Search

3183. Tại sao làm hài lòng cả trăm lần họ không biết ơn mà làm phật ý một lần, họ ghét và trách móc?

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và Zoom.

Giờ đồng tu của chúng ta đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở Thất Bảo, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho ông bà cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta ngồi xuống theo tư thế phù hợp, buông thư, cổ, lưng và đầu giữ thẳng, buông lỏng. Cùng nhau ta nhớ về lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trở về với hơi thở của chánh niệm mật thiền, hít vào nhẹ nhàng, phình bụng, thở ra chậm rãi, hóp bụng vào. Tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ để thấu rõ vô thường, khổ và vô ngã, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê quán chiếu tâm Tỉnh Giác. Để chúng ta đều luôn luôn tỉnh thức trong từng sát na, từng giây phút của cuộc đời. Ba mật ngôn trên khi tổng trì bằng lòng thành kính, tâm chân thật, mỗi người chúng ta sẽ gắn kết với Trời Phật, hòa mình vào với vũ trụ, tiếp nhận được thật nhiều năng lượng yêu thương, Trí tuệ, Tỉnh giác, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, nếu tính từ ngày hôm nay chỉ còn hai tuần nữa Tết truyền thống của Việt Nam sẽ tới. Ở Việt Nam ta nhất định mọi khu phố đã nhộn nhịp, đã rộn ràng. Hàng bông, bánh chưng, bánh tét, gạo mứt, tất cả các loại hoa củ quả và mọi thứ cần dùng trong đêm 30, mùng 1, mùng 2, mùng 3, những ngày tết đã bày nhiều lắm rồi. Không ai mà không nghĩ tới những món quà cần trao tặng cho người thân, cần lì xì, cần biếu cho nhau kèm theo những lời chúc phúc, chúc tết thật đẹp. Đầu năm ta trở về cội nguồn của tình thương, mang tất cả những yêu thương gói thật gọn nơi tâm, chuyển qua những món quà biếu cho nhau. Hãy biếu, hãy tặng, hãy trao và hãy hiến dâng những gì đẹp nhất trong ngày đầu xuân.

Cuộc đời cũng như vậy, những giây phút đầu tiên của một ngày còn quan trọng hơn ngày đầu xuân. Xuân nào có thể tới khi giây phút ấy thức dậy ta quên đi biếu tặng, hiến dâng cho chính mình sự sống của hiện tại. Mỗi một khoảnh khắc, mỗi một giây phút trong cuộc đời được sống chân thật bằng sự tỉnh giác, chính là mùa xuân vì hơi thở mật thiền chánh niệm trong từng giây phút của cuộc đời với sự tỉnh giác, yêu thương và trí tuệ. Nơi ấy, nơi ấy có đầy đủ hương sắc của sự khởi nguồn, tràn đầy những lộc phước đến với ta. Sống trong hiện tại với sự tỉnh thức, với trí tuệ và yêu thương, đó chính là sự nhắc nhở của Đức Phật, của các chư vị Bồ Tát, các Thầy Tổ.

Những ngày này ai cũng có sự trải nghiệm bù đầu rối tóc lo cho ngày tết, mà quên sống trong từng giây của mình. Nhiều bạn hỏi cứ sống kiểu tỉnh giác, cứ sống kiểu chánh niệm, chẳng biết phải làm gì, cứ ở đó mà hít thở chánh niệm làm được cái gì? Thưa các bạn, đó là hiểu sai lầm, chánh niệm tỉnh giác không phải cứ ngơ ngơ bơ bơ không biết phải làm gì, ngồi đó, đứng đó, đi đó mà hít thở, không! Chánh niệm Tỉnh giác – Từ bi – Trí tuệ chính là trong mọi tạo tác của chúng ta, trong mọi hơi thở vào ra, trong mọi ngôn từ suy nghĩ mỗi một giây, chúng ta luôn tĩnh, luôn sống, luôn trí tuệ, luôn yêu thương. Đó là chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Nhờ như vậy mà mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta, hành động của chúng ta không tạo nghiệp ác, nhưng lại kiến tạo được những thiện nghiệp, phước báu và công đức.

45 năm trời Đức Thế Tôn – Đức Phật luôn luôn nhắc nhở và truyền dạy qua nhiều pháp môn phương tiện khác để phù hợp với căn cơ từng người, các pháp môn phương tiện ấy mà 45 năm trời Đức Phật dạy không nằm ngoài Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Mãi đến ngày nay và mãi mãi về sau những ai học hỏi về Phật Pháp hay chẳng về Phật giáo, thuộc các tôn giáo khác hoặc chỉ là người vô thần, sống đúng đạo nhân cho có nghĩa, có tình, sống cho đúng thì cũng phải thực hiện đời sống yêu thương, trí tuệ và tỉnh giác. Yêu thương, trí tuệ và tỉnh giác là cốt lõi của muôn loài cần phải thực hành để được sự hạnh phúc, an lạc, để bớt đi sự khổ đau, phiền não. Đây đích thực là chân lý chẳng thuộc tôn giáo, bậc giác ngộ không dạy về một tôn giáo được khai sáng bởi Ngài, Đức Phật là bậc giác ngộ, nhìn ra chân lý sống trọn vẹn cho muôn loài chúng sanh, chẳng phải chỉ riêng cho một tôn giáo gọi là Phật giáo.

Những ngày cuối năm này, hơi ấm và hương vị nồng nàn yêu thương của gia đình hình như đang thôi thúc mỗi một người chúng ta. Ở phương xa hoặc làm ở xa, ta đã bắt đầu nghĩ về, trở về nơi quê nhà. Nơi ta được sinh ra, nơi có ông bà cha mẹ, có thôn xóm, có những người thân, có nhóm bạn thuở xưa từng bước tới trường vui vẻ đùa giỡn ngây thơ. Tới những lớp thanh niên thiếu nữ, thuở đầu lớn dần, lớn dần, tụm ba bảy vui học, tìm hiểu về cuộc đời nơi quê hương thật ấm, có mùi bánh chưng bánh tét, có khói tỏa khắp thôn làng với bà con cô bác ngồi gần nơi mái ấm thân thương san sẻ tình người. Đức Phật dạy cái tình, mà tình lan tỏa ngược chiều dòng thời gian vẫn còn mãi, đó là tình người trong tâm từ bi yêu thương, bằng trí tuệ, tỉnh giác, chẳng phải là tình người đắm chìm trong thân xác của lục dục. Đức Phật chẳng biến chúng ta trở thành những người vô tình không còn tình cảm, nhưng thăng hoa tình cảm con người, vượt lên trên khỏi những tham ái của thể xác. Để chúng ta một lần thoát xác khỏi tham dục, dẫn đưa nhau trên con đường yêu thương chân thật và biết hiến dâng hạnh phúc, tháo gỡ khổ đau và thắp sáng đuốc tuệ, để sống trong tỉnh thức.

Các bạn, một bạn đồng tu hỏi rằng: Đã làm hài lòng người ta cả trăm lần, cả ngàn lần, nhiều lắm, mà họ không bao giờ biết ơn nghĩ đến mình. Nhưng chỉ một lần phật ý họ ghét, họ chửi.

Câu hỏi này như rất quen, rất quen, các bạn chắc chắn nghe quen vì các bạn và Bảo Thành là những người đã từng ở trong cuộc và từng thốt lên “Trời ơi! Trời ơi là trời! Tôi làm việc tốt, tôi làm hài lòng nhiều lắm, đối xử rất tốt mà không bao giờ họ nghĩ tới. Chỉ một lần sai, một lần phật ý là họ buồn, họ ghét, họ chê, họ phỉ báng”.

Đây gọi là thói đời, trăm điều tốt đẹp chẳng ai hay, một điều sơ suất cả làng đều phao tin, đều đồn, đều xỉa xói, săm soi, lật ngược lật xuôi cả ngày, cả tháng, cả năm trời. Các bạn thử nghĩ coi sống ở trên đời này có phải mình cứ phải cố gắng để làm hài lòng mọi người hết hay không? Nếu mà chúng ta cứ vùi đầu vào trong suy nghĩ rằng ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, mọi người, bạn bè, rồi xã hội này ai ai chúng ta cũng phải làm hài lòng họ, điều đó nghịch lý, vô duyên, không đúng. Tại sao phải làm hài lòng mọi người? Đó là câu hỏi có khi nào bạn tự hỏi vậy không? Tại sao và tại sao tôi phải luôn luôn làm hài lòng mọi người? Để rồi mệt mỏi và khi một việc gì đó phật ý họ, họ buồn, họ chê, họ ghét, điều này hầu hết ai cũng bị dính vào. Bảo Thành và các bạn cứ trông ra bên ngoài, tìm đủ mọi cách, mọi kế sách, mọi mưu mẹo, mọi nghệ thuật sống ở đời để làm hài lòng người khác. Rất là nhiều những cuốn sách, những bài viết dạy, hướng dẫn làm hài lòng mọi người xung quanh, họ bán ra tiền, họ giàu to. Nhiều bạn thích lắm mua về đọc để có được nghệ thuật làm hài lòng mọi người. Nhưng sẽ có một ngày cảm thấy thất bại ê chề, vì chỉ một lần phật ý, hàng trăm, hàng ngàn lần mình làm hài lòng họ đều biến mất.

Hôm nay chúng ta phải khẳng định, sống ở trên đời này mục đích tối hậu chẳng phải là làm hài lòng mọi người bằng cách cứ phải suy nghĩ về họ, làm điều mà họ thích. Bạn có khi nào làm hài lòng bản thân chưa? Hài lòng của bản thân đúng với lời Phật dạy là hài lòng trong chánh niệm, trong tỉnh thức, trí tuệ, bằng tình thương chân thật đối với mình, để tỏa hương thơm của đức hạnh, lan tỏa khắp mọi nơi, hữu xạ tự nhiên hương. Nếu bạn chỉ làm hài lòng người mà quên làm hài lòng mình trong chánh niệm, trong sự sáng suốt của tỉnh thức, trong tình thương vô biên giới, biết hiến dâng cho mình. Thì làm sao có hương của phước báu, có hương của công đức.

Các bạn, hoa nở mà không có gốc chẳng thể gọi là hoa nở, mà không bao giờ trên đời này có hoa nở mà không có gốc trụ xuống. Hãy nhớ tình thương là năng lượng như nước, sự tỉnh giác như mặt đất ôm ấp tất cả mọi loài và trí tuệ như mặt trời chiếu sáng. Cả ba cái này mặt trời, đất và nước mới bắt đầu khởi sinh trên một mầm sống. Khi chúng ta tu mật thiền chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ bi là quán chiếu nước, mà Đức Phật dạy là phải luôn luôn quán thủy, quán nước, quán tứ đại, nước, quán đất, quán lửa là trí tuệ, là sức sống, các bạn nhớ. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác là một phép quán để chúng ta quan tâm đến chính mình, làm hài lòng sự tự nhiên vốn có trong ta. Và hương thơm của đức hạnh, của phước báu gọi là hữu xạ tự nhiên hương sẽ thơm và muôn người sẽ hài lòng. Bởi vì chúng ta sống hạnh phúc an vui, chúng ta sống biết hiến dâng hạnh phúc nhưng chẳng trông chờ sự bù đắp, sự đền bù, sự biết ơn, sự tri ân của mình. Ta chỉ biết hiến dâng và hiến dâng bởi Mu A Mu Sa, bởi tâm từ bi, bởi tình thương lớn. Ta chỉ biết tháo gỡ mọi đau khổ cho người bằng tâm rất chân thật, không gian dối, bằng tâm thành kính, tôn trọng, tri ân với cuộc đời. Để sống yêu thương, tháo gỡ mọi rắc rối phiền lụy cho mình và cho người. Sống tỉnh thức, không sai trái, không phạm tội, không tạo nghiệp.

Đừng sống để làm hài lòng người khác rồi mệt mỏi khi người ta bị phật ý, người ta chửi mình đó, mà hãy sống hài lòng với chính mình. Người sống hài lòng với chính mình là người biết trở về với chánh niệm tỉnh giác và yêu thương, là người sống thiểu dụng tri túc, là người sống biết hiến dâng và tận hiến tất cả vì mọi chúng sanh, vì muôn người mình yêu thương. Hiến dâng cái gì? Hiến dâng hạnh phúc. Biết san sẻ những niềm đau nỗi khổ của muôn người, biết giữ sự tỉnh thức để đánh thức muôn người đang u mê. Thói đời ta cứ miệt mài làm hài lòng người ta để chinh phục được người, nhưng chẳng bao giờ hài lòng mình để chinh phục được chính mình. Nếu hài lòng người để đánh mất mình thì cuộc đời trở thành vô nghĩa. Chẳng cần phải làm hài lòng họ để chinh phục họ, để có nhiều người, nhiều bạn, nhưng làm hài lòng chính mình trong sự tỉnh giác và trí tuệ, trong yêu thương để mọi niềm đau nỗi khổ của ta được chuyển hóa, để an lạc và hạnh phúc của ta được kích hoạt và lan tỏa. Đó, chỉ vậy, không cần tìm gì nữa.

Sống thiểu dụng tri túc, sống an vui, sống chân thành, sống tri ân, sống biết ơn. Biết ơn Trời Phật, Thầy Tổ, cha mẹ ông bà, tổ quốc, biết ơn chúng sanh, biết ơn vũ trụ bao la này đã cho ta nguồn sống vô hạn. Chỉ như vậy ta sẽ hiểu được mình, ta sẽ biết mình, ta sẽ có được mình. Hài lòng mình để chinh phục chính bản thân, hài lòng mình có được chính bản thân. Hài lòng mình để được sống đích thực hơn hài lòng họ, đã chinh phục họ nhưng họ không bao giờ thuộc về mình, hài lòng họ để có họ nhưng chẳng thuộc về ta, hài lòng họ để đánh mất mình, để điên đảo mộng tưởng, để chao đảo trong những cảm xúc qua những hành động, nghĩa cử họ đối xử với chúng ta.

Ngày cuối năm đang tới gần, mỗi người phải chiêm nghiệm trở lại, trở về với chính mình, làm hài lòng theo lời Đức Phật dạy bằng cách sống lan tỏa yêu thương. Hãy nhớ thói đời dù mình có hy sinh tất cả thiên hạ cũng chẳng hài lòng. Hàng trăm, hàng ngàn những sự tốt đẹp ta trao cho họ, nhưng chỉ một lần phật ý thì những điều tốt đẹp kia như đổ sông trôi mất. Đã biết bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy dài vì ai đó, có thể là trong gia đình, thân tộc hoặc bạn thân, hoặc người nào đó ta làm hài lòng, giúp đỡ họ nhưng rồi hai chữ ta thốt ra họ bội ơn ta. Và khi ta làm phật ý họ nhưng không phải sai, chỉ phật ý họ thôi là họ giãy đùng đùng, họ nằm lăn ra đất, họ gào, họ khóc, họ chửi. Thế là bao nhiêu những điều tốt đẹp hài lòng họ nay trở ngược lại quật vào mặt ta, đau đớn vô cùng. Ta đã đánh mất bản thân vì người và ta cũng đánh mất bản thân vì lao tâm khổ trí vào những chỗ hư vọng, hão huyền.

Hoa nở cần có gốc, người thơm nhờ có đức hạnh. Đức hạnh là gốc, đức hạnh có là nhờ tình thương, trí tuệ và tỉnh giác. Nhờ nước, mặt trời và mặt đất ôm ấp che chở. Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác có đủ, thiên địa nhân, môi trường sống hài hòa giữa trời đất bao la vô tận. Tuy ta nhỏ bé chưa thể so bằng hạt bụi, li ti như một vi trần, nhưng ít nhất ta vẫn hòa mình vào không gian vô tận này không tách rời, để tiếp nhận năng lượng sống thực sự để tỏa hương thơm của đức hạnh nơi tình thương, Trí tuệ, Tỉnh giác. Ta hãy làm hài lòng mình trong những ngày cuối năm này bằng sự trau dồi đức hạnh, qua quán chiếu tâm Từ bi, tâm Trí tuệ, tâm Tỉnh giác. Để ta tìm lại ta, ta chinh phục được chính ta, ta chiến thắng được bản ngã trông đợi người ta biết ơn tri ân khi làm một việc gì đó cho người. Để rồi thốt lên sự đau đớn quằn quại cả trăm ngàn lần ta hài lòng họ, một lần phật ý họ ghét cay ghét đắng.

Kính Pháp Cú Đức Phật dạy chiến thắng hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn quân địch trên chiến trường, chẳng bằng chiến thắng chính mình. Làm hài lòng hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người trong xã hội trong đời này, chẳng bằng làm hài lòng chính mình. Chính phục cả thiên hạ nhưng nếu không chinh phục được chính cái tâm của mình, thì sự chinh phục thiên hạ kia chẳng khác gì kẻ ngu đần đang đào mộ chôn thân mà chẳng hề hay biết. Mỗi khi phật ý người ta chửi chê mình, tức là bao nhiêu lần bạn làm hài lòng người ta như kẻ ngu, kẻ đần, kẻ khờ, đào lỗ chôn thân, nay tự vùi mình trong những cảm xúc cay đắng của sự ghét bỏ do làm phật ý người. Hãy trở về làm hài lòng chính mình bằng yêu thương bản thân, để đưa mình sống trong trí tuệ, thoát khỏi u mê. Hãy làm hài lòng chính mình, sống bằng tình thương để đưa mình sống trong sự tỉnh giác, để thoát khỏi mọi sự cám dỗ, lừa gạt của tâm tham sân si.

Bạn ơi! Đừng cứ phải làm hài lòng mọi người, cuộc đời sinh ra ta biết tri ân Trời Phật, Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, các bậc thầy, quốc gia, thân bằng, chúng sanh. Phật dạy chỉ cần biết tri ân, biết hiến dâng hạnh phúc, biết tháo gỡ khổ đau cho nhau và biết sống tỉnh thức mỗi ngày. Có như vậy hương đức hạnh của ta tự lan tỏa, dù thời gian có ngàn năm sau, vô lượng kiếp sau hương đức hạnh đó vẫn ngược dòng thời gian mà lan tỏa mãi mà thôi. Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió, nhưng hương người đức hạnh ngược gió vẫn tung bay. Bạn thấy chưa, nếu bạn làm hài lòng người ta cũng chỉ như hương hoa thôi, ngược tâm ý của họ, phật ý của họ là nó hết thơm rồi, hết đẹp rồi. Nhưng bạn có hương đức hạnh chẳng cần phải làm hài lòng họ, nhưng sống đối xử với mọi người chân thành tử tế, sống đối xử với mọi người với tâm chân thật. Chỉ cần mang ba bửu bối đỉnh đỉnh cao nhất là yêu thương, là trí tuệ, là tỉnh giác và ba bửu bối này ứng xử với nhau bằng sự tử tế, bằng lòng biết tri ân, biết ơn, công bằng vậy là đủ. Chị đâu mà phải làm hài lòng người ta, sống như vậy là sống quên mình, nô lệ cho cảm xúc. Tưởng là hay, chinh phục cả thiên hạ nhưng hóa ra chỉ là người đào mồ chôn thân.

Càng về những ngày cuối năm ta kiểm điểm tức là quán chiếu, là nhìn lại và sàng lọc để mang những điều cao quý vào kho tâm thức của mình và gạt bỏ ra những rác rưởi, những hành động, suy nghĩ không cần thiết, không thể ứng dụng vào cuộc sống mang an lạc hạnh phúc cho ta, gạt ra. Phải mạnh dạn như vậy, đừng ôm đồm quá nhiều. Sống không cần phải làm hài lòng mọi người nhưng cần phải làm hài lòng mình bằng tin hơn chính mình, bằng thắp sáng đuốc tuệ và tỉnh giác, sống chỉ cần chân thật, sống chỉ cần đối xử tử tế, công bằng yêu thương, biết hiến dâng, biết san sẻ, biết tận hiến, biết hòa mình. Chẳng cần trông đợi sự tri ân, biết ân dù một lần, trăm lần, ngàn lần hoặc hàng ngàn, hàng ngàn lần làm việc tốt. Chẳng mong chờ sự tri ân, biết ơn, không cần, bởi ta là người có tâm từ bi, là hiến dâng hạnh phúc. Người biết hiến dâng không bao giờ trông đợi sự tri ân, sự cảm ơn, sự đền đáp của người khác, bởi ta hiến dâng mình ta đâu dùng tình cảm để trao đổi cảm xúc, không cần!

Sống tỉnh giác trong sự tỉnh thức của từng giây, được soi chiếu bằng ánh sáng của tư tưởng thông suốt và mang tình thương đầy đủ để san sẻ cho nhau, người ấy luôn làm hài lòng bản thân và mọi người sống chung quanh như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, thiên hạ này họ sẽ hài lòng. Bởi ta sống đúng, ta sống chân thật, ta sống yêu thương Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Ta sống biết san sẻ và tận hiến mà chẳng trông đợi một điều gì nơi người đối với ta, họ sẽ hài lòng. Sống như vậy thì thiên hạ hài lòng, còn sống mà làm hài lòng mọi người để chinh phục họ là người khờ khạo nhất trên thế gian. Kết quả là cảm xúc cay đắng khi một lần phật ý họ ghét, họ ruồng bỏ, họ chê bai, họ chửi bới. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con có đủ tâm lực kiên định trong sự tu tập mật thiền chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi, thắp sáng Trí tuệ, sống đời Tỉnh thức. Để biết sống chân thật, sống tử tế, sống tri ân và biết ơn, biết sống đối xử công bằng. Xin gia trì cho chúng con thành tựu được những điều này.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng, lan tỏa tới muôn nơi.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts