên nền tảng của sự suy nghĩ sáng suốt, của sự ăn nói tử tế, dễ thương, ái ngữ, của những hành động bác ái yêu thương, chân thật. Gom lại theo lời Phật là chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động, ba điều đó mỗi một ngày các bạn và Bảo Thành luôn luôn ứng xử. Nếu người khéo nhận định trong sự tu luyện chỉ có 5 giây, 10 giây, 30 giây, thì đều ý thức được để nhìn rõ biết suy nghĩ của mình, lời nói của mình, hành động của mình. Chúng ta hãy nhớ người xưa nói tích tiểu thành đại, mỗi một lời nói chúng ta ý thức được, trao cho nhau bằng ái ngữ mình đã tạo được phước đức và tăng trưởng được nhân phẩm, giá trị của đời mình. Mỗi một suy nghĩ sáng suốt đúng pháp thiện là chúng ta tăng trưởng được phước đức, để có được nhân phẩm cao quý. Mỗi một hành động bác ái yêu thương, chân thật đối xử với nhau từ ông bà, cha mẹ, con cái, nơi gia đình của mình thôi các bạn ơi.

Không cần phải làm việc gì lớn lao ngoài xã hội cứu cả thế giới, cứu cả thiên hạ, mà hãy trở về sống chân thật tử tế với bản thân, sống chân thật tử tế với ông bà, cha mẹ, với vợ chồng, con cái, với anh chị em, với huynh đệ của mình, với những người mà ta tương tác hàng ngày. Trong ý thức biết hiểu rõ về thiện ác, về điều tốt qua chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động, thì các bạn và Bảo Thành luôn luôn tạo ra phước đức dồi dào, dư giả để tăng những giá trị và là nền tảng vững chãi nhân phẩm của chúng ta. Hãy gọi như vậy đi đừng cầu kỳ, vẫn biết quý ông bà, quý bác lớn tuổi có kiến thức uyên thâm, học thật là sâu sắc lời của người xưa. Nhưng thực tế ngày nay làm ông bà, làm cha mẹ, chúng ta phải nhìn nhận và công nhận thật rõ con cháu của mình, những ngôn ngữ xưa mình nói cho con cháu thật khó chấp nhận, vì chúng không có thời gian. Những ngôn ngữ chế biến như mì ăn liền ngày nay dần dần xa rời những đức hạnh của cổ nhân để lại, qua lời dạy của ông bà và cha mẹ.

Vì cái phone thông minh, vì những điều ở trên mạng con cháu mình luôn cầm trên tay, tiếp cận quá gần, quá dễ, quá nhanh và những thông tin trên phone rất lợi hại, nếu chúng ta cứ phải nói một tiếng để giáo dục con cái của mình thì nhất định con cái của mình rất khó nghe. Cho nên ngày nay nói về phước đức là nền tảng giá trị của con người, mà Đức Phật nói chánh kiến, chánh ngữ, chánh tư duy. Suy nghĩ cho sáng suốt, cho thiện, nói bằng tình thương, bằng ngôn ngữ tử tế và có những hành động bác ái yêu thương. Cần phải ngắn gọn dễ hiểu trong sự truyền đạt và sự thực tập đó cũng phải rất ngắn gọn, gợi ý thêm để chúng ta thực tập và nên mời gọi con cháu của mình cùng thực tập với chúng ta. Bằng cách mà chúng ta vẫn nói đi nói lại và bằng cách 45 năm trời Đức Phật luôn dạy, đó là nương vào hơi thở chánh niệm của hiện tại, thấu biết thật rõ mọi cảm giác của mình, tánh biết ghi nhận trong hơi thở vào ra đó, biết rõ cảm giác của mình đó, suy nghĩ của mình đó.

Tạo thành một cái lực thật là lớn để ngăn ngừa, ngăn cản và chuyển hóa những tư tưởng tiêu cực xấu, những lời nói thô ác, sân giận, những hành động nguy hại đến người, đến mình. Hơi thở đó quý ông bà anh chị em, các bạn đã biết rồi là hãy ngồi cùng với gia đình chỉ 30 giây thôi, ngắn như vậy đối với trẻ thơ. Chỉ cần 30 giây, hít vào và thở ra trong 30 giây, nhẹ nhàng rõ biết mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình, vào sau buổi tối ăn cơm, đặc biệt trước khi đi ngủ để mình đi vào giấc ngủ của sự tỉnh giác cùng với con cái của mình. 30 giây rất quý báu, rất đặc biệt và 30 giây đó, y như ngày nay nếu quý vị biết được coi lại những thước phim trên reel của facebook hoặc những cái short của youTube, chỉ cần 30 giây thôi. Những nhà quảng cáo tiếp thị ngày nay họ cũng chỉ sử dụng được 30 giây, mà mang truyền đạt đầy đủ những điều họ muốn quảng cáo, để tiêm nhiễm vào đầu óc của trẻ thơ những điều chúng ham muốn.

Chúng ta cũng phải cập nhật sự tu thật nhanh thật gọn chỉ trong 30 giây cùng với con cháu của mình và cho sự lợi lạc của chính mình, lan tỏa bằng hơi thở chánh niệm 30 giây, nghe biết rõ ràng mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ của mình. Để gia đình của chúng ta một lần nữa được xây dựng ngắn gọn, hỏa tốc, có hiệu lực nền tảng phước đức, để tăng cao giá trị nhân phẩm vững chắc cho con cháu của mình đang sống trong thời đại cám dỗ, lôi cuốn quá lợi hại của những thông tin tràn lan vô tội vạ trên facebook, trên youTube, trên tivi, trên các đài. Đây là sự gợi ý của Bảo Thành, mà bây giờ Bảo Thành xin ngừng để chúng ta cùng chia sẻ với nhau về sự thổn thức chung của chúng ta ngày nay, khi đương đầu với những thế hệ trẻ mà bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự cám dỗ ở bên ngoài, để làm tổn phước đức mà Cửu Huyền Thất Tổ ông bà đã ưu ái truyền lại cho chúng ta. Dạ, xin chân thành cám ơn sự lắng nghe!

Vâng ạ! Con rất là biết ơn Thầy ạ! Cả nhà ơi, hãy cùng Hà thả thật nhiều trái tim trên màn hình để gửi lời biết ơn đến thiền sư của chúng ta. Một chủ đề ngày hôm nay rất là giá trị, phước đức không đến từ sự cầu nguyện, cầu xin, mà phước đức ta có được là chúng ta phải có chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động. Rất là tuyệt vời, con rất là biết ơn thầy, ngày hôm nay con cũng nhận được rất là nhiều giá trị và con nghĩ rằng trong tất cả các cô chú, cô bác anh chị cũng có những giá trị nhận lại giống như con. Bây giờ thì thời lượng chương trình sẽ có 30 phút để chúng ta có thể tương tác với Thiền sư, thì thay mặt ban tổ chức kính mời các cô bác, anh chị có những câu hỏi gì về chủ đề ngày hôm nay hoặc những cái gì trong cuộc sống mà chúng ta đang còn khúc mắc, thì chúng ta có thể giơ cánh tay vàng lên để ban tổ chức có thể hỗ trợ các cô bác anh chị tương tác với Thiền sư của chúng ta được không ạ!

Xin chào cả nhà mình, vì mình là một gia đình Phạm Gia Nutrition, tức là sự dinh dưỡng thân, tinh thần và tâm linh, san sẻ quan tâm đến đời sống của giới trẻ và quan tâm đến bản thân của mình trong một thời đại mà thời gian trôi quá nhanh. Chúng ta không còn nhiều thời gian để làm việc này việc kia, gấp gấp quá cho nên bất cứ một điều gì cũng cần thâu tóm gọn gàng trong từng giây, từng phút, nhưng mang lại giá trị. Bảo Thành nghĩ rằng những lời của cổ nhân, của chư Phật, của mọi tôn giáo đều phải suy nghĩ cho thật nhanh, để ứng dụng vào thời gian mà thời đại này con cháu của chúng ta rất là lợi hại bởi vì có quá nhiều sự cám dỗ, quá nhạy bén, mà chỉ có thể cập nhật được mà chúng ta không thể kiểm chứng con cháu của mình. Cho nên Bảo Thành gợi ý như vậy và mong rằng chúng ta góp ý với nhau, để thực hành hơi thở chánh niệm trong 30 giây mỗi một ngày cùng với con cháu của mình, xây dựng và tái tạo lại phước đức mà ta vốn có đừng để quên, bởi đó là nền tảng giá trị của đời người. Còn vật chất, tài sản, kiến thức khoa học, thường thức xã hội cũng là nền tảng đó, nhưng nếu thiếu đi phước đức thì nhất định những thứ kia không khác gì những câu nói xây nhà trên cát, dã tràng se cát biển đông đó quý vị. Cho nên xin mời gọi quý vị cùng góp ý với Bảo Thành để chúng ta san sẻ như một tình thân trong gia đình, dạ!

Con rất là cảm ơn đến thiền sư, có rất là nhiều điểm cầu đã gửi lời cảm ơn, biết ơn đến thiền sư của chúng ta và có chị Phương Nguyễn thì có nói hồi nãy là con có nhắc phước đức không đến từ sự cầu nguyện, thì chị có nói lại câu sau, thì ở đây con kính nhờ thầy có thể nhắc lại chủ đề phước đức không đến từ sự cầu nguyện mà phải đến từ chánh kiến, thầy có thể nhắc lại để chị nghe lại giúp con được không ạ?

Cái phước đó thì ví dụ đầu năm mình đi cầu phước, mình tượng trưng gọi là cầu phước đức hoặc là ngày rằm, ngày mùng 1. Còn các bạn thuộc về tôn giáo khác chúng ta có thể đi nhà thờ, đi tới những giáo đường để cầu phước, điều đó hình như được tương truyền nhiều năm rồi, điều đó không có sai. Bởi khi chúng ta đi cầu đã mang tâm rất thành rồi. Tuy nhiên phải cụ thể hóa cầu là cầu sự hiểu biết để chúng ta hành xử cho đúng, nói được phước mà hành xử không đúng thì không bao giờ có được. Cho nên phước đức chỉ có được không qua cầu nguyện, nghi thức, chẩn tế, lễ lạy, cúng kính, giải xui, giải hạn,… tất cả mọi thứ để có được phước đức. Mà bằng hành động cụ thể của những suy nghĩ phù hợp với pháp thiện, của những lời nói phù hợp với pháp thiện, của những hành động phù hợp với pháp thiện.

Nói đơn giản, suy nghĩ cho ngay thẳng để có sự sáng suốt, ăn nói cho tử tế để không tổn phước và phải có những hành động tốt đẹp đối xử với nhau. Ba điều đó nhà Phật gọi là chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động tạo nên nền tảng phước đức. Hãy nhớ cửu huyền ông bà cha mẹ đã xây dựng phước đức mà để lại cho chúng ta, cũng ba điều đó, qua ba điều đó hãy nhớ. Có những người rất hiền, chúng ta nhìn thấy thì thấy ngay lời nói của họ có đức độ, suy nghĩ tử tế, đối xử đàng hoàng, nhìn phong thái rất tốt, rất hay, ta tiếp xúc với họ thấy được giá trị sống rất cao quý. Nếu như ai có bà, có ông, có cha, có mẹ, nhất định chúng ta phúc hậu đàng hoàng tốt đẹp, giá trị cao của người xưa vẫn còn trong tâm trí mình qua những hành động, những lời nói và sự đối xử với chúng ta. Cho nên hãy nhớ rằng phước đức tới và có được qua ba điều mà Đức Phật dạy, mà các tôn giáo khác cũng dạy như vậy, là từ sự suy nghĩ thiện, nói thiện và hành động thiện, dạ!

Con rất là biết ơn đến thiền sư ạ và chị Phương Nguyễn chị đã rõ chưa ạ, phước đức không đến từ sự cầu nguyện, mà phước đức có được là do chúng ta phải có chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động nha chị. Rất là cảm ơn đến câu hỏi của chị và tiếp theo em thấy điểm cầu của anh Bùi Tiếp, ban tổ chức đã hỗ trợ cho anh và em xin mời anh ạ!

Rất là cám ơn ban tổ chức, biết ơn Thầy. Thưa thầy là con cũng có những thắc mắc, vừa rồi cũng đã được thầy giải thích rồi, tuy nhiên con thấy rằng là cái phần hôm nay rõ nhất là phần câu chuyện của phước đức. Trước đây là gần như người ta sẽ bằng hành động bằng các việc đó, người ta cầu, nhưng mà ngày hôm nay thì con hiểu rằng phước đức rất là đơn giản, bằng câu chuyện là từ suy nghĩ, từ lời nói và từ việc làm. Ngoài ra mình cần thực hành điều đó trong đời sống hàng ngày, thì đó là điều mà con tâm đắc nhất trong phần Thầy chia sẻ. Tuy nhiên có một hiện thực hiện nay, một là bản thân con cũng như rất nhiều người hiện nay đi chùa, thì thường là mình được lập trình là mình sẽ cầu và ngày hôm nay chúng con nhận thấy điều đó không đúng, thế thì việc đó hiện nay phải thực hành như thế nào trong hành trình chúng con đến chùa. Yếu tố thứ hai tức là đối với con sẽ thực hành việc tích phước hồi hướng cho những người đã mất, mình tạo công đức cho những người còn đang hiện hữu, thì cụ thể là mình sẽ làm cái gì ạ? Con xin nhờ thầy giải thích giúp cho con thực hành ở hai khía cạnh như vậy ạ, biết ơn Thầy, biết ơn ban tổ chức ạ!

Anh nói đó cũng là điều mà mình luôn luôn phải suy nghĩ, đặc biệt những ngày đầu xuân chúng ta luôn rủ nhau đi cầu phước, ngày rằm, ngày lễ. Hình như đó là một điều mình được dạy ngay từ nhỏ, điều đó tốt lắm bởi vì giúp cho chúng ta tới chùa hoặc tới gặp những bậc có kiến thức, hoặc những người hợp duyên giúp đỡ mình về kiến thức để hình thành suy nghĩ, lời nói và hành động tốt. Tuy nhiên dần dần rồi chúng ta không còn thời gian hoặc là cứ đi cầu thôi, rồi chúng ta quên rằng khi chúng ta tới những nơi như vậy là cầu sự hướng dẫn để khai thông trí tuệ. Mà chúng ta đã biến thành cầu phước của Phật, của Bồ Tát, của vị thần, vị thánh ban cho, thành thử ra dần dần nó trở thành mê tín dị đoan.

Có một lần Đức Phật nói rằng nếu như người đói bụng mà cứ ngồi cầu có no được đâu, khát mà ngồi cầu không no được, thì phước đức cũng như vậy, là linh dược của sự tu tập qua sự suy nghĩ, qua lời nói và hành động, mà người ta gọi là nghiệp từ thân ngữ ý. Cho nên những lần mình đi chùa là để thỉnh lời dạy, lời khai thị hoặc đọc kinh của nhà Phật cho rõ để hiểu được Phật dạy cái gì. Chung quy cả cuộc đời Đức Phật dạy dạy cho chúng ta có ba điều tạo thành nghiệp ác từ thân ngữ ý và có ba điều tạo thành thiện nghiệp tức là thiện nghiệp cũng từ thân ngữ ý. Sống mà có suy nghĩ thiện, hành động thiện, lời nói thiện với nhau tức là mình đang ở trong ngôi chùa chân tâm của chính mình, nơi đó có Phật, bởi vì ở đâu có chánh kiến, có chánh ngữ và chánh hành động ở chỗ đó có Phật tánh, ở đó có Phật, có sự hiện diện của Bồ Tát. Vì Phật và Bồ Tát là những bậc có chánh kiến, có chánh ngữ và chánh hành động.

Mỗi một ngày giỗ, nói như vậy là Bảo Thành không có ý rằng chúng ta không cần phải tới chùa, chùa là ngôi trường tới để được quý thầy dạy hoặc các bậc có những kiến thức mà họ đã học về Phật dạy cho chúng ta, tới chùa như vậy hay hơn. Còn ngày nay chúng ta tới chùa trong sự vội vàng chỉ cầu phước mà không hành động cụ thể để có được phước. Cho nên biết bao nhiêu người tới cầu phước mình thấy vào mùa xuân, tới cầu phước mà ai đụng vô người là quay lại chửi ngay. Chúng ta thấy những lễ hội cầu phước vào ngày rằm tháng giêng hoặc những ngày lễ lớn nó bát nháo, nó lộn xộn, nó cãi cọ, rồi về nhà không biết có được phước gì không, mất đồ, mất của, chửi nhau, sân giận, bởi vì chúng ta tới cầu phước mà tâm còn hung dữ lắm. Mình thấy có những lễ hội cầu phước mà đâu có được phước, xảy ra tai nạn nhiều. Phước tới từ chánh kiến, chánh ngữ và chánh hành động. Thêm một bước nữa những ngày giỗ cúng quảy ông bà là mình tưởng nhớ đến cội nguồn, cây có cội nước có nguồn, lễ giỗ gia tiên ông bà cha mẹ là nhớ đến những bậc, những quý ngài đã sanh và đặt ta hồi hướng cho những vị đó. Từ thiện, bố thí rất tốt, từ thiện và bố thí. Bố thí pháp, bố thí tịnh tài, bố thí trí lực, bố thí tinh thần, đừng nghĩ rằng chỉ mang tiền ra thôi, một lời nói thật tốt cho người nhà ngày hôm đó, cho các con ngày hôm đó, cho các anh chị em gia đình ngày hôm đó.

Hãy nhớ về ông bà cha mẹ và hãy nhớ về những lời dạy giáo dưỡng của ông bà cha mẹ, lời đó gọi là pháp thí, pháp thí đó tạo được công đức. Ngày đó không nhất thiết nghĩ rằng phải mang tiền bạc đến cho, bởi vì trong những hoàn cảnh chúng ta không cần làm những chuyện đó. Cho nên chúng ta có khả năng dùng ngôn ngữ, dùng suy nghĩ, dùng hành động tử tế trong ngày giỗ, khuyên bảo người trong gia đình cùng hướng tới những lời giáo dục của ông bà. Thì đó tức là tích được phước đức, hồi hướng cho ông bà rồi. Nói rộng ra thì chúng ta làm việc thiện, phóng sanh, từ thiện. Phóng sanh là gì? Là giải phóng những mối hận thù trong lòng của mình đối với anh chị em của mình trong những ngày giỗ. Anh chị em hận thù nhau, hận rồi hờn nhau, rồi không có hợp nhau hoặc là có điều gì đó mà mình có lỗi với anh chị em, thì nhân ngày giỗ đó mình phóng sanh bằng cách hãy tha thứ cho anh chị em của mình hoặc xin sự tha thứ của người nhà trong ngày giỗ.

Thì đó chính là món hoa quả tinh thần cao quý nhất của tâm biết tha thứ và xin sự tha thứ của nhau trong ngày cúng quảy, lễ giỗ của ông bà, đó là điều tốt nhất. Cho nên hy vọng rằng chúng ta hiểu một cách thực tế hơn, nhiều người ngày đó phóng sanh từ thiện dữ lắm, mà những sự hiềm khích trong gia đình. Gia đình nào cũng vậy, anh chị em mỗi năm ngày mình ngồi xét lại đó, nhất định có nhiều lúc anh chị em mình buồn phiền với nhau. Thì ngày giỗ đó là ngày mình cởi trói cho nhau, nhưng chúng ta thấy ngày giỗ đó đôi khi ăn uống dữ lắm, rồi nhớ đến ông bà, rồi anh em tới với nhau mặt nặng mặt nhẹ vẫn cãi nhau hoài, vẫn ôm sự u uất trong lòng mà không tha thứ cho nhau được. Dù anh chị em có làm việc thiện tưởng rằng có phước báu hồi hướng cho cha mẹ, nhưng vẫn không được. Cho nên đối với Bảo Thành, cụ thể sự tha thứ cho nhau để sum họp trong tinh thần nhớ về các đấng sinh thành trong ngày giỗ, đó là đã có phước báu để hồi hướng cho cha mẹ rồi và hồi hướng cho người thân của mình. Vì tiền có cho từ thiện đi nữa mà mình không cởi trói trong sự xúc phạm đến nhau trong gia đình, thì cái kia trở thành vô nghĩa mà thôi, dạ thưa anh!

Dạ biết ơn Thầy, phần chia sẻ của thầy con cũng đã rõ, tuy nhiên cái phần mà liên quan đến thực hành việc cầu phước đức ở nhà chùa, thì con cũng muốn nhờ thầy giúp cho chúng con rõ ý hơn ạ! Bởi vì thật ra thì nó được lập trình từ trước đến giờ là câu chuyện của việc cầu rồi, nên thành ra bây giờ sự thực hành một cách đơn giản nhất là khi đến chùa chúng ta sẽ làm những việc gì?

Dạ thưa anh, khi đi chùa chúng ta chỉ cần lễ kính chư Phật, chư Bồ Tát với một lòng rất thành kính. Lời khuyên chân thật chỉ cần thuộc Bát Chánh Đạo: Chánh kiến – Chánh tư duy – Chánh ngữ – Chánh mạng – Chánh nghiệp – Chánh tinh tấn – Chánh định và Chánh niệm. Bát Chánh Đạo tức là tám con đường chánh mà Đức Phật dạy và khi mình tới chùa mình lễ Phật xong mình có thể thắp hương, mình có thể dâng hoa dâng trái, rồi mình quỳ xuống với một lòng thành kính. Bảo Thành thường làm như vậy và nói “Phật ơi! Con là học trò của Ngài, Ngài dạy tám con đường chánh nay con đọc lại cho Ngài chứng minh và xin Ngài khai thông trí tuệ qua sự thực hành chánh niệm hơi thở của con, để con hiểu thấu được con đường Bát Chánh Đạo này mà ứng dụng vào trong cuộc đời.”

Như vậy là đã đủ và bạn đã có phước báu rồi, bởi vì bạn đã nhớ được bí kíp siêu xuất nhất của bậc giác ngộ truyền cho mình qua Bát Chánh Đạo. Bát chánh đạo là tám con đường thánh để giải thoát và chuyển hóa mọi đau khổ, giúp ta nhìn thấu được nguyên nhân tạo khổ và đưa đến sự hạnh phúc an lạc mãi mãi. Đó là cốt lõi của Đạo Phật và khi tới chùa bạn chỉ cần đảnh lễ Phật một cách thành kính, đọc bát chánh đạo ở trong tâm và xin sự gia trì của Phật để hiểu thấu và ứng dụng được trong mỗi một ngày. Đó là phương pháp đơn giản ngắn gọn mà chính bản thân của Bảo Thành thực hiện mỗi một ngày. Còn kinh kệ những phần khác thì nếu có thời gian mình tham cứu, tham học thêm, điều đó được phép nhưng đời sống bận rộn ngày nay cần phải quy nạp về ngắn gọn để thực hiện được và đó là điều đã tạo được phước rồi thưa a. Bởi khi hiểu được bát chánh đạo mình hành đúng như vậy mới có phước, hiểu, biết rõ và đưa đến sự hành động cụ thể. Dạ cám ơn anh!

Nam Mô A Di Đà Phật

Con cám ơn Thầy ạ!

Dạ Mô Phật! Rất là biết ơn thầy ạ và rất là cảm ơn câu hỏi của anh, câu hỏi của anh cũng là câu hỏi em nghĩa là chắc chắn là trong phòng zoom của chúng ta, 137 điểm cầu ai cũng đang có những suy nghĩ thắc mắc giống như anh. Một lần nữa rất là cám ơn câu hỏi của anh đã làm cho phòng zoom ngày hôm nay lại thêm được rất nhiều giá trị, rất là cám ơn anh và tiếp theo là trên điểm cầu em không còn thấy cánh tay nào nữa hết ạ! Thì xin phép cô bác anh chị chúng ta ngày hôm nay, nếu chúng ta có những cảm nhận gì thì chúng ta cũng có thể chia sẻ với phòng zoom. Em có thể mời một vài điểm cầu được không ạ, bởi vì cả nhà cứ nghĩ đơn giản thôi bởi vì trong phòng zoom của chúng ta, dạ em đã nhìn thấy chị Đào Liên ạ, ban tổ chức đã hỗ trợ mic cho chị, em mời chị ạ!

Dạ con biết ơn Thầy, hôm nay bài chia sẽ của thầy rất hay và ý nghĩa. Cũng vì câu hỏi của một bạn vừa rồi con cũng ngộ ra được nhiều điều, chúng con thì hãy còn trẻ cho nên là vẫn không biết đi ra chùa cũng cứ là thành tâm, nhất tâm thôi. Thế nhưng mà cũng chưa biết được nghe bài, thuộc bài bát chánh đạo, thì con xin thầy hôm nay nhân tiện thầy gieo duyên cho chúng con xin, nếu như thầy đọc được cho chúng con để chúng con chép, còn không thì cũng ra chùa cũng có đọc những bài bát chánh đạo để chúng con, chứ còn bình thường chúng con trẻ thật sự là chúng con cũng chưa biết nhiều về Phật pháp, cho nên chúng con hãy còn ngu muội, xin sám hối thầy và thầy chỉ dạy ạ, con cảm ơn thầy và biết ơn thầy!

Dạ bát chánh đạo có gửi cho mọi người, nhưng mà thầy chia sẻ thêm bát chánh đạo là bài giảng đầu tiên của bậc giác ngộ là Phật tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như gọi là bài Tứ Diệu Đế – Tứ Thánh Đế – Khổ – Tập – Diệt – Đạo. Phật nói về cái khổ, nguyên nhân tạo khổ và phương thức để tạo ra sự hạnh phúc đó là bát chánh đạo. Bảo Thành chia sẻ thêm có một lần Bảo Thành rất là buồn vì có một sự dằn vặt trong lương tâm, khi gặp một số người họ đau khổ với con cái của họ mà không sao họ giải quyết được. Thì Bảo Thành mới dắt họ vô trong chánh điện trong chùa, nói với họ rằng bây giờ nhớ về bát chánh đạo, bát chánh đạo đầu tiên là Chánh kiến, cái thứ hai là Chánh tư duy. Rồi Bảo Thành gợi ý cho người đó rằng bây giờ cô với Bảo Thành ngồi chánh tư duy tức là suy nghĩ, suy nghĩ coi cái gì xích mích giữa mình và người thân tạo ra khổ, nhìn cho rõ. Trải qua chừng nửa tiếng đồng hồ ngồi tĩnh lặng để cho chị đó suy nghĩ, cái đó gọi là tư duy mà nhà Phật có một từ khác gọi là chánh tư duy, để nhìn về lầm lỗi của mình gọi là sám hối đó. Sám hối tức là nhìn lại coi những điều gì ta tạo ra sai lầm hoặc người ta gây ra sai lầm, để rồi gây ra sự đau khổ.

Thì sau nửa tiếng cô ấy bật khóc bởi vì cô ấy nhìn thấy rõ ràng lỗi lầm của bản thân của cổ là quá chấp và cô ấy nhìn thấy rõ ràng lỗi lầm của người em là cứng đầu. Một người thì chấp một người cứng đầu nên hai chị em từ bỏ nhau, sau khi người mẹ mất không nhìn nhau nữa mấy năm trời. Khi nhìn thấy như vậy rồi thì thầy nói đơn giản thôi, đời hơn nhau là chuyện biết xin lỗi với người mình yêu thương, mình yêu chị mình không? Mình yêu em mình không? Yêu! Lỗi của ai không quan trọng nữa mà thấy sự đau khổ trong mấy năm trời khi mẹ mất rồi, thôi hãy trở về xin lỗi người em của mình và chị về xin lỗi thực sự. Ba tuần sau hai chị em tới chùa nói rằng tụi con đã hòa giải, cổ của người em bớt cứng và cái chấp của người chị cũng tan biến, chỉ vì một sự hiểu thấu nguyên nhân. Đó gọi là chánh tư duy, biết sám hối, rồi biết xin lỗi nhau. Trong cuộc đời ta cứ đợi đến chết thôi mới xin lỗi mà khi còn sống ta không xin lỗi nhau.

Con đường bát chánh đạo là tám con đường để chuyển khổ thành hạnh phúc, để chuyển hóa mọi nghiệp ác, để gây dựng phước đức cho mỗi một người để thành Bồ Tát, thành Alahán, để thành Phật, hay nói đúng đơn giản hơn là thành người có được sự hạnh phúc, an lạc, bớt khổ, bớt phiền. Bát chánh đạo có được thầy nhờ chị MC Hà in dùm bát chánh đạo gửi tới cho quý ông bà anh chị em điều đó. Khi tới chùa chúng ta hãy mạnh dạn thỉnh, có những thời khóa chung của chùa là đúng, nhưng người học trò khôn là luôn luôn đi học riêng, nâng cấp riêng, gặp hẳn quý thầy đó, thầy rất hoan hỷ, mấy sư cô rất hoan hỷ khi nói chuyện riêng với mình và hướng dẫn cho mình ứng dụng vào đời sống. Bát chánh đạo là thước đo phước đức, ai thực hiện được sẽ hết khổ và người đó sẽ luôn hạnh phúc và an lạc thưa cô. Chị Hà ơi chị giúp cho thầy, gửi bát chánh đạo đến cho cô dùm thầy.

Dạ cô Liên ơi, bởi vì bát chánh đạo này có trên google hết, tuy nhiên thì con sẽ đọc cho cô 8 cái bát chánh đạo để cô ghi lại tiêu đề. Nếu nếu mà cô muốn rõ hơn thì có thể vào google để chúng ta xem lại. Bây giờ con đọc cô ghi đi ạ, số 1 là Chánh kiến, số 2 là Chánh tư duy, số 3 là Chánh ngữ, số 4 là Chánh nghiệp, thứ 5 là Chánh mạng, thứ 6 là Chánh tinh tấn, thứ 7 là Chánh niệm và số 8 là Chánh định. Đây là tiêu đề ạ!

Dạ cứ 30 giây mình tập và chánh niệm đó là nằm trong bát chánh đạo, mà chánh niệm rất cao quý và nó rất là hay. Nếu ai thực hiện được chánh niệm hơi thở tỉnh giác trong mỗi một ngày dù 30 giây thôi với con cái, người thân của mình, người đó luôn luôn chan hòa tình yêu thương và lúc nào cũng có sự hỷ lạc ở trong lòng.

Dạ rất là cảm ơn cô ạ, con biết ơn thiền sư của chúng ta!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts