Search

4078. Đừng Tuyệt Vọng

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô, các bạn đồng tu, kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thuơng xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn, miên mật hành trì Mật thiền chánh pháp. Lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành trì các pháp thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp đều là Vô thuờng, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ổng bà, cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho tất cả mọi người thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệu, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy ngồi xuống và đồng trở về trong chánh niệm của hơi thở. Hít vào chậm rãi phình bụng, thở ra từ từ hóp bụng vào, nhận biết mọi hiện tượng nơi thân và suy nghĩ trong tâm. Nhìn cho rõ và ghi nhận, không từ chối đẩy lui để tâm Từ Bi lan toả, để Trí Tuệ sáng suốt, trạng thái Tỉnh Giác. Tong hơi thở này quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác – Thiện Lành qua các Mật ngôn. Hít thở đều đặn, tiếp hiện năng lượng của Chư Phật lan toả cho nhau.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật ngôn tiếp hiện năng lượng, lan toả và hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô-TàMô-TàMô-ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (07 biến)

Các bạn đồng tu, những cảm xúc trong cuộc đời này lẫn lộn, con người có phải chăng quá phức tạp? Vì có những cảm xúc mà chúng ta không thể làm chủ được, rồi cái cảm xúc đó ta không thể tự thoát ra. Có làm chủ đâu để rồi thoát ra? Kiếp con người ta luôn có thật nhiều những hy vọng, lớn lên khi trưởng thành ta hy vọng rằng cuộc đời mình sẽ vui, sẽ hạnh phúc, sẽ thành công, học hành đỗ đạt có bằng cấp. Làm cha mẹ, làm phụ huynh ta cũng luôn luôn nuôi cái hy vọng cho con cái của mình trưởng thành theo năm tháng. Hy sinh cả cuộc đời tận hiến tất cả vì con, và luôn luôn nuôi hy vọng nơi các con của mình. Đời đâu phải chỉ có hy vọng đâu. Phật đã dạy có hy vọng theo cái thế giới Nhị nguyên duyên khởi này nhất định sẽ có tuyệt vọng. Hy vọng tạo ra cái nguồn năng lượng thật mạnh, để chúng ta vượt qua trùng trùng những thử thách ngang trái, nghịch cảnh. Một tia hy vọng nhỏ nhoi ta có sức mạnh rồi, huống chi là khi ta có một sự hy vọng vững chắc dựa trên nền tảng của kiến thức và chuyên cần. Mạnh mẽ lắm! Chuyện gì cũng có thể vượt qua. Bởi khi có kiến thức và chuyên cần, sự hy vọng đó nắm chắc trong bàn tay, nào ai có sợ hãi đâu. Nhưng tuyệt vọng thì ủ ê, đau khổ, tăm tối, chẳng còn năng lượng để sống. Khi tuyệt vọng người ta vùi đầu vào trong các thú ăn chơi, dằn vặt cơ thể, đoạ đày tinh thần. Khi tuyệt vọng người ta có thể huỷ hoại đời sống, mạng sống làm phiền luỵ đến biết bao nhiêu những con người trong gia đình.

Đời mà, tuyệt vọng là thường, hy vọng cũng thường thôi. Vô thường mà, có tới có đi, có hy vọng phải có tuyệt vọng, có tuyệt vọng nhất định phải có hy vọng. Năm tháng trôi qua, thử thách trong cuộc đời sẽ nặn chúng ta nên cái hình hài mong muốn. Như đất sét khi chưa được nhồi nặn thành hình hài và nung trong lò lửa, chỉ là đất sét mà thôi. Đất sét đó bình thường thì như vậy, chẳng có hình thù, mưa xuống thì ướt, trơn trượt, dơ dáy bẩn thỉu. Người ta đạp lên có thể trơn trượt nguy hại. Tâm của chúng ta cũng như thế, chỉ như cục đất sét nếu không nặn lên cái hình hài, nếu không nhồi nặn cho đúng, nếu không nung vào nồi lửa thì chẳng thể cứng. Và đất sét khi trời mưa gây hại cho nhau. Tuyệt vọng là cục đất sét, là vùng đất sét chưa được nhồi nặn. Ở trong thử thách và gian nan, trong nghịch cảnh chưa được nung vào cái lửa luyện tâm, không có hữu ích, gây hại cho nhau. Kiến thức và trí tuệ, từ bi và sự tỉnh thức ta nhìn thấu cuọc đời của mình, nhồi nặn lên cái hình hài mong muốn, nung vào trong lửa trí tuệ sẽ có được một vật thể đẹp nơi tâm, nơi tinh thần, nơi thể chất. Người tu Phật, học lời của Đức Phật phải nhìn cho thấu để bình tĩnh, để an vui, để khi hy vọng ta có, ta hùng mạnh tiến lên. Khi thất vọng xảy ra, ta vững chãi vượt qua.

Ngày xửa ngày xưa, có câu chuyện về một loài thú. Có con ốc sên mẹ và con ốc sên con đang đi chơi với nhau, con ốc sên con nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, tại sao chúng ta lại phải vác ở trên người một cái khối hình hài quá nặng nề, không thể đi nhanh, chậm chạp quá?” Ốc sên mẹ nói với ốc sên con rằng: “Con à! Chúng ta chắc có lẽ không có xương nên phải mang một cái khôi cứng ngắc ở trên người để bảo vệ thân mình.” Con ốc sên con dùng dằng nói với mẹ rằng: “Mẹ à! Mẹ có thấy con sâu róm không, nó có xương đâu vậy thì lấy gì để bảo vệ được thân xác và sự sống?” Ốc sên mẹ nói: “Con ơi, sâu róm không có xương nhưng rũ mình thành bướm bay lên trời, bầu trời sẽ che chở cho bướm.” Ốc sên con cũng chẳng chịu, nói: “Mẹ à, thế thì con giun ở dưới đất nó có xương đâu, lấy gì để bảo vệ?” Ốc sên mẹ nói: “Con ơi, giun không có xương nhưng có thể chui vào lòng đất, đất che chở cho giun. Sâu róm thành bướm có trời che chở, giun chui xuống đất có đất che chở, thiên địa che chở cho chúng”. Ốc sên con buồn lắm, nói rằng: “Mẹ à, sâu róm có trời che chở, giun có đất che chở, còn phận ốc sên như chúng ta chẳng có gì để che chở phải mang trên người cả một cái khối nặng nề.” Ốc sên mẹ mới cười nói với con: “Con à, người ta yếu đuối mới cần trời đất che chở, còn mẹ con chúng ta mạnh mẽ, chẳng cần trời, chẳng cần đất mà tự lực biết đứng vững vững chắc. Dù vác trên người một khối nặng nề nhưng vẫn đi tới điểm mình mong muốn. Hãy nương vào tự thân của mình con à để đứng dậy mà đi. Dù trên lưng có phải đèo bồng muôn sự ở trên đời, tâm vẫn luôn an.”

Một câu chuyện thật hay mà Đức Phật đã từng dạy cho chúng ta. Ta có thể nói hy vọng như đôi cánh của con bướm bay lên trên bầu trời, tuyệt vọng như sự tủi nhục của giun chui xuống dưới đất. Hai cái trạng thái đó chỉ là cảm xúc của hy vọng và tuyệt vọng. Con người chúng ta, nếu suy nghĩ cho kĩ, nương vào trời đất là lẽ tự nhiên, nương vào chính mình mới chính là siêu nhiên tuyệt vời. Phật dạy hãy tự là ốc đảo sáng chói, hãy tự thắp đuốc mà vượt qua tăm tối, hãy dõng mãnh đứng dậy. Hãy đứng dậy ngẩng cao đầu để mà đi như gia đình ốc sên nương vào chính tự thể của mình mà vượt qua mọi thử thách. Ai trong chúng ta mà không phải can qua những cái nỗi niềm đau đớn của sự tuyệt vọng, nhưng cần phải tỉnh táo. Đấy có cái anh chàng kia, là một tỷ phú giàu có nhưng trong một đợt biến động toàn cầu bị phá sản, nghèo mạc rồi đâu còn sung sướng, kẻ đưa người đón, giàu sang phú quý, xe hơi nhà lầu, hết rồi hết rồi! Thưở đó, tay trắng trắng tay, ăn không có, không có chốn nương thân. Sống trên đời làm gì nữa tuyệt vọng quá, thôi đi tự tử. Nhìn mãi nhìn mãi thấy dòng sông đi ra đó, tính nhảy sông tự tử, đang suy nghĩ nhảy cách nào để chết cho nhanh thì thấy một cô gái đi tới một gốc cây ngay bờ sông, anh ta nhìn lên trên cây thấy có sợi dây thòng lọng, cô gái đang tìm cách để treo cổ tự tử. Anh chàng vội chạy tới can và nói rằng: “Cô ơi, sao cô lại treo cổ làm chi?” Cô gái nói: “Tôi bị thất tình, không còn người yêu khổ lắm, tôi muốn tự vẫn”. Anh chàng này mới thốt ra một câu rằng: “Hồi xưa khi cô chưa có người ta, chưa yêu, chưa có anh ấy, cô vẫn sống vui vẻ mà?” Ngay câu nói đó, cô gái tỉnh ngộ rằng trước kia ta cũng vui vẻ dù không có người yêu, thì nay người yêu đi rồi ta cũng nên sống vui vẻ như thời xưa. Tỉnh ngộ, cô đấy chuẩn bị đi về nhưng quay mặt lại hỏi anh ta rằng: “Ủa, trong đêm tối như vầy, anh ngược xuôi bên bờ sông để làm gì?” Anh ta vội nói: “À, không không! Đêm tối nóng nực tôi đi dạo bờ sông cho mát.” Hổ thẹn đấy mà nhưng nói trớ ra một chút, nhưng thực ra khuyên một người tỉnh ngộ cũng đã làm cho anh ta tỉnh ngộ, tuyệt vọng của hai người đã tiêu mất và nuôi cái hy vọng trở lại.

Các bạn, cảm xúc của con người phức tạp ghê gớm. Có thể làm cho con người hưng phấn, bay lên trên trời như loài bươm bướm mà cũng có thể đoạ đày con người vùi sâu vào lòng đất như con giun. Mỗi khi cái sự tự ti, mặc cảm, ghen tuông, hờn giận, thất bại, thành công, vui sướng đều tạo ra những cái cảm xúc hy vọng hoặc tuyệt vọng. Hãy nhớ đó chỉ là cảm xúc mà thôi! Trong Mật thiền ta hít thở thật đều, chánh niệm quán chiếu, biết – biết cái gì? Biết mọi cảm xúc của ta ngay trong hiện tại, cảm xúc vui buồn sướng khổ, cảm xúc dễ chịu – khó chịu, cảm xúc của những năng lượng bất tịnh hay thanh tịnh, tuyệt vọng hay hy vọng. Nhìn cho thấu, ghi nhận cho rõ, rõ như con ốc sên mẹ thấy được loài bướm có trời che chở, loài sâu có đất che chở và chính mình có cái tự lực để nương vào vượt qua. Tự thắp đuốc mà đi! Hơi thở vào ra, người hành trì Mật thiền, quán chiếu, biết, ghi nhận rõ, thấu hiểu khi tuyệt vọng tới ta nhìn, ta nhận bởi tuyệt vọng là một phần cảm xúc của con người. Trong những cái nhu cầu mong muốn của đời sống bị mất đi khi những chướng nghiệp nó trổ quả do ta tạo ra. Hãy nhìn những cái năng lượng hoặc cái cảm xúc tuyệt vọng như một người tình đã bỏ ta đi như cô gái kia. Nhớ lại đi, trước khi có người yêu, sống một mình cũng vui mà. Trước khi tuyệt vọng nó xảy ra, ta vẫn vui mà, vậy thì khi người tình bỏ ta đi, khi sự an yên bỏ ta đi, quăng ta vào trong tuyệt vọng, tại sao phải buồn chán, huỷ hoại thân xác? Trước đó ta vẫn vui mà.

Các bạn thấy chưa? Quán chiếu, ghi nhận trong cái tánh biết thật rõ ràng ngay trong hiện tại, mọi cảm xúc, mọi hiện tượng dù vui sướng, đau khổ phiền não, dù là hy vọng hay thất vọng, ghi nhận đón tiếp như một người tình. Người tình trong hơi thở của chánh niệm không có dính mắc trước và sau, tự tại. Mang cái tình thương chăm sóc cho bản thân, mang cái sự sáng suốt nhìn rõ cái vô thường trong cuộc đời tới lui, có không, được mất, tuyệt vọng hay hy vọng. Để được tỉnh thức, rồi làm các việc thật bình thường. Thương mình, đừng để tuyệt vọng ra sông mà nhảy, đừng để tuyệt vọng treo cổ trên cây. Thay vì ra sông ta nhảy sông, ta chỉ là một lúc dạo quanh bờ sông mát trong một buổi đêm tuyệt vọng tràn ngập lui tới. Ai ai rồi cũng có nhiều cái niềm hy vọng vào tương lai của mình; con cái, người thân, gia đình. Cũng đó, vì hy vọng đó, ta cũng phải đương đầu với tuyệt vọng. Khi hy vọng ta có thể nương vào trời để bay, che chở. Khi tuyệt vọng ta nương vào đất để tồn tại. Nhưng trời đất kia quá xa tầm tay, nương vào tự thân trong sự hành trì mà Phật dạy gọi là đời sống Chánh niệm – Tỉnh giác – Từ bi – Trí tuệ – Thiện lành. Chẳng nương trời chẳng nương đất, nhưng trời đật sẽ là hộ pháp cho các bạn, sẽ hộ thân, hộ mạng cho các bạn, vì đâu? Vì bạn biết tự nương vào chính mình. Chư thiên sẽ hoan hỷ vô cùng khi ai đó biết tự nương vào tự thân, thắp sáng đuốc tuệ mà đi. Đất kia sẽ ôm ấp bàn chân của ta, nâng niu ta, giữ ta thật vững, can qua mọi nghịch cảnh gian khổ của cuộc đời, vì đất hoan hỷ ta biết tự chăm sóc, tự nương vào chính mình. Cha trời mẹ đất sẽ hoan hỷ lắm, còn nếu như ta không biết chăm sóc chỉ vùi đầu vào trong lòng đất khi tuyệt vọng tới, bay bổng lên trên trời khi hy vọng tới ta chỉ là người rác rưởi, gió thổi bay hoặc sóng gió nhận chìm mà thôi. Chánh niệm đời sống để luôn luôn tỉnh giác là mấu chốt trên con đường tu. Để từ đó ta có một cái nhìn sáng suốt thật rõ các pháp đều vô thường sanh diệt tới lui, hy vọng có tuyệt vọng có. Các bạn, rồi ta làm những việc hữu ích ngay hiện tại đi. Còn đó một đời sống mong manh, còn đó một hơi thở vào ra, làm thiện đi, yêu thương nhau đi, chăm sóc cho mình đi, lan toả hương vi diệu của sự tỉnh giác đi.

Các bạn, phải nhìn rõ thật rõ lời Phật dạy thật là chí lý đặc biệt, giúp cho chúng ta có ý chí quật cường vượt qua. Hãy đứng dậy! Hãy đứng dậy ngẩng cao đầu! Chúng ta như lời Phật dạy, phải đứng dậy. Đừng để cho sự tuyệt vọng nhận chìm ta. Đừng để cho sự hy vọng mà hồn vía lên mây chẳng còn biết mình là ai. Phải tự tại, phải chánh niệm. Đức Phật dạy tu luyện chánh niệm trong hơi thở và Ngài nói thật rõ phương pháp tu luyện như vậy chính là chìa khoá. Để như gia đình ốc sên kia vững chãi vô cùng, dù phải mang ở trên lưng gánh vác cả một khối cái vỏ cứng. Nhưng chính cái sự gánh vác, tự mình gánh vác đó sẽ bảo vệ được mình trong gian nan, trong gian truân ta có trí tuệ, ta có tình thương, ta có sự tỉnh giác, ta có lòng thiện lành. Bốn cái điều này chính là hộ pháp, hộ thân, hộ mạng. Và trời đất sẽ hoan hỷ vô cùng bởi chúng ta đứng vững giữa trời đất này bằng tự thân, hiểu thấu, nhìn rõ, tỉnh táo, yêu thương.

Cốt lõi lời Phật dạy là khuyến khích mỗi người chúng ta phải nhận ra sức mạnh nội tại bằng cách trực diện với mọi cảm xúc tới lui trong cuộc đời. Hãy coi mọi cảm xúc như người khách quý, người khách có thể tới tặng quà cho ta qua những cảm xúc vui, người khách tới có thể tặng quà cho ta những cảm xúc tuyệt vọng để ta nhận ra rằng ta vẫn vững chãi. Mọi cảm xúc hy vọng hay tuyệt vọng chỉ là những vị khách vãng lai tới lui trong cuộc đời. Người hiếu khách là người nhìn rõ và trân quý những sự tới lui trong cảm xúc. Mang tâm yêu thương, mang sự tỉnh thức nhận diện, ghi rõ.

Thế giới này ta đang sống trong muôn điều sanh diệt vô thường. Lấy cái gì để bám trụ thường hằng mãi đâu? Có rồi mất, tới rồi đi, sanh rồi diệt, hy vọng có thất vọng. Các bạn đừng tuyệt vọng một câu nói nghe rất dễ, nhưng khi rơi vào trạng thái tuyệt vọng rồi nói đừng tuyệt vọng thật khó. Nhưng trong sự tuyệt vọng kia, hãy nhớ câu: “Qua cơn bỉ cực tới thời thái lai.” Tức là có sanh có diệt, có tuyệt vọng có hy vọng.

Trong cơn tuyệt vọng muốn nhảy sông, chàng trai kia đã tìm thấy một tia hy vọng để giải bày cho người con gái, và khi người con gái tỉnh ngộ thì người tuyệt vọng nhảy sông kia cũng nhìn thấy con đường của mình cần phải đi. Thấy loài sâu róm biến thành bướm bay lên trời, loài giun chui xuống đất thì cũng nhìn thấy mình có được cái tự lực dõng mãnh.

Phật dạy cho chúng ta nhìn trời nhìn đất nhưng phải nhìn lại chính mình, thấy được sức mạnh nội tại qua đời sống chánh niệm tỉnh giác. Để có một cái nhìn sáng suốt thật rõ, và mọi hiện tượng cảm xúc tới lui trong cuộc sống này. Khi ngồi xuống, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ăn, khi nói, khi uống, khi tương tác với mọi người, khi làm việc, chánh niệm giúp cho chúng ta luôn luôn tỉnh giác. Tỉnh giác để nhìn thấu và yêu thương, khi tuyệt vọng  có tới chỉ là một cơn nóng của mùa hè, ta biết bật quạt lên để làm  mát cuộc sống. Khi tuyệt vọng tới cũng như một gió mùa đông, ta biết căn buồm để xuôi dòng đi mãi. Dù hè hay đông, dù lạnh hay nóng, dù tuyệt vọng hay hy vọng, người khéo sử dụng phương tiện thân người qua sự chánh niệm đời sống sẽ giúp cho chúng ta vượt qua tất cả, và có được một đời sống an vui.

Khi sống chung với nhau, trong gia đình từ ông bà, cha mẹ đến con cháu, nhất định dù là gia đình thân quyến máu mủ vẫn có những lúc nghịch ý, có những lúc không hợp ta buồn lắm. Nhưng nhìn lại đó toàn là người thân, nên tình thương được tăng trưởng và rồi nguôi đi. Trong nhóm đồng tu, trong Tăng thân, trong Tăng đoàn, trong chùa, trong xã hội, trong cộng đồng của nhân loại đã có trên hai người luôn có sự lệch ý. Mình ta mà ta còn có lúc ưng ý với chính mình, và nhiều lúc nghịch ý với chính mình mà, huống chi có người thứ hai, thứ ba. Nhưng nghệ thuật sống là gì? Là yêu thương trong sự tha thứ, bao dung bằng lòng Bác ái, sáng suốt để nhận diện mọi cảm xúc, mọi nghịch thuận, mọi đúng sai, mọi ghen ghét, hận thù, yêu thương đều chỉ là cảm xúc tới lui trong cuộc đời, nó vô thường lắm. Trân quý nhau đi, thương yêu nhau đi. Đừng vì một chút xíu không như ý mà ta giận hờn, mà ta hô toán lên cho cả thế giới biết. Hãy nhớ, hãy nhớ gặp được người dù thuận hay nghịch, sống cùng người dù nghịch hay thuận đều là nhân duyên, đều là nhân quả, đều là một bài học để ta trải nghiệm trong cuộc đời để nhận diện rằng mỗi chúng ta đều có sức mạnh nội tại, đủ tình thương lớn để bao dung, đủ sự sáng suốt để nhìn thấu, đủ sự tỉnh giác để không u mê, và đủ các cái pháp thiện để dẫn nhau vượt qua hiểu biết nhau hơn. Khi sống cùng nhau trong cuộc đời này, khi sống chung với nhau trên hành tinh này, hãy trân quý. Đừng để cái ý riêng của mình, đừng để cảm xúc riêng của mình xâm chiếm, đày đoạ mình và từ đó cắt đứt tình cảm của người mình đang hiện hữu trong trái tim. Hãy yêu thương nhau! Hy vọng và tuyệt vọng chỉ là cảm xúc. Loài ốc sên vững chãi chẳng sợ phải cưu mang sự nặng nề, loài người phương tiện vi diệu Phật đã dạy, có gì sợ hãi trước tuyệt vọng đâu.

Các bạn, chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm. Thưa Phật! Vô thường, nhị nguyên, duyên khởi, có không, tuyệt vọng, hy vọng. Xin Ngài gia trì cho chúng con luôn luôn biết chánh niệm tỉnh giác để nhìn thật rõ mọi cảm xúc, ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc. Mang tâm yêu thương và sự sáng suốt trong tỉnh thức để chăm sóc cho tự thân và tất cả những người hữu duyên đi qua cuộc đời này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở rất từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn tiếp hiện năng lượng lan toả tình yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô-TàMô-TàMô-ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (07 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn