Search

Tranh Giành Gia Tài

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn!

Các bạn thân mến, chúng ta vẫn phải suy nghĩ, nói chuyện, nhìn, nghe, cảm xúc mỗi ngày trong cuộc sống – tất cả mọi giác quan trên con người của chúng ta vẫn luôn vận hành hằng ngày. Ai trong chúng ta nếu thiếu đi một trong những giác quan sẽ cảm thấy thiếu thốn vô cùng. Chúng ta sinh ra trên đời có đầy đủ ngũ căn – là tai, mắt, mũi, miệng, thân và ý nghĩ của chúng ta. Nếu ngũ căn lành lặn đầy đủ, thì cuộc đời hạnh phúc bởi chúng ta ứng dụng được những giác quan của mình như là một phương tiện để sống ở trên đời. Giác quan của chúng ta rất quan trọng bởi nó giúp cho chúng ta tiếp xúc với cuộc sống hàng ngày và ứng dụng chúng mang lại lợi ích cho chính chúng ta và cho tất cả những người sống chung quanh ta. Các bạn cứ tưởng tượng một người mù sẽ khổ sở biết bao – chỉ nói tới bình diện bên ngoài mà thôi. Có nghĩa là bị mù thì khó mà thấy được đường đi, phải nương nhờ vào cây hoặc nhờ người khác giúp đỡ, hoặc như người điếc thì chẳng nghe được tiếng của người khác và thiếu phước báu để nghe tiếng kinh của nhà Phật. Như người câm không thể nói, người bị liệt nằm tại chỗ không thể làm được gì hoặc như người mất cảm giác hoặc như người thần kinh bị tê liệt. Nói chung tất cả mọi cơ phận của con người nằm gọn trong những giác quan của chúng ta và những giác quan đó nếu như chúng có điều gì xảy ra ta sẽ cảm thấy bất tiện vô cùng trong cuộc sống này. Có một câu chuyện để chúng ta hiểu như vầy:

Thuở đó, có bốn anh em kia sống chung với vị cha già. Rồi khi đến ngày mạng chung, mấy anh em sau khi lo cho cha xong đã gây lộn cãi cọ rồi đánh nhau bởi khối gia tài của cha để lại quá nhiều, ai trong anh em của họ cũng muốn tranh giành giữ lấy, chẳng ai muốn chia đều cho nhau bởi ai cũng thấy mình quan trọng trong gia đình, xứng đáng hưởng trọn vẹn gia tài của cha. Người anh hai (anh cả) nghĩ ta sinh trước, ta là người sinh đầu tiên ta có quyền và ta đã có công chăm sóc cho các em vì vậy gia tài phải thuộc về ta. Người em kế cũng suy nghĩ theo hướng khác để đòi gia tài đó thuộc về mình vì mình là em được đón nhận… Cứ như vậy 4 anh em họ cứ cãi nhau liên tục chẳng ai nhường ai. Thế rồi cuối cùng anh em họ đi tìm đến một nơi gặp các vị cao minh lý giải và phân xử giúp cho họ. Sau cùng họ gặp được ngài Xá Lợi Phất và trình bày vấn đề gia tài đó phải thuộc về ai rồi nhờ Ngài phân giải, giúp đỡ cho họ. Ngài Xá Lợi Phất quán chiếu nhân duyên thấy họ nên gặp Phật để nương vào câu chuyện này Đức Phật sẽ khai thị dẫn đường cho họ đi vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghĩ rồi ngài Xá Lợi Phất liền dẫn 4 anh em của họ tới gặp Phật. Sau khi nghe 4 anh em nọ trình bày xong, Phật kể cho 4 anh em này câu chuyện như vầy:

Thuở xưa có một ông vua – là một vị minh vương hiền lương vô cùng. Ông có một người con gái thật là đẹp và muốn kén chọn một hoàng tử thật là giỏi cho con gái công chúa của mình, rồi sau đó sẽ trao quyền và ngôi vị cho hoàng tử đó. Một hôm có một vị hoàng tử tới và ngỏ ý muốn cưới công chúa, vua rất mừng và hạnh phúc. Tuy nhiên vua muốn thử thách vị hoàng tử này nên nói với anh ta rằng vua rất rất thích sữa sư tử và nếu uống được sữa sư tử mà anh lấy được về thì công chúa sẽ thuộc về anh, ngôi báu này cũng thuộc về anh. Chàng hoàng tử kia thì một lòng muốn lấy được công chúa với tâm thiện lương chứ chẳng phải gia tài là ngôi vua. Do đó anh ta sẵn sàng ra đi vào trong rừng sâu để tìm sữa sư tử. Đi mãi đi mãi trong rừng sâu và cuối cùng anh ta thực sự đã lấy được sữa sư tử. Trong rừng sâu đó anh ta cũng gặp được một vị A La Hán và anh ta trình bày cho vị A La Hán ước nguyện muốn lấy cô công chúa theo sự thử thách của vua nên vào rừng lấy sữa sư tử. Nhưng trong lúc trên đường trở về, hoàng tử đã mệt thật là mệt nên nằm nghỉ chút xíu bên lề đường cùng với vị A La Hán. Trong lúc ngủ hoàng tử mơ thấy rằng tất cả giác quan của mình như tai, mắt, mũi, lưỡi, cảm xúc – ngũ căn của mình tranh giành quyền lợi, mỗi giác quan đều cho rằng ta đã lấy được sữa sư tử. Con mắt thì nói rằng ta đã nhìn ra đường để dắt đi, cái tai nói rằng ta đã nghe được tiếng rống của sư tử nên ta đã tới, cái miệng lưỡi thì nói chính ta là người đã thuyết phục con sư tử và cái lưỡi đã nếm được sữa sư tử biết sữa là tốt, thân nói nếu không đi thì sao ai tới được. Ngũ căn cứ tranh giành, rồi cái lưỡi nó bực mình quá nên nó mới nói rằng: thôi! Tất cả công sức của các ngươi thì các ngươi tới lãnh nhận đi, tới khi về tới gặp vua ta sẽ làm cho cái lưỡi nhà vua tê liệt đi, rồi khi vua nếm sữa sư tử này sẽ thành một thứ khác để nhà vua nổi giận giết ngươi. Anh ta hoảng hốt vô cùng giật mình tỉnh giấc mộng đó. Khi về tới cung đình, hoàng tử dâng cho vua bình sữa sư tử. Vua hạnh phúc vô cùng bởi vì trách nhiệm được trao cho vị hoàng tử này chỉ một thời gian ngắn đã hoàn thành và nghĩ rằng công chúa sẽ thuộc về anh ta, vương quyền sẽ trao cho hoàng tử này – một con người có tâm và có sức mạnh để vượt qua biết bao nhiêu thử thách có được sữa sư tử, nhớ rằng sư tử thật là dữ khó mà lấy được sữa của nó, thế mà anh ta đã có thể lấy được. Vua trong lúc nhâm nhi chén sữa sư tử, nhẹ nhàng ngẫm nghĩ về ngôi vương của mình sắp trao truyền cho hoàng tử kia. Nhưng ôi! Cái lưỡi của vua nó không theo như ý. Khi nếm vào sữa sư tử, nó chua và còn lại thối nữa, những cái mùi rất khó chịu. Vua tức giận vô cùng mới nói với hoàng tử rằng: sao ngươi lại dám lấy những loại nước dơ bẩn như vầy mà nói là sữa sư tử để cho ta uống và ra lệnh chém đầu. May thay có vị A La Hán đi cùng mới nói với vua như vầy: Thưa vua! Đây chính là sữa sư tử. Nhưng trên đường trở về đã có 5 vị trí quan trọng trên con người của hoàng tử là ngũ căn tranh giành phần công và rồi cái lưỡi nó đã thề nguyện rằng là nó sẽ làm cho lưỡi của nhà vua bị tê liệt và nếm sai mùi vị của sữa sư tử nên vua đã không nếm được. Vua nghe xong tỉnh ra và tĩnh tâm lại, trở về bình thường trong cái chánh định và nếm lại sữa sư tử và thấy nó trở về nguyên vị, hoan hỉ vô cùng nên đã gả công chúa và trao ngôi báu cho vị hoàng tử nữa.

Sau khi kể xong Phật đã mang câu chuyện ra phân tích cho mấy anh em kia rằng: Các con là con cùng một cha, cha tức là cái trí tuệ, cha tức là cái tâm của các con. Còn ngũ căn kia nó luôn luôn lôi kéo cái tâm của người chúng ta đi vào con đường lạc lối. Các con thấy rõ không, cuộc sống của chúng ta bị ngũ căn của mình chi phối thật nhiều, nhưng cái tâm mới là quan trọng. Nếu các con làm chủ được cái tâm để ngũ căn không chi phối thì các con có tất cả gia tài trên trời đất này, gia tài cao quý mà cha các con để lại đó là phần trí tuệ cao ngất ở trong tâm các con có thể làm chủ được ngũ căn. Còn nếu bây giờ các con đang tranh giành tiền tài của cải danh vọng của cha để lại tức là các con đang để ngũ căn xâu xé tình nghĩa anh em và giết chết người cha của mình là tâm thiện lương mà cha đã trao truyền lại. Cho nên các con hãy suy nghĩ cho thật kỹ về khối gia tài vật chất các con muốn lấy hay là cái khối gia tài vĩ đại nhất là cái tâm có trí tuệ của cha truyền lại cho các con. Mấy anh em nghe xong liễu ngộ được lời Phật dạy và khai thị liền quỳ xuống lạy Phật xin xuất gia làm hạng tỳ kheo độ chúng của Như Lai.

Các bạn thân mến, câu chuyện này nói như vầy là tâm của chúng ta phải làm chủ được – tâm như người cha. Nếu như tất cả ngũ căn của chúng ta như mắt thì thích đắm chìm trong những sắc tướng ảo diệu, tai thì thích nghe những điều thị phi hàm tiếu, mũi thì thích ngửi những mùi hương, miệng thì thích ăn cho no những miếng ngon và lạ, còn thân thì thích ngủ kỹ. Những điều đó thường giết chết đi cái tâm đạo của chúng ta và nếu như tâm của chúng ta không tu, tịch tĩnh làm chủ, thì ngũ căn của chúng ta chết chìm trong ngũ dục. Mắt của chúng ta chìm vào biển ái; tai của chúng ta chìm vào những lời thị phi, những lời thô ác, những lời mà chúng ta thấy rằng nó sẽ giết chết cuộc đời của chúng ta; mũi của chúng ta đắm chìm trong những mùi hương tham dục tham ái; miệng của chúng ta lại thích ăn thích uống, thích nói những lời đàm tiếu nguy hiểm; còn thân này thì thích đắm chìm trong nghiệp xác, nghiệp ái hoặc là những nghiệp trộm cắp. Các bạn thấy không, cuộc đời con người cao quý ở chỗ là chẳng phải tranh giành tiền tài danh vọng địa vị mà cao quý ở chỗ là chúng ta biết làm sao trở về với tâm thiện lương của mình để làm chủ ngũ căn của chúng ta. Khi chúng ta làm chủ ngũ căn của chúng ta vào hướng thiện bằng pháp thiện, thực tập trong cuộc sống của mình như lời Đức Phật dạy thì chúng ta là người có gia tài bởi chúng ta có cha – cha là cái tâm, cha không bao giờ mất. Nếu để cho cha mất có nghĩa là cái tâm bị chết đi thì ngũ quan của chúng ta sẽ chẳng là gì hết, nó chỉ là những thứ làm cho chúng ta tổn hại mà thôi. Do đó, nếu chúng ta nuôi dưỡng cha của mình là cái tâm trong sự tỉnh thức thì ngũ quan – ngũ giác của chúng ta đều là những con người, những nhân viên tích cực phục vụ chúng ta, phục vụ cha của chúng ta là cái tâm. Để khi thoái thoát cuộc đời này ta trở về với miền đất mà Chư Phật đã hứa gả, đó là Niết Bàn tịch tĩnh an vui.

Các bạn, cuộc sống cao quý nhất là chúng ta hướng thượng, hướng tới cái tâm và luôn luôn bảo vệ nó. Đừng chờ cho tâm bị tê liệt để rồi ngũ quan của chúng ta xâu xé nhau, giết hại tranh giành nhau. Sống là chúng ta phải biết hướng tới cái tâm, cha dù có chết nhưng trí tuệ vẫn còn đó. Các con khi hiểu được, lãnh nhận trí tuệ đi theo Phật để được khai thị. Còn chúng ta nếu hướng cái tâm của chúng ta về với Phật và được sự khai thị thì chúng ta sẽ ứng dụng ngũ quan của mình trở thành phương tiện diệu dụng để phục vụ cho nhân loại, phụng hiến cho tất cả mọi loài chúng sanh trong từng giây phút của cuộc đời. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts