Search

4067. Biến Thái Cảm Xúc

Trần Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa tình yêu thương, sống đời tỉnh thức, thể nhập vào tâm tánh thiện lành, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho hàng đệ tử chúng con, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống và trở về với hơi thở của chánh niệm. Hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, tịch tĩnh quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán, qua mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U. Sự linh diệu sẽ hiển lộ nơi tâm tĩnh lặng của chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Đó chính là cảm ứng với chư Phật, với chư vị Bồ Tát để trở về nhìn rõ bản tâm của mình trong từng giây phút, tiếp hiện năng lượng vi diệu, tưới tẩm cho đời sống thanh tịnh và gội rửa mọi uế trược trong tâm, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan toả và hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, mỗi khi trời sáng ta thức dậy, có nhiều người cảm thấy sảng khoái hạnh phúc vô cùng, vì còn sống và còn thở được để tươi cười hoặc hạnh phúc vì còn cha còn mẹ, vợ chồng con cái. Hạnh phúc vì nhiều thứ lắm, có thể hạnh phúc bởi sáng sớm này có cuộc hẹn họp mặt với bạn bè uống cà phê sáng hoặc sẽ gọi cho người bạn thân lâu ngày chưa gặp. Đôi khi niềm hạnh phúc chỉ dâng trào bởi một lời hứa thật nhẹ của vợ rằng sáng nay sẽ có cà phê ngon, một tô bún, tô phở ngon để sẵn. Ngược lại người chồng cũng có thể phục vụ những điều đó cho vợ và khi vợ thức dậy hạnh phúc vô cùng. Đâu phải buổi sáng sớm thức dậy là có cảm xúc vui đâu, có người mới dụi mắt tỉnh thức nỗi buồn ê chề đã tràn về, vì sáng nay phải đi trả nợ, phải hầu tòa, phải đóng phạt, phải kiếm cơm, kiếm áo. Lại có người buồn không thể ngủ, mặt trời đã tỉnh mà trong lòng buồn bã, vì hôm nay ngày mới phải tiển người đi mãi mãi không trở về.

Buồn, vui, khổ, phiền não, an lạc, hạnh phúc, hớn hở, thích thú, giận hờn, khó chịu, bực bội, không biết là chúng ta, cuộc đời này có biết bao nhiêu những trạng thái cảm xúc đã xảy ra. Nhiều quá không ghi hết xuống được, không liệt kê ra được và cũng chẳng ai còn nhớ về cảm xúc đó mãi đâu. Bởi cảm xúc biến hiện quá nhanh, tới ồ ạt đến mức một giọt đắng cũng không thấm được, một nụ hồng cũng chẳng thể tươi, nó chợt tới rồi chợt đi. Câu nói trên đầu môi của chúng ta đối với mọi người là người mà sao không có cảm xúc, phải đâu sỏi đá, phải đâu đất, phải đâu như vô tri mà không có cảm xúc. Nói riết rồi cũng có người cãi sỏi đá ngày sau vẫn còn biết có nhau. Chắc có lẽ là ai đó cảm xúc nhiều quá, để rồi nó dính tới cả cỏ, cả cây, cả đá, cả sỏi, cả đất trời. Mình buồn mà trời nào có thể vui, xảm xúc thật đối với chúng ta mỗi ngày. Ta gọi là cảm xúc thật, nhưng nếu thật thì sao nó vụt khỏi tầm tay, nếu giả sao nó cứ lui tới. Ngồi đó mà tranh cãi thật giả của cảm xúc, hóa ra ta điên rồ, lẩm cẩm.

Cảm xúc chi phối đời sống của con người, cảm xúc cũng có hương vị rất người mà, đã là người và hương vị rất người kia qua các cảm xúc tới với ta là chuyện thường thôi. Rất may mắn mỗi người chúng ta chưa bị tê liệt cảm xúc hoặc là lãnh cảm, trở thành những người không còn biết gì nữa. Ta vẫn biết, biết vui khi trong lòng vui, biết vui khi người vui. Ta cũng biết buồn khi lòng ta buồn và buồn đối với người đang buồn. Vui- buồn, những cảm xúc đó có giá trị đích thực cho cuộc đời của mỗi người. Không phải vui buồn và cảm xúc kia, thể loại nhiều cảm xúc tới với chúng ta là vô bổ, vô ích đâu. Mỗi một cảm xúc đi qua đời người là một sự trải nghiệm, nếu biết dừng lại để đồng hành với cảm xúc đó, ta sẽ học được vô vàn những điều hay. Cảm xúc là thầy, đúng hơn là bậc thầy thật cao, nếu người học trò là chúng ta biết trụ ở trong sự tịch tĩnh, quán chiếu từng dòng cảm xúc hoặc những cảm thức đi qua cuộc đời bằng các giác quan. Ta sẽ học được thật nhiều bài học của yêu thương, bài học của bao dung, bài học của sự san sẻ và lan tỏa những giá trị tốt tới cho mọi người.

Cuộc đời có lẽ hình như ta không đón nhận bậc thầy của cảm xúc tới với đời để học, mà ta đắm chìm trong những hương vị hoặc những hương cảm khi tương tác trong cuộc sống này. Mà cũng đúng mà, chúng ta là người, Phật dạy chúng sanh là chúng ta đó thì mê. Chúng sinh thì mê, Phật thì tỉnh giác, mà mê cái gì đây? Ta mê cảm xúc, có những người đau mê đến mức nỗi đau nó chẳng còn hiện diện, mà nhìn trong khóe mắt của họ nó hằn lên nỗi đau ngàn đời không hết. Có những người khổ cái khổ đã qua, nhưng trên khuôn mặt như thửa ruộng cằn cỗi, nhìn thấy họ mình cũng khổ lây. Rồi có những người vui mà chuyện vui đã tàn, con mắt họ sáng lóe lên, miệng thì cười ha hả. Nhiều cái nhìn lại thấy nó ngớ ngẩn bởi nó còn đâu mà để buồn, để sầu, để não, còn đâu mà để hớn hở, để vui. Nhưng hình như chúng ta không còn làm chủ được cảm xúc của mình, để ngay trong từng giây phút hiện tại, những cảm xúc hiện tại ta không bao giờ đón nhận được, mà chỉ đắm chìm trong cảm xúc đã qua đi.

Thế giới ngày nay nhiều thương buôn trong ngành tâm lý hoặc tâm thần học, họ hiểu thấu cái mê của chúng ta, họ lợi dụng cái mê của chúng ta và họ đã làm giàu cho cuộc đời. Có những em nhỏ thôi, bé tí tì ti, nhét vào đôi tay cái phone, bật game lên chơi cả ngày chẳng còn biết gì, mê. Cha mẹ về cũng chẳng nhìn cha mẹ, ăn cũng chẳng thèm ăn, uống cũng chẳng thèm uống, quên hết sự đời dù tuổi vẫn còn trong trắng, đắm chìm trong game. Chắc chắn điều này có nhiều bậc phụ huynh đã đắng lòng vì hiện tượng con cái nghiện game không dứt, nếu lỗi của chúng thì cũng không hẳn, hầu hết là lỗi của cha mẹ. Mất cảm xúc, ghiền game, người lớn cũng như vậy, ghiền là mê, ghiền quá mà. Thay vì cái gì chút chút nó cũng vui, có chút cảm xúc, ông bà nói điều độ thì giữ cho cảm xúc của con người đạt đỉnh gọi là hưng phấn để sống điều độ. Nhưng quá độ thì cảm xúc sẽ biến thái, lúc ấy ta không còn làm chủ để tạo hưng phấn cho cảm xúc. Mà ta đón nhận được để có năng lượng sống với mọi người an vui. Mà sự quá độ trong muôn mặt mọi điều làm biến thái cảm xúc và rồi cảm xúc khi biến thái nó dẫn dắt chúng ta, nó làm chủ chúng ta, ta chẳng còn suy nghĩ được đúng hay sai nữa. Mà cảm xúc đó nó lôi kéo chúng ta vào những con đường tội lỗi, những công việc làm sai.

Biến thái cảm xúc là một tình trạng nguy hại trong xã hội hiện thời, bởi vì có quá nhiều thứ trò chơi gây những cảm xúc quá mạnh kéo dài, làm điên loạn thần kinh, không thể tự chủ mọi hành vi. Ông bà ta xưa kia cuộc đời trong cách sống đơn giản, ăn uống, tâm sự, hàn huyên, học hỏi, nói chuyện, dưỡng sinh, khỏe mạnh từ tinh thần thể chất tâm linh. Ngày nay chưa ăn đã bị dẫn dắt bởi biết bao nhiêu thứ ở đời, đang ăn cũng bị lôi kéo biết bao nhiêu thứ, đang nhai, rồi đủ thứ hết. Tức là không có một lúc nào mà những phương tiện của những thương gia không ồ ập kéo tới, dẫn dắt nhận chìm ta vào vòng mê đắm. Để cảm xúc thật của trải nghiệm trong đời sống tăng trưởng hương vị, sự hưng phấn còn tồn tại trong chúng ta nữa, mà chỉ là cảm xúc dồn dập như mưa sa bão táp, cuốn trôi tất cả những suy nghĩ của chúng ta. Ta đã trở thành nô lệ cho cảm xúc và cảm xúc của ta đã biến thái hoán vị, chẳng còn rõ nét trong cuộc đời như nhiên liệu sống của sự hưng phấn tạo ra cảm xúc chân thật trong sự tỉnh táo.

Xã hội này đau khổ thật là nhiều bởi những kẻ biến thái cảm xúc, họ có thể giết người để thỏa mãn cảm xúc của họ. Họ có thể xâm hại thân xác của người khác để thỏa mãn cảm xúc của họ. Họ có thể cướp bóc lấy của người ta, đốt nhà, đốt cửa, phá hại gia can, cũng chỉ để thỏa mãn cảm xúc của họ. Họ có thể bỏ tù nhau, lừa gạt nhau, chiếm đoạt của nhau, đày đọa nhau, cũng chỉ để thỏa mãn cảm xúc. Đức Phật thấy rõ loài người và muôn chúng sanh dễ bị đắm chìm, say mê trong các cảm xúc, khi mà các giác quan tương tác với những cảnh ở bên ngoài hoặc ở bên trong. Phật chẳng tới cấm chúng ta không nên có cảm xúc, triệt tiêu mọi cảm xúc. Nhưng Phật khuyến khích chúng ta hãy xây dựng cảm xúc khi còn làm người nơi con đường chánh. Đừng đắm chìm trong cảm xúc nơi con đường tà, tà là tạo ra nghịch cảnh trái ngang, mất đi sự tự chủ của tâm. Chánh là con đường rõ hiểu được nhân tốt, gạt bỏ nhân xấu, sống an hòa yêu thương.

Các bạn, hãy đơn giản như vậy đi để ta có thể thực tập và sống được. Đức Phật dạy cho chúng ta làm chủ cảm xúc của mình bằng cách tưới tẩm vào các giác quan khi tương tác tạo ra cảm xúc đó. Con đường chánh, chánh niệm từ bi, từ bi là yêu thương, luôn luôn nhận định sự yêu thương đang ở nơi ta và quán chiếu chúng, tăng trưởng và cảm xúc khi tương tác. Thì bất cứ luồn cảm xúc nào có đều được tưới tẩm bằng hương vị của từ bi, tạo hưng phấn tột đỉnh, có được năng lượng thanh tịnh đi vào cuộc đời, đẹp lắm, tốt lắm, rất hay.

Phật không cấm mọi cảm xúc nha các bạn, bởi là người mà sao tránh được mọi sự cảm xúc xảy ra trong đời. Nên Phật dạy ta cách hòa trộn cảm xúc trong chánh niệm từ bi, để tạo hưng phấn mà sống ngay trong hiện tại, không để tê liệt giá băng, lãnh cảm cảm xúc hoặc biến thái cảm xúc gây hại cho nhau. Những ai từng bị cảm xúc quấy rối làm cho phiền não triền miên, hoặc những ai đã từng bị những người biến thái cảm xúc bắt hại, xâm hại, gây nguy hại đến đều thấy. Nhân loại sẽ đau khổ lắm nếu cứ để cảm xúc đắm chìm trở thành biến thái. Ta phải làm chủ được cảm xúc, không phải là cột chặt cảm xúc vào mà là làm chủ cảm xúc trong chánh niệm yêu thương. Bạn đừng sợ cảm xúc, trong mật thiền cảm ứng với cảm xúc là nhân tố quan trọng, nhưng quan trọng hơn là hòa trộn hương vị của chánh niệm từ bi để dẫn dắt cảm xúc của ta về nẻo chánh, tạo sự hưng phấn mà sống an vui.

Bạn đang phiền não đau khổ phải không? Nếu vậy bạn thực tập chánh niệm hơi thở quán tâm từ bi, bạn có thể chuyển hóa mọi cảm xúc đau buồn, phiền não, đau khổ đang vất vưởng trong tâm của bạn thành hương vị của tình thương và có được hưng phấn sống trở lại. Phật là thầy, Ngài hiểu được chúng ta mỗi người đều có căn cơ khác nhau, môi trường sống khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau. Đức Phật, bậc thầy cao cả đều hiểu được cảm xúc của chúng ta nó rối rắm, nó rắc rối và sự mê muội của chúng ta còn rất nhiều, dễ bị cảm xúc lôi kéo làm chìm đắm tạo ra sự biến thái cảm xúc trong cuộc đời. Nên Ngài đã tới vỗ nhẹ nhẹ vào bờ vai của ta và nhắc rằng hãy nương vào hơi thở chánh niệm, quán tâm từ bi để dòng biến thái cảm xúc trong cuộc đời kia không còn gây phiền hà tới cho ta. Mà là điều kiện để ta trải nghiệm một năng lượng lớn hơn qua chánh niệm của hơi thở và dung hòa những cảm xúc rất trần kia bằng năng lượng của từ bi. Sẽ có được kết quả là hưng phấn yêu thương, an hòa tịch tĩnh, bao dung tha thứ. Nghệ thuật sống trong đạo Phật là nghệ thuật cao, bởi ta không triệt phá, triệt tiêu nhưng ta chuyển hóa, nâng tầm, thay đổi trong sự nhận rõ được điều gì hại, điều gì lợi, điều gì xấu, điều gì tốt, điều gì ác, điều gì lành thiện để sửa.

Mật thiền chánh pháp là một phương tiện để tu, giúp cho chúng ta nhìn rõ được dòng cảm xúc của mình, thấy biết thật rõ trong chánh niệm chẳng sợ. Nhưng thấy rõ như người hiểu và thông suốt được lộ trình đi, để khi ngồi lên xe từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc là sự chuẩn mực rõ nét đi và tới, gọi là có đi có tới. Nếu như dòng cảm xúc có đi thì nhất định phải tới, tới trên nẻo chánh để an vui hạnh phúc. Không thể đi để rồi tới nẻo tà đau khổ và phiền não. Muốn có được điều ấy ta phải luyện, tu luyện, học hỏi, không thể ngồi đó mà tưởng tượng, mà phải thực tập hành trì rõ ràng. Không học làm sao mà thành công, phải học. Đừng để mình bị biến thái cảm xúc rồi làm băng hoại cuộc đời của mình và hư hại cuộc đời của người khác. Nghe theo Phật đi, thực tập đi sẽ thấy cuộc đời còn có biết bao nhiêu cái vui, sự an lạc khác. Đâu phải đời chỉ là khổ, chỉ là sầu não, sầu bi, để rồi rớt xuống vực sâu sầu não bi ai kia biến thái cảm xúc, không cần.

Lựa chọn khôn khéo trong cuộc sống là trở về nẻo chánh của cuộc đời qua hơi thở chánh niệm quán từ bi. Chỉ có những ai nhận diện rõ như vậy sẽ thấy được sự vi diệu của người thầy cảm xúc khi tới với chúng ta. Bởi cảm xúc nếu giữ được sự tịch tĩnh chánh niệm từ bi, thì cảm xúc biến thành vị thầy giúp ta trải nghiệm qua những cung bậc của cuộc đời, thăng hoa tạo hưng phấn trong cuộc sống. Bất cứ một hiện tượng nào xảy ra dưới con mắt trí tuệ khôn khéo của người có công năng tu trì, sẽ ứng dụng ngay được những hiện tượng đó thành phương tiện để tiến thân. Cảm xúc là một trong những phương tiện rất thực tế, mà mỗi người chúng ta phải đương đầu hàng ngày trong suốt cuộc đời, rõ hơn từng giây phút, bởi nó luôn luôn có trong chúng ta. Đừng bỏ qua cảm xúc và bị cảm xúc nó dẫn dắt, nhưng hãy đón nhận cảm xúc trong chánh niệm và bằng sự yêu thương. Để cảm xúc khi nó xảy ra, nó tới với ta trong tương tác, chúng ta liền có nhiên liệu vi diệu để hòa trộn. Như nước có chanh, có đường, tạo thành ly nước chanh thật ngon, nếu cho thêm chút đá nữa chanh đá đường uống mát lắm. Ta có chánh niệm, ta có từ bi, ta có sự quán chiếu trong trí tuệ của tỉnh giác thiện lành, cảm xúc kia là nhiên liệu cung cấp để ta có được một thứ nước giải khát tâm linh trong sáng.

Biến thái cảm xúc là đam mê quá đáng gây hại cho nhau, nói sơ cũng hiểu không cần đào bới biến thái cảm xúc qua các hiện tượng rõ ở đời thường hay nói tới. Người tu là phải quán chiếu, chứ đừng để cái gì cũng dán lên trán, như lá bùa của phim trung hoa dán lên trán của tử thi, rồi nhảy cà tưng cà tưng. Đừng nhảy cà tưng theo những cảm xúc của cuộc đời dán vào tâm thức như cương thi, như thây ma, như xác chết không hồn, bị cảm xúc biến thái cuộc đời. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con từ lâu đã trở thành cương thi xác chết, mang lá bùa của biến thái cảm xúc dán chặt vào tâm thức, nhảy cà tưng trong cuộc đời, đắm chìm trong uế trược. Xin gia trì cho chúng con biết đón nhận cảm xúc tới bằng chánh niệm từ bi, để dẫn đưa cảm xúc đó vào nẻo chánh, tạo hưng phấn sống, sống an vui hạnh phúc trong đời ngắn ngủi này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, sống đời tỉnh thức.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn