Search

4041. Đức Cảm Hóa

Bảo Minh đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật pháp. Để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác và thể nhập vào tâm tánh thiện lành. Quán chiếu thấy rõ được các pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã.

Chúng con cũng đồng nguyện cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ và tất cả các bạn đồng tu tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm. Toàn thân buông thư, thả lỏng, hít vào thở ra nhẹ nhàng. Trong Mật thiền, chánh niệm hơi thở và tổng trì các Mật ngôn để mỗi người thanh tịnh hoá thân tâm và tiếp hiện tha lực vào trong cuộc sống của mình.

Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi.

Mật ngôn Nam Mô – Tà Mô – Tà Mô – Đa Ra Hoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ.

Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác.

Mật ngôn Sa Bi Mô U là quán tâm tánh Thiện Lành.

Từng Mật ngôn hành trì trong chánh niệm hơi thở, chúng ta sẽ lan toả được tình yêu thương tới với muôn người.

Hãy bắt đầu, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra. Thở từ từ, hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật ngôn tiếp hiện năng lượng.

Mu A Mu Sa

Nam Mô – Tà Mô – Tà Mô – Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U (07 biến)

Mô Phật! Không có một việc gì ở trên đời này ta có thể làm được mà không qua sự tu tập, tu luyện, học hỏi. Việc nhỏ hay việc lớn, thành công đều phải nhờ vào sự thực tập không ngừng nghỉ. Chúng ta học tới bao nhiêu năm trời để có được một số kiến thức, ứng dụng vào cuộc sống này. Học từ thuở chưa nhận thức ra là chúng ta học, thuở mà cha mẹ đưa tới trường, lớp mẫu giáo. Ngày nay người ta còn học từ ngay cái thuở chưa vào lớp mà được các bảo mẫu chăm sóc, dạy dỗ và mớm cho những thể loại kiến thức căn bản ngay từ thuở mới chập chững biết đi. Vì thế giới đã thay đổi, công nghiệp hóa những người mẹ cha đều phải đi làm, gửi con vào những nơi trung tâm để các bảo mẫu nuôi dưỡng. Đó cũng là sự giáo dục sớm hơn bình thường của thuở xưa. Mười hai năm, bốn năm đại học, hơn nữa và cứ thế ta học. Dựa vào đó, thành công hay không vẫn cần vào sự chăm sóc của tự thân. Để thay đổi bản thân mình thì cũng đã rất khó, nếu mỗi người không ý thức được mình phải làm gì để thay đổi con người của mình. Và để thay đổi được bản thân ta phải nhận ra những gì cần thiết để thay đổi.

Ở trên đời này mấy ai có thể nhìn thấy sự sai lầm, lầm lỗi của chính mình rồi tìm cách thay đổi đâu? Chúng ta sống theo thói quen, và mọi thứ ở trên đời này đối với riêng mình đều chính xác, đúng. Ngày qua tháng lại, ta chẳng bao giờ nhìn một chút về bản thân, nhìn cho thấu, nhìn lại chính mình để nhận ra lầm lỗi mà thay đổi. Vì thế, mà cuộc đời của chúng ta không biết đã bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu tuổi rồi mà có chút nào thay đổi đâu. Thay đổi bản thân – khó! Vậy mà chúng ta cứ mong muốn thay đổi người khác, cảm hoá người khác.

Hôm nay chúng ta cùng nhau suy nghĩ về một ngày lễ mà mấy ngày qua ai cũng gửi hoa, hoặc đăng những lời biết ơn, tri ân đến mẹ – ngày của Mẹ – ngày Từ Mẫu, kỉ niệm ngày đấng sinh ra chúng ta. Nhiều các bạn còn rất may mắn, còn có đấng Từ Mẫu là mẹ, thì thầm chia sẻ. Nhiều bạn tìm hoài trong cô quạnh không còn thấy mẹ. Bài học về Mẹ rất tuyệt vời, mẹ chính là đấng nhân từ. Dùng cái đức yêu thương, đức từ bi để cảm hóa tất cả mọi người con trên thế gian này. Không cần biết chúng ta sinh ra như thế nào, lớn lên làm sao, và thành tựu ở đời với những quyền chức, hàm vị học vị cao hay thấp. Mỗi người chúng ta đều có một cái sự cảm nhận thật thiêng liêng về mẹ. Người mẹ trong gia đình, và biết bao nhiêu người con lạc loài ngoài kia để trở về với con đường thiện hảo, thiện lành. Làm sao những người mẹ có thể cảm hoá được các người con? Chính là bởi vì mẹ có đức độ. Đức gì? Đức bố thí. Ít ai nghe cái chữ này mà nhận ra chữ “Bố thí” nó nghiêng về tôn giáo, nhưng mình đơn giản thôi, chữ “Bố thí” là hy sinh và cho đi cuối cùng tất cả những gì mẹ có. Phải quán chiếu mới cảm nhận được sự sâu sắc của tình mẹ. Hy sinh cả cuộc đời cho con, đó là hạnh bố thí cao cả. Bào mòn theo năm tháng, thân xác mẹ tiều tuỵ, mẹ vẫn đó còng lưng nuôi con cái.

Cách đây vài bữa, Bảo Thành có gặp một người mẹ, người cha (tức là chồng) đã mất từ lâu lắm rồi. Người mẹ có bốn đứa con, vẫn tận tuỵ làm việc đồng áng, cuốc đất. Bảo Thành đứng nhìn người mẹ này cuốc đất, trồng rau trên mái tóc đã bạc trắng, thân thì gầy gò. Càng quán chiếu, càng thấy cô ấy là người mẹ thật tuyệt vời, dùng đức độ cảm hoá các con của mình qua sự hy sinh, hiến tặng cả cuộc đời cho con. Và luôn luôn trên cái sự đối xử với con cái bằng những ngôn từ rất vi diệu lan toả được tình thương, thế nên con cái của cô ấy (của người mẹ này) ai ai cũng có cái lòng nhân ái, yêu thương tốt đẹp. Đã biết bao người mẹ, Bảo Thành đã có cơ hội may mắn cảm nhận, nói chuyện, tiếp xúc, Bảo Thành học được những cái gương đức hạnh cao cả của tất cả người mẹ – đấng sinh ra nhân loại. Phải nói như vậy, chẳng phải là chỉ có mình ta. Ông bà nói con hư tại Mẫu, mà chúng ta hư hay không, hay thành công hay không đều do mẹ. Nhìn lại đi, mỗi một người chúng ta đều có một cái phẩm cách, không phải là đẹp, là cao, là đức độ nhưng ít nhất cũng hình thành được cái nhân cách rất người, tử tế trong cuộc đời, thì điều đó chính là tới từ mẹ của chúng ta. Bận rộn quá, cuộc đời xoay vần nhanh quá, mấy ai trong chúng ta nhìn cho rõ về mẹ đâu. Ngày Từ Mẫu – ngày lễ mẹ có chăng cũng là một bữa ăn thịnh soạn, một vài bông hoa, nói chuyện cho qua, rồi mẹ đó lại rơi vào quên lãng.

Các bạn thân mến, đức cảm hoá – để cảm hoá một con người mẹ phải hy sinh thật nhiều, và nhân đức của mẹ được bồi dưỡng qua năm tháng, mà mẹ luôn luôn có đầy đủ cái đức để cảm hoá cuộc đời của các con. Ta phải nhìn và quán chiếu thật sâu để nhận ra điều đó. Cảm hoá bản thân của mình và cảm hoá những người ta yêu thương, cần phải có đức độ. Điều này chứng tỏ trong kinh thuở Đức Phật nói thật rõ. Đức Phật là bậc nhân đức, hiền lương, đức độ, với tình yêu cao cả, cả cuộc đời của Ngài hiến dâng, tận hiến cho muôn loài chúng sanh. Một câu chuyện ai cũng nghe thật là nhiều, nhưng mấy ai suy nghĩ cho rõ, rằng Đức Phật chính là đấng có đức cảm hoá cao cả đến muôn người, muôn loài. Một câu chuyện mà Bảo Thành luôn luôn tâm đắc, đọc đi đọc lại, quán chiếu thật kỹ và thấy Đức Phật nói theo ngôn từ đời thường là một nhân tài có tầm, có tâm, có đức. Câu chuyện đó Bảo Thành nhớ và thích lắm, mà hình như chúng ta cũng đã nghe. Nhân vật có thật, thực sự chuyện xảy ra.

Ở cái làng đó, có một tên cướp, ta phải gọi là tên cướp giết người vô số. Vì sao giết người vô số, bởi người này có cái lòng hận thù, và lại nhận lầm thầy để học những cái chiêu trò nguy hại mà không hay. Tên cướp này có tên là Vô Não (tiếng Việt dịch ra như vậy), ông ấy luôn luôn giết người, hung bạo lắm, gặp ai cũng giết. Và khi giết được người, ông ta cắt cái ngón trỏ bên tay phải xâu lại với nhau như một vòng hoa treo trên cổ. Nếu đủ 1000 ngón tay (tức là giết chết được 1000 người) ông ta cảm thấy hạnh phúc, vì đúng như lời của Thầy ông ta dạy. Cả cái làng đó, thành phố đó, nghe đến tên ông ai cũng rùng rợn, sợ hãi. Từ thuở, ông ở trong cái làng đó, về cái làng đó sinh sống, cái làng đó bất ổn, sợ hãi. Trời chưa tối, ai cũng phải đóng kín cửa, chẳng dám ra ngoài đường. Đức Phật đi ngang đó, ai cũng cản nhưng Ngài vẫn tự tại bước đi. Ông Vô Não này đã có 999 cái lóng tay trỏ đeo ở trên cổ, thiếu một cái nữa là thành công. Nên khi thấy Đức Phật đi, ông ta rất mừng, muốn giết Đức Phật và chặt ngón tay trỏ bên phải của Phật đeo vào cho đủ số 1000. Ông ta chuẩn bị cung, kiếm, dí theo để giết Phật, Đức Phật cảm ứng được và bước chân tự tại trong chánh niệm rất bình thường, nhưng ông Vô Não rượt đuổi theo cỡ nào cũng không kịp. Ông ta suy nghĩ, mình là một tên cướp lừng lẫy, phi thân thật nhanh, con voi mình còn rượt kịp, con cọp, con beo, con thú mình còn dí kịp, người ta đi xe mình còn chạy kịp đuổi để cứu mà sao cái vị Sa Môn này đi như thế, chậm rãi, dí rượt hết sức mà không kịp. Ông ta mệt quá, dừng lại và nói với Phật rằng: “Sa Môn, hãy dừng lại ngay!” Đức Phật lúc đó mới nói với ông ta rằng: “Ta đã dừng, nhưng ngươi sao chưa dừng lại?” Ông ta hỏi: “Người đang đi, mà tại sao nói là dừng?” Và mình mệt mình dừng rồi, mà tại sao Phật lại nói mình còn đang đi, đang chạy chưa dùng lại. Ông ta mới tới thành tâm tò mò hỏi Phật rằng: “Thưa Sa Môn, xin hãy giải thích là Ngài đang đi, tại sao lại nói Ngài dừng, và tôi đang dừng sao lại nói tôi phải đi? Ngài là bậc Sa Môn đáng kính, không bao giờ nói dối, mà sao lần này tôi nghe thấy không đúng.” Đức Phật mới nói với ông ta rằng: “Ta đã dừng những việc ác, còn người chưa dừng được việc ác, vẫn còn sát hại mọi loài sinh linh.” Đức Phật nói đơn giản như thế, nhưng toàn thân ông Vô Não này run rẩy, té xuống quỳ lạy bậc Sa Môn cao cả. Nhân đó, Đức Phật đã nhận ông ta làm đệ tử.

Ta lấy câu chuyện này để hiểu rằng, Đức Phật cảm hoá ông Vô Não – tên cướp, kẻ sát nhân chỉ bằng một lời nói. Vì đâu? Vì cái đức độ của Ngài, cái đức của Ngài có là do chính bản thân của Ngài hành trì, tu luyện nên một lời của Ngài, một nghĩa cử, một động tác của Ngài để cảm hóa chúng sanh. Chúng ta muốn thay đổi bản thân, muốn cảm hoá mọi người nhưng không bao giờ tu tập, chỉ dùng ba tấc lưỡi, múa may quay cuồng, để mà chỉ trỏ sai khiến, điều khiển, thay đổi mọi người. Các bạn, để cảm hoá người con, người mẹ lăn xả vào cuộc đời từ trong bếp đến đồng áng, ngoài đời, xã hội, tiều tuỵ thân xác, tóc bạc chân run, răng thì rụng hết, chẳng màng. Chính cái nhân đức hy sinh tận hiến đó mà chúng ta – những người con luôn luôn biết ơn, tri ân và tự mình phải thay đổi để xứng đáng là người con của mẹ đón nhận tình thương lớn. Và lời của mẹ thật sự có cái lực vi diệu thay đổi cuộc đời của chúng ta. Dù lời của mẹ rất bình thường, nhẹ nhàng, nhưng có cái lực của “Đức”. Mẹ bố thí, tận hiến cuộc đời, mẹ đồng hành với chúng ta, mẹ đồng sự với chúng ta. Có sự gì ở đời mẹ cũng đó, đi tới đâu mẹ cũng tới đó, và mẹ luôn có cái tâm đức từ bi cao cả, yêu thương đến tận hơi thở cuối cùng của đời mình. Mẹ là người có đức cảm hoá cao cả mà ta có thể nhìn để nhận ra, Đức Phật là đấng có đức cảm hoá vi diệu, bởi Ngài cũng như mẹ, biết tận hiến cả cuộc đời, và luôn luôn đồng hành với chúng ta ở mọi nơi, mọi sự trên thế gian này xảy ra đối với chúng ta, Ngài đều đồng sự, đồng hành, thông cảm, yêu thương, gần gũi để cảm hoá. Ông Vô Não kia, Đức Phật đã đồng hành bằng cái sự hiểu biết rõ và thấu đáo về nghịch cảnh của cuộc đời của ông, những chuyện thổn thức sâu kín trong lòng, một lời của Ngài như tiếng sét phá tan ngục tù tăm tối trong tâm thức, để ông ta bừng tỉnh về những cái hành động thô ác, hại người mà nhận được cái giá trị trong sáng vẫn còn nơi bản thân.

Chúng ta hãy nhớ, “Đức cảm hoá” vô cùng cao cả, hãy biết bố thí, biết đồng sự, biết đồng hành, biết đồng cảm, biết hy sinh, biết cho đi. Chúng ta cứ thích cảm hoá mọi người xung quanh như bạn bè hoặc ai đó có điều gì sai sai, ra tay anh hùng cảm hoá cứu người, nhưng cảm hoá không được rồi bị ô nhiễm, tâm sân trỗi dậy, bực bội. Nhiều lần mọi người trong chúng ta cứ muốn cảm hoá, muốn thay đổi người khác, chỉ trỏ và người ta không thay đổi, rồi phỉ báng, chê bai, dèm pha, đâm thọc, xỉa xói, săm soi. Các bạn, để cảm hoá người khác ta phải có một đời sống đức độ, hành trì thật rõ. Thay đổi bản thân của mình cũng vậy, cần phải tu tập, rèn luyện, thay đổi một người khác, cảm hoá một người khác cần phải có đức. Muốn có đức phải trải qua sự hành trì, tu tập, nhìn lại và soi lại bản thân, quán chiếu cho rõ cái sai, những chuyện cần phải dừng lại như ông Vô Não đã dừng sau khi Đức Phật nói ông ta hãy dừng lại. Chúng ta chưa một lần nghe được cái chữ nhắc nhở bản thân là hãy dừng lại những điều sai trái, những điều không hay ta vẫn đang tạo ra. Nhưng chỉ muốn cảm hoá người khác, chỉ trỏ, điều khiển, dạy dỗ. Các bạn, nhìn lại ta thấy những bậc có đức cảm hoá lớn đều là những bậc tu đức, ta không tu cái đức độ làm sao cảm hoá được người khác?

Hôm nay, nhân dịp nói về ngày lễ Từ Mẫu – ngày của mẹ, chúng ta một lần nữa nhìn lại cuộc đời của mẹ để biết ơn mẹ. Một bậc có đức độ, tận hiến cả cuộc đời cho con, tần tảo sớm hôm, hy sinh, đồng hành, đồng sự, đồng cảm, san sẻ đến hơi thở cuối cùng của đời mình cho người mình yêu đó là con. Ta có yêu mẹ hay không? Hãy tôn vinh mẹ bởi mẹ có đức cảm hoá cuộc đời của con, và mẹ ơi, mẹ đã đến để đưa con vào đời, mẹ đã có dư giả đức độ để cảm hoá cuộc đời của chúng con. Nên hôm nay chúng con vẫn đầy đủ phước báu để nghe được tiếng kinh kệ và hành trì lời dạy của Phật, để có được một đời sống an lành và hạnh phúc. Nguyện xin mẹ luôn luôn là bậc chân đức cao cả để cho tất cả những người con trên thế giới này được sự cảm hoá của mẹ mà thay đổi cuộc đời tốt đẹp hơn. Các bạn, chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật, chúng con chỉ thích thay đổi người khác và cảm hoá người khác nhưng chẳng bao giờ chịu hành trì, tích đức. Xưa một lời của Ngài, ông Vô Não đã dừng, nhưng chúng con vẫn chưa thể dừng được những sai trái trong cuộc đời. Xin gia trì cho chúng con có thể nghe được tiếng lòng sâu lắng của tâm yêu thương Ngài đã thốt lên qua lời kinh, để từ đó thấm nhuần mà thay đổi cuộc đời này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì Mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác.

Mu A Mu Sa

Nam Mô – Tà Mô – Tà Mô – Đa Ra Hoang

Ma Sa Ốp Uê

Sa Bi Mô U (07 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn