Search

Tham Vấn Phật Pháp 16

Bảo Giác Tường đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Câu 1: Xin Thầy khai thị cho con để khi nhìn thấy sự thành tựu, thành công của người khác, con có thể khởi tâm hoan hỷ với những thành tựu, thành công đó mà tâm không bị vướng mắc vào những sự đối kỵ, sân si.

Câu 2: Dạo gần đây có rất nhiều tin tức về những người làm việc ác và đối xử tàn nhẫn với trẻ em nên đã bị cả xã hội muốn loại bỏ khỏi cộng đồng. Con nên dùng từ bi để quán chiếu việc này như thế nào thưa thầy. Chúng ta có nên dùng sự căm phẫn để lên án và chửi mắng những người phạm tội đó không?

Câu 3: Thưa Thầy khi người mất nếu một phần nào trên cơ thể mình ấm, thì sẽ tái sinh về các cảnh giới tương ứng đúng không ạ?! Và người thân không được để nước mắt rơi vào người mất vì như vậy người mất sẽ khó ra đi đúng không ạ? Con xin Thầy khai thị. Con cảm ơn Thầy ạ!

Câu 4: Trong cuộc sống có những mối quan hệ mà đôi khi không còn nói chuyện với nhau nữa vì nhiều lý do như không còn cùng chung quan điểm, cách sống, hoặc giận hờn nhau vì một chuyện gì đó mà không nói chuyện nữa, nhưng con vẫn luôn nhớ thương và quý trọng tình cảm mà họ và mình đã từng có với nhau. Trong lòng lo sợ là liệu mình quay lại nói chuyện với họ thì không biết họ sẽ phản ứng ra sao, có thể bây giờ họ đang hạnh phúc trong cuộc sống của họ, họ nghĩ mình nói chuyện lại với họ là có ý gì đó và mình sẽ thất vọng vì họ không còn như xưa. Nhưng như các Thầy giảng nên trân quý những người xung quanh khi còn có cơ hội đồng hành thì con phải làm như thế nào để thực hành lời dạy trong trường hợp này? Con xin Thầy khai thị!

Câu 5: Trên con đường tu, tâm con luôn thay đổi liên tục. Có lúc tưởng như con đã vững vàng, đã hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ và về sau sẽ không lặp lại cái sai đó nữa. Rồi ngay tại lúc đó con thấy bình an và chủ quan là vì con đã biết rồi và con sẽ thay đổi được. Nhưng thời gian sau, chuyện đó lại tiếp tục xảy ra và cái thấy biết về nguyên nhân của con lại thay đổi khác đi. Trường hợp này là như thế nào và mỗi lần như vậy con nên làm gì để có quyết định đúng ạ?

Câu 6: Những việc bất như ý xảy đến cho mỗi người đều do nhân quả của ác nghiệp nhiều đời mình đã tạo ra, biết là thế nhưng khi nó tới nhiều lúc con thường oán trách và đau buồn rồi mới bắt đầu tu tập, sám hối để chuyển hoá những nghiệp đó. Lúc nhận ra là mình đã tạo thêm nghiệp rồi. Bản thân đã làm sai lại trách người ta sai. Làm sao để con dễ dàng chấp nhận và chuyển ác nghiệp của con? Xin Thầy khai thị!

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”. Chúng ta hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu  hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Hôm nay ngày 29 tết, chúng con tại đạo tràng tổ đình chùa Xá Lợi và các bạn đồng tu nguyện xin chư Phật gia hộ cho ông bà cha mẹ, những người thân của chúng con luôn an lạc trong đời sống, đầy đủ phước duyên gặp Phật, Pháp, Tăng, quy y Tam Bảo, tin sâu nhân quả, tu thiện và lánh xa pháp ác. Chúng con cũng nguyện xin mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền gia hộ cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới được thoát khỏi cảnh đại dịch và chấm dứt chiến tranh. Một lòng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng, nương theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Chúng con nguyện xin chư Phật tác đại chứng minh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay ngày thứ 7 cuối năm 2021, ngày 29 Tết rồi các bạn ơi, ngày mai là ngày 30, thứ 2 là 31 và trong đêm thứ 2 là giao thừa. Thứ 7 này chúng ta gặp mặt nhau trên mạng của trang Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và Facebook “Chua Xa Loi”. Một thời chúng ta tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn, mỗi người chúng ta thể nhập vào năng lượng của mẹ hiền Quán Thế Âm ứng hóa mười phương che chở cho chúng sanh để siêu độ những sự phiền não, thanh tịnh hóa thân tâm. Cuối năm các bạn còn đây trong sự đồng tu, thật là một sự đáng mừng và phước báu vô cùng. Tu một giờ, tu một ngày thật là dễ, nhưng tu dài hạn mỗi một ngày trong nhiều năm có lẽ không phải là thói quen của mỗi người Phật tử tại gia. Có biết bao nhiêu sự lo lắng trong cuộc đời mà chỉ có người Phật tử tại gia mới hiểu được mà thôi. Nhưng dù sao ở bất cứ một cương vị nào trong cuộc sống, hoàn cảnh nào và nhân duyên nào đưa chúng ta để tiếp cận với Phật pháp thì ở nơi đó mỗi người chúng ta vẫn rất cần sự tinh tấn, Chánh Tinh Tấn – đó là một trong tám con đường thánh trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật dạy. Bảo Thành và các bạn nguyện tinh tấn tu học và luôn luôn sách tấn nhau vượt qua những trở ngại, bất cập trong cuộc sống để mình đồng tu.

Các bạn, hôm nay thứ 7 với chương trình Tham Vấn Phật Pháp số 16, không phải hội tụ để chúng ta tham vấn về những giáo lý cao siêu, bởi những giáo lý cao siêu nhiệm màu trong kinh điển luôn luôn được các đấng bậc hòa thường, thượng tọa, đại đức, tăng ni trong hàng giáo phẩm Phật giáo trên toàn thế giới quan tâm và truyền dạy. Với phương tiện đại chúng rộng mở của kỷ nguyên mới này, chúng ta đều có thể có cơ hội lắng nghe, học hỏi và thực hành bởi những bài truyền dạy các ngài đã đặt lên trên Youtube, trên Facebook hoặc những trang website của Phật giáo cho những ai một lòng tinh tấn tu học đều có cơ hội lắng nghe quý ngài giảng dạy. Riêng đối với Bảo Thành, sự tham vấn Phật pháp là sự chia sẻ những lời giản dị, lời giải thích bình thường tạm gọi là có thể phù hợp với hàng Phật tử tại gia mà có nhân duyên với Bảo Thành. Sự giải thích của Bảo Thành chỉ phù hợp với những ai có nhân duyên mà thôi, nhân duyên với thể loại ngôn ngữ, cách giải thích và khi phù hợp với nhân duyên với nhau, chúng ta nghe hài hòa, dễ thương, dễ mến. Giả sử không hợp nhân duyên nghe theo sự giải thích của Bảo Thành thì chúng ta mỗi người vẫn còn có cơ hội để lắng nghe sự hướng dẫn và giải thích của những bậc tôn túc cao quý khác. Bây giờ chúng ta hãy đi vào sự tham vấn. Các bạn đồng tu, các bạn có điều gì muốn chia sẻ, thắc mắc hoặc đặt câu hỏi, xin hãy cho Bảo Thành nghe, Bảo Thành đang lắng nghe!

Câu 1: Thưa thầy, Xin Thầy khai thị cho con để khi nhìn thấy sự thành tựu, thành công của người khác, con có thể khởi tâm hoan hỷ với những thành tựu, thành công đó mà tâm không bị vướng mắc vào những sự đối kỵ, sân si. Mô Phật!

Trả lời: Thông thường ở trong đời, sự vui vẻ của người này là đau khổ của người khác, mà sự đau khổ của người kia là sự hạnh phúc của người này, sự thành công của người nọ là sự thất bại của những đối tượng đang nhìn, bởi ở giữa chúng ta kiếp nhân sinh thường hay so sánh. Thật buồn khi thấy họ thành công và cũng thật sung sướng khi họ thất bại. Không phải ai cũng như vậy nhưng đại đa số chúng ta vẫn bị dẫn dắt bởi cái tôi của mình, cho nên thường khó thông cảm như câu hỏi vừa đặt ra, hoặc là khó đồng hành, hoan hỷ với sự thành công của người khác. Chúng ta không thích ai thành công đâu, cái đó không phải là bản tánh của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng đó là bản tánh tự nhiên, không phải, chúng ta đã bị nghiệp lực dẫn dắt mà Bảo Thành thường hay dùng từ là “bị xỏ mũi” kéo đi. Chứ thật ra bản tánh chân thực của mỗi người là sự hoan hỷ, hạnh phúc và yêu thương. Còn những tạp niệm của sự ghen tuông, sân giận, bực mình, khó chịu, so kè với người khác là cái lực của những ác nghiệp nhiều đời ta tạo ra, quán tính đó chưa chuyển hóa được, vẫn xỏ mũi dắt ta nên khi nhìn thấy ai thành công ta khó chịu.

Thẳng và ngay vào cái câu trả lời để nhìn thấy sự thành công của người khác mà phát tâm hoan hỷ. Chúng ta nhớ rằng không hẳn chỉ có Phật tử tại gia mà các vị Bồ Tát cũng luôn thực hiện cái hạnh này. Trong mười phẩm hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài có một câu dạy cho chúng ta “Tùy hỷ cúng dường”. Đây là một câu nói nghe đơn giản, “tùy hỷ cúng dường”, nhưng phước báu vô cùng. Chúng ta không nhận thức rõ ràng cái sự tùy hỷ cúng dường kia phước báu như thế nào, do đó thường coi thường. Thật ra, khi trở về với bổn nguyên tự tánh thanh tịnh, tràn ngập tình yêu thương và sự thông cảm đối với mọi người, san sẻ và đồng hành với muôn người, chúng ta có cơ hội thực hiện được lời của Ngài Phổ Hiền dạy “tùy hỷ cúng dường”. Mỗi một khi thấy ai thành công về mọi phương diện, mọi phương diện nha các bạn, chúng ta biết hoan hỷ, tán thán công hạnh của họ, biết tùy hỷ và vui với cái sự thành công của người là Bảo Thành và các bạn đã thành tựu được công đức cho riêng mình, mà công đức này nhiều lắm. Ngược lại, chúng ta không hoan hỷ, chúng ta không tán thán, không vui vẻ mà ghen tuông, chê bai, phỉ báng, dèm pha là chúng ta bị thất đức, bị tổn phước. Thảo nào trong cuộc đời chúng ta cứ gặp xui, gặp những chuyện hư quấy xảy ra, chính là bởi vì ta không để ý, ta đã làm tổn phước quá nhiều trong vấn đề chê bai, dèm pha, đâm thọc và phỉ báng những ai thành công. Tội phỉ báng, chê bai tổn phước nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta biết vui với những sự thành công của người, biết hoan hỷ và hạnh phúc với sự thành công của người lại là một phương tiện vi diệu để thành tựu phước báu.

Làm sao chúng ta có thể hoan hỷ và tùy duyên với sự thành công của người? Chúng ta thường thấy Phật thì kính trọng, lễ lạy; thấy ma thì xua đuổi, chê bai; thấy bậc Thánh thì gần gũi; thấy người dữ, người hung ác thì tránh xa, đây là điều tự nhiên mà. Vậy thì để hoan hỷ với người thành công và thực hiện được lời của Ngài Phổ Hiền dạy “tùy hỷ cúng dường”, nghĩa là thấy mọi người thành công – ta hoan hỷ, Đức Phật dạy hãy quán chiếu mọi chúng sanh ở trên đời này đều là mẹ nhiều đời của chúng ta. Là người con khi thấy mẹ thành công, ta sung sướng và hạnh phúc. Ta phải luôn luôn quán chiếu tất cả mọi chúng sanh là mẹ của chúng ta, để từ đó khi người mẹ chúng sanh kia thành công về một phương diện nào đó của cuộc đời, dù là xã hội, kinh tế, tinh thần hay tâm linh, ta đều hạnh phúc, vui sướng, ca tán vì mẹ đã thành công. Hãy luôn luôn quán và nhìn sâu để nhận thức rằng mọi chúng sanh ta có cơ hội tiếp xúc trong cuộc đời này, mọi chúng sanh nghe các bạn, không hẳn chỉ có loài người, đều là cha, là mẹ nhiều đời của chúng ta. Còn pháp quán cao hơn mà cũng thật là dễ chúng ta đã không để ý mà phước báu vô cùng, đó là phải thường xuyên quán chiếu tất cả mọi người đều là một vị Phật tương lai. Mỗi khi tán thán Như Lai, chúng ta có phước báu nhiều, nhiều vô cùng, và luôn luôn nghĩ những người đó đều là Phật trong tương lai. Bởi Ngài Phổ Hiền cũng đã dạy, điều thứ nhất là lễ kính Chư Phật thì phước báu vô cùng, điều thứ hai là tán thán Như Lai phước báu cũng thật nhiều. Quán chiếu mỗi một con người đều là một vị Phật để ta biết lễ kính họ, lễ kính vị Phật tương lai để những gì thành tựu nơi người ấy, nơi vị Phật tương lai ấy, ta biết kính trọng, ta biết tán thán là ta có lời rồi, ta được phước.

Phải nhìn vào điều đó, đừng nghĩ rằng công phu tu tập phải là thiền nhập thất cả 100 ngày, đi những khóa thiền triền miên từ ngày này qua tháng nọ rồi phải xuất gia vào chùa hoặc tại gia ở trong am, trong thất. Tất cả những cái đó chỉ là hình tướng và phương tiện. Nhưng những hình tướng, phương tiện đó cũng chẳng cao siêu nếu ta thấy được pháp phương tiện của Ngài Phổ Hiền và Đức Phật khai thị: luôn quán chiếu mọi chúng sanh là một vị Phật hoặc là cha mẹ nhiều đời để biết lễ kính, tán thán công hạnh của vị Phật đó, hoặc người mẹ, người cha ấy khi họ thành công. Mang sự quán chiếu như vậy cũng như mang nước tưới vào cái mầm, cái giống, cái hạt ta gieo, khi nó thấm đủ, nó sẽ trổ mầm thành cây. Quán chiếu như vậy mỗi ngày, luôn luôn như vậy mỗi ngày, cái tâm hiền lương, lòng kính trọng và thành kính, tri ân và biết tùy hỷ đối với mọi người khi thành công sẽ có cơ hội nảy mầm, trổ sinh. Nhưng ít nhất phải bắt đầu bằng sự quán chiếu tất cả mọi người ta gặp khi họ thành công đều là sự thành tựu của chư Phật, đều là sự thành công của người mẹ. Quán chiếu như thế, ta dễ dẹp bỏ sự ghen tuông và cái chướng ngại của những cái sự bon chen đời thường mà ta đã bị những ác nghiệp nhiều đời tích lũy thành một cái lực thật mạnh dắt mũi chúng ta sà vào để tạo nghiệp. Các bạn hãy cố gắng thực hiện cái pháp quán này, các bạn dần dần sẽ biết tùy hỷ công đức và tán thán công hạnh thành công của tất cả những người các bạn có cơ hội quen biết khi họ thành tựu được những điều trong cuộc sống. Mô Phật!

Câu 2: Dạo gần đây có rất nhiều tin tức về những người làm việc ác và đối xử tàn nhẫn với trẻ em nên đã bị cả xã hội muốn loại bỏ khỏi cộng đồng. Con nên dùng từ bi để quán chiếu việc này như thế nào thưa thầy. Chúng ta có nên dùng sự căm phẫn để lên án và chửi mắng những người phạm tội đó không ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Không hẳn ở Việt Nam, trên thế giới, quốc tế có những luật bảo vệ trẻ em.  Thật rất đau lòng khi chúng ta thấy những người lớn có thể là cha, là mẹ, là dượng, là tía, là dì, là cô đã thật nhẫn tâm hành hạ và dùng những hành động tàn ác gây đau khổ cho trẻ thơ, thậm chí đã lấy đi mạng sống hồn nhiên của các em. Nghĩ về điều đó, chúng ta rất đau lòng. Thế giới đã nhìn thấy điều đó, thành lập nên một công ước bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong những thôn xóm xa hoặc ẩn núp nơi những thành thị vẫn có những con người vì một lý do gì đó chưa hiểu, hoặc vì sự sân giận vượt khỏi tầm có thể kiềm chế, đưa đến sự hành động nguy hại cho trẻ em. Nhìn thấy điều đó ai cũng nổi giận, ai cũng buồn và căm phẫn.

Trở về câu chuyện ngày xưa thời Đức Phật, ta không nói đến hành hạ trẻ em mà nói đến kẻ tội ác. Hành hạ trẻ em, giết hại trẻ em, xâm hại trẻ em cũng là một tội ác, là một tội ác kinh khủng. Bây giờ nói đến tội ác, những người đã tạo ra tội ác, ta căm phẫn lắm. Thời xưa, thời Đức Phật, có một kẻ tội ác vô cùng, gặp ai cũng giết, đó là ông Vô Não. Nhưng khi gặp Phật, quy y với Phật, học Phật pháp rồi, cái quá khứ của một kẻ cướp, của một kẻ sát nhân không bao giờ phai mờ trong tâm trí của người dân. Do vậy mà khi ông ta đi khất thực vào thành, người dân nhìn thấy ông dù khoác trên người là chiếc áo của một vị xuất gia, dù đã biết là theo Phật, nhưng cái hình ảnh của một kẻ sát nhân luôn hiện tiền trước mắt họ. Và họ đã căm phẫn ông Vô Não, tỳ kheo Vô Não thật nhiều. Họ đã đánh đập, họ đã chửi bới, họ đã mang cây, mang đá đánh và ném vào đầu ông ta. Và thật sự ông Vô Não cuối cùng đã chết bởi sự căm phẫn của người dân. Con người nhớ một câu: không bao giờ để tội ác của người khác biến ta thành kẻ sát nhân và tạo nghiệp cho ta. Ông Vô Não là kẻ tội ác, đúng, tất cả mọi nghiệp ông ta tạo ra, ông ta sẽ phải trả giá. Nhưng đừng để cho ông Vô Não biến ta thành kẻ sát nhân và trở thành người gây tội ác, tạo nghiệp. Những ai đã ném đá, đã dùng cây đánh đập ông Vô Não cho đến khi ông chết, thì những người đó đã để cho kẻ sát nhân biến họ thành sát nhân, đã để cho kẻ tội phạm biến họ thành tội phạm.

Chúng ta cũng vậy, xã hội có thể chưa đến lúc phát hiện ra kịp thời để cho người kia sát hại trẻ em tạo nghiệp, nhưng xã hội rất công bằng, bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những luật riêng để phán xét những người đó. Luật của quốc gia chế tạo ra cũng theo công ước bảo vệ trẻ em, những người tội phạm sẽ phải đền, đền đáp thật xứng đáng. Ở thế kỷ này chúng ta đừng như những con người vì tội ác của ông Vô Não mà trở thành kẻ sát nhân. Sự cam phẫn, có, nhưng hãy để cho luật pháp họ giải quyết, còn ta quán chiếu với tình thương. Chính Đức Phật đã không ghét bỏ ông Vô Não, bởi trong mỗi một con người chúng ta đều có cái nhân tàn ác và nghiệp chướng nhiều đời, cũng có cái nhân thiện lương, thiện lành của Phật tánh. Dẫu vẫn biết kẻ đó thật ác nhưng chúng ta hãy nhìn vào cái tốt đẹp nhất trong tâm tánh thiện lương của họ và để cho xã hội áp dụng luật lên những người đó, còn ta áp dụng tình yêu thương và sự tha thứ để cho người phạm tội kia có cơ hội hối cải và có cơ hội sửa, sửa mình, sám hối. Ông Vô Não thật sự đã hối cải, sám hối và chuyển hóa tự thân từ lúc nhận diện ra sự sai của mình mà theo Phật. Không ai ác suốt cuộc đời và chẳng ai sai mãi, ngược lại cũng không ai hiền mãi cuộc đời mà đúng mãi mãi. Chúng ta có khi đúng, có khi sai. Những người đã sai rất cần sự tha thứ. Dẫu vẫn biết luật pháp sẽ áp chế trên con người của họ những sự trừng phạt, nhưng về phần tâm linh và tinh thần, mỗi người học Phật hãy mở rộng cái tâm và nhớ rằng tha thứ cho người chính là thứ tha cho ta. Quán chiếu rằng, hãy tha thứ cho nhau, hãy tha thứ cho nhau bằng tâm Từ. Giữa sự hung ác của một con người vẫn có tâm thiện tàng ẩn nơi đó, hãy nhìn vào cái đẹp nhất của nhau để rộng lòng tha thứ.

Làm sao ta có thể chuyển hóa được sự sân giận và bực bội đối với những người sát hại đến trẻ thơ? Ta hãy nhớ, luật pháp vẫn còn đó, chúng ta không cần can thiệp và phải quán chiếu thật sâu để cho kẻ ác không làm cho chúng ta ác, kẻ bất nhân không làm cho chúng ta thành kẻ bất nhân, kẻ sát nhân không làm cho chúng ta trở thành kẻ sát nhân. Nhân quả không ai trốn được, họ có thể trốn luật của xã hội nhưng không thể lẩn trốn nhân quả. Quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ rộng lòng tha thứ và nhường chỗ cho pháp luật đi vào, hơn là chơi trò pháp luật để rồi phỉ báng chê bai, thậm chí mà có thể trở thành hung thần, ác quỷ bằng ngôn ngữ (dĩ nhiên bằng hành động ta không thể làm nhưng bằng ngôn ngữ ta có thể tạo) gây tổn phước, tạo nghiệp cho chính ta.

Chánh Niệm hơi thở giúp cho mỗi người chúng ta có được sự tư duy thật là sâu, sâu lắng để nhìn rõ và có một sự lựa chọn tốt đẹp hơn cho chính mình khi nhìn thấy những kẻ sát nhân, những kẻ xâm hại đến đời sống của trẻ thơ. Tôn trọng luật pháp và để luật pháp trừng trị những người đó, còn chúng ta hãy mượn cái điều đã xảy ra đó như một sự cảnh tỉnh, nhắc nhở, đừng để cho cái mầm mống ác nơi ta, mầm mống sát nhân nơi ta có cơ hội vươn lên cao tạo ra những hành động không hay, tạo nghiệp cho chính ta. Hãy quán chiếu sự tha thứ và bao dung, hãy học gương của Đức Phật, luôn nhìn thấy những phẩm cách cao đẹp nơi những con người tàn ác. Nếu không đủ đạo lực để tha thứ cho họ hoặc để chuyển hóa họ thì ít nhất cũng phải nhìn để cảnh tỉnh mình đừng bao giờ phạm đến những điều như thế. Vì họ đôi khi là một tấm gương để cho chúng ta cảnh tỉnh, là một sự việc để nhắc nhở cho chính mình. Tu là mượn tất cả mọi sự việc xảy ra trên đời để phát triển lòng từ tâm và bao dung, tha thứ. Cái công hạnh tu như vậy tạo được phước nhiều để ta hồi hướng cho những kẻ sát nhân hoặc những con người không làm chủ được cái tánh gian ác, lĩnh hội và đón nhận được năng lượng tình thương. Nước chảy đá mòn, từng giọt phước đức hồi hướng cho những người đó, tâm họ dần dần sẽ được sáng ra, những tảng băng đá thô ác trong cuộc đời của họ cũng dần được xói mòn để họ nhìn thấy cái phẩm tánh thiện vẫn còn trong cuộc đời của họ để thay đổi như ông Vô Não. Mô Phật!

Câu 3: Thưa Thầy khi người mất nếu một phần nào trên cơ thể mình ấm thì sẽ tái sinh về các cảnh giới tương ứng đúng không ạ?! Và người thân không được để nước mắt rơi vào người mất vì như vậy người mất sẽ khó ra đi đúng không ạ? Con xin Thầy khai thị. Con cảm ơn Thầy ạ! Mô Phật!

Trả lời: Đúng hay không nó đều nằm vào những phạm trù tín ngưỡng của các tông phái, niềm tin của mỗi người, nhưng trong Kinh Tạng Pali Sanskrit và trong kinh không bao giờ viết về những chuyện như vậy, tức là chuyện thấy được cái thân còn ấm chỗ nào, từ chân hoặc là trên đầu thì đặt ra định nghĩa người đó sẽ tái sanh về cảnh nào. Phật cũng không dạy khi người mất đụng vào họ sẽ đau, họ sân, họ giận. Rồi trong kinh cũng không bao giờ nhắc phải để bao nhiêu tiếng. Nhưng sau này trong tông phái Tịnh Độ ở bên Trung Hoa, hoặc những pháp môn khoảng vào thế kỷ thứ V sau công nguyên, hoặc thế kỷ thứ VIII – X sau công nguyên ở bên Tây Tạng, Ngài Liên Hoa Sanh hoặc những bậc Tổ của Tịnh Độ mới đưa ra những chi tiết hơn.

Đức Phật không dạy cho người ta trở thành người bói toán, đoán mò. Dưới con mắt của bậc giác ngộ, Ngài nói thật là rõ người chết theo nghiệp mà tái sanh, chẳng theo hơi ấm trên người để định đoạt. Cái cách nhìn hơi ấm cũng là một cách coi tướng để đoán rằng họ đã tái sanh về đâu – Phật không dạy. Phật nói người chết theo nghiệp mà tái sanh. Dù bạn có khóc, thương nhớ người chết đó thì người đó cũng theo nghiệp mà tái sanh, chẳng vì bạn khóc, bạn thương, bạn tiếc mà người ta không thể luân hồi tái sanh được! Nếu thật sự mình khóc mà có thể làm cho người ta không tái sanh, và biết rằng cuộc đời của người đó sẽ tái sanh vào địa ngục, đau khổ bởi cuộc đời ác, ta cứ khóc đi để họ không phải tái sanh vào cảnh giới ác, phải không các bạn? Cái đó nó chỉ đúng theo cái niềm tin, cái nghi thức, nghi lễ để ít nhất giữ cho người còn sống khi đối diện với người thân đã ra đi giữ được sự tôn trọng, sự bình tĩnh, sự sáng suốt để quán chiếu cái sự chết của người thân mà phản tỉnh lại cuộc đời của mình để làm sao sống cho xứng đáng khi ta vẫn còn hiện diện trong cuộc đời. Còn chuyện hơi ấm ở đâu thì tái sanh về cảnh đó, đó là những cái luật, hoặc những niềm tin, sự thấy của các bậc Tổ, ứng dụng phương tiện rộng lớn để dẫn cho hậu bối sau này có được sự bình tĩnh khi người yêu thương thật sự ra đi, để không khóc bù lu bù loa, rối đầu rối tâm chẳng biết làm gì, thì người thân mất ta không tạo được phước báu mà còn tạo ra nghiệp, rồi dễ bị những cái chuyện xúi quấy dẫn dụ của những phong tục mê tín dị đoan lầm lạc vào con đường mê. Cho nên Chư Tổ cũng như Ngài Liên Hoa Sanh chế tác ra thật nhiều phương tiện để ngăn ngừa sự buồn tủi của con người đến mê mẩn thần trí mà tạo nghiệp, và giúp cho mỗi người chúng ta hoan hỷ hơn một chút xíu, bình tĩnh hơn để hướng tới sự tu tập ngay trong những ngày người thân mất đi. Đó là phương tiện. Còn nếu theo Đức Phật thì nhớ, người chết theo nghiệp mà đi. Do đó, chính cái câu đó nhắc nhở cho chúng ta, khi chúng ta còn sống, cố gắng tạo nhiều thiện nghiệp, chưa giác ngộ thì ít nhất mỗi người chúng ta khi chết đi, nương theo thiện nghiệp đã làm mà được tái sanh về cảnh giới thiện lành hơn để tiếp tục tu. Mô Phật!

Câu 4: Trong cuộc sống có những mối quan hệ mà đôi khi không còn nói chuyện với nhau nữa vì nhiều lý do như không còn cùng chung quan điểm, cách sống, hoặc giận hờn nhau vì một chuyện gì đó mà không nói chuyện nữa, nhưng con vẫn luôn nhớ thương và quý trọng tình cảm mà họ và mình đã từng có với nhau. Trong lòng lo sợ là liệu mình quay lại nói chuyện với họ thì không biết họ sẽ phản ứng ra sao, có thể bây giờ họ đang hạnh phúc trong cuộc sống của họ, họ nghĩ mình nói chuyện lại với họ là có ý gì đó và mình sẽ thất vọng vì họ không còn như xưa. Nhưng như các Thầy giảng nên trân quý những người xung quanh khi còn có cơ hội đồng hành thì con phải làm như thế nào để thực hành lời dạy trong trường hợp này? Con xin Thầy khai thị! Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Hình như câu hỏi này có liên quan đến tình cảm giữa một người nam và một người nữ, có thể nằm ở trong cái tình yêu của người yêu hoặc tình nghĩa vợ chồng nay đã tan vỡ vì những sự xung khắc hoặc khác biệt. Cuộc đời tình cảm giữa từng cặp giữa người yêu hay vợ chồng không phải tới với nhau bằng sự hoàn thiện để rồi khi xảy ra sự việc gì đó, sự cố gì đó, ta mới nhận ra không hoàn thiện, ta bỏ nhau. Mà khi yêu nhau tới xây dựng một gia đình, điều đầu tiên là ta biết chẳng ai hoàn thiện nhưng tới yêu, sống chung với nhau để hoàn thiện đời sống. Nếu từ thuở đầu ai cũng nhận thức được điều ấy thì khi sai trái, ta dễ tha thứ và tự hoàn thiện cuộc đời của mình. Nhưng điều đó không phải dễ, khó lắm. Có những sự việc xảy ra không thể hàn gắn lại được tình cảm, dù vẫn biết trong lòng còn nhớ, còn thương bởi một quá khứ đã từng song đôi. Nhưng nay nếu thực sự đã chia tay vì một lý do gì đó mà hai bên đã chấp nhận, những hoài niệm, những quá khứ tốt đẹp, ta vẫn có thể gặp nói chuyện với họ trong những hoàn cảnh phù hợp như đôi tình bạn vẫn còn đó với nhau. Bởi vì đã chấp nhận chia tay và để cho họ đi con đường của họ, chúng ta đối xử với họ bằng tình bạn thì tốt, vẫn có những cặp sau đó rồi họ trở lại với nhau, đó là nhân duyên. Nhưng đừng dựa vào nhân duyên đó để một phía ngồi chờ rồi níu kéo những chuyện đã qua. Sự tiếp xúc với một người đã chia tay với cái tâm cao đẹp và cao thượng, kính trọng và tôn trọng nhau, hiểu rõ những ranh giới hiện tại của mình với người ấy để đối xử đúng bằng tình bạn, bằng tình thân, đồng cảm, chia sẻ, tôn trọng, và nhớ, nhớ thật rõ cái ranh giới không thể bước qua. Đó chính là tình thương thực sự còn lại trong ta để bảo vệ hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người ta đã chia tay. Đức Phật dạy tất cả là nhân duyên, nhưng không thể để cho cái nhân và cái duyên của quá khứ lôi kéo chúng ta, dắt mũi chúng ta phải theo nhân duyên ấy. Thắng được cái nhân duyên đó mới là người thật sự tu học Phật để chiến thắng những cái duyên nợ của cuộc đời.

Chúng ta nhớ sống trong Chánh Niệm và hiện tại, sự tu tập hơi thở của chánh niệm sống trong hiện tại sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng được nội lực để chuyển hóa và nhìn thật rõ những cảm xúc của mình trong mọi tương tác của quá khứ, của hiện tại hoặc dẫn tới tương lai để ta làm chủ được cảm xúc, làm chủ được cái tâm đối xử tốt đẹp với nhau, trân quý, trân trọng đúng mức với cái giới hạn tình người cho phép ở trong khuôn khổ mà hiện thời ta đang có. Đừng vì cảm xúc và cái tốt đẹp của quá khứ mà chúng ta níu kéo để vòng lại một lần nữa, thì đó là “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Hãy thẳng đường mà đi. Trân quý cái tình cảm hiện tại giữa người với người nhưng đừng để lẫn lộn giữa tình cảm đôi lứa ta không còn nữa, níu kéo để xây dựng trở lại theo hướng một chiều, ta sẽ tạo khổ cho chính mình. Hãy thực tập Chánh Niệm, quán chiếu sâu sắc, ta sẽ nhận thức được điều đó, ta sống an vui và sẽ có được cái gan – tức là sức mạnh để tiếp xúc với người đã từng sống chung với chúng ta khi có cơ hội gặp gỡ phù hợp trong những hoàn cảnh tốt đẹp. Mô Phật!

Câu 5: Trên con đường tu, tâm con luôn thay đổi liên tục. Có lúc tưởng như con đã vững vàng, đã hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ và về sau sẽ không lặp lại cái sai đó nữa. Rồi ngay tại lúc đó con thấy bình an và chủ quan là vì con đã biết rồi và con sẽ thay đổi được. Nhưng thời gian sau, chuyện đó lại tiếp tục xảy ra và cái thấy biết về nguyên nhân của con lại thay đổi khác đi. Trường hợp này là như thế nào và mỗi lần như vậy con nên làm gì để có quyết định đúng ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Chỉ có Đức Phật là đấng thấy toàn diện, gọi là đại giác đại ngộ. Còn chúng ta, cái thấy của mỗi người chúng ta là thấy một phần thật nhỏ về những sự kiện xảy ra ở trong đời, hoặc những nhận thức trong cái mối tương quan giữa người với người, giữa người với vật và giữa người và thế giới chung quanh ta. Chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện hết như Phật, do đó cái thấy ngày hôm nay và cái thấy ngày hôm qua và cái thấy ngày mai nó sẽ khác. Nếu chúng ta tu tập về quán chiếu cái tánh thấy thì tánh thấy của chúng ta mỗi ngày sẽ thấy rộng hơn, lớn hơn, bao trùm hơn. Cái thấy như vậy chúng ta được phép thay đổi cho phù hợp với sự nhận thức của từng ngày.

Chánh Niệm hơi thở là chúng ta sẽ đạt được cái sự thấy của tánh thấy hiện hữu trong từng sát na để sống. Có những người thấy như vậy ngày hôm qua, 100 năm sau họ vẫn bảo thủ cái thấy của ngày hôm qua để vác ở trên vai cái thấy của ngày hôm qua lẽo đẽo, rượt đuổi theo mọi người, bảo thủ như vậy và áp chế lên mọi người. Do đó trong sự quan hệ của đời sống thường tạo ra sự chia rẽ và gây phiền não cho chính họ. Tánh thấy phát triển như ánh sáng của mặt trời, lan tỏa tới đâu ta thấy tới đó, theo ánh sáng của trí tuệ ta dần dần thấy. Chánh Niệm hơi thở giúp cho chúng ta thấy rộng hơn, lớn hơn mỗi ngày. Hãy thực tập Chánh Niệm hơi thở thật nhiều, và rồi cái tánh thấy có khác biệt nhưng trong Chánh Niệm là điều kỳ diệu bởi vì chúng ta bổ sung cho tánh thấy của ngày hôm qua để tăng trưởng cái nhìn rộng lớn hơn, bao dung hơn, tha thứ và yêu thương hơn.

Dĩ nhiên trong cuộc sống có bao nhiêu sự thay đổi, lầm lỗi, vấp phạm của ta, biết sai, sửa rồi, cố gắng nhưng sau này lại tái phạm; rồi lại biết sai, biết tái phạm, cố gắng sửa, lại vấp ngã; lại biết vấp ngã, sửa, tiếp tục đó, giờ lại bị tiếp tục vấp ngã. Không sao, cuộc sống của chúng ta Đức Phật không ép chúng ta một đời, một ngày, một giờ nếu không làm được sẽ bị trừng phạt, mà Phật nhìn thấy sự luân hồi vô lượng kiếp. Do đó mỗi người chúng ta tinh tấn Chánh Niệm tu là tiếp nhận cái thấy mới mỗi ngày rộng hơn bằng Chánh Niệm, bằng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy để phát triển lòng từ tâm đối xử với chính mình và mọi người để tiến hóa từng bước, từng bước, đừng thúc ép bản thân quá trong một cái mục tiêu cần phải thành tựu. Để rồi sau này, những lần vấp ngã sau, sai phạm sau ta bực bội khó chịu, rồi ta bỏ cuộc, lao đầu vào cái vùng tối mà chẳng còn sự tinh tấn tu học nữa. Không ai hoàn thiện một lúc được và trên đời cũng chẳng có ai hoàn thiện mãi mãi. Nếu đã là người, ta luôn luôn phải hoàn thiện mỗi một ngày. Vấp ngã có, sai phạm có, nhưng phải biết tha thứ cho chính mình, noi gương Phật tiếp tục đi. Và luôn luôn kề cận những bậc thiện tri thức, những bậc hiền lương, tiếp cận với giáo lý của Phật để được sách tấn, được khuyến tấn, ta vượt qua những trở ngại, những lầm lỗi ta tái phạm nhiều lần để đứng dậy một lần nữa như bài hát ngày hôm nay. Ta nghe, nghe lại đi, bài “Mẹ dặn con”: hãy đứng lên, hãy đứng lên để làm người. Mỗi một lần ta té ngã, ta vấp ngã, hãy tự nhắc nhở hãy đứng dậy, ngẩng cao đầu làm người và thay đổi, cái nhìn của ta sẽ rộng mỗi một ngày và ta sẽ hoàn thiện chính ta mỗi một ngày khi nó trôi qua. Mô Phật!

Câu 6: Những việc bất như ý xảy đến cho mỗi người đều do nhân quả của ác nghiệp nhiều đời mình đã tạo ra, biết là thế nhưng khi nó tới nhiều lúc con thường oán trách và đau buồn rồi mới bắt đầu tu tập, sám hối để chuyển hoá những nghiệp đó. Lúc con nhận ra thì mình đã tạo thêm nghiệp rồi. Bản thân đã làm sai lại trách người ta sai. Làm sao để con dễ dàng chấp nhận và chuyển ác nghiệp của con? Xin Thầy khai thị!

Trả lời: Khi bạn hiểu rằng những điều bất như ý đều là hậu quả của cái nghiệp ta tạo ra, đó đã là tốt đẹp rồi. Dĩ nhiên là người, trên con đường tu, khi những điều bất như ý xảy ra, Bảo Thành và các bạn nhiều lần thường tìm cái cớ để đổ thừa hoặc đổ lỗi cho người để được nhẹ lòng. Ai cũng vậy, Bảo Thành cũng như vậy, các bạn cũng như vậy. Nhưng rất may, sau khi đổ lỗi cho người rồi, ta lại được phản tỉnh bởi hiểu thấu những điều bất như ý xảy ra cho ta đều do chính ta, nên ta lại tu, lại sửa. Không sao! Đôi khi có những cái sự việc xảy ra mà ta hành xử, ta lỗ một chút xíu ở lúc đầu, mà ta lại lời về lúc sau, người đời gọi là “tiền bần hậu phú”, lúc đầu ta làm sai, ta nghĩ sai tạo thêm nghiệp, nhưng ít ra bạn đã nhớ được cái câu Phật dạy “những điều bất như ý tạo khổ là do nghiệp của ta”, rồi bạn tu, bạn sửa trở lại là bạn lời về sau, cũng được không sao cả. Cứ như vậy, cứ như vậy đi, một ngày nào đó nội công của bạn, nội lực của bạn thâm hậu hơn, bạn sẽ chuyển hóa được ngay khi nó xảy ra. Mà hiện tại ngay bây giờ thì thôi cứ như vậy, đừng vội vàng, đừng thúc giục mình quá để mình mệt mỏi. Cứ cho phép mình thong dong tự tại, tiến lên, lỗ lúc đầu, lời lúc sau cũng được, cứ như vậy mà tu. Sẽ có một ngày, khúc giữa bạn cũng lời không lỗ nữa, và khúc đầu bạn cũng lời. Nhưng để lời một cách toàn diện thì đó là một công trình công phu tu tập từ từ, đừng vội vàng để rồi đâm ra hoảng sợ. Mô Phật!

Thôi sự chia sẻ pháp thoại ngày hôm nay, ngày thứ 7 cuối của năm 2021 đã xong, chúng ta sẽ gặp nhau vào thứ 2, đêm giao thừa, mùng 1 ta cũng gặp nhau nữa, cũng đồng tu, dành những niềm vui cho năm mới vào những buổi đồng tu đó. Còn kết thúc năm cuối này, thứ 7 cuối này, chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Ngày thứ 7 cuối của năm 2021, chúng con đã đồng tu với nhau được 2 năm mỗi ngày rồi. Xin Phật thắp sáng đuốc tuệ, rải năng lượng từ bi xuống cho chúng con, để chúng con tinh tấn không bỏ cuộc trên con đường tu, một lòng hướng tới ông bà cha mẹ, xin Phật gia trì cho ông bà cha mẹ của chúng con được bình an và hạnh phúc trong năm mới. Mô Phật!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts