Search

4068. Đối Xử Thế Nào Với Người Ghét Mình?

Thu Hằng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu.

Chúng ta với một lòng thành kính hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh pháp, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, thể nhập vào tâm tánh thiện lương, quán chiếu để thấy rõ các pháp đều là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con luôn luôn tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống tĩnh lặng trong tư thế buông thư thả lỏng. Trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào biết ghi nhận sự hít vào phình bụng chậm rãi nhẹ nhàng, thở ra biết thở ra ghi nhận sự thở ra và hóp bụng vào chậm rãi, nhẹ nhàng, khoan thai. Đồng thời chúng ta tổng trì các mật ngôn Mu A Mu Sa là quán tâm Từ Bi, Nammô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ, Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác, Sa Bi Mô U quán tâm tánh Thiện Lành. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán cùng với các mật ngôn qua hơi thở của chánh niệm, chúng ta, các hành giả tu mật thiền đều gắn kết mật thiết với chư Phật và tiếp hiện được nguồn tha lực năng lượng vào thân tâm, hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi phình bụng ra, thở ra bằng miệng hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì các mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan toả và hồi hướng cho muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Mô Phật! Bảo Thành chào các bạn đồng tu, hai chữ đồng tu càng nghe càng thấy dễ thương. Tu mà đồng tâm, tu mà đồng ý, tu mà đồng hành, tu để có bạn bè đồng đội trong tinh thần yêu thương, san sẻ, gắn bó, hiệp nhất với tâm thiện lành, hành trì chánh niệm hơi thở, phát triển đời sống tràn đầy tình yêu thương để có sự sáng suốt quyết định mọi việc trong cuộc đời trong sự tỉnh thức. Thì hai chữ đồng tu này trở thành vi diệu. Quả thật chúng ta đã đồng tu mỗi một ngày trong 4 năm qua, không phải là dễ các bạn ơi. Sự tu thoáng qua để có được những phước báu cho cuộc đời nhiều lầm lỗi, tai ương, nghịch cảnh, như việc cầu xin, van lạy thật là dễ khi gặp khó khăn, nhưng chỉ một lần cầu xin để thỏa mãn mà thôi. Còn sự hành trì miên mật để thành tựu sự an lạc, hạnh phúc, để chuyển nghiệp, để tăng trưởng phước báu, có được công đức, có được cái đức thật khó với cuộc đời hiện tại. Mà chung quanh của chúng ta có biết bao nhiêu sự cám dỗ dẫn dắt, để rồi ta bị sa đà vào trong những chuyện ấy.

Tương tác của cuộc đời này các bạn nghĩ coi bạn có bị ai ghét bỏ không? Nhiều lúc Bảo Thành ngồi một mình cười uống ly cà phê nhẹ nhẹ vào buổi sáng. Bảo Thành không có thói quen uống trà như các vị thiền sư, nhưng thích uống cà phê như những người bình thường, ngồi ở quán cóc nhìn một góc nào đó trong tâm tư suy niệm một chút, cười thầm với chính mình, Bảo Thành ngồi cười uống cà phê. Cà phê Bảo Thành uống có thói quen không cho đường cũng chẳng sữa, pha sao uống vậy, chất đắng của cà phê vẫn còn nguyên và từng giọt đắng thấm vào, trải nghiệm trong sự tĩnh lặng thấy cũng hay. Rồi cái đắng của cà phê đó dù đắng như thế nào đi nữa, các bạn có biết không, ngẫm nghĩ cho kỹ cũng không đắng bằng sự ghét bỏ của người nào đó đối với chúng ta.

Bạn ơi, bạn có bị ai ghét không? Chắc chắn là có. Chẳng phải người xa lạ ngoài phố, ngoài phường, ngay cả tình nghĩa nơi ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, thân bằng quyến thuộc, những người thân rồi cả bạn thân tri kỷ nữa, vẫn có những sự ghét bỏ nhau. Sự vui mà người ngoài mang tới cho chúng ta ta vui lắm, nhưng nếu như họ ghét ta thì ngậm ngùi cả cuộc đời, đắng hơn cà phê không đường sữa. Giọt đắng của sự ghét bỏ nhau làm cho tâm tư ta bồn chồn và rồi nhiều khi không bình tĩnh, không ngơ đi, không thể bơ đi mà sống, không nhận diện cho rõ, không tinh tế xử lý. Ta bị sự ghét bỏ của người ta làm trầm cảm, làm cho ngơ ngơ, thất thiểu, ngớ ngẩn cả ngày.

Có khi nào bạn tự hỏi rằng tại sao ta bị như vậy không? Các bạn có biết rằng là chúng ta sinh ra ở đời này, chúng ta hoàn toàn không có trách nhiệm đối với những ai ghét bỏ chúng ta, nhưng sự ghét bỏ của người vẫn dẫn dắt chúng ta vào trong sự phiền não. Chắc chắn mỗi người đều có sự trải nghiệm của sự ghét bỏ nơi người này hoặc người kia, làm sao mà tránh khỏi. Đức Phật là đấng toàn giác, toàn năng, là bậc đại ngộ, là Phật, vậy mà cả cuộc đời của Ngài vẫn luôn luôn phải trực diện với những người ghét bỏ Ngài. Còn nhỏ nơi cung đình thì anh em bà con muốn tranh quyền đoạt lợi, tống khứ thái tử đi để chiếm ngôi, tranh giành từng li từng chút, ghét bỏ Ngài một cách cay đắng. Khi xuất gia đi tu chứng đắc quả Phật, biết bao nhiêu những vị thầy của các tông môn khác, các tôn giáo khác, biết bao nhiêu những quan quyền vua chúa, biết bao nhiêu những người ghét bỏ Phật, chửi bới Phật, vu khống Phật, hại Phật, đòi giết Phật, nhiều lắm. Tất cả những chuyện ghét bỏ của thế nhân Đức Phật dùng lòng chân thành, tình yêu thương, từ bi và sự sáng suốt, tĩnh lặng, vì biết được mọi chuyện trên đời đều vô thường sanh diệt, chẳng còn mãi mãi đâu. Nên dù người ta ghét bỏ Phật tới đâu, Phật cũng an nhiên tự tại.

Nhưng còn chúng ta đâu phải Phật, người ta ghét mình một chút xíu thôi là cả ngày trong lòng bứt rứt khó chịu. Nghe người thứ hai, thứ ba kể rằng người đó ghét mình, nói xấu mình, thì thôi ngày hôm đó chẳng khác gì như con gà mắc dây thun, như ăn mắc xương vào cổ, khó chịu. Nếu như trực diện người ta ghét mình, người ta xăm soi mình, người ta chửi mình, người ta phê phán mình, thì trời ơi lúc ấy các bạn và Bảo Thành nhất định sẽ biến thành thiên lôi, mặt thì đỏ gay như Trương Phi, chân tay thì vung vẩy và có thể xảy ra xung đột. Hình như chúng ta không ít thì nhiều cũng cáu gắt bởi sự ghét của người khác. Có, trải nghiệm như vậy cũng có ý nghĩa đấy.

Vậy thì gặp những người ghét bỏ mình trong cuộc đời này, đối xử với những người ghét bỏ mình như thế nào? Ai tránh được cái điều mà người khác không bao giờ ghét mình đâu, luôn luôn có. Cuộc đời này là như vậy, người ta ghét chúng ta vì nhiều thứ lắm. Có thể ta hơn người ta về tiền tài, về danh vọng địa vị, về sự khéo léo, thành công, về sự giỏi giang tinh tế. Hay cũng có thể người ta ghét mình khi mình dở người ta cũng ghét, không tinh tế người ta cũng ghét, không sang trọng giàu có người ta cũng ghét, không có quyền lực người ta cũng ghét, chỗ nào, cỡ nào, kiểu nào họ cũng có thể ghét mình được. Vì nơi chính mình và mọi người vốn luôn luôn có tâm đố kỵ, sự đố kỵ tạo ra sự ghét bỏ nhau, nếu không chuyển hóa được sự đố kỵ làm sao có thể ngưng được sự ghét bỏ lẫn nhau. Người ta ghét mình mình hận dữ lắm, mình giận dữ lắm “Tôi hận anh, tôi hận cô, tôi giận, tôi giận”

Ghét mà, không hận, không giận sao được, thói đời và con người là thế. Có một câu kinh pháp cú rất hay, Phật nói như vầy :hận với hận, tức là nếu lấy hận thù diệt hận thù, trên đời này không có được. “Lấy hận thù diệt hận thù, trên đời này không có được, lấy từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu”. Nếu bạn hận như kiểu kiếm hiệp 10 năm không muộn, triền miên giết nhau hận có hết đâu. Những thời kỳ năm 80 đến 2000, phong trào kiếm hiệp phim Hồng Kông, phim Trung Hoa, chiếu hết tập này đến tập kia, là bởi vì chúng ta thích sự hận thù ngàn năm không hết, cứ 10 năm trả không muộn, liên miên dai dẳng từ sáng đến tối, tập này qua tập kia, hận thù tìm nhau giết, vậy mà coi thấy thú, thấy thích, hao mòn tiều tụy thân xác, cứ mê. Vốn trong ta có sự đố kỵ và mầm mống của hận thù, nên thấy sự tương ứng trong hận thù của phim ảnh thôi đã lôi cuốn đến thế rồi.

Bây giờ nó xưa rồi và Hồng Kông phim tàu cũng dần trôi vào quá khứ, bởi ít nhiều gì nó không còn hợp thời, lỗi thời rồi. Kinh pháp cú nói lấy hận diệt hận không bao giờ có, trên đời không có đâu, không hết được đâu. Chỉ lấy từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu, chỉ có tình yêu thương, chỉ có tình thương, chỉ có từ bi, chỉ có sự lan tỏa hơi ấm của tình người tới với nhau, mà mọi hận thù đố kỵ trong tâm của ta và tâm của người sẽ nguội dần, phôi pha, điều này có. Phật còn dạy không nên nhìn lỗi của người làm hay không làm, chuyện đó không quan trọng. Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không người làm, nên nhìn lại chính mình có làm hay không làm. Người ta có làm ra cái lỗi đó hay không ta không nên nhìn, mà ta phải nhìn vào chính mình coi mình có làm chuyện gì lầm lỗi hay không.

Đấy, Phật dạy đơn giản lắm, nhưng cần công hạnh miên mật hành trì mới có đủ sức mạnh trí tuệ, để đẩy lùi sự đố kỵ, ghen ghét của người khác ra khỏi tầm nhìn của mình. Mà mang ánh mắt trí tuệ soi mình coi mình có lầm lỗi hay không và lấy tâm từ bi để chuyển hóa sự hận thù. Đây là định luật mà Phật nói ngàn thu không phai mờ. Còn 10 năm trả thù không có trễ, không có muộn như người Trung Hoa xưa lắm, chẳng hết được đâu. Vậy nên ta đã bỏ biết bao nhiêu thời gian, tiền tài và sức lực, miệt mài ngày qua tháng lại tập này tập kia trong bao nhiêu năm, thấy hận nó có hết đâu và cái hận kiểu đó chỉ làm giàu cho những nhà viết truyện, làm phim.

Ngày xửa ngày xưa có hai hoà thượng, một vị hòa thượng và một vị tiểu hòa thượng sống chung với nhau, tức là sư phụ sống cùng với đệ tử đó. Thì người đệ tử còn trẻ lắm, cùng với ông sư phụ lớn tuổi rồi đi khất thực mỗi ngày. Vì sư phụ từng trải trong cuộc đời, từng bước đi trong an lạc tỉnh thức, miệng mỉm cười tươi tắn an vui, cho nên đi bất cứ một ngõ ngách nào chỉ một vài bước là đầy ắp sự cúng dường, rồi về mà dùng. Còn chú đệ tử chưa có kinh nghiệm trong cuộc đời, bước đi trong vội vã thất thần, ngó ngang ngó dọc và chẳng bao giờ được người ta cúng dường đầy đủ, thiếu thốn, thiếu thốn lắm. Cậu đệ tử bực bội khó chịu lắm và cứ than vãn với sư phụ rằng “Sư phụ ơi, sao con không được người ta yêu thương, người ta yêu sư phụ, người ta cúng cho sư phụ nhiều, mà con người ta ghét bỏ, người ta nhìn bằng ánh mắt con thấy ghét quá, mà người ta xăm soi xỉa xói con nghe khó chịu lắm. Sư phụ à, một mai chùa của mình mà lớn rồi, giàu rồi, có tiền nhiều rồi họ sẽ biết tay con”

Hình như lời than vãn của chú đệ tử kia không bao giờ dừng, sư phụ mới canh một ngày thuận rồi mới nói với chú đệ tử rằng “Con ơi, hôm nay ngoài kia băng giá lạnh lùng, thôi thầy trò mình vào nằm nghỉ một chút đi, lấy chăn đắp lên cho đỡ lạnh”.

Hai thầy trò vào trong giường nằm đắp chăn, một chút sau sư phụ mới hỏi đệ tử rằng “Lúc nãy đứng ngoài kia băng giá gió lạnh, có lạnh lắm không con?”

Đệ tử “Thưa sư phụ, lạnh lắm”

Sư phụ nói “Bây giờ như thế nào vậy con, đắp chăn rồi thấy ấm không con?”

Đệ tử nói “Thưa sư phụ, đắp chăn rồi con thấy ấm lắm”

Sư phụ mới hỏi “Vậy cái chăn ấm hay như thế nào mà chúng ta ấm?”

Người đệ tử nói “Không, hơi nóng của mình nóng và mình tự làm cho mình ấm”

Sư phụ mới nói “Vậy thì chúng ta cần gì chăn đâu, thôi quăng nó đi”

Người đệ tử nói “Không không sư phụ ơi, đắp chăn vào rồi cái hơi của mình nó mới được giữ ấm bởi cái chăn, làm ấm người trở lại”.

Lúc ấy sư phụ mới nói “Cái chăn và hơi ấm của con người tương hỗ lẫn nhau để giữ độ ấm, nên ngoài trời tuyết và gió lạnh không làm ta run rẩy”

Tâm chánh niệm trong hơi thở là hơi ấm tự phát nơi thân, các mật ngôn trong mật thiền, mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán là chiếc chăn đắp lại, che chở, giữ ấm trong chánh niệm hơi thở, chẳng còn sợ gì băng giá tuyết lạnh của sự ghét bỏ ở đời đối với chúng ta. Các bạn, đúng như vậy, đúng như thế, ai mà không có lòng đố kỵ, ai mà không có kẻ ghét mình, Phật còn có. Chúng ta khi đương đầu với kẻ ghét mình, những người ghét bỏ chúng ta thì hãy nhớ, nhớ hơi ấm chánh niệm của mình, hít vào thật sâu phình bụng, thở ra chậm rãi để sưởi ấm toàn thân và đắp lên người cái chăn của từ bi, của trí tuệ, của tỉnh giác, của thiện lành. Chiếc chăn bốn miếng vải này, bốn lớp vải – vải từ bi, vải trí tuệ, vải tỉnh giác, vải thiện lành, 4 lớp đắp lên trong chánh niệm hơi thở ta sẽ ấm toàn thân, thật có ý nghĩa.

Ở đời người ta nói đối xử với người ghét mình có nhiều cách như bơ đi mà sống, làm ngơ đi mà sống, phải bình tĩnh đối xử với họ, phải trực diện để nói cho ra lẽ hoặc phải tinh tế mà sống theo cách gọi là các phép sử thế ở đời. Người ta dùng đủ mọi mưu mẹo tâm lý để sống làm hài lòng người khác, để người ta không ghét mình nhưng không hết, như cục đá đè chỗ này thì cỏ trồi lên chỗ khác. Ta tìm đủ mọi mưu mẹo làm hài lòng người, sao có thể hài lòng hết mọi người, vẫn có kẻ ghét ta và như vậy ta đang bào mòn sức khỏe của mình, đang tiêu diệt, giết chết cuộc đời của chính mình. Ta không có trách nhiệm với người đang ghét bỏ ta, ai ghét bỏ ta bằng tâm hận thù, họ đang tạo nghiệp.

Còn mượn ngay sự ghét bỏ của người ấy, như trời băng tuyết giá lạnh ta lấy cái chăn của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành đắp lên hơi thở của chánh niệm. Như vị sư phụ kia cho đệ tử trải nghiệm đó, ấm thôi, ấm thôi. Ta nên nhìn lại chính mình, thấy những lầm lỗi của mình sửa đi, không nên nhìn lỗi của người ta. Người ta có làm hay không không quan trọng, mà quan trọng là nên nhìn lại mình, sửa lỗi của mình. Đừng nhìn vào sự ghét bỏ của người khác để nóng giận, hả hê, chửi bới, làm chuyện sai trái, bị dẫn dắt tạo nghiệp. Mà hãy nhìn họ như tấm gương phản chiếu lại chính mình, mang tâm chánh niệm sưởi ấm cho ta, mang chăn 4 lớp của Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán đắp lên, bạn sẽ an vui.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma – Ngài là vị tổ của Thiền Tông, đi tới trung thổ là Trung Hoa giảng pháp, chẳng ai nghe nhiều đâu, ít lắm. Mà người ta còn ghét bỏ Ngài bởi phá vỡ truyền thống theo những phương pháp Thiền của người Trung Hoa, nên các nhà sư và ngay cả chính quyền cũng ghét bỏ Ngài, ghen ghét và đố kỵ. Ngài đã phải vào chùa Thiếu Lâm diện bích, nhìn vào vách đá chín năm trời lan tỏa tình yêu thương, làm nguôi ngoai đi sự hận thù của những người Trung Hoa. Cuối cùng cũng có được một người đệ tử là Ngài Huệ Khả, tự chặt cánh tay của mình làm đệ tử, tự dứt bỏ sự hận thù ghen ghét, chặt bỏ để trở thành đệ tử.

Chúng ta không đến nỗi phải diện bích như Ngài Bồ Đề Đạt Ma, bởi ta đã có sức mạnh viên thông từ tâm trong chánh niệm. Đức Phật dạy hãy chánh niệm hơi thở và đó là câu trả lời làm sao đối xử với người ghét mình. Hãy đối xử một cách chân thành với mọi người, chẳng cần mưu mẹo thỏa mãn người khác, không cần phải làm nô lệ cho sự ghét bỏ, bày mưu tính kế, sống hài lòng người, mà hãy sống chân thành trong tỉnh giác yêu thương, trong trí tuệ thiện lành và hãy nên tu tập chánh niệm hơi thở. Hơi ấm của người phát ra trong chánh niệm hơi thở là năng lượng vi diệu, tấm mền bằng nỉ 4 lớp Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành sẽ giữ được hơi ấm của chánh niệm mãi mãi. Năng lượng vi diệu thần thông cái thế chuyển hóa mọi cái nhân của sự đố kỵ, ghét bỏ trong ta và lan tỏa, xoa dịu sự ghét bỏ, đố kỵ của người.

Hận với hận trên đời này không làm được đâu, không hết đâu. Chỉ có từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu, lấy tâm từ bi, lấy trí tuệ, lấy sự tỉnh giác, lấy sự thiện lành nương vào hơi ấm của chánh niệm hơi thở lan tỏa khắp mọi nơi. Sự đố kỵ ghen ghét của ai đi nữa thì với sự sống chân thành của ta, sự đối xử chân thành của ta, những ai ghét bỏ mình rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Đừng cố sức học đòi theo những phương pháp tâm lý cách đối nhân xử thế, những cách mà thiên hạ gom lại những tiểu sảo, những mưu mẹo, những cách để làm hài lòng người khác. Bạn ơi, sao chúng ta phải đổ dồn sức làm hài lòng người khác, ta đâu có trách nhiệm đối với họ. Họ tạo nghiệp họ chịu nhưng nương vào cái đó như tấm gương để ta tạo phước, hồi hướng cho họ vẫn là hay hơn.

Tóm lại đối xử với người ghét bỏ mình như thế nào? Hãy đối xử bằng tâm chân thành bình đẳng và hãy nương vào chánh niệm hơi thở để mang năng lượng sưởi ấm toàn thân, tiếp hiện được năng lượng vi diệu của Phật qua cái mền bốn lớp nỉ Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành, nhất định ta sẽ ấm ngay. Dù băng giá giá lạnh ngoài kia như lời của sư phụ khai thị cho đệ tử và đệ tử đã ngộ được. Cho nên sau này chính ngôi chùa đó đã phát triển thật lớn, thập phương bá tánh tới sinh hoạt, học Phật thật nghiêm minh. Người đệ tử nhỏ đó đã trở thành một vị trụ trì khả ái, từ bi, yêu thương, tịch tĩnh, bởi đã từng tình trải qua băng giá lạnh buốt của cuộc đời và đã nghe lời của sư phụ biết chánh niệm hơi thở, đắp mền Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành trong từng giây phút. Nên cuộc đời dù có ngang dọc, có đố kỵ, có ghét bỏ, vị trụ trì đó vẫn an nhiên và tự tại. Hãy trụ vững giữa đời bằng tâm chân thật và sự bình đẳng. Hãy trụ vững giữa đời bằng chánh niệm hơi thở, bằng Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con biết mang lòng chân thành bình đẳng, biết mang Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành quán đối xử với tất cả mọi người dù họ có đố kỵ ghét bỏ chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu toàn thân, tổng trì mật ngôn, lan tỏa năng lượng vi diệu yêu thương cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn