Search

3152. Làm sao để bỏ được những tật xấu, dẫu biết rằng là xấu nhưng con vẫn chưa bỏ được?

Bảo Đăng đánh máy

Chúng ta hãy trở về với hơi thở chánh niệm, quán chiếu tâm Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác qua ba mật ngôn vi diệu Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê. Nguyện nguồn năng lượng vi diệu lan tỏa xuống và tới tất cả mọi loài chúng sinh. Chúng ta hãy bắt đầu ngồi ngay ngắn, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ tâm thanh tịnh, hít thở đều đặn buông thư.

Ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hôm nay chúng ta đồng tu, các bạn có câu hỏi hãy hỏi câu đó để chúng ta cùng chia sẻ với nhau trên con đường tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính Bạch Sư Phụ! Con có câu hỏi “Làm sao để bỏ được những tật xấu, dẫu biết rằng tật xấu nhưng con vẫn chưa bỏ được. Con phải làm sao? Xin Sư Phụ từ bi hướng dẫn”

Câu hỏi rất hay, làm sao có thể bỏ được những tật xấu? Chúng ta không thể bỏ được tật xấu của mình nếu không biết và nhận diện ra tật xấu ấy. Nhưng câu hỏi nói thêm rằng dẫu biết đó là tật xấu, nhận ra nhưng không thể bỏ. Trên đời này không có chuyện gì mà không thể, chỉ vì ta không xác định thật rõ điều mình muốn làm, từ đó thả lỏng cho cuộc đời trôi dạt tới đâu thì tới. Đức Phật dạy như vầy “Những vị Tăng Ni xuất gia nếu ở trong một ngôi chùa, giữa đêm nhận ra ngôi chùa ấy không bình an, không tốt, cũng phải đứng dậy mà đi ra khỏi chùa”

Nhận ra điều xấu và ngôi chùa không tốt, những vị xuất gia cũng còn phải đứng dậy từ bỏ ngôi chùa đó mà ra đi. Nhưng có biết bao nhiêu tật xấu nơi Phật tử tại gia hoặc nơi mỗi người chúng ta, không thể nói rằng chúng ta không nhận ra là xấu. Ta biết đó là tật xấu, ta đã một lần hứa với vợ, với chồng hoặc hứa với bản thân sẽ dừng lại, một lần hứa rồi không thành, hai lần hứa ngon trớn, ta hứa cả đời mà chẳng bao giờ dừng lại. Rồi ta cứ như thế chẳng bao giờ dừng được, dẫu vẫn biết tật xấu không tốt.

Ở phương tây các bậc phụ huynh nếu thật sự quan tâm đến nền giáo dục và con cái của mình, trước khi mua nhà hoặc rời tới một địa phương nào đó họ ở vì công ăn việc làm, họ đều nghiên cứu địa phương, thành phố nào có môi trường tốt đẹp, có học đường ở cấp độ chấm điểm với bậc thang cao, dù nhà cửa nơi đó có mắc họ cũng sẵn sàng tới hoặc phải sống xa hơn, nhưng vẫn chở con cái tới ngôi trường dạy dỗ tốt và sống trong môi trường tốt đẹp. Và người phương tây thường di chuyển nhà cửa, luôn luôn tìm một nơi có môi trường lành mạnh cho con cái sống. Khi con cái còn nhỏ, môi trường sống ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người chúng ta rất rõ.

Đức Phật dạy chúng ta phải tiếp cận và gần gũi với các bậc thiện tri thức, thiện, có tâm thiện và có trí tuệ, gần gũi để nương vào những bậc ấy ta nhận rõ được tật xấu của mình, hùng lực của các bậc ấy giúp ta chuyển hóa. Ông bà thường nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Biết bao nhiêu tật xấu chúng ta vẫn cứ tiếp tục, chúng ta nhận ra nhưng vì môi trường chúng ta sống ta không dứt khoát thoát ra được, hoặc tự ngăn chặn mình không tiếp cận nữa. Do vậy tật xấu đó không bao giờ có thể chuyển hóa được.

Một ví dụ điển hình trong cuộc đời này tại Việt Nam chúng ta, môi trường ăn nhậu đầy đường hết. Sau những giờ làm việc cực khổ, lon ton trên xe hơi hoặc xe Honda, hai bên đường có những quán nhậu xả ga, bạn bè gọi nhau, phone kêu rần rần, thúc giục và hẹn nhậu. Nhìn ngang dọc chỗ cũng đầy ắp người, môi trường như thế dù ngược xuôi ta vẫn ngửi được mùi nồng nặc của rượu, làm sao những người thích uống rượu thoát ra được. Vẫn biết vợ con trách móc, vẫn nhận ra thói xấu nhưng khó cưỡng. Luẩn quẩn trong vòng xoáy của sự hấp dẫn trong môi trường như vậy, ai trong chúng ta có đủ sức để cưỡng lại và thế dòng trôi của cuộc đời đã nhận chìm ta, ta không thoát ra được vòng xoáy ấy, thật khó.

Có một câu rất đặc biệt của một bậc trí tuệ nói rằng: “Nếu tay phải nhận ra tay trái làm điều tội lỗi, sai, nhất định phải dõng mãnh chặt đứt tay trái, thà mất một tay mà không phạm tội để hủy diệt cuộc đời. Nếu mắt phải nhận rõ mắt trái đang nhìn và sói vào những điều tội lỗi, phải mạnh dạn móc ngay mắt trái bỏ đi, còn không còn hai mắt mà hố sâu của tội lỗi sẽ chôn vùi chúng ta”.

Đây nói tới chỗ ta phải có một sự quyết định dõng mãnh, dám chặt bỏ và lìa xa môi trường xấu, chặt bỏ lìa xa những tật xấu bằng cách dọn đi tới những chỗ tốt đẹp hơn. Những tật xấu thật khó bỏ nếu các bạn không tiếp cận với các vị thiện tri thức. Những tật xấu thật khó chuyển hóa nếu chúng ta cứ tự cao, tự đại, tự ngã ngất ngất ở trên trời, chẳng biết nương vào sức mạnh trí tuệ của những bậc thiện tri thức. Vòng xoáy của những tật xấu trong cuộc đời, nơi môi trường ta sống sẽ cuốn ta phăng đi, khó có thể dừng lại được.

Môi trường sống rất quan trọng để chúng ta chuyển hóa những tật xấu, cho nên bước đầu tiên bạn đã thành tựu được là nhận ra, nhận diện ra những tật xấu của mình, biết được những tật xấu của mình là khởi điểm tối quan trọng. Chỉ buồn rằng ai đó trong cuộc sống không nhận diện ra những tật xấu mà thôi. Chúc mừng bạn đã nhận ra cái xấu của chính mình, khi chúng ta xấu, tật xấu ta làm mà không nhận ra ta xấu toàn tập. Khi ta có những tật xấu mà nhận ra, ta đã làm mới cuộc đời bởi sự nhận ra đó gọi là ta biết ta xấu, ta biết ta có những tật xấu. Từ chỗ biết đó ta di dời những sự nhận thức, những quan điểm, những suy nghĩ, hành vi xấu tới một chỗ an toàn, tốt đẹp hơn. Bằng cách nương vào những người có trí tuệ, những bậc có lòng từ ái yêu thương, để được học hỏi, nghiên cứu những phương pháp chuyển hóa nội tâm, dứt khoát phải đi từ chỗ đó.

Đừng sợ, làm sao chúng ta đừng sợ, làm sao chúng ta không sợ, ở đời thường nói bởi nhiễm phim kiếm hiệp người ta nói rằng nội công thâm hậu, muốn có nội công thâm hậu thì hơi thở là nòng cốt trong võ công, khí công, tức là hít thở tạo ra nội lực thâm hậu. Trong thiền định, trong tánh biết nhận rõ được bản thể để tạo mình có sức mạnh, thì hơi thở rất quan trọng. Đức Phật cũng dạy cho chúng ta theo dõi hơi thở, tập hơi thở chánh niệm, nhìn hơi thở vào, nhìn hơi thở ra trong chánh niệm, sẽ tạo cho mình có nội công thâm hậu để có sức mạnh thắng lại những tật xấu. Điều này chỉ có người nào thực tập mới nhận ra giá trị đó mà thôi. Còn nếu chỉ hiểu, chỉ biết mà không thực hành chẳng có nội công, khi gặp tật xấu đó, nhận ra tật xấu đó cũng đã quá muộn. Như người tự nhảy xuống vòng xoáy của dòng sông mà không tập bơi, chết chìm là đúng, có nổi thì cũng phải đợi 3-4 ngày sau.

Các bạn thân mến! Nhận ra tật xấu, dựa vào chánh niệm hơi thở để tăng trưởng nội lực, di dời bản thân khỏi môi trường xấu, tiếp cận với môi trường tốt và những bậc thiện tri thức là những điều rất cần thiết, để giúp chúng ta chuyển hóa mọi tật xấu trong cuộc sống. Sau đó ta sẽ được hướng dẫn, học hỏi những phương pháp chuyển hóa ngay khi những tật xấu đó bắt đầu khởi lên. Không có gì khó, chỉ sợ ta làm biếng, ta giải đãi, chỉ sợ ta không biết yêu thương bản thân của mình, không biết trân quý những người trong gia đình, để rồi đắm mình trong những tật xấu. Ngày qua tháng lại làm xấu cuộc đời của mình, làm xấu gia đình của mình, làm xấu những người yêu thương. Toàn diện môi trường xấu như thế tạo thành một khối ung thư tinh thần, tâm linh và những tâm cáu kỉnh, khó chịu, sân giận dễ trỗi dậy trong tương tác hàng ngày.

Người khôn ngoan là người biết di dời từ xấu thành tốt, người khôn ngoan là người biết chuyển hóa nội tâm. Bạn đã nhận ra tật xấu thì mau mau rời khỏi môi trường xấu kia. Trong chánh niệm của hơi thở lấy tâm làm chủ đạo, tâm theo dõi hơi thở bằng chánh niệm, tâm ấy được thuần thục, được thuần hóa, được làm chủ. Bạn có đủ dũng lực vượt qua thử thách của cuộc đời, tiếp cận với các bậc thiện tri thức một cách trực tiếp hoặc tiếp cận qua kinh sách, qua sự hướng dẫn thường xuyên của những vị nào đó bạn có nhân duyên, để tăng trưởng nội công thâm hậu, trở thành võ sĩ trên thượng đài giữa xấu và tốt, để cái tốt của chúng ta có thể đánh knock out cái xấu chỉ trong vòng một giây, một phút.

Khi bạn biết yêu thương mình, biết trân quý tình cảm của gia đình, bạn nhận diện ra tật xấu bạn sẽ sửa lại bằng cách đi vào sự công phu thực hành, không chỉ ngồi đó suy diễn, suy nghĩ. Thì bạn thật sự thương gia đình, thương người, yêu thương bản thân, bạn dám rời xa những môi trường xấu và cắt đứt mọi quan hệ với những người bạn, với những người thường dẫn bạn đi vào vùng tối của tật xấu. Hãy một lần dõng mãnh đứng dậy cho vững chãi, bước đi về phía trước, tiếp cận với các bậc thiện tri thức qua hơi thở chánh niệm để làm chủ tâm. Ngõ hầu những tật xấu sẽ là những trải nghiệm, những tật xấu của ta sẽ là những kinh nghiệm ta đứng dậy vững vàng hơn và đi vững chãi hơn. Chắc chắn tất cả các bạn, chắc chắn tất cả mọi người sẽ làm được điều này nếu biết thương gia đình của chúng ta.

Chúng ta hãy trở về với hơi thở của chánh niệm, quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác, hồi hướng cho bản thân của mình tích lũy được năng lượng vi diệu, có nội công thâm hậu và chúng ta cũng rải những năng lượng đó tới tất cả những người chúng ta yêu thương.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn