Search

4096. Thiền Định Để Được Gì?

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Bổn Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con miên mật hành trì Mật Thiền Chánh Pháp, lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Hôm nay chúng con cũng thành tâm nguyện xin chư Phật gia trì cho cô Thảo, bé Bảo Duy đầy đủ phước báu gặp thày gặp thuốc bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Chúng con cũng nguyện cho thế giới, hòa bình chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy trở về với hơi thở và ngồi xuống nhẹ nhàng trong Chánh niệm. Mọi lo âu phiền muộn trong cuộc đời gác nhẹ qua một bên.  Hít vào và thở ra thật chậm rãi, tĩnh lặng. Và quán chiếu sâu ở trong tâm, nhìn, biết, ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ của chúng ta. Tổng trì các mật ngôn: Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành giúp cho mọi người trong Chánh niệm hơi thở tăng trưởng nhận thức và gắn kết gần gũi với chư Phật, chư Bồ tát, tiếp hiện năng lượng của quý Ngài.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi phình bụng, thở rất chậm rãi hóp bụng vào, tổng trì các mật ngôn, lan toả tình yêu thương, hồi hướng cho những người thân.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Chúng ta có một tật thật xấu, có một thói hư thật lớn, ít có khi nào Bảo Thành và các bạn nhìn lại đâu. Đó chính là cứ chờ đến cái giây phút cuối cùng khi cái kết xấu xảy ra, chúng ta mới vội vội vàng vàng tìm cách để đối ứng. Lúc ấy, hỏi thử tâm ai mà không loạn lên, tâm ai mà không rối? Dù cho có bửu bối ở trong tay thì lúc rối loạn tâm thần kia bởi những sự việc xảy ra với cái kết không hay, không ai đủ sự bình tĩnh để ứng dụng những bửu bối kia. Hình như đây là một tật cố nhiều đời nhiều kiếp mà chúng ta ít chú ý, nên nó vẫn đó và làm chủ cuộc đời. Còn cái tuyệt vời nhất của chúng ta hình như bị chôn vùi, chẳng bao giờ chúng ta nhận diện ra. Là người ai cũng thế, thánh nhân cũng vậy mà thôi, làm bất cứ một việc gì dù to hay dù nhỏ cũng đều phải nhìn nhận thật rõ coi làm chuyện đó để làm gì và được gì? Bạn không thể làm bất cứ một việc gì mà không hiểu thấu: làm để làm gì và được cái gì? Nhiều khi chúng ta lạm dụng ngôn ngữ chê bai nhau: “Làm mà cứ tính toán vậy sao?”. Từ suy nghĩ đó chúng ta đưa vào con đường Phật pháp và cũng bỉu môi chê bai mọi người khi người ta hỏi rằng: Mình tu để làm gì và tu được cái gì? Chúng ta chẳng chịu hiểu, đã tu mà còn đòi hỏi được cái gì, để làm gì, như vậy là tâm tham. Cách nói này là cách nói chợ búa, không đúng. Bạn cứ nghĩ đi. Ở trên đời này, không ai làm một việc gì mà không hiểu được ta làm để làm gì và được gì. Nếu không thể hiểu và không thể biết tức là tâm không biết, trí không hiểu, người đó không có Trí tuệ. Đức Phật dạy cho chúng ta cần phải biết mà biết thật rõ, biết tận tường tận gốc rễ của nó, không thể biết hời hợt sơ sài. Hiểu, hiểu thấu, chứ không thể hiểu sơ sơ cái bề mặt. Làm một việc gì cũng cần phải biết để làm gì và được gì. Cái kết được là xấu hay tốt, là an lạc hạnh phúc hay đau khổ phiền não, là nghiệp chướng tai họa hay thiện nghiệp phước báu? Hẳn nhiên là điều rất cần để hiểu. Cho nên bạn nào mà cứ chê trách người khác, tu mà còn đòi hỏi được cái gì làm cái gì, tâm tham. Nghĩ như vậy sai rồi sai rồi.

Tu có nhiều pháp môn để tu, nhân duyên khác biệt. Và mỗi người chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt căn cơ của từng người. Sự khác biệt đó dẫn đưa tới là sự lựa chọn các pháp môn khác nhau. Pháp môn nào cũng là pháp môn của Phật dạy để chúng ta nhận rõ, nhìn rõ, biết rõ, thấu rõ những điều tai hại không tốt để từ bỏ và những điều tốt để thực hiện. Hãy dừng ở mức ban đầu như người xây nhà, đào móng, đổ bê tông cốt sắt. Đừng vội vàng bay bay lên cõi trời, thiền nhập vào cảnh giới này cảnh giới kia. Chúng ta là Phật tử tại gia để những cái phần siêu xuất, tu mà có thể đạt đến đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, cái đệ gọi là cao thủ ở trên thì đó để cho những vị ấy. Còn chúng ta người Phật tử đời thường đương đầu với biết bao nhiêu cái khổ lụy. Mỗi giây, mỗi phút, tâm tán loạn ngược xuôi ở ngoài đời, tranh đấu từng giây phút để bảo vệ cái cuộc sống để lo cho gia đình, rất thực tế. Nếu cái ngay ở gia đình này đây chúng ta, nếu không để làm gọn lại bằng cách hiểu thấu biết thấu, thì cả đời này ta như con thú hoang chạy ở bìa rừng, chết đói trên xa lộ hoang vắng của những cái tư tưởng hoang dại không thực, huyễn ảo. Đã là thú thì phải đi vào trong rừng sâu, đã là người phải đi sâu vào nội tâm. Mật Thiền hay Thiền Định, hay Tịnh Độ, hay Trì chú, hay đọc Kinh, nguyên thủy Đại thừa, Kim cang thừa, Thiền Tông … tất cả các pháp môn của Phật dạy, rồi Chư Tổ ứng dụng và tùy căn tùy cơ diễn bày để cho chúng ta có chỗ đứng vững chãi mà bước vào nội tâm nhìn thấu được mình. Duyên ai đi về đâu, bắt đầu khởi đầu từ chỗ nào thì người đó cứ tiếp tục.

Bạn có khi nào hỏi trên con đường tu rằng: “Thiền định để làm gì không?”. Nếu bạn hờ hững chỉ học theo cái phong trào của số đông người, hoặc chạy theo sự đua đòi cho nó đủ lớp ta tu ta tập có hội có bè thì điều đó lãng phí thời gian rồi. Và ai đó dạy cho bạn Thiền Định mà không nói để làm gì được gì thì hình như đã nghiêng về huyền bí quá. Có ăn có no, khát uống là phải hết. Thiền định để làm gì? Đơn giản một chút, đừng chau chuốt, đục đẽo trong ngôn từ để mình cứ bơ bơ ngẩn ngơ như con ma đói ở bên đường, khao khát điều cao siêu huyền bí. Thiền định đối với Bảo Thành có ý nghĩa đơn giản: Thiền là tu luyện để bình tĩnh để vững chãi. Vậy thôi. Bạn thấy nó hợp lý trong cuộc đời của các bạn không? Chúng ta ít có khi nào tu tập, tu luyện để vững chãi, để bình tĩnh lắm. Tim đập thình thịch thình thịch, hồi hộp hoang sợ, không biết phải làm gì, rối hết cả lên, chắc chắn bạn đã trải nghiệm điều đó. Có những sự cố xảy ra ở trong gia đình, hoặc cho bản thân, hoặc vô tình ở ngoài đường trên cái giao lộ ta đi thôi, ôi hết hồn hết hồn! Hồn vía lên mây chẳng còn biết gì nữa, mất bình tĩnh sợ hãi hoảng hồn. Về tới nhà rồi mà hồn còn ở ngã ba đường. Về tới nhà rồi mà vía còn bay bổng ở chỗ nào. Cho nên trong dân gian thường nói: “Ba hồn bảy vía” gọi là hoảng hồn hoảng vía, không còn biết gì thẫn thờ. Và có những sự việc xảy ra ở trong đời, chúng ta mất hồn để rồi ngơ ngơ ngẩn ngẩn, điên điên khùng khùng. Có! Thiền Định là tu luyện, là tu tập để bình tĩnh, vững chãi trước mọi hoàn cảnh thuận hoặc là nghịch. Bạn nói: “Thuận thì cần gì phải tu? Nghịch thì mới tu để đương đầu, còn thuận có gì tu?”. Có! Bạn không thấy thiếu gì những cái hoàn cảnh rất là thuận, nghèo rớt mùng tơi, trúng độc đắc, lăn đùng ra chết bởi sung sướng? Gặp cái cảnh thuận đó mà tâm không bình tĩnh, đột quỵ chết luôn mà khi cả đời nghèo khổ vô cùng? Chuyện đó có mà. Cho nên có những cái thuận ta cười hóa dại, hóa điên, hóa khùng. Có những cái nghịch, ta điên ta khùng, ta dại, ta khờ. Có cả hai. Được cũng khùng cũng điên, mà mất cũng điên cũng khùng, khen cũng điên cũng khùng, mà chê cũng khùng cũng điên. Tốt-xấu cũng như thế, thành-bại cũng như thế, khen-chê cũng như thế, được-mất cũng như thế. Vì con người mà, tham, tham tìm cái bên ngoài chứ chẳng có bao giờ tu luyện cho vững chãi và bình tĩnh. Vậy nên Thiền Định là tu luyện để được sự bình tĩnh và vững chãi.

Có nhiều cấp độ để ta đạt được. Thì tùy theo nhân duyên đi, không ai phải dồn hết vào cái chỗ là phải tu Thiền Định để giải thoát, thoát khỏi cái cảnh gọi là dục giới, vô sắc giới rồi tới Phật giới… Ôi! thôi để cho họ như vậy, như họa sĩ vẽ gì thì vẽ. Còn chúng ta hãy nhớ rằng: Chúng ta tu Thiền Định là để tập luyện cho bình tĩnh, cho vững chãi bằng cách nhìn lại bên trong tìm ra những kho báu mà Phật chỉ cho chúng ta. Có cái kho báu vô cùng rất tốt để ứng dụng vào đời sống, khi nó bình tĩnh khi nó vững chãi, tưới tẩm chăm sóc để ta an lạc và hạnh phúc. Nếu không an lạc và hạnh phúc ở đời này ngay chỗ này bây giờ bạn tìm cái gì đây? Bạn mong cầu cái gì đây? Cho nên đối với Bảo Thành, Thiền Định là tu tập để bình tĩnh, vững chãi nhìn sâu vào bên trong nội tâm tìm ra kho tàng vô giá mà Phật đã chỉ. Kho tàng đó là gì? Là Từ bi, là sự sáng suốt, là sự Tỉnh thức, là Thiện lành bác ái. Yêu thương, sáng suốt, tỉnh thức, thiện lành bác ái là một kho báu vô giá. Còn phiền lụy, đau khổ, còn tham, sân, si chỉ là bụi bặm bên đường bám vào ta mà thôi, cởi áo ra rũ một cái là hết, nhảy xuống hồ tắm một cái là xong. Nó không phải là của ta. Nhưng ta cứ lầm tưởng đó là ta, ta ôm hoài, ôm bụi bặm dơ dáy làm vẩn đục phiền não đau khổ.

Gọn lại một chút để dễ hiểu. Đối với các bạn Phật tử tại gia, Thiền Định theo Mật thiền Chánh Pháp hơi thở là nương vào Chánh niệm của Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác, Thiện lành, có nghĩa là Chánh Niệm hơi thở nhìn sâu vào cái nội tâm để nhận diện, để biết, để hiểu, để nhận lại kho tàng vô giá. Đó là tình thương bao la vô tận vốn có trong ta. Đó là sự sáng suốt để ta có thể nhận ra cái đúng cái sai. Đó là sự tỉnh thức để ta luôn luôn không bị u mê. Đó là lòng bác ái bao dung có nơi chúng ta. Chỉ có thế thôi. Bốn kho báu này là bốn cái tảng đá vững chãi vô cùng để ta tạo lên cái nền móng của ngôi nhà Chân tâm trong sự thanh tịnh, bình tĩnh tu luyện Mật Thiền Chánh niệm là thế. Và trong Thiền Định của Mật thiền được giải thích đơn giản. Mật là những điều vốn có, ta không thay được. Đó là tình thương lớn, đó là sự sáng suốt, đó là sự tỉnh thức, đó là thiện lành bao dung, đó là Mật. Nhưng vì chạy đuổi theo những cái về ngoài ta không nhận diện ra. Thiền là tu luyện để nhận ra cái vô giá tàng ẩn trong cuộc đời của mỗi người từ đó ứng dụng để có sự an lạc và hạnh phúc trên mọi nẻo đường. Bạn đang gặp gì? Phiền não hay đau khổ? Mật Thiền Chánh niệm hơi thở tìm về với chính mình, nhận diện ra biết rõ, ghi nhận rõ trong ta vốn có cái tình thương thật lớn. Và tình thương lớn này sẽ chữa lành mọi sự đau khổ của ta và của người. Trong ta vốn có sự sáng suốt để nhìn thấu, từ đó có thể buông xả những lầm chấp mà ta ôm ấp bấy lâu nay. Trong ta có sự Tỉnh giác, để rồi trỗi dậy, không u mê nữa, có thể xua tan những áng mây mù, những đám sương che phủ tầm nhìn của chúng ta. Từ đó nhận diện được chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu những niềm vui, biết bao nhiêu những con người có nhân duyên đặc biệt mà ta có cơ hội gần gũi. Và tìm lại được chúng ta vốn có cái lòng bao dung thiện từ. Các bạn! Thiền để làm gì? Thưa! Thiền để cho bình tĩnh, vững chãi và nhìn nhận ra, tìm thấy, biết được ta trong ta có tình thương lớn có sự sáng suốt, có sự tỉnh thức và yêu thương tha thứ vô ngần. Chỉ như vậy đã là đủ cho người Phật tử tại gia để bớt khổ bớt phiền, để có được hạnh phúc và an vui. Để chân có thể từng bước tiếp hiện mạng mạch tình thương của mười phương chư Phật trong cuộc đời. Để vòng tay lớn mãi, để ôm đến tận cùng nơi khổ đau của mọi người, để ánh mắt có thể yêu thương bao dung tất cả. Và để hơi thở của chúng ta lan tỏa được sức sống với mọi nơi, mọi người.

Hãy đơn giản như vậy thôi. Đừng tìm tòi những ý nghĩa cao siêu về Thiền Định. Điều ấy hãy để cho những bậc nghiên cứu Kinh tạng, thiền giả, thiền sư, những bậc học giả định nghĩa để họ ôm vào trong lòng cho đầy. Còn đối với chúng ta, cơm áo gạo tiền và vạn sự bận rộn đau khổ và phiền não đang bủa vây. Phật tử hãy nhớ như thế và bất đầu từ chỗ đó thì những chỗ cao hơn sẽ từ từ hiển lộ. Những cung bậc giải thoát sẽ từ từ thẩm nhập vào trong tâm.

Hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm. Thưa Phật! Chúng con là hàng Phật tử tại gia, phải đương đầu với biết bao nhiêu phiền lụy và khổ đau, chẳng thể cắt đứt tất cả để vào rừng sâu núi thẩm mà nhập vào những giây phút Thiền an vô thường. Hãy gia trì cho chúng con nhìn rõ được mọi cảm xúc, nhìn thấu được mọi sự suy nghĩ và tìm lại được giá trị đích thực trong cuộc đời là là tình thương, là sự sáng suốt, là sự tỉnh thức, là lòng bao dung và tha thứ nơi chúng con vốn có.

Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng. Và hôm nay chúng ta hãy cùng hồi hướng năng lượng tình thương lớn này để chữa lành bệnh tật và xin chư Phật gia trì cho cô Thảo, bé Duy ở nhà thuốc của chúng ta.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn