Search

3178. Hồi trước con có giết chó mèo, giờ mỗi lần nhìn chúng thấy có lỗi, sám hối có được tha thứ?

Bảo Thiện đánh máy

Mô Phật, Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Youtube, Facebook và Zoom.

Giờ đồng tu đã tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập mật thiền chánh niệm hơi thở, để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, thắp sáng đuốc tuệ, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho ông bà cha mẹ và tất cả mọi chúng sanh tại tiền được tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Ngày mùng 2 tháng giêng năm 2023 rồi, chẳng còn thuở đó nữa mà đã qua. Trở về với biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống từ thời trước và sau Đức Phật cho tới hiện tại, chúng ta luôn luôn phải đương đầu với đau khổ phiền não và nương vào sự dạy dỗ của Phật, quán chiếu tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác. Ngày hôm nay, lúc này, mỗi người chúng ta đều có cơ hội lấy Trí Tuệ của mình làm sự nghiệp giải thoát và lấy tình yêu thương lan tỏa đến mọi nơi. Ngõ hầu năm mới này mỗi người chúng ta đều bớt phiền, bớt đau khổ, thêm một chút hạnh phúc an lạc trong cuộc sống. Qua mật thiền chánh niệm hơi thở hít vào thở ra trong chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng thanh cao của chư Phật và hồi hướng tới những người ta yêu thương. Chúng ta hãy bắt đầu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn đồng tu, sự tỉnh giác rất cần được tu luyện, bởi cuộc đời chúng ta rất dễ rơi vào u mê tăm tối. Biết bao nhiêu những cám dỗ, những thử thách, là người khi đương đầu vào những chuyện ấy, nếu tâm của chúng ta không tu luyện để được làm chủ, mấy ai có thể thoát ra khỏi vòng thử thách của tham dục, của danh lợi, của quyền chức, của địa vị, của ái tình. Chính vì điều ấy Đức Phật đã dạy đặc biệt là trong Kinh Pháp Cú, mỗi người phải ý thức và cần phải tu học để làm chủ tâm của mình. Tâm của mỗi người chúng ta tạo ra thật nhiều nghiệp, khi nói đến chữ nghiệp các bạn đừng sợ. Chữ nghiệp là nói chung, trong nghiệp đó có nghiệp ác và nghiệp thiện. Ác và thiện nghiệp này chúng ta từ vô lượng kiếp qua đó là nói xa, nói xa để mà nghĩ không tới nhưng nói thật gần trong lúc này, kiếp này thôi. Thuở ý thức được, hiểu được đúng sai, thiện ác, ta nhìn lại một chút sẽ thấy mỗi người đều đã tạo ác và đều đã hành thiện, ít nhiều từ chỗ ác hay thiện đó là tùy theo mỗi người chúng ta, nhân duyên, môi trường sống, sự tu học.

Chuyện ác ta làm, chuyện xấu ta làm, chuyện sai trái ta làm, thường vẫn là gánh nặng đè lên đôi vai của mỗi người. Sự sai trái lầm lỗi ấy có nhiều người cứ áy náy và đau khổ hoài. Nhiều khi muốn làm một chuyện gì đó tốt hơn, nhưng hồi xưa đã sai không những mình cảm thấy hối hận, mà người gần gũi với ta họ không nhìn thấy cái đúng của hiện thời, mà họ chỉ nhìn thấy cái sai của quá khứ, họ cứ trách móc, họ cứ phơi bày và họ cứ nhắm vào chỗ đó, xoáy vào chỗ mà thật ra nó đã qua. Không phải họ mà chính mỗi người chúng ta cũng có thói quen nhìn thấy lỗi của người khác. Cái hay, cái tốt của người ta ít có khi nào thấy được, mà ngược lại ta lại thấy được cái hay cái tốt của mình, chẳng bao giờ thấy được cái sai của chúng ta.

Nhóm của chúng ta và tất cả những ai có căn duyên phù hợp đi theo một tôn giáo nào, hoặc tu theo một pháp môn phương tiện nào đó, hoặc thuần túy là lời của Đức Phật dạy. Thì đều nhận thấy rằng tu là sửa những lầm lỗi và cái sửa sai trái, lầm lỗi đó là do ý thức của mỗi một người, qua công phu tu tập mà sửa được nhiều hay ít, hoặc đôi khi chẳng thể sửa. Nhưng vẫn có những niềm tin khi ta đã sai, ta phải bị trừng phạt mãi mãi và nếu được tha thứ thì phải làm một chuyện gì đó để người có quyền năng, người ở trên cao, bậc tối thượng mới tha thứ cho ta được. Ngầm nói lên rằng mọi sự sai trái hoặc gọi là phạm tội, là phạm đến đấng thiêng liêng, nên vì đó mà muốn được tha là phải đấng ấy tha cho chúng ta. Niềm tin này có từ lâu lắm rồi, được lưu truyền trong sách vở và lưu truyền trong sự tu tập, nhắc nhở, dạy dỗ. Cho tới khi Đức Phật giác ngộ, Ngài nhìn thấu, hiểu thấu và rõ, chính xác luôn, không thể chối cãi được. Bởi Ngài đã giác ngộ, Ngài nhận ra rằng từ xưa đến giờ chúng sanh nói chung, cứ mang ở trong lòng sự suy nghĩ rằng ta phạm đến thần thánh, trời, Phật nên luôn luôn bị các đấng đó trừng phạt chúng ta và muốn được tha thứ phải cầu xin, cầu nguyện, năn nỉ ỉ ôi dữ lắm, nghi thức, nghi lễ Phật trời, đấng thiêng liêng mới tha cho chúng ta.

Nghiệp chẳng ai có thể tháo gỡ, tạo ra được nhưng mà không tháo gỡ được. Thì Phật thấy điều đó khi giác ngộ và nhận ra nó sai, Phật tuyên bố thẳng thừng rõ ông trời, Đức Phật, các đấng thiêng liêng không bao giờ trừng phạt chúng ta, bởi các đấng ấy là các bậc giác ngộ, hiểu thấu chỉ có tình yêu thương rộng mở và luôn luôn sẵn sàng nâng đỡ qua sự dạy dỗ, hướng dẫn cho chúng ta các phương thức, để những người như chúng ta đây không còn tái phạm, tạo ra nghiệp, tự hại bản thân. Ngài nhìn thấy, dạy dỗ rằng chúng ta phải nghe các đấng bề trên, khi phạm tội ta tạo ra chẳng phạm đến các Ngài để làm cho các Ngài phải giận dữ, trừng phạt ta và khi phạm tội rồi có sám hối thì chẳng phải là sám hối để Phật trời tha thứ. Nghiệp do ta tạo ác hay thiện cũng do ta tạo. Nếu tạo ra nghiệp ác ta cũng tạo ra nghiệp thiện, lấy nghiệp thiện và dừng nghiệp ác, thì những nghiệp ác ta tạo sẽ được chuyển hóa. Đây là điều tất yếu và là một sự khẳng định thật rõ, để chúng ta không còn làm sai nữa, mà biết đứng dậy chịu trách nhiệm, nhìn thấu được những suy nghĩ, hành vi và lời nói của mình tạo ác hay hành thiện, để ngăn chặn hoặc để tăng trưởng. Nhận lại cái quyền của chính mình và sửa sự hiểu sai, để làm mới cuộc đời trong năm mới rất quan trọng.

Bạn đồng tu hỏi rằng “Hồi xưa từng giết chó mèo, nay thấy chúng cảm thấy có lỗi, sám hối không biết có được tha thứ hay không?”

Riêng về Phật giáo, Đức Phật dạy sát hại sinh mạng của tất cả mọi loài chúng sanh đó là nghiệp sát, đó là hành động ác, tạo ra nghiệp lực xấu, nghiệp này ta phải trả. Hại người thì nghiệp này sau này người hại ta hoặc ta sẽ gặp nhiều những nghiệp quả không tốt cho sức khỏe, tổn hại đến tinh thần và làm ta vô minh, không nhìn thấu được nhiều chân lý.

Các bạn! Trong năm giới của Đức Phật dạy cấm sát sanh, giết chó mèo hoặc các loài sự sống khác đều phạm vào giới sát sanh. Có thật nhiều người trong chúng ta phạm vi vào giới này, nhưng chẳng thấy có lỗi. Như bạn đạo của mình nay nhìn thấy chó mèo hoặc súc sanh thì có lỗi, cảm nhận có lỗi hồi xưa đã giết hại chúng. Một số người khác giết hại chúng sanh rồi, nay nhìn không có lỗi mà còn thích thú, đắm chìm, muốn sát hại để làm sung sướng sự hưởng thụ. Nhưng ngược lại nghiệp thì vô số, trả hoài sẽ không hết. Sám hối rồi có được tha? Được tha, nếu như ta hỏi câu sám hối rồi có được tha, thì được tha kia phải là một đối tượng cao cả hơn để tha thứ cho chúng ta. Nếu hỏi được tha bởi một đối tượng ấy có thể là Phật, là trời, là đấng thiêng liêng, đấng tạo hóa theo tôn giáo suy nghĩ của mình nghĩ, trong sự sám hối của mình thì cách nhìn đó cũng được. Đối với căn cơ phù hợp trong nghiệp duyên của người ấy, như là một bước đầu lấy đối tượng cao hơn làm đề mục để sám hối và nhận sự tha thứ. Nhưng khi học Phật đã trưởng thành, thấu được lời của Đức Phật rồi, thì không có đấng nào tha thứ cho chúng ta, bởi ta không thể phạm tội đến các Ngài được. Sát sanh kia chẳng phải là tội sát phạm đến trời Phật để các Ngài tha thứ, bởi nghiệp ấy ta tạo, ta chịu, chẳng vì ta tạo nghiệp sát mà các Ngài sân giận trừng phạt và rồi vui vẻ khi ta sám hối, van xin, tha thứ cho ta. Khi thấu được nghiệp tạo thiện ác do ta, ta sám hối có nghĩa là đã nhìn ra được lầm lỗi phạm giới thứ nhất sát hại mạng sống của chúng sanh. Ta thấy có lỗi, ta sám hối, tức ta hứa với lòng mình không bao giờ phạm nữa, không sát sanh nữa, ngừng. Đó là một cách sám hối nhưng sám hối trọn vẹn hơn, đúng hơn, thì phải ngừng tạo nghiệp sát sanh và phải phóng sanh, để đền bù lại những nghiệp hoặc làm cân bằng lại nghiệp lực của một thuở ta đã sát sanh, sám hối phải kèm theo phóng sanh.

Khi sát sanh, sám hối phải kèm theo phóng sanh, ngừng tạo nghiệp sát, tạo thêm phước đức, phước báu, công đức cho nghiệp phóng sanh. Đó chính là pháp tự tha thứ cho mình. Đó chính là pháp để chuyển hóa nghiệp sát ta đã tạo ra, ngừng sát sanh nghĩa là không tạo nghiệp sát nữa. Nhưng nghiệp sát ta đã tạo vẫn còn đó, nếu không sám hối bằng cách phóng sanh, từ thiện, bố thí, hành các pháp thiện, thì chẳng thể tăng trưởng công đức, phước báu để đền bù. Đây là nói theo văn ngữ của tín ngưỡng, còn nói cho đơn giản là chuyển hóa hoặc làm cân bằng, thăng bằng nghiệp của chúng ta, hoặc lấy nghiệp thiện bù vào nghiệp ác, làm thăng bằng, hài hòa và dần dần tăng trưởng nghiệp thiện để nghiệp ác không còn nữa. Nếu không thì nghiệp sát kia vẫn có lực xoay chuyển, trổ quả và những quả của nghiệp sát rất nguy hiểm đến sức khỏe của mỗi người, tạo ra bệnh hoạn, tạo ra sự nóng giận, tham dục, nhiều lắm.

Nếu chi ly ra mà kể thì nhân của nghiệp sát trổ ra vô vàn những quả xấu cho chúng ta, để ngăn chặn cho quả xấu đó không có cơ hội phát triển ta phải ngừng tạo nghiệp sát. Bởi khi tạo nghiệp sát nữa là ta đã tạo điều kiện cho những nghiệp lực do nhân sát kia trổ quả, ngay trong đời này chẳng đợi kiếp sau. Do đó ngừng ngay chuyện sát sanh, hành thiện, bố thí, cúng dường, san sẻ yêu thương, đặc biệt là phóng sanh. Điều ấy là sự tha thứ cao cả, triệt tiêu, chuyển hóa tất cả mọi nghiệp sát ta đã tạo ra. Khi tâm ta làm chủ thiện ác ta là người thay đổi được nghiệp của chúng ta, ta là người tạm gọi là tha thứ được cho chính mình qua sự sám hối. Do đó nếu bạn đã giết chó mèo nói riêng, sát sanh các loài khác nói chung, nay nhận ra đó là tội lỗi, sám hối, phóng sanh, từ thiện, bố thí, san sẻ yêu thương, thực hiện các pháp thiện lành, tu tâm dưỡng tánh. Nhất định bạn tự tha thứ cho bản thân và nhất định bạn sẽ chuyển được nghiệp, để nghiệp ác xưa không trổ quả, miễn là bạn phải hành được nhiều pháp thiện.

Trong kinh Đức Phật thường nói như một muỗng muối hòa tan vào một ly nước, uống vào rất mặn, có nghĩa muối tượng trưng cho các nghiệp ác ta tạo ra dù chỉ một muỗng. Nhưng ta không làm được việc thiện nhiều, trong lòng của ta nhỏ lắm, bé lắm, chuyên môn thực hiện các pháp ác, phước báu bé như cái ly thôi, công đức nhỏ như cái ly. Thì muỗng muối kia khi hòa tan vào ly nó sẽ mặn, có nghĩa dù những pháp ác tạo ra sau này nhỏ cũng sẽ trổ quả. Nhưng nếu một muỗng muối thả xuống dòng sông thì chẳng làm cho dòng sông mặn, Đức Phật giải thích nếu chúng ta tu pháp thiện, bố thí, từ thiện, phóng sanh, san sẻ yêu thương để lòng của ta, trái tim, tình yêu thương của ta rộng lớn, luân lưu như dòng sông. Thì dù là một việc ác nhỏ như muỗng muối thả xuống, muối đó chẳng làm cho dòng sông mặn, nghĩa là nếu ta tạo ra một chút ác mà biển công đức, phước báu của chúng ta lớn, thì nhân nhỏ kia cũng nghiệp ác không có cơ hội trổ mầm. Lấy lời dạy của Đức Phật ta ứng dụng vào đời thường của Phật tử tại gia, ai trong chúng ta, Bảo Thành và các bạn cũng đã từng tạo nghiệp sát. Đầu tiên là phải ngừng ngay nghiệp sát đó, sám hối và phải tăng trưởng công đức, phước báu của chúng ta qua các việc từ thiện, bố thí, san sẽ yêu thương, làm các pháp thiện lành và phóng sanh để tăng trưởng cho nó lớn như dòng suối, luân lưu năng lượng thanh tịnh. Thì nghiệp sát của quá khứ như muỗng muối thả xuống không bao giờ mặn thêm được và chẳng trổ quả.

Chúng ta tu là ý thức hiểu thấu làm chủ tâm, làm chủ nhân quả và chuyển hóa nhân quả đó qua từng ngày tháng, tích lũy phước báu và công đức qua mật hạnh tu tập. Bỏ ác hành thiện, tâm ý thanh tịnh, hành được điều ấy. Nếu bạn còn mang tâm lý rằng khi phạm tội phải cầu xin ai đó tha thứ, thì điều ấy Đức Phật dạy rằng không cần, đó là cái thuở ban đầu chưa học pháp, đó là thuở ban đầu chưa hiểu thấu, nghiệp do ai tạo và luôn luôn suy nghĩ ông trời, thượng đế tạo ra và làm chủ chúng ta, ác hay xấu đều do Ngài tạo, trừng phạt hay khen thưởng, tha thứ hay chấp tội đều do Ngài. Thì đó là thuở mà ta chưa nhìn thấy ánh sáng trí tuệ của Phật và chưa nhìn thấy ánh sáng trí tuệ, thắp sáng trí tuệ của mình. Ta hay đổ thừa, ta sống vô trách nhiệm, tốt xấu gì cũng do ông trời, thôi cứ sống. Nếu mà tạo ác thì cũng nói rằng ông trời ổng đặt để tôi vào sinh mệnh, định mệnh như thế. Nếu làm được chữ thiện ông trời ban cho tôi, cứ như vậy mà sống vô trách nhiệm. Đức Phật hướng dẫn cho chúng ta là những người đã trưởng thành, phải đứng dậy chịu trách nhiệm giữa cái ác và thiện, tội lỗi, sám hối, tha thứ cho mình và đứng dậy làm mới cuộc đời, thay đổi và chúng ta có khả năng đó. Để từ đó không có ghép tội cho trời Phật nữa, không có ghép tội cho các đấng thần linh nữa. Tất cả các Ngài chẳng bao giờ chấp tội bởi đã có lòng từ bi yêu thương, có trí tuệ là giác ngộ rồi. Chẳng bao giờ các Ngài trách cứ chúng ta, chẳng bao giờ các Ngài tạo ra những điều gọi là nghiệp xấu cho chúng ta, nghiệp xấu hay nghiệp tốt đẹp đều do chính ta.

Từ nay chúng ta phải ngưng đừng đổ lỗi cho ông trời, đừng trách cứ trời Phật, đừng ghép tội cho các Ngài mà nhận tội nơi bản thân. Thấu rõ được sự sai trái đã sát sanh, thấy có lỗi, sám hối và hành các pháp thiện đi, bạn tha thứ cho bản thân được, bạn chuyển hóa nghiệp được. Hãy tăng trưởng phước báu, công đức lớn như một dòng sông luân lưu mãi, để một muỗng muối thả xuống dòng sông không trổ quả xấu ác. Còn nếu bạn không làm được việc đó bạn đã thắt chặt tâm của bạn nhỏ với những việc ác như ly nước, để một muỗng muối nhỏ đổ vào ly nước bạn uống vào sẽ mặn chát, những nghiệp quả xấu trổ ngay trong kiếp này bạn phải chịu. Học Phật là như vậy, hiểu thấu để ứng dụng. Chúng ta tu Phật Pháp là để ứng dụng vào đời sống rất thường của kiếp người, lời Đức Phật dạy ứng dụng rộng rãi vào kiếp người, thì mỗi người chúng ta sẽ chuyển hóa được nghiệp ác đó các bạn và tăng trưởng được nghiệp thiện, có phước báu, công đức. Và những quả xấu đã trổ sẽ ngừng trổ thêm, những nhân xấu ta đã tạo không có trổ quả được, ngừng trổ quả và dần dần triệt tiêu bởi những nghiệp thiện ta tạo ra.

Đây là điều rất đặc biệt, ta làm chủ được cuộc sống, thay đổi được nghiệp quả và chấm dứt được chuyện trách cứ sai lầm, ghép tội cho trời Phật trừng phạt ta hoặc chỉ có các Ngài mới tha thứ được cho ta. Ta khi còn sống tha thứ được cho bản thân qua sám hối và hành thiện. Ta khi còn sống ta có thể tha thứ được cho tất cả những người phạm lỗi đến ta, sai phạm đến ta, bằng các pháp thiện và san sẻ phước báu công đức cho nhau. Đừng trách cứ nhau bằng cách làm cho trái tim của người và ta hòa nhập như một dòng sông, phước đức công đức của người và ta hòa nhập như một dòng sông, để những sai phạm nhỏ đối với nhau đều được tha thứ và chẳng làm cho các nghiệp ác trổ quả nơi cuộc đời nhân thế này.

Các bạn! Đức Phật là một nhà giáo dục, dạy dỗ ta để ta hiểu thấu và trưởng thành, làm chủ cuộc sống. Ngày mùng 2 tháng 1 năm 2023, 23 rồi không còn 22 những năm tháng cũ, 23 rồi ta được nghe lời Phật, được sáng ra, tưới tẩm những căn thiện lành để ứng vào đời sống thường trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đồng. Để xây dựng một nền hòa bình tự tâm. Để chuyển hóa nghiệp chướng nhiều đời ta đã tạo. Để tha thứ cho mình và cho người và để ngừng hẳn nghiệp ác, tạo những nghiệp thiện. Ta phải luôn luôn có sự quyết tâm nỗ lực cao, dành ưu tiên cho những thời khóa tu tập mỗi ngày để trưởng dưỡng, để nhắc nhở, để dìu dắt nhau hiểu thấu và thực hành đúng để đời an, đời vui, đời hạnh phúc. Đừng bao giờ đắm chìm trong sự hiểu sai để lâng lâng như khúc gỗ mục trên dòng sông, phó thác cuộc đời xui hay là hên, tốt hay là xấu cho trời Phật để than trách, để oán trách, để van lạy. Mà phải đứng dậy như một người đã trưởng thành trong chân lý Phật đã dạy, được khai trí nơi cuộc đời này, chịu trách nhiệm đối với bản thân và có trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhân loại, gia đình.

Cần phải xây dựng suy nghĩ như vậy, có một cái nhìn sáng suốt, có một sự suy nghĩ thông suốt và vận hành ứng dụng vào mọi hoàn cảnh sống, mọi hiện tượng sống, mọi môi trường sống, mọi sự tương tác trong cuộc sống. Để chúng ta một lần nữa trong năm này tự đứng dậy làm chủ cuộc sống, vận hành thiện nghiệp, trổ sinh hoa quả, hoa trái tốt cho cuộc đời, cho mình. Đây là điều mà chúng ta gửi tới nhau trong ngày thứ hai của năm 2023, mong rằng tất cả các bạn suy nghĩ, suy ngẫm, nghiền ngẫm cho kỹ, ứng dụng vào bạn sẽ không còn áy náy vì những nghiệp sát và những nghiệp xấu bạn đã tạo ra. Vì bạn đã biết đứng dậy chịu trách nhiệm, sửa chữa những sai phạm bằng sự ý thức, thấu rõ nghiệp quả, nhân quả để đoạn ác hành thiện. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Ai trong chúng con cũng đã từng tạo nghiệp sát thật nhiều và tạo ác thật nhiều. Từ xưa chúng con không hiểu nên đổ thừa trời Phật, thượng đế, thần linh là các đấng ban ơn hoặc là trừng phạt. Nhưng nay chúng con đã hiểu tất cả những điều ấy, tốt xấu tới trong đời đều do nghiệp chúng con tạo. Chúng con tạo nghiệp ác và tạo nghiệp thiện, nên nguyện tạo nghiệp thiện để chuyển hóa nghiệp ác, làm chủ cuộc sống trong sự an lạc và hạnh phúc, lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng trí tuệ cho muôn người, để mỗi người đều đứng dậy chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, quán tâm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác, tiếp nhận năng lượng, hồi hướng cho nhau, thành tâm sám hối, phát nguyện hành các pháp thiện lành.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn