Tâm không vướng mắc, tâm bình thản
Có không cũng vậy vẫn mỉm cười
Được mất hơn thua nào dính dáng
Lòng không khuấy động tất an vui.
Bảo Thành rất hạnh phúc bởi mỗi một ngày thức giấc vẫn còn hơi thở vào ra trong sự chánh niệm cảm nghiệm đời sống, tri ân chư Phật đã tới trong cuộc đời hướng dẫn cho chúng ta biết được con đường đi vào hạnh phúc. Tri ân tổ thầy đã khai thị đánh thức để chúng ta không lầm đường mà trở về với lòng ngay thẳng, thiện lành. Tri ân cha mẹ, ông bà đã cho chúng ta thân xác làm người đầy đủ các căn lành lặn để đi vào cuộc đời. Chúng ta tri ân tình bạn, tất cả những con người chúng ta đang tương tác hàng ngày. Lòng tri ân của chúng ta sẽ giúp cho chúng ta sống hạnh phúc hơn, lòng tri ân rất quan trọng. Một nguồn năng lượng mà mọi người chúng ta, phải luôn luôn phải tưới tẩm vào cuộc đời mỗi ngày, mỗi lúc, mỗi giây, ở mọi nơi. Năng lượng đó là năng lượng tình thương, năng lượng của lòng từ bi. Phật nhắc nhở thật kĩ những dạng năng lượng khác đều làm tổn hại và tăng trưởng cái chấp, cái tham, cái sân, còn riêng cái năng lượng từ bi giúp cho chúng ta rửa sạch những phiền ưu, lau chùi những phiền não và xây dựng lại một đời sống an lành ngay trong kiếp này, ngay tại gia đình, ngay trong hiện tại. Nhớ, Đức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta tu không phải như một người ích kỷ biết tích lũy tiền của không dám xài để dành cho kiếp mai sau, để cho kiếp này khổ đói, ăn mày, ăn xin mà bao nhiêu tiền keo kiệt chất đống để dành cho kiếp sau. Tu không phải là tu cho kiếp sau mà tu ngay cho hiện tại. Và nếu thực sự mọi người chúng ta hiểu được chân lý tu ngay trong hiện tại, hưởng ngay trong hiện tại này thì cuộc đời của chúng ta sẽ đẹp biết bao, sẽ hạnh phúc biết bao. Đừng như người ích kỷ, đừng như người keo kiệt chỉ tích lũy cho kiếp sau mà chẳng biết ứng dụng vào đời sống kiếp này. Chẳng cần phải giữ một cái gì cho kiếp sau các bạn à, chỉ cần tu để hưởng được hạnh phúc, để tạo được phước. Chúng ta là người Phật tử tại gia, mười cái điều thiện Đức Phật dạy, giữ tam chánh niệm, an trú trong từ bi, tin sâu và nhân quả và luôn luôn có niềm tin bất thối vào tam bảo, giữ năm giới. Người bình thường thôi, ta chưa nói tới cái cách thành thánh, thành Phật, Bồ Tát mà thành con người sống hạnh phúc để rồi có cái nguồn hạnh phúc dồi dào đó ta san sẻ hết để trong từng giây phút hiện tại ta và muôn người, chúng sanh có được hạnh phúc. Đó là điều cao quý cần thiết nghĩ tới chứ đừng nghĩ tới kiếp sau cho riêng mình và rồi bo bo giữ lấy. Đây là một cái dạng tạo cho tâm của ta vướng mắc, có dính mắc. Dù là chỉ biết tích lũy cho riêng mình để kiếp sau hưởng mà chẳng biết san sẻ ngay hiện tại, tâm đó là tâm của vướng mắc, tâm còn quái ngại.
Chủ đề hôm nay chúng ta chia sẻ trong 4 chữ “tâm vô quái ngại” trong cả cái bài Tâm kinh, tâm vô quái ngại rất quan trọng cho đời sống tái tạo lại hạnh phúc mà chúng ta đã bỏ quên để cho chúng ta mang cái nguồn hạnh phúc đó lan tỏa, trao truyền, san sẻ. Chẳng có người nào trên thế gian này mà có thể có được hạnh phúc nếu cái tâm của họ còn vướng mắc, còn có chỗ dính, còn có chỗ bám vào. Mà ở đời thật sự cũng kì, Bảo Thành và các bạn, chúng ta cứ khư khư ôm lấy cái tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mình và hình thành cả một hệ thống đúng sai ở trong đầu rồi. Bảo Thành có một cái hệ thống để phân biệt cái đúng và cái sai theo chiều hướng suy nghĩ và cái nhìn, nhận thức và ý thức của Bảo Thành và mỗi một các bạn cũng có cái hệ thống nhận thức, ý thức, phân biệt đúng sai, chuẩn mực để sống. Và cứ đếm đi, thế giới này hàng tỷ con người, chẳng ai có hệ thống tư tưởng giống nhau, ai cũng khác. Chính vì cái chỗ ai ai cũng khác mà khi chúng ta hai người gặp nhau thường đưa vào cái trạng thái sẵn sàng chống đối, chống kình, lý luận, tranh luận để mang cái hệ thống tư tưởng, nhận thức và ý thức của mình áp chế, lấn chiếm, xâm nhập vào con người khác để biến họ thành mình. Có lẽ đúng, ở trên đời ai ai, Bảo Thành và các bạn cũng vậy cứ mong muốn rằng mọi người phải như mình bởi trong chúng ta luôn luôn tôn sùng cái chính của ta và cho là cái hay nhất để mang bao nhiêu người quy về một cái mối suy nghĩ, hành động, nhận thức, ý thức của riêng ta. Ngay cả trên con đường học đạo Phật , pháp môn thì vô lượng chúng ta thệ nguyện học bởi các pháp môn chỉ là phương tiện khai thị cho phù hợp từng căn duyên mỗi người. Không khác gì món ăn, mỗi dân tộc trên thế giới, mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền, mỗi một con người có một cái sở thích ăn uống khác biệt. Hương vị, mùi vị, vật liệu chế biến, phương pháp khác biệt cho nên ở đời không ai ăn giống ai. Và Đức Phật nhận thấy mọi người chúng ta hiếm hoi lắm mời tìm được một người đủ phước duyên trùng hợp, tương ưng để đồng hành trên con đường tu. Đó là nói về pháp môn còn nói về nhận thức, ý thức ở đời mọi người chúng ta khác biệt dữ lắm. Ngay chỗ khác biệt này mà các bạn thấy cả cuộc đời chúng ta luôn luôn tranh luận, lý luận, chúng ta bám víu, chấp vào thành kiến, cái tri kiến, nhận thức, ý thức, cái hệ thống tư tưởng cài đặt do mình xây dựng. Và lâu dần biến nó thành một ông luật sư to mồm và ồn ào, nói dai, nói dài. Khi giao tiếp với ai đó, cái ông luật sư đó lấn chiếm đẩy ta lùi về phía sau không còn biết gì nữa, lấn lên phía trước mang cái luật hình sự của khuôn mẫu tư tưởng, ý thức, nhận thức của riêng ta lấn át, áp chế và như thế ta cãi hoài. Không phải chỉ bạn bè với nhau không đâu mà vợ chồng, gia đình, cha mẹ, con cái cũng thường hay rơi vào trạng thái tranh luận một cách gay gắt để rồi cuối cùng ai cũng bị tổn thương cảm xúc, đi đến sự đau khổ, phiền não. Chúng ta thường có cái thói quen đi ở đâu, đứng ở đâu, làm việc ở đâu cũng muốn đặt mình lên trên cao để người khác phục tùng, quy về với mình. Chúng ta thường có thói quen chơi với bạn là phải hơn bạn, bạn phải theo ta, phải nể ta, phải tôn trọng ta. Trong cái nhóm đông nhất gọi là chỉ có 2 người thôi ta cũng muốn phải chơi trội hơn, cao tay hơn, chưa có nói tới cái nhóm nhiều người đông bạn bè ta luôn muốn ta phải nổi trội và ta tìm đủ mọi thủ thuật, suy nghĩ để thể hiện cái điều đó. Chính những thủ thuật đó, suy nghĩ để thể hiện đó nó biến thành một hệ thống tư tưởng, nhận thức, ý thức và biến thành luật sư to mồm cãi hoài à, tranh luận, ồn ào. Đó là do cái tâm còn có quái ngại, tâm quái ngại là cái tâm còn có vướng mắc.
Các bạn có nhớ như cái thuở ngày xưa ở miền quê ta đi chơi, có lẽ bây giờ ít ai có được sự trải nghiệm như hồi Bảo Thành ở quê mà ngay tại Chùa Xá Lợi này cũng có, cái thể loại cây như vậy ta đi băng qua một cái nó dính đầy quần, nếu có cao nó dính vào áo, người Việt hay gọi là cây cỏ mây. Ở đây có nhiều loại cỏ, nó có cái hột, nó khác cây cỏ mây Việt Nam nhưng nó dính chùm, dính cứng ngay cả thú vật mà đi ngang nó cũng dính vào lông. Chùa có con chó, đôi khi đi ngang cái lùm cây đó vào nhà là cả một bụm như vậy dính vào người phải mất rất nhiều thời gian để gỡ còn không nó đóng cục lại sẽ làm hại con chó, dính như vậy khó chịu lắm. Mà đúng như vậy, đôi khi ở đời chúng ta thường có tâm dính mắc, mình nhận không có ra nhưng người khác nhận ra, người ngoài nhìn vô thấy. Ta vô tình ta chẳng thấy ta nhưng ta cố tình thấy hết tất cả mọi người, ta vô tình, ta vô tư, vô tư đến mức không nhìn thấy mình nhưng lại cố tình moi móc, tìm tòi người khác. Đó chính là cái tâm dính mắc tạo khổ, phiền não vô cùng. Các bạn đời sống ai có cái tâm vướng mắc nhiều, phiền não nhiều, đau khổ nhiều, đi tới đâu cũng nghĩ rằng thiên hạ thọc mạch, thị phi nhắm vào mình, khổ lắm. Người ta nói cái gì cũng nghĩ rằng người ta ám chỉ mình nên dễ sân, dễ giận, dễ bực mình. Không những thế mà đi tới đâu lại cũng mang cái mình của mình chình ình đặt lên phía trước, lấn át muôn người. Chúng ta không thăng bằng cảm xúc để mang lại hạnh phúc cho nhau mà cứ khư khư ôm lấy cái điều mình nghĩ, đây chính là chân lý, đây chính là những việc suy nghĩ mà có thể mang lại hạnh phúc cho muôn người. Nhưng thật ra nó chỉ là suy nghĩ một chiều và thực sự trái chiều với muôn người. Nhưng ta chẳng bao giờ lùi lại phía sau mà cứ lấn lên phía trước. Ông bà nói lùi một bước trời cao đất rộng nhưng ta lại lấn cả 10 bước về phía trước, trời còn đâu, đất còn đâu, chơi vơi giữa trời không, có thể té xuống hầm sâu của cái tôi.
Tâm không vướng mắc giúp cho chúng ta thoải mái ngay trong cuộc sống này đây thôi, con người này đây thôi mà cái tâm bớt đi 1 phần dính mắc thì hạnh phúc đã có rồi, nhiều phần dính mắc được bỏ đi là hạnh phúc muôn trùng. Chúng ta nhớ, gia đình, người thân là những người thường hay tạo khổ, gây phiền não nhưng nếu như vợ chồng tình nghĩa như con người đối xử với nhau, bớt đi sự dính mắc. Và chúng ta đón nhận sự khác biệt bởi Phật đã khai thị để không áp chế, không có khống chế, chúng ta sẽ có hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc mãi mãi. Đừng quá hảo huyền nghĩ rằng tập cái này, tu cái kia để có được hạnh phúc mà khi không ứng dụng được một cái rất bình thường đó là vẫn còn tràn đầy sự vướng mắc, phải gỡ bỏ những vướng mắc. Có lẽ hồi xưa ta còn thơ, còn trẻ, ta vô tình chạy vô cái đám cỏ mây để nó dính vào nhưng giờ lớn rồi, biết bao nhiêu những cái tôi, những cái ý thức, nhận thức, những cái hệ thống tư tưởng làm việc ở đời cũng như trên con đường đạo của chúng ta đã hình thành những cái bông cỏ mây. Dính vào trong đầu ta, đâm vào trong đầu ta để rồi khi ta đi ra ngoài nó ngứa ta lại đâm thủng dính vào người khác gây ra biết bao nhiêu chuyện phiền hà cho muôn người mà ta không biết, đó chính là bởi cái tôi. Trong kinh Trung Bộ, cái bài Đức Phật dạy về cái tâm vướng mắc như sau. Phật nói, có người nói chuyện chúng ta thật là hạnh phúc và nghĩ rằng đây là những điều nói đúng như ta nghĩ, lại có người nói họ kể cho tôi nghe, tôi không cảm thấy hạnh phúc bởi tôi nhận ra rằng đây chính là những điều không đúng và chẳng nói mang lại lợi ích cho tôi. Lại có người kể và nói cho tôi nghe một nửa tôi thích, một nửa không thích. Các bạn nghĩ đi, Đức Phật dạy cho thực tế không? Trong cuộc đời rất thực tế, đó là trong kinh Trung Bộ Đức Phật dạy như vậy. Ở đời có những con người nói chuyện, hành xử, làm việc ngay cả tu tập pháp môn này, pháp môn kia khi tiếp cận với ta, ta thấy thích bởi vì đúng pháp môn của mình tu nè, nói chuyện giống cái kiểu của mình nè, mình thích, thích một cách mê mệt, thích mà đến nỗi không còn thấy đường để mà trở về. Thích đến mức mà quên cha, quên mẹ, quên luôn làng, luôn xóm, quên luôn bản thân để rồi bán cả cuộc đời đi theo người đó. Lại có người, người ta tu pháp môn đó, người ta học như vậy, người ta hành xử như vậy, người ta ăn nói như vậy, người ta đối xử, ứng xử trong đời như vậy hoàn toàn không thích bởi vì nó không trùng hợp với tư tưởng của ta, nó không giống ta. Không những không thích mà ta còn chống đối lại, còn phản bác lại và ta còn vạch mặt họ ra bởi vì họ sai. Vẫn có những con người hành xử như vậy, nói năng như vậy, tu pháp môn như vậy, làm việc như vậy ta thấy hình như ta thích một nửa, còn một nửa ta không thích nghĩa là có lúc thích, có lúc không, ương ương dở dở, có. Các bạn suy niệm lại đời sống đã trải qua các bạn thấy có những người bạn chơi với chúng ta làm việc đó ta thích lắm mà cũng có những người bạn làm việc đó ta không thích hoặc là thích một chút, ghét một chút, không ưa một chút. Điều đó vẫn luôn luôn xảy ra trong cuộc đời chính là bởi vì chúng ta vẫn còn có cái tâm dính mắc, vẫn còn có cái tâm quái ngại chứ chưa có cái tâm vô quái ngại, chưa có cái tâm không vướng mắc.
Phật dạy, nếu những ai làm một chuyện gì, nói một chuyện gì, tu một cái pháp môn nào mà ta thấy thích, hạnh phúc thì chính là ta đang vướng vào tham dục, tham ái, chấp kiến và chấp trược. Bởi ta chấp, ta tham dục, tham ái nên khi người ta nói những cái chuyện mà nó phù hợp với ta, ta thích lắm, ta thích bởi vì nói vào cái tham ái, tham dục, nói đúng vào cái chấp kiến của ta, cái chấp trược của ta, cái chấp thủ của ta nên ta sướng, sướng rên cả người, đúng không các bạn? Còn ai nói mà ta không thích, nói vào cái chỗ mà không có tham dục, tức là cái chỗ mà lòng của ta không có tham vào đó, không có dính vào đó, không có đắm đuối vào đó thì ta không thích. Có những người bạn mua được món ăn thật là ngon về tặng cho chúng ta, người bạn nói món ăn ngon quá, tôi đã ăn rồi những nghĩ đến bạn tôi mua tôi tặng bạn. Mình vừa nhìn vô cái, trời đất ơi món này mà ngon cái gì. Chưa ăn đã chê bởi vì món ăn đó không phải món ăn ta ưa thích cho nên ta không thưởng thức được món ăn đó một cách chân thật và đồng thời không thưởng thức được cái cảm xúc thương yêu, quý trọng của người bạn đối với chúng ta. Nhưng lại có những con người vội vàng trong cuộc đời nghĩ đến ta mua đại thứ gì mang về nó trùng hợp với món ta thích thì trời ơi ta khen, ta khen tới mức luôn, khen tới trời tối, tối trời không biết đường về. Lại cũng có những con người mua về cho ta, ta vừa ăn khen ngon lại cũng chê vào đó là ngon “nhưng mà…”. Tất cả những trường hợp đó Phật gọi là tham ái, tham dục, chấp trược, chấp kiến, chấp thủ và tâm vẫn còn vướng mắc như trong kinh Trung Bộ Phật dạy. Và trong tâm kinh Đức Phật dạy một vị Bồ Tát là một con người thực sự không còn vướng mắc vào và khư khư ôm lấy chấp kiến, chấp thủ, ái dục, tham ái của chính mình, người đó đã buông bỏ vướng mắc để được tự tại. Người đó tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố có nghĩa là tâm không còn vướng mắc nên buông bỏ tất cả mọi những thứ điên đảo mộng tưởng.
Tâm không vướng mắc, tâm bình thản
Có không cũng vậy vẫn mỉm cười
Tâm không vướng mắc tâm sẽ bình thản, cái có cái không nó cũng vậy, chúng ta vẫn mỉm cười với điều đó bởi cái không có hay cái có đó là theo cái nhìn của ta, cái thấy của ta. Người ta thấy ta không thấy ta cho là không, ta thấy người không thấy ta cho là có cho nên có không cũng vậy vẫn mỉm cười. Đừng có chấp quá
Được mất hơn thua nào dính dáng
Cái được mất hơn thua có dính dáng gì đến ta thế vậy mà ở trên đời cái được cái mất đó ta nhảy vào bàn tán, xôn xao cả làng xóm, ngây ngất ngày đêm như người say không biết đường về. Hiện tại ngay nước Việt Nam khi có chuyện gì nóng hỏi trên mạng ai cũng hóng cái chuyện đó, chẳng biết mô tê nhưng mà ít nhất khi nghe tới là nhảy vào bàn luận. Nhất là những anh hùng bàn phím chê người ta ngu, chê ta người ta khờ, chê người ta dại rồi này kia, nói đầy hết. Khi cái tuồng nó tàn rồi mới nhận ra cái nào đúng cái nào sai, bởi vì sao? Bởi vì cái được, cái mất trong cuộc đời, cái hơn thua đó nó có dính mắc gì đến ta đâu nhưng chính vì cái tâm ta còn vướng mắc nên cái hơn thua ở đời nó còn dính dáng đến cuộc đời. Ta bị chi phối thật nhiều bởi những hiện tượng xảy ra ở ngoài xã hội cho nên những cái hiện tượng đó chi phối quá nhiều giết chết cái thời gian cho ta sống với hiện tại. Sáng sớm là mở Facebook coi thử coi cái chuyện đang ồn ào ở Việt Nam coi nó tới đâu rồi, những nhân vật ở trong đó đạt tới đâu rồi. Không những chỉ người đời mà ngay cả những bậc xuất gia cũng đôi khi dặm chân bước vào bàn tán, xôn xao. Chúng ta quá vội vàng và đồng lõa với cái sự vướng mắc của cái tâm để thích thể hiện cái sự hiểu biết, nhưng đi đến một chặng đường nào đó nhìn lại thấy ta sai. Hồi xưa người ta tài giỏi, vinh hoa phú quý ta hùa theo sau, các bạn thấy không, ngay cả hiện tượng mà nó đang xảy ra nè, không cần nói rõ tên các bạn cũng biết. Hồi xưa biết bao nhiêu người thấy, ôi hồi đó người ta giỏi người ta tài, hồi đó người ta được tán tụng, người ta được vinh hoa phú quý, biết bao nhiêu Phật tử, biết bao nhiêu con người ngay cả những người được gọi là có trí tuệ trong hàng ngũ xuất gia hay là những người được gọi là có danh tiếng trong cuộc đời cũng nghiêng ngã, sấp mình, cúi lạy, van xin để được một lần được gặp. Đến khi mà hình đã hiện nguyên rồi thân chồn hóa cáo chạy dài làm ngơ. Các bạn thấy không, đến lúc này thì bao nhiêu mới ngỡ ô ngày xưa ta là con chồn tưởng là con cáo thì bắt đầu là chạy dài làm ngơ, không có đâu, không có đâu. Cái chuyện đó xảy ra từ vô lượng kiếp qua mà nói gọn thôi là thấy sang bắt quàng làm họ, quấn vào trong cổ như thòng lọng nó giết ta. Cho nên các bạn nhớ:
Tâm không vướng mắc, tâm bình thản
Có không cũng vậy vẫn mỉm cười
Được mất hơn thua nào dính dáng
Lòng không khuấy động tất an vui.
Ta theo Phật để có sự an vui hiện tại, mỗi người chúng ta phải có nhận thức sâu sắc đau khổ, phiền não tới bởi chính là cái tâm có quái ngại nghĩa là cái tâm có vướng mắc. Chúng ta cần phải nhận thức được tâm vướng mắc gây ra phiền não, đau khổ, gây ta tai họa, gây cho chúng ta trở thành con rối, bị hiện tượng trong xã hội giật dây. Chẳng phải chỉ Phật tử đâu ngay cả những bậc được gọi là thông tuệ dựa trên nền tảng của kinh điển, của kinh văn, của sáo ngữ dễ bị thổi phồng. Phật tử phải chậm lại, con người học Phật là phải chậm lại, sống chậm để thấm nhuần để được nuôi dưỡng chứ không vội vàng như cái ống tre rỗng tuếch, thổi hơi vào nó kêu vang gọi là ống sao đó các bạn, nó có trầm bổng hay đó nhưng nó rỗng lắm. Sống như vậy thật là rỗng, sống cần phải sống với cái tâm chân thật, không vướng mắc, không bay nhảy theo các cao trào, không phóng tác bừa bãi theo cái tốc độ chóng mặt ở ngoài đời để đánh mất phương hướng, để không định vị được giá trị của cuộc đời, để tâm trở thành vướng mắc quá nhiều không thể lìa xa những điên đảo mộng tưởng tạo ra phiền não cho ta và cho người.
Tâm không vướng mắc, tâm bình thản
Có không cũng vậy vẫn mỉm cười
Được mất hơn thua nào dính dáng
Lòng không khuấy động tất an vui.
Để có cái trạng thái tâm không vướng mắc là cái tâm phải lìa xa ái dục, tham dục, kiến chấp, chấp thủ. Để lìa xa ái dục, tham dục, kiến chấp, chấp thủ chúng ta phải trở về thật sự để thực tập từ bi quán, chánh niệm hơi thở để có một đời sống chánh niệm hiện hữu trong từng giây phút trong cuộc sống. Nếu chúng ta không thực tập, chúng ta không tu luyện, chúng ta không công phu, chúng ta chẳng thể thành tựu, chúng ta sẽ biến mình thành một con người ồn ào, bảo vệ những cái ảo tượng, những cái ảo tượng đang phun lên ở trong đầu, gây nhiễu sóng đời sống của những người khác, không hay. Là Phật tử tại gia hay xuất gia, mọi người chúng ta phải tinh tấn tu học, phải có một sự trải nghiệm thật sự, phải luôn luôn, phải luôn luôn công phu không thể hời hợt trên cái bề mặt của chữ, không thể trượt dài trong cái chiều sâu của văn nghĩa huyền bí cao. Mà phải thực tế, thực tế như cây được tưới tẩm hút nước vào nuôi dưỡng và mọc lên. Còn nếu không thực tế, cây trồng giữa hư không mà tưới nước ở dưới đất nó héo, nó chết. Ta thường bay bổng trong cái khung trời mênh mông vô tận để cứ miệt mài, ngả nghiêng trên cái cõi lơ lơ lửng lửng mà chẳng trụ vào trong lòng đất, lòng đất của tâm thiện để tưới tẩm nước từ bi, năng lượng tình thương để trụ, để đón nhận, để nuôi dưỡng mà cứ lơ lơ phất phơ như cánh diều không dây biết bay về đâu rồi té xuống hàng rào, bờ dậu, bụi cây sẽ bị xé nát cho coi. Hãy trở về tu tập thực sự các bạn, dù một giây, một phút các bạn tu được, cái công năng tu ngắn hạn đó, ít ỏi đó vẫn mang lại phước báu, vẫn mang lại cái nội lực, cái định lực vững chãi để tâm không phiền não, đau khổ, tâm không đắm chìm trong tham dục, trong ái dục, trong chấp trược, chấp thủ, chấp kiến, trong cái tôi, trong cái thổi phòng đưa mình dậy, lấn át, chà đạp cái nhân phẩm của người khác. Trong cái sự tu mong manh nhỏ bé vẫn mang lại cho ta cái cảm giác thênh thang, cái tình thương rộng lớn. Các bạn nói tu ít sao làm được cái chuyện đó, các bạn có thấy hạt giống nhỏ như vầy không nhưng khi gieo vào lòng đất rồi nó mọc lên cái cây quá lớn, còn ra nhiều quả nữa. Các bạn có thấy cái hột xoài nó bé có chút à nhưng khi trồng xuống rồi nó mọc lên cái cây trời ơi nó lớn, nó cao, cao lớn, cái tàn lớn và rồi biết bao nhiêu trái xoài được sinh ra. Các bạn có thấy hạt thóc nó nhỏ không, nó mọc lên cái mạ, nó trở thành cây lúa rồi nó sản sinh ra không biết bao nhiêu hạt thóc. Chỉ một giây, một phút chánh niệm hơi thở từ bi quán, sống một đời chánh niệm như vậy là ta đẩy lui đi tất cả những vướng mắc trong cuộc đời, những chấp kiến, những tham dục, những ái dục, những chấp thủ để cái mầm bồ đề được gieo trồng nó sẽ vươn lên, trổ sinh hoa trái vô cùng, hạnh phúc lắm và tâm ta sẽ rộng thênh thang, không có vướng mắc. Tâm không vướng mắc là tâm cần phải thực hành, tâm cần phải được tu luyện, tâm cần phải được làm chủ trong chánh niệm hơi thở từ bi quán. Không có một phương pháp nào nữa, tất cả những phương tiện khác cũng đồng hành theo chiều đó nếu nó phù hợp với căn duyên của các bạn. Nhưng riêng với Bảo Thành từ bi quán, chánh niệm hơi thở đã mang lại lợi lạc cho Bảo Thành thật nhiều. Bởi Bảo Thành không khác gì các bạn,cũng đầy ấp những cái tâm sân, chấp kiến, chấp thủ, tham dục và ái dục vẫn còn nhiều lắm. Nhưng mỗi ngày trôi qua Bảo Thành đã dùng một cái giọt nước trong từng giây phút chánh niệm hơi thở từ bi quán nhỏ từng giọt vào cái đống núi mênh mông vô tận của kiến chấp, chấp thủ, ái dục, tham ái. Nhỏ vậy thôi vậy mà nó xói mòn được các bạn ơi cho nên đời sống của Bảo Thành ít nhiều gì cũng tịch tĩnh, cũng an nhiên. Giữa bao nhiêu chông gai, thử thách ập tới Bảo Thành vẫn trụ vững trong cuộc đời. Đây là kinh nghiệm thực tế của bản thân khi công phu miên mật hàng ngày để cho những tham dục, ái dục, chấp kiến, chấp thủ không mọc rễ. Nhưng vẫn bám lấy chánh niệm hơi thở để nuôi dưỡng từ tâm ở trong mình để tâm không còn vướng mắc dù chỉ là một chút xíu. Bảo Thành vẫn còn nhiều vướng mắc lắm nhưng ít nhất mỗi một ngày trôi qua trong từ bi quán chánh niệm của đời sống Bảo Thành đã bớt đi một hạt bụi của cái tâm không vướng mắc. Cho nên trong giây phút đó, như một hạt giống đã được gieo trồng sẽ trổ thành cây và cho nhiều hoa trái.
Tâm không vướng mắc, tâm bình thản
Có không cũng vậy vẫn mỉm cười
Được mất hơn thua nào dính dáng
Lòng không khuấy động tất an vui.
Các bạn, nay chia sẻ về điều này, tâm vô quái ngại nghĩa là tâm không vướng mắc, hạnh của ngài Quan Âm Bồ Tát cho nên độ nhất thiết mọi chúng sanh, độ hết thảy mọi chúng sanh. Nếu các bạn trở về với đời sống chánh niệm hơi thở, tu luyện pháp môn của mẹ Quan Âm đã tập tức là từ bi quán. Các bạn đọc trong kinh Phổ Môn các bạn thấy từ bi quán, chánh niệm hơi thở là pháp môn mà mẹ Quan Âm đã thực tập. Từ bi quán chánh niệm hơi thở như Hải Triều Âm, tuyệt vời lắm. Có nhiều bạn hỏi Mu A Mu Sa có nghĩa là gì, thuộc kinh điển nào, có gốc ở đâu? Có trong tất cả mọi tạng kinh, tất cả các tạng kinh của Phật dạy, của Bồ Tát dạy đều nằm trong chữ 4 chữ “rải tâm từ bi”. Mu A Mu Sa là một thứ ngôn ngữ xưa ý rằng rải tâm từ bi mà dịch cho nó dài theo sự hiểu biết của dân Việt Nam chúng ta tức là nguyện xin chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh hay nói ngắn gọn trong thiền học là rải tâm từ mà nói chuẩn mực hơn gọi là từ bi quán. Mu A Mu Sa là từ bi quán, là một phép quán, một ngôn ngữ, là một cái lời, một đề mục để hướng ta tới từ bi quán. Từ bi quán nằm trong phẩm Phổ Môn, thấy rõ mẹ Quan Thế Âm thực hành từ bi quán mà như Hải Triều Âm rửa sạch hết, cứu vớt muôn khổ đau của mọi chúng sanh. Nếu các bạn trở về thực hành pháp môn của mẹ Quan Âm dạy từ bi quán, chánh niệm hơi thở thì các bạn sẽ có được trải nghiệm làm xói mòn cái tâm chấp trược, chấp kiến, tham dục, ái dục của các bạn để đạt được cái tâm không vướng mắc. Chúc các bạn bắt đầu đi vào sự công phu như vậy mỗi ngày dù chỉ là một phút .
Cám ơn các bạn đã nghe! Mô phật
Câu hỏi và chia sẻ
Câu 1: Khi thấy điều gì sai trái thì chúng ta có nên lên tiếng về vấn đề đó không ạ?
Với cái tâm không dính mắc ta sẽ khéo sử dụng phương tiện, không phải nói về vấn đề sai trái theo cái cách ta nhìn nhận định bởi thông thường chúng ta có cái cách nhìn rằng ta luôn đúng, họ sai trái. Trước khi nói về chuyện đó ta phải tìm hiểu, nhà Phật gọi là chánh tư duy. Những điều bạn cho là sai, bạn nghĩ coi đối với họ sai hay đúng, đôi khi ta thấy 100% sai nhưng đối với họ là đúng. Đúng với họ mà chúng ta vô, chúng ta bàn luận, chúng ta chia sẻ cái chuyện sai của người thì hóa ra ta sai bởi với họ quá đúng mà. Cho nên dựa vào nguyên lý nào để thấy rằng sai hay đúng, ở đời gọi là dựa vào nguyên tắc, nguyên tắc chung. Giữa 2 con người sống chung có nguyên tắc chung gọi là luật, quốc gia thì có cái luật quốc gia, gia đình thì có cái luật của gia đình, ở đâu cũng có luật để mọi người đồng ý với cái luật đó thực hành cho đúng. Và cái luật đó được tạo ra bởi 2 con người, bởi một nhóm người, một gia đình, một quốc gia, luật tại gia hay luật ở thôn xóm, luật pháp quốc gia. Cũng có câu phép vua thua lệ làng, sao bạn biết rằng họ sai. Tâm không vướng mắc chẳng thấy sai và chẳng thấy đúng nhưng cái tâm đó là của Bồ Tát nha các bạn, ta sẽ học và tiến tới được cái tâm như vậy. Hiện tại ta là người, tránh phiền não thì những chuyện sai của người ta đứng ta nhìn, ta quan sát. Cái chuyện mà ta cho rằng người sai đó dựa trên nền tảng của nhân quả để biết sai hay đúng, cái chuyện là người ta làm đó có tạo ra đau khổ và phiền não cho nhiều người hay không. Nếu thực sự cái việc người đó hành, làm và nói tạo ra thật nhiều phiền não và đau khổ cho nhiều người thì dựa trên cái nền tảng của nhân quả, hành động, lời nói và việc làm của người đó không đúng với nhân quả, không đúng với pháp thiện gây tổn hại, phiền não cho nhiều người. Nhận định được như vậy trước nhất là có được một bài học cho ta tránh không bị sa vào những cái cách như thế khi người ta làm. Thứ hai, khi nói bạn thì chúng ta phải bàn trong cái tâm không có vướng mắc chứ đừng bàn chuyện đó trong tâm có vướng mắc để đẩy người ta xuống, để tôn vinh mình, để tôn vinh cái sự hiểu biết của mình, đó cũng là dính mắc vào cái tôi, tạo nghiệp. Tốt nhất là hãy tu luyện cái tâm không vướng mắc như biển rộng mênh mông rác rưởi con người thải xuống nó cũng sàng lọc cho trong suốt trở lại, bao nhiêu cái mùa nước lũ nó dồn ra sông, dồn ra biển đục ngầu à nhưng mà sông lớn biển rộng dần dần nó sẽ trong trở lại. Tâm không vướng mắc là tâm như hư không, như thái không, muôn chuyện sai ở đời chẳng có gì dính dáng tới mà chỉ có cái lòng từ bi nguyện hồi hướng cho người sai đó để họ lãnh nhận được tình thương để trụ vững trong cuộc đời để cái tuệ giác được lóe lên, họ ngừng việc đó không tạo khổ cho mọi người. Cho nên những chuyện sai của người ta không nhất thiết phải bàn , khuấy động, chạy theo nhưng ta phải chuẩn mực trong cái chánh kiến để tư duy về cái điều đó, coi hành vi, nghĩa cử của cái người đó mà ta cho là sai, mọi người cho là sai đó nó có tạo ra sự phiền não, đau khổ cho nhiều người không. Còn nếu như người đó làm mà không tạo ra sự phiền não, đau khổ cho mọi người, mang lại hạnh phúc, bình an cho mọi người mà ta cho là sai thì ta tôn sùng cái của ta. Còn nếu ta cho là đúng mà họ lại làm cho người khác đau khổ thì đó là sai cho nên sai và đúng phải dựa trên nhân quả. Nhưng quan trọng nhất đừng quá vội vàng để cho cái phong trào phê phán người thực sự đã sai để chúng ta tạo cái khẩu nghiệp, thị phi rồi phóng ra những cái tư tưởng, ngôn ngữ thô ác, đâm thọc. Mà hãy mượn ngay cái chuyện sai của người nếu tư duy theo nhân quả thấy rõ để phát triển lòng từ tâm, hồi hướng, thương cho họ thì ta sẽ tạo được phước báu. Có bàn chuyện sai của họ hay hồi hướng cho họ hay không chính là sự lựa chọn của bạn cho nên bạn hãy tư duy thật kĩ và lựa chọn một con đường để tăng trưởng phước báu cho mình, đừng lựa chọn một con đường sai. Còn nếu như bạn muốn nói ra trên cái chiều hướng xây dựng thì ta phải là một người tư duy cho rõ để rồi tiếp cận người đó ở trong một cái môi trường, một cái hoàn cảnh thuận lợi, tương tác để hai người chia sẻ trên tinh thần xây dựng không vướng mắc thì mới có thể chuyển hóa được. Còn không ta vô tình đổ dầu vô lửa họ sẽ sân lên cho nên khi phù hợp nhân duyên ta có thể chia sẻ như Phật nói không thể độ người vô duyên. Coi xem ta có duyên để độ họ hay không còn nếu không có duyên độ họ chớ có bàn cãi, chớ có nói vào nói ra tổn phước của mình. Hãy biến mình thành dòng sông lớn, hãy biến mình thành biển rộng mênh mông, dòng sông lớn biển rộng mênh mông với cái năng lượng tình thương của Phật, ta thương họ và hồi hướng cho họ. Mô Phật!
Câu 2: Với những người thân của mình hoặc là những bạn bè thân thiết ví dụ như con của con, con cháu hoặc những người bạn bè yêu thương thì bản thân con sống muốn nhận cái trách nhiệm là có thể dẫn dắt những người đó theo cái con đường mà mình thấy đúng nhất với họ. Khi mà họ làm những điều mà con cảm thấy không có đúng đắn, không nên làm thì nếu mà con không nói thì con cảm giác như là mình dung dưỡng, dung túng cho những điều không tốt, để cho những người thân của mình tiếp tục như vậy thì xin thầy cho con biết là trong những trường hợp như vậy thì nên làm như thế nào để mà có thể giúp đỡ trong cái tâm không có vướng mắc, không dính mắc, không có làm cho người khác phiền lòng, buồn lòng?
Cái tâm không vướng mắc là cái tâm biết soi chiếu thật rõ bằng trí tuệ vào tất cả mọi hiện tượng trong cuộc đời nên không còn dính mắc một chiều theo tư kiến, kiến chấp, cái tôi. Tâm không dính mắc là cái tâm có thể nhìn thấy cái thiên tư phước báu đặc biệt của người đó, những khả năng của người đó để rồi chúng ta ứng dụng đa phương tiện để kích hoạt cái khả năng, thiên tư của họ, phước báu của họ cho đâm chồi nảy lộc. Cái tâm đó mới là tâm không vướng mắc còn nếu như chúng ta thấy không hài lòng với mình để rồi mình sấn, xía vô chuyện người ta. Ở Mỹ có cái phim khi mà mình xía vô chuyện của người ta cái mũi của mình dài ra tức là cái mũi đâm thọc. Tâm không vướng mắc là tâm được soi dẫn bằng trí tuệ nhìn thấu và có khả năng quán chiếu nhân duyên của từng con người, của từng người bạn, người anh, người chị, từng con cháu trong nhà. Nhận ra được những cái thiên tư đặc biệt do phước báu của người đó mang tới trong kiếp này và khéo léo phương tiện để khơi mầm cho cái thiên tư đó được hiện hình, được phát triển trong cuộc sống. Nó đòi hỏi chúng ta phải có sự kiên nhẫn, nghiên cứu và tư duy. Phật dạy ngay cả lời Phật chúng ta cũng cần phải nghiên cứu cho rõ huống hồ chi nhân duyên của từng người. Ta phải nghiên cứu còn không ta vô tình tác động vào quá sớm mà chưa nhận rõ được cái thiên tư, cái năng khiếu bẩm sinh, cái phước báu vốn có, cái mầm sống trong tâm tưởng của họ trong kiếp này vô tình ta làm nó chết đi. Đây là một nghệ thuật sống của tâm linh, muốn giúp người cũng cần phải học. Cho nên để tâm không vướng mắc có thể thực hiện được hãy trụ vào chánh niệm hơi thở, quán chiếu bản thân thật sâu sắc để đuốc tuệ được bừng sáng. Bạn có thể soi chiếu được trong tự thân thì bạn sẽ có khả năng soi chiếu để hiểu được cái người đối diện, người yêu thương, người ta quan tâm để phát hiện ra những cái tiềm tàng, khả năng vốn có trong họ. Và khi phát hiện ra được rồi nhất định các bạn sẽ có được phương tiện phù hợp bởi người có trí tuệ quán chiếu mà rồi bạn sẽ soi dẫn phù hợp với cái tiềm năng ẩn tàng trong con người đó nhưng không cải sửa họ theo chiều hướng suy nghĩ của riêng ta. Cho nên hãy trở về với chánh niệm hơi thở tu tập thêm để tình thương của mình khi nghĩ tới người khác có cái tác dụng theo chiều hướng thiện lành, tốt đẹp, không vô tình ta thương người mà hại người. Có anh chàng kia đi giữa đường thấy người ta tông xe nằm một đống, thương quá sợ xe khác chạy ngang qua cán nguy hại nên sốc mạnh bế vô bên trong nhưng không hiểu rằng người đó đã bị té xe gãy xương rồi cần phải nằm im băng bó rồi mới khênh. Anh ta sốc lên cái xương nó chỗi ra, nứt ra và đâm lung tung, nó nặng hơn. Mục đích anh ta là thương người, cứu người nhưng lại không thấu hiểu được cái tình cảnh, không có chuyên môn cho nên tình thương mà không có chuyên môn, không có trí tuệ quán chiếu tình thương đó đôi khi làm hại và đi ngược lại cái điều ta mong muốn. Cho nên hãy tu tập, quán chiếu thật kĩ những cái sinh khởi trong tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta để nhìn rõ ta, nhân duyên và tìm ra cái tiềm năng tiềm tàng trong ta. Với con mắt trí tuệ tu tập như thế ta có khả năng quán chiếu được đối tượng y như họ có để từ đó tác động phương tiện, cách nói, cách tác động, cách khuyên bảo, cách sách tấn để cho họ vươn lên và thành công. Mô Phật!