Search

Sĩ Diện Cuộc Đời

Pháp Thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký

Hôm nay Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện về thuở xưa, có một Bà la môn, tức là có một phụ nữ giàu có ở Ấn Độ thời đó. Thường thường người giàu có hay so sánh với người giàu có, và thường hay đặt nặng danh tiếng của mình, không muốn thua ai. Người nhà giàu này, một hôm bị sa sút, cần phải sa thải một số người ở của mình để bảo đảm cho cuộc sống. Nhưng khi nghĩ đến vấn đề cho những người làm việc của mình nghỉ, bà sẽ bị mất mặt, cho nên bà ta buồn. Con đường quyết định của bà ta là gì? là tự tử, chấm dứt cuộc sống. Bởi cuộc sống của bà ta, cơ ngơi tiền bạc bị sụp đổ và bà muốn danh tiếng được giữ mãi. Nên chẳng muốn sa thải người làm để giữ được danh và tiếng với những Bà la môn khác.

Rồi có một vị tôn giả, đệ tử của Đức Phật, vị tôn giả này tên là Biện Tài. Trong khi ngài tu nhập định, quán chiếu nhân duyên, đã thấy được bà này có ý định tự tử. Một ý tưởng hoàn toàn không tốt trong khi phải đương đầu với sự thất bát của cuộc đời. Cho nên ngài đã tới để hóa độ cho bà Bà la môn này. Khi ngài tôn giả Biện Tài tới kể cho bà ta nghe về ý định của bà, có phải chăng là muốn tự tử vì sự thất bại của cuộc đời. Bà ta khâm phục, một ý tưởng thầm kín ở trong lòng, sao tôn giả lại có thể biết được. Do đó bà ta liền lắng nghe Tôn giả nói và Tôn giả nói với bà rằng: Nếu bà đi tự tử thì cái tội của bà thật là nặng, do vậy khi tự tử xong, đời đời kiếp kiếp bà sẽ bị thiêu cháy ở dước địa ngục, không thể thoát được và đau khổ vô cùng. Tốt nhất là đừng mang ý định tự tử.

Bà ta hỏi, nếu vậy thì tôi phải làm gì? Đức Phật dạy cho Biện Tài và Biện Tài nói lại cho bà Bà la môn rằng: Khi cuộc đời của con người có sự thành bại như vậy đều là bởi vì chúng ta tổn hại phước báu của mình. Do đó bà hãy cố gắng tu thập thiện. Trước là sám hối và tu thập thiện để làm sao chuyển hóa nghiệp chướng của mình, và tăng trưởng phước báu thì sẽ có trở lại phần phước báu tịnh tài giàu có khi xưa mình có. Chứ không có gì phải đi tự hại bản thân bằng phương pháp tự tử, sẽ bị đọa vào địa ngục đau khổ vô cùng. Bà ta nghe tôn giả Biện Tài hướng dẫn, và cuối cùng giác ngộ ra. Do đó bà ta đã cúng dường cho tôn giả Biện Tài và bắt đầu sám hối, tu thập thiện. Và quả thật, bà đã có được phước báu và sự giàu có của bà đã trở lại như xưa. Rồi từ đó, bà phát tâm luôn luôn cúng dường chư Phật và các hàng tỳ kheo của ngài. Bởi vì ngài Biện Tài đã giảng dạy và chỉ dẫn cho bà phương pháp tu dưỡng thân tâm, sám hối và thập thiện để tăng trưởng phước báu của đời người.

Các bạn thân mến, câu chuyện Bảo Thành ngưng ở chỗ đó để nói rằng trong cuộc sống của chúng ta, thật đau lòng cho cuộc đời của biết bao nhiêu con người mà chắc chắn các bạn đã từng nghe qua hoặc là chứng kiến. Có những người thất bại trong cuộc đời, họ không còn lối thoát. Bởi không hiểu được chân lý của nhà Phật, sự thành bại trong cuộc đời đều do phước báu và có phương pháp tu thập thiện để tăng trưởng phước báu. Do đó, họ kết liễu cuộc đời của họ bằng cách tự tử.

Có những người bị thất bại trên vấn đề tình cảm, nói rõ là thất tình, họ cũng tự tử. Và rồi cuộc đời chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục, bị lửa của địa ngục thiêu cháy muôn đời. Thay vi khi bị thất tình họ phải hiểu ra rằng, chẳng có duyên nợ, phước báu để mà kết nên thân vợ chồng. Thay vì tăng trưởng sự hành thiện trong mười pháp thiện và tu sám hối để tạo nhân duyên có được, thì họ lại không làm, họ đi tự tử. Có những con người nay giàu có, nhưng khi thất bại, họ mất mặt mũi với cuộc đời và cuối cùng tìm con đường tự sát, tự tử. Chuyện đó có, đã xảy ra trong cuộc đời. Về nhiều hình thức lắm, cái chuyện mà tự bách hại bản thân bởi cảm thấy tủi nhục khi mất đi về tiền, về tình hoặc là về danh vọng của cuộc đời, hoặc bị mất đi nhà cửa, hoặc mất đi cuộc sống bình ổn vốn có. Họ thường kết liễu cuộc đời của họ, chính là bởi vì họ không hiểu được chân lý của Đức Phật dạy. Tôn giả Biện Tài quán chiếu nhân duyên và đến hóa độ cho bà Bà la môn này, và giảng về ý nghĩa cảu sám hối và phước báu của tu thập thiện. Cho nên bà Bà la môn đã hành theo và có được điều đó.

  Các bạn thân mến, nếu như mỗi người chúng ta biết thành tâm sám hối trong cuộc đời, để rồi chúng ta thất bại trên tình trường hay thất bại trên thương trường, thì giữa tình trường hay thương trường đó, sự thất bại cũng là bởi vì phước báu không có đủ mà thôi. Hoặc chúng ta đã làm điều gì đó sai, để tổn hại đến phước báu. Chúng ta hãy thành tâm sám hối, nhìn lại những lầm chấp, lỗi lầm, tội lỗi của mình, thực sự sám hối và từ bỏ đừng tạo nó nữa. Chúng ta phải miên mật hành được mười điều thiện.

Các bạn, khi các bạn làm được điều đó rồi, hành được thập thiện, mười điều thiện trong cuộc đời. Những điều thiện từ ý nghĩ của mình, những điều thiện từ ngôn ngữ của mình, những điều thiện từ hành động của mình, các bạn sẽ tạo được phước báu, tăng trưởng thật nhiều để có sự thành đạt trở lại. Và khi các bạn bị hư hại phước báu, cũng chính từ thân ngữ ý của các bạn đã tạo ra những suy nghĩ, ngôn ngữ và tạo tác làm mất hết phước báu, cho nên các bạn bị thất bại.

Cuộc đời có thành và có bại, có lúc có rồi có lúc mất, có lúc được rồi có lúc không. Thành bại được mất ở đời là chuyện bình thường. Nếu chúng ta nắm rõ được chân lý của Đức Phật truyền dạy, thì chúng ta sẽ luôn luôn biết hành thập thiện và sám hối, để khi có phước báu ta lại tăng trưởng phước báu thêm, không bao giờ mất. Khi chúng ta mất mát đi một điều gì, các bạn nhớ rằng là chúng ta làm tổn phước bởi vì không biết thực hiện thập thiện và sám hối, cho nên phước báu bị hư, bị mất và bị tiêu tán, do đó chúng ta bị thất bại trong cuộc đời. Dù có thất bại, dù có tổn phước, vẫn còn có phướng pháp của chư Phật dạy là sám hối và hành thập thiện.

Cho nên trong cuộc sống, khi chúng ta đã thành công, cố gắng sám hối và tăng trưởng những pháp thiện qua mười pháp thiện mà Đức Phật dạy, để chúng ta có được những phước báu cao cả. Thập thiện, ba điều thiện từ ý của chúng ta. Cái mà tạo ra ác, tức là tham sân si. Chúng ta đối nghịch lại với tham sân si thì tâm của ta phải là tâm vô tham, tâm vô tham đó là cái tâm phải biết bố thí, phải biết san sẻ vì đó là một điều thiện. Tâm sân là điều ác gây tổn phước báu thì ta phải luôn luôn có tâm yêu thương, từ bi. Còn tâm si, là ngu dại, là tối tăm thì ta phải luôn luôn tu bằng thắp sáng trí tuệ, hành công phu và luôn luôn biết nghĩ đến mọi người trong sự bình đẳng, thì chúng ta sẽ phá mờ đi tất cả những gì gọi là si trong cuộc đời. Đó là ba điều mà gọi là điều thiện về ý. Còn ngôn ngữ của chúng ta, chúng ta thường nói những điều thô ác, những điều thị phi, những điều đâm thọc, rồi có nói không, không nói có. Những cách nói như vậy, bốn cách nói như vậy làm tổn phước báu của chúng ta. Thì chúng ta phải thực hiện những cách nói bằng ái ngữ từ bi yêu thương, nói bằng tâm chân thật, nói bằng có nói có và không nói không. Và chúng ta luôn luôn phải ngừng hẳn những chuyện thị phi đâm thọc. Bốn điều nói như vậy, sẽ tạo được phước báu vô cùng. Còn ba điều tội nghiệp từ thân là chúng ta sát sanh, chúng ta tà dâm, chúng ta trộm cắp. Thì để ba điều thiện tăng trưởng ngược lại, chúng ta phải biết phóng sanh, chúng ta phải biết cho đi, đừng có trộm cắp, phải biết cho đi, biết dâng hiến, biết hiến tặng và chúng ta luôn luôn phải biết yêu thương và trân trọng mọi người, đối xử đàng hoàng.

Những điều như vậy, đó là những điều phước thiện, chúng ta không cần phải giải nghĩa cho cao siêu. Thật là đơn giản, chỉ cần có những tư tưởng suy nghĩ cho nó đàng hoàng, đừng có xúc phạm đến người khác và có những ngôn ngữ tôn trọng, bình đẳng mang sự yêu thương. Có những hành động luôn luôn biết san sẻ tình thương của mình. Chỉ cần đơn giản như vậy thôi, đó gọi là thiện, những điều thiện từ thân ngữ ý, mà nói chung trong nhà Phật, phân tích ra là mười điều chúng ta có thể làm. Nhưng để tóm gọn lại, chỉ cần có ý thiện, lời nói thiện và hành động thiện. Tóm lại ba điều như vậy ta thực hành được, chúng ta sẽ tăng trưởng được phước báu của mình. Còn nếu như chúng ta không có ý thiện, không có những ngôn ngữ thiện và hành động thiện, chúng ta sẽ làm tổn hại phước báu và đưa đến sự thất bại về kinh tế, về tất cả những phương diện sinh sống trong đời người.

Các bạn nhớ, khi chúng ta thất bại là chúng ta đã có ý bất thiện. Khi chúng ta thất bại là chúng ta đã có những ngôn ngữ bất thiện. Khi chúng không thành công là chúng ta đã có những hành động bất hảo. Do đó chúng ta phải nghĩ lại, ý bất thiện, lời bất thiện và những hành động bất hảo kia là gì? Để chúng ta sám hối và buông bỏ thực sự, để rồi tăng trưởng ý thiện, lời nói thiện, hành động thiện. Sám hối và tăng trưởng điều này, chúng ta sẽ có lại phước báu để đưa đến sự thành đạt trong cuộc đời. Nghe theo lời Đức Phật, dù vẫn biết đó chỉ là phước báu của nhân thiên, nhưng rất cần lắm cho cuộc đời làm người của chúng ta. Nếu các bạn là cư sĩ tại gia, vẫn còn cần có những cái gọi là cơm ăn, áo mặc hằng ngày trong cuộc sống, lo cho đời thường, lo cho vợ con, lo cho con cháu của mình, lo cho những người yêu thương của mình. Chúng ta cần phải tăng trưởng phước báu bằng ý thiện và lời nói thiện và hành động thiện, để chúng ta không đánh mất phước báu mà vẫn còn phước báu để tăng trưởng những phước báu nhân thiên làm người của chúng ta, để chúng ta có một đời sống an ổn và hạnh phúc.

Các bạn thân mến, nếu các bạn đã thành công, hãy tu những điều thiện như vậy để đi đến sự thành công nhiều hơn. Và nếu các bạn thất bại, thì các bạn cũng nhớ rằng chúng ta hãy sám hối và tu thập thiện, để tăng trưởng phước báu để đi đến sự thành công trở lại. Đừng như bà Bà la môn kia, vì danh dự, vì mặt mũi và rồi muốn kết liễu cuộc đời của mình. Đây là một ý định, một tư tưởng hoàn toàn sai trái không phù hợp. Nếu các bạn tự kết liễu cuộc đời của mình khi thất bại, thì các bạn đã tự đày mình xuống địa ngục tăm tối và nơi đó, các bạn sẽ bị thiêu cháy đời đời khó có bề thoát nổi. Mong các bạn nhận thức được điều đó trong cuộc sống này và chúng ta biết sám hối, làm những điều thiện, để tăng trưởng phước báu, giữ vững nền tảng thành công của cuộc đời. Cám ơn các bạn đã nghe.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts