Search

4105. Làm Sao Thoát Khỏi U Mê?

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập             

Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Giờ phút này chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp chánh niệm hơi thở, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc nhiều đời đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Chúng con cũng đồng nguyện cho tất cả các bạn đồng tu bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tin sâu vào nhân quả và tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi vững chãi, buông thư, hít thở, chánh niệm. Khi ta hít vào ta hít vào bằng mũi phình bụng, thở bằng miệng hóp bụng trì mật ngôn, quán chiếu nhận biết thật rõ mọi cảm giác của mình, mọi suy nghĩ của mình, ghi nhận cho rõ ràng.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn thân mến, mình tu với nhau không phải ngồi để nói chuyện mà là tu. Mình tu là hành trì, là thực tập, là luyện, văn ôn võ luyện. Mỗi ngày không cần biết chuyện gì đã xảy ra, đúng giờ này chúng ta lại bắt đầu tập hẹn hò. Mà đã hẹn hò mấy năm trời rồi, chẳng phải là một chuyện hẹn hò để uống cà phê tán gẫu, nhưng dừng ở điểm hẹn trên mạng phòng zoom, facebook, youtube, hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở. Có nhiều chuyện nó sai khiến, dẫn dắt và đã từ lâu chúng ta ít có thói quen thực tập để dừng lại chăm sóc cho bản thân. Ai trong đời mà không gặp những trắc ẩn khổ đau, những thất bại lầm lỗi. Ai trong đời mà không gặp những sự phản bội, lừa lọc, ghen ghét, hận thù. Đời là sự pha trộn của những cảm giác tốt xấu, vui buồn, sướng khổ. Thật may chúng ta đã được Phật dạy chẳng phải là một nồi lẩu thập cẩm, hỗn tạp những cảm xúc tang thương mà vẫn làm chủ như người đầu bếp biết sàn lọc tinh khiết, bởi tâm được tu tạo thành một đời sống an ổn, vững chãi.

Nếu bạn đau, bạn khổ, bạn sầu, nếu bạn thất bại, phiền muộn, nếu bạn bị phản bội hay đau đớn. Chính mình phải là người nhận thức ra và đứng dậy để vượt qua. Nếu không vượt qua bằng sự tu tập mà nương nhờ vào ai đó thì đời này chẳng có. Chúng ta cầu, chúng ta xin mà nào có được đâu, bởi vì cầu xin là không thể. Những chuyện xảy ra đều do ta, cầu ai để cứu, nếu ta tạo ra sự đau khổ đó thì dĩ nhiên ta cũng có thể tạo ra sự hạnh phúc cho ta. Người ta hỏi làm sao trên đời này có thể thoát được u mê? Không phải ngày nay, bây giờ các bạn hỏi, chẳng phải mình thời xưa hay thời nay đâu đó hỏi. Mà thời Đức Phật cũng có rất nhiều người tới hỏi Phật, vì Đức Phật là một vị giác ngộ đó. Rồi ai cũng tới để hỏi, mong rằng Đức Phật chỉ cho một con đường hiểu thấu để chuyển hóa cuộc đời từ u mê thành tỉnh thức. Làm sao có thể vượt qua được u mê?

Người ta tới hỏi Phật vầy “Phật ơi! Làm sao chúng tôi có thể vượt qua u mê?”

Phật nói “Buông”.

Một người hỏi Phật nói buông, hai người hỏi Phật nói buông, một trăm người hỏi Phật nói buông, hàng ngàn người hỏi Phật cũng dùng một chữ buông.

Có một anh thanh niên tới nói với Phật “Thưa Phật! Người ta trên trái đất này, hành tinh này đông quá, mà ai ai cũng khác, hỏi làm sao vượt qua u mê, Ngài đều chỉ có một phương pháp là buông. Con người khác, căn tánh khác, nghiệp lực khác, số mệnh khác mà sao dùng một phương pháp như vậy. Hình như có điều gì sai sai”.

Phật nói “Không có gì sai anh ơi, chuyện gì ở trên đời này cũng chỉ cần một chữ buông là vượt qua u mê”.

Anh ấy không tin, anh ấy không chấp nhận. Phật hỏi anh ấy “Bây giờ tôi hỏi anh đêm anh ngủ có mơ hay không?”

Anh ta nói “Có!”.

Phật hỏi thêm nữa “Như vậy mỗi một lần mơ anh đều mơ chỉ có một giấc mơ, hay anh mơ giấc mơ khác?”

Anh ta nói “Mơ giấc mơ khác”.

“Như vậy năm ngày mơ thì năm giấc mơ khác phải không?”

Anh ta nói “Đúng!”

“Một ngàn ngày mơ thì một ngàn giấc mơ khác phải không?”

“Đúng!”

Phật nói “Hằng hà sa số những giấc mơ tới trong cuộc đời khi ta ngủ, thì khi tỉnh mọi giấc mơ đều biến mất”.

Khi tỉnh thức mọi u mê đều biến mất, mọi ảo giác đều tan biến, mọi huyễn hoặc chẳng còn. Tỉnh, đúng vậy, chúng ta mơ và khi chúng ta thức tỉnh thì giấc mơ chẳng còn. Đời cũng có lý nhưng mấy ai hiểu được chân lý rất thường trong đời, khi Phật ngộ chỉ ta hiểu rõ đúng chỉ cần buông. Khi tình chẳng cần buông nó cũng rơi rụng, cho nên chữ buông của nhà Phật là sự buông trong thức tỉnh. Còn nếu chưa thức tỉnh Bảo Thành và các bạn làm sao có thể buông được, giấc mơ kia sẽ buông bạn ngay thôi và bạn sẽ buông được giấc mơ đó khi bạn thức. Vậy để vượt qua u mê, chuyện là chúng ta phải làm gì để được tỉnh thức? Mình đã từng nghe câu chánh niệm tỉnh giác. Trong chánh niệm hơi thở vào ra ta nuôi dưỡng sự tỉnh giác bằng tánh biết, nhận rõ mọi cảm giác, mọi suy nghĩ, ngắn gọn, đơn giản và tuyệt vời, không cầu kỳ hoa mỹ, âm u trong những rừng ngôn ngữ huyễn hoặc.

Hít vào phình bụng rồi biết hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng biết thở ra hóp bụng. Lấy mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành tưới tẩm vào trong tánh biết, để ghi nhận thật rõ mọi cảm giác, để ghi nhận thật rõ mọi suy nghĩ của mình. Như thế trong chánh niệm, trong hơi thở chánh niệm chúng ta nuôi dưỡng được sự tỉnh giác, tỉnh thức và u mê tự động sẽ lìa xa, sẽ rơi rụng, sẽ chẳng, còn đó gọi là buông trong tĩnh giác. Phải thực tập, ai không hiểu được chữ buông mà mấy ai buông được. Ai không thấu được chữ buông mà mấy ai buông được. Chỉ có thể buông bằng sự thực tập, chỉ có thể buông qua sự thực tập để đưa đến sự tỉnh thức. Nếu bạn không tỉnh thức thì là u mê, mà nếu bạn buông trong u mê chẳng khác gì vơ vét vào thêm mà thôi.

Do đó chữ buông nhà Phật đi liền với tiếng chuông, tiếng chuông cảnh tỉnh, tiếng chuông vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất là tiếng chuông của Mu A Mu Sa. Tiếng chuông của chánh niệm hơi thở vào ra, trì mật ngôn vang vọng trong tâm thức, nhận biết, ghi rõ mọi cảm giác, thấu biết mọi suy nghĩ. Chỉ như vậy thực tập mỗi một ngày lúc đi, lúc ngồi, lúc nằm, làm việc, tương tác, nhớ nhớ thật rõ hít vào thở ra, chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác và mang lòng yêu thương rải tới, chia sẻ, san sẻ, gắn kết với nhau, thì mọi u mê lầm lạc sẽ tan biến. Bạn làm đi bạn sẽ thấy được sự tuyệt vời của nó. Còn nếu bạn chỉ nghe, hiểu trong văn tự, thấu trong diễn nghĩa mà không đi vào thực tập, u mê ngàn đời, vô lượng kiếp vẫn đó, dày đặc như đám sương mù, mây đen phủ kín cuộc đời, thật khó thoát. Cũng vì chúng ta không thấu mang vào sự thực tập, mà chỉ tìm hiểu nghĩa của con chữ, nên từ lâu chúng ta đã khổ và cứ khổ, phiền cứ phiền. Muôn sự nghịch ý như sóng thần cuốn tới làm ta cứ bị dìm xuống sự hụt hẫng của lo âu.

Các bạn, phải tin tưởng vào sự tập luyện, nếu bạn có nhân duyên thực tập pháp môn nào cũng được. Đối với các bạn đồng tu trong mật thiền hơi thở chánh niệm, quán mật chú Mu A Mu Sa, mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật chú Ma Sa Ốp Uê và mật chú Sa Bi Mô U. Có nghĩa là quán tâm Từ bi, sáng suốt, tỉnh thức, bác ái yêu thương. Trong chúng ta luôn vốn có nguồn năng lượng đó quán chiếu nhận biết rõ. Mang nó tưới tẩm vào trong từng hơi thở của chánh niệm, như người biết trồng bông, cây kiểng luôn luôn chăm sóc nhìn cây mỗi ngày, tưới cho cây để cây được tươi, được trổ bông. Ta tưới vào trong cây chánh niệm của hơi thở, nguồn nước của tình thương, ánh sáng của trí tuệ, sự tỉnh thức và bác ái, có đó, vậy đó, u mê không còn đâu.

Bạn ơi, cuộc đời ngắn ngủi dữ lắm thời gian trôi qua thì nhanh. Có câu thời gian như quán trọ tới đó rồi đi chẳng níu kéo được gì, bởi chỉ là quán trọ đâu phải là mình. Thời gian trôi qua nhanh lắm và thời gian trôi qua tuổi đời chồng chất, tóc bạc thêm nhiều, mắt mờ dần đi, chân cẳng run rẩy và chúng ta thấy, thấy thật rõ. Nếu bạn không thấy rõ được điều đó, bạn ôm ấp, bạn là người u mê, bạn sẽ đau khổ. Đời có tám cái tạo ra khổ – sinh ra là khổ, chết là khổ, bệnh là khổ, già là khổ, muốn mà không được là khổ, phải xa lìa người mình yêu thương là khổ, gặp những kẻ thù ghét mình là khổ, và không sống được như ý muốn trong những môi trường là khổ. Tám cái khổ đó nó nằm trong khối u mê của cuộc đời, vì chúng ta nghĩ ta trường thọ mãi mãi, ta không bao giờ bệnh, ta không bao giờ chết, ta là bất diệt, ta muốn gì được đó và người yêu thương của ta luôn luôn ở cùng với ta, chẳng bao giờ xa ta và ta không bao giờ có kẻ thù bởi ai cũng yêu thương ta, đi tới đâu môi trường nào cũng thuận hảo với mình, không phải vậy!

Cho nên ngày hôm nay để vượt qua u mê, chúng ta nhớ phải buông, để buông cần phải tỉnh thức. Người đã thức mọi giấc mơ đều tiêu tán. Người đã tỉnh thì mọi đau khổ đều rụng rơi như người buông xả tất cả. Làm được việc đó phải qua con đường tu luyện, thực tập, hành trì, không phải chỉ nghe, hiểu, vỗ tay khen hay. Chúng ta đã thực tập mật thiền nhiều năm, bốn năm rồi vẫn tiếp tục và sự hành trì như tăng trưởng định lực, công lực, sức mạnh. Để chúng ta mỗi một ngày vững chãi hơn vượt qua tất cả mọi thử thách trong cuộc đời và nhẹ nhàng bước qua màn đêm của chiếc cầu u mê hiện diện phía trước của chúng ta. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con kiên định, vững chãi cùng đồng hành với nhau trên sự đồng tu, để vượt qua mọi u mê trong chánh niệm của hơi thở quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn tiếp hiện năng lượng , thắp sáng đuốc tuệ.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn