Search

3207. Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu.

Đến giờ đồng tu mời các bạn thanh tịnh thân tâm và quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho hàng đệ tử chúng con, biết tinh tấn tu học, thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa tình yêu thương, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi trong tư thế buông thư, bàn tay phải đặt vào lòng bàn tay trái, giữ lưng, cổ và đầu ngay ngắn thả lỏng, ngồi vững chãi. Trong khung giờ thay đổi vào 5 giờ sáng tại Việt Nam và 5 giờ chiều ở xứ sở tại Bảo Thành đang sống là ở Mỹ, ngày đầu thay đổi giờ các bạn cố gắng. Mật thiền là một phương tiện lấy hơi thở chánh niệm an trú tâm để nhận diện thật rõ mọi cảm xúc, cảm giác, suy nghĩ của chúng ta, mang sự quán chiếu trong chánh niệm của tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, điều hòa cuộc sống của mình, tăng trưởng sự vững chãi, lan tỏa yêu thương và sống an lạc, hạnh phúc. Khi chúng ta hít vào ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, khi chúng ta thở chúng ta thở bằng miệng, trì mật ngôn, hóp bụng vào chậm rãi, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng, quán chiếu thân tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, tổng trì mật ngôn.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn hãy giữ tâm thái buông thư, chánh niệm hơi thở hít vào phình bụng, thở ra hóp bụng, cảm ứng toàn thân dung thông với trời đất, đón nhận năng lượng, mọi cảm giác từ đầu tới chân đều cảm nhận không phân biệt, mọi tư tưởng khởi lên đều hòa mình vào yêu thương.

Các bạn thân mến! Cuộc sống đổi thay rất nhanh, mỗi một ngày, mỗi một năm, mỗi một thế hệ, biết bao nhiêu sự cập nhật mới trong cuộc sống và thay đổi nhanh đến một cách tàn khốc. Chúng ta là con người sợ hãi sự thay đổi của cuộc đời, nhưng chẳng bao giờ chúng ta tu tập để giữ được sự bền vững của tâm. Sống của tâm rất quan trọng, được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Có lẽ thời đại này trong sự việc tìm kiếm của mưu sinh, tiền bạc, danh vọng làm cho chúng ta lận đận hoài, khó có cơ hội định tĩnh, chú ý về giá trị sống của đời người nơi tâm. Bởi mỗi một giây phút ta đối xử với nhau hầu hết trong tương tác của ngành nghề, của nghiệp, của sự trao đổi hơn thua, tranh giành. Và vòng xoáy của vận mệnh đã dẫn dắt chúng ta, nhận chìm chúng ta vào trong ấy. Nay nói đến những giá trị tinh thần, những giá trị của tâm thức, tâm linh của người xưa, của các bậc giác ngộ, của các bậc vĩ nhân, thánh nhân.

Giới trẻ như chúng ta hoặc là những người như chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh tột cùng, thường có ý tưởng nghĩ lời người xưa quá nặng nề, phong kiến và không còn phù hợp. Nhớ người xưa đôi khi chỉ một chữ treo trên tường mà cả cuộc đời tu tập. Vậy nên người xưa như ông bà cha mẹ, người thân của chúng ta, sống an nhàn, hạnh phúc, tự tại, lúc nào cũng thong dong, chẳng bận rộn, chẳng đắm đuối trong những vùng mê, tỉnh thức. Chúng ta hãy nhớ về hình ảnh của ông bà nội ngoại, ai may mắn có thể nhìn thấy dung nhan của bà cố, ông cố, thấy đấy, hình dáng của các ngài đã biến thành hình tượng để nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Nhưng những hình ảnh đó có bao giờ tồn tại mãi đâu, vì vòng xoáy của cuộc đời kiếm ăn ta chẳng còn thời gian để nghĩ tới, rồi lại nghe những câu từ xưa ta thấy sao mà nó nho, nó cũ, ngôn ngữ hiện tại cảm giác mạnh hơn, chúng ta thích cảm giác mạnh, từ thứ uống đến thứ ăn, rồi thích cảm giác mạnh nơi tinh thần và tâm linh.

Hôm qua bảo Thành có đi với một số bạn để khảo sát một vùng đất mới được giới thiệu. Khi mệt vào uống nước, những bạn kia kêu một thứ nước để uống, nay nói về nước uống thôi nghe thấy cũng hay. Khi mệt người ta thích uống nước để giải khát, nhưng khi họ kêu cùng một thứ nước ra mà ở Việt Nam ngày nay cũng như trên thế giới rất ưa chuộng, họ kêu nước bò húc, mà nhìn trên lon nước bò húc thấy phù hiệu của hai con bò mạnh dữ lắm, nó là biểu tượng của sức mạnh, nó là biểu tượng khi uống vào sẽ không còn mệt. Nhưng sức mạnh và không còn mệt kia để làm gì, lại như con trâu, con bò, hùng hục húc vào những sự bận rộn của cuộc đời, mà kiếp sống vô thường nước bò húc kia có thể nào tạo ra sức mạnh để chúng ta đương đầu với mọi hoàn cảnh của cuộc đời không? Không! Dùng sức của thân, tăng trưởng kích hoạt sức mạnh của thân để giải quyết vấn đề thì không thể, một lon bò húc, 100 lon bò húc không thể giải quyết được vấn đề.

Người xưa cũng như Đức Phật khi giác ngộ nhận thấy, giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống và để cuộc sống bình an, hạnh phúc, tự tại, thong dong, cốt lõi chẳng phải là vật chất, là thể chất mà là tâm. Khi tâm được an trú thì thể chất sung mãn, chẳng cần nước bò húc. Khi tâm được an trú vững chãi thì vật chất cũng nương vào sự vững chãi, thanh thản của tâm mà tới với chúng ta. Điều này ít ai thể nghiệm về chính cuộc đời của mình. Nhưng nhìn đi bạn sẽ thấy, đã bao nhiêu năm trời chúng ta miệt mài bòn mót cho hao hết sức khỏe, tinh thần chẳng còn mà có được gì đâu. Là vì ta chú trọng vào phần thô như nước bò húc để đầu cho cứng, húc đổ mọi thứ, phá vỡ mọi thứ, chú trọng về điều đó để gom vào vật chất trong cuộc sống.

Chủ đề các bạn chia sẻ cho giới trẻ ngày hôm nay để có một cái nhìn xuyên suốt về quá khứ, những danh từ ngôn ngữ mà ông bà cha mẹ, những bậc thánh hiền đã truyền lại, mà đã bao nhiêu ngàn năm người xưa đã học, đã luyện và lấy đó là những chữ vàng, thước ngọc để tập, để tu, để luyện nên đời sống trở nên an bình, hạnh phúc. Năm chữ các bạn gửi về “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”. Đọc sao rườm rà quá, giới trẻ mà từ 15, 16, 17, 18, 19, 30 luôn, 40 luôn, đọc năm chữ Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín người ta quăng bỏ hết. Rồi có những bài bát nho, nho giáo, nho chùm thảy vô thùng bỏ đi.

Các bạn trẻ nghe và các bạn thấy cảm giác như thế nào? Mình đâu có thích những chữ nho. Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Mình thích cái gì trong hiện tại, thích phone, thích iPad. Mình thích cái gì Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín để mà tư duy, suy nghĩ, hành động, tu tâm, không! Mình thích cái gì? Mình thích tiền, mình thích cái gì? Mình thích game. Hình như chúng ta không còn có chủ định, lập trường để sống mà bị những người thương buôn, hiểu rõ nhu cầu tâm lý, bào mòn sức lực của chúng ta cốt lõi để làm giàu. Tưởng là giải trí nhưng thật ra ta đang mệt nhoài trên những trò chơi của người khác dẫn dắt. Và họ giàu còn ta nghèo sức tinh thần, nghèo thể chất, nghèo về tất cả bởi tiêu xài quá mức cho những thứ khác không thuộc về ta, nhưng lợi lạc về vật chất cho người khác.

Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín không còn là những chữ vàng, thước ngọc cho tuổi trẻ và cho con người thời đại văn minh này suy niệm nữa. Nhưng các bạn, chúng ta hãy mở lòng ra, trải lòng ra để nhận diện 5 chữ Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín theo cách sống của văn minh thời đại mà ta cho nó là như thế. Chúng ta là người sống trong văn minh, trong thời đại bốn, năm chấm gì đó, tự hào lắm, cho nên những mặt chữ xưa ta bỏ. Nhưng nhìn một chút đi, Bảo Thành đối với năm chữ này là một thước đo để tu luyện cho bản thân đúng như lời Phật dạy. Nếu con người không có nhân thì trở thành gì các bạn? Con người không có nhân trở thành gì đây? Trở thành độc ác, bạn chiêm nghiệm đi, nhân ở đây là nhân từ, nhân ở đây tức là từ bi yêu thương. Dĩ nhiên trong mặt chữ ngày xưa đã định chữ nhân rộng vô cùng, nhân là người, nhân là đủ thứ, là chủ đạo của cuộc sống. Nhưng đối với Bảo Thành chữ nhân ở đây tức là từ bi, nhân từ, từ bi.

Nếu chúng ta nhìn câu không có lòng nhân thì con người trở thành độc ác, đúng mà, đâu có sai. Nếu chúng ta không có tâm từ bi yêu thương, ta sẽ trở thành kẻ độc ác. Đâu phải hai chữ từ bi, hai chữ yêu thương, đâu phải chữ nhân kia nó ở trong thùng, nó ở trên sàn, nó treo lơ lửng đâu đó để người ta bán, mình mang tiền ra mình mua, không. Mình đi tới những chỗ bán hàng kỷ niệm người ta khắc chữ nhân vào những vật treo trên xe hoặc để cho chìa khóa, ta thích mua. Nhưng mấy ai nhìn vào chữ nhân đó để thấy rằng ý nghĩa thời đại là yêu thương, là từ bi đâu. Đâu có tình yêu thương ở đó có sự sáng, có sự hài hòa, không có nhân sẽ trở thành độc ác. Cho nên chúng ta đừng lần mò trong chữ nhân rồi không thấu mà quăng đi.

Các bạn sống trong thời đại văn minh thời nào đi nữa, cách sống của con người cần phải rèn luyện cho mình có lòng nhân, có nghĩa là cần phải rèn luyện, tu tập để có được tình yêu thương trải rộng đến muôn loài, muôn vật y như Phật đã dạy tình thương không ngăn ngại, tình yêu không chấp cố, lòng từ bi cao cả vô cùng. Nếu bạn vướng mắc vào chữ nho bạn trẻ không thâm thúy được cuộc đời, nhưng nếu bạn hiểu thấu thì chữ nhân chính là tình yêu thương, dễ hiểu mà, các bạn thấy dễ không. Trong gia đình, trong mọi nơi nếu thiếu tình yêu thương, nơi đó có những năng lượng ác trỗi dậy và dìm chết chúng ta.

Chữ Nghĩa đơn giản thôi các bạn ơi, nghĩa tức là biết ơn, biết tri ân, không có nghĩa thì sẽ trở thành kẻ bội bạc. Cho nên chữ Nhân Nghĩa đi kèm theo với nhau, người không có tình yêu thương và biết tri ân là kẻ độc ác và bội bạc, đúng mà. Suy bụng ta ra bụng người, nhìn vào đời của mình mình thấy chính mình thôi. Nếu không rèn luyện cho có khí phách, cho có tâm từ bi yêu thương và biết tri ân, thì nhất định chúng ta sẽ trở thành kẻ bội bạc và tâm ác luôn luôn luẩn quẩn ở trong đầu. Cho nên chữ Nhân Nghĩa đối với Bảo Thành tức là từ bi yêu thương, tri ân, biết ơn.

Có chữ thứ ba mà chúng ta nghe thấy nó khó là chữ Lễ, rồi ta tưởng rằng chữ lễ ở đây là nghi lễ truyền thống, phong kiến cổ xưa, chẳng hợp thời, mặc áo mặc quần, trống chuông đủ mọi thứ. Mà ta thấy đó có những dịp lễ của những đền này, đền kia, chùa này, chùa kia vẫn thường theo những nghi lễ xưa mà giới trẻ ngày nay thấy mệt mỏi, ngồi mà hòa nhập vào nghi lễ của tôn giáo hoặc những cái lễ của xã hội mệt lắm, mà ngồi 10 tiếng, 20 tiếng chơi game không biết mệt. Bởi ta tự ám chỉ chữ lễ là cổ xưa, không hợp, lễ nghĩa, lễ nghi, nhiều suy nghĩ như vậy. Nhưng đối với Bảo Thành chữ Lễ rất đơn giản, chữ Lễ tức là hòa hợp với vũ trụ, sống hòa hợp với mọi người. Suy nghĩ đơn giản vậy thôi, tình thương, rèn luyện tình thương, biết tri ân, sống hòa hợp. Nhân Nghĩa Lễ là như thế. Hãy tu luyện để có tâm yêu thương rộng lớn, có lòng biết ơn tri ân và cách sống hòa hợp với vũ trụ, với thiên nhiên, với con người, với thế giới hiện hữu xung quanh chúng ta.

Đâu phải ngôn ngữ xưa không có ý nghĩa hoặc rườm rà đâu, nó là sự sống của tâm. Nếu không có Lễ thì sẽ trở thành vô phép, vô phép với người này, vô phép với người kia, vô phép với cấp bậc trưởng thượng, vô phép với trời đất, với vũ trụ, ta sẽ bị quật ngã và chết ngay. Chữ vô phép ở đây tức là sống bất cần, thiếu sự tôn trọng, không có hài hòa, sống ỷ mình tự cao, tự đại, phá vỡ tất cả mối quan hệ, những riềng mối quan hệ giữa người và ta, chẳng hòa hợp, chỉ có ta, có tôi mà thôi. Cho nên đối với Bảo Thành ba chữ Nhân Nghĩa Lễ là sống bằng tình thương, có lòng tri ân biết ơn và hòa hợp với muôn người. Nếu nói như vậy các bạn trẻ thấy dễ không? Ngày nay chúng ta đi làm không còn gọi là làm trong thôn, trong xóm để gặp người này người kia mà ta quen biết, nơi hãng xưởng, văn phòng, nơi phố thị, nơi chợ, nơi quán cà phê, quán ăn. Ta có cơ hội gặp biết bao nhiêu những người ở những vùng miền xa xôi, có kiến thức, văn hóa, phong tục, cách ứng xử khác nhau.

Nếu bạn không biết hòa hợp trong cuộc sống như vậy để giao thoa với mọi người, bạn sẽ trở thành người vô phép, có nghĩa là sống tự tung, tự đại, không có trật tự, sống không có dung thông và đưa đến cuộc đời của mình kết quả là sống lẻ loi, tách rời trong cô độc, chết dần, chết mòn. Đi tới một chỗ đông gặp một người bạn, cà phê, một quán ăn, bất cứ chỗ nào nếu bạn không thể sống dung thông hòa hợp bằng cái lễ, tức là với những tánh khí, điều kiện, môi trường, nhân sinh, bạn sẽ bị cô đơn. Ai cô đơn biết ngay, nhìn mặt khờ khờ làm sao ấy, buồn lắm. Cho nên Nhân – Nghĩa – Lễ là sống yêu thương, tri ân, biết ơn, hòa hợp, dung thông.

Còn chữ Trí thì các bạn biết rồi, Phật thường dạy – Trí tuệ, người không có trí sẽ thành khờ khạo, ngu ngốc. Chữ Trí nhắc nhở cho chúng ta sống ở đời là luôn luôn phải rèn luyện, phải tu tập, phải thu nhập, phải học kiến thức, kiến thức người xưa cũng như kiến thức hiện tại, để tăng trưởng tâm của mình, biết lan tỏa yêu thương, biết tri ân, biết ơn, biết dung thông, hòa hợp, đó là kẻ trí. Nếu không có trí thì trở thành khù khờ, ngu ngốc. Người có trí là người biết sống yêu thương, người có trí là người biết sống tri ân, biết ơn, sống hòa hợp, đấy bốn chữ rõ ràng Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí là sống yêu thương, tri ân, biết ơn, hòa hợp, dung thông, hiểu thấu, trí tuệ là hiểu thấu, hiểu thấu để yêu thương.

Chữ Tín cũng đơn giản thôi, nếu ở đời không có tín thì toàn là giả dối thôi bạn ơi. Thay đổi, bội bạc, uy tín mà không có uy tín là bội bạc, là thay đổi, là thất hứa. Tín ở đây là lập trường trong sự chung thủy, hiểu thấu, khi hiểu thấu ta chung thủy, ta có lập trường, ta hứa ta làm được, trước sau như một. Trong nhà Phật gọi là Tâm Bồ Đề bất thối, tại sao gọi là Tâm Bồ Đề, bởi tâm ấy là tâm yêu thương – Nhân, tâm ấy là tâm tri ân, biết ơn – Nghĩa, tâm ấy là tâm hòa hợp, dung thông – Lễ, tâm ấy là tâm trí tuệ sáng suốt, nhìn, hiểu – Trí. Cho nên ta trở thành người có Tâm Bồ Đề bất thối, chân thật, có nói có, không nói không, hứa là làm, chẳng dùng đầu môi chót lưỡi mập mờ.

Cho nên đối với Bảo Thành các bạn gửi về chủ đề hôm nay để chia sẻ và Bảo Thành có cơ hội chia sẻ với các bạn trẻ, cũng như các bạn đang ở lứa tuổi mà ngôn ngữ người xưa chẳng còn là thương hiệu tuyệt vời của nhân đức, tu tập của tâm, thước ngọc, khuôn vàng nửa, mà lặn ngụp trong những từ ngữ thô thiển, nhưng lẩm bẩm như kẻ điên tối ngày. Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín là lời đạo đức mà ngài Khổng Tử dạy cho chúng ta ngày xưa, các bậc thánh ngài cũng gom góp những ý nghĩa cao siêu của đời xưa, của nghiên cứu tôn giáo học vào đời sống nhân sinh, xã hội, nhắc nhở người đang sống cố gắng tu. Tu Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, tu tâm từ bi yêu thương, tu sự tri ân biết ơn, tu sự hòa hợp, tu trí tuệ để nhìn thấu, buông xả, tu để biết chân thật, chung thủy, vững chãi trong cuộc đời.

Những điều này cũng là yếu chỉ của Phật dạy trong mật thiền song tu chánh pháp Phật, ta lấy hơi thở chánh niệm quán chiếu kích hoạt chữ nhân qua mật ngôn Mu A Mu Sa từ bi yêu thương, Mu A Mu Sa là mật ngôn, là thể loại ngôn ngữ dung thông tiếp nhận năng lượng. Tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa các bạn có được sự gắn kết với trời đất, sự dung thông của Lễ, sự biết ơn của Nghĩa, sự sáng của Trí và sự vững chãi của tâm trước sau như một của Tín, hay lắm. Trong mỗi ngày tu luyện như thế qua ba mật ngôn Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê, là nương vào các bậc đại giác đại ngộ để thắp sáng đuốc tuệ, lan tỏa yêu thương. Ba mật ngôn này bao trùm cả Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, bao trùm cả cách sống mà người xưa đã dạy cho chúng ta qua năm chữ vàng ngọc kia.

Nhưng đối với Bảo Thành lặp lại để bạn và Bảo Thành đồng nghe: Nhân có nghĩa trong thời đại này là yêu thương từ bi, Nghĩa là tri ân biết ơn, Lễ là hòa hợp dung thông không ngăn ngại, Trí là kiến thức uyên thâm, học hỏi để nhìn thấu, hiểu rõ để buông, Tín là trước sau như một, vững chãi, chánh định, có lập trường. Hôm nay các bạn gửi về năm chữ này và Bảo Thành chia sẻ theo cách suy nghĩ mới, mong rằng các bạn trẻ và mọi người chúng ta đừng để mặt chữ của người xưa ngăn ngại, để không hiểu thấu những lời dạy tu tâm mà tích phước, rồi coi nó quá rẻ rúng, quăng bỏ, đắm chìm vào những sinh hoạt thời đại phong kiến cuộc đời, hoang phế tâm của chúng ta.

Các bạn, hi vọng sự chia sẻ này giúp cho các bạn trẻ, những người có tâm hồn trẻ trung có sự liên kết chặt chẽ hơn với lời của người xưa, với lời của các bậc thánh, với lời của các bậc vĩ nhân, với lời của các bậc giác ngộ một cách không ngăn ngại, hiểu thấu để tiếp tục vận hành sự tu luyện trọng về chữ tâm. Chẳng đắm chìm trong vật chất và cũng chẳng nương vào cái ly, hoặc lon bò húc để mà húc đổ mọi thứ đằng trước, miễn sao mà có được điều ta yêu thích, ta mong muốn, ta ham muốn. Đừng uống bò húc nữa để húc đổ mối liên hệ ràng buộc trong cuộc sống, mà hãy luyện tâm để có tình yêu, để có sự tri ân, hòa hợp, dung thông, hiểu thấu, nhìn rõ, lập trường vững chãi trước sau như một. Bạn và Bảo Thành nhất định sẽ là người thành công. Mời các bạn trở về với hơi thở.

Thưa Phật! Chúng con thường bị ngăn ngại giữa ngôn ngữ lời dạy người xưa, phải chăng chính vì tâm chấp cố, cống cao ngã mạn mà coi thường lời vàng ngọc. Xin Phật gia trì cho chúng con để biết lan tỏa tình yêu, tri ân, biết ơn, dung thông, hòa hợp với mọi người, mọi cảnh, mọi nơi, nhìn thấu, hiểu rõ, buông xả, vững chãi, thủy chung trước sau như một.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Cám ơn các bạn đồng tu, chúc các bạn một ngày mới an lành.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn