Search

3189. Lần thứ 4 phát hiện chồng có bồ, con thật chán ghét, đau khổ, nhưng con còn nhỏ quá…

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh YouTube, Facebook và Zoom.

Giờ tu đã tới mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thưa Phật! Còn mấy ngày nữa là tới tết Quý Mão, nương bóng tòa sen bậc giác ngộ chúng con nguyện xin chư Phật mười phương, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân của chúng con đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Chúng con đồng nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con biết tinh tấn tu học, quán chiếu tâm Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, để thấy tất cả các pháp đều là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Xin chư Phật từ bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tư thế vững chãi, toàn thân buông thư nhẹ nhàng, trở về với hơi thở của chánh niệm. Hãy nhớ lời của Đức Phật dạy lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy sự Tỉnh Giác để chuyển hóa phá mọi chấp mê. Trong những ngày cuối của năm nương vào hơi thở một lòng thành kính, khiêm tốn, chân thật, tiếp nhận năng lượng của chư Phật, quán chiếu thân tâm và mang lòng chân thật thành kính ấy hướng về các đấng bậc sinh thành, hướng về gia đình, vợ chồng, con cái, người thân.

Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng và lan tỏa tới muôn người.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến! Bốn ngày nữa, hôm nay thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy rồi chủ nhật mùng 1 Tết. Phong tục của người Việt Nam chúng ta, những người con cháu trong nhà những ngày đặc biệt này luôn luôn hướng về Phật, về ông bà, về Cửu Huyền Thất Tổ và từ đó bàn thờ là nơi ta chú tâm dọn dẹp sạch sẽ, lau chùi lư hương bàn thờ, sắm sửa nhang đèn và những phẩm vật cao quý nơi lòng chân thành của mình dâng lên cho Phật, cúng kính tổ tiên, nhớ về cội nguồn. Một phong tục thể hiện nghĩa cử nối tiếp đời đời truyền lại thật tuyệt vời, đẹp lắm. Mỗi một lần ta lau chùi tôn tượng của chư Phật, hình ảnh của ông bà, bàn thờ của tổ tiên, chúng ta lại có một cơ hội nữa tiến lại thật gần, chạm vào tâm của chính mình để gắn kết với trời đất, với ông bà, với cội nguồn để tiếp nhận năng lượng vi diệu. Một năm mới tới có đầy đủ năng lượng như vậy, ai trong chúng ta cũng nhất định sẽ thành công.

Một phong tục tốt đẹp cần phải lưu chuyển thì lời của Phật dạy cao cả hơn nữa cần phải gìn giữ. Nếu hướng về Phật mà không lau chùi bàn thờ lư hương, sắm sửa phẩm vật cao quý để dâng lên thì điều đó hình như vô nghĩa, chỉ nghĩ mà không có hành động. Nhưng nếu chỉ hành động theo hình tướng lau chùi tượng Phật, lư hương, nhang đèn, sắm sửa phẩm vật dâng cúng nặng về hình thức, quên ở trong tâm thì càng vô nghĩa bởi tốn tiền mệt sức chẳng được gì. Có một Đức Phật cao cả lắm chẳng ở quá khứ, chẳng ở tương lai mà ở ngay nơi tâm của mỗi một người. Chẳng thể chờ đến ngày Tết mới lau chùi để thấy được Phật, gần gũi với Phật, gắn kết với Phật mà trong từng sát na của cuộc đời, trong từng giây phút của cuộc sống, trong từng khoảnh khắc đang trôi qua phải chánh niệm để lau chùi hình ảnh của Phật trong tâm của chúng ta.

Ta là Phật đó là lời Đức Phật nói, các con là Phật sẽ thành, nếu không lau chùi Phật tánh trong cuộc đời nơi kiếp thân này làm sao mà thành Phật được. Lau chùi Phật trong tâm là lau chùi mọi tư tưởng uế trược, ô nhiễm, đen tối, thô ác. Nhìn cho kĩ, chùi nó đi, lau nó đi, lượm lặt nó đi, để trả lại sự thanh tịnh sạch sẽ trong sáng của tâm. Lư hương khói bốc dâng lên cao bởi hương trầm, thì miệng ta chẳng khác gì lư hương cần phải lau chùi, để ngôn ngữ ngọc ngà châu báu tuôn ra thơm như hương trầm, bay đến mười phương cúng dường cho Phật và làm cho muôn chúng sanh, những người ta tiếp cận được hạnh phúc an vui. Phẩm vật ta sắm sửa chẳng khác gì những hành động trong giao tế tương tác hàng ngày, phải biết trân quý, phải biết tri ân, phải biết thông cảm, phải biết san sẻ và đối xử với nhau bằng sự bình đẳng yêu thương. Đó là phẩm vật cao giá nhất mà ai trong chúng ta cũng có khả năng sắm sửa để dâng lên cho Phật, cho ông bà, dâng lên cho cha mẹ, những đấng bậc sinh thành, dâng lên cho vợ chồng, người yêu, con cái hoặc người thân, thầy trò, bạn đồng tu, nhân loại và chúng sanh. Tất cả những điều này đều cần phải quán chiếu mới thấy được sự liên hệ mật thiết, chẳng rời xa tâm thì tu luyện Phật pháp nặng về hình tướng, khoe khoang màu sắc mà chẳng được gì.

Quán chiếu thấy rõ thì lời Phật là nước hằng sống để nuôi dưỡng chúng ta trong từng giây, từng phút của mỗi ngày đang trôi qua. Quán chiếu cho thấu thì lời Phật là nước hằng sống tưới tẩm để ta thêm tươi, như hoa vào mùa xuân. Biết chăm sóc cho bản thân trong từng giây phút của chánh niệm. Mang lời Phật ứng dụng vào cuộc đời một cách thật khéo thì không uổng một đời biết được Phật pháp, không uổng một đời là con Phật, quy y Tam Bảo giữ ngũ giới. Còn không chúng ta sáo rỗng, khoe khoang bên ngoài mà chẳng có một chút chất gì là con Phật thực sự. Nếu sống mà không có chất Phật ở trong tâm nơi lời mình nói, hành vi mình tạo tác thì chẳng khác gì chúng ta như vàng mã rải đầy đường mọi nơi, làm ô uế xã hội. Đốt thì làm mịt mù khó thở hư phổi người ta, không nên sống giả hình mà sống chân thật. Đức Phật dạy cho chúng ta phải sống chân thật, đó là lời dạy tuyệt vời nhất mà chính Đức Thế Tôn đã dạy cho con của Ngài là La Hầu La, phải sống với tâm chân thật.

Ngày cuối năm hãy hỏi lòng của chúng mình, chúng ta có thật sự sống chân thật hay không? Những ngày cuối năm hãy hỏi lòng mình sự chân thật của chúng ta có còn hay không? Sau một năm dài dăng dẳng bôn ba, lặn lội trong cuộc đời cơm áo gạo tiền, vui thú với những cảm xúc, có còn chút chân thật nào đọng nơi tâm hồn, có còn chút chân thật nào thể hiện qua ngôn ngữ, có còn chút chân thật nào qua những hành vi ta trao nhau. Nếu cả một năm trời thấy thiếu vắng sự chân thật, mà đầy ắp sự giả dối lừa gạt thì hãy coi chừng, hãy coi chừng, coi chừng là sao? Chẳng phải trời đất, trời Phật trừng phạt chúng ta, mà hãy coi chừng một năm qua chúng ta đã làm hao tổn phước báu và công đức. Và các bạn đều biết muôn sự đời thành công trong sự an lạc hạnh phúc về muôn mặt, đều phải nhờ vào phước báu và công đức. Còn nếu như phước báu, công đức đã chẳng còn bởi tâm chân thật đã mất, mà đầy những lòng gian trá, giả dối, lừa gạt lẫn nhau thì dĩ nhiên tai họa, thì dĩ nhiên xui xẻo khốc liệt sẽ tới với cuộc đời. Không hù dọa vì đó là nhân quả, chân lý rõ ràng chẳng ai có thể trốn tránh được.

Người con Phật đặc biệt phải thấu hiểu thật rõ luật nhân quả, để mỗi một giây trôi qua, mỗi một ngày trôi qua chúng ta gạn lọc, lượm lặt rác rưởi mà bỏ đi, gieo mầm yêu thương mà vun trồng tưới tẩm để vươn lên. Mật thiền song tu chánh pháp Phật của Như Lai, lấy hơi thở chánh niệm để nhìn tự thân trong từng khoảnh khắc, để lau chùi tâm cho sạch, để hiển bày tâm tánh Phật trong cuộc sống chân thật hàng ngày khi còn là kiếp người. Mang thân này phương tiện vi diệu, không lau chùi bỏ phế cho dơ bẩn, cho đen tối. Tại sao chúng ta lại khờ như thế? Phải khôn ngoan thêm một chút thấy được giá trị siêu mầu của tánh Phật, để lau chùi mỗi ngày cho sáng, chẳng phải để khoe mà để ta nhìn thấy trong ta có Phật, Phật ở trong ta, để ta sống như Phật, ta sống là Phật, ta nghĩ là Phật, ta nói như Phật và ta hành động là một vị Phật. Có như thế thì phước báu mới tăng trưởng, công đức mới đầy dư, tai họa, nghiệp chướng, xui xẻo chẳng còn.

Các bạn! Năm mới thực sự rất gần rồi và vô thường nó cũng gần lắm. Nó không còn chỉ là 4 ngày mà vô thường trong từng giây, từng phút, trong từng sát na, vô thường trong từng hơi thở vào ra. Nhận rõ được vô thường mới thấy được giá trị làm người cao quý, để không phung phí thời gian cho những chuyện trôi nổi của tham sân si, phủ phê trong những cảm xúc của vật chất, mà biết lau chùi cho sạch tâm để an lạc và hạnh phúc, phải biết trân quý điều ấy. Mỗi một người trong chúng ta phải dẹp bỏ ngay tánh nhìn lỗi của người, xăm soi người ta mà nhìn thẳng vào lỗi của mình, kiểm tra và quán chiếu để gội rửa tháo gỡ, lau chùi và phải sắm sửa những tánh thiện lành bằng hành động cụ thể làm đẹp đời, làm đẹp cuộc đời, làm đẹp tâm, làm đẹp thân ngữ ý.

Nhân quả và nghiệp báo nhiều đời cứ nối truyền và tạo thành một cái lực nhận chìm chúng ta vào vòng xoáy của tham sân si. Tham tiền tài, danh vọng, địa vị, tham sắc dục, tham dục, những cái tham đó là người dễ vướng mắc. Là con người vẫn cần phải dùng tất cả các dục như một phương tiện để tồn sinh. Tiền tài, danh vọng, địa vị, đồ ăn, đồ uống, sự ngủ nghỉ, tình cảm đối với nhau, nhưng vừa đúng như một phương tiện để tồn sinh, thanh tịnh thân tâm để sống đẹp. Đó là sự ý thức cần phải có, còn nếu như sai lầm tư tưởng, lạc vào cõi mê, nhận chìm mình trong những cái dục đó để cả cuộc đời bào mòn sức khỏe, bóp nghẹt tư tưởng thanh cao, nhồi nhét ngôn ngữ thô ác, tạo tác những hành vi ghê gớm thì nhất định chúng ta đang tự hại giết chết bản thân của mình. Tự ý thức, đạo Phật là tự giác, tự chuyển hóa, tự nhận định trong quán chiếu

Một bạn đồng tu chia sẻ rằng “Đây là lần thứ tư phát hiện ra chồng luôn luôn gian dối, có bồ. Cảm thấy chán ghét, căm phẫn, đau khổ, mệt mỏi, ý rằng muốn chia tay đó nhưng con còn nhỏ chẳng biết phải tính sao?”

Các bạn, chẳng nói đến tình nghĩa vợ chồng đâu mà nói đến tình bạn, tình thầy trò, tình con người với nhau như Đức Phật dạy La Hầu La cần phải có tâm chân thật. Nếu tâm chân thật đã mất thì không có điều ác gì người ta không dám làm. Đức Phật nói với con của Ngài rằng “La Hầu La! Nếu thau nước nước đã văng ra hốt có được không?”

La Hầu La trả lời “Thưa Phật! Không thể hốt vào được”.

“Nếu nước nó đổ ra và úp luôn thau xuống thì làm sao hút nước được vào nữa phải không?”

La Hầu La nói “Nước đã đổ ra ngoài, thau lại úp ngược xuống không thể hốt vào, bởi nếu có hốt thau đã úp xuống làm sao bỏ vào”.

Phật dạy con người nếu mất đi tâm chân thật như cái thau đổ nước ra và úp xuống. Người như vậy không việc ác gì mà họ không dám làm, bởi tâm chân thật đã chẳng còn, mà úp ngược xuống cái thiện xuống cái ác ở bên trên.

Thật rõ, thật rõ, là chồng hay là vợ, là con người chúng ta cần phải đối xử với nhau bằng tâm chân thật, dù dẫu biết thân người dễ bị tham dục lôi cuốn. Nhưng chúng ta là người khác với con vật là có sự tư duy mạnh mẽ, có cái nhìn thấu suốt và kiểm tra được hành vi để làm chủ được chúng. Nên con người Phật mới nói, kiếp người, thân người là phương tiện vi diệu là chỗ ấy. Còn không ta là thú rồi chẳng kiểm tra, chẳng kiểm định, chẳng làm chủ, sống theo thú tánh, sân hận, tham sân. Không, Phật nói không, con người làm chủ được nên cao quý. Mang ý nghĩa này để sống vào cuộc đời để thực hành trong tình nghĩa, nếu nhân quả, nhân duyên đưa nhau tới gắn kết trong lời thề hứa trở thành vợ chồng, thì nhất định người chồng và người vợ đều cần phải hiến dâng hạnh phúc cho nhau bằng tâm chân thật.

Từ bi hỷ xả, từ là hiến dâng hạnh phúc cho người mình yêu. Người chồng và người vợ khi tới với nhau cần phải hiến dâng hạnh phúc cho người mình yêu. Nếu như chồng hoặc vợ không làm được điều này thì chẳng còn tình nghĩa vợ chồng. Ta làm được việc này không những là tình nghĩa, mà còn gieo mầm để trưởng dưỡng tình nghĩa đúng pháp của Phật. Bởi khi thương yêu nhau theo nhân quả, theo nhân duyên gặp gỡ, thề hứa, song hành trong cuộc đời thì sự hiến dâng hạnh phúc cho nhau là yếu tố cần thiết, là chìa khóa để giữ cho gia đình hạnh phúc. Một trong hai người nếu như chồng hoặc vợ đã phản bội lại lời thề hứa, chẳng biết hiến dâng hạnh phúc cho nhau thì nhất định mầm yêu thương thuở đầu khi gặp gỡ, gieo trồng ấy, sẽ héo úa tàn lụi và trong mái ấm chẳng còn hơi ấm của tình thương mà đã đống lửa của sân hận, của chán ghét, của căm phẫn.

Cho nên nhất định người chồng nếu như đã có bồ một lần, hai lần, ba lần, bốn lần hay nhiều lần cần phải ý thức, dù bạn theo Phật hay không theo Phật, đã là người phải làm chủ được hành vi, nhất định trong những ngày cuối năm cần phải nhìn lại để sửa chữa, nếu như bạn muốn có một gia đình hạnh phúc và bạn muốn đời sống của chính bạn có đầy đủ phước báu, có công đức, thành tựu những điều tốt đẹp thì bạn cần phải thay đổi. Còn nếu không, phước báu và công đức cạn kiệt thì tai họa xui xẻo, những điều mong ước của bạn sẽ không bao giờ thành công, ngược lại muôn sự rắc rối, phiền não sẽ ập tới với bạn.

Bi là tháo gỡ sự đau khổ cho người mình yêu. Nếu bạn hiến dâng hạnh phúc bạn chẳng hạnh phúc điều đó không đúng, đã hiến dâng hạnh phúc cho nhau thì luôn luôn hạnh phúc rồi. Còn nếu bạn không biết hiến dâng hạnh phúc là tâm từ không có, tâm bi lại chẳng cótháo gỡ đau khổ cho nhau, mà còn có bồ, thì chẳng khác gì bạn lại cột chặt cổ của người bạn đời dìm xuống nước, mang đau khổ nhận chìm người yêu thương. Mình đang thủ ác phạm giới thứ nhất – sát sanh, bằng những hành vi bất thiện, phạm luôn giới thứ ba, liền luôn giới thứ tư và có cả giới thứ hai. Các bạn, khi bạn đã lừa gạt chẳng còn tâm chân thật nữa, tất cả các giới bạn đã phạm chẳng phải một giới đâu, người đã phạm giới là người tổn phước. Người ấy chẳng thể yên được trong cuộc đời.

Từ bi hỷ xả bạn có hoan hỷ không? Bạn có mang tâm vui vẻ trao cho nhau hay không? Bạn có gỡ bỏ, xả bỏ những dục ái trong lòng để giữ được sự chung thủy chân thật đối xử với nhau hay không? Đạo Phật chẳng phải là dạy cho mấy ông Sư đầu trọc, mấy Sư Cô trọc đầu, mấy vị tôn túc hòa thượng đáng kính tu để thành Phật, thành thánh, thành tiên. Mà đạo Phật là cho muôn loài chúng sanh, bởi đạo Phật là chân lý để nhận rõ những lầm lỗi của bản thân, sửa để trở về với cội nguồn chân thật như ngày cuối năm ta về với ông bà cha mẹ. Con người có tổ có tông, cây thì có cội, nước có nguồn. Con người có tổ tông và chúng ta có cội nguồn là tâm chân thật.

Ngày cuối năm ở trên đời mấy ai hoàn hảo, nhưng nếu biết trở về với cội nguồn của tâm chân thật thì người người, mọi người trên thế giới này đều có khả năng làm chủ bản thân, sửa đổi mọi sự sai lầm để chỉnh đốn và trở về tâm chân thật. Đừng làm đau lòng nhau, đừng đánh mất tâm chân thật. Trên đời đâu có ai hoàn hảo, nhưng lầm lỗi mà nhìn thấy nhận ra để sửa thì vẫn là cái cửa để cho nhau bước vào khung trời hạnh phúc. Biết làm sao cho những người phận làm vợ, biết làm sao cho những thân phận làm vợ, làm mẹ, khi chồng phản bội đau đớn, đau đớn lắm. Nếu mình không muốn đau đớn cho bản thân thì đừng tạo đau đớn cho người khác. Nếu mình không muốn phiền não đau khổ cho mình, thì đừng reo rắc khổ và phiền não cho người mình thương yêu.

Các bạn, chúng ta có khả năng làm chủ trong những ngày cuối năm dẫu đã sai một, sai hai, sai ba, sai bốn thì dù sai cả trăm lần đi nữa ta vẫn có thể sửa được để hoàn thiện cuộc sống. Ông Vua A Xà Thế, một kẻ thủ ác giết Phật, luôn luôn tìm cách để giết Phật, thế mà cuối cùng cũng ăn năn sám hối và trở về trở thành một người Phật tử thuần hành và giúp cho Phật mang chân lý gieo vào lòng đời. Các bạn đã sai, nhưng nếu bạn nhận ra để sửa thì bạn vẫn là con người biết hồi đầu thị ngạn. Hồi đầu tức là biết quay trở lại để cập bến an lạc hạnh phúc nơi gia đình. Mỗi một người chúng ta luẩn quẩn trong các vòng luân hồi nhiều kiếp, vẫn có thú tánh tham ái, tham dục, tham quyền, tham sắc, nhưng phước báu thay ta là người trong kiếp này có khả năng làm chủ. Hãy dụng ngay khả năng đó làm chủ và chặn đứng những tham dục đi, cứ từ từ mà tu để chuyển hóa. Năm mới ngồi lại với nhau một lời xin lỗi chân thành, cải sửa và nâng đỡ, sám hối và chuyên tu. Nhất định mỗi người chúng ta sẽ làm đẹp tâm hồn của mình trở lại, để biết hiến dâng hạnh phúc, tháo gỡ đau khổ cho nhau. Đừng đày đoạ người vợ yêu của mình để cho con cái còn nhỏ phải đau khổ nữa.

Các bạn, đó là lời khuyên rất chân thành, nhưng có một ý tưởng đặc biệt nữa, như một mảnh đất nếu như mảnh đất đó đã là sỏi đá, đã là khô cằn, không còn chất sống thì chẳng có người nông dân nào khờ khạo gieo mầm vào trong ấy. Người nông dân nhất định hiểu thấu họ sẽ lượm sỏi đá, gai góc, tưới tẩm Phật. Nhưng rồi sỏi đá vẫn còn, gai góc vẫn trổ mầm và chẳng còn chất sống ở nơi ấy, thì người nông dân sẽ từ bỏ mảnh đất đó mà thôi. Y như lời Phật luôn luôn phổ độ chúng sanh, nhưng Ngài cũng chẳng thể độ người không có duyên, người không có duyên không thể độ, người đã tận duyênbởi tạo ra những nghiệp ác thì làm sao có thể song hành được nữa. Chẳng khác gì mảnh đất đã đầy sỏi đá, chông gai, rác rưởi, không còn chất gieo mầm yêu thương thì chẳng khác gì uổng phí cuộc đời phí sức. Phật không thể độ người không có duyên, chẳng thể sống và song hành với người đã tận duyên rồi.

Câu này nghe có vẻ nặng lòng đau đớn, nhưng phải quán chiếu nhân quả. Nếu một lần, nếu hai lần, nếu ba lần, nếu nhiều lần và nếu cả trăm cả ngàn lần, người ấy, người ấy không bao giờ thay đổi nữa, nhưng đã biến cuộc đời tốt đẹp khi xưa của những thuở đầu tới với nhau thành mảnh đất sỏi đá, gai góc, hầm hố, không còn chất sống trong tình thương yêu, quý trọng, san sẻ, hiến dâng, thay vào đó là gai góc của sự đọa đày, cỏ dại của sự đau khổ. Duyên đã tận ta phải nhẹ nhàng suy nghĩ để rời xa. Cứ nặng vào trong giáo điều chẳng quán chiếu nhân duyên, níu kéo, vịn vào con cái hay như là mong cầu người ta thi ân bố đức cho chút tình yêu, gia đình chẳng trọn vẹn hạnh phúc. Mà đôi khi sống trong lò lửa của tham dục kia, sân giận sẽ trỗi dậy nguy hại đến thân mạng. Và sống trong một gia đình như thế hạnh phúc ở đâu có, con cái sẽ nhìn thấy cha mẹ căm phẫn, hận thù nhau và đôi khi ảnh hưởng đến đời sống trong sạch của con cái. Bởi những đứa con sống trong một gia đình mà người cha thường gian dối, không chân thật thì lớn lên trong sự gian dối đó những đứa con kia sẽ dối gian với đời mà thôi.

Có những lúc phải mạnh dạn đứng dậy như Đức Phật dạy, ngay trong đêm khuya mà thấy điều không tốt, thấy nơi mình ở xấu, nguy hại, thì cũng phải đứng dậy mà ra đi. Đó là Phật khuyên các bậc tỳ kheo đó và các Phật tử tại gia cũng vậy, chúng ta phải quán chiếu, hãy luôn luôn tha thứ cho người, quán chiếu sự phiền não, tạo cơ hội mở rộng cửa yêu thương để cho người ta tái tạo lại cuộc trả lời trở về mái ấm gia đình, nhưng Phật không thể độ được người không có duyên. Ta không thể gắn kết với người gieo rắc đau khổ và phiền não, chẳng còn tâm chân thật, mà chỉ mang đau khổ chôn vùi cuộc đời của ta. Ta đang sống trong đau khổ, hố sâu của sự đày đọa, phiền não, con cái chẳng thể hạnh phúc đâu. Đừng nghĩ vì con mà phải níu kéo một mối tình đã chẳng còn chút chân thành, chân thật, gian dối quá đầy, quá dư. Nhưng phải vì con để lìa xa, để tạo một môi trường mới, gieo mầm yêu thương bằng luật nhân quả trong các pháp thiện lành để tái tạo lại cuộc đời, vẫn chưa có muộn cho tất cả mọi người khi rời xa vùng tối của tâm thức.

Các bạn, những điều này làm đều cần phải trong sự chánh kiến, chánh tư duy, phải trong sự thực hành quán chiếu thật rõ và qua hơi thở của mật thiền chánh niệm, mỗi người chúng ta sẽ tìm trở lại sức mạnh và niềm tin nơi bản thân như Phật dạy. Mình sẽ là Phật có nghĩa ta có quyền năng nhìn rõ tội lỗi của mình để sửa sai và thay đổi cuộc sống để vươn lên hạnh phúc hơn. Ngày cuối năm nguyện xin Chư Phật gia trì cho tất cả mọi người biết dừng lại những nghiệp ác, những điều sai trái và cho mọi gia đình, chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đều biết tận hiến hạnh phúc cho nhau và tháo gỡ những đau khổ phiền não cho muôn người. Các bạn chúng ta hãy trở về hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con đủ lực kiên nhẫn tu tập, nhìn thấu những lầm chấp, những tội lỗi để sửa và tháo gỡ những phiền não, đau khổ đã cột chặt, gieo rắc vào lòng của nhau.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts