Search

4102. Cách Thực Hành Nói Lời Yêu Thương Với Gia Đình

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp hơi thở trong chánh niệm, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức và thực hiện các pháp thiện, quán chiếu thấu rõ được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy cùng nhau ngồi xuống, buông thư. Chánh niệm trong hơi thở, hít vào ta phình bụng, thở ra ta hóp bụng, tổng trì mật ngôn, quán chiếu tâm Từ bi yêu thương, sự sáng suốt tỉnh thức, sự hiền lương nhân ái. Hãy ghi nhận và biết thật rõ hơi thở vào và cảm xúc của thân, mọi suy nghĩ khởi lên. Biết, biết rõ, ghi nhận, ghi nhận rõ, không phân biệt, chỉ đón nhận, ghi nhận.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau. 

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn thân mến, trong mật thiền chánh pháp của hơi thở chánh niệm, chúng ta nương vào hơi thở của chánh niệm, đưa tâm trở về sự nhận biết mọi cảm xúc của thân toàn diện, mọi suy nghĩ trong đầu một cách toàn diện. Ở trạng thái chánh niệm ta không phân biệt cảm xúc tốt xấu, cảm xúc từ chân, cảm xúc từ tay, cảm xúc trong đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu hoặc cảm xúc của sự bực bội vì thời tiết, vì ai đó rủa, chửi hoặc vì những sự cố hoặc điều bất như ý. Ta không chống đối lại những cảm xúc đó, vì cảm xúc phản ứng một cách tự nhiên theo như cơ thể của mình vậy đó, có sự tác động của nghiệp thức dễ xáo trộn lắm, nhưng tánh biết lúc ấy ta chỉ cảm nhận mà thôi.

Cảm nhận để biết cảm xúc đó thật rõ, nó mạnh, nó yếu, nó như thế nào. Tánh biết cảm nhận cảm xúc và tánh biết ghi nhận nó có diệu lực rất mạnh, vì không phải Đức Phật chỉ nói Ngài đã trải nghiệm thấy được rằng nương vào chánh niệm của hơi thở, quán chiếu cảm xúc của mình, ghi nhận rõ suy nghĩ của mình nữa. Chỉ vậy thôi, không cần thần thông, không cần tha lực, chúng ta đã tạo ra nguồn năng lượng vi diệu lắm, tốt lắm, vững chãi lắm. Cộng hưởng thêm các mật chú để chúng ta phát huy nội lực của tự lực, đưa mình vào tiếp nhận trở lại năng lượng của tình thương vốn có trong chúng ta.

Các bạn, con đường của Đức Phật dạy trong mật thiền chánh niệm hơi thở, là con đường trở về với tình thương vốn có nơi mỗi người. Chúng ta quên đón nhận năng lượng tình thương nơi mình để lan tỏa, mà cứ lăn xả vào, tự ép bản thân cho những điều dữ, điều ác, điều bất thiện. Một ngày trôi qua, nhiều ngày trôi qua, tháng năm dài, những điều thiện, những tình thương vốn có ta ít để ý để phát huy, để trở về đón nhận, tiếp cận, tiếp hiện, lan tỏa, mà cứ bày ra những đánh dữ, hung. Nào ai biết được rằng khi hung dữ ta hao mòn năng lượng của mình, bào mòn sức khỏe, làm cho khuôn mặt nhăn nhó, tinh thần héo úa và những người kề cận cũng ảnh hưởng.

Phật đã bao nhiêu năm trời giảng dạy khi Ngài còn sống, nhắc nhở mọi người hãy quay về với tình thương nơi chính mình, để sống bằng tình thương. Con đường của Đức Phật là con đường của tình thương, của yêu thương. Trong năm giới giới thứ tư không nói dối, nhưng Ngài dạy cho chúng ta không nói dối mà phải thực hiện ái ngữ, tức là ngôn ngữ của tình thương. Ngày nay hoặc thời xưa cũng vậy, ta vẫn nói được những ngôn ngữ tình thương nhưng ít. Ngôn ngữ chợ búa lại nhiều để cho ngầu đó mà, thể hiện ngầu, mạnh, dữ, cho nên ngôn ngữ tình thương nó cứ chạy mất. Phật cứ nhắc cho chúng ta rằng phải sử dụng ngôn ngữ tình thương đối xử với nhau, vì nghiệp ta tạo ra cũng từ cái miệng. Trong ứng dụng ngôn ngữ hàng ngày nếu bạn và Bảo Thành sử dụng ngôn ngữ hung ác, hung dữ, mình tạo nghiệp các bạn ạ. Phải nhận rõ ngay chỗ này mình mới dừng lại được tạo nghiệp ác, tạo những nghiệp gây ra tổn hại cho nhau và những năng lượng tiêu cực bủa vây mình.

Mình lớn rồi đâu còn khờ nữa mà chơi những trò chơi nguy hiểm, trò chơi nguy hiểm nhất của đời người là những ngôn ngữ hung dữ, hung ác, thô ác, đâm thọc, thêm bớt, thị phi, gian dối. Bởi sao cuộc đời mình cứ xui, thiếu may mắn. Bởi sao cuộc đời của mình bất an, gặp toàn những điều gì không à. Chính bởi vì cái miệng hàng ngày tuôn ra hằng hà những thứ ngôn ngữ bất thiện. Nghiệp ta tạo ra từ ý, từ miệng và từ thân, nhưng hầu hết cái miệng vẫn là cửa khẩu để tuôn ra những điều ác và nhập vào những rác rưởi. Phật dạy ta phải biết ứng dụng ái ngữ, ngôn ngữ của tình thương. Cách sử dụng ăn nói bằng những ngôn ngữ tình thương Phật đã dạy, khi chúng ta nhận biết cái hại của ngôn ngữ dữ, hung và ác và nhìn ra cái lợi của những ngôn ngữ tình thương, sự chọn lựa quá dễ, quá rõ. Bạn cứ tưởng tượng trong một mùa hè nóng oi bức, khát nước, tìm đâu cũng không ra nước hết, nóng quá, khát quá, bực bội quá, nhưng bất chợt một cơn mưa thật nhẹ làm tươi mát đất đai, cây cỏ, con người, vạn vật đều vui hết, một cơn mưa, bạn thấy rồi, những trưa hè oi bức mà có cơn mưa tới thích lắm.

Lời nói yêu thương như cơn mưa từ trời tuôn xuống, tưới tẩm vào những miền đất tâm khô cằn, đang rủ úa của những ngày tháng đau thương. Lời nói yêu thương như sữa mẹ tuôn ra để mớm cho chúng ta lớn khôn mỗi ngày. Lời nói yêu thương là nguồn mạch của sự sung sướng, sự an lạc và hạnh phúc. Bạn chắc chắn trải nghiệm những lời nói hung dữ rồi, có thể từ cha mẹ, từ bạn bè, con cái hoặc người đâu đó, ngày nào nghe được lời hung dữ đó mình buồn lắm, người ta gọi là buồn thấu ruột thấu gan, ngủ không yên. Ai cũng có những cơn buồn như vậy, nhưng chẳng bao giờ hỏi tại sao ta lại sử dụng những ngôn ngữ dữ đó đối với người khác, khi ta nghe ta buồn mà ta lại sử dụng y như họ nói với ta. Bạn có hứa với lòng mình rằng nghe những lời nói như thế đau lòng, mình sẽ không bao giờ nói những lời nói đau lòng với người khác không? Có những lúc mình hứa như mình không có chuyên tâm để thực hành.

Ở một góc độ khác ai cũng có sự trải nghiệm rằng một lời nói yêu thương của cha mẹ, của chồng vợ, con cái, bạn bè hoặc của sếp, của người thân hoặc người ngoài đường thôi, nó tăng nguồn lực sống, mình vui hớn hở cả ngày. Vẫn biết đó là cảm xúc đó các bạn, cảm xúc là cảm thọ đều huyễn giả tới rồi đi. Tuy nhiên Đức Phật vẫn nói hãy thực hiện ái ngữ thiện lành trong ngôn từ ứng xử hàng ngày, để ta thay vì trầm mình vào trong những cảm xúc đau khổ, phiền não, ta lại được tưới tẩm bằng những cảm xúc tốt cho đời vui. Nhiều người cứ nói thọ là huyễn giã chăm chút làm chi, nếu vậy Phật dạy nói ái ngữ để làm gì? Chúng ta là con người rất thực tế, Phật dạy những bài học rất người để ta thực tập sống an vui trước, rồi từ đó mà bước lên những cung bậc cao hơn của sự giải thoát. Hãy đón nhận lời Phật dạy một cách chân thành, học cách nói lời yêu thương trong gia đình.

Những đấng bậc sinh thành là cha mẹ cũng nên ứng dụng những ngôn từ yêu thương với con cái. Người Việt và Á Đông của chúng ta thương con, cha mẹ thương con, hy sinh cả đời, con cái muốn gì cũng cho tất cả, cho cả hơi thở, cho cả giọt máu cuối cùng, cần gì cho đó, cho cả xác thân này, cho cả mạng này, cho cả cuộc đời, thương con không kể xiết. Nhưng phong tục của người Việt ít thể hiện qua ngôn ngữ của tình thương, như “Mẹ thương con nhiều lắm con ơi”. Hồi nhỏ có thể nói, khi mới sinh ra ẵm đến trên tay có thể nói “Mẹ thương con nhiều lắm”, ru con ngủ qua câu hò câu ca dao tình thương rất đậm. Nhưng lớn lên đứa trẻ biết nghịch chút xíu rồi là ngôn ngữ đó nó chạy tuột mất, bắt đầu răn đe “Con mà nghịch là mẹ không cho bú, không cho sữa, con mà nghịch nữa.” Đủ thứ hết, thiếu dần đi ngôn ngữ của tình thương, mà thêm nhiều ngôn ngữ răn đe, dao to búa lớn.

Các bạn chắc chắn hiểu được điều đó, thương lắm, thương con lắm, nhưng không thực tập ngôn ngữ yêu thương. Mới sinh thì có, lớn dần thì không, không phải là toàn diện mọi người nhưng hầu hết đa số. Vẫn có những đấng bậc sinh thành hiểu thấu được ngành giáo dục và biết được lời của Phật dạy, hoặc có một truyền thống trong gia đình luôn luôn ứng xử với con cái bằng ngôn từ yêu thương, điều đó vẫn có trong xã hội Việt Nam nhưng ít, chỉ một phần nhỏ. Ở ngoại quốc nơi nước Mỹ Bảo Thành sống, thời xưa cũng như Việt Nam mình vậy đó, nhưng họ đã thay đổi dần bởi nhận ra những ngôn ngữ răn đe, dao to búa lớn là xâm hại đến tinh thần và sự phát triển của trẻ thơ. Cho nên họ đã thay đổi trong ngành giáo dục và sự ứng xử trong gia đình, họ gặp con của họ họ hay dùng những từ rất nhẹ – I love you và hôn lên trán của đứa con. Vợ chồng, cha mẹ đối xử với nhau cũng luôn sử dụng những ngôn từ đó.

Bảo Thành có mấy đứa cháu hoặc mấy Phật tử trẻ sinh ra ở đây, tới chùa vẫn dùng ngôn ngữ đó khi chơi, gần gũi, tình thương chẳng phải chứa ở trong tâm âm thầm nhưng thể hiện. Vì như cái cây khô héo mình thương nó, có bình nước trên tay mà chỉ nghĩ rằng tôi tưới cho cây, tôi tưới cho cây, tôi tưới cho cây khỏi khô, mà không cụ thể hóa bằng tưới nước vô, có nước trên tay mà chỉ nghĩ rằng tưới nước thôi, không cụ thể hóa tưới thì cây chẳng có lợi ích gì. Nhưng nếu như bạn chẳng cần nói mà bạn tưới thì lợi ích cũng rất ít, nhưng ngược lại bạn nói mình yêu hoa, yêu cây đó, thấy héo nay tưới thì cây cũng mừng, cây cũng có tri giác các bạn. Nhiều nhà khoa học đã thực hiện rồi, mình trồng cây trồng bông héo úa mình nói lời yêu thương và tưới nước thật sự nó tươi, nó đẹp. Con người như cỏ cây mà thôi, tới với nhau mình mang tiếng yêu thương để thể hiện nguồn nước yêu thương của mình, tuôn ra tưới tẩm vào lỗ tai của người nghe là con, là vợ, là chồng, là cha mẹ, ông bà, người thân. Người đó dù đang mệt nhọc, đau khổ, phiền não tới đâu lời tình thương của chúng ta như sức sống được tưới tẩm vào họ mạnh mẽ hơn.

Từ đó mà Đức Phật dạy chúng ta nên học cách thực hiện ái ngữ thiện lành và cách thực hiện thật dễ, không cầu kỳ bằng văn chương nghiên cứu ở trên sách vở nói những lời cho hay, không cần, người Mỹ chỉ nói chữ I love you là đã đủ. Mùa vu lan Đức Phật dạy và các bậc tổ sư dạy là chúng ta hãy về với mẹ và nói với mẹ một câu đơn giản “Mẹ ơi con thương mẹ” vậy là đủ. Một câu nữa cũng đơn giản thôi “Rất tuyệt vời, con rất tuyệt vời, thương con lắm”. Một đứa trẻ nó làm đúng mình khen, mình thương, nói lời ái ngữ, nó sai cũng nói lời ái ngữ khuyên dạy, từ đó nó hưởng được lời tình thương nên nó đáp lại với cha mẹ bằng lời tình thương, có sự cộng hưởng lẫn nhau rất tốt. Những lời yêu thương như vậy được thực tập trong đời sống, mỗi một ngày trong tương tác là nguồn mạch của sự sống, tưới tẩm cho nhau để chuyển hóa mọi nghiệp thức đau khổ và phiền não.

Trong mật thiền chánh niệm hơi thở, mật ngôn Mu A Mu Sa giúp cho chúng ta đón nhận trở lại nguồn mạch sự sống yêu thương vốn có từ ta và tiếp hiện thêm sự trợ lực tha lực của chư Phật, chư Bồ Tát, để ta phát huy được tình thương rộng lớn như mẹ hiền Quan Âm. Mu A Mu Sa là năng lượng của tình thương để rải và lan tỏa tới muôn loài. Cách thực tập là chúng ta chỉ cần hít vào thở nhẹ, rải tình yêu thương tới muôn loài qua ngôn ngữ Mu A Mu Sa. Từ Mu A Mu Sa là Từ bi và nếu dịch cho nó đơn giản một chút xíu là I love you, là tôi rất thương cô, rất thương anh, rất thương mẹ, rất thương cha. Bất cứ đối tượng nào trong tâm khởi lên Mu A Mu Sa sẽ thúc đẩy chúng ta tuôn ra những lời châu ngọc, để tưới tẩm cho nhau sống lời của tình thương, những ngôn ngữ hung dữ sẽ tiêu biến.

Bảo Thanh hồi xưa cũng dữ lắm, ăn nói cũng bặm trợn, nhưng từ thuở thực tập chánh niệm hơi thở với mật ngôn Mu A Mu Sa, trong đầu vẫn có những ngôn ngữ lỉnh kỉnh hung dữ nó nhảy múa muốn tuôn ra. Nhưng nhờ tu mà chúng đứng đó thôi, nhận biết nó có nhưng chẳng thể nhảy qua cái miệng của mình để múa máy nữa. Thay vào đó là những ngôn ngữ nhẹ nhàng yêu thương. Từ đó mình thấy những người chung quanh mình họ mến mình hơn, môi trường xung quanh mình sống an lạc hơn. Dĩ nhiên nói sao thì nói vẫn có người ghét, nhưng số người ghét của mình dần dần cũng thay đổi và số người thương mình dần dần cũng đông hơn, đó là thực tế. Các bạn hãy thực tập nói lời yêu thương ngay từ trong gia đình, các đấng bậc sinh hành thay vì nói những lời răn đe, ứng dụng ái ngữ lời yêu thương, con cái không bị tổn hại tinh thần và dễ phát triển khả năng vốn có.

Con cái nếu biết ứng dụng ngôn ngữ yêu thương, không hung dữ với cha mẹ ông bà, thì ông bà sẽ trường thọ an vui. Hãy nhớ ông bà cha mẹ là cội nguồn ta nương vào để sống, nếu nó héo úa khô cằn ta cũng sẽ như vậy thôi. Cho nên ta cũng cần phải chăm sóc các ngài bằng ngôn từ yêu thương thật sự. Trong mọi mối quan hệ nói lời yêu thương rất tốt, các bạn thực hiện đi sẽ thấy đời thay đổi, tai qua nạn khỏi, muôn điều phước lành sẽ tới. Hãy nhớ cách thực hiện thật dễ hít vào phình bụng, thở ra Mu A Mu Sa, giúp cho bạn sàng lọc được những ngôn từ rất vi diệu. Mà bạn không ngờ rằng khi bạn nói ra ngôn ngữ quá bình thường, nhưng chan chứa tình người, tình thương, làm thay đổi vận mệnh của chính mình và người khác. Tạo cho mình có một môi trường sống an yên và tự tại, các bạn nhớ thực hành. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con đủ định lực, để thực hiện nói lời yêu thương với tất cả qua chánh niệm của hơi thở và thực tập mật ngôn Mu A Mu Sa.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, lan tỏa tình yêu thương đến muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts