Search

4077. Giai Đoạn Nước Rút

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Hôm nay chúng con cùng đồng tâm hồi hướng cho Phật tử bạn đồng tu Bảo Như Thủy đang lâm bệnh, nhất tâm hướng về ba ngôi Tam Bảo, an trú trong chánh niệm, nhận rõ cuộc đời là vô thường sanh diệt, có đầy đủ phước báu tai qua nạn khỏi. Chúng con cũng đồng nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, gia trì cho chúng con luôn tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, quán chiếu hơi thở trong chánh niệm, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác và hành trì các pháp thiện lành, quán chiếu tất cả các pháp đều là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi xuống, ngồi xuống trong chánh niệm của hơi thở, hít vào chậm rãi, thở ra từ từ. Biết, ghi nhận thật rõ mọi hiện tượng nơi thân tâm, quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, tâm tánh Thiện Lành qua mật ngôn Sa Bi Mô U, gắn kết với mười phương chư Phật trong chánh niệm hơi thở vào ra, lan tỏa tình yêu thương, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, hôm nay ngày thứ hai đầu tuần, cũng là ngày thứ hai cho chúng ta biết rằng tháng 7 sắp sửa trôi qua, đầu tháng 8 sẽ tới thôi, gần lắm. May mắn làm sao chúng ta vẫn còn đếm được những tháng ngày qua và nhận biết được thứ hai đang lúc này, chỉ thoáng nữa sẽ đi về quá khứ, ngày thứ ba sẽ tới. Biết ngày qua tháng lại, biết thời gian trôi là còn biết, nhiều người vẫn sống đó, nằm đó nhưng chẳng còn tánh biết nữa. Các bạn thân mến, những lời Đức Phật dạy đều hàm ý cao siêu trong sự rất bình thường, dễ chứng đắc và thành tựu. Lời của Phật dạy không cao siêu để mà không ai có thể thành tựu được, chỉ có thể cầu xin mong mỏi ai đó mang tới cho mình.

Đức Phật là vị thầy, bậc thầy giác ngộ, những điều Ngài hướng dẫn đều rất gần gũi, rất thực tế mà ai đó trong chúng ta khi đọc qua đều có thể hiểu được, khi hành trì đều dễ chứng đắc. Mọi phương tiện, mọi giáo pháp, mọi lời của Phật, là đấng giác ngộ nên Ngài thật là khéo ăn khéo nói, khéo trình bày, khéo dạy để ngay trong đời này đây chúng ta thành tựu được. Không phải là sự học để chờ đến kiếp sau, lời Phật là giải thoát ta ngay trong hiện tại. Hiện tại này không giải thoát khỏi những đau khổ phiền u, những nghiệp thức bất thiện, thì chờ đến đời sau để làm gì? Hãy nhớ lời Phật là giải thoát ngay bây giờ. Đức Phật là bậc khéo ăn khéo nói, khéo giải bày, khéo khai thị và những gì Ngài dạy cho chúng ta thật rất đơn giản nhưng cao siêu bởi công hiệu thực tế.

Trong mật thiền chánh pháp hay trong tất cả các môn, các pháp, các tông, các phái, đều ứng lời của Đức Phật như một phương tiện. Phương tiện đó khế hợp với lời mà Ngài đã khai thị rằng mang thân làm người, nghĩa là thân người này đây là phương tiện vi diệu, không còn có một hình tướng, thân xác nào vi diệu bằng thân người. Phương tiện thân người cao siêu đấy, kiếp này có thân người chúng ta cần phải học hỏi, nghiên cứu, vận dụng thân phương tiện siêu xuất này hành trì cho đúng để được giải thoát, ngay bây giờ, tại đây, lúc này, trong từng hơi thở của chánh niệm. Hãy nhớ rất đơn giản như vậy, sự đồng tu dù môn này hay môn kia, nếu mỗi ngày trôi qua ta không đón nhận được sự an lạc hạnh phúc dù chỉ một chút thôi, ta cần phải coi lại ta đã, đang học hành, hành trì như thế nào mà không thêm được một chút an lạc hạnh phúc, không giảm đi một chút phiền não đau khổ.

Tu mà đợi đến kiếp sau thì hỏng rồi, không đúng lời của Phật, ngay kiếp này, lúc này, tại đây. Sự thành tựu với được trải qua sự hành trì, sự thực tập, sự tu luyện. Chẳng phải là chúng ta cứ ngồi đó trông mong cầu nguyện đâu. Từng hơi thở vào ra chúng ta chậm rãi phình bụng, rồi hóp bụng, chánh nệm hơi thở quán chiếu Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, 4 giọt nước Cam Lồ tịnh thủy. Giọt thứ nhất là Từ bi, giọt thứ hai là Trí tuệ, giọt thứ ba là Tỉnh giác, giọt thứ tư là tâm tánh Thiện lành. Bốn giọt nước này đã thấm vào trong tâm nếu như bạn hành trì, sẽ thấm vào trong tâm nếu như bạn thực tập, để rồi thân tâm của các bạn trổ mầm vươn lên như một búp sen trong sình lầy.

Đời ai cũng có những giây phút lầm lỗi, mù mịt, tăm tối và ai cũng đã từng tạo biết bao nhiêu nghiệp ác. Nhưng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành là năng lượng tối thượng, chuyển hóa được tất cả những nghiệp thức trái ngang, bất tịnh, tạo ra chướng nghiệp nhiều đời của bạn. Ta phải thực tập mỗi một ngày để mỗi một ngày ta sống trong an lạc và hạnh phúc. Ta phải hành trì mỗi một phút để từng giây phút trong cuộc đời ta chánh niệm tỉnh giác. Chữ tỉnh giác rất quan trọng, Ma Sa Ốp Uê – năng lượng vi diệu như ngọn đèn sáng để ta nhìn xuyên suốt màn đêm.

Các bạn, sự tỉnh giác tối quan trọng, vậy nên trong bát chánh đạo Đức Phật dạy tinh tấn, muốn tỉnh giác phải tinh tấn, lười biếng giải đãi thì nhất định làm sao có được sự tỉnh giác. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn u mê, chuyện xảy ra cứ ngơ ngơ, để rồi khi kết quả tới không như ý muốn ta buồn, ta đau khổ. Vì ta cứ chờ một vị thánh nhân cứu thế, vì ta cứ chờ một đấng nào đó cứu độ ta. Ta không chuẩn bị bằng sự tu tập, mọi pháp môn Đức Phật dạy đều bắt đầu từ chỗ biết, hiểu, thấu trong tư duy, mang vào hành trì để tự giải thoát mình. Điều Phật dạy khẳng định thật rõ không ai có thể cứu được chúng ta, chỉ có chính ta cứu được mình. Vì tất cả mọi thiện nghiệp hay ác nghiệp đều do chính ta tạo ra, chẳng ai trút xuống đầu của ta, đổ vào đầu của ta.

Ngài từng dạy phải tự là ốc đảo sáng chói để vượt qua tất cả, Ngài dạy đứng lên thắp đuốc mà đi, té ở đâu vịn đó đứng dậy, thắp đuốc tuệ mà vượt qua tăm tối. Ngài chưa bao giờ trong 45 năm giảng dạy ở thế gian này nói rằng cứ theo Phật, cứ tin Phật, cứ cầu Phật, không cần phải làm gì hết là được giải thoát, không. Từng ngày từng ngày trong suốt 45 năm trời Đức Phật nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức, phải tỉnh giác, phải trí tuệ, phải chánh niệm và phải tăng trưởng tánh biết trong từng hơi thở. Quán chiếu, hiểu rõ, ghi nhận, mang tâm từ bi, mang sự sáng suốt trong chánh kiến và tư duy để giữ mình trong sự tỉnh thức. Thực hiện các điều thiện tránh xa các điều ác để thân tâm của mình thanh tịnh. Lời Phật dạy rõ quá mà, Ngài không dạy cho chúng ta cứ ngồi đó đi, cứ ngồi đó, ngồi đó để rồi mà chờ, sẽ có người tới cứu.

Các bạn, các bạn và Bảo Thành ai cũng từng đã là một thời thi cử trong thân phận là học trò, người học trò luôn luôn có những đợt phải thi. Thi từ cấp này qua cấp kia, thi vào trung học, đại học và thi vào trường đời. Chúng ta đều có sự trải nghiệm rằng không thể không học mà vô phòng thi, khi nước tới chân, nước rút ngập tới cổ, một lời nhắc nhở có thể làm được. Kinh nghiệm từ bản thân thôi, những điều chưa học và không học dù có nhắc nhở tới đâu cũng mù tịt, chẳng biết. Đời thực tế là như thế, ai cũng trải nghiệm. Thế nhưng trên con đường học đạo Phật dạy thật rõ, vậy mà mỗi người chúng ta cứ dặm chân tại chỗ, chờ tới khi gọi là nước rút rồi mới thỉnh Phật, thỉnh Bồ Tát, thỉnh thầy, tăng ni cầu nguyện, chú nguyện. Bạn không học, bạn không biết dù có Phật tới khai thị bạn cũng tối tăm mà thôi. Phật không thể cứu, Phật tới để nhắc nhở. Hãy nhớ nếu bạn chờ đến khi nước rút mà nhắc nhở, mà bạn không chuẩn bị rõ thì nhắc cỡ nào bạn cũng không biết, càng nhắc thì đầu óc càng tăm tối, thần thức càng u mê.

Có những phong trào kích thích lòng tham của con người, chẳng bao giờ nhắc nhở sợ rèn luyện trong tinh tấn. Để chúng ta ỷ vào cuộc đời này mà làm cho hư phế phương tiện thân người. Cứ chờ đến phút cuối, nhiều khi còn chờ đến nước rút là chết rồi mới cầu tăng, cầu ni, mới cầu thầy, mới cầu đủ mọi thứ, ngay cả ban hộ tự tới niệm Phật. Sao lạ kỳ trên thế gian này lại có kiểu đó, sau khi niệm Phật hoặc là chẩn tế gì đó, người đứng đầu hoặc trong nhóm khẳng định rõ vãng sanh rồi, chắc lắm, chắc nịch. Cả cuộc đời Đức Phật khi truyền dạy trên thế gian, chưa một lần niệm Phật cho ai hoặc cầu siêu cho ai, để nói rằng vị đó đã vãng sanh.

Dù Ngài là Phật mà Ngài chưa từng làm chuyện như vậy. Các bạn cứ nghiên cứu trong kinh điển hỏi các bậc có hàm vị cao trong Phật giáo, Phật chưa bao giờ cầu siêu, Phật chưa bao giờ niệm Phật, Phật chưa bao giờ làm một cái lễ nào đó cho người chết hoặc đang chết và khẳng định đã được vãng sanh vì Ngài cầu kinh niệm Phật, chú nguyện. Thế mà sau 2000 mấy trăm năm sau, ngày nay thịnh hành như một phương tiện siêu xuất, làm cho mọi người lười biếng, giải đãi, chẳng chịu tu. Cứ chờ đến phút cuối giao duyên gặp Tăng Ni, ban hộ niệm niệm Phật, rồi nhóm người ấy khẳng định vãng sanh, vãng sanh.

Các bạn, kinh nghiệm thực tế trong cuộc đời đi học rồi đi thi, nếu bạn học qua, nghiên cứu cho thật kỹ, hiểu cho thật rõ, vào vòng thi một lời nhắc nhở thật nhẹ của ban giám thị trước khi đặt bút bắt đầu làm bài, cũng có thể mang tất cả mọi kiến thức đã học hành, đã rõ, đã thấu để vận hành sự hướng dẫn đó. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ học, chẳng bao giờ học, nhắc nhở cỡ nào cũng bó tay. Đừng đợi đến khi nước rút để mong chờ một phép lạ hóa hiện bạn được cứu. Sự tỉnh giác phải có được trong sự huân tu, trong sự hành trì và tu tập. Ở đời ta thấy việc gì cũng cần phải học, cần phải thực tập mới thông thạo được con đường đi đến sự giải thoát. Chẳng chờ đến nước rút, chẳng đợi đến kiếp sau mà ngay trong kiếp này, trong hiện tại ngay đây, nếu bạn ý thức được bạn hành trì cho đúng, bạn sẽ giải thoát cuộc đời của bạn bằng phương tiện thân người vi diệu mà Đức Phật đã nói.

Từng giây, từng phút, từng ngày, từng tháng, từng năm, hãy luôn luôn ghi nhớ rằng Đức Phật là bậc giác ngộ, mọi pháp phương tiện, mọi lời Ngài nói dưới mọi hình thức đều dễ hiểu, dễ thấu, dễ thực tập và dễ đưa đến sự chứng đắc, chỉ cần là bạn thực hành mà thôi. Do vậy chúng ta hãy bỏ ngay tư tưởng đợi đến nước rút rồi mới cầu cạnh, chẳng thể. Những ai thực tập miên mật mỗi một ngày, sự lợi ích có ngay ở trong đời. Bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ, ngang trái, nghịch cảnh, phiền não tới rồi sẽ đi nhanh thôi, bởi trong tâm của bạn tịch tĩnh, trong tâm của bạn trong sáng qua những ngày tháng hành trì thực tập, lợi ích đó thật rõ. Bảo Thành và các bạn đã đều có những kinh nghiệm, sự bối rối, sự tối tăm của nhiều ngày tháng, nhưng từ khi hành trì mật thiền mọi chuyện xảy tới bạn đều có thêm sự bình tĩnh, bạn đều có thêm sự trong sáng, bạn đều có thêm sự sáng suốt nhìn rõ để thoát thân, nhìn rõ để buông xả, hiểu thấu để đồng hành, thông cảm. Thật là như vậy không chối cãi vào đâu được, bạn đã có được sự trải nghiệm an lạc ngay trong từng hơi thở.

Bạn ơi, đừng chờ đến nước rút như người ta quảng cáo, chỉ cần một nhóm người đến cầu cho bạn, đến niệm Phật cho bạn, rồi khẳng định như đinh đóng vào cột rằng đã vãng sanh, đã giải thoát. Những điều đó là hư dối, bởi Phật chưa bao giờ dạy. Phật luôn luôn dạy trong suốt 45 năm trời, trong từng ngày gieo duyên, gắn kết với mọi chúng sanh, mọi loài, mọi người, để hướng dẫn và sách tấn, nhắc nhở mọi người phải cố gắng tinh tấn, không được giải đãi. Ngay hôm nay, ngay lúc này mỗi người phải ý thức được điều đó, để đừng chờ đến nước rút không kịp đâu, không kịp đâu. Ông bà cha mẹ, các thầy cô cũng từng dặn dò chúng ta cố gắng mà học, đừng đợi đến phút cuối. Tại sao chúng ta lại nặng về hình thức, nghiêng về tâm lý dẫn dụ của người ta, không đúng như lời Phật dạy. Chờ đợi đến phút cuối khi nước rút mong chờ một phép lạ xảy ra, để rồi cứ làm biếng ngồi đó mà mê tín dị đoan, cầu cạnh.

Những chuyện xảy ra và đã qua một cách êm ái đều là nhờ công phu tích phước, tích đức của các bạn qua sự hành trì, hành thiện. Qua tình thương được rộng mở trong trái tim gắn kết với chư Phật. Qua sự sáng suốt của trí tuệ nhìn thấu mọi pháp đều là vô thường, khổ, vô ngã. Qua sự tỉnh thức bởi hành trì chánh niệm có được sự tỉnh giác. Qua lòng nhân ái, yêu thương và bao dung của sự hình tuyệt các pháp thiện, mà thấy những cách tu như vậy không hiểu thật rõ mang tới một đời sống an lạc, phá chấp, phá mê. Bởi ta biết, ta hiểu, ta thấu, bởi ta ghi nhận thật rõ cái ác, cái thiện, cái đúng, cái sai và trong chánh niệm tỉnh giác, trong từ bi và trí tuệ, bạn và Bảo Thành lần lượt bước qua những giai đoạn thăng trầm của cuộc sống. Vượt qua nhẹ nhàng và mạnh mẽ hơn trong từng giai đoạn khi vượt qua, vì chúng ta hành trì tăng trưởng được phước báu và công đức.

Bạn hãy nhớ kẻ vô phước thất đức đời đời dù Phật có đứng ngay bên cạnh cũng chẳng thấy Phật. Phật đã dạy người không tu thì dù đứng sát bên Phật cũng chẳng thấy được Phật. Người hành trì giáo pháp của Phật, sống một đời sống chánh niệm tỉnh giác, trí tuệ và từ bi, thiện lành và bao dung, thì dù Phật xa xôi từ cõi này đến cõi khác, người đó vẫn nhận diện ra Phật và Phật thật gần đối với họ. Đây là sự thật, các bạn hãy nhớ thực tập, đừng u mê trong những giáo điều được sáng chế do ai đó cài đặt, dẫn dụ, gây mê, để rồi bạn lười biếng tu tập. Chỉ tin vào một đấng nào đó cứu bạn, giải thoát bạn. Hãy nhớ không ai cứu được bạn ngoài chính bạn, không ai tạo nghiệp cho bạn dù là ác hay thiện ngoài bạn mà thôi.

Hãy tự là một ốc đảo thật sáng, hãy tự thắp đuốc tuệ mà đi, té đâu vịn đó đứng dậy, quán chiếu cho thật rõ. Biết, thấu rõ để buông xã, biết, thấu rõ và ghi nhận để chuyển hóa, biết để tỉnh giác, biết trong chánh niệm, biết để sáng suốt, biết để yêu thương, biết để mở rộng vòng tay. Ghi nhận thật rõ, chuyển hóa từng giây, mỗi phút, mỗi giây trong cuộc đời của chánh niệm hơi thở, của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành thật là nhiệm màu. Những giây phút như thế sẽ giải thoát được bạn và bạn sẽ được giải thoát. Bảo Thành và các bạn luôn luôn phải tự nhắc và ghi nhớ, đừng đợi đến nước rút, nước đến chân rồi mới chạy, phút cuối rồi mới cầu cạnh. Người không học nhắc nhở cỡ nào cũng tăm tối, người có học chỉ một chút xíu nhắc nhở đều tỉnh ngộ và am tường.

Các bạn, nếu bạn hành trì cho miên mật, bạn tự nhắc nhở bản thân của mình trong sự tinh tấn của chánh kiến, chánh tư duy. Các bạn hãy nhớ điều đó và nếu như đủ phước báu và công đức. Có một bậc nào, một vị nào, một người nào đó nhắc nhở mà bạn đã từng thực tập rồi, thì sự nhắc nhở đó sẽ giúp cho bạn hành trì tinh tấn hơn. Còn nếu như bạn không tu tập, không hành trì, sự nhắc nhở kia sẽ làm mù lòa rối trí thêm mà thôi. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con đã quá giãi đãi và lười biếng, chờ đến nước ngập tới chân rồi mới chạy, nước rút phút cuối mới giải quyết, điều đó không thể. Nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con biết liên kết với các bậc thiện tri thức, các bạn hiền đồng tu, mỗi một ngày miên mật trong tỉnh giác, hành trì trong tỉnh thức.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho tất cả những người ta yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn